Trang chủ » Truyện

MÊ CUNG GIAO MÙA

Thứ sáu ngày 26 tháng 4 năm 2019 3:36 PM

MÊ CUNG GIAO MÙA

Tiểu thuyết –Nguyễn Tiến Lộc

I

TRỞ VỀ I

Một buổi trưa mùa đông. Mặt trời lẩn trong mây .Bầu trời chuyển sang màu trắng đục mờ. Gió từ phương Bắc thổi về lay nhẹ những lũy tre ngà vàng nhạt .Những con chim tha mồi về tổ sà xuống lùm tre um tùm.Chúng nằm yên trong tổ mớm cho mấy chú chim non đang há miệng chờ mồi.Một đàn chim nhạn đôi mắt tinh nhanh, cánh nhọn đuổi nhau bay vun vút trên cao, vẽ nên những đường bay thiên hình vạn trạng rồi mất hút cuối chân trời . Một vùng trời yên ả với những đám mây muôn màu sắc đang lững lờ trên một miền quê đồng bằng Bắc bộ hiện ngủ sâu trong nghèo đói, lầm than.Đoàn tàu cũ kỹ với mười toa hành khách, toa hàng màu xám xẫm đang hồng hộc chạy lên phía bắc . Một nhân viên hỏa xa đứng ở Bậc lên xuống cầm cờ hiệu màu vàng, đỏ ngả người ra phía ngoài phất liên tục. Khách trên toa phần lớn là những người đàn bà quê mùa mặc áo cánh nâu, quần thâm kiểu chân què, ra Hà Nội mua những loại vải phin,lụa Triều Khúc ,lụaHà Đông, chúc bâu, giấy bút học sinh ,mực tím, mực xanh,tạp phẩm về bán ở các chợ quê ,kiếm một vài đồng cho cả một gia đình nheo nhóc sống qua ngày đoạn tháng .

Quân ngồi ở toa xe hạng ba gần cuối đoàn tàu, ngủ gà ,ngủ gật ,bỗng một hồi còi nghe khàn khàn rúc lên dường như để báo cho một chiếc xe bò sắp vượt ngang qua đường tàu hãy cẩn thận, làm anh giật mình tỉnh ngủ .Quân xoay người nhìn ra bên ngoài, ngắm phong cảnh hai bên đường lướt nhanh qua cửa sổ toa xe ,anh thấy chạnh buồn, một nỗi buồn không duyên cớ . Hơn ba năm nay ra Hà Nội học hành, tháng nào anh cũng đi,về con tàu này một hai lần, anh thuộc nằm lòng những khúc đường làng chạy ngang qua đường tàu ,những cây cổ thụ mùa đông vẫn xum xuê tỏa bóng, những cây hoa gạo đỏ rực trời cuối xuân đầu hạ , những cô gái bán hàng rong, cầm một chiếc làn mây đầy bánh dày, giò,chả ,bánh khúc, bánh xu-xê, bột lọc, yếm trễ phập phồng, nghển cổ lên cửa sổ toa tàu mời khách với chất giọng nền nã trong trẻo của miền quê quan họ , anh nghe lần nào cũng xao xuyến.Còn sắp tới đây, anh mường tượng rằng sẽ không còn nhiều dịp cho mình như vậy nữa ,cuộc đời anh đã rẽ theo một lối khác .

Một hồi còi tàu nữa lại cất lên, báo hiệu tàu sắp váo ga, cắt ngang những ý nghĩ lan man của anh .Anh vội xách chiếc va-ly nhẹ tênh lên , vuốt mái tóc thường bôi bi-jăng-tin cho phẳng phiu, phủi những khói than tàu hỏa bám vào quần áo, rũ bỏ bộ mặt buồn bã ban nãy để xuống tàu .Một đoàn người hỗn độn, chen chúc, xô đẩy nhau,người gánh, người gồng, người đeo bị ,tay nải ai cũng muốn ra trước về nhà sớm .Quân cũng ở trong dòng người ấy,anh luôn co mình lại, nhường cho một người vừa đeo bên vai chiếc tay nải to, vừa bế một đứa bé khoảng ba tuổi đang khóc , nước mắt , nước mũi đầy mặt.Anh nhường hết người này đến người kia . Từ đám đông ấy xộc vào mũi anh một loại mùi khó tả,có thể là mùi hôi nách, mồ hôi dầu, mồ hôi muối, mùi tóc tai, da thịt lâu ngày không tắm,không gội, mùi của thứ khí rất khó chịu toát ra theo đường tiêu hóa. Anh không dám bịt mũi , không kêu ca mà phải chịu đựng cho quen, những bạn bè thân thiết của anh đã khuyên phải quen chịu đựng trừ những điều vô đạo đức, bất công .Những kẻ hôi hám ,quê mùa kia rồi sẽ là đối tượng mà sau này anh phải kề vai sát cánh , dìu dắt họ đi theo một con đường mới . Trong một lớp huấn luyện năm ngoái thượng cấp của anh đã huấn thị như thế . Quân đi nhanh ra khỏi ga,rẽ xuống lối tắt men theo đường tàu hỏa rồi vọt lên rẽ trái, nhanh chóng vượt qua đường tàu đi vào phố Niềm, một phố nhỏ chạy theo con đường chính dẫn đến làng anh ,còn cái làng của phố Niềm thì tụt vào phía trong nhìn ra cánh đồng. Phố Niềm ngày trước cũng toàn dân cổ cày vai bừa, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời , nhưng từ ngày phong trào Mặt trận bình dân ở Pháp tràn sang,xu hướng vui vẻ trẻ trung, ăn chơi đàng điếm nổi lên ở Hà Nội, một số mụ giăng há giăng hồ theo đường số một , đường sắt chảy về đây,mở “ nhà thổ”, mồi chài tụi lính lê- dương và những ai có tiền đến giải sầu, sau đó mới trở thành phố cô đầu .Họ thấy làng Niềm là đắc địa ,sát nách tỉnh lỵ , ranh giới cách nhau chỉ là con đường tàu mà một bên là tỉnh , một bên là quê,giáp ranh nhau, khó quản lý , tha hồ tung hoành ,thế là một phố không biển hiệu mọc lên tự đặt tên là phố Niềm,phố trong làng Niềm,phố của nhiều nỗi niềm hoặc chung một nỗi niềm.Các quan Tây , quan ta của nhà nước bảo hộ đều tảng lờ như không biết đến vì nó đi đúng hướng của các quan cai trị là hãy cứ để dân An Nam chìm đắm trong mê muội,trụy lạc .Đây là hiện tượng phố trong làng hiếm có ở tỉnh Bắc này . Những ngôi nhà tranh ba gian hai chái bị phá ra làm củi, nhường chỗ cho nhà một tầng bề thế lợp ngói , it lâu sau lại có những ngôi nhà hai tầng mọc lên dọc hai bên con đường trải đá răm chạy theo hướng về làng Khúc, làng Yên, làng Đặng .

Sau giây phút hồi tưởng quá khứ , Quân mới bắt đầu chăm chú nhìn con phố này xem có gì thay đổi không . Mấy tháng nay phố này vẫn như cũ ,vẫn vài ba cô gái má phấn môi son, mặc áo cánh sẻ tà hở cổ đang đứng ngồi ở vỉa hè chờ đón, mời chào khách. Thấy anh ăn mặc tươm tất ,áo sơ-mi cổ cồn ,quần tây vải ga-ba-đin còn nguyên nếp là, một cô gái xinh tươi bước xuống đường ,ngăn anh lại nói :

- Mời thày ký vào nhà em xơi nước .Chè mạn hảo u em mới mua ở chợ Đồng Xuân về thơm,ngon lắm.

Cô không nói đến loại “ cơm đen “ bị cấm nhưng những nhà hát cô đầu nào cũng có.Tây chỉ cấm cho có lệ thôi.Vừa mời, không thèm để ý xem liệu khách có ưng vào không , cô đã đỡ lấy chiếc va-ly của Quân, một tay nhẹ nhàng dắt tay anh lên hè .Bàn tay trắng hồng, ngón dài tô son đỏ chót truyền sang anh một luồng hơi ấm êm dịu.Anh biết các cô gái ở đây từ lâu rồi , công việc của họ thường là làm về đêm nhưng vài năm nay được tự do hơn nên hoạt động cả ban ngày , mấy “ ông cẩm” đi tuần tra thấy hết những chuyện ấy thì cũng giả câm ,giả điếc cho qua. Nhiệm vụ của các cô này là “khi tựa gối, khi cúi đầu” chiều chuộng đủ các loại khách hàng đàn ông là các ông ký, ông thông, ông phán, những ông chủ cửa hàng chuyên bán thực phẩm, bia rượu cho đội quân lê- dương.Những quan huyện, những dân buôn giàu có vùng nam phần Thuận Thành , Gia Bình , những công chức làm việc ở tòa sứ , sở đoan, sở cẩm cũng trốn vợ đến phố này tìm “của lạ”. Những ông quan ở các nơi xa như Yên Phong,Lương Tài,Phả Lại thỉnh thoảng cũng cắp ô, ngồi xe tay về phố Niềm “tom” , “chát” ra oai với thiên hạ

Đang nghĩ như vậy chợt anh nghe thấy tiếng đàn nhị ò, e ,tiếng đàn đáy,tiếng “ trống “, “phách “ mời mọc đều đều vọng ra ,vài năm gần đây còn có nhiều khách ở Hà Nội và một vài tỉnh lân cận tìm về con phố này giải sầu, họ thích hát vài ba đêm cho bõ công đi, bởi vậy mới có sự “tom”, “chát” ban ngày như vậy. Nghe nói có cả mấy ông nhà văn , nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy nhưng kiết xác cũng rủ nhau về . Các ca nương ở đây trẻ trung hơn ,giọng ca mềm mại hơn, nhuần nhuyễn hơn , đôi khi lại pha thêm cái chất “vang, rền,nền nảy” dễ làm say lòng người . Nhiều khách làng chơi sành sỏi ở thủ đô thich về đây hơn Khâm Thiên vì ở bên đó đôi khi gặp những ả mới nhập “hội” giọng nặng chát hương vị muối biển từ miền trong ra hoặc những gái lỡ tình, xuân xanh quá thì lấy son phấn “đánh lừa con đen “ , hát dở ngô,dở ngọng,lạc phách, sai nhịp.Quân chưa biết nên như thế nào , anh cũng chưa đi “tom” “chát” bao giờ , anh chỉ chầu rìa ,nghe lỏm thì bỗng thấy tiếng gọi :

--Anh Quân, sao anh lại vào đấy làm gì .Em về mách chị Nền thì anh đừng có trách”.

