Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỊCH BẢN VĂN HỌC MẠC ĐĂNG DUNG CỦA NGUYỄN HIẾU

TS Đường Văn
Thứ hai ngày 13 tháng 4 năm 2020 1:41 PM




Sự cách tân táo bạo trên nền tảng dân gian và lịch sử

(Nhân đọc KỊCH BẢN VĂN HỌC MẠC ĐĂNG DUNG CỦA NGUYỄN HIẾU)


Song song với những thành tựu về tiểu thuyết (24 cuốn), Nguyễn Hiếu – nhà văn làng Chiện - còn gặt hái được những mùa màng bội thu ở thể loại kịch – kịch bản văn học (hơn 10 vở). Về kịch lịch sử, sau Chu Văn An (Thầy Chu, 2009) – Nhà hát chèo Quân đội- Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp các tỉnh phía Bắc, năm 2013), chưa đầy nửa năm sau, với sức sáng tạo vẫn đang hết sức dồi dào, sung mãn của nhà văn tuổi ngoại nhi nhĩ thuận (67), cuối xuân năm Giáp Ngọ (2014), Nguyễn Hiếu đã hoàn thành bản thảo vở kịch lịch sử mới: Mạc Đăng Dung (phụ đề: Này Lịch sử! Chảy đi!) gồm 14 lớp - cảnh lớn nhỏ, mà mới đọc trên văn bản, tôi đã cảm nhận rõ ràng không ít những cố gắng cách tân, làm mới táo bạo trên cả hai bình diện chủ chốt của tác phẩm: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Cũng xin nói luôn.Sau kịch bản Mạc Đăng Dung, Nguyễn Hiếu còn viết tiếp kịch bản về Thái sư Lê Văn Thịnh và đang chuẩn bị tư liệu để viết tiếp KB vễ Nguyễn Ánh- Những nhân vật mà còn chưa được đánh giá chuẩn xác như vốn tồn tại trong lịch sử. Chỉ riêng điều này Nguyễn Hiếu quả là ghi nhận trong sự trả về giá trị chân thực trong lịch sử.

***

Trước hết, về nội dung, chủ đề tư tưởng thể hiện qua xung đột cơ bản của vở kịch. Tác giả đã mạnh dạn khai thác một giai đoạn lịch sử Việt Nam, mà cho đến nay, bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, vẫn chưa được chú ý nghiên cứu đúng mức (kể cả giới nghiên cứu lịch sử nước ta): vương triều Mạc (1525 – 1592), chọn một nhân vật lịch sử lớn: Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483 – 1541), một trong những nhân vật lịch sử lớn, phức tạp, đã và đang gây ra (trong và ngoài giới nghiên lịch sử Việt Nam) những bàn thảo, tranh cãi chưa hoàn toàn ngã ngũ về công, tội, ưu, khuyết, đóng góp và hạn chế đối với đất nước và dân tộc. .. cùng triều đại do ông gây dựng nên.

Với người viết kịch, đó là một khó khăn, thách thức không nhỏ.

Về đề tài – chủ đề, có thể nói, cho đến nay, đây vẫn là một mảnh đất mới, đất hoang đối với hầu hết tất cả các thể loại văn nghệ. Vì vậy, nhà văn tự nhiên được hưởng thuận lợi: sẽ không sợ trùng lặp với người khác. Chẳng hạn như, nếu anh chọn viết về Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ hay Hồ Quý Ly…! Tôi cho rằng Nguyễn Hiếu, tuy không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử, (anh là nhà văn, nhà viết kịch chuyên nghiệp), nhưng đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu khá kỹ càng, trong phạm vi tư liệu hiện có, về triều đại nhà Mạc, cuộc nội chiến Mạc – Lê – Trinh, nhất là các nhân vật Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Dương Chấp Nhất, Trịnh Kiểm, anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng, thái hậu Ngọc Tảo…những nhân vật lịch sử nổi tiếng của một thời, để tạo dựng lại bức tranh xã hội và tâm lý của giai đoạn lịch sử Đại Việt thế kỷ 16 bằng hình tượng văn học kịch một cách chân thực, khá sâu sắc và không kém phần mới mẻ. Đặc biệt là nhân vật lịch sử Mạc Đăng Dung – ông vùa thuyền chài.

