Trang chủ » Truyện

VẬT GIA BẢO

Nguyễn Văn Thọ
Thứ bẩy ngày 19 tháng 5 năm 2018 5:58 PM




TNc:  Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nổi tiếng trên văn đàn với tiểu thuyết Quyên, song mảng truyện ngắn của ông bao gồm 53 giai phẩm mà đến nay ông đã giới thiệu trên báo chí và in thành hai cuốn I và II Hương Mỹ Nhân, Vườn Mộng. Ngày 20.5.2018 tại nhà 15-17 Hàng Cót, Nhà xuất bản Thanh niên nơi in ấn hai cuốn sách này đã làm Lễ ra mắt sách với chủ đề: Từ Hương Mỹ Nhân tới Vườn Mộng - Vườn Văn. Nhân dịp này trannhuong.com xin giới thiệu truyện nhắn VẬT GIA BẢO đã in trên Văn nghệ công an của Nguyễn Văn Thọ
Không có văn bản thay thế tự động nào.


Truyện ngắn 


Ngày ba tôi sắp mất, tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị gái tôi gọi điện báo, trong tiếng nấc nghẹn ngào, khẩn thiết:
- Em bay ra ngay đi! Ba... bị ngã... khi... bưng nước cho ông Bõ tắm... Chắc không qua khỏi, đến giờ ba vẫn chưa tỉnh.
Tôi gọi điện cho bạn ở hãng bán bé máy bay, rồi đón taxi, giục cậu lái xe phóng gấp ra sân bay.
Ba tôi là mục sư Tin lành. Người thư kí già của Hội Thánh tới giúp việc đã nhiều năm. Chúng tôi, con cái trong nhà, yêu quý người giúp việc tuổi già hơn ba tôi, vẫn thích gọi ông ấy với cái tên thương yêu, gần gũi: ông Bõ. Sao ba tôi lại phải xách nước cho ông Bõ tắm?
Ở phòng chờ sân bay, rồi cả khi lên máy bay, cha tôi cứ mồn một hiện lên, làm tôi nhiều khi cố kìm nén để khỏi bật khóc. Tôi nhắm mắt lại thì ba tôi hiện ra trong đầu. Tôi nhìn ra cửa sổ máy bay thì thấy ba tôi cả trong cả những áng mây trắng bay ngang...
Tôi tin có Chúa. Tin theo kiểu của mình, ít khi Lễ nhà thờ và càng không cầu xin Chúa điều gì. Vậy mà suốt chuyến bay, tôi đã ba lần xin Chúa giúp, cho ba con tôi gặp nhau tỉnh táo. “Xin Chúa cao cả và thiêng liêng giúp đỡ con, để ba con đừng vội đi!“
***
Ba má tôi sinh được ba người con. Tôi là út, đứa con bướng bỉnh nhất trong nhà. Nhưng có lẽ là con rốt nên vẫn được yêu thương nhất. Tôi nghe kể, ba tôi từng là học trò của giáo sư Hoàng Đạo Thúy. Ấy là khi ông tham gia hướng đạo sinh. Tôi đồ rằng, thời gian những năm 30, trong sinh hoạt hướng đạo, ông đã làm Lễ Bắp Têm theo Tin Lành. Năm 1932 ông và má tôi được đích thân nữ giáo sĩ Homera Dixon tuyển chọn gửi đi thụ huấn tại Viện thần học Tounrane tại Đà Nẵng, rồi ba trở thành mục sư. Lí lịch học sinh của tôi do ba tôi khai, ghi rõ rằng, ở lại với tín đồ khi có hiệp định đình chiến Geneve, không màng mọi điều kiện sẵn có của người Pháp chuẩn bị, khi họ muốn ba tôi di cư. Lớn lên hỏi, vì sao ba không vào Nam? Ba tôi đáp, miền Bắc khi đó nhiều khó khăn lắm, song ba không thể bỏ tín đồ được. Khó khăn thì rõ quá rồi! Tôi sao quên được những ngày đông, trưa đi học về, mở lồng bàn ra, bữa nào cũng thấy đĩa ngô vàng chóe mà thi thoảng mới thấy miếng tóp mỡ ngậy béo làm sao. Vậy mà ông thường xuyên vắng nhà. Ba tôi thanh thanh, cao lớn, gầy gò ngồi trên cái xe đạp Mercier, bất kể mưa nắng đạp đến với tín đồ đau ốm. Có chiều đông mưa tầm tã, tôi ngồi đợi ông ở bậc cửa, đẫm nước mắt đợi ba về. Ông ôm chầm lấy tôi, áp cái má lạnh còn nguyên những hạt mưa, ôn tồn kể về một tín đồ bị thương trong lao động cần an ủi tận bên Đông Anh.
