Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẸ TÔI

Lê Bá Thự
Chủ nhật ngày 12 tháng 4 năm 2020 9:51 AM



Truyện ký

1

Mẹ tôi kể: Vào lúc tờ mờ sáng một ngày tháng chạp năm Nhâm Ngọ, trời rét căm căm, trong ngôi nhà trống tuềnh trống toàng, che chắn sơ sài, bên bếp than rực hồng, tôi cất tiếng khóc oa oa chào đời. Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm, mừng hết chỗ nói, vì như thế có nghĩa là “mẹ tròn con vuông”. Mẹ tôi mừng còn vì một lẽ khác nữa, mẹ đã sinh nở một lần và lần đó không thành. Đã một lần sinh nở không thành, cho nên lần này mẹ tôi chỉ sợ “Ngài” lại về bắt mất đứa con của mình. Và để “bảo toàn tính mạng” cho tôi, sau nhiều đêm suy tính mẹ tôi đã quyết định lấy tên ông quét chợ Vạc (làng Vạc, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa bây giờ), một ngôi chợ cách làng chừng ba cây số, trên bờ sông Chu, đặt tên cho tôi. Vì theo cách nghĩ của mẹ tôi, tên người quét chợ là cái tên xấu trần đời, người quét chợ là kẻ cùng đinh, nghèo rớt mùng tơi, khố rách áo ôm, không một tấc đất cắm dùi, thì “Ngài” hay ma quỷ chẳng thèm đụng đến hắn ta, chẳng thèm bắt hắn mà làm gì. Và thế là tên của ông quét chợ Vạc ngày ấy, ông Thự, cũng là tên tôi, mang họ bố tôi thì họ tên tôi là Lê Bá Thự.

Khi biết nói, tôi gọi mẹ là “chị”, mãi sau này mới chuyển sang gọi “mẹ”. Tôi còn nhỏ, chưa biết gì, cho nên mẹ dạy sao thì tôi làm vậy. Sau này đọc sách báo tôi được biết: Đôi khi con cái bị bắt phải gọi chệch bố mẹ, để tránh thân thiết quá mà bị ma quỷ quấy nhiễu. Đây là tục lệ có phần mê tín dị đoan nhưng cho đến hiện tại, một số vùng nông thôn Việt Nam vẫn dùng. Tục này dẫn đến việc gọi chệch bố mẹ thành “anh chị”, “cậu mợ”, “chú thím”, những danh từ vốn chỉ những người thân khác, gần gũi với “bố mẹ”.

Theo lời kể của mẹ tôi, hồi nhỏ tôi rất thích nghịch nước. Cho nên mỗi khi tôi làm nũng mẹ (dân làng tôi gọi là “uốn mẹ”), cứ đòi mẹ bế đi chơi, thì mẹ tôi chỉ cần lấy một chậu nước, đặt tôi ngồi vào đó, tôi thoải mái nghịch nước, hết quấy rầy, mẹ tôi muốn làm việc gì thì làm. Có lẽ vì “thích nước” từ hồi còn bé cho nên sau này lớn lên, suốt ngày tôi lội nước – lội ruộng, lội ao, lội sông, lội mưa... lội khi làm cỏ, lúc bón phân, lội khi nhổ mạ, lúc tát nước, lội khi úp nơm, lúc bắt cua, bắt ốc, lội khi tắm ao, lúc tắm sông, tắm mưa... Gộp lại, có khi thời gian tôi lội dưới nước, “chung sống” với nước nhiều hơn thời gian tôi ở trên cạn.

2

Khi tôi lên 5, lên 6, mẹ tôi thường cho tôi đi ăn giỗ, ăn Tết bên ông bà ngoại ở thôn Quy Xá (mẹ tôi thường gọi là làng Nguộn). Tôi thích lắm, mỗi lần được mẹ cho đi như vậy. Đường từ làng tôi sang quê ngoại khoảng ba cây số. Nhưng con đường này đi qua một nghĩa địa, còn gọi là bãi tha ma. Đi qua nghĩa địa mẹ tôi rất sợ ma, chỉ sợ ma bắt mất tôi. Cho nên, mỗi lần sang quê ngoại, ra đến chỗ bụi tre đầu làng, mẹ tôi dừng lại, xắn váy đi tiểu tiện, hứng nước tiểu vào tay rửa mặt cho tôi. Mẹ tôi bảo:

– Thự ơi, con đứng lại đây, mẹ lấy nước đái (mẹ tôi và làng tôi gọi nước tiểu là nước đái, đi tiểu là đi đái, cho nên tôi thích dùng từ “đái” khi kể chuyện về mẹ, cho nó “nguyên văn bản gốc mẹ tôi”) mẹ rửa mặt cho, để “ma nghĩa địa” không bắt con, vì ma sợ mùi khai nước đái (?!).