Cách nói của cô gái quê này hơi sỗ sàng nhưng mấy cô đào non cũng không thể bắt bẻ gì, họ quen lôi kéo khách kiểu ấy rồi .Quân quay lại nhìn ,nhận ra Nếp, trả lời:

-Anh có định vào đâu,họ ra tận nơi kéo vào .-Quân cầm lấy chiếc va-ly đi về hướng Nếp .Mấy cô gái mặc áo cánh sen, quần lĩnh, từng trải , biết chuyện mồi chài không xong cũng lặng yên để hai người đi.

Quân và Nếp đi cạnh nhau một đoạn vừa khỏi những căn nhà có treo đèn lồng thì Nếp lên tiếng hỏi anh rằng đang thời vụ học hành sao anh lại về , nhà anh hai cụ vẫn khỏe , công việc bình thường cơ mà.Quân nghe Nếp hỏi, chưa biết nói sao, chợt ngửng lên thấy trước mặt là một cây đa cổ thụ , anh bảo đi nhanh đến đó ngồi nghỉ nói chuyện .Hai người ngồi dưới gốc cây , phía bên trong là một cái miếu, bát hương vẫn đầy chân hương , mấy bó hương đen dựng ở phía trong, bên dưới là một hộp hương vòng chưa dùng hết. Nếp hỏi anh đã nhớ mua mu-soa cho cô chưa để cô gửi tiền . Quân lặng người đi về sự hứa hão, đãng trí của mình , một lát sau anh mới nghĩ ra câu nói dối rằng anh đã mua nhưng để quên bên Hà Nội , lần sau anh sẽ nhớ, nói dối anh sẽ phải tội. Nếp vội đốp lại ngay :

- Có mà “tội lội xuống sông , đánh ba tiếng cồng lại nổi tội lên” . Nếp biết mình yếu thế, không thể hờn dỗi ,trách móc ,mà anh ấy cũng đã từng nói rằng anh coi cô như em gái ,nhưng có phải như thế đâu, anh vẫn hò hẹn, tặng quà , thé là nghĩa làm sao . cô nghĩ trong bụng như vậy , chẳng dám nói với ai , bởi vậy ,Nếp nghe câu ấy nhưng cô không thích .Nếp phải bấm bụng lại mà chịu đựng sự chậm chân của mình so với cô chị . Cô nghĩ thầm , nếu chị Nền nhờ mua thì đố anh dám quên .Sau đó Nếp rút ở trong túi ra một chiếc khăn tay bằng vải soa có hình tháp Ep-phen cô mua ở hàng Đào mấy tháng trước tặng cho Quân. Anh cầm chiếc mu-soa đắt tiền này mà bất ngờ,bồi hồi vì tình cảm chân tình của Nếp mà đôi khi anh nghĩ đó chỉ đơn giản là sự bông phèng cho vui khi anh muốn gắn bó với Nền . Đến bây giờ Quân mới bình tâm hỏi Nếp xuống tỉnh làm gì .Cô nói vài ngày nữa ở nhà có đại sự,bố cô được tuổi khao ngũ thập,cụ định làm khoảng một trăm mâm mời họ hàng nội ngoại, hàng xóm, láng giềng, chức dịch làng ,xã, quan viên hàng tổng. Hôm nay, Nếp xuống chợ Nhớn mua măng miến,bánh đa nem, nước mắm , các thứ hàng khô , gia vị ,cà-rốt, gừng tỏi , nghệ để làm cỗ .Thịt thà , gà vịt cũng đâ chuẩn bị đâu vào đấy rồi .Hai người đang nói những chuyện chẳng đâu vào đâu, đồng quang sang đồng rậm thì một bà cụ lưng còng vừa ra đồng mót khoai về, đi đến , bà cụ ý tứ vén chiếc váy cũ, vá chằng ,vá đụp , ngồi gần hai người .Một mùi khó tả ập vào mũi anh, nhưng anh đành chịu đựng .Anh khẽ nhích, nghiêng người ,dáng vẻ như nhường chỗ cho bà cụ . Cụ than rằng cuộc đời cụ toàn khổ là khổ ,ông trời đã định như thế thì phải chịu, phải không , thày phán. - Quân vội đỡ lời :

- Cháu vẫn còn đi học,không phải “thông” với “phán” gì đâu , cụ ạ .Vâng, cháu cũng tin có số, vả lại,dân ta sắp sướng rồi”.Anh định nói là “Nước mình sắp độc lập rồi, ai ai cũng sướng“ nhưng đã kìm lại được .- Bà cụ nghe nói thế, vẫn tiếp lời :

-Tôi làm gì mà sướng được . Chỉ có ông sẽ sướng,tướng của ông cằm bạnh, mồm rộng , mắt sáng là người có tài ,thành đạt , vợ đẹp con khôn,đi làm cho Tây tha hồ mà nhà lầu xe hơi.-Quân chưa kịp trả lời , bà cụ lại than :

- Tôi trời cho có chồng, có con hẳn hoi mà khổ vẫn hoàn khổ .Chồng mới ngoài năm mươi đã chết vì cái bệnh cô-lê-da ( dịch tả ), thằng con trưởng bị bắt đi phu đồn điên cao-su, để lại ba đứa con cho vợ , mấy năm nay không tin tức, không biết còn hay mất .Thằng thứ hai đi lính sang Tây có gửi về được vài đợt tiền cho vợ nuôi con rồi biệt tăm,nghe nói nó sang tận An- dê-di ( (Algerie ) xa lắm.Bán cả nhà cả đất đi cũng không đủ tiền đi thăm con, thương đứt ruột đứt gan mà đành chịu . Trước khi nó đi, lý trưởng bảo đi lính sang mẫu quốc là vinh dự lắm, lương cao ,tiền không để đâu cho hết .Qúa hạn đi lính của nó, tôi lên tỉnh hỏi nó đang ở đâu,sao độ này không có lương, có phải nó chết rồi không ,tôi nằm mê thấy người nó dính bê bết máu, hỏi mãi nó không nói gì rồi biến mất, nếu nó chết , các ông cứ bảo tôi một tiếng để tôi cúng vong cho nó ,để nó được mát mày mát mặt. Nhà nước cứ dấu diếm làm gì. Sau đó, họ bảo với tôi thật tình là họ không biết , sang Hà Nội mà hỏi .Hóa ra cái nhà nước này toàn lừa dối dân.Dân thì ngu, nhà nước bảo cái gì cũng nghe .Trước khi nó đi thì hứa trời nam bể bắc ,ngon ngọt lắm, nghe sướng lỗ tai , nhưng rút cục khổ vẫn hoàn khổ .

Đang kể nỗi khổ đường chồng con ,bà cụ lại quay sang nói về Quân:

-Tôi thấy ông có nhiều tướng quý , sau này sẽ làm to, ông bảo cho tôi biết khi nào thì hết khổ?

- Nghe bà cụ nói chuyện,anh không ngờ một bà cụ lưng còng, quê mùa lại có những câu hỏi hóc búa như vậy,Quân thấy lạ về sự sắc sảo ấy và ghé vào tai nói thật với bà cụ :

- Dân ta còn khổ lâu đấy cụ ạ .Bao giờ đánh đuổi hết thằng Tây về nước nó thì mới sướng “ .

Anh nói xong, biếu bà cụ một đồng tiền Đông Dương in hình bà đầm xòe ,bà cụ cảm động ứa nước mắt , cảm ơn:

- Số tiền này đủ cho gia đình tôi đi chợ một tháng đây .

Nhưng bỗng bà cụ giật giọng hỏi Quân :

-Thế chứ ai dám đánh Tây, nó đầy những súng to, súng nhỏ. Anh có dám đánh không hay anh chỉ cố học để làm quan.

