Trang chủ » Truyện

NGƯỜI LÍNH HẦU CỦA VUA HÙNG

Nghiêm Lương Thành
Thứ hai ngày 15 tháng 4 năm 2019 2:40 PM




Truyện ngắn 


Đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân ngàn ngạt kéo sang xâm chiếm Văn Lang. Từ kinh đô Phong Châu, vua Hùng liên tục phái nhiều tướng giỏi của triều đình ra miền biên ải cự giặc. Nhưng thế giặc quá mạnh, quân Văn Lang thua hết trận này đến trận khác. Thế nước thật chẳng khác gì trứng treo đầu đẳng. Vua Hùng mất ăn mất ngủ, lo lắng buồn phiền. Ngài truyền các Lạc hầu Lạc tướng vào điện bàn mưu tính kế chống giặc.
Trái hẳn với không khí của những lễ tiết ngợi ca non nước thái bình, tung hô phúc ấm và sự anh minh của Văn Lang Vương mấy tháng trước là một sự im lặng trống hoang, tỏa ra từ những khuôn mặt nhợt nhạt xác xao thảng thốt của các Lạc hầu Lạc tướng. Lặng ngắt. Không vị nào đưa ra được kế sách. Cực chẳng đã, một Lạc hầu đành lên tiếng:
- Tâu đại vương, trước mắt chúng ta tiếp tục cử những Lạc tướng khác ra biên ải ứng viện, tăng cường sức quân cho các Lạc tướng đang chống giặc ngoài đó.
Nhà vua trừng mắt:
- Các ngươi đều biết, những anh tài trí dũng nhất của Văn Lang ta bao đời nay đều tụ hội cả về đất Phong Châu này. Ta đang có trong tay tất cả những người như vậy và những người ưu tú nhất trong số những anh tài đó đều đã được phái ra trận. Hiện giờ thế giặc tựa nước lũ mùa mưa. Ngay cả những người ưu tú đó cũng không cự nổi, thử hỏi, ta phải phái tiếp ai ra chống giặc đây?
Cả triều đình lại rơi vào lặng ngắt.
Nhận thấy người lính hầu đứng không yên chỗ, đôi mắt rụt rè e sợ thỉnh thoảng lại hướng về phía mình, nhà vua bèn đưa tay trỏ vào anh ta:
- Có phải nhà ngươi muốn nói điều gì không?
- Dạ, thần không dám.
- Ta cho phép. Nói đi.
Người lính khẽ khàng tiến ra khoảng trống giữa hai hàng văn võ, cúi lạy vua và các quan Lạc:
- Tâu đại vương, binh nhung chống giặc là việc lớn của đất nước, thần đâu dám vượt phận mà tham bàn. Thần chỉ muốn nói đến một việc trong phận sự của mình. Thần nghĩ, trong tình thế ngặt nghèo bí quẫn, chưa tìm ra được cách chống giặc, ngày mai đại vương cùng các Lạc hầu Lạc tướng thử đi ra ngoài, thư giãn giữa đất trời nước non, biết đâu tâm tư khoáng đãng thư bình, lại chẳng khiến nẩy ra ý hay mưu lạ.
Các Lạc hầu Lạc tướng được gỡ bí đều lấy làm mừng rỡ, đồng thanh khen ý của người lính hầu rất phải.
Nghe theo người lính, sớm hôm sau, nhà vua cưỡi con tuấn mã màu đen, đem theo người lính hầu và các Lạc hầu Lạc tướng nhằm hướng đông mà đi, trong lòng vẫn ngập ứ buồn phiền.
Theo lệ, người lính hầu có bổn phận phải đi trước đoàn một khoảng cách để phòng bất trắc. Nhưng mới ra khỏi điện vài dặm, nhà vua nhận thấy người lính đó dừng lại, hết quay đầu nhìn ngọn núi phía sau điện lại ngoảnh xuống vùng đất phía Đông, nét mặt băn khoăn. Khi đến gần người lính, nhà vua hỏi: “Có chuyện gì sao?” Người lính cúi mình, đáp: “Thưa, thần cứ phân vân mà không định được”. “Nói ta nghe”. Người lính đưa tay trỏ về một ngọn núi phía trước: “Không hiểu sao, khi trông thấy ngọn núi kia, trong lòng thần chợt nghĩ nó được bao cao, rồi so với ngọn núi phía sau điện ở Phong Châu này, ngọn núi kia cao bằng mấy phần?” Vua cười: “Anh chàng này lẩn thẩn rồi. Chúng ta phải đến tận nơi mới biết được. Nhìn từ xa, vật gì chẳng nhỏ”.
