Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ĐẠI DIỆN ƯU TÚ

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ tư ngày 15 tháng 4 năm 2020 4:43 PM


Bút ký


Cái điện thoại Samsung đã bấm tắt âm mà bên tai tôi vẫn nghe rõ tiếng nói của Thiếu tướng Mai Ngọc Linh. Ông là học sinh khóa 2 trường cấp 3 Hải Hậu đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thi đỗ tốt nghiệp xong thì xung phong nhập ngũ để được trực tiếp đánh Mỹ, và sau mấy chục năm chiến đấu, ông được phong hàm Thiếu tướng, làm Chính ủy bộ Tư lệnh Công binh. Sau ngày nghỉ hưu, được bạn đồng môn tín nhiệm, ông vui vẻ nhận gánh vác chức trách “Chủ tịch Hội đồng môn học sinh cấp 3 Hải Hậu tại Hà Nội” nhiều năm. Bàn giao công việc “tù và hàng tổng” này cho bạn đồng môn Trần Ngọc Yến học cấp 3 Hải Hậu sau mình hai khóa, ông lại gánh một chức “tù và hàng tổng” khác chứ không được rảnh tay nghỉ ngơi - chức “Chủ tịch Hội đồng hương Hải Hậu tại Hà Nội”. Chính vì vậy mà bất cứ việc gì liên quan đến trường cấp 3 (nay là trường Phổ thông A Hải Hậu) nói riêng và huyện Hải Hậu nói chung, Thiếu tướng Mai Ngọc Linh đều sẵn sàng tham gia rất nhiệt thành. Biết đức tính quý ấy của Thiếu tướng, tôi nhờ ông giúp cho một việc, và tôi đinh ninh với tài thu phục nhân tâm của một cựu Chính ủy, chắc ông sẽ giúp tôi công việc cần thiết đó không khó khăn gì. Nhưng… vậy đấy, tiếng ông đang rành rõ bên tai tôi: “Tôi đã cố thuyết phục nhưng không được. Bạn ấy nhất mực từ chối, cứ bảo: chuyện em không có gì, các anh tìm người khác để viết. Thế, anh nhé”.

Tôi tần ngần nhìn cái Samsung. Chà, anh bạn đồng môn trẻ này làm khó cho mình rồi. Tính sao dây? Vừa thầm thốt một câu không vui, trước mắt tôi chợt hiện lên cuộc họp mặt hơn một năm trước.

Đó là buổi tối mùa đông năm 2018. Y hẹn, mười tám giờ ba mươi tôi bước vào phòng họp trên tầng 15 tòa nhà 82IC phố Duy Tân, Hà Nội. Đây là cuộc họp mặt thường niên của Hội đồng môn cấp 3 Hải Hậu tại Hà Nội để chào mừng các thầy, cô giáo cũ từng giảng dạy tại trường, nay nghỉ hưu trên đất Thủ đô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, do Chủ tịch Hội đồng môn Trần Ngọc Yến triệu tập. Ông nguyên là Đại tá, kỹ sư pháo binh, một cựu chiến binh yêu thơ say đắm, đã viết và in sáu tập thơ riêng, từ khi được tín nhiệm gánh chức Chủ tịch Hội đồng môn đã hoạt động rất nhiệt tình, năng nổ. Ông Yến kéo tay tôi đến trước một người trông rất trai trẻ, chất trí thức toát ra không chỉ ở gương mặt sáng láng, đôi mắt linh hoạt thông minh sau cặp kính, mà cả trong cách ăn vận và thái độ tự tin trước khách lạ.

- Giới thiệu với bác, đây là Phó giáo sư - Tiến sĩ Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Việt - Xô!

Chủ tịch Yến tươi cười chỉ người trai trẻ giới thiệu. Tôi bắt tay Hà:

- Chào bạn đồng môn trẻ.

- Cháu chào bác! - Hà cười rất tươi, bàn tay ấm nóng của anh nắm chặt bàn tay tôi - Bác cũng học Phổ thông trung học Hải Hậu ạ? Bác quê xã nào Hải Hậu?

- Mình quê Trực Ninh nhưng phải sang Hải Hậu học cấp 3, vì hồi ấy cả sáu huyện phía nam tỉnh ta chỉ mở có trường cấp 3 Hải Hậu.

- Vậy là bác học khóa đầu?

- Ừ. Mình học khóa 1, từ 1960 đến 1963. Tháng 6 năm 1963 thi tốt nghiệp.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Thanh Hà cười thật thà:

- Ôi giời, vậy thì ngày bác tốt nghiệp cấp 3 Hải Hậu, cháu chưa đẻ. Vâng, ba tháng sau ngày bác cầm bằng tốt nghiệp cấp 3, mẹ cháu mới đẻ cháu.

Cả mấy người đứng quanh Hà và tôi cùng cười vui. Còn tôi, đầu thoáng một nhận xét: Giỏi quá, người trai này chắc chắn là người đại diện ưu tú nhất của thế hệ học trò thứ hai bước vào đời từ mái trường cấp 3 Hải Hậu!

Khuya ấy, thói quen khám phá của người cầm bút thúc giục tôi tìm hiểu bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, nơi tôi được hưởng chế độ khám chữa bệnh từ năm 1993 khi chuyển về Hà Nội làm việc tại Nhà xuất bản Lao Động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính là nơi bác sĩ Nguyễn Thanh Hà đã gắn bó trước đó sáu năm - từ tháng 12 năm 1987. Đọc tài liệu mới hay: Tiền thân của bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô (nay là bệnh viện Hữu Nghị) là bệnh xá 303 được thành lập từ năm 1950, làm nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Năm 1958, được Liên Xô giúp đỡ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bệnh xá được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xây dựng thành bệnh viện lớn mang tên Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Và, năm 1994, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Hữu Nghị, Đây là bệnh viện đạt chuẩn Quốc gia, gánh trọng trách đặc biệt trong hệ thống y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ Trung ương. Theo tư liệu của Nhà báo Thủy Xuân viết trong bài “Dấu ấn trên từng chặng đường” in trên Tạp chí “Việt Nam hội nhập” số 31+32, tháng 01/2018. Chỉ tính trong vòng mười năm trở lại dây, bệnh viện đã bảo vệ sức khỏe cho hơn một ngàn cán bộ cao cấp đương chức và nguyên chức. Quy mô bệnh viện hiện có 22 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng, 10 phòng chức năng, với 785 giường bệnh kế hoạch (thực tế bệnh viện hiện kê 909 giường). Bệnh viện có 220 Bác sĩ, Dược sĩ đại học (trong đó có 4 Phó giáo sư - Tiến sĩ, 12 Tiến sĩ - Bác sĩ, 22 Bác sĩ chuyên khoa cấp II, 72 Thạc sĩ, 22 Bác sĩ chuyên khoa cấp I), 430 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Dược sĩ Cao đẳng, Trung cấp và 95 viên chức ngạch khác. Với đội ngũ thầy thuốc vừa giàu số lượng, vừa dày kinh nghiệm, bệnh viện được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai mô hình “Bệnh viện không phim” đầu tiên của cả nước (không in phim, chỉ lưu kết quả chiếu chụp trên hệ thống máy tính - riêng việc này mỗi năm bệnh viện tiết kiệm được 2,3 tỉ đồng). Và, bệnh viện Hữu Nghị cũng là một trong ba bệnh viện đầu tiên của nước ta triển khai pha chế tập trung hóa chất để điều trị ung thư, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn.

Ghi chép tất cả số liệu về quy mô, chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện Hữu Nghị, nhớ lại lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Yến cùng gương mặt trẻ, cách thức ứng xử chân tình, cởi mở, vô tư của Giám đốc Thanh Hà, quả thật có gợn trong tôi thoáng phân vân: quản lý, điều hành một đội ngũ như thế, một cơ ngơi và trọng trách như thế, liệu người bạn đồng môn quê hương Hải Hậu có bị “khớp”?