Quân bối rối trước câu hỏi ấy , chưa biết nói sao thì bà cụ đã lom khom đứng giậy đi nhưng mới được vài bước thì lại dừng, nói đủ cho hai người nghe :

- Cái miếu này thiêng lắm đấy ,gọi là miếu cô hồn . Chả là ngày xưa có một cô gái bị bố gán nợ cờ bạc, bắt lấy một lão phú nông ngoài năm mươi tuổi , cô ấy không nghe , ông bố đánh cho một trân thập tử nhất sinh rồi đuổi đi , cô gái đến cây đa này mệt quá không đi nổi nữa,nằm gục xuống, thiếp đi , nửa đêm thức giậy uất quá, treo cổ tự tử .Sáng ngày ra một đống mối đùn lên phủ kín người cô gái . Dân làng biết cô gái ấy chết vào giờ thiêng, liền xây một ngôi miếu trùm lên đống mối .Từ đó,cô chuyên phù hộ cho những cặp trai gái bị oan trái trở nên tốt số thành vợ, thành chồng . Còn những kẻ “mèo mả ,gà đồng “ đều bị cô trừng phạt.

Nghe xong câu chuyện này, Quân và Nếp lặng lẽ đứng lên nhìn nhau im lặng, chạnh lòng, không biết có phải bà cụ nói xa xôi bóng gió về mình không ,bèn chào bà cụ rồi cùng nhau đi về làng .Quân cứ nghĩ mông lung về những câu bâng quơ của bà cụ già lưng còng nhà quê. Anh thấy nhói trong lòng mà không thể nói hết về mình cho bà cụ biết.

II

ĐÔI LỨA

Độ này, bà giáo nhớ con cứ bần thần cả người , vài tháng nay thằng Quân không về ,không hiểu vì sao .Trời đất này nhiều cái lo lắm, sống cứ thấp tha thấp thỏm , sưu cao , thuế nặng, đi chợ bán gánh khoai lang nhà trồng cũng phải thuế . Người dân chết ,không có tiền không được chôn ở nghĩa địa .Riêng nhà bà,chồng dạy học , vợ làm hàng xáo , làm mấy mẫu ruộng, chắt bóp cho thằng Quân sang bên Hà Nội học là phải nhịn ăn ,nhịn mặc méo cả mặt.Ông ấy luôn nói với bà :

- Đời mình đã phải khổ vì ít chữ nghĩa thì phải cho con nó học, “nhân bất học ,bất tri lý “, dốt nát vào trường đời dễ bị bắt nạt.Tôi đã chịu bao cay đắng lỡ làng,bây giờ chỉ mong con đỗ đạt để rửa hận cho bố.

Chồng bà là người có chữ nghĩa đã từng vào kinh đi thi nhưng không đỗ .Cuộc đời bị lỡ làng hết đận này sang đận khác,ông bèn ở làng làm nghề gõ đầu trẻ , chẳng nên ông nên bà gì nhưng dạy học ở cái làng này chẳng phải luồn cúi ai, lại được dân làng gọi là ông giáo ,vợ là bà giáo cũng hởi lòng hởi dạ.

Hôm qua , con chim khách đậu ở cây bưởi hót ríu ra ríu rít ,bà nghĩ nhà sắp có khách, không hiểu khách nào hay là thằng Quân sắp về .Hồi nãy, nghe tiếng còi tàu chuyến một giờ trưa từ Hà Nội về , bà chắc mẩm nó đi chuyến ấy .Làng cách ga ở tỉnh khoảng hai cây số đường vòng, còn đường chim bay chỉ dăm sáu trăm mét. Vậy mà bây giờ gần hai rưỡi chiều vẫn không thấy tăm hơi. .Bà đang ngồi thần ra suy nghi về gia cảnh , về con, bỗng nhiên con chó mực đang nằm cuộn tròn ở chân đống rơm chạy vống đuôi ra phía cổng, sủa inh ỏi rồi im hẳn , đuôi vẫy liên hồi.Con chó nhà bà huyền đề cả bốn chân , khôn lắm ,nó mà sủa, tất là có người đến nhà . Bà nhìn ra cửa , thấy cái cổng tre dựng ngược lên, một người đàn ông bước vào.Bà quay ra nhìn kỹ rồi kêu to :

- Thằng Quân đấy à. Vào đi.Độ này bận gì mà hôm nay mới về.

Nói xong bà ton tả chạy ra đón,xách cái va-ly đem vào nhà.Thấy khuôn mặt xương xương có góc cạnh của con hơi gầy đi , bà nghi con bị ốm hoặc học hành quá sức nhưng không tiện hỏi, bà bảo Quân đi rửa mặt ,nghỉ ngơi , bà đi ra chợ đầu cầu mua một vài thứ nấu cơm cho ăn .Làng này có tục lệ buổi sáng ăn cơm rất sớm rồi đi làm đồng cho đỡ nắng , khi mặt trời lên gần đỉnh ngọn tre một chút,là sắp giờ ngọ nắng gắt, mọi người về, làm việc vặt trong nhà ,nghỉ ngơi, ăn tạm vài củ khoai , củ sắn.Mặt trời bắt đầu xế về phía tây, trời dịu bớt là khỏang ba giờ chiêu, ăn bữa cơm thứ hai lấy sức đi làm đồng , gần tối mịt mới về , xay lúa, giã gạo , đói thì ăn tạm khoai sắn từ buổi trưa còn lại rồi bấm bụng đi ngủ , sáng hôm sau ăn sớm đi làm.

Quân về nhà chỉ kịp chào hỏi mẹ qua loa, cất hành lý rồi ngủ một giấc dài ,gần năm giờ tỉnh dậy, không thấy bố mẹ đâu , chỉ có mỗi con mực nằm ở gậm giừơng chạy ra nhìn anh vẫy đuôi .Lát sau, mẹ Quân đi chợ về , mua được một mớ tôm ,ba xóc cua ,vài lạng thịt ba chỉ làm cho cả nhà ăn bữa cơm sum họp sau mấy tháng anh vắng nhà.Ông giáo đi thăm bạn chưa về, thành thử chỉ có hai mẹ con ăn .

Trăng thượng tuần đã mọc .Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời xanh phủ một lớp mây mỏng .Tiếng cú kêu trong những vòm cây rậm rạp vọng về một tâm trạng lo lắng, u buồn sắp có điềm gở .Vài con chim lợn bay qua tiếng kêu eng éc gieo nỗi sợ hãi cho xóm làng . Người ta vẫn âm thầm tin rằng chim lợn kêu là báo nỗi bất an, kinh hoàng có người sắp chết. Nghe tiếng chim như vậy trong khi đi ra cây đa đầu làng gặp Quân , Nền cũng thấy hơi chờn chợn, bây giờ điềm lành thì ít, điềm giữ thì nhiều.Đầu giờ chiều nay khi bóng nắng đã chớm chạm vào bậu cửa, khi Nền đang rửa một cũi bát chuẩn bị cho ngày khao lên lão của bố thì Nếp về . Nhìn thấy em , Nền ngầy ngà :

-Đi chợ đi búa gì mà lâu thế ?

Nếp khẽ khàng trả lời chị :

-Hôm nay phiên chợ đầu tháng,khách mua bán đông , tìm chọn mãi mới mua đủ mọi thứ chị dặn.Về đến phố Niềm em lại gặp anh Quân , hai anh em ngồi gốc cây nói chuyện .

Nếp là một cô gái ngoan, thật thà .Lúc tình cờ qặp Quân ở phố Niềm cô nói chuyện với Quân như hai người đang có tình ý với nhau, cô định không nói chuyện gặp Quân cho chị biết nhưng bây giờ lại nóí ra .Nghe nói đến Quân , Nền như người tỉnh ngủ, cô định hỏi ngay xem Quân có nhắn nhe gì không nhưng lại ngại , bèn lảng sang hỏi chuyện khác :

-Mày có mua lược cho tao không,độ này đầu tao hay ngứa lắm, hình như nhiều chấy thì phải.Chiếc lược cũ gãy nhiều răng rồi ?

Nếp ớ người ra ,nhận tội :

- Em quên mất rồi .Đầu em cũng nhiều chấy lắm,chị lấy tạm lược của em mà chải .

Nền cốc cho em một cái, nói :

-- Hay quên là có chuyện đấy .

Cũng đúng lúc đó Nếp nói:

-Anh Quân hẹn chị tối nay gặp nhau ở cây đa đầu xóm .

Nền nghe được tin ấy là yên tâm , không lục vấn cô em gì nữa .Sau đó, hai chị em xúm nhau rửa hết cũi bát . Số bát đĩa này ông chánh Khuê cho mua cách đây vài tháng, đủ để làm khoảng một trăm mâm cỗ khao lên lão.Trước đó, mỗi khi nhà ông có việc, bát đĩa của nhà chỉ đủ cho ba chục mâm ,làm thêm mâm là phải mượn của họ hàng, làng xóm. Xong việc đem trả, nhưng hay xảy nhiều phiền toái như trả nhầm của nhà nọ sang nhà kia , mất mát , nhiều bát đĩa Giang Tô đẹp bị những người đến nấu giúp lấy cắp,bát đĩa vỡ không biết đền bù thế nào cho vừa lòng chủ ,đâm ra xích mích. Trước tình hình ấy ,chánh Khuê xuất tiền cho vợ mua mâm bát, nồi niêu xoong chảo đủ cho một trăm mâm cỗ và lên tiếng không thèm mượn của ai cái gì nữa .