Trong vở kịch, Mạc Đăng Dung được nhìn nhận, thể hiện và đánh giá không phải như một kẻ võ biền tiếm ngôi nham hiểm, độc ác, gian hiểm và tàn bạo như kiểu nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa mà hiện ra như một minh quân khai sáng triều đại mới, xứng đáng ngồi trên ngai vàng, tháo gỡ, chấm dứt sự suy vong của nhà hậu Lê với Quỷ vương Uy Mục, Trư vương Tương Dực, canh tân Đại Việt, tiếp tục đưa đất nước và trăm họ đi tới tương lai. Đó là một ông vua hết lòng thương dân, yêu nước, đặc biệt dám hi sinh danh dự, thậm chí nhân phẩm của cá nhân mình để ứng mệnh trời, thuận lòng người, dám dũng cảm làm một việc bạo thiên nghịch địa, mà người đương thời và đời sau vẫn phê phán là cướp ngôi, tiếm ngôi, soán (thoán) nghich: (dùng sức mạnh và quyền uy để đoạt lấy ngai vàng), đau đớn chịu mang tiếng, hiểu lầm cả với cả con cháu và dân tộc nhiều đời sau, nhiều thế kỷ sau. Bởi vì Mạc đã tự thức nhận sâu sắc vai trò và nghĩa vụ cao cả, trọng trách của cá nhân mình với đất nước và dân tộc.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng 2 đời đầu Mạc Dăng Dung (Thái tổ) - Mạc Dăng Doanh (Thái tông), triều đình nhà Mạc đã nhanh chóng ổn định được tình hình đất nước, xã hội, đưa Đại Việt trở thành một quốc gia quy củ, vững vàng, có nền kinh tế, giáo dục và văn hiến phát triển, có mặt còn rực rỡ hơn cả thời thịnh trị Lê Thánh tôn trước đó (giáo dục đào tạo, an sinh xã hội…). Mạc Thái tổ sớm nhượng ngôi cho con (sau 2 năm: 1527 – 1529); bản thân làm Thượng hoàng, cùng con trai cai quản đất nước. Với Định Nam đao (tượng trưng cho võ) và Linh bút (tượng trưng cho văn) như một đường lối chính trị chiến lược đúng đắn của người lãnh đạo tối cao. Ông tỏ ra là một vị quân vương, một Thượng hoàng chí công vô tư, biết mình biết người, nhún mình đãi kẻ sỹ (với Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Hữu Khánh)…luôn băn khoăn về những yếu kém của bản thân và luôn tìm cách học hỏi, khắc phục…

Rõ ràng, đây là cảm quan của riêng Nguyễn Hiếu về nhân vật lịch sử này. Mạnh dạn và tự tin, trong hư cấu sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng rất thận trọng trong từng chi tiết lịch sử hay sử dụng truyền thuyết (bà chúa Lỗi), Nguyễn Hiếu đã sáng tạo ra một Mạc Đăng Dung của mình, không hoàn toàn trùng khít với Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Tác giả nhấn mạnh và làm rõ những ưu điểm nổi bật trong tính cách, đạo đức của nhà vua để thể hiện chủ đề và tư tưởng chủ đề cốt lõi của vở kịch: xung đột giữa ngưng trệ, bảo thủ và đổi mới, phát triển, qua và trong nhân vật trung tâm Lịch sử; của đất nước Đại Việt sau gần một thế kỷ huy hoàng nhà hậu Lê.

Mạc Đăng Dung là sản phẩm của lịch sử, đáp ứng được những yêu cầu khẩn thiết của lịch sử giai đoạn ấy. Và ông đã làm trọn sứ mệnh vinh quang và cay đắng của mình, để lại cho đương thời và hậu thế định công, luận tội mãi không thôi!

Tôi có hỏi Nguyễn Hiếu, rằng vì sao xây dựng nhân vật nổi tiếng Mạc Đăng Dung mà anh không đưa chi tiết lịch sử: Mạc đã cắt đất, cầu hòa, tự trói mình lên cửa quan biên giới, lạy lục tướng nhà Minh?

Nguyễn Hiếu đăm chiêu một cách thật nghiêm túc:

- Đó là vấn đề tế nhị, khó khăn và đặc biệt nhạy cảm chính trị hiện nay. Vì mình thú thật cũng chưa dứt khoát xác định đó có phải là tội lỗi của một người lãnh đạo tối cao hèn nhát, nhu nhược trước ngoại bang, một vết nhơ trong lý lịch làm vua của Mạc; hay đó là một sách lược thông minh vạn bất đắc dĩ phải dùng, để thà hi sinh, chịu mang tiếng hèn, nhục của cá nhân nhà vua mà tránh được cả một cuộc chiến tranh xương trắng máu trào?! Có thể Mạc Đăng Dung rút kinh nghiệm của chính cha con Hồ Quý Ly chăng?