Câu hỏi thoáng gợn trong đêm mùa đông năm 2018, hôm nay chợt hiện về trong tâm trí tôi, khi hay tin Nguyễn Thanh Hà từ chối lời đề nghị anh viết “chân dung tự thuật” cho “Mái trường tôi yêu”. “Nói thực với bác, công việc của cháu bấn lắm. Bình thường đã bấn rồi, giờ lại thêm cái dịch Covid-19, cháu chẳng còn xở ra được lúc nào”. Vừa nghe lại lời Hà biện minh, thì cái điện thoại trước mặt tôi có chuông báo. Bật mục “Tin nhắn”, thấy hiện lên dòng chữ: “Cháu sẽ gửi bác một số tài liệu để bác hiểu thêm về cháu và công việc của cháu”. Không phải đợi lâu, tôi đã được đọc hơn mười trang tài liệu khổ giấy A4 Nguyễn Thanh Hà gửi qua Zalo. Ôi, điện thoại thông minh và thời đại công nghệ 4.0 thật tuyệt vời! Tôi đã có trong tay mọi thứ tôi cần.

Vậy ra, đúng như Nguyễn Thanh Hà nói với tôi đêm nào, anh sinh ngày mồng chín tháng 8 năm 1963 tại xã Hải Quang, huyện Hải Hậu. Đấy chính là nơi vào các năm 1960, 1961 tôi và các bạn cùng học khóa 1 từng xuống giúp dân cuốc ruộng, kéo bừa thay trâu và gặt lúa, chạy mưa lụt. Năm 17 tuổi, tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, nghe theo lời khuyên của bố, Nguyễn Thanh Hà nộp đơn xin vào học Đại học Y Hà Nội. Là một trong số ít thí sinh đỗ điểm cao, Hà được cử sang du học tại trường Đại học Y khoa Odessa Liên Xô, nay thuộc nước Cộng hòa Ucraine, thời gian học sáu năm từ 1981 đến 1987. Tháng 6 năm 1987, tốt nghiệp khóa học với tấm bằng đỏ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà về nước và nhận công tác tại bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Sau nửa năm làm việc, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định cử Nguyễn Thanh Hà theo khóa chuyên tu hai năm ngành Nhãn khoa tại Đại học Y Hà Nội. Xong khóa học, với tấm bằng Bác sĩ Chuyên khoa cấp I về Nhãn khoa, bác sĩ Hà về làm việc tại Khoa Mắt bệnh viện Việt - Xô. Sáu năm làm việc tại Khoa Mắt, với ý thức trách nhiệm cao và sự tận tâm với người bệnh, Nguyễn Thanh Hà có thêm tấm Chứng chỉ thực tập lâm sàng Nhãn khoa của trường Đai học Tổng hợp Melbourne nước Úc sau 9 tháng thực tập tại đây. Trở lại khoa Mắt bệnh viện Hữu Nghị làm việc hơn một năm, sau thời gian thực tập lâm sàng bên nước Úc, tháng 4 năm 1997, Bác sĩ Chuyên khoa cấp I Nguyễn Thanh Hà được cử đi tu nghiệp tại Đại học Juntendo, Tokyo, Nhật Bản, theo chế độ Nghiên cứu sinh Y khoa (Nhãn khoa), thời hạn năm năm. Đến tháng 3 năm 2002, khóa học kết thúc. Với tấm bằng Tiến sĩ Y khoa, Hà được lãnh đạo cho ở lại trường Juntendo thực tập thêm một năm để có chứng chỉ “Sau Tiến sĩ”, đến tháng 3 năm 2003 mới trở lại khoa Mắt bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Hai tháng sau ngày về lại khoa Mắt làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà nhận quyết định Phó trưởng khoa Mắt, bước đầu tiên trên con đường làm công tác quản lý của người thầy thuốc trẻ. Lúc đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà chưa đầy 40 tuổi. Vậy là, với ba khóa học tập trung trong thời gian tổng cộng 13 năm, cộng thêm hai lần thực tập sinh ở Úc và Nhật Bản, Nguyễn Thanh Hà đã đạt đến học vị Sau Tiến sĩ, một chữ “Chuyên” có thể nói đáng vì nể. Nhưng, muốn thành một cán bộ lãnh đạo tốt, Nguyễn Thanh Hà còn phải phấn đấu và học tập để có một chữ “Hồng” rất cần thiết nữa, như lời dặn dò ân cần và thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu trong Di chúc của Bác. Lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị, lãnh đạo Bộ Y tế thấm nhuần lời dạy của Bác và đặt niềm tin vào Nguyễn Thanh Hà nên đã tạo điều kiện cho anh học tập và phấn đấu cho chữ “Hồng” này. Ngày 8/7/1993, Nguyễn Thanh Hà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 9/2006 đến tháng 9/2008, anh theo học và tốt nghiệp khóa Lý luận chính trị cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2008, anh theo học lớp Bồi dưỡng ngắn hạn khoa Quản lý bệnh viện trường Y tế công cộng. Năm 2011, anh lại theo học khóa Bồi dưỡng ngắn hạn khoa Quản lý Nhà nước - Chương trình Chuyên viên chính. Cuối năm 2011, Nguyễn Thanh Hà còn tham gia lớp Bồi dưỡng ngắn hạn - Tập huấn công tác Ủy ban Kiểm tra Đảng tại Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc, khi anh được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bệnh viện. (Từ năm 2005 đến nay, Nguyễn Thanh Hà được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bệnh viện suốt ba khóa liền, trong đó khóa thứ hai được bầu vào Ban Thường vụ, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; khóa ba được bầu làm Phó Bí thư, vẫn kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, và từ tháng 4/2018, anh được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy).

