Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIẦU NHƯ TÔI BIẾT

Phạm Quang Long
Thứ tư ngày 15 tháng 4 năm 2020 9:26 AM

GS-NGND, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu (1911-2010)

Trước khi kể những mẩu chuyện về Giáo sư Trần Văn Giàu tôi cần phải nói ngay điều này để tránh những hiểu lầm: tôi chưa bao giờ có vinh dự được nghe Thầy giảng bài ở các giảng đường của Trường Đại học Tổng hợp khi Thầy là Giáo sư ở đó. Khi vào trường, tôi được các lớp đàn anh kể về Thầy như những huyền thoại giữa đời thường. Và tôi đã có lần trầm ngâm rất lâu trước bức ảnh Thầy đang đi bừa ở một vùng quê nào đó khi đi thực tế, treo ở văn phòng khoa Lịch sử. Cái cảm giác đó tôi không cắt nghĩa được nhưng nó cứ gieo mãi vào lòng tôi một nỗi buồn, một sự nuối tiếc không sao giải thích nổi. Cho đến nay, tôi cũng mới chỉ đọc của Thầy mỗi một cuốn sách, mà đọc như một kẻ ngoại đạo, là cuốn "Chống xâm lăng". Rồi, như sự run rủi của số phận, do gặp may, tôi đã hơn một lần được nghe Thầy kể chuyện về đời mình, về ông Huỳnh Văn Nghệ - một người lính, một vị chỉ huy dưới trướng Thầy thuở kháng chiến vừa đánh giặc, vừa làm thơ, về những ngày Thầy lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, về những băn khoăn của Thầy xung quanh những bức xúc của đời sống, về cái vườn nhỏ có bầy chim sẻ hay xuống để Thầy cho ăn... Những chuyện này khi thì tôi nghe cùng với một vài người khác, khi thì nghe cùng với cả hàng nghìn người chứ không phải là những chuyện Thầy kể cho riêng tôi nên nhiều người có thể kiểm định độ tin cậy của những điều tôi thuật lại. Có thể ở một đôi chi tiết tôi chỉ kể lại được cái cốt lõi, có thể có chi tiết, câu chữ tôi thuật lại chưa chính xác như lời Thầy đã nói nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ một sự thêm thắt nào. Tôi chép lại những mẩu chuyện ấy theo trí nhớ với một ước vọng: còn được nghe Thầy kể thêm những chuyện khác nữa mà cuộc đời gần một thế kỷ đã qua của Thầy đầy ắp những sự kiện lịch sử, những bão dông nhưng lúc nào cũng được dẫn đạo từ những góc nhìn anh minh của Thầy.

Chuyện thứ nhất:

Khi khoa Lịch sử của trường chúng tôi được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, chúng tôi bàn nhau mời Thầy ra dự lễ hội trọng đại này. Muốn thì muốn vậy nhưng ai cũng băn khoăn: Thầy không được khỏe đi lại như thế liệu có bề gì... PGS. Nguyễn Quang Ngọc, Chủ nhiệm khoa Lịch sử liên hệ với các đồng nghiệp, đồng môn ở thành phố Hồ Chí Minh để thu xếp công việc. Xong xuôi, anh bảo tôi: "Nếu Cụ không ốm, thế nào Cụ cũng ra. Lại có anh Lịch, anh Biên đi cùng, anh cứ yên tâm". (TS. Nguyễn Văn Lịch và PGS. Phan Xuân Biên là cựu sinh viên khoa Lịch sử, lúc đó đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, là những học trò rất gần gũi Thầy).

Đến hẹn, hai chúng tôi lên Nội Bài đón Thầy. Cảm nhận đầu tiên của tôi là Thầy tuy mệt nhưng rất vui. Trong các câu chuyện, cứ nhắc đến khoa Lịch sử, đến các lớp học trò cũ là đôi mắt già nhưng đầy vẻ tinh anh, hóm hỉnh của Thầy lại lấp lánh niềm vui. Tôi ngắm Thầy và cứ thầm so sánh (và tưởng tượng thêm ra) hình ảnh anh Sáu Giàu uy danh, tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Pháp trong những ngày đầu ở Sài Gòn trong cuốn sách viết cho thiếu nhi rất hay của nhà văn Đoàn Giỏi "Đất rừng phương Nam" mà ngẩn ngơ: "Cái con người huyền thoại ấy đây ư? Bản lĩnh và trí tuệ của con người ấy, trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc của một dân tộc đã có những câu trả lời tuyệt đối đúng ấy, lúc đó còn trẻ vậy mà tài giỏi đến thế, giờ đang đứng trước mình run run, yếu ớt vì tuổi tác nhưng có nụ cười tủm tỉm và lạ lùng ấy đây ư ?" Gần như suốt chặng đường về tôi chỉ ngồi nghe và ngắm Thầy, thỉnh thoảng mới góp một đôi câu. Anh Phan Xuân Biên bảo tôi: "Bác Sáu mệt đấy, đi từ từ và nói ít thôi để bác nghỉ".