Tôi còn nhỏ, rất sợ ma, cho dù chưa bao giờ nhìn thấy ma. Tôi ngoan ngoãn đứng yên cho mẹ tôi xắn váy hứng nước đái rửa mặt cho tôi. Nước đái phả mùi khai vào mũi, và hơi mằn mặn khi thấm vào miệng tôi, nhưng tôi ráng chịu để trừ “tà ma” (?!).

Xong đâu đấy, mẹ lại dắt tay tôi, hai mẹ con yên tâm đi tiếp trên con đường băng qua cánh đồng, sang bên nhà ông bà ngoại.

Và bài “nước đái trừ tà ma” của mẹ tôi đã công hiệu. Tính mạng của tôi được bảo toàn. Cho dù khi đi ngang qua nghĩa địa tôi thấy có rất nhiều mồ mả, mả mới, mả cũ, hàng dãy dài…

3

Hồi kháng chiến chống Pháp, cho đến năm 1954, Thanh Hóa là vùng tự do, rất nghèo khổ và lạc hậu, thiếu ăn, thiếu mặc, kinh tế tự cung tự cấp, cho nênthiếu thốn mọi bề. Hồi đó, ngay đến cả xà phòng giặt cũng không có. Quần áo toàn “giặt chay”.Tôi chẳng bao giờ có xà phòng để tắm gội. Toàn “tắm suông”. Tóc tôi thường tốt lút mang tai, vì lười cắt. Hồi đó tôi cắt tóc không trả tiền mà trả thóc. Tôi thường đến cắt tóc tại nhà người thợ trong làng gọi là “anh Hĩm Trí”. Mỗi lần cắt phải trả công bằng hai cân thóc. Người thợ ghi nợ vào sổ, đến vụ gặt mẹ tôi mới mang thóc đến nhà thanh toán cho nửa năm. Đầu tóc tôi cực bẩn. Đó là môi trường tuyệt vời cho loài chấy sinh sôi nẩy nở. Có thể ví cái đầu bù xù rậm tóc và bẩn thỉu của tôi là một “cánh rừng nguyên sinh”, nơi “loài dã thú chấy” ngày đêm thả sức tung hoành, hút máu. Tóm lại, đầu tôi đầy chấy và trứng chấy. Lắm hôm ngứa như điên, tôi dùng lược bí chải đầu, nhưng chẳng ăn thua gì, không hiệu quả. Vì lũ chấy trên đầu tôi cực khôn, cực láu cá, chúng không chịu thua tôi, cho nên đa phần bọn chúng thoát thân, không bị sa lưới. Chúng chẳng coi tôi ra gì, chúng càng hút máu của tôi nhiều hơn, càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn và đầu tôi càng ngứa ngáy khó chịu. Lũ chấy trên đầu tôi khinh thường tôi, chỉ có mẹ tôi mới là đối thủ đáng gờm của chúng.

Buổi sáng mùa đông, trời giá buốt. Cả nhà đã ăn hết rổ khoai lang luộc, tạm gọi là ăn sáng, mẹ tôi chưa vội đi làm, vì trời vẫn còn giá buốt, chưa thể lội xuống ruộng nước lạnh cóng. Ra ngồi ở góc sân sưởi nắng, mẹ tôi gọi:

– Thự ơi, cầm chiếc ghế con ra đây mẹ biểu(bảo).

Tôi chẳng hiểu mẹ tôi định bảo gì. Nhưng tôi vâng lời mẹ. Ra đến nơi mẹ tôi nói:

- Ngồi xuống đây mẹ bắt chí(chấy – ngôn ngữ làng tôi) cho.

Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống, trong lòng mẹ, trên chiếc ghế con. Và thế là “trận tìm diệt chấy” của mẹ tôi bắt đầu.

Mẹ tôi cho các ngón tay nhỏ nhắn lần vào từng món tóc bẩn thỉu của tôi, tìm chấy, và chỉ trong chốc lát đã nghe thấy tiếng mẹ tôi:

– Đây rồi, mi chết với tau rồi, – mẹ tôi hô to, khi tóm được một con chấy, hình như mẹ muốn hô to cho cả tôi cũng nghe thấy, để hai mẹ con cùng mừng.

