Ghi chép
Từng nghe về một nhạc sĩ ( NS) An Chung tài hoa và bài hát Đường cày đảm đang. Lại được thấy một NS An Chung ngoài đời thực. Tóc bồng bềnh, thường sơ mi trắng cài kín cổ, mùa nực cũng vậy thỉnh thoảng ghé cái xe đạp màu xanh qua Hồ Xuân Hương đón má Lan. Sao hồi ấy cánh phóng viên trẻ độc thân hay gọi nhiều người là má? Phải má Lan có cô con gái xinh xắn? Chả biết!
NS An Chung có mặt ngay từ ngày đầu thành lập Nhà xuất bản Mỹ thuật-Âm nhạc (năm 1957). Đây là nơi tập hợp nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như La Thăng, Tô Hải, Hoàng Hiệp, Lương Vĩnh, Thái Cơ, Xuân Giao... Ông gắn bó với với công việc xuất bản cho đến lúc mất năm 1986. Những ca khúc nổi tiếng Trăng sáng đôi miền, Chuyển lộng ra khơi, Tôi người lái xe, Hát lên em-cô gái Thái Bình, Đường cày đảm đang… lứa chúng tôi nhiều người thuộc.
Chị Lan vóc người cân đối thuở trẻ chắc cỡ hoa khôi? Hồi tôi về báo, chị đã non bốn mươi mà ngó còn khá mặn mòi. Chị Lan không biết thạo cái nghề đả tự viên từ khi nào. Mà không chỉ tiếng Việt. Chị đánh chữ Anh, Pháp thành thạo. Cái tài ấy của chị rất ít khi được mang ra dùng. Đâu như vài lần, người của nhà xuất bản ngoại văn, của Bộ ngoại giao đến nhờ chị, tôi mới biết? Nghe đâu trước đó chị làm ở bộ phận nào đó của Bộ Ngoại giao.
Chị Lan khá khó tính. Mà tinh lắm. Có cái lạ, bản thảo của anh nào xếp hàng chờ đánh máy mà có hơi hướng sào sáo tóm lại là thuổng, luộc lại chi tiết nào đó của đồng nghiệp trong báo hay ngoài chị đều biết. Nhưng không bao giờ làm toáng. Chị kêu tới chỉ vào cái dấu hỏi chị đánh bên lề bản thảo. Nghĩ mà ngại sức đọc sức nhớ của chị?
Má Lan hưu. Ở với con dưới Lò Đúc. Thời ấy khốn khổ chưa có vi tính. Chữ tôi lại thoắng khó đọc. Cánh đánh máy mới luận không ra. Lần ở nước ngoài FAX về. Cái câu trong bài những sứ thần Việt Nam họ đọc thành những sư thầy Việt Nam. Một thời gian sau thấy nhờ vả chị cũng phiền và việc đánh máy ở cơ quan lại nhiêu khê nên cuối 99 tôi cắn răng mua cái laptop. Trầy trật mãi mới quen.
Lại nhớ thêm chuyện đánh máy, ngoài chỗ chị Lan, tôi thường cậy nhờ chú Mạnh nhà bên hông tờ Văn Nghệ ở phố Trần Quốc Toản. Nhiều bữa ghé Mạnh đi vắng. Một ông già dáng lừ đừ trông lành. Ngồi chuyện một hồi mới biết đó là là nhà văn Cao Nhị.
Ông Cao Nhị hồi ấy còn khỏe nhưng không đánh máy mà bà vợ ông hoặc Mạnh con trai. Thời ấy chưa có photo nên mỗi bản Mạnh lót cho hai tờ giấy than xanh hoặc tím. Đọc bản đánh máy thấy bài vở câu chữ thấy sang hẳn so với bản viết tay?
Lắm hôm đợi bài ngồi chuyện với ông Cao Nhị. Hóa ra ông già khá mặn chuyện. Nhiều lần chả có bản thảo gì tôi cũng cứ ghé. Dạo tôi viết bài về Phùng Quán hay có chi tiết dính đến Phùng Quán là ông Cao Nhị nhắc tôi bổ sung thêm chi tiết này khác… Hóa ra ông là bạn thân của Phùng Quán. Cái hồi nhân văn ông có tham gia biên tập vài bài vở gì đấy nên bị vạ lây. Phải nghỉ việc mấy năm ở một cơ quan nghiên cứu. Ông chỉ cái chái nhà vẩy thêm dùng làm bếp dưới kia cũng một tay ông Phùng Quán làm đấy!
Tiếp quản Thủ đô, bà vợ ông Cao Nhị đi Nam với một cậu con trai. Ông Cao Nhị ở Bắc có thêm gia đình riêng sinh ra Mạnh.
Cậu con trai đi Nam sau thành lính thủy quân lục chiến. Sau 1975, người ta nhắn cho ông Cao Nhị là người con trai Cao Xuân Huy đang ở một trại cải tạo tại miền Tây Thanh Hóa. Ông Cao Nhị bị cói, thập thững tàu xe đi thăm con. Bao nhiêu năm không hề giáp mặt đứa con thơ dại ngày ấy. Nhưng đến trại gặp một tốp trại viên đang vác nứa ngược chiều, ông Cao Nhị thấy một người đang thất thểu ngoài cùng tiến lại gọi khẽ Beng đấy à! Bó nứa bất ngờ loạng quạng rồi nghiêng bung biêng. Beng là tên cũ hồi bé của trung úy thủy quân lục chiến Cao Xuân Huy. Không ai biết và gọi tên ấy trừ người ruột thịt. Hai cha con gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu ấy.
Có lẽ nhờ ông Cao Nhị tác động sao đó nên Cao Xuân Huy được ra trại sớm. Nhưng dứt khoát đã không theo lời khuyên này khác của bố. Huy vượt biên mấy lần mới thoát. Sang Mỹ, ngoài việc kiếm sống, Cao Xuân Huy cũng viết lách. Sau này người ta coi Tháng ba gãy súng là tác phẩm nổi trội của một người viết ở hải ngoại là Cao Xuân Huy.
Bẵng đi lâu lâu. Cái laptop giúp tôi nối mạng được nhiều thứ nhưng bớt đi nhiều những giao du. Dạo gặp lại Mạnh thằng em đả tự viên thuở nào thì mới biết ông Cao Nhị đã mất. Buồn nữa người anh của Mạnh, nhà văn Cao Xuân Huy cũng mất vì ung thư ở Cali.
Khoảng giữa năm 1978 tôi được biệt phái về vùng than. Nằm ở Vàng Danh, Mạo Khê, Tràng Bạch. Đi thực tế là bắt buộc với các phóng viên trẻ. Nhưng tôi lại thấy chả đến nỗi nào. Tuần chỉ theo công nhân vào lò 3 buổi. Lại được ăn no. Thức ăn cá kho mặn hoặc chút thịt. Canh khi bí đỏ nấu mắm tôm hoặc rau muống. Tiền ăn không phải trả, chỉ phải nộp tem gạo 225 gram/ bữa. Nhưng cơm thì thoải mái. Chả bù cho ở nhà ăn tập thể TƯ Đoàn chỗ bà Thơm chỉ có một đĩa sắt tráng men Hải Phòng đơm hơi lùm lùm. Thời ấy người ta rất quan tâm đến bữa ăn công nhân mặc dù đời sống khó khăn. Nhiều bữa tôi chứng kiến cửa nhà ăn bị khóa trái lại đợi cho công nhân đi ca uống hết cốc sữa bồi dưỡng. Sợ là họ nhịn giấu mang về cho con.
Sau đợt đổi tiền tháng 5 năm 1978 nhẹ thênh vì chỉ nhõn có 1, 5 đồng, tôi nhảy xe đi Hòn Gai. Dự định chuyến đi là phới về Hòn Gai chơi với Phạm Mạnh khi đó là phóng viên TTXVN thường trú ở Quảng Ninh. Một việc nữa được hay không cũng chả sao là chuyện gặp nhà văn Lý Biên Cương.
Số là Lý Biên Cương từng là cộng tác viên ruột của Tiền Phong, thời ấy gọi là Thông tín viên. Những năm đầu sáu mươi, Lý Biên Cương được Tiền Phong cử đi học Trường báo chí. Học xong về hẳn Báo.
Thời gian ở Tiền Phong có một cô phóng viên xinh xắn, người mà tới thời cánh trẻ chúng tôi gọi vui và thân mật là má đã có một mối tình hơi bị đẹp nhưng dang dở. Đẹp thì mới dang dở. Dang dở thì mới đẹp. Nhưng để lại hậu quả là có một cô con gái. Chuyện ít người biết. Và đến tận thời điểm này tôi vẫn nghĩ, mình không được phép bạch hóa công khai chuyện kín ấy ra. Vì là chỗ thân thiết Má X. ( tạm gọi thế) thấy tôi biệt phái về vùng mỏ. Má kéo ra dặn nhỏ là nếu rỗi và có gặp khó khăn gì về công việc thì ghé nhà văn Lý Biên Cương.
Tôi biết gặp được đâu phải dễ, ông nhà văn ấy đương rất nổi? Mà tôi thì chả có việc chi phải nhờ vả?
Liền suốt một tuần mê mải cái trò vui thú với Phạm Mạnh. Đêm xuống, chúng tôi dùng đèn pin hoặc đèn khí đá ( đốt bằng đất đèn) rong dọc rìa mép Vịnh Bái Tử Long. Chỗ ấy thường chỉ nông đến bắp chân. Nước biển đêm trong văn vắt lộ rõ những chú cua, tôm và cá loại nhỏ. Cứ thế vợt hoặc khéo léo xúc. Có đêm được gần yến. Bữa thì tinh mơ đi thuốn sá sùng. Được Mạnh giải thích do đọc chệch âm sa trùng là sâu cát. Thứ này ngon bổ không thể tả.
Bất ngờ Phạm Mạnh nói không chỉ biết mà còn thân với Lý Biên Cương nữa. Thời điểm Phạm Mạnh dẫn tôi đến Lý Biên Cương khi đó hình như vừa rời báo Quảng Ninh sang Hội văn học tỉnh thì phải? Vợ con ông về nhà ngoại, mỗi nhà văn ở ngôi nhà cũng chật ở phố thị Hòn Gai. Lý Biên Cương người dong dỏng, tóc hơi bồng. Khi tôi nói má X. gửi lời hỏi thăm anh thì thoáng từ cặp mắt phớt nâu loang ra thứ ánh sáng hơi là lạ. Tự dưng ông chìa ra cái bắt tay rất chặt kèm chất giọng như gió thoảng cảm ơn chú em…
Tối ấy chúng tôi ăn cơm và ngủ lại.
Hồi ấy chưa đọc nhiều Lý Biên Cương nhưng biết anh là hạng ký giả xông xáo có tài. Được Mạnh gợi ý, và nghe anh kể lại chuyện đấu tranh chống tiêu cực bằng … thơ hơi bị ngộ. Nó là thế này. Ở một xã của huyện Yên Hưng thuộc Quảng Yên một cán bộ tư pháp 27 tuổi bắt dân gọi bằng… ông! Tòa soạn cử anh về nơi có ông con giời ấy. Một tuần sau. Trên mặt báo có bài ca dao.
Những dòng chép tay ngày ấy còn nguyên trong sổ tay của tôi.
Chuyện đâu có chuyện nực cười/ mới hai bẩy tuổi bắt người gọi ông/ việc cần phải đến cửa công/ mà gọi bằng bác là không ổn rồi/ ra đường chậm hỏi chậm mời/ lấy danh tư pháp lệnh đòi dân lên/ về tội coi nhẹ chính quyền / bắt làm kiểm điểm đi đền dân công/ huyện Yên Hưng có biết không/ ở xã Liên Vị có ông lộng quyền.
Báo về đến xã lập tức bị thu hồi. Ban Biên tập lại cử phóng viên xuống, làm rõ… Vị cán bộ nọ bị cảnh cáo và tuột cả chức!
Đêm ấy tôi được Lý Biên Cương đưa cho tờ Văn Nghệ in bài thơ của anh có một đoạn hơi bị… lộ thế này.
Đêm lạnh em nằm ở mãi đâu/ anh quờ mong nắm ngón tay nhau/ Con người khốn khổ nghèo yêu quá/ Một thoáng hơi tay nghĩ đã nhiều.
Một thoáng hơi tay nghĩ đã nhiều! Chao ôi điểm nhấn hay điểm nhãn của bài thơ về một nỗi nhớ. Mà nghĩ, Lý tiên sinh không viết về Má X. thì còn ai vào đây nữa?
Cú kỷ luật quan hệ bất chính ấy xuống tay với Lý Biên Cương hơi nặng. Rời Tiền Phong về vùng Mỏ cũng không thoát. Anh bị kiểm điểm, bị khai trừ Đảng. Nhưng không gục hẳn. Vẫn viết đều. Có bạn đọc yêu mến Lý Biên Cương đã chắp nối những tên tác phầm của Lý lại thế này ( chữ in đậm là tên tác phẩm)
Lý Biên Cương ơi người tôi yêu mến
Biết gửi về đâu cạn chén rượu sầu
Quả trong lòng tay đang mùa chin đỏ
Tím nẻo trời vô tích ai qua
Chốn Biên Cương nay Giã Quỳ vàng rực
Ngọn đèn đông bắc biển sáng cô đơn
Để đêm ấy vùng than ai thức
Để bây giờ ta lại nói về nhau
…
Rồi cũng loáng thoáng biết được qua má X. Lý Biên Cương đã đón cô con gái cơ nhỡ ngày nào về Hạ Long lo việc cẩn thận.
Phục cái là gia đình má X. vẫn êm thấm sau cú địa chấn khủng khiếp ấy. Hoặc giả có bão bùng hay động đất ngầm mà chúng tôi chả thể biết được?
Dù gì người mà chúng tôi kính phục vẫn là người chồng của Má X.
Bặt một thời gian dài, ít qua Hạ Long Và có một lần gặp Lý Biên Cương ở Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Thời điểm ấy Lý Biên Cương đã được kết nạp Đảng trở lại từ lâu và sau đó giữ chức Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh kiêm Phó TBT Tạp chí Hạ Long, cơ quan Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh.
Nhà văn nhà báo tài hoa Lý Biên Cương lửa tình ngùn ngụt công tư một thời đã trút hơi thở cuối cùng vì bạo bệnh mười mấy năm rồi.
( RÚT TỪ Biên chép một thời. Sắp in)