Hôm sau, chúng tôi đến khách sạn thăm Thầy và mấy anh đi cùng ở đường Chùa Bộc. Đến nơi, chúng tôi đã thấy các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Lê Văn Lan, Bùi Đình Thanh... và nhiều người khác nữa mà tôi không biết tên đang ngồi ở tiền sảnh khách sạn đợi Thầy. Không ai biết thầy đi đâu sớm thế nên ai cũng băn khoăn. Độ nửa tiếng sau Thầy về. Mọi người ùa ra đón Thầy. Tôi đứng xa xa, quan sát cảnh các học trò cũ vui mừng đón người thầy kính yêu của mình, lòng thấy rưng rưng về đạo thầy trò ở những người đã ở vào (hoặc xấp xỉ) tuổi "xưa nay hiếm". Giáo sư Đinh Xuân Lâm, mái đầu bạc phơ, như một Trưởng tràng trân trọng thưa thầy, xưng con, giới thiệu từng người có mặt, thỉnh thoảng lại đùa vui hoặc gợi nhớ lại tính cách của một vài người để Thầy nhớ thêm. Nét mặt Thầy rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Thầy bảo:

- Mấy cô, mấy chú đến thăm tôi thế này, tôi vui lắm. Thế chú Lê đâu?

Chị Thảo, con gái giáo sư Phan Huy Lê thưa với Thầy là giáo sư Lê đi công tác nước ngoài, trước khi đi có gửi lời kính thăm sức khỏe Thầy. Thầy thoáng buốn, nhỏ nhẹ:

- Mấy cô, mấy chú cũng già cả rồi, ráng giữ gìn sức khỏe, để lần sau tôi ra còn gặp nhau nữa chứ. Hôm nay tôi sẽ chiêu đãi mấy cô, mấy chú.

Mọi người cười vui vẻ. Tôi nhìn thấy một chị (hình như tên là Bích) cầm tay thầy, nghẹn ngào:

- Thầy ơi, con cũng đã nghỉ hưu rồi, các con của con đã trưởng thành cả rồi. Chúng con chỉ mong Thầy mạnh khỏe, sống lâu với chúng con thôi.

Không khí xung quanh dường như trầm hẳn xuống. Thầy nhìn mọi người, cười rất tươi, ánh mắt đầy thương yêu:

- Mấy cô, mấy chú trưởng thành thế, tôi rất mừng. Mấy cô, mấy chú gọi tôi là Thầy tôi không dám nhận đâu. Tôi có may mắn được là người lên lớp cho mấy cô, mấy chú chứ còn để làm Thầy khó lắm. Không phải cứ ai đã lên lớp cho mình là đã có thể trở thành thầy mình đâu. Đời tôi, tôi chỉ tôn có hai người làm Thầy mình thôi mấy cô, mấy chú ạ. Đó là ông Hồ và khoa học Lịch sử, Ông Hồ dậy tôi làm người sống có ích cho dân cho nước mình. Khoa học Lịch sử dạy tôi phải trung thực. Trung thực với đời khó mà dễ, còn trung thực với mình mới khó cơ. Mấy chú biết vì sao không? Vì mình có trung thực với mình hay không chỉ có mình mình biết mà thôi. Mấy cô, mấy chú có biết sáng nay tôi đi đâu không? Tôi đi viếng ông Hồ. Tôi sợ lần này không đi viếng ông già được thì khó còn có lần sau nữa. Lăng đóng cửa. Tôi đứng trước cửa Lăng, quỳ xuống lạy ông cụ ba lạy. Mấy chú bảo vệ đứng ngó tôi có vẻ lạ lắm. Họ không biết tôi là ai và cớ gì tôi lại làm như vậy. Có lần Vũ Kỳ kể với tôi trước khi mất mấy tháng, lúc ấy ông cụ đã yếu lắm rồi, có hôm vừa tỉnh lại sau cơn mê man, cụ hỏi Vũ Kỳ: "Chú Giầu bây giờ làm gì, ở đâu?" Như thế, tôi biết Ông già thương tôi lắm, không phải đến lúc đó mới nhớ và thương tôi đâu. Dân ta có một lãnh tụ như thế, chúng ta có một người thầy như thế là phúc lớn đó, mấy cô chú ạ.

