Truyện
Chiều hôm ấy Trung tâm photocoppy Hoa Lan của tôi đông nghẹt người. Già, trẻ, trung niên, trai, gái, thôi thì đủ lứa tuổi, người nào người nấy nom cứ nhớn nhác. Mà lạ, phôtô đến hàng mấy trăm bản của mấy chục người mà sao bản nào cũng hệt như bản nào. Thấy lạ, tôi hỏi một cậu choai choai:
- Cậu phôtô để làm cái khỉ gì thế?
- Này ông!- Cậu ta trợn mắt, giọng hách dịch - Làm thuê thì im cái mồm! Biết làm gì cho chóng già.
Tôi tức quá nhưng đành ngậm miệng. Nhưng khổ nỗi, tôi có tính xấu là cứ tò mò. Thế nên, cậu choai choai đi rồi, tôi hỏi nhỏ một anh trung niên:
- Anh phôtô gì mà nhiều thế?
- À, tài liệu nghiên cứu ấy mà.
Anh trung niên có dáng cao to, đẹp trai. Anh đưa tay vuốt mái tóc ngược lên, mỉm cười. Tôi biết ngay là anh ta nói dối vì tài liệu của anh cũng hệt của cậu choai choai. Chẳng lẽ ngần ấy người cùng cơ quan nghiên cứu à? Mà thôi, mặc kệ người ta! Nghĩ thế, tôi cắm cúi làm, thỉnh thoảng lại nở nụ cười xã giao với khách rồi cầm tiền công xếp vào cái hòm sắt. Gần 12 giờ đêm tôi mới phôtô xong những bản giống nhau cho hàng trăm người khác nhau. Mệt nhoài nhưng mà sướng đáo để vì hôm nay thắng to. Khoá máy, đóng cửa, tôi nằm vật ra giường, thiu thiu ngủ. Bỗng có tiếng gõ cửa. Một giọng khẩn thiết lọt vào phòng.
- Anh phôtô ơi! Còn thức đấy chứ? Phôtô cho tôi ít tài liệu.
- À, hà! - Tôi nghe đã rõ, nhưng giả bộ ngái ngủ - Làm gì thì cũng phải sáng mai. Đêm hôm khuya khoắt còn phô mới chả tô.
- Thôi mà! Có tiền to, tiền tươi đây.
Tôi ầm ừ mấy tiếng rồi ra mở cửa. Một người trạc ngoài năm mươi, tóc ngả bạc, đeo kính lão, tay cầm một xếp giấy bước vội vào phòng như sợ tôi thay đổi ý định. Tôi cầm sấp tài liệu của bác ấy đặt vào máy. Tôi giật mình, nghĩ "Quái quỷ, từ chiều đến đêm người nào cũng chỉ phôtô một thứ tài liệu này là sao nhỉ? Có ma làm cả lũ mất rồi!". Thấy ông già ngồi thừ mặt trên ghế, tôi vừa thương vừa tò mò. Tôi dừng tay máy, hỏi nhỏ:
- Hình như bác phôtô tài liệu nghiên cứu khoa học?
- Ồ! - Ông già nghênh cái kính lão nhìn tôi, mái tóc bạc rung rung - Nghiên cứu gì đâu! Mai đi thi, phải có tài liệu, không toi.
- Toi là sao, hả bác?
- Toi là hỏng chứ sao! - Ông già thật thà - Thi không đỗ là toi. Về cơ quan sau này không có bằng đại học thì không được đề bạt là toi, không được tăng lương cũng toi. Toi tất!
- Mà bác thi trường gì quan trọng thế?
- Đại học tại chức ấy mà! - Ông già chậc lưỡi.
- Ồ, hẳn nào từ chiều đến giờ...
Tôi định nói hẳn nào từ chiều đến giờ bao nhiêu người phôtô cùng một loại tài liệu để chuẩn bị “photocoppy”, tức là “quay phim”, tức là “đạo văn”, tức là ăn cắp chữ nghĩa ấy mà, khi thi tốt nghiệp, nhưng sợ mếch lòng ông già, đành im mồm. Tôi im mồm nhưng đầu cứ nghĩ vẩn vơ. Nước mình thời mở cửa, nghĩ ra nhiều cái đại học mới lạ, vô cùng thiết thực. Đại học chính qui. Đại học từ xa. Đại học liên kết. Đại học tại chức. Tại chức chính trị. Tại chức kinh tế. Tại chức quản lí. Tại chức sư phạm. Tại chức nông nghiệp. Tại chức ngoại ngữ. Tại chức giao thông. Tại chức xây dựng. Tại chức tổng hợp. Tại chức thạc sỹ. Tại chức tiến sỹ. Cứ gọi là tít mù tại chức, miên man tại chức, sướng nhá. Sinh viên đại học tại chức như ông già đây, dĩ nhiên rồi, nhưng tôi biết còn nhiều sinh viên không tại chức mà vẫn học đại học tại chức. Thằng Bảy, cái Mai, thằng Sủng, cái Nụ, thằng Tum, nhiều nữa, toàn con ông cháu cha, thi không đỗ đại học chính qui, liền thi vào tại chức. Chúng nó ra trường là có công ăn việc làm ngay, làm ở các cơ quan quan trọng, lương bổng khá, có đứa chỉ vài ba năm đã được đề bạt ông nọ bà kia, chứ bỡn! Còn bao bạn học của chúng thi đỗ vào đại học chính qui, học khá giỏi cả, khi ra trường, chả mấy đứa tìm được công ăn việc làm. Có lẽ tôi cũng bỏ nghề phôtô để thi vào đại học tại chức xem sao. May ra tôi được đổi đời. May ra tôi có điều kiện phát triển, thăng tiến, kiếm ăn dễ dàng hơn.
Thôi kệ! Dù sao thì cũng cảm ơn đại học tại chức, để cho tôi có dịp kiếm ăn theo. Nghĩ thế nên tôi nhìn ông già tại chức với ánh mắt trìu mến và thầm xuýt xoa: "Hoan hô tại chức! Ôi, cảm ơn đại học tại chức! Mỗi năm mươi lần thi tại chức thì cái thằng em phôtô xin được hầu suốt đêm ạ!".
H.T.S