Cả đoàn thúc ngựa nhằm ngọn núi ấy mà đi. Sau hơn canh giờ, họ đã đến chân núi. Người lính xuống ngựa, tay khư khư giữ chặt cái mũ đang đội trên đầu, ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi. Ngắm xong, người lính mỉm cười: “Thưa đại vương, quả là trái núi này cao to quá đi. Nhưng thần vẫn chưa hết băn khoăn”. Nhà vua cười rộng rãi: “Nói ta nghe”. “Dạ thưa, thần vẫn chưa tự trả lời được câu hỏi. Bởi bây giờ nhìn lại phía Phong Châu thì thấy ngọn núi ở đấy lại quá bé nhỏ. Muốn biết ngọn nào cao hơn, phải đo mới rõ được, nhưng đây là một ngọn núi, đâu là cái cây để ta dễ dàng mà đo”. Vua gật đầu, rồi quay sang các vị cùng đi: “Có cách gì biết được ngọn núi nào cao hơn không?” Một vị trả lời: “Thưa, chỉ có cách đo. Mà chúng ta không có cách gì đo được. Thần quả thực chưa nghĩ ra cách gì ạ”. Các vị khác cũng đồng thanh: “Chúng thần cũng vậy”. Vua vuốt râu, cười khà, trỏ tay về hướng một cây cổ thụ phía xa xa đằng nam: “Cây đa kia là đỉnh của hình ba cạnh cân đối mà hai ngọn núi đang muốn so sánh là hai đỉnh còn lại. Bây giờ chúng ta cùng đi về phía cây đa đó mà ngắm về hai ngọn núi thì sẽ định được ngọn nào cao hơn”. Cả đoàn dạ ran.
Khi đã đứng dưới gốc đa và ngắm nghía hồi lâu, Vua mới hỏi: “Các ngươi thấy ngọn nào cao hơn?” Tất cả đồng thanh một ý rằng ngọn núi phía sau điện ở Phong Châu thấp hơn. Nhà vua gật đầu hài lòng. Nhân đó, một Lạc hầu vui vẻ hỏi người lính: “Việc hôm nay có khiến ngươi nghĩ về một câu tục ngữ nào không?”. “Dạ thưa, có ạ”. “Câu gì?”. “Thưa, đó là Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Rất phải. Nhưng ngươi học được gì, nói rõ cho đại vương và chúng ta cùng nghe”. Người lính hầu bối rối. Nhà vua khích lệ: “Nói đi, việc này tốt, không có gì phải e ngại”. Người lính trẻ khẽ hít một hơi dài, sửa lại mũ áo cho ngay ngắn, chụm hai bàn tay cung kính hướng về phía vua và các vị Lạc hầu Lạc tướng: “Thưa, thần học được ba điều. Một là, nếu cứ đứng từ xa mà định vật thì dễ bị định kiến: vật mình nhìn thấy ở xa luôn bé mọn, chẳng đáng kể. Hai là, muốn so sánh tầm cao của hai vật thì không nên đứng ở cạnh vật này mà đánh giá vật kia bởi ta luôn thấy vật cạnh mình cao hơn. Nên tìm một vị trí trung dung giữa chúng mà nhìn nhận. Ba là, thiên hạ rộng lớn, có nhiều đỉnh cao mà ta chưa tới hoặc chưa biết đến”. Vua cả cười, vỗ tay khen và truyền ban thưởng. Nhưng không hiểu sao, suốt trên đoạn đường về, ngài chỉ cho ngựa chạy nước kiệu và nét mặt không giấu được vẻ đăm chiêu khác thường.