- Đúng vậy! - tôi tiếp lời - với sự kiện lịch sử ấy, tôi cho rằng Mạc Đăng Dung hoàn toàn không phải như những kẻ chung thân phản quốc, vinh thân phì gia loại Trần Ích Tắc hoặc Lê Chiêu Thống. Có thể có những giằng xé nội tâm dữ dội và vô cùng đau đớn, bão táp trong tâm trí Mạc Đăng Dung trước khi quyết định hành vi ngoại giao ghê gớm này. Nhưng cuối cùng, ông đã quyết định, một quyết định hữu khuynh khác thường vì mục đích lâu dài: sự bình an của đất nước, nhân dân, nhà vua đành chịu nhường một vùng đất nhỏ cho nước láng giềng phương Bắc, đành chịu mang tiếng hèn nhát, chịu để sử gia các triều đại sau phê phán, lên án nặng nề. Tôi nghĩ: nếu không né tránh mà dám tận dụng chi tiết lịch sử này, nhìn thẳng vào sự thật cay đắng, đau đớn ấy, khai thác và lý giải sâu vào tâm trạng, suy nghĩ của Mạc thì nhân vật này có khả năng sẽ trở thành một nhân vật bi kịch lịch sử lớn, theo kiểu những nhân vật kịch của U. Sêchpia. Theo đó, bề dày nội tâm, tính cách nhân vật sẽ sâu sắc, phức tạp, đa dạng, nhiều chiều hơn, vấn đề sẽ mở rộng và khái quát, mang tính nhân văn và thời sự hơn. Chủ đề tư tưởng, xung đột chủ yếu của vở kịch, khi đó, không chỉ là giữa ngưng trệ và phát triển mà còn là mâu thuẫn sống còn giữa độc lập dân tộc và danh dự cá nhân người lãnh đạo tối cao của đất nước. Làm thế nào để tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh rất có thể xảy ra đổi cái giá đắt của hòa bình…?! Những vấn đề, theo tôi, không chỉ trọng đại ở thời Mạc thế kỷ 16 mà còn mang tính thời sự của đất nước chúng ta hôm nay. Bởi thế, nhìn chung, nhân vật Mạc Đăng Dung trong vở kịch của anh, nếu xét trên bình diện chiều sâu tư tưởng, tâm lý, trong mối quan hệ với đất nước, dân tộc, xã hội và nước ngoài, e rằng còn mỏng và hiền quá...! Trong lịch sử, Mạc Đăng Dung là một nhân vật lịch sử lớn và phức tạp. Tại sao trong kịch (bi kịch, chính kịch) nhà vua xuất thân đánh cá võ biền này lại chỉ là một nhân vật chính có phần giản đơn, đổi mới 1 chiều?!... Nhưng đó mới chỉ là suy nghĩ bước đầu, mấy lời bàn rộng của riêng tôi để tác giả tham khảo ít nhiều. Tôi lại muốn thêm rằng viết kịch về Mạc Đăng Dung phải chọn thể loại chính kịch – bi kịch mới phù hợp, chứ không chỉ là chính kịch nghiêm trang đơn thuần. Anh nghĩ sao?

- Như ý anh thì có lẽ tôi phải viết một vở khác!

Nguyễn Hiếu xoa cái trán hói bóng lọng, cười trả lời…

***

Trở lại về tư tưởng chủ đề và nhân vật trung tâm của vở kịch. Tôi cho rằng sáng tạo của tác giả có phần nào chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết sử thi - anh hùng ca Nga Chiến tranh và hòa bình, khi L. Tônxtôi tuyên bố: Viết CT&HB, tôi muốn viết lịch sử tâm hồn của nhân dân Nga vĩ đại. Nhân vật trung tâm của nó chính là NHÂN DÂN (chứ không phải là những An đrây, Pie, hay Natasa, Sa Hoàng, Kutudốp hay Napôlêông…!). Thì Nguyễn Hiếu cũng giới thiệu với độc giả và khán giả ngay trong lời đề từ:

Vở kịch này chỉ có một mâu thuẫn duy nhất:

Ngưng trệ hay phát triển; chỉ có một nhân vật trung tâm duy nhất: Lịch sử.