Chuyện thứ hai:

Khi được mời lên phát biểu trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng của khoa Lịch sử, Thầy chầm chậm bước lên diễn đàn. Khá nhiều quan khách, giáo viên và sinh viên lần đầu tiên được thấy Thầy nên không khí rất háo hức. Sau khi nói xong phần lễ nghi, Thầy tâm tình:

- Tôi có một ông bạn già, biết những day dứt của tôi nhưng mấy năm nay không thấy tôi viết được gì đã hỏi: "Này con sơn ca, không hót được nữa rồi phải không?". Tôi không viết được vì đã bao năm nay tôi cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho một chuyện nhỏ mà không nhỏ nhưng không tìm ra. Đó là vì sao mà chỉ với 11 thằng lính Pháp, trong đó có một thằng ốm mà Pháp lấy được tỉnh Ninh Bình? Vì sao chỉ có vài trăm lính mà Pháp lấy được thành Hà Nội trong khi đó chúng ta có đủ quân đội, lương thực, vũ khí không thiếu. Bằng ấy lính thì chỉ cần thanh niên một làng biết bảo nhau chúng nó đã hết đường về rồi. Vậy có phải do vận mệnh lịch sử hay còn có điều gì khác nữa? Tôi đã cố giải thích điều này mà chưa được. Lần này ra đây gặp lại khoa, lại trường tôi như được tiếp thêm sức. Tôi sẽ sống và hoàn thành công trình cuối cùng của đời tôi mà trước đó tôi đã tưởng phải bỏ dở. Con chim sơn ca cuối cùng lại cất tiếng hót, sẽ là tiếng hót lảnh lót, bằng hết sức lực cuối cùng của nó.

Mắt Thầy như long lanh hơn, mặt Thầy như rạng rỡ hơn trong giờ phút xuất thần. Cả hội trường lặng đi trong cơn xúc động. GS. Trần Quốc Vượng đứng lên hô to: "Hoan hô Giáo sư Trần Văn Giàu!". Hàng nghìn con người như bị thôi miên cũng rùng rùng hô theo trong một cảm giác phấn khích kì lạ.

Câu chuyện thứ ba:

Được tin Thành ủy, Hội khoa học Lịch sử và nhiều trường đại học, học trò, bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh kỉ niệm 90 năm ngày sinh của Thầy, trường cử các anh Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Thi và tôi vào chúc thọ Thầy. GS. Bùi Đình Thanh rủ anh Thi, anh Nguyễn An Lịch và tôi đến nhà riêng thăm Thầy, nhân thể thăm Cô cũng đang mệt.

Thầy Cô ở trong một ngôi nhà vườn đẹp một cách giản dị do Thành phố cấp. Thấy chúng tôi, Thầy rất vui, gọi người nhà lấy bia, ép chúng tôi uống bằng được. Tôi gợi chuyện về công trình Thầy đã nói hôm ra Hà Nội mấy tháng trước, Thầy xua tay:

- Tôi kể chuyện này mấy chú nghe trước, chuyện đó nói sau. Mấy chú vừa hỏi nghe nói Trần Văn Giàu có gửi thư cho một vị lãnh đạo cao cấp thắc mắc về chuyện không được phong anh hùng của tôi phải không? Mấy chú chớ có tin. Trần Văn Giàu xưa nay chưa đi xin ai cái gì để có lợi cho mình vì cái đó chẳng để làm gì cả. Mấy chú có biết vì sao tôi tên là Giàu không? Chuyện kỳ lắm. Tôi nghe kể, hồi ba má tôi sinh tôi, ba tôi đâu có đặt tên. Nhà tôi lúc đó là nhà giàu, có thế lực. Khi tôi thôi nôi, cha tôi đứng ở cửa, thấy tay chức dịch đi qua, ông gọi: "- Này, tau sinh con trai rồi, bay làm giấy khai sinh cho nó đi". Ông cũng chẳng nói tôi sinh ngày nào, tên chi. Tay chức dịch vâng dạ chứ cũng không hỏi lại. Chắc hắn nghĩ nhà tôi có của nên gọi luôn tôi là Giàu. Thế là thành tên. Nghe kỳ quá há? Tôi nói thêm chuyện này. Bữa trước có mấy giáo sư người Nga sang làm việc ở thành phố, qua thăm tôi. Chắc trước đó họ có hỏi đôi điều về tôi nên lúc gặp, họ có vẻ tò mò lắm. Nhìn họ, tôi vừa thương, vừa giận. Trò chuyện một lúc, tôi mới hỏi: "- Nè mấy chú, mấy chú có phải là Đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô không?" Thấy họ lúng túng, tôi nói liền: "Tôi chắc trong túi mấy chú trước đây có thẻ Đảng viên cả cơ đấy. Nhưng tôi hỏi mấy chú, cơn cớ gì mà khi người ta giải tán Đảng của mấy chú, các chú án binh bất động? Tại sao mấy chú không có hành động gì để bảo vệ đảng của mình vào những lúc khó khăn ấy? Mấy chú định chối hả? Tôi nói mấy chú là ngồi trước mặt các chú là một đảng viên Bônsêvich Nga đấy. Các chú thấy lạ phải không? Tôi là đảng viên Bônsevich Nga từ 1930 đến 1933 cơ, lúc đó mấy chú còn chưa sinh đâu. Mà thôi, nói chuyện đó, mấy chú đâu có hiểu...”

Quay sang GS. Bùi Đình Thanh và chúng tôi, Thầy cười buồn: "Đau thế đấy, mấy chú ạ. Mình định dồn cho họ thêm chặp nữa nhưng nghĩ lại, có ích gì. Thiệt vô lý, thiệt không thể hiểu nổi. Hai mươi triệu đảng viên mà án binh bất động, buông xuôi, rã đám, để cho người ta mổ thịt, ngay cả giãy giụa cũng không".

Giáo sư Bùi Đình Thanh nhẹ nhàng:

- Thôi, anh Sáu. Chuyện đó nói lại cũng chẳng được gì nữa rồi. Anh cố giữ sức khỏe để thỉnh thoảng có việc vào đây còn đến thăm anh nữa chứ. Thấy anh khỏe, em rất mừng. Nhà em gửi quà cho anh chị đây. Giờ anh cho tụi em đến thăm chị Sáu.

Thầy nói, giọng buồn hẳn xuống:

- Cám ơn chú thím, cám ơn anh em. Bà nhà tôi yếu lắm rồi, không nhận ra chú đâu. Thôi, để bả nghỉ. Cái tình mấy chú ngoài đó với vợ chồng tôi, tôi biết chớ. Thôi, mấy chú uống bia đi rồi ta nói chuyện khác cho vui. Tôi chỉ còn làm một việc lớn cần làm trước khi chết là nhờ mấy chú trong này lo thủ tục bán cái nhà này, nghe nói nhiều tiền lắm. Tôi sẽ mua một chỗ ở nhỏ hơn, tiền dư ra tôi hiến cho thành phố làm quỹ hỗ trợ cho anh em làm khoa học. Anh em vất vả quá, nhưng cũng phải nói anh em ráng bền lòng. Ta đã qua được những khúc khó khăn nhất rồi, tiền đồ của anh em, của dân tộc sẽ sáng sủa lắm. Tôi chỉ tiếc là không còn được sống đến ngày đó thôi. Nhưng tôi có ra đi cũng thanh thản thôi vì đã trả xong nợ đời rồi. Đời mình, thôi thế cũng được”.

... Chia tay Thầy, lòng tôi cứ bồi hồi vì những điều Thầy nói. Trong những câu chuyện ấy cứ thấy phảng phất một cái gì như giối giăng. Nhưng, sao Thầy lại nói những điều ấy với chúng tôi? Với giáo sư Thanh thì có thể hiểu được. Còn chúng tôi? Chắc Thầy cũng chẳng biết chúng tôi là lớp học trò nào. Tôi đem điều băn khoăn này nói với giáo sư Thanh, thì ông bảo: "Anh Sáu không nói vô tình đâu cậu ạ. Bao giờ cũng sâu sắc và giản dị, mà lớn. Những người như thế, tiếc thay, không nhiều lắm". Tôi cũng muốn phụ họa thêm: vâng, những người như thế sao quá ít ở trên đời.

Nguồn: vanhoanghean