Suốt đêm hôm ấy, nhà vua trằn trọc, không sao chợp được mắt. Sáng hôm sau, mới canh ba, ngài đã trở dậy, truyền cho các Lạc hầu Lạc tướng vào điện gấp. Trong buổi nghị triều, vua phong cho người lính làm Lạc hầu, coi việc cầu hiền, kiêm sứ giả của triều đình, lệnh lập tức lên đường, đi vào nhân gian rộng lớn, tới tận các thôn cùng ngõ hẻm tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Còn các Lạc tướng nhanh chóng tuyển thêm lính, ráo riết luyện binh để kịp tăng cường cho vùng biên ải. Các Lạc hầu lo việc thu nhận và kíp đốc thúc việc vận lương, kịp tiếp ứng cho quân nhà chống giặc.
*
Vị sứ giả mới được phong chia người của mình làm nhiều nhóm, tỏa về mười lăm bộ, rao truyền ý chỉ của vua Hùng tìm người tài giỏi ra đánh giặc giữ nước cho dân chúng trong toàn cõi cùng biết.
Nhóm do vị sứ giả cầm đầu đi đến làng Gióng thì dừng chân. Người tài giỏi chưa tìm được, nhưng trai tráng đến xin tòng quân thì đông nghìn nghịt. Ông hỏi han từng người để biết được sở trường của họ và nhanh chóng thu nạp được rất nhiều trai tráng ưu tú, kẻ tinh thông võ nghệ, người thạo xem thời tiết, kẻ biết dùng mưu lược, người giỏi việc trị thương, kẻ thạo tổ chức vận lương, người quen trui rèn khí giới... Ai ai cũng hừng hực khí thế, chỉ mong chóng được ra trận đuổi giặc.
Buổi tối, khi vị sứ giả đang lo lắng vì nỗi chưa tìm được nhân tài xuất chúng thì bỗng nhiên có một ông lão đi vào, sụp xuống quỳ lạy, khóc lóc thảm thiết, xin được tha tội chết. Vị sứ giả lấy làm ngạc nhiên, luống cuống đứng dậy đỡ ông lão đứng lên, hỏi:
- Thưa cụ, việc gì đã khiến cụ sợ hãi đến vậy?
- Thưa, vợ chồng lão hiếm muộn về đường con cái, về cuối đời được giời cho một mụn con trai. Năm nay cháu đã lên ba mà vẫn chưa hề biết đi biết nói, đặt đâu nằm đấy. Vợ chồng lão lấy làm sầu muộn nhưng cũng chẳng biết làm cách gì. Vậy mà sáng nay, khi nghe loa của triều đình vời người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước thì bỗng dưng nó ngồi nhỏm dậy, cất tiếng nói, nhất định đòi cha mẹ mời cho được sứ giả về nhà cho nó thưa chuyện. Mừng vui không sao kể xiết vì con đã tự ngồi lên được, nói năng được như những đứa trẻ khác, nhưng vợ chồng lão lại vô cùng sợ hãi vì cái ý muốn ngông cuồng vô lối của nó. Nhưng, nghĩ thương con quá, lão liều thân đến xin ngài ban ơn mà ghé qua nhà cho cháu được thỏa nỗi khát khao. Lão biết đây là tội lớn với phép nước, xin ngài cứ giáng tội vào mình lão mà tha cho cháu bé còn thơ dại.
Nghe chuyện, vị sứ giả thấy lạ, ngài không hề nổi giận mà còn đi ngay cùng ông lão đến gặp cậu bé. Vừa vào nhà, bà lão vẫn còn lúng túng, chưa kịp phủi giường mời sứ giả ngồi thì cậu bé đã dõng dạc lên tiếng:
- Ông về bảo với nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một áo giáp sắt và một cái nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ.
Vị sứ giả hết sức kinh ngạc. Sau, định thần lại được, ngài thấy đây là chuyện chưa ai từng gặp và nghĩ cậu bé này biết đâu lại chẳng là một ngọn núi lớn trong nhân gian.
Quả nhiên, sau khi nhận được ngựa, roi, nón và áo giáp từ chính vị sứ giả, cậu bé ăn liền một lèo hết mười nong cơm, ba nong cà muối, rồi đứng dậy vươn vai. Bao nhiêu cơm gạo của dân đem đến nuôi cậu liền vận chuyển trong người, biến cậu thành một tráng sĩ cao lớn, mạnh mẽ, tuấn tú, mắt sáng như sao, trán cao như núi, bắp tay bắp chân cuộn như sóng lũ. Cậu mặc giáp, cầm roi, nhẹ nhàng nhảy lên ngựa. Chú ngựa sắt cất hai vó trước, chồm lên hí vang, miệng phun ra những khói cùng lửa, đưa chàng trai của làng Gióng lao thẳng ra trận, tung hoành dọc ngang, hào hùng phá giặc.
Phá xong giặc Ân, chàng trai về làng, phủ phục lạy cha lạy mẹ lạy dân làng rồi lên ngựa, lững thững cho ngựa đi nước kiệu về phía núi Sóc.
Vị sứ giả, cha mẹ chàng trai và dân làng thấy vậy thì vô cùng ngạc nhiên. Trong lòng người nào cũng nặng một câu hỏi: Sao lại thế? Vị ân nhân của chúng ta định đi đâu vậy?
Vị sứ giả là người đầu tiên choàng tỉnh. Ngài bèn lập cập lên ngựa, đi về hướng núi Sóc, theo sau chàng tráng sĩ. Khi xuống ngựa, ngoảnh lại, tráng sĩ nhận ra sứ giả đã xuống ngựa từ trước và đang đi về phía mình. Đến trước mặt tráng sĩ, vị sứ giả kính cẩn thi lễ:
- Cùng với dân chúng trong toàn cõi Văn Lang và nhà vua, tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với ngài vì đã có lòng có công cứu nước cứu dân khỏi thảm họa giặc Ân. Nghỉ ngơi xong, xin mời ngài cùng tôi quay về Phong Châu yết kiến nhà vua và tiếp tục đem tài trí của mình ra giúp dân giúp nước.
Tráng sĩ nghiêng mình đáp lễ, nét mặt thoáng chút ưu tư. Rồi chàng mỉm cười.
- Cảm ơn ông đã có niềm tin vào sức mạnh, tài trí và tấm lòng hy sinh vì nước của người dân. Cảm ơn ông đã không quản khó khăn nguy hiểm để vén bức màn che trước mắt nhà vua và lặn lội tìm thấy ta. Cảm ơn dân chúng và ông đã có lòng quý mến và tin tưởng. Nhưng mọi sự nhất nhất đều phải nương theo tự nhiên cả, nên ta không thể ở lại được.
Đến đây, ngài hơi do dự, hạ giọng:
- Riêng với ông, ta xin có lời gan ruột này. Giặc đã tan, đất nước đã trở lại thái bình như xưa. Ông, như một hạt Lim Xanh sinh ra từ đại ngàn của Văn Lang hùng vĩ. Một chốn triều đình yên ả, ý ta là không bị đặt trước các hiểm họa sống còn, không phải là mảnh đất thích hợp cho thứ hạt giống đó. Hãy nhân lúc nhà vua đang vui vẻ, xin ngài cho về quê làm ruộng. Ông sẽ được phụng dưỡng cha già mẹ héo cho thỏa lòng hiếu. Ông sẽ được vui thú điền viên, cày ruộng dạy trẻ, thả diều thổi sáo, sẽ trở nên giàu có, giúp đỡ kẻ khó, bảo cách làm ăn cho người hay lam hay làm. Khi cha mẹ đã về hầu tiên tổ, ông nên làm cuộc ngao du sơn thủy để biết được đất nước ta rộng lớn hùng vĩ ra sao, phong tục Văn Lang ta hòa thắm tươi đẹp đến nhường nào. Thật thỏa chí một đời trai, có phải không?
Dứt lời, tráng sĩ cúi đầu bái biệt. Một đạo hào quang bỗng bừng lên rực rỡ, bọc lấy người tráng sĩ. Tráng sĩ hiền từ nhìn vị sứ giả mỉm cười, không gian chợt sực nức một mùi thơm lạ, rồi đạo hào quang ấy bay lên, mang theo tráng sĩ, bay mãi, bay mãi, bay về phía những áng mây ngũ sắc an lành của cao xanh thăm thẳm.