Chính quan niệm về lịch sử và nhân vật lịch sử cởi mở, thoáng như vậy đã được thể hiện nhất quán trong toàn vở kịch, từ khái quát đến cụ thể, từ nội dung đến hình thức. Điều đó đã góp phần tạo nên sắc diện mới mẻ, chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm kịch này. Đọc Mạc Dăng Dung, thấy lịch sử, về bản chất, quả thật không bao giờ chỉ là chuyện đã qua, chuyện quá khứ xa mờ, mốc thếch mà luôn tươi mới, luôn đồng hành với hôm nay. Chuyện cũ nhà Mạc đã thành dĩ vãng, nhưng những vấn đề, bài học của Mạc và triều Mạc để lại vẫn cần được thức nhận dưới ánh sáng tư tưởng mới, trong thời đại và đất nước, xã hội, con người Việt Nam thế kỷ 21.

Tôi nghĩ đó chính là một trong những điểm đổi mới quan trọng hàng đầu của Nguyễn Hiếu đối với thể loại chính kịch lịch sử về mặt nội dung tư tưởng, chọn đề tài, chủ đề, và khái quát tư tưởng chủ đề.

***

Tất nhiên, vở kịch của Nguyễn Hiếu còn mới mẻ, hấp dẫn bởi những sáng tạo đáng ghi nhận về mặt hình thức nghệ thuật thể loại kịch nói – chính kịch lịch sử.

Chẳng hạn, tác giả đã học tập và phát triển nghệ thuật đồng hiện của kịch Brêch và điện ảnh trong việc kết cấu vở kịch thành 14 cảnh liên tiếp không có mở màn, đóng màn. Dòng thời gian trong toàn vở được tượng trưng bằng những làn khói trắng lúc mù mịt, cuồn cuộn, khi mơ hồ, bảng lảng. Quá khứ và hiện tại dường như xóa nhòa. Đặc biệt là sân khấu và cuộc đời bị rút gần khoảng cách tối thiểu với sự xuất hiện nhiều lần của Sử gia và Kịch tác gia, các diễn viên đóng vai nhân vật và các nhân vật kịch cùng tham gia không chỉ vào hậu đài – (đã hóa tiền đài vở diễn), thậm chí đôi khi còn nhiệt hứng bàn luận, tranh cãi về lịch sử và sáng tác kịch, bếp núc dựng kịch… mà còn trực tiếp dẫn chuyện và nhập hẳn vào các tình tiết của truyện kịch… Các cảnh (lớp) dài, ngắn khác nhau liên kết với nhau bởi lô gich tư tưởng – nghệ thuật hợp lý và chặt chẽ tự bên trong, sắp xếp theo trình tự tuyến tính nhưng không hoàn toàn liên tục mà xen kẽ những đứt quãng, những khoảnh khắc, dựa vào một vài sự kiện lịch sử và tình tiết hư cấu tưởng tượng của tác giả. Cấu trúc, bố cục vở kịch như vậy vừa chặt chẽ vừa linh hoạt, kịch lịch sử mang tính hiện đại đậm nét.

Cách thể hiện, trình bày này khiến cho nội dung câu chuyện lịch sử xa xưa bỗng trở nên gần gũi, như là người xưa đang đối thoại tự nhiên với người hôm nay, với khán giả một cách tỉnh táo, khách quan, bình tĩnh, đồng thời làm cho tốc độ của chuyện kịch tăng nhanh, tiết kiệm thời gian, tránh được sự rề rà, chậm chạp của kịch nói lịch sử truyền thống.

Ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của hầu hết các nhân vật, cả chính, cả phụ đều mang tính kịch (góp phần thúc đẩy mâu thuẫn) khá cao, vừa góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Đáng tiếc, một vài câu nói của Mạc Đăng Dung và Trạng Trình lại chưa phù hợp với hai nhân vật lịch sử này mà tựa hồ như ý nghĩ và cách diễn đạt của con người hiện đại thế kỷ 21. Tất nhiên sửa chữa lỗi diễn đạt này chẳng có gì khó khăn! Các trích dẫn thơ của Trạng Trình là vừa phải, hợp lý (nên ghi rõ xuất xứ).

Theo tôi, cảnh 1 nhân vật Lương Hữu Khánh phân thân thành 2 Lương Hữu Khánh (cảnh 11) đấu tranh với nhau, thực chất là đấu tranh nội tâm trong 1 con người. Đó là cảnh kịch được viết công phu, mới mẻ. Chuyển độc thoại nội tâm thành đối thoại, tượng hình hóa con người nội tâm thành con người thứ hai của nhân vật. Đó là 1 mảng miếng sân khấu của nhà viết kịch đã lão luyện trong nghề nghiệp.

Lớp thái hậu Ngọc Tảo dùng kế lạ chặn ngựa của tướng Dương Chấp Nhất cũng là một lớp kịch hay. Vừa man mác phong vị trữ tình như một câu chuyện dân gian, cổ tích, kể, hát đối đáp, giao lưu trên đồng nội vừa có sự hấp dẫn của một câu chuyện ly kỳ, một kỳ mưu của Trạng Trình được thực hiện bởi sắc đẹp, tài năng, giọng hát quyến rũ và trí thông minh ứng biến của bà Thái hậu. Câu ca dao – câu đố: Tay cầm bán nguyệt xênh xang…được láy lại và biến thể, phát triển như một mô típ dân gian duyên dáng, tình tứ, dĩ dỏm đã làm cho chuyện kịch vừa thắt buộc lại giãn chậm, thoắt chùng lại căng, để rồi kết thúc bất ngờ, đơn giản mà rất hợp tình, hợp lý.

2 cảnh đầu: Uy Mục giết bà nội và Tương Dực mặc cả với đao phủ: khá ngắn gọn và điển hình, vừa đủ làm tiền đề lịch sử để Mạc Đăng Dung và Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trên vũ đài lịch sử Đại Việt.

Đoạn đối thoại giữa cha con Mạc Đăng Dung, Đăng Doanh với Trạng Trình về cái tên nước Việt Nam có dẫn chứng bằng chính một số câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (tuy dẫn hơi ít!) là đoạn đối thoại tràn đầy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Tôi nghĩ đó cũng là một đoạn kịch táo bạo, mang lại sự thú vị mới cho người đọc (xem). (Vì hiện nay, sử gia chính thống vẫn khẳng định rằng cái tên Việt Nam ra đời từ thời vua Nguyễn Gia Long, đầu thế kỷ 19).

Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là hình tượng 2 linh vật quốc bảo biểu trưng (Định Nam đao và Linh bút) của Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc chưa được tác giả đầu tư, khai thác sao cho nổi hết chất biểu trưng và ý nghĩa chính trị - huyền thoại của nó.

Cái kết của vở kịch cũng là một sáng tạo mới mẻ, mang tính mở và thời sự của Nguyễn Hiếu. Ở đây, không chỉ đơn thuần là một cái nhìn triều đại Mạc, ở nửa đầu của nó, có phần lãng mạn không tưởng đối với nhân vật lịch sử hướng tới tương lai, trên cơ sở niềm tin tưởng vững chắc vào đường lối trị nước, trị dân (lãnh đạo) của mình - Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, mà còn mang tính ẩn dụ tượng trưng và tính thời sự, ấn tượng, gợi suy nghĩ sâu sắc.

Mặc dù, về cơ bản, hư cấu này khác và có phần mâu thuẫn với sự thật lịch sử. Bởi sự thật cay đắng là, dù những cố gắng cuối cùng của Mạc giúp cháu nội (Mạc Phúc Hải) nối ngôi, vẫn không sao xoay chuyển được thời thế, cục diện phân tranh Bắc – Nam của đất nước! Thời huy hoàng của con trai Thái tông Mạc Đăng Doanh đã qua rồi! Nhà Mạc (Bắc triều), từ đời thứ 3 trở đi, sẽ chỉ còn trượt dần trên con dốc thất bại trong những cuộc nội chiến đọ sức quyết liệt, dai dẳng với tập đoàn Lê – Trịnh - Nam triều - Đàng trong, và đi tới thất bại hoàn toàn (vào năm 1592), mà thôi!

Theo ý tôi, phải chăng đó cũng là một nét bạo, mới của Nguyễn Hiếu trên cả 2 bình diện nội dung và nghệ thuật kết vở?

***

Trở lên là một vài nghĩ suy, cảm luận của tôi, với tư cách một bạn đọc, khi được tiếp xúc với kịch bản văn học Mạc Đăng Dung (dạng bản thảo hoàn chỉnh) của Nguyễn Hiếu. Tôi đồ rằng, với kịch bản mới toanh này, các đạo diễn và diễn viên nhà hát kịch TW hoặc các đoàn kịch địa phương sẽ có nhiều đất để sáng tạo trong dàn dựng và biểu diễn. Hi vọng kịch bản sớm được tu chỉnh, sửa chữa, nâng cao và sân khấu hóa. Trong một tương lai gần, vở chính kịch lịch sử Mạc Đăng Dung sẽ được công diễn với sự đón nhận, thưởng thức nồng nhiệt của khán giả cả nước./.

Trèm – Thụy Phương, Từ Liêm,

Hà Nội, tối 31 – 3 – 2014

Đường Văn