NHÀ THƠ HUY TRỤ - LÒNG NHƯ SUỐI CẠN SAO ĐÀNH VỚI THƠ
Thy Lan
Thứ sáu ngày 8 tháng 7 năm 2022 10:37 AM
Tiếp nối các thế hệ nhà thơ đi trước, nhà thơ Huy Trụ cũng quan niệm thơ phải đi từ cái riêng đến cái chung, từ cái cụ thể đến khái quát. Ông gắn bó “bạc đầu” với thơ và có nhiều suy ngẫm về thơ. Ông tự bạch làm thơ là “đa mang” cuộc đời và cũng tâm niệm rằng “đời người như áng mây trôi” nên “chỉ câu thơ… để mai sau mãi còn”. Đối tượng trữ tình mà ông nhắc đến có thể là một vị vua, một ông quan, có khi là vợ, mẹ, là chị hoặc một nhà thơ, anh bộ đội, công an, kiểm lâm… Cũng có khi đối tượng thơ ông viết chỉ là một anh xe ôm, một người say, một người điên, một hư không nào đó. Đôi lúc chỉ một cành cây ngọn cỏ bên đường mà gợi cảm hứng thơ. Nói cách khác thơ ông có tính cá thể hóa. Nhưng đối tượng xao động nhiều nhất, trở đi trở lại trong sáng tác của ông là nhân vật “em” với rất nhiều khoảnh khắc, cung bậc trữ tình. Bởi thế ông luôn nói được cái riêng chung mà người đọc thấy có mình trong đó. Thơ Huy Trụ vừa có cái tôi nhân hậu “Tình yêu tự trái tim người biết yêu” lại vừa khẳng khái với những kẻ “mưu mô” ở đời và hướng thiện con người “Ghét thì quẳng đám rong rêu/ Để yêu thương lại thả neo tìm về”…
Nhà thơ Huy TrụCảm hứng chủ đạo
Nhìn chung thơ Huy Trụ rõ nét với hai cảm hứng chủ đạo là tụng ca và tự bạch. Ở mảng thơ tụng ca ông giành tâm huyết để ca ngợi mảnh đất xứ Thanh nơi ông sinh ra lớn lên. Đồng thời nhà thơ cũng phát hiện, nêu gương, chia sẻ với những con người biết vượt khó, nhất là có tài đức đóng góp sức mình xây dựng cuộc sống mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… như các bài thơ: Về với xứ Thanh, Thế đứng Hàm Rồng, Sông Mã, Phụ nữ chúng mình, Suy ngẫm, Búp non tươi, Na Mèo ta nhớ, Sông Hạc ngày mai, Giao cảm, Dáng mẹ chiều nay, Như bao bà mẹ, Nét người, nét xuân, Nơi bắt đầu tiếng hát, Bức phù điêu… Trong bài thơ “Mẹ là cây lúa” nhà thơ ca ngợi mẹ, ca ngợi quê hương:
Mẹ là quê hương mẹ là tất cả
Là câu hò sông Mã vắt ngang sông.
Hay trong bài “Suy ngẫm” tác giả viết rất khái quát về cuộc đời con người:
Lời nói đẹp, đẹp người dùng đúng chỗ
Mọi quyền uy theo quy luật mới bền
Người thuyết phục người bằng đức tin nhân hậu
Xứ Thanh này còn lưu mãi tuổi tên.
Cảm hứng thứ hai thường thấy ở thơ Huy Trụ là cảm xúc tự bạch với rất nhiều những suy tư, có khi hân hoan, phấn chấn đôi khi buồn chán… Nhưng phần lớn ông nhìn đời bằng cái tôi lạc quan tin tưởng nên khích lệ con người vươn lên, cái buồn trong thơ ông có lúc man mác, nhớ nhung, có khi sầu cảm nhưng nên thơ… Các bài thơ tiêu biểu: Đời người, Bóng, Bâng quơ, Bất chợt, Nuối tiếc, Lục bát tự bạch, Lý giải, Nửa ta tồn tại, Mắc, Bùa mê, Bài thơ tâm sự, Day dứt, Lạy trời, Ngẫu hứng... Khi viết về những đau thương thời chiến tranh còn trong nỗi đau của chính người thân gia đình ông, của đồng bào thì ông bày tỏ sự tri ân, xoa dịu nỗi đau, khích lệ con người vượt lên số phận… với tình cảm xót xa nhưng không bi lụy: Một chiều, Trường ca Sông Mã, Thế đứng Hàm Rồng, Uống rượu dưới chân đồi C4, Ở nghĩa trang liệt sỹ…Đọc thơ Huy Trụ, ta gặp được nhiều lớp người, chỉ cần vài nét chấm phá thôi nhưng ít nhiều ta như thấy gương mặt, tính cách của họ. Có lúc ông lại như người bộ hành trên con đường “thiên lý” để thấu hiểu nhiều góc khuất của cuộc đời với nhiều éo le, ngang trái đó là các bài thơ: Một lần chị điên, Gửi một người say, Lời ru của người quét rác, Ta thành cửu vạn, Trước tòa, Bùa mê… Những câu thơ đầy ám ảnh:
Giờ sao lại đến nỗi này
Lời nói thật phải nói bằng rượu đắng
Để những kẻ làm bao điều dơ bẩn
Lại vỗ tay cười chế giễu thằng say…
(Gửi một người say).
Hoặc trong bài “Bùa mê” tác giả viết về những người bỏ quê hương mang theo ảo tưởng giàu sang:
Em đừng lạc chốn bùa mê
Nẻo đi thì có, nẻo về thì không
Vàng ư? Máu cuộn thành vòng…
Úa tàn thì đọng, thắm hồng lại trôi
Em về với mẹ đi thôi
Đất quê bùn đất, nuôi người trắng trong
Tác giả giành một số lượng không nhỏ là các tác phẩm bày tỏ về thơ hay trần tình, thù tạc với bạn thơ… như các bài: Gửi bạn làm thơ, Nghĩ về thơ, Chỉ câu thơ, Màu tím nói gì, Gom nhặt mà yêu, Bầu rượu thiên nhiên, Sự đời thơ vui, Gieo và gặt, Biển và em, Nghĩa xuân, Thế là…Gửi người đi, Lục bát tự bạch, Tiễn đưa, Thơ không bán… Thơ với Huy Trụ là máu thịt, là xương cốt không thể rời, dẫu có bị “đắm đò” thì cũng phải “vớt lên bờ” bằng được để làm sứ mệnh của mình như một định mệnh “thơ không bán chỉ cho người biết nhận”. Cũng viết về thơ ông tâm sự:
Lâu rồi chẳng muốn làm thơ
Trước trang giấy cứ vẫn vơ một mình
Câu thơ vốn rất đa tình
Lòng như suối cạn sao đành với thơ.
Ông ý thức rất rõ hạnh phúc của người làm thơ nhưng cũng hiểu khó nhọc của người làm thơ:
Câu thơ viết đứng viết ngồi
Ngổn ngang con chữ xác phơi trắng đầu.
Với 10 tập thơ (một con số tròn trĩnh đến nay) với hàng nghìn bài thơ chứng tỏ sự chung thủy của ông với thơ. Thơ vẫn luôn là tiếng lòng của con người đến với con người bằng sự thanh cao, trong sáng. Người làm thơ muốn được vậy là cả một sự bền bỉ, gian lao, độ lượng mới tới được.
Thơ Huy Trụ trước hết gắn bó với độc giả bởi tính đại chúng và tính nhân sinh. Đại chúng và nhân sinh bởi trong thơ như ông nói hộ những xúc cảm của đại đa số các thành phần trong xã hội với khát khao làm cho người với người gắn bó, yêu thương nhau hơn. Mối quan hệ thơ với đời được ông quan niệm ngay trong thơ rất rõ ràng: ‘Thơ như quả chín trên cành/Lại là lá đắng chữa lành vết đau“. Bởi thế: “Lòng như suối cạn sao đành với thơ“. Ông đã tự nguyện cả đời sống gắn bó với thơ:
Câu thơ đói rạc, đói dài
Theo anh từ buổi đương trai đến giờ
Ông làm thơ trước hết để ca ngợi mẹ, những người phụ nữ tảo tần hy sinh vì con cái. Các bài thơ tiêu biểu: Dáng mẹ chiều nay, Mẹ như giọt nắng, Mẹ ru con mẹ, Mẹ ơi, Mẹ và cây lúa, Với mẹ, Trường ca Sông Mã… Người mẹ trong thơ ông có khi là người đã sinh ra chính ông, có khi là người mẹ nuôi cán bộ cách mạng, có khi là người mẹ nông thôn… nhưng họ mang được nét hồn hậu, giàu đức hy sinh của người Việt Nam nói chung nên lay động được trái tim nhiều người. Từ tình cảm riêng: “Thời khắc mẹ sinh con ra/Giữa buổi cày trên ruộng/Vạt áo mẹ ba bề che chắn/Con quẫy đạp trời xanh/Quẫy đạp đất làng…“, cho đến tình cảm chung: “Mẹ như giọt nắng cuối trời/Để con ngửa mặt suốt đời trông theo” (Mẹ như giọt nắng) hoặc: “Quanh năm nốt lạt buộc người/Buộc cây mạ buộc một đời đa mang” (Dáng mẹ chiều nay). Những câu thơ lạ mà quen, quen mà lạ. Quen vì “Mẹ như giọt nắng cuối trời” tạo nên sự đồng cảm nhiều người, lạ vì riêng một cách nói của Huy Trụ về mẹ. Một cách ví von mẹ như nốt lạt tưởng là dân dã mà lại đầy thuyết phục, giàu liên tưởng. Nốt lạt gắn với cây mạ là gắn với đồng ruộng nhưng nốt lạt buộc người thì đã thành phẩm chất “lạt mềm buộc chặt” nói tới sự nhường nhịn, mềm dẻo trong ứng xử của con người. Với hai câu thơ hiện lên cả không gian sống, dáng dấp, cả nhân cách sống của người mẹ. Hiệu quả câu thơ mang lại không chỉ do ngôn ngữ giàu hình tượng mà hơn hết vẫn từ một sự thắm đằm tình yêu với mẹ, từ sự thức thổn lòng mình mà nói hộ những đứa con. Nhất là người mẹ khi không còn bên ta nữa sự tiếc nuối càng làm câu thơ như như tiếng nấc nghẹn ngào:
Góc vườn vàng lá trầu rơi
Nghe lăn lóc tiếng bình vôi gọi người
(Mẹ như giọt nắng).
Hai câu thơ không nhắc mẹ mà hiện hình dáng mẹ. Hai câu thơ không một từ nhớ mà tiếc nhớ dâng trào. Bình vôi, lá trầu là hai hình ảnh quen thuộc nhưng cách nói của Huy Trụ có màu sắc riêng và “quện” vào lòng người thắm đỏ. Phải là cả một tấm lòng tri ân mới nghe được sự chuyển động cả trong tiềm thức đến thế. Màu “vàng” của lá trầu là màu của tự nhiên nhưng đó cũng là màu của chia ly. Cả tiếng “lăn lóc” của bình vôi khi không có mẹ trên đời cũng buồn não nuột. Thơ đã làm được một việc mà ngôn ngữ thường không nói được là vừa cụ thể hóa và khái quát hóa lại cũng trừu tượng hóa tình cảm của con người.
Đối tượng trữ tình mà Huy Trụ hướng đến trước nhất vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi, trong đó người lính được tác giả đặc biệt quan tâm. Rất nhiều bài thơ đáng chú ý như: Chuyện tình lính đảo, Có một người, Vùng đất bão, Ghi ở Hàm Rồng, Viết trên đồi C4, Ở nghĩa trang liệt sĩ… Người lính trong thơ Huy Trụ bình dị trong màu áo cũng có nét bình dị trong tâm hồn như cuộc đời thực:
Lính cười đá cũng nôn nao
Đảo chìm đảo nổi vẫy chào sóng hoa
Trăm quê biển đảo là nhà
Bắp ngô bẻ nửa quả cà cắn đôi
(Chuyện tình lính đảo)
Đặc biệt sự hóm hỉnh đáng yêu của người lính qua câu chuyện tình được nhà thơ tái hiện như những thước phim quay chậm, mộc mạc mà rất thơ “Tôi là hòn đảo riêng em chủ quyền“. Có lẽ cô đúc hơn mọi lời diễn giải. Biên giới tình yêu rạch ròi là thế nên mọi thứ trở nên vô hiệu không gì chia cắt nổi. Tình yêu và hạnh phúc gắn với tình thương và trách nhiệm khiến người lính và người vợ, người yêu ở hậu phương luôn vững bền. Người lính rất thiệt thòi nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Tình yêu họ mãnh liệt bao nhiêu thì lãng mạn bấy nhiêu:
Đã gì mà dám trách nhau
Áo tôi rách, đồng đội khâu vụng về
Trăm nghìn người lính xa quê
Yêu chung một mảnh trăng thề đầu non.
Từ những câu chuyện cụ thể, Huy Trụ đã nói lên đặc trưng của đời sống tâm tư người lính. Vô tư là thế nhưng trước những điều trái tai gai mắt người lính lại bộc trực vô cùng. Họ hiên ngang là thế “mặc áo lính suốt một thời trai trẻ” và “trước cái chết vẫn ào lên như sóng”. Đến hôm nay tinh thần vì cái chung vẫn còn nguyên trong nhiệt huyết. Họ vẫn chiến đấu trong thời bình để chống lại cái xấu cái ác:
Trút vội ba lô, chúng tôi cuốc chúng tôi cày
Cày cuốc đến bao giờ hết cỏ năn, cỏ lác
Một nhánh lúa vừa nhô lên khỏi đất
Trăm thứ sâu, trăm thứ giật chia phần
(Vùng đất bão)
Nhà thơ Huy Trụ đã từng là người lính nên cũng thấu hiểu “chất lính”. Thơ ông có phần chất phát, thẳng thắn, bộc trực nhưng không kém phần lãng mạn.
