Trang chủ » Truyện

KHÔNG CẦN CHỈNH

Nghiêm Lương Thành
Thứ hai ngày 6 tháng 4 năm 2020 10:15 AM



Truyện ngắn 

Sáng ra, bảnh mắt, đã nhận được e-mail của Tuệ:

Mình và thằng Thiện gặp chuyện rắc rối. Ngày mai hai chú cháu phải làm việc với Thanh tra của Bộ về việc: 1) Thuê người không bằng cấp làm công việc có yêu cầu học vấn cao. 2) Làm công việc có yêu cầu học vấn cao nhưng không có bằng cấp tương xứng.

Đúng 08h30, cậu cố gắng có mặt tại văn phòng của mình nhé. Cậu sẽ có mặt với tư cách người giới thiệu nó vào làm cho công ty. Biết đâu, nhà báo ạ, cậu lại viết được cái gì đấy cũng nên.

Với tinh thần minh bạch.

Dương Minh Tuệ

Tôi giật thót người, đầu óc tê choáng. Chuyện quá nghiêm trọng, khó tránh nổi những phiền phức dây dưa. Cái thằng Thiện, nó đã gây ra chuyện tày đình gì đây? – Mà, nếu có chuyện gì, thì tôi là kẻ đầu têu và can dự trong chuyện này. Chính tôi là người đã giới thiệu nó với Tuệ. Tuệ đã rất vui vẻ cảm ơn tôi và hồ hởi nhận Thiện vào làm trong công ty của mình. Vẫn nghĩ Tuệ chỉ dùng nó cho những việc trợ lý, sai vặt, rồi dần dà tạo điều kiện cho nó lấy cái bằng đại học, nào ngờ ... thật quá liều quá ẩu. Chuyến này chết cả nút là cái chắc. Tôi ngán ngẩm: Cháu ơi là cháu, Tuệ ơi là Tuệ!

*

Tôi biết Thiện từ ngày nó còn nhỏ. Gia đình tôi và gia đình Thiện là hàng xóm cách nhau có mấy nhà, cùng sống trên một con phố có cái tên bắt đầu bằng chữ Hàng. Thuở bé, tôi là bạn đáo bi khăng xèng với bố nó; điều buồn cười là cả ba – Bố con Thiện và tôi, hai thế hệ - cùng giống nhau ở chỗ khi còn thò lò mũi xanh đều thích tha thẩn dưới gốc đa già đầu phố nhặt búp thổi kèn. Tôi quý thằng Thiện có lẽ cũng vì điểm này. Và, thực ra, cũng chính vì điểm này, nhiều lần, tôi đã phải ngấm ngầm hổ thẹn, tự xét mình thuộc típ người mang lối tư duy phát sinh, phát triển và kiện toàn trong không gian xó bếp.

Thằng bé mang họ Phan. Ông nội nó mất từ hồi bố nó hãy còn quàng khăn đỏ. Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc năm 1958, như một cơn bạo lốc, lạnh lùng thản nhiên cuốn sạch danh dự cùng mọi thành quả sau bao năm cần lao của cụ. Cụ buồn, sống lặng lẽ trong cảnh túng thiếu cô hàn rồi sinh bệnh mà qua đời. Trước lúc mất, cụ gọi bố nó đến bên giường dặn dò: “Sau này con làm nghề gì cũng được ... nhưng nhất định phải giữ lấy cái ... nếp nhà thực thà. Nếu bố ... có cháu trai, hãy đặt ... tên nó là ... Thiện ... Duy Thiện”.