Thế là trọn vẹn, là quá đẹp đối với một cán bộ khoa học vừa “Hồng” vừa “Chuyên” đúng nghĩa.

Cần nói thêm điều này: Nguyễn Thanh Hà không chỉ được học hành, đào tạo chỉn chu để có được hai cái “mác” quý giá. Là Bác sĩ đa khoa và Bác sĩ chuyên khoa mắt cấp I, rồi Tiến sĩ và Sau Tiến sĩ, gánh trách nhiệm Trưởng khoa hay trọng trách Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy và từ 13/3/2017 đến nay được bổ nhiệm làm Giám đốc và liền sau đó kiêm thêm chức Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu Nghị, cùng với công tác quản lý, điều hành, Nguyễn Thanh Hà luôn tranh thủ tham gia công việc khám, chữa bệnh của Bệnh viện. Anh còn nhận làm Giảng viên thỉnh giảng cho các trường Đai học và dành thời gian để nghiên cứu và viết các công trình khoa học. Đến thời điểm tháng 3 năm 2020 này, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Thanh Hà đã có 15 công trình nghiên cứu công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản…, trong đó công trình “Phân tích đột biến gen của căn bệnh loạn dưỡng giác mạc dạng đốm ở người Việt Nam” công bố năm 2003 trên một Tạp chí nổi tiếng của Mỹ được giới khoa học đánh giá cao. Nguyễn Thanh Hà còn có bảy công trình nghiên cứu về bệnh mắt và cách thức điều trị trên Tạp chí Y - Dược học quân sự Việt Nam. Cùng với việc nghiên cứu và công bố các công trình khoa học Y học, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà còn miệt mài học tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Hiện tại, anh đã có thể sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Nhật đạt trình độ bằng D, còn Pháp ngữ đạt trình độ bằng C. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng Học hàm Phó giáo sư vào tháng 1 năm 2015. Hai năm sau - năm 2017, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Vào tháng 2 năm 2018 lại được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba!

Cho tới nay, Bệnh viện Hữu Nghị đang vững bước phát triển, luôn được đánh giá cao trong công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cán bộ trung – cao cấp và nhân dân. Trước mắt, Bệnh viện đang tích cực thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh…”; tiếp tục cải tạo sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng Bệnh viện Hữu Nghị văn minh, hiện đại, giỏi về chuyên môn, chuẩn mực về y đức và luôn vững bước phát triển.

Nhìn lại những danh hiệu và chức trách Nguyễn Thanh Hà đã được phong tặng và giao phó, lại được đọc những lời phát biểu trên đây của anh, có thể khẳng định: Phó giáo sư - Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Thanh Hà xứng đáng là một trong những người đại diện ưu tú nhất không chỉ của riêng thế hệ học sinh thứ hai mà của tất cả các thế hệ học sinh học trường cấp 3 A Hải Hậu, mái trường thân yêu có tên mới là trường Phổ thông Trung học A Hải Hậu!

Hà Nội, 12/4/2020 - Ngày gỡ bỏ phong tỏa
cách ly tập trung dịch Covid-19
đối với Bệnh viện Bạch Mai