Tối hôm ấy, cơm nước xong, để cho Nếp thu dọn ,Nền lặng lẽ đi ra nơi hẹn gặp Quân .Chờ một lát không thấy , Nền bồn chồn ,hay là con Nếp bịa chuyện, nhưng nghĩ lại, cô không tin Nếp dám bịa vì tính nó thật thà không quen nói dối . Đang lúc trông ngóng như thế ,bỗng có hai bàn tay nóng ấm bịt lấy mắt cô rất chặt . Cô biết là Quân trốn ở phía sau cây đa cổ thụ để lừa bịt mắt cô . Cây đa cổ thụ này đã có tuổi hơn ba trăm năm , cành lá xum xuê, vài cành lòa xòa trên mặt nước của con sông chảy qua làng, mùa hè trẻ con leo lên đó rồi nhảy ùm xuống sông bơi lội .Những người đi về xóm này, từ xa đã thấy cây đa um tùm, cao lừng lững ở đầu xóm đứng đón mình ai cũng nao lòng. Hóa ra ,Quân đã đến từ sớm,đứng nấp ở phía bên kia để thử xem Nền như thế nào . Đến khi biết Nền chờ lâu sinh bực bội ,anh mới nhẹ chân ra bịt mắt. Quân ôm Nền rất chặt rồi kéo cô sang phía bên kia gốc đa kín đáo hơn tâm tình.Nền nằm yên trong lòng anh một lát rồi ngồi giậy, vấn lại chiếc khăn nhiễu ,ngồi bên cạnh anh nói hết nỗi lòng mình . Cô thấy phấp phỏng lo cho chuyện của hai người, cô tin anh ở chốn phồn hoa vẫn chung tình, nhưng con gái thành thị nhiều mánh khóe lắm, anh lâu không về ,cô lo nhiều đêm không ngủ được, chỉ muốn bật giậy đi tìm gặp anh .Còn ở làng vài nhà có máu mặt cũng đánh tiếng, nhờ người mai mối, cô đều lắc đầu , bố mẹ cô cũng chiều con, lựa lời gioãng ra. Mấy thằng du thủ du thực ở làng Niềm đã vài lần đón đường định dở trò sàm sỡ , cô phải đợi những người cùng làng đến mới dám đi . Cô chỉ muốn anh ở nhà sinh sống cho cô yên lòng, bố cô đã hứa với cô sẽ xin việc cho anh ở dưới tỉnh, ông chánh xứ đã nhận lời giúp .Cô nói rất tha thiết rồi gục đầu vào vai anh thổn thức .Quân nghe Nền nói ,anh thấy run run trong người ,rõ ràng là tình cảm cũa Nền rất mãnh liệt , chân thành ,anh chưa biết nói với cô như thế nào.Chợt Nền ôm lấy cổ anh ,ghé sát vào tai hỏi:

- Lần này anh ở nhà bao lâu ?

Chưa thấy anh trả lời, cô cầm lấy tay anh để lên ngực mình,không thấy Quân có hưởng ừng gì,cô hỏi tiếp:

-Anh có ở lâu không?

Quân trả lời :

-Anh sẽ ở lâu.Sao tim em đập mạnh thế ?

Cô lấy tay dí vào trán anh:

--Sao anh ngốc thế.Sắp học xong trường Luật rồi mà vẫn ngốc .

Anh vội luồn tay vào trong yếm người yêu .Bầu ngực tròn chĩnh,ấm nóng,anh cứ muốn để mãi bàn tay mình ở đấy . Mắt cô ánh lên những tia hạnh phúc, nói :

- Hay là anh báo thày u anh sang chạm ngõ đi .

Quân hỏi lại:

– Nhưng thày em ý thế nào.

Nền đáp ngay:

– Em chưa dám nói gì với cụ,nhưng xem chừng cũng thuận“.

Quân lại thăm dò tiếp:

-Thế còn u em ?

- U em nghe theo thày em.

Những câu nói của Nền đã tạo nên một cơn giông bão trong lòng anh .Anh chưa biết xử lý ra sao . Trước khi về quê, cấp trên bảo anh đã bị lộ trong một vụ “động trời” .Lần ấy, Thống chế Pê-tanh sang thị sát Hà Nội,anh được “Tổ chức” giao cho nhiệm vụ ngồi trên lùm cây um tùm, khi đoàn xe của Thống Chế đi qua thì dùng súng cao-su nhắm vào xe của Thống Chế bắn .Trúng hay không cũng cứ ngồi yên,còn trường hợp bị cảnh vệ, cảnh binh phát hiện thì tùy cơ ứng biến để thoát thân .Lần đó ,anh bắn trúng vào kính xe , không trúng người. Cảnh binh nhốn nháo, hung hăng tìm bắt kẻ dám bắn vào xe của Thống Chế nhưng chúng chỉ truy lùng người bắn ở dưới mặt đất nên không tìm được thủ phạm, chúng không nghĩ đến chuyện người bắn nấp ở trên cao.Đêm anh đã trốn thoát .Không bắt được kẻ ám sát , đội cảnh vệ bảo vệ Thống Chế cay cú lắm, quyết tìm ra manh mối.Còn Phủ Toàn quyền bị mất mặt với Thống Chế ,đã ra lệnh cho Sở Mật thám Bắc bộ phải tìm cho ra và sớm triệt hạ phong trào Việt Minh. Gần đây, có tên cùng trong tổ chức bí mật vớí Quân đã phản bội, khai báo với Sở Mật thám về “vụ ám sát” hụt này để nhận thưởng và xin đi làm tay sai cho mẫu quốc nhưng nhờ nguyên tắc hoạt động bí mật được quy định chặt chẽ, hắn chỉ biết dự kiến sự kiện, còn người thực hiện hắn không biết.Chính hắn cũng ở trong diện lựa chọn đi làm nhiệm vụ ám sát ấy nhưng qua kiểm tra kỹ càng thì hắn bị loại bỏ. Sợ Quân bị bắt nếu cứ tiếp tục ở Hà Nội , “Tổ chức” đã điều anh về quê một thời gian để xây dựng phong trào chống Pháp, đuổi Nhật, chỉ thị cho anh thâm nhập vào đám trai trẻ làng mình và các làng xung quanh, thành lập môt vài nhóm hoạt động nòng cốt, trung kiên, không được đi đâu xa quá ba ngày.Quân không thể nói những điều này với Nền bèn giải thích với cô rằng anh tạm thời thôi học vì bố mẹ không còn tiền trợ cấp, nhưng nếu các cụ xoay được tiền thì anh lại tiếp tục .Còn việc cưới anh cũng bằng lòng ,nhưng phải chờ hai cụ chuẩn bị ngân quỹ.Nền nghe xuôi xuôi tai, không nói gì nữa. Hai người âu yếm nhau một lúc rồi ra về .Trăng thượng tuần cũng đã xuống dưới ngọn tre .Màn đêm bắt đầu bao phủ kín bầu trời, mặt đất, chỉ có lưa thưa những ngôi sao khuya nhấp nháy trên không trung .

III

CHUYỆN GIA ĐÌNH

Sau khi từ Hà Nội về , hôm nay Quân mới có dịp ngồi nói chuyện với bố .Anh chưa kịp nói lý do về quê lần này nhưng anh nhận thấy dường như bố không để ý đến điều đó mà chỉ lôi bộ ấm chén “Bát tiên quá hải” để ở trong tủ chẻ ra pha trà cùng anh đối ẩm. Cử chỉ này anh thường thấy ở bố khi có khách sang hoặc ngày giỗ, ngày tết. Bố vừa mang bộ ấm chén ra , anh vội đỡ lấy đem đi rửa thì cụ gạt đi nói rằng mới rửa hôm qua khi cụ phán Huỳnh sang chơi, ngủ lại . Hai cụ uống nước chè mạn hảo đến tận khuya,tiếng chuông đồng hồ gõ mười một tiếng mới đi ngủ .

Quân và bố ngồi uống trà , tâm sự như hai người bạn, bố cho phép như thế,vừa hết chén thứ nhất,bố lại châm chén thứ hai ,bảo anh uống rồi ông kể câu chuyện với cụ phán Huỳnh cho nghe.Quân dựa lưng vào chiếc tràng kỷ đối diện với bố ở phía bên kia.Anh hơi buồn vì thấy bố gầy đi, có vẻ như có điều gì lo lắng, nói năng chậm chạp nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh,bố vẫn quan tâm nhiều đến thời cuộc .Cụ thổ lộ với anh rằng thời thế hiện nay đang ở vào cung “khảm “, theo Kinh dịch,”khảm” là thủy ,ở dưới , “ly“là “hỏa ở trên , khắc nhau, không hòa hợp được, vô cùng nguy hiểm .Trong ván cờ thế sự này, bên nào được lòng dân thì sẽ thắng.Nhưng xem ra chưa đâu vào đâu . Nhật vào đây đã hơn bốn năm, rải quân khắp trong Nam, ngoài Bắc mà vẫn án binh bất động, không hiếu họ toan tính sao.Tây ở vào thế yếu ,chịu lép một bề nhưng đằng sau nó là ai nữa chưa biết.Mỹ có để yên cho Nhật tự tung tự tác ở xứ Đông Dương này không ? Dân ta một cổ hai tròng.

Anh nghe đến đây thì hiểu rằng hai ông bạn già này thường sang nhà nhau nói chuyện phiếm.Trước đây hơn hai chục năm, hai cụ cùng vào kinh đô thi đình một lượt nhăm nhe giật lấy bảng nhãn, thám hoa, còn trạng nguyên thì vua Minh Mệnh đã bãi bỏ vào năm một nghìn tám trăm ba mốt sau khi lên ngôi. Nhà vua không muốn ai có danh tước cao hơn mình,vua là tối thượng . Lần ấy, cả hai cụ đều trượt,chỉ được cái tiếng là đã vào kinh thi đình .Trở về nhà, ông Huỳnh chuyển sang học tiếng Tây ngay để đi làm ông thông , ông phán trong các công sở của nhà nước bảo hộ .Hồi đó, triều đình bị Tây ép buộc phải xóa bỏ việc học, thi cử bằng chữ nho, tức là Tây không cho phép tổ chức việc thi hương, thi hội, thi đình để ra làm quan của triều đình . Còn bố Quân vẫn quyết chí theo đuổi chữ nho ,tỏ rõ sự không chịu hợp tác với Tây, giữ tấm lòng trung trinh với nhà vua . Từ đó, mọi việc thi cử nhất nhất phải theo mẫu quốc, học bằng tiếng quốc ngữ, tiếng Tây, các trường Tây học đầu tiên bắt đầu được mở ở Hà Nội và các thành phố lớn. Mãi nhiều năm sau ông Hoành mới chịu đi học theo quốc ngữ a,b,c ; nhưng tuổi đã lớn, chỉ vớt vát đỗ được cái bằng “ diplome” không đủ sức dự thi vào làm công chức lớn, kém xa cụ phán lúc đó đã đỗ tú tài,theo học trường Luật ,được bổ vào ngạch công chức cấp cao.Tuy vậy, hai ông vẫn thân thiết với nhau, nhất là hơn mười năm sau, khi ông phán bị “phốt” nặng , Tây cho về vườn, không có trợ cấp gì , đời sống thiếu thốn hơn anh giáo làng . Hôm vừa rồi hai cụ đàm đạo thời cuộc, có lấy Sấm ký của cụ Trạng Trình ra đọc,bẻ đôi từng chữ cùng suy ngẫm, đều thấy bây giờ đang là thời loạn, loạn âm, loạn dương, loạn đông , loạn tây.Bao giờ “ mười phần chết bảy còn ba”,thánh chúa xuất hiện ,lúc đó “chết hai còn một mới ra thái bình“. Thế là thánh chúa ra rồi vẫn phải đánh nhau quyết tử mới yên ổn.Thật là kinh khủng. Thế là chết gần hết cả nước mới có vua sáng, tôi hiền, cơm no áo ấm. Ai sẽ là “thánh chúa”,cụ Phan Chu Trinh hay cụ Phan Bội Châu, đều không phải, chả ai giải thích được.Nhưng mãi về sau thì hai cụ lại tìm ra câu:

- Ai ơi, chớ vội làm giàu,

Thằng Tây nó cút, thằng Tàu nó sang .

Vậy là có chuyện thằng Tây này phải bỏ nước ta để về nước.Nó đã cướp nước mình rồi cơ mà ,đời nào nó chịu bỏ, phải đánh nó mới chịu bỏ chứ , nhưng ai đánh.Vào cái thời nó mới vào xâm chiếm nước ta, chúng chỉ có một tàu chiến loại nặng với bốn trăm quân ,mươi khẩu đại bác , vài trăm khẩu súng trường mà vua tôi nhà Nguyễn đành để mất nước thì bây giờ, nó hùng mạnh thế, ta làm sao địch nổi .Còn đoạn trường “ Thằng Tàu nó sang “ là thế nào .Sau khi Tây rút, Tàu sẽ sang chiếm nước ta ư ? Khó hiểu quá .Nó đang yên ổn ở nước nó , vậy nó lại sang chiếm nước mình ư?Mình có trêu ghẹo gì nó đâu .Hai cụ bàn mãi chưa ra đầu, ra đũa .Sấm của cụ Trạng Trình bí hiểm thật . Không sao hiểu nổi .Quân không ngờ bố mình và cụ phán còn quan tâm đến thế cuộc nhiều như vậy, cứ tưởng các cụ “lão giả an tri “ chờ ngày về với tổ tiên, ai ngờ bầu nhiệt huyết của các cụ vẫn còn nóng như thế.

Bữa cơm trưa hôm ấy, trong bữa ăn , mẹ có nấu một bát ô-tô canh cua đồng sóng sánh những mảng thịt cua màu hơi xam xám đầy váng mỡ, lập lờ vài lát cà chua đỏ ,bên cạnh là mấy miếng dọc , mới nhìn nước dãi trong miệng đã tứa ra, liền đó là bát cà pháo trắng phau, trông đã thấy ròn tan,một ít rau diếp xanh dờn phủ lên quả ớt dài đỏ để ở thành mâm và một đĩa dưa cải ngồng muối xổi,toàn là những món Quân thích ăn. Quân ăn rất chậm , thỉnh thoảng mới nói vài câu đưa đẩy với bố mẹ , anh muốn giữ những ấn tượng của bữa cơm gia đình quê mùa như thế này trong tâm trí mà anh biết rồi đây dấn thân vào con đường mới có thể sẽ it khi được hưởng .Sau bữa cơm, anh nói chuyện với bố mẹ chỉ đủ cho hai người nghe :

-Con bỏ học rồi thày ,u ạ.Tây,Nhật đánh nhau lúc nào không biết nhưng nhất định sẽ đánh,nó vào đây năm 1939,ba , bốn năm rồi, hai bên vẫn gầm ghè nhau , chỉ chờ cơ hội thuận lợi là đánh .Ai cũng biết như thế, nhưng chúng nó đánh nhau khi nào thì không biết .Hai con hổ không thể ở chung một chuồng. Ai sẽ thắng để thống trị dân ta thì cũng không thể đoán nổi, vì còn bị phụ thuộc vào phe trục và phe đồng minh, hai phe này đều ghê gớm cả . Trên thế giới,các nước cũng lộn xộn lắm . Ở nước ta,dân tình trong Nam ngoài Bắc nhốn nháo như rắn không đầu,không biết theo ai,giá cả cứ lên vù vù.Nhật bắt dân ta trồng đay để lấy nguyên liệu làm thuốc súng , dân phải nhổ lúa để trồng đay cho chúng, không khéo dân ta sẽ đói to. Nhà ta thày u phải tăng thêm một hai mẫu ruộng trồng lúa để đề phòng thiếu gạo, đói kém .Những hãng buôn lớn ở Hà Nội bắt đầu hoạt động cầm chừng, tìm cách thu vốn về, không tuyển nhân viên nữa.Một số cửa hàng vải của Ấn Độ ở Hàng Ngang ,Hàng Đào đang rục rịch chuyển về nước,vải vóc các loại bán rất rẻ .Con học tiếp cũng chẳng biết làm gì.

Trong giọng anh có đôi chút ngậm ngùi . Mẹ nghe anh nói, tê tái cõi lòng. Thế là bao nhiêu ước vọng gửi vào đứa con trai duy nhất tiêu tan .Cuộc đời nó chắc cũng lại dở dang như bố.Bà nghĩ như thế mà không dám thốt ra lời .Còn ông Hoành sau khi ra tràng kỷ ngồi uống nước,xiả răng,chiếc tăm dài tẩm hương trầm ngậm ở miệng, mới chậm rãi nói một câu:

-Trời đất này là thế đấy. “Trai lỡ phong vân”.Trời định tất cả. Thôi ,đành vậy.Tùy con .Chỉ cốt làm sao hành xử phải như một đấng trượng phu.

Cách ông nói là của một nhà nho lỡ thời, tôn sư trọng đạo như Khổng Phu Tử dạy .Tuy ông nói như thế , ông vẫn muốn và hy vọng rằng con ông phải là người thành đạt , có địa vị xã hội cho bõ công ăn ăn học hàng chục năm nay .Ông vẫn nghĩ con đã vào được trường luật ở Hà Nội, tất sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng, giàu có .

Đêm ấy, ông bố,bà mẹ và người con trai đều trằn trọc,khó ngủ, họ nghĩ về cuộc sống ngày mai mỗi người một cách nhưng người nào cũng mong cho cả gia đình được yên bình .Sáng hôm sau, Quân dậy sớm ,định ăn lót dạ xong là sang giúp việc đám khao của cụ chánh Khuê.Từ trong buồng mở cửa ra, anh thấy bố đã ngồi ở tràng kỷ uống nước chè .Ông bảo anh rửa mặt xong rồi vào nói tiếp chuyện hôm qua .Khi anh vào, ông hỏi ngay:

- Vậy anh bỏ học rồi sẽ làm gì ? Ông hỏi như vậy là muốn thăm dò công việc kín hở của anh . Quân đành trả lời loanh quanh:

- Con cũng chưa biết.Học tiếp thì tình hình như thế này có học xong được không .Còn đi làm thì chọn làm cho Tây hay Nhật. Tây thì như cá nằm trên thớt,tuyển người làm gì. Làm cho Nhật mình không biết tiếng mà xem chừng nó cũng chọn lọc cẩn thận lắm, đối xử khắc nghiệt .Các lớp ở trường bọn con bỏ học rất nhiều, xin việc rất khó khăn .

Quân nói đến đó, bố ngắt lời :

-Con cứ nghĩ kỹ đi .Trồng cây sắp đến ngày ăn quả, bỏ dở dang tiếc lắm. Nếu phải tiêu pha gì nhiều cho học hành, sách vở thì bảo, thày sẽ bàn với u mày bán bớt vài sào ruộng cho con sử dụng.Con học trường Luật ,sau này ra trường, làm cái anh “thày cãi” ,mà không cần phải xin vào công sở nào cả. Thời buổi này trắng đen lẫn lộn ,kiện tụng nhiều , không lo thiếu việc , mở văn phòng luật sư là ối khách . Nhưng thôi, bố nói vậy thôi , không ép, con định thế nào thì tùy, đi vớiTây hay Nhật hoặc với ai ,tùy con định liệu .

Nghe bố nói vậy anh cũng hiểu bố buồn về con đường lập nghiệp của anh nhưng vẫn tôn trong chí hướng anh đang theo đuổi . Do vậy, anh mạnh dạn bàn với bố mở thêm một lớp học nữa để anh dạy ,anh sẽ đi vận động trẻ em các làng bên cạnh đến học .Ông giáo Hoành nghe con nói thế thấy cũng có lý ,bảo anh :

- Con định như thế cũng được đấy .Ta sẽ đóng thêm bàn ghế , làm thêm gian nhà gianh để dạy học . Thày sẽ dạy lớp dưới, anh dạy lớp trên , nhà ta sẽ có thêm đồng ra đồng vào cho u con đi chợ mua thức ăn , thức uống, sắm sửa vặt vãnh .

Quân nghe bố phác ra một viễn cảnh như thế anh cũng rất vui và anh cũng có cớ ở nhà để hoạt động .Ông Hoành vui ra mặt và bàn tiếp với anh một việc quan trọng :

- Còn việc của con với cái Nền ấy,phải duyên ,phải phận thì kết , thày không can dự , bây giờ bình đẳng, bình quyền , tùy bọn con .Nhưng chánh Khuê, thày thấy có điều không ổn ,con cần suy nghĩ kỹ, khó hiểu về ông ta lắm, hắn đối với dân ác có tiếng đấy .

Quân hiểu ý bố ,nói:

- Con cũng nghe dân làng kêu ca nhiều về ông ấy ,đặc biệt là việc giết thằng con trai của ông Bính tranh chức lý trưởng với ông ta nhưng thôi ,bố ạ, kệ ông ta ,tội ai làm người ấy chịu, ác giả, ác báo , đã có đèn giời soi xét .Còn chuyện cưới xin của con thì chưa vội nhưng xem ra ở làng này con cũng không hợp với ai hơn.

Nghe đến đây, ông Hoành hỏi dồn con :

-Trường hợp con học thành luật sư thì tính sao ? Ông cụ vẫn mơ đến những danh vọng xã hội đang được ngưỡng mộ thay cho con, muốn con sẽ có tiếng tăm , địa vị trong xã hộ .Quân hiểu ý bố , vừa trả lời , vừa đùa một cách hóm hỉnh :

- Thì con vẫn nghĩ như thế thôi .Còn nếu có cơ hội thì “ tài trai lấy năm lấy bảy” cũng được,thày ạ .

Nghe đến đây , ông Hoành hiểu được ý con rồi, nó vẫn kết cái con Nền ấy lắm , nhà chánh Khuê nhiều điều tiếng vậy mà không hiểu sao,hai đứa con gái đều được người, được nết .Tiếp đó,ông không nói gì nữa, với tay lấy cái điếu bát sứ vẽ hình con rồng mây xanh mờ xung quanh, thông nõ điếu thật kỹ, vo viên một liều thuốc lào Tiên Lãng, dùng đóm châm vào chiếc đèn Hoa kỳ, hút một điếu thật dài , phun khói mù mịt lên cao . Hút xong, dường như say, ông Hoành ngồi thừ ra suy nghĩ về tương lai của thằng con mà ông vẫn hy vọng sẽ nên người, không bị lỡ làng như ông.Thế mà nay nó lại bỏ học , phí công ông tốn tiền cho nó ăn học ở Hà Nội mươi năm nay.Đúng như các cụ đã dạy :”Người tính không bằng trời tính”, thôi đành vậy.

Sau khi Quân đi sang nhà chánh Khuê,vợ ông từ trong buồng ra thủ thỉ nói rằng bà đã nghe hết câu chuyện của hai bố con .Có vẻ thằng Quân một lòng gắn bó với con Nền rồi ,tính tình, cách ăn ở của nó không có gì đáng chê trách, chỉ lo gò má nó cao, sẽ sát chồng,với lại nó là con nhà giàu dễ khinh khi gia đình nhà mình , rồi còn chuyện cưới xin , nhà họ giàu nứt đố, đổ vách,họ thách cưới cao thì phải bán ruộng mua con dâu ư ?

Ông Hoành gạt đi :

--Họ thách thì kệ họ, mình vẫn lo được, còn chuyện khinh khi thì họ chả dám đâu, nhà mình còn mực thước,gia giáo bằng mười nhà nó. Khi cần phải bán ruộng thì cũng đành thôi. Có mỗi một thằng con trai ,không lo cho nó thì lo cho ai. Tôi thì chỉ lo nó bỏ học thật . Chứ nó không bỏ, học cứ học tiếp lên nữa ta cũng vẫn lo được . Sau này ra trường nó sẽ có cách kiếm tiền bù lại .Tôi lo chuyện của nó chẳng kém gì bà đâu .Tôi còn đang xem, liệu nó có vào cái Hội kín nào không . Lơ mơ mà mật thám nó bắt cho thì rũ tù cả lũ . Việc này bà đừng than thở với ai .Thôi , mọi việc đành phó thác cho ông trời vậy .

IV

ĐÁM KHAO

Hôm ấy, vào đầu giờ dần, chợt nghe tiếng gà gáy,Nền bừng tỉnh giấc vội lay Nếp ,cô em gái ,dậy làm mọi thứ cho ngày khao năm mươi của bố . Thực ra ,công việc này, chánh Khuê đã cho chuẩn bị từ một năm nay rồi, nuôi một con lợn ỷ trên một tạ, trồng vài sào lúa nếp năm ngoái, nuôi một đàn gà Đông Tảo , giạm lái trâu mua cho một con trâu mộng từ miền ngược đem về . Từ hôm qua , sân nhà chánh Khuê nhộn nhịp những người đến làm giúp ,toàn là bà con họ hàng thân thích cả, mấy bà cô, bà thím qua giúp việc nấu nướng,mãi gần nửa đêm mới về ngủ ,bây giờ cũng đã sang làm tiếp.Hai chị em Nền, Nếp bưng mấy mâm cháo trên có dăm ba đĩa thịt, lòng ,gan, tiết canh mời mọi người ăn lót dạ, lấy sức dọn dẹp nhà cửa, thịt gà, mổ trâu .Vừa lúc đó Quân đến, chẳng đợi ai mời, anh sà vào chỗ đám trai làng cùng ăn, nói chuyện, pha trò rôm rả.Quân ăn xong, định ra giúp pha mấy con lợn mới thịt xong nhưng Nền đến, kéo anh váo gặp chánh Khuê. Anh được giao cho việc quây vải hồng điều kín xung quanh ba gian ngôi nhà đại khoa nay, bà chánh đã xuống tỉnh mua ba xúc vải hơn một trăm mét từ tháng trước rồi .Sau đó, ông nói nhỏ với anh rằng bọn cướp hàng tổng đánh tiếng phải cho chúng ba mươi đồng, một số tiền lớn đấy, nếu không đêm nay chúng sẽ đến cướp,bây giờ mọi chuyện nhốn nháo lắm, không hiểu có phải Việt Minh xúi bảy không mà chúng dám ngông cuồng đến thế ,sau đợt khao này ông sẽ cho tuần đinh trừ khử hết đám du thử, du thực ấy .Đêm nay, anh phải chuẩn bị câu liêm,giáo mác, gậy gộc, dao búa , chọn khoảng một chục trai tráng là người họ nhà này ngủ lại đây cùng với anh đề phòng mọi bất trắc .Quân nghe ông nói thế, vâng lời và buông lửng một câu :

-Tụi cướp này táo gan thật. Phải riềng cho chúng một mẻ .

Ở phía vườn , một con trâu mộng đang bị buộc vào một chiếc cọc tre đóng rất chắc xuống sát nền đất, vì sợ con trâu lồng lộn khi bị búa tạ đập vào đầu.Vài anh trai làng mạnh khỏe đang mải miết mài dao ở cạnh giếng nước. Mấy đứa trẻ con đứng ở phía xa để xem thịt trâu bị một bà nạ dòng đuổi ra ngoài sân.Vài chiếc thau đồng rửa mặt đã đế sẵn gần đó để hứng tiết.Con trâu đứng yên, đôi mắt to ươn ướt nhìn quanh rồi lại nhìn xuống vẻ buồn bã, chân nó đứng không vững lắm,hình như nó cũng hiểu nó sắp được hóa kiếp để thành người nhưng nó không biết người hiện nay sống không khác gì kiếp trâu .Quân ra giếng lấy nước vào rửa ấm chén, nghe thấy mấy gã trai mài dao đùn đẩy việc đập chết con trâu.Một thằng nói :

- Con trâu này khỏe lắm, em sợ đập một phát nó không gục mà lồng đứt dây là rất phiền. Anh đập hộ em .