Đối tượng trữ tình ám ảnh nhất với nhà thơ Huy Trụ là nhân vật “em”. Trong cuộc đời sáng tác ông dành cho đối tượng này một vị trí lớn với hơn nửa số lượng tác phẩm là minh chứng. “Em” xuất hiện trong thơ Huy Trụ đa phần với mùa xuân. Một loạt bài như: Nghĩa xuân, Bông hồng có gai, Chỉ có em, Chút xuân, Tìm xuân, Khúc tự xuân, Em đến, Nghe xuân, Bầu rượu thiên nhiên. Em về, Phút giao thừa, Thôi thì, Dịu dàng xuân, Ru xuân, Khúc xuân thị mầu…Phụ nữ gắn với mùa xuân có gì đó là sự trẻ trung, giàu sức sống và đáng yêu. Trước hết ông giành tâm huyết cho những câu thơ tặng vợ:
Có em lòng bớt ganh đua
Bớt đi thù hận, bất hòa, nhỏ nhen.
Hoặc nói về sự hy sinh của người vợ, nhà thơ chia sẻ:
Em nhặt phù sa đắp bồi mầu mỡ
Đâu biết tuổi xuân mình như phía lở bên sông
Người vợ với ông không đơn thuần chỉ là người vợ bổn phận mà là người tri âm, tri kỷ. Đôi khi thi sĩ “quen” thói đa tình lại về thủ thỉ với vợ “Em đừng trách cứ chi anh” bởi sự đa tình là phẩm chất của nhà thơ. Làm thơ là sự đồng cảm với tình cảm của con người, rung cảm với những rung động của con người. Viết về tình yêu trai gái nhà thơ tôn vinh người phụ nữ:
Không có em biển đẹp để làm gì
Biển sẽ chết vì cô đơn lặng lẽ
Không có em biển đẹp rồi cũng thế
Trước nõn nà con sóng vỗ ngu ngơ.
(Biểnvà em)
Hoặc những câu thơ như họa:
Em ngồi đó dịu dàng xuân
Mềm như liễu, lại thắm đằm như hoa
(Dịu dàng xuân).
Bài thơ Giá em bày tỏ rất cụ thể nỗi niềm của đấng mày râu với phái đẹp:
Chỉ tại khuôn trăng đầy đặn quá
Một tầm tay với chạm vào hoa
Chỉ tại số đời anh mắc nợ
Càng gỡ, càng vương vướng lối ra.
Nhà thơ còn khẳng định: “Mới biết cuộc đời vui biết mấy/Thiếu em ta hóa sợi neo: chờ!“. Mùa xuân đem đến sức sống cho con người là thế nhưng ngược lại tình yêu cũng làm đẹp cho đời, cho mùa xuân thêm thi vị “Tình yêu sinh được sắc xuân bốn mùa“.
Thiên nhiên trong thơ Huy Trụ rất mỏng mảnh như làn nước, con sóng, chao nghiêng như chiếc lá, quanh co một ngõ trúc, vấn vương cánh cò, cánh vạc, ánh trăng hoặc nghiêng ngả như một chén rượu xuân “Nâng chén đất trời nghiêng ngả múa“… Không những thế, nhà thơ yêu thiên nhiên như yêu con người vậy:
Dẫu lá cây cũng có cuộc đời
Cũng vàng vọt sau một thời lá thắm
Tôi ngước mắt mắt nhòe bao số phận
Nẻo đường chiều ai nhặt tiếng ve
Và tự lòng ngỡ lá hát tôi nghe…
Huy Trụ – Thức trong mơ
Tập thơ mới Thức trong mơ tập thơ thứ mười của Huy Trụ đã dành cho thơ và đời rất nhiều sự chia sẻ. Thức trongmơ là tập thơ gồm 40 bài, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5-2014. Đây là một tập thơ vừa kế thừa những nét riêng của thơ Huy Trụ nhưng cũng có những bài có được sự phát triển mới mẻ trong cách thể hiện so với trước. Tập thơ có nhiều đề tài như quê hương, con người xứ Thanh, người lính, tình yêu gia đình, bè bạn… Bài thơ Vườn em chính là sự tiếp nối từ cái tôi trữ tình đằm thắm, da diết cộng hưởng thêm cái táo bạo, trần trụi mà giàu liên tưởng và mang mỹ cảm hiện đại. Huy Trụ đã tự làm mới mình, làm mới cho thơ. Trước đây ông cũng thổ lộ tình cảm của nhân vật trữ tình(anh) với đối tượng trữ tình(em), Huy Trụ viết: “Đổ bao vướng vít vào lòng/ Vẫn không lấp được khoảng mong một người” (Ngẫu hứng). Tác giả đã có sự kế thừa câu thơ “Một người chín nhớ mười mong một người“(Nguyễn Bính). Nhưng đến những câu thơ “Vườn em” ông đã rẽ một lối riêng:
Gom hết ngày đông vào vạt áo
Thả hết nắng hồng xuống gót son
Mùa xuân nhu nhú mơn man gió
Đồi mơ men ủ búp căng tròn
Cũng là mùa xuân nhưng trong (Khúc tự xuân) mùa xuân “dan díu” nhưng rất vòng vo: “Câu chèo em hát xẩm xoan/Yếm đào buộc rối, tơ non mắt nhìn“. Cũng là “rối lòng” người trai trong “buổi xuân xanh ấy” nhưng giãi bày theo lối thơ hiện đại “được nói hết những gì mình nghĩ” thì chỉ đến bài thơ “Vườn em” Huy Trụ mới có sự cách tân quyết liệt:
Anh nấp vườn em rung trái cấm
Đào mai tròn mắt đợi giao thừa
Nâng chén đất trời nghiêng ngả múa
Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa
Nói thế để thấy được đổi mới thơ là việc làm khó. Tự mình thay đổi “gu” của mình càng khó. Trước đó Huy Trụ vẫn làm mới thơ mình bằng cách thay đổi về đối tượng trữ tình chứ “hơi thơ”, “điệu thơ” thi thoảng thay đổi không “triệt để”. Chẳng hạn ở tập thơ mới này trong bài “Khúc xuân thị Mầu”, nhà thơ thanh minh cho sự “lẳng lơ” của Thị Mầu “Lẳng lơ ai cũng có phần/ Tại người giả bộ lối gần quành xa” là quan điểm mang sắc thái hiện đại. Ngay cả cách kết ở câu lục là cách tân thơ lục bát. Nhưng về phương diện đổi mới tư duy thơ vẫn chưa rõ trong cách biểu hiện động thái tình cảm. Cho đến bài thơ “Vườn em” đọc lên ta ngạc nhiên như một sự thoát thân, ngôn từ “động” và “mới”. Từ “yếm đào buộc rối” đến “Gom hết ngày đông vào vạt áo” là một sự thay đổi không phải trong nhận thức mà trong cách thức biểu đạt của nhà thơ. Trước đó ông thường bộc bạch một cách e dè kín đáo theo cách người xưa vẫn nói. Mỹ cảm hiện đại đã “cởi trói” cho những ràng buộc “khuôn vàng thước ngọc” để chạm đến cái đời thường cái dung dị như đời vốn có. Bài thơ trần tục mà không dung tục, quyết liệt mà không “phô”. Nhiều động từ, động tính từ mạnh “gom““thả“, “ủ“, “nhu nhú“, “nâng“, “nghiêng ngả“, “đợi“, “rung“, “đằm“, “mặc“, “mơn man“, “căng tròn“, “đưa“,… liên tục xuất hiện trong bài thơ tám câu tạo nên một dòng thác xuân chảy tràn trong thơ. Và đặc biệt là bài thơ giàu ngôn ngữ tượng hình và có tính nhạc. Trong thơ mỗi động từ, tính từ, danh từ, trạng từ… cứ như một nốt nhạc lên bổng xuống trầm khiến đất trời chao “nghiêng”. Bài thơ trên dễ được sự đồng cảm của đọc giả nhiều lứa tuổi khác nhau chính cũng bởi tính hiện sinh, hiện đại mà Huy Trụ đã làm được.
Kalinin đã có câu nói nổi tiếng: “Mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da“. Thơ Huy Trụ có ưu thế biểu hiện rõ mối quan hệ máu thịt ấy. Về nghệ thuật, mặc dù con đường thơ Huy Trụ đã được ghi dấu ấn một thời với thể thơ lục bát nhưng đến nay thể thơ ấy có phần mòn cũ làm già hóa thơ ông. Thơ Huy Trụ giàu khái quát nhưng có nhiều bài tính ước lệ, tính trừu tượng chưa cao. Cũng may nhà thơ vẫn luôn khát khao vượt lên chính mình để “không dẫm lên bước chân của mình và bước chân người khác”.
THY LAN