***


Máy bay tới Nội Bài, tôi đụng ngay vào cái lạnh buốt xương quen thuộc của miền Bắc. Hơn nửa giờ xe chạy khá nhanh mà lòng tôi như có lửa đốt. Chạy như cuồng vào phòng cấp cứu bệnh viện Việt Xô, tôi lí nhí chào má tôi, rồi sà ngay bên gường ông thiêm thiếp nằm. “Ba không biết gì đâu. Má gọi bao lần cũng không tỉnh dậy!“- Chị tôi nói.
Cố kìm khóc. Tôi gọi: “Ba, ba ơi. Con trai út của ba về đây.“
Đôi mắt ông vẫn nhắm nghiền. Tôi khóc. Những giọt nước mắt của tôi tràn trề rơi xuống bàn tay ông. Kì lạ thay, bắt đầu là lông mí mắt ông chớp chớp, rồi sau đó đôi mắt hiền từ của ba tôi chầm chậm mở ra, nhìn vào tôi. “Kìa, ba tỉnh lại rồi!“- Anh trai tôi kêu bật ra.
“Ông ơi!“- Cháu tôi cũng nhao vào bên...
Tôi chùi nước mắt, cố cười như bao lần đi xa về gặp lại ông. “Con đây. Con đây!“- Tôi líu ríu nói.
Ba tôi cười thì phải. Đôi môi ông động đậy. Rồi bàn tay gầy đầy những gân xanh, có những giọt nước mắt của tôi gắng run run giơ lên. Chậm trãi đặt lên mái đầu đã nhuốm bạc của tôi. Tôi rùng mình.
Vụt nhớ năm nào Mỹ đánh bom Hà Nội. Mười bẩy tuổi tôi xung phong lên đường vào quân đội. Anh tôi khi ấy đang là sĩ quan tình nguyện quân chiến đấu ở bên Lào, tôi ở diện càng không phải gọi nhập ngũ.
Tôi rón rén bước vào phòng giấy ba, báo tin viết đơn xin vào bộ đội. Ông rời mắt khỏi những tập tài liệu đang đọc dở, lấy con cóc đá bao nhiêu năm vẫn dùng để chặn giấy, xoa xoa bàn tay lên đó rồi đặt bàn tay lên đầu tôi.
Im lặng.
Im lặng lâu lắm!
Tôi có cảm giác đầu tôi ấm lên để lát sau ông chậm trãi nói:
- Con đã hành động đúng. Ba con ta đều kính chúa và yêu nước. Ba cầu phước cho con sau chiến tranh sẽ an toàn trở về.
Ôi, đôi bàn tay này đây đã bao lần xoa đầu tôi, cả khi lỗi lầm. Cả khi tôi mải chơi không chịu đến nhà thờ những ngày Chúa Nhật. Cả khi, tôi năm 15 tuổi, lần đầu tiên ông hỏi: “Con có tin chúa không?” Tôi đã thản nhiên né tránh, trả lời: “Con tin ba!”.