Một giọng khác bật ra :

- Hôm nay tao mệt mới phải nhờ mày.

Quân nghe chúng nói vậy,hét to :

-Để đấy, tao đập cho.

Mọi người nghe chuyện của mấy trai làng nói,vội đứng vòng quanh con trâu xem một anh thư sinh đập trâu làm thịt .Quân vào trong nhà chọn con dao bài thật sắc dùng để cắt cau, trầu vỏ, dấu ở sau lưng, tiến đến gần con trâu ,hình như nó hiểu giờ tận số của nó đã đến, nên cứ chạy quanh chiếc cọc. Quân từ từ đên gần , cầm lấy chiếc trạc buộc xuyên mũi nó, kéo về phía mình, nó hếch mũi lên chống lại, Quân buông chùng cho nó khỏi sợ , làm như thế vài lần, nó thấy không có gì nguy hiểm, không cưỡng lại nữa.Có người thấy thế, cầm chiếc búa tạ đưa anh .Anh gạt đi . Quân ôm nhẹ cổ nó, đứng sát vào đầu trâu, âu yếm, che mắt nó ,gãi gãi , xoa xoa vào cổ ,nó thấy dễ chịu để yên cho anh xoa , bất thình lình anh rút con dao sắc nhọn cắt vào cổ nó, đúng vào động mạch chủ, máu phun ra như trời mưa,nó từ từ khuỵu xuống, không kịp kêu một tiếng, mắt từ từ nhắm lại .Một cậu trai làng vội lấy cái thau hứng tiết, mặt mũi dính đầy máu, đám con gái nhìn thấy , thét rú lên . Nhiều người không biết Quân làm cách nào mà con trâu chết êm ru như thế, đúng là chết không kịp ngáp và con trâu thì không kịp biết người ta giết mình bằng cách nào.Ông chánh Khuê đứng cạnh Nền và Nếp, cả ba người đều không nhận biết được cách giết trâu rất nhẹ nhàng của anh, họ khen anh “văn võ song toàn” . Câu chuyện này lan truyền nhanh chóng khắp làng .Sau này anh mới nói với mọi người lai lịch cách giết trâu của anh.Đó là dịp anh đi “ “vô sản hóa “, ở nhà của một người ” đồ tể” là “ đồng chí “ của mình ,anh đã học được cách giết trâu như vậy để vừa hoạt động vừa kiếm sống .

Chiều muộn hôm ấy,gà đã lên chuồng, chánh Khuê đón một người khách đặc biệt đến dự đám khao “Ngũ tuần đại khánh “ của mình,đó là người anh con ông bác đang làm tuần phủ Nghĩa Lộ , học xong hậu bổ, không có tiền hối lộ, ông đành phải nhận tờ lệnh của Phủ Toàn quyền lên miền rừng xanh núi đỏ làm việc.Hôm nay, đi cùng với ông về làng dự đám khao là một tên thư lại có bằng “diplome” .Ăn cơm xong,hai anh em nói chuyện gia đình,họ hàng, khao vọng , chánh Khuê kể với ông anh về tụi cướp hàng tổng dọa đến phá, cướp đám khao, có vẻ như Việt Minh xúi bấy chúng nó .Ông phủ Đạt, tên ông anh, nghe đến đấy vội gạt đi ngay :

-Việt Minh họ quang minh chính đại lắm, không bao giờ làm thế đâu .Đây chỉ là đám cướp háu ăn. Chúng nghĩ chú có nhiều tiền, chúng ghét, hay là cho chúng một ít cho nó xong việc.Nhưng thôi, chú để tôi đuổi chúng đi cho gọn chuyện .Chắc giờ này chúng đang quanh quẩn ở đây rồi .

Nói xong ông bảo tên thư lại đem chiếc va-ly nhỏ đến, mở va-ly,lấy ra khẩu “ ri-vôn- ve “ quàng vào thắt lưng .Ông bảo chánh Khuê cùng đi ra vườn, nói:

-Tôi sẽ bắn ba phát cảnh cáo, chắc chúng nghe thấy sẽ không dám đến nữa.- Nói rồi ông chĩa súng lên trời bắn chậm từng phát một . Ba cái cát-tút rơi xuống đất, ông nhặt lên đem bỏ vào va-ly đề phòng khi cấp trên hỏi sẽ đưa ra, sử dụng súng ở cái thời nhiễu nhương này bị kiểm soát chặt lắm .

Đúng như chánh Khuê đoán. Tụi cướp đã tụ tập nhau từ lúc chập tối ở lũy tre làng Đặng, theo đường chim bay chỉ cách xóm này non nửa cây số .Thằng đầu đảng nghe ba phát súng, giật mình chửi đổng :

-Đ.mẹ nó. Tiêng súng ở nhà chánh Khuê đấy .Vụ này ăn cứt rồi . Nó kiếm đâu ra súng nhỉ ?

Một thằng loắt choắt nhưng có vẻ hoạt bát nói :

- Tao nhớ ra rồi . Chánh Khuê có một thằng anh đạo mạo lắm .Ông tao kể, hắn học giỏi .Làm quan phủ, nhất định là sú ng của nó đấy. Nó lam quan trên Nghĩa Lộ, Yên Bái gì đó gần hai mươi năm nay. Ít về làng .Ván này ta xịt ngòi mất . –

Nghe thằng “ oắt sà lai” ấy nói thế,thằng tướng cướp vẫn ra vẻ hung hăng,lên gân với tụi đàn em :

-Xịt thế đéo nào được .Có súng cũng đ. sợ . Súng ấy có sáu viên , bắn ba rồi, chỉ còn lại ba viên . Ta chia làm hai, ba hướng nhảy tường vào, chém bừa đi, chắc gì nó đã bắn trúng .

Thằng mắt chột đánh trống lảng:

-Tao chỉ còn một mắt, dính đạn là toi, vợ con mất nhờ . Đi cướp để sống , chứ không phải để chết.Em xin chịu .

Nói rồi nó chuồn thẳng, mấy thằng khác cũng vội bỏ cuộc theo, chỉ còn thằng đầu đảng đứng dưới gốc cây đa với sương gió .

Hôm sau, từ gà gáy, ông chánh đã thúc mọi người dậy . Hai chiếc đèn măng-sông được đem ra thắp ,một để trong nhà, một treo ở ngoài sân ,chỗ nào cũng đầy ánh sáng.Mấy con chó đã bị xích lại cứ hau háu nhìn về phía góc sân mấy tráng đinh đang hạ những tảng thịt trâu treo trên các đinh móc xuống để pha ra, nấu nướng . .Mấy bà nạ dòng vén gọn váy ý tứ ngồi khép chân chặt thịt gà, bày vào một chồng đĩa để ngay bên cạnh .Chẳng mấy chốc gần năm chục chiếc mâm đồng sạch bong,bóng nhoáng đã bày đủ những món nguội như thịt gà , nem rán,chim quay, gà tần ,thịt trâu, lòng lợn, tiết canh,giò chả. Những bát măng miến, su hào, súp-lơ nấu với sườn ăn nóng bày cuối cùng, sau đó những mâm ấy được chuyển lên hai dàn gỗ ba tầng . Bà chánh ngủ giậy sớm nhất, gọi chị em Nền, Nếp bảo đi vớt bánh chưng, vớt xong hai cô còn xếp ngay ngắn trên chiếc chõng tre,phía trên có chiếc cối đá và vài tảng đá đặt ở bốn góc để cho bánh ráo nước, vuông thành sắc cạnh, bóc đủ cho một trăm mâm, mỗi mâm một đĩa bánh khổ lớn .

Chánh Khuê thấp thỏm cả đêm sau khi ông phủ Đạt bắn súng chỉ thiên uy hiếp bọn cướp,mãi gà gáy canh ba mới chợp măt một lát .Khi trời rạng sáng ông khẽ lay ông anh giậy rửa mặt, uống trà.Khi hai anh em chánh Khuê mới uống xong tuần trà thứ nhất thì Quân đến , vào thẳng chỗ chánh Khuê ngồi, kể lại rằng ông lão kéo vó bè dọc con sông này nói, gần nửa đêm hôm qua từ dưới bè ông thấy một toán dăm bảy người ở dưới gốc cây đa làng Đặng, ông không biết đấy là ai,Ông rất sợ ,độ này nhiều đêm trở về sáng, ,ông thường thấy có người qua lại,không hiểu họ đi đâu vào giờ này,kẻ cướp hay là Việt Minh về hoạt động .Ông đang định hạ vó , thu lưới, dạt bè vào chân đê đi ngủ thì nghe thấy tiếng súng,không biết duyên cớ ra sao .Hay là Tây đi ba-tui gặp Việt Minh, hai bên bắn nhau .Một lát sau thì im hẳn.ông đi ngủ, sáng nay nói chuyện lại với những người qua đường, có người nói là họ có nghe thấy tiếng súng nhưng không biết ai bắn. Quân được nghe ông cụ kể chuyện lại rồi vào đây ngay.Sau khi nghe câu chuyện của Quân, ông phủ Đạt nói với chú em rằng cái đám người ở gốc đa mà ông lão kéo vó nói đúng là tụi cướp thôi, Việt Minh không đi lại như thế đâu, họ khôn khéo lắm .Ở vùng ông cai quản, Việt Minh hoạt động nhiều, họ ở lẫn với dân, được dân nuôi đấy.

Khi trời đã sáng hẳn, chánh Khuê thân chinh đi vòng một lượt xem xét lại mọi thứ , ông rất hài lòng, tất cả đã đâu vào đấy.Ông nhìn lên trờì, mặt trời đỏ ối đã ló rạng.Ông mừng thầm, đám khao của ông gặp ngày đẹp trời .Chánh Khuê vào trong nhà mặc chiếc áo dài màu xanh xẫm ,nhiều hình chữ chiện nổi lên đều đặn ở đằng trước , đằng sau ,chiếc áo trắng vải phin lót ở bên trong, ông đóng khăn xếp đen, đằng trước hơi nhô lên một chút để lộ khuôn mặt chữ điền hơi bầu bầu lộ vẻ nhục cảm, bộ râu thưa lốm đốm bạc,hai bên mép hơi vểnh , dáng vẻ cố làm cho oai vệ , chân đi đôi dép Gia Định đen bóng loáng.Ông ngồi ở bộ tràng kỷ đợi khách và ra lệnh cho gia nhân hơ lại ba bánh pháo cối, mỗi bánh dài một mét thửa ở tận làng Đồng Kỵ,ông dặn con cháu khi đoàn quan chánh sứ vào đến cổng nhà mới đốt ; trải ngay hai trăm chiếc chiếu hoa từ bờ đê đầu Ngõ Nghè đến trước cổng nhà để kịp cho khách trong làng ngoài xóm , khách xa khách gần đi lên, trải chậm , khách trong làng sẽ chửi cho là chỉ trọng khách Tây.Xóm này có tên ngõ Nghè là để nhớ đến một quan tiến sĩ sinh ra ở đây làm quan trong triều đình mà tên tuổi còn được ghi trong sử sách và có văn bia ghi công trạng của cụ đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.Khách hàng tổng, trong làng, trong họ, xa gần đã đến gần đủ.Họ được mời ngồi ở hơn ba mươi cái bàn, cỗ đóng sáu, kê ở ngoài sân có bạt che .Mọi người, từ ông chánh Khuê đến họ hàng, khách khứa đều ngóng đợi những vị khách đặc biệt quan trọng là ông chánh xứ và đoàn tùy tùng, một sự kiện chưa từng có ở làng này , tổng này.Sở dĩ chánh xứ có quan hệ đặc biệt với chánh Khuê , ,không thèm để ý đến quan huyện sở tại trong những việc liên quan đến tổng này mà chỉ quan hệ thẳng với chánh Khuê , vì thấy Khuê là một thuộc hạ mẫn cán, giỏi giang, tin cậy , trung thành với mẫu quốc, đã giúp chánh sứ nhiều việc lớn có thể đưa lên làm tri huyện nhưng kẹt vì hắn chỉ có bằng” sec-ti-phi-ca “ (certiphicate) .Ba chiếc xe ô-tô con đang đi trên đê sông làng Khúc để đến dự đám khao của chánh Khuê, chiếc xe đi đầu mầu đen mới nguyên chở vợ chồng chánh xứ cùng với viên thông ngôn ,chiếc xe thứ hai màu tím xẫm chở Pôn(Paul ) ,đứa con trai duy nhất ,là sinh viên Học viện âm nhạc Paris,sang Việt Nam nghiên cứu để viết luận án về âm nhạc. dân ca Việt Nam và hai viên thông phán thân cận , chiếc xe thứ ba chở viên thư ký , viên lục sự , nhân viên bảo vệ, súng đeo trễ bên hông .

Khi đoàn xe đến ngõ Nghè thì bầu đoàn thê tử chánh Khuê và dăm vị khách quan trọng, trong đó có quan huyện sở tại,ông phủ Đạt đã chầu chực sẵn ở đó đón chào. Viên chánh sứ ngạc nhiên trước hàng trăm chiếc chiếu hoa đỏ,họa tiết hình hoa văn vòng tròn ở giữa, trải từ đầu ngõ vào đến cổng nhà chánh Khuê để khách bước chân lên .Vào đến trong nhà, quan chánh sứ lại tiếp tục ngạc nhiên trước một màu đỏ rực của hàng trăm tấm lụa điều phủ kín bốn bức tường xung quanh năm gian nhà đại khoa .Hàng chục chiếc đèn lồng màu đỏ ,màu vàng treo ngay ngắn trên các cột lim của căn nhà .Ông ta luôn miệng khen cùng với những tiếng đệm “ Ô-la-la “, “ Ô-la-la “

Chánh Khuê mời anh em ruột, cô dì chú bác , đoàn khách của viên chánh sứ ngồi vào những vị trí đã phân định . Khi chủ và khách đã yên vị,tất cả hướng lên bàn thờ , hương nến đã thắp sáng trưng, khói hương nghi ngút, nhiều nén hương cuộn hình vòng cung uốn tròn, người dân vẫn coi đó là sự may mắn người âm báo cho biết.Từ chiếc đỉnh đồng mùi hương trầm bay lên lan tỏa khắp nơi ,thơm ngào ngạt ,hai con nghê đặt hai bên đỉnh đồng, nhả khói lên không trung vấn vít dường như không muốn rời nơi có bài vị thờ những người đã khuất .Mọi người đều tin rằng nghe tiếng chuông thỉnh là tổ tiên nội ngoại từ chín tầng trời, mười phương phật về bàn thờ nơi con cháu dành riêng cho họ để chứng kiến những sự kiện tâm linh, khao vọng .

Mở đầu lễ “Ngũ tuần đại khánh “ của chánh Khuê,đoàn quan họ ra hát mừng.Quân thay các liền anh,liền chị chúc thọ chánh Khuê bằng một bài chúc mang tính ước lệ,công thức , có những câu như:“ Thọ tỉ Nam sơn,giàu như Đông hải ,“Vạn thọ như cương“. Sau những lời chúc ấy, đám quan họ làng Khúc hơn hai mươi liền anh,liền chị đều ra hát, nam mặc áo the khăn xếp, tay cầm ô,chân đi giày Gia Định, nữ nón thúng quai thao, áo tứ thân mớ báy mớ ba,yếm đỏ ,vấn khăn xanh, đỏ, tóc bỏ đuôi gà ,bắt đầu hát những bài chúc mừng .Họ đi đi, lại lại,vưà hát ,vừa múa thướt tha , mềm mại, thoắt ẩn thoắt hiện sau những chiếc quạt nhiều màu sắc , đôi mắt lúng la,lúng liếng khiến khách đa tình mềm lòng vì những động tác uyển chuyển của những cô gái đang thời xuân sắc với những làn điệu bổng trầm, êm ái, du dương. Lúc thì họ đi vòng quanh gian giữa ngôi nhà bảy gian, lúc họ túm tụm lại , tay cầm cốc nến thủy tinh dâng lên trước mặt, lúc họ tiến sát vào các quan khách,tay cầm khay trầu , nhanh chóng và trang trọng đặt vào tay các vị khách Tây và ta khẩu giầu cánh phương. có hai cánh cong vút .Bài hát đầu tiên mà họ hát là bài “Chúc thọ”:

“Chúng tôi mừng ông Chánh được tuổi khao, mở tiệc mừng
Mừng người thọ khảo vô cương
Bình an dân sự, bình an mọi nhà… “.

Tiếp đến các liền anh, liền chị hát bài “Mời chè mạn hảo”:

“ Hôm nay mời khách đến nhà
Đốt than quạt nước ,pha trà khách xơi
Chè mạn hảo có hương có vị
Các chén pha lê có nhị, có duyên

Chè này tinh khiết người ơi …”

Bài cuối cùng của phần chúc tụng, chào khách là bài ” Mời giầu “ :

Tay em nâng cơi đựng giầu .

Giầu têm cánh phượng em dâng lên mời người

Người ơi, nay có thấu đến chúng em chăng .

Trong khi hát bài này, Nền là người bưng khay trầu sơn mài màu đỏ , cô đưa trầu tận tay từng vị khách, mồm hát,miệng cười, mắt cười . Cô vô tình hay tinh nghịch đưa trầu tận tay Pôn,khi bàn tay ấm nóng của cô chạm vào tay Pôn, anh chàng này cảm thấy như có luồng điện chạy khắp người tạo nên cảm giác đê mê và một luồng điện nữa từ đôi mắt lá dăm kia cũng thu hết hồn vía của anh ta, anh chàng si tình này thấy người rạo rực, nhìn theo chiếc áo mớ bảy, mớ ba lướt qua, trong bụng nghĩ :”Uớc gì …”

.Ba bài này cả đoàn cùng hát, múa tạo nên không khí vui nhộn , gần gũi giữa những người biểu diễn, quan khách và chủ nhà .Khách có cảm tình nhât với liền chị Nền, cô gái xinh nhất ,tiếp đó là chị ba Na, chị tư Nếp , chị năm Lâm.Về phia nam , anh hai Quân xếp thứ nhất , anh ba Điển thứ hai , anh tư Viện thứ ba,anh năm Cư

...