Một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây”
Thưa ông, gần đây viết trên tạp chí Cộng sản ông đã phân tích những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Tuy nhiên nếu chọn một nguy cơ “ác tính” nhất thì đó là gì?
-Tôi đã có trên 30 năm nghiên cứu về vấn đề này. Trong nhiều tham luận tại các cuộc hội thảo và trong các bài viết tôi đã phân tích những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Tuy nhiên, theo tôi, nguy cơ lớn nhất vẫn là chủ nghĩa cá nhân, bè phái, phường hội trong Đảng. Một ông làm quan mà lôi tới 30 người họ mạc vào bộ máy cầm quyền thì còn gì là tổ chức nữa.
Thế mới có tình trạng khôi hài là người chủ trì công việc cấp ủy ở địa phương, khi họp thì “kính thưa đồng chí bố, các đồng chí bác, các đồng chí chú và các đồng chí con”. Đó là sự suy thoái về chính trị, bạc nhược về đạo đức, phân liệt về hành động, là mầm họa đối với Đảng. Ở không ít nơi nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén, hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức đảng để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, gia đình, phường hội, họ.
Tệ hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc tập trung dân chủ để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng”, với “tôn ti riêng”, biến nơi họ phụ trách thành một đảng phong kiến, cha truyền con nối, họ mạc. Cái đó nó làm nát Đảng. Bề ngoài thì thầm lặng, ở trong thì sôi sùng sục.
Bề ngoài tưởng một khối thống nhất, nhưng bên trong thì năm bè, bảy mảng. Hay nói ví von là một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây” trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc. Nó làm cho hàng ngàn các tổ chức chi bộ đảng có nguy cơ thành hàng ngàn những “bao tải khoai tây”. Trong các cuộc họp thì không phát biểu, ra ngoài thì thậm thậm, thụt thụt nói xấu người này, công kích người kia. Thậm chí là có nơi còn lừa đảo nhau cả phiếu bầu.
Đấy là những u biếu ác tính ở trong Đảng. Đấy là những cục nghẽn mạch máu, nếu không kịp thời chữa trị thì Đảng có nguy bị đột quỵ. Hay nói một cách khác, nếu không cẩn thận thì sẽ loạn 100 sứ quân chứ không chỉ 12 sứ quân quân đâu. Nói đến chuyện này tôi lại nhớ tới cuốn “Quần thư khảo biện” của Lê Quý Đôn. Trong đó ông có phân tích 5 nguy cơ có thể làm mất nước: (1) Trẻ không trọng già, (2) Trò không kính thày, (3) Binh kiêu tướng phá, (4) Tham nhũng tràn lan, (5) Sĩ phu ngoảnh mặt.
Vì vậy, nếu chúng ta không nhận diện cho rõ, chỉ ra cho chính xác, bắt cho đúng mạch, mặc dù rất đau lòng, những căn bệnh- nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng để chữa trị thì sẽ không thể nào làm cho Đảng vững mạnh được.
Phương thức lãnh đạo “5 cầm”
Vậy chữa căn bệnh này bằng cách nào, thưa ông?
-Trước đây tôi có nói đến ba vấn đề có tính chất căn bản nổi bật- ba kế sách về phương thức cầm quyền của Đảng. Đó là, (1) “Hai nhận thức” trong việc đổi mới trọng trách cầm quyền tất yếu của Đảng (sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước). (2) Phương châm “5 hóa” (khoa học hóa, dân chủ hóa, văn hóa hóa, hiện đại hóa và trách nhiệm hóa), (3) “5 cầm”. Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh ở Phương thức “5 cầm” này thôi. 5 cầm là cầm cái gì?
Một là, Cầm Đạo. Đạo là đường. Đó là con đường mà Đảng phải đi, nền tảng mà Đảng phải giữ, nguyên tắc mà Đảng phải nắm lấy và phát triển bằng mọi giá. Hai là, Cầm “Cương”. Đó là toàn bộ cơ sở pháp lý và những nguyên tăc căn bản của Đảng làm nên rường cột đảm bảo cho Đảng được tổ chức và hoạt động một cách chính danh, khoa học. Ba là, cầm “Tướng”. Trên phương diện tổ chức là phải cầm tướng chứ không phải cầm quân. Nó như trong quân đội. Tất cả những bộ máy, tất cả những tướng lĩnh phân loại ra mà quản. Thay tướng thì đổi vận.