Tôi không muốn nhắc lại những gì sau phút lâm chung của ba tôi nữa. Bởi vì ngay lúc này đây, khi tôi kể cho bạn đọc nghe, nếu nhắc vài chi tiết nữa, tôi sẽ khóc. Nhưng chuyện này thì tôi hiểu và muốn bạn hiểu rằng, Chúa đã cất ba tôi đi rất nhanh. Dường như ông không đau đớn. Rất nhanh!
Bao nhiêu lần tôi đã đến bên mộ ba tôi? Tôi không xin gì ở ba tôi cả. Tôi thường im lặng rất lâu bên những đóa hoa tươi. Và, chỉ khi ngọn nến nhỏ sắp tắt, thầm kể cho ông nghe má tôi và các anh chị em ra sao. Cả con chó Bin mà khi ông còn, ông thường âu yếm nó. Tất nhiên cả chuyện ông Bõ vừa sang Đức về vẫn khỏe mạnh. Rõ rồi!- Ba tôi có lẽ nói thế với tôi bên mộ. Điều ấy cũng tựa như điều chúng tôi không hề oán trách ông Bõ, khi ba tôi bưng nước cho ông Bõ mà ngã. Chúa đã cất ba đi! Có lẽ tôi hiểu ông. Ba tôi đã nhường Bõ tắm trước vì ông Bõ tuy là tín đồ nhưng cao tuổi hơn, cần được chăm dắt, tôn trọng.
Có một lần mưa rơi tầm tã bên mộ ba. Tôi chợt nhớ tới ngày nào chúng tôi quần nhau với máy bay của không lực Hoa Kì cả ngày trong mưa bom, thì xâm xẩm tối, ông đạp xe tới đơn vị. Sau này, má tôi kể rằng, ba má nghe tin bộ đội quanh khu Cao Xà Lá hy sinh nhiều lắm, nên“ba anh vội vàng chả ngại bom đạn mà tới“. Ôi chao, nào có được gặp nhau! Tôi đứng trên xe đầy những hòm đạn, gào thét lên gọi ba, lúc khói xe xích, xe ô tô, phun khói mù mịt quanh cái bóng cao cao, gầy gò của ba tôi: “Ba! Ba ơi. Con đây này!“ Trời ơi, tụi bạn tôi các xe khác cũng gọi ầm lên: “Ba ơi!“, làm cái bóng ông nhớn nhác khi không còn biết con trai ông ở xe xích nào. Thế mà hôm sau ông lại vẫn đạp xe sang Văn Giang tìm tôi. Ông không tường bộ đội cao xạ khi ấy thoắt đi thoắt đến. Ông vẫn đứng lặng lúc chúng tôi di chuyển. Mưa tầm tã rơi quanh ông. Tôi nhìn rõ tay ông cầm nải chuối, quả còn, quả rụng, đạp xe theo, cố đưa cho tốp anh nuôi đi sau cùng.

 

***

Ba tôi mất. Tang Lễ được tiến hành như nghi Lễ đạo Tin Lành vẫn dành cho mục sư. Nhiều tín đồ đến. Có người Nghệ An, vài gia đình bay ra từ Huế, Đà Lạt. Vợ tôi cũng ra kịp.
Mất mát ấy, với tôi thực lớn, khó gì bù đắp nổi! Khi Chúa đã cất ông đi, để tôi không còn người mà vấn hỏi, mà chia sẻ, có khi như hai người bạn tâm giao. Sự nhân từ của ông vượt qua cả sự yêu thương bình thường của một đấng sinh thành, bởi chưa khi nào ông bắt tôi nhất nhất phải theo ông, theo Chúa, tin Chúa như các tín đồ khác. Có lần ông bảo: “Lòng tin vào bất cứ điều gì phải khởi tự đáy lòng con ạ. Và, điều quan trọng nhất, sâu thẳm trong sự tin theo Chúa là phải sống thiện, tự sửa mình làm nhiều điều tốt. Tôi hoàn toàn tin lời ông nói vậy, chưa một lần đổ vỡ niềm tin nơi ông khi nhìn vào sự bao dung của ông với tôi, nhất là thấy rất rõ sự tận tụy của ông với mọi tín đồ và cả bạn bè không phải tín đồ, lúc họ khó khăn, khi đau ốm.