Mẹ tôi sung sướng cầm con chấy bắt được trên hai đầu ngón tay, ngón cái và ngón giữa, đưa lên mắt ngắm nghía “chiến quả” với vẻ mặt đắc thắng. Rồi mẹ tôi khẽ nhét con chấy vào giữa hai hàm răng, sau đó nghiền mạnh. Một tiếng “đốp” vang lên, tôi cũng nghe thấy, con chấy đã bị tiêu diệt. Nói đúng hơn nó đã bị đền tội, nó đã phải đền nợ máu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mẹ tôi hả lòng hả dạ. Mẹ tôi sung sướng và cả tôi nữa, cũng sung sướng. Cứ thế mẹ tôi lần lượt tiêu diệt hết con chấy nọ đến con chấy kia. Phải đến sáu bảy con, không kể trứng chấy. Sau mỗi “trận thắng” như vậy đầu tôi bớt ngứa rất nhiều, tôi ngủ ngon giấc hơn.

Sau này, mỗi lần mường tượng lại hình ảnh hai mẹ con ngồi ở góc sân bắt chấy, trong buổi sáng mùa đông giá lạnh ở làng quê năm xưa, tôi thực sự xúc động trong lòng. Đây là một bức tranh đẹp mà tôi muốn đặt cho nó tiêu đề: “Cái nghèo và tình mẫu tử”.

4

Trong số những loại quà chợ mẹ tôi mua thì món bánh đúc mắm tôm là món hiệu quả cao, có thể ăn no bụng được. Hôm nào đi chợ Go mẹ tôi thường mua chừng năm sáu cái bánh đúc gạo đỏ. Bánh đúc chợ Go to bằng cái bát ăn cơm úp ngược, nom giống “bầu vú phụ nữ”. Bánh đúc Go bùi, đậm đà, có vị nồng nồng đặc trưng của bột gạo đỏ (gạo thông, gạo lức) đồng chiêm pha với nước vôi. Bánh đúc bao giờ cũng chấm mắm tôm, cho nên mua bánh đúc xong thì mẹ tôi mua mắm tôm. Ngày trước ở quê tôi người ta thường gói mắm tôm vào lá chuối, chứ làm gì có túi ni lông như bây giờ. Nhưng, theo tôi, như thế lại hoá hay, vì rất “sinh thái”. Cầm miếng bánh đúc mềm trong tay, chấm, hay quệt vào bát mắm tôm mùi thơm phức, cho vào miệng nhai qua loa rồi nuốt chửng, tôi thấy sướng cái bụng. Tôi có thể ăn no bánh đúc mà không cần ăn cơm. Chẳng phải chỉ mình tôi thích bánh đúc mắm tôm đâu, mà trong làng tôi, nhất là các bà, các chị, có nhiều người “nghiện” món bánh “hồn quê” này. Dân làng tôi thường truyền miệng câu: “Cô kia bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược, cửa nhà tan hoang”.

Nói chuyện bánh đúc mắm tôm quà chợ tôi lại nhớ, có lần tôi, bố tôi và em tôi ngồi quệt bánh đúc vào mắm tôm đựng trong bát, ngồi ăn ngon lành. Ăn hết mấy chiếc bánh đúc mẹ mua, thành bát vẫn còn dính đầy mắm tôm, tôi bèn dùng ngón tay quệt quanh, vét hết nhẵn chỗ mắm tôm còn sót lại, rồi cho ngón tay vào miệng mút lấy mút để. Thấy vậy em tôi bảo, anh ăn mất vệ sinh nhé, ai lại đi mút ngón tay bao giờ. Hơi bị xấu hổ, tôi im thin thít, chẳng nói năng gì. Hơn chục năm sau, tôi sang Ba Lan du học. Tại nhà ăn sinh viên, tôi nhiều lần tận mục sở thị, có bạn sinh viên Ba Lan mút lấy mút để, nom rất ngon lành, ngón tay mình, khi bị thức ăn dính vào đó. Thì ra, “tôi Âu hóa ( ?!)” từ hồi ở quê, hồi ăn bánh đúc quệt mắm tôm, thế mà tôi cữ ngỡ là mình quê mùa, ăn uống mất vệ sinh.

5

Sau chót, tôi xin kể chuyện này: Đã nhiều lần tôi cùng bạn bè tham dự các cuộc karaoke. Tại các cuộc vui chung như vậy tôi chỉđăng ký, hoặc xung phong, hát duy nhất một bài, không hơn không kém. Tại vì, đây là ca khúc tôi yêu thích nhất, ca khúc đã chiếm lĩnh tình cảm, tâm hồn tôi, thấm sâu vào con tim khối óc của tôi, và là ca khúc duy nhất tôi có thể hát lưu loát trọn vẹn cả bài. Lắm khi tôi còn được mọi người khen hát hay. Đó là ca khúc “Lòng mẹ”: Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,/ Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,/ Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào./ Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…

Tôi thương, tôi nhớ MẸ TÔI…

LBT.