Cho nên Hội nghị TƯ 4 khóa XI bàn rất kỹ về người đứng đầu. Không chọn đúng người đứng đầu tốt là hỏng việc. Thứ tư là, cầm “Tâm”. Uy tín của Đảng, uy tìn hữu hình và vô hình. Từng con người đảng viên cụ thể phải trở thành một biểu tượng, niềm tin thể hiện trí tuệ. Tôi nhìn anh A vào BCH là tôi yên tâm. Anh ta là người được anh em quý mến, là người có tầm nhìn. Đảng phải cầm tâm. Mà cầm tâm mới là vô địch. Cho nên trong một bài viết trước đây “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng” tôi nhấn mạnh: “Mỗi người đứng đầu phải trở thành thủ lĩnh”.
Năm là, cầm “Thời”. Đây chính là tầm nhìn thời cuộc. Khả năng tiên liệu thời thế, tầm nhìn chiến lược. Hơn 750 năm trước Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế”. Còn Hồ Chí Minh, trong bài “Học đánh cờ”, viết: “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lạc nước đôi xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”.
Cần một Bộ luật về Đảng
Đảng cần tìm và trọng dụng những người có tâm, có tài, có trí, có dũng để giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy Đảng và nhà nước, được nhân dân tín nhiệm và tin yêu. Nhưng có một thực tế là người dân đâu có quyền lựa chọn những người đứng đầu bộ máy Đảng mà mình tin yêu, thưa ông?
-Nhìn ra các nước trên thế giới, tuyệt đại đa số các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền người ta tiến hành lựa chọn người đứng đầu bằng phổ thông đầu phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi giành được chính quyền Cụ Hồ đã gửi thư đến các lãng, xã, thôn, bản để tìm người tài. Theo tôi thì chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện chế và các thiết chế để hướng tới như vậy.
Việc thực hiện bầu người đứng đầu bộ máy Đảng và Nhà nước bằng phổ thông đầu phiếu chắc còn phải có thời gian dài nữa, thưa ông?
-Đó là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Cách đây khoảng 1 tháng, tôi có đề xuất là năm nay tôi sẽ đi khảo sát khoảng trên 20 đảng và liên minh các đảng cầm quyền để nghiên cứu về vấn đề này. Theo tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể đưa 3-4 ứng viên ra tranh cử có cương lĩnh, chương trình hành động để chọn lấy một.
Phải đạt đến mức ấy chứ. “Tôi” đi dự đại hội Đảng “tôi” phải có tư cách như Điều lệ đảng quy định. Rồi thì tiến tới phải thực hiện cơ chế “trách nhiệm của đại biểu”. Nếu “anh” bầu người không xứng đáng thì “anh” sẽ bị xử lý trách nhiệm. Ngày xưa các cụ nghiêm lắm. Ông A mà giới thiệu ông B vào chức quan nào đó. Ông B phạm pháp, không những ông B bị xử lý nghiêm mà ông A- người giới thiệu cũng bị tước quan và đuổi về địa phương.
Từ khi ra đời đến nay Đảng hoạt động chủ yếu dựa trên Điều lệ Đảng. Theo ông thì Điều lệ Đảng đã đủ chưa? Đảng có cần một Bộ Luật về Đảng không?
Đây là vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Chúng ta đã đặt ra rồi, và không phải chỉ một lần. Tôi còn nhớ cách đây chừng 7-8 năm, khi đi học tập ở Trung Quốc tôi cũng đã đặt vấn đề này ra với phía Trung Quốc. Nếu pháp luật được coi là thượng tôn thì mọi tổ chức đều phải có luật để ràng buộc.
Không phải “chỉ được làm theo pháp luật” mà “phải làm theo pháp luật”. Không ai được đứng trên và ngoài pháp luật. Đấy chính là cơ sở để đảm bảo dân chủ. Đấy là cả một quá trình tìm tòi. Chân lý không gắn với vận mệnh thì là chân lý suông. Mà vận mệnh không đạt đến mức độ chân lý thì không ai dám chắc vận mệnh sẽ tồn tại được bao lâu.
Xin cám ơn ông!