Phan Duy Thiện, một đứa bé sơ mộc, ngay ngắn, đi đến nơi về đến chốn, không có cái vẻ lanh lợi thường có của phần nhiều trẻ con lớn lên nơi phố xá đô hội và cũng không có điểm gì đặc biệt có thể gọi là xuất sắc nổi trội trong đám trẻ cùng lứa. Mẹ nó là giáo viên phổ thông cơ sở, một phụ nữ mảnh khảnh, nhã nhặn, ít nói, mắc bệnh hen xuyễn vì dị ứng lâu ngày với bụi phấn nên đã về nghỉ mất sức. Bố nó là tay thợ hàn lão luyện thành danh. Vào đúng thời gian nó đang ôn thi đại học, bệnh viện phát hiện ra ông bị ung thư vào giai đoạn cuối và đã qua đời chưa đầy một tháng sau đó. Thi đại học xong, lặng lẽ buông bút, nó đến xin việc tại một nhà hàng sáng choang ở một phố Tây cũ rộng thênh thang. Thấy dáng người chịu khó, mặt mũi sáng sủa, ăn nói chân phương lễ phép, người chủ nhà hàng rất hài lòng, nhận nó vào làm và xếp vào chân chạy bàn. Thu nhập của Thiện gồm tiền thưởng vặt từ các khách nhậu và lương tháng của nhà hàng; gộp với khoản tiền trợ cấp mất sức hàng tháng của mẹ, khéo tiêu, hai mẹ con cũng tiềm tiệm.

Khi có kết quả tuyển sinh gửi đến nhà, mẹ nó mừng lặng người. Đặt tờ giấy báo trúng tuyển trường Bách Khoa của con lên bàn thờ, bà run run thắp nén hương, chắp tay lầm rầm kính báo lên các cụ họ Phan và người chồng rất mực thương kính của mình. Trước khi nhập trường một tháng, bà bảo nó nghỉ việc để chuẩn bị cho chu đáo. Mặt tươi rói, nó nhìn mẹ, bảo: “Con sẽ đến xin bảo lưu kết quả trúng tuyển, rồi sau này con sẽ học. Đời con còn dài mà mẹ”. Mẹ nó ngẩn mặt, rồi chợt hiểu: “À, mẹ tính cả rồi ... ta bán ngôi nhà này, mua cái nhà ít tiền hơn, lấy chỗ dôi ra cho con học. Trong thời gian con học, mẹ sẽ làm cái gì đấy, vận động cho khỏe người, đỡ tiền thuốc thang mà lại có tí chút thêm vào cho sinh hoạt của hai mẹ con”. “Con cảm ơn mẹ” – Không cười nữa, đôi mắt mòng mọng, nó cầm lấy đôi bàn tay mẹ, thì thầm – Con không phải hứa với mẹ đâu, bởi nhất định con sẽ học mẹ ạ. Thật đấy, mẹ cũng biết là con thích học mà. Mà, con biết, bố nhà mình cũng thèm học lắm. Điểm thi của bố khá cao, nhưng chỉ vì thành phần gia đình mình là tư sản mà bố không được vào đại học. Giờ đây, con nhất định phải học thay cho cả phần của bố nữa. Còn ... ngôi nhà này ... là danh dự, là mồ hôi nước mắt của ông bà, bố mẹ để lại, con nhất định phải giữ bằng được”. Mẹ nó khóc cả tháng, nói thế nào cũng không lay chuyển được nó. Cuối cùng, bà đành thở dài, buồn bã buông xuôi theo ý con trai.

Thiện làm ở nhà hàng được đâu nửa năm thì xin nghỉ việc. Ông chủ giận đỏ mặt, đập bàn mắng nó là kẻ vô tình, không có ý thức đồng cam cộng khổ với nhà hàng. Nó chỉ biết cúi mặt, rơm rớm: “Bác ơi cháu không phải thế đâu. Nhưng đúng là cháu có lỗi với hai bác. Cháu xin hai bác tha lỗi cho cháu …”. Bà chủ thấy thế, không cầm được lòng, bước tới, vòng tay ôm lấy nó: “Chắc con có việc riêng quan trọng mình. Con cứ làm như vậy đi. Đừng giận ông ấy mà tội …”. Còn ông chủ thì chùng xuống, tiến lại và cầm lấy bàn tay nó: “Bác xin lỗi cháu. Nhưng đừng quên là nếu lại có nhu cầu làm việc ở đây, cháu có thể quay lại với bác bất cứ lúc nào”.

Sau đó, sáng nào cũng thấy nó dậy từ ba giờ, nguềnh ngoàng đạp xe ra chợ quả Long Biên và chợ hoa Nghi Tàm lấy hàng về cho mẹ nó bán trước cửa nhà. Khoảng sáu rưỡi, đã thấy vai đeo túi sách vở, nhảy lên xe đạp. Một lần, buột miệng, tôi hỏi đi đâu, nó cười ngượng ngịu, không trả lời. “Đi làm gia sư chứ gỉ?” – Tôi đoan chắc và chìa tay ra chúc mừng. Nó giấu tay ra sau lưng, ngúc ngắc cái đầu, mặt ửng lên vì lúng túng: “Dạ, cháu ... cháu không dám đâu ạ”. Nói, rồi nó cúi đầu vội dắt xe đi.

Hơn một năm sau, thấy trong túi sách vở của nó có thêm những cuộn giấy vẽ trô-ki khổ A0, tôi đoán đó là các sơ đồ minh họa cho bài giảng. Chà - Tôi thầm khen – thằng bé này quả là đứa làm việc chu đáo, có trách nhiệm. Thời gian ấy, hàng phố, ai cũng khen mẹ nó như người lột xác, hay cười và khỏe ra trông thấy. Ờ - Tôi nghĩ - thế cũng tốt, còn hơn chán vạn đám hoàng tử công chúa con nhà, chưa bao giờ tốt nghiệp nổi môn chính tả, suốt ngày bay nả bay na, bay từ tiệm nhậu bay da vũ chường.

Một lần, ngồi cà phê với nhau, nghe Tuệ phàn nàn là muốn tuyển một trợ lý nam chịu khó, con nhà lành mà nghe chừng muốn bỏ cuộc. Chẳng cần suy nghĩ đắn đo, tôi giới thiệu thằng Thiện luôn. May. Thế mà thành. Nhưng, họa phúc khó lường ... bây giờ nó đã trở thành cái gánh tội gánh nợ của tôi rồi. Ngày mai ... viết với lách cái gì ... ê mặt ra thì có!

*

Đến làm việc tại công ty của Tuệ có hai người, phó chánh thanh tra và một công chức văn phòng Bộ. Tuệ, vẫn như mọi ngày, tươi cười điềm đạm. Thằng Thiện ngồi bên cạnh, sắc mặt nhợt nhạt, ánh mắt không giấu được vẻ phấp phỏng lo âu. Còn tôi thì thực sự căng thẳng.

Phó thanh tra, một công chức có vẻ già dơ, ăn vận xoàng xĩnh và hình như thích gu ngắn gọn, hỏi Tuệ:

- Tại sao biết cậu Thiện không có bằng đại học mà anh vẫn giao cho việc thiết kế?

- Sau thời gian phụ việc của Thiện, tôi nhận ra cậu là người có kiến thức chuyên môn rất vững, khả năng tham khảo, nắm bắt và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nước ngoài nhanh, luôn thực hiện các công việc được giao một cách thận trọng, tận tụy; luôn đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ được giao. Nếu thấy cần thiết, ông có thể cho chuyên viên kỹ thuật phúc tra chất lượng tất cả các thiết kế và các sản phẩm làm ra từ những thiết kế của cậu ấy. Tôi là người sử dụng lao động, là người chịu trách nhiệm cuối cùng và trực tiếp trước pháp luật về các thiết kế của công ty, chứ không phải là cậu Thiện.

Từ phía sau cặp mục kỉnh dày cộp, đôi mắt ngài phó thanh tra nhìn như xoắy vào Tuệ hồi lâu. Rồi ông quay sang Thiện:

- Qua câu trả lời của giám đốc, tôi rất muốn tin cậu là người có học vấn. Nhưng xin hỏi: Cậu đã qua trường lớp đào tạo nào chưa?

- Dạ thưa, cháu đã học qua … ba trường.

- Hả? ... ba?! ... Những trường nào? – Ngài thanh tra trố mắt, còn tôi thì chân tay chỉ chực rụng khỏi người.

- Thưa bác, Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng và Đại học Ngoại ngữ.

- Vậy tại sao không có bằng? Không đủ trình độ tốt nghiệp? Hay đã mắc mớ kỷ luật gì?

- Thưa bác, cháu không có tiền để theo học chính thức ... chỉ là đi học thuê thôi ạ.

- Há ... cậu nói gì? Tôi không hiểu! – Đôi lông mày nhướng lên hết cỡ, cặp con ngươi của ngài như muốn lồi hẳn ra - Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chỉ thấy có chuyện ăn hộ, làm thuê, đâm thuê chém mướn, khóc mướn, chịu tội thay ... chứ chưa từng nghe trên đời lại có cái việc đi học thuê. Học là học cho cái chữ nó vào đầu mình ... mà lại thuê người khác học thì ... là người mắc bệnh tâm thần à? Cậu định giễu cợt lão già này sao?

- Thưa, cháu không dám ạ - Thiện thót người, không giấu nổi vẻ bối rối – Nhưng ... cháu học thuê thật, được trả công thật mà. Có thể các chú ấy bận những việc lớn cho dân cho nước, không có thì giờ đến lớp, tối đến về nhà mới có thời gian đọc sách tự nghiên cứu.

- Và kết thúc khóa học, họ tự làm luận án tốt nghiệp?

- Dạ, các chú ấy cũng không có thời gian nên thuê luôn cháu ạ.

- Họ tốt nghiệp cả chứ?

- Vâng.

- Siêu! Hết chữ để tả rồi ...

Ngài thừ người, nét mặt đờ đẫn đến ngây ngô, chẳng khác gì người vừa nhận được tin xấu nhất về người thân. Mãi lúc sau, mới lại cất lời:

- Trong số đó có ai làm tiếp tiến sỹ không?

- Có ạ.

- Lại còn thế nữa ? – Ngài lắp bắp - Họ ... tự đi ... học và ... làm luận ... án chứ?

- Thưa bác, vẫn thế, cháu lại được các chú ấy thuê tiếp ... trọn gói.

- Rõ rồi – Ngài thanh tra thừ mặt, ngả lưng tựa vào thành ghế sau, ngán ngẩm – Nếu đúng như vậy, trình độ của cậu thực không thể xem thường. Nhưng cậu có biết làm như vậy là sai trái không?

- Dạ, cháu ... biết.

- Biết sai ... mà vẫn làm! – Không phải là cố ý phạm pháp sao? Tội còn nặng hơn người không biết mà làm! Cậu có dám đàng hoàng nhận tội trước pháp luật không?

- ...

- Cậu trả lời tôi đi!

- ...

- Nói!

Thiện bắt đầu run thực sự:

- Ban đầu, dù đang rất cần tiền, nhưng cháu sợ, không dám nhận lời. Cũng chỉ vì các chú ấy bảo: Đằng nào cũng vậy, mày không đi dự nghe giảng, điểm danh và làm bài tập cho chúng tao thì vẫn có ba vạn chín nghìn những thằng khác nó nhận làm. Tao biết mày là đứa nhà nghèo thèm khát học tập nên mới bảo mày giúp. Chúng ta cùng được việc. Nếu mày không chịu, chúng tao sẽ mất một thằng giúp việc cẩn thận, còn mày thì không có thu nhập và ... biết bao giờ mới có cơ hội đến trường? – Đến đây, Thiện ngẩng bộ mặt ủ rũ lên, rồi quả quyết - Cháu biết sai rồi. Cháu xin chịu hình phạt theo pháp luật!

Tuệ đưa một bàn tay lên, ngập ngừng, cố trấn tĩnh; nét mặt có cái gì đấy, nửa phản kháng, nửa cam chịu:

- Thưa ông thanh tra ... cảnh nhà cháu Thiện rất khó khăn, mẹ cháu lại có bệnh đường hô hấp mãn tính ... mong ông cảm thông mà chước cho cháu.

Không bỏ lỡ cơ hội, tôi cũng vội tiếp lời:

- Tôi ở gần nhà cháu Thiện, gia cảnh bên ấy tôi rất rõ. Một mẹ một con. Đau yếu bệnh tật. Kiếm sống lần hồi ... Mong ông lấy tình cha chú, cảm thông mà thể tất cho cháu.

Ngài thanh tra ném sang tôi một cái nhìn sắc lẹm.

- Thế những người thuê cậu có có đỗ tiến sỹ không?

- Dạ, đều đỗ cả ạ - Thiện rụt rè – Cháu không dám đến dự những buổi khảo hạch luận án ấy nhưng biết các chú ấy đều thành công tốt đẹp. Hội đồng khoa học toàn giáo sư tiến sỹ với phó giáo sư phó tiến sỹ; khoa học là thứ được bày ra trên giấy và thực nghiệm cả, không giấu được; các chú ấy chẳng thể lừa được Hội đồng đâu ạ.

Ngài thanh tra im bặt. Khuôn mặt căng bức nỗi niềm. Cả ba chúng tôi không biết nói gì, chẳng ai nhìn ai, cùng im như thóc. Hai mươi phút nặng nề trôi qua. Rồi, như cái xăm xe gặp buổi trời nắng bị bong miếng vá, nét mặt ngài bỗng chùng xuống. Dường như đã ngộ ra được điều gì, ngài thở dài đánh sượt, rồi từ từ cất lời:

- Cái thời buổi thật lạ ... Thi đại học, năm nào chả có khối anh trượt, nhưng làm tiến sỹ thì cấm thấy chú chàng nào không nhận được bằng có đóng dấu đỏ. Dường như nhiều thứ đã đạt tới trạng thái tùng xòe. Chúng ta đều là những nạn nhân đang ngập mình loay hoay giẫy dụa trên một bãi rác mênh mông, đủ các loại rác rưởi long lanh sắc màu nhưng độc hại và khó xử lý nhất trong lịch sử vệ sinh môi trường nhân loại. Đống rác chiến tranh sau Thế chiến thứ hai gớm giếc là thế, người Châu Âu cũng chỉ mất chừng chục năm để dọn dẹp, còn cái bãi rác này, để dọn nó ... chúng ta sẽ phải mất bao nhiêu thời gian? Năm mươi năm? Bảy mươi năm? Hay lâu hơn nữa?

Ngài ngừng lại, thở dốc như người thiếu ôxy, rồi quay sang vị công chức đi cùng vẫn đang hý hoắy ghi chép:

- Anh thấy việc này thế nào?

Vị công chức kia mỉm cười khiêm tốn, rụt rè nói:

- Thưa anh, nguyên tắc và luật pháp là cái đưa ra để phòng ngừa và trừng trị cái xấu, nhưng cái tình kết hợp với cái lý của đời sống nhiều khi lại có tác dụng nâng đỡ người lương thiện...

- Cảm ơn anh – Ngài thanh tra gật đầu, hài lòng với câu trả lời rồi quay sang phía Tuệ - Thôi. Bỏ chuyện này đi. Nhưng, nếu với tư cách một người bình thường và ngoài cuộc, tôi thấy nên trao đổi với anh: Hãy kiếm một việc làm khác cho cậu Thiện. Ở đời, dễ gì người ta chịu để yên cho những người tốt bụng và giỏi giang?

Công việc kết thúc. Ngài thanh tra và vị công chức xách cặp đứng dậy, lạnh lùng xua tay, không chịu nhận phong bì. Lúc ra đến cửa, không hiểu thế nào, ngài dừng chân, ngoái lại, nháy mắt với cả ba, tuyên ngôn: Đốt vàng mã, thẳng thắn mà nói, là hành vi gây lãng phí ghê gớm. Nhưng vẻ đẹp của sự lãng phí ấy lại chính ở chỗ đã tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều công dân lương thiện.

*

Thiện thôi làm ở công ty thiết kế.

Nghe người ở Bộ nói lại, hơn tháng sau, không hiểu sao, ngài phó thanh tra nộp đơn xin về hưu non.

Đến cuối mùa hè, Tuệ giới thiệu Thiện đến dự buổi phỏng vấn tuyển người của một Công ty tư vấn thiết kế kỹ thuật nước ngoài. Trong vòng hơn ba tiếng đồng hồ, cậu đã phải trình bày và trả lời cả núi câu hỏi của hội đồng tuyển dụng. Không hiểu có phải ông nội và bố cậu phù hộ cho không, cậu đã nhận được việc làm; điều hơi phiền lòng là bị Công ty yêu cầu phải đi làm ngay ngày hôm sau.

Chưa đầy nửa năm, vào một buổi trưa, Tuệ xồng xộc đến cơ quan tìm tôi, nắm tay lôi tuồn tuột ra quán bia, tí toét khoe: Thằng Thiện vừa được bổ nhiệm vào vị trí manager của phòng Thẩm Định. Đầu óc tôi tê đi vì chưa sẵn sàng để đón cái tin thú vị ngoài sức nghĩ đó. Cái thằng chó con ấy, tôi nghĩ, đã vượt qua cả mức tuyệt vời; nếu chỉ ngó bộ mặt lúc nào cũng chân chỉ ngờ ngệch, chỉ nghe những lời hòa thắm vụng về của nó, chẳng ai có thể biết được đã có điều gì biến động trong cuộc đời giản đơn, phác thực của nó.

Công ty Thiện làm cách nhà hơn ba chục cây số. Gặp những hôm mưa phũ gió bạo, trông cái bộ dạng bùn đất lướt thướt, răng miệng lập cập, chân thấp chân cao, te tua tất tưởi, mẹ nó xót ruột, nhất quyết bắt nó phải mua cái xe Getz của Nam Hàn, lấy cái mà đi làm.

Sáng nay, ở bến đợi xe buýt gần nhà, vô tình, tôi đứng gần chỗ mấy chú công chức, cán bộ đoàn thể và dân phòng phường quận đang tập trung luyện tập chuẩn bị cho cuộc thi chạy việt dã Vì Người Nghèo do báo Vui Khỏe Trẻ Trung tổ chức. Đúng lúc họ đang nhìn theo cái đuôi xe của Thiện lướt đi, mấy câu nói của ai đó trong đám đã véo von vỗ cánh bay tỏa vào không khí, rồi lần lượt chui tọt vào cái hốc tai lúc nào cũng háo chuyện tiếu lâm của tôi:

- Cái thằng ấy lởm khởm mà lại may.

- Ngữ ấy mà làm nhà nước thì suốt đời chỉ có đi ... đổ vỏ!

- Thánh nhân lại cứ hay khoái những thằng cù lần mới lạ!

- Chậc ... chẳng qua cũng là ăn nhờ vào cái thói bừa phứa vô nguyên tắc, nhận liều nhận ẩu cả những đối tượng vô học, vô bằng cấp vào công ty của mấy thằng tư bản cậy mình lắm tiền nhiều của!

Bất giác, tôi quay sang, mỉm cười thân ái, gật gù đồng lõa với mấy cậu trẻ tuổi ấy, phán:

- Chuẩn...

Cả đám cũng quay sang nhìn tôi, cùng nở một nụ cười đồng cảm đậm chất công chức nghèo vượt khó.

Vừa lúc xe buýt vào bến, tôi liền rảo cẳng về phía xe. Đi được mấy bước, nhận thấy lời phụ họa của mình vẫn chưa đủ độ nền nẩy, tôi bèn ngoảnh lại, làm bộ sâu sắc bí hiểm, nói chỉ vừa đủ nghe, bổ sung:

- ... không cần chỉnh!

Nghiêm Lương Thành - 29/05/2012