Ôi, “Mọi hành vi của con người ở tôn giáo đều phải tự giác.“- Ý ông có phải thế chăng? Tôi nhớ, mỗi Chúa Nhật sau khi giảng kinh, một bà giúp việc đi trước ba tôi cầm một cái túi gấm xuống dọc lối giữa Thánh đường. Tín đồ hai bên hàng ghế thả tiền vào cái túi rất sâu ấy. Cái túi gấm sâu nên không người nào có thể biết rằng, ai đã ủng hộ Chúa bao nhiêu tiền! Một hào, hai hào... bao nhiêu, chỉ Chúa biết!
Tôi yêu Ba tôi, thích nghe giọng ấm áp của ông, nên thi thoảng ngày Chúa Nhật vào xem Lễ.
Tôi nhớ có lần tranh luận với ông, tôi dùng cả một câu trong kinh Thánh:“Con là viên gạch không xây!“ Chao ôi, nói như thế mà ông chỉ đăm chiêu một lát mà không quở trách gì cả.
Mọi sự rồi buồn cũng đủ buồn thôi, ở Hà Nội an ủi má tôi hơn tuần, tôi lại phải vào phía Nam tiếp tục công tác.
Trước khi tôi bay, quay về thành phố Hồ Chí Minh, đêm ấy má tôi gọi tôi vào phòng riêng. Yên lặng hồi lâu, má tôi cất lời:
-Vật gì của Chúa ở văn phòng ba con, má đã trả cho Hội Thánh. Vài thứ lặt vặt, nguyên là tiền riêng của ba con sắm, để các con có kỉ niệm về ba, má đã cho anh chị con cả. Con biết đấy, ba má cũng không có gì! Cái ghế tựa bằng gỗ, một cái máy chữ cũ, má cho anh con vì anh cần nó ngồi viết cho đỡ đau lưng. Cái kệ lim và cái tủ gỗ lát cũ, má cho chị con đựng sách. Cái đồng hồ Vile má cho thằng Tâm.
Tâm là cháu đích tôn của ba má tôi. Thôi, cho nó là đúng! Còn mọi thứ cũng chỉ ngần ấy. Cái gì của Caesar trả lại cho Caesar - Tôi thầm nghĩ. Má im lặng một lát rồi chầm chậm nói:
- Má giữ cho con cái này.- Nói rồi, bà đứng dậy cầm lấy cái hộp đã để sẵn ở bên. Mở nắp cái hộp cũ, má tôi cầm lên bọc nhỏ bọc vải điều. Tôi đón, run run mở tấm vải nhung màu huyết dụ.
Con cóc đá!
Ôi, con cóc đã bao năm ba tôi dùng chặn giấy!
Tôi chợt nhớ ngày nào ông xoa xoa đôi bàn tay lên lưng nó và đặt tay ấm cả đầu tôi. Tôi ôm nó vào lòng. Bất giác cũng xoa xoa bàn tay vào cái lưng đã nhẵn thín của nó. Không biết chú cóc này đã bao nhiêu năm bên cha tôi, chỉ biết nó có trên bàn cha tôi, có mặt trong nhà tôi trước khi sinh tôi.
Tôi cám ơn bà. Chợt hỏi:
- Má còn nhớ con cóc chặn giấy này ba con có từ khi nào không?
- Nhớ, má nhớ chứ! Má thực không biết nó chế tác từ khi nào. Chỉ biết năm ba con được phong mục sư, bà giáo sĩ giáo sĩ Homera Dixon đã tặng ba con. Mục sư giáo sĩ Homera Dixon, người giáo sĩ Pháp đầu tiên mang Tin Lành đến Hà Nội ghi trong sách từng đọc, tôi biết. Còn mặt mũi bà như thế nào thì tôi đâu có hay. Liệu bà có hiền từ như cha tôi không?- Tôi thầm nghĩ.
***
Vợ chồng tôi lại bay quay về thành phố nơi chúng tôi làm việc. Tôi làm một cái kệ nhỏ treo cao trang trọng ngang tầm mắt, đặt tấm ảnh của ba tôi trên đó. Bên cạnh di ảnh, tôi đặt con cóc nhỏ. Vợ tôi luôn mua hoa tươi cắm trên đó. Đặc biệt khi tháng Tư về, tự tay tôi mua một bó hoa, chọn ở nơi, những người nông dân vừa cắt ở vườn nhà, chúng dường như còn nguyên cả những giọt sương đêm. Thứ hoa bách hợp trắng tinh, thơm mát lúc sinh thời, cha tôi rất thích!
Thời gian vùn vụt trôi qua như một tiếng vỗ tay, công việc của tôi rất suôn sẻ. Thi thoảng tôi nói đùa vợ tôi rằng, con cóc đá chỉ như một viên đá chặn giấy thôi, nhưng em thấy không, mọi sự của vợ chồng mình tốt hơn hẳn, từ ngày có nó. Vợ tôi chỉ cười cười không nói gì, nhưng cũng như tôi, cô ấy luôn giữ gìn cho tấm kệ sạch sẽ, không một hạt bụi.
Tháng Tư năm ấy, tôi mua một ít hoa bách hợp cắm trên kệ, vẫn nơi để ảnh ba tôi. Vẫn những đóa hoa trắng tinh không một vết bụi, một chấm màu lai tạp. Một màu trắng tinh đến nao lòng.
Cũng đêm ấy, trời chuyển giông, gió giật ào ào ngoài cửa sổ. Rồi đúng nửa đêm, có tiếng sấm rất lớn. Một ánh sét như xuyên qua mái nhà, trắng lóa cả gian phòng và, ngay sau đó là tiếng sấm rất lớn, làm cả ngôi nhà chúng tôi rung lên.
Rồi im bặt.
Không gian im lặng ghê gớm, như chưa có điều gì xảy ra. Tôi nghe rõ cả tiếng trái tim vợ tôi đập thình thịch. Tiếng sấm làm vợ tôi giật mình, choàng tỉnh. Cô ôm chặt lấy tôi.
Sớm sau, chuẩn bị đi làm, tôi vừa ngang qua nơi có chiếc tấm kệ, thì nghe rõ, có vật gì từ trên đỏ lăn xuống phát lên tiếng kêu vang, trong vắt. Tôi cúi xuống, giật mình nhìn thấy một viên đá màu, nhỏ như viên bi nằm trên nền đá hoa. Đứng sựng. Nhìn lên kệ, rõ ràng con cóc đá vỡ làm đôi.
- Này! Em ơi, lại đây xem!- Tôi thảng thốt gọi giật, vợ tôi đang dở tay trong bếp vội chạy ra.
Chúng tôi chuyền tay nhau viên đá tròn màu hồng. Đá còn gai rất nhỏ, sù sì mà trong ánh sáng ban mai chiếu vào, nó vẫn tỏa màu, trong sáng. Nó bao năm nằm yên trong viên đá hình con cóc, nay bật ra sau tiếng sét đêm qua. Chúng tôi cũng xem lại con cóc đã vỡ làm hai mảnh, ngửa ra trên kệ.
Tôi tuổi Mậu Tí. Sự kiện trùng hợp với câu chuyện ngày nào. Một bạn đồng ngũ đến thăm, có tiếng giỏi tử vi lắm, trong tiệc rượu vui, bấm đốt tay, phán xanh rờn:
- Ông Tuổi Mậu Tí, mệnh đóng tại Tí, lại có sao Cự Môn đắc địa, thêm Tuần Triệt án ngữ, hẳn vào cách “Thạch trung ẩn ngọc“...
Thạch trung ẩn ngọc là viên ngọc dấu trong đá - chuyện thuật bói toán tử vi ấy, người Tin Lành khó tin, nhưng có ứng vào cái sự kiện đêm qua không? Đấy là một sự thiêng liêng của vũ trụ hay là một sự trùng hợp đến khó tin?
Vợ tôi mang hai nửa con cóc và viên đá tròn xù xì, chưa hề chế tác, đi hỏi một người bạn thợ ngọc trong thành phố. Về kể rằng, anh ta khẳng định, đây là viên ngọc rất quý. Thứ ngọc mà khi xưa vua chúa được tiến, lập tức ban hàm, tước, bổng lộc cho người dâng. “Anh ấy còn nói, con cóc cũng là đá, là loại hợp chất gì đó mà em quên khuấy“. Đá tự nhiên ngậm ngọc!
Tôi im lặng.
Rồi chúng tôi bàn nhau, quyết không đổi hay bán viên ngọc theo gợi ý của anh bạn thợ ngọc. Giá bao nhiêu cũng không!
Vợ chồng chúng tôi có công việc. Mọi sự ngày một tốt lành và cả hai cũng đủ sống để nhận ra rằng, chúng tôi biết đủ với nhu cầu vật chất đang có và sẽ có, từ lao động trí óc. Chúng tôi có hai cháu, đứa lớn thành đạt, vừa có gia đình trên Đà Lạt. Đứa nhỏ còn tu nghiệp ở nước ngoài cũng không lo ngại gì, vì cháu học rất khá. Thư nào nó cũng ghim vào một câu, cho má nó yên lòng: “Chờ con! Mai mốt con sẽ trở về với má mãi mãi!“ Chắc chắn, dù ở đẩu ở đâu, nó sẽ là người tử tế và rất tự tin để tự lập. Đấy là bản năng gốc của người Việt ta chăng?- Tôi thường tự hỏi, mỗi khi đọc thư nó gửi về.
Tự nhiên sau cuộc trò chuyện với vợ đêm ấy, tôi nhớ ngày đưa ba tôi tới nơi bến cất. Nhớ thương ông, theo sự mong muốn của ông lúc chưa đi, tôi đã để nước mắt hiếm hoi của tôi rơi lã chã- nước mắt vẫn chỉ dành cho những đứa bạn từng ngã xuống trong nhiều trận chiến- Tôi khóc và tìm nhanh một bài Thánh Ca. Những bài hát mà ba tôi bảo, một dịp mùa xuân sắp trở lại: “Ba không đòi hỏi con phải nhóm Lễ. Giọng hát của con hay lắm, nên ba muốn nhờ con giúp ba hát một bài thánh ca vào dịp có Chương trình tín hữu dự lễ Noel“
Tôi đã từ chối ba tôi lần ấy, dầu rằng, giọng tôi quả hay thật, bởi tôi cũng từng được chọn là tay solit trong đội tuyên văn của sư đoàn. Vâng, trong tiếc thương, yêu quý vô vàn ông, tôi vừa dạo piano vừa hát vang, với tất cả tấm lòng thiện nhân có trong lòng: “Hồn tôi lập vững đức tin nơi Vua. Trên các báu bối (luật) và công bình Chúa...Tôi đứng trên Chisrt như đá rất lớn. Các chỗ đứng khác đều giống như cát trôi...“.
Nhớ tới thế. Tôi ngồi bật dậy như văng vẳng lời ba tôi, lời chúng tôi hỏi, đáp ngày nào về đức tin nơi Chúa. Về một từ Thiện. Mục đích đầu tiên và cuối cùng phải tâm thành để toàn năng. Phải gìn giữ nó như viên ngọc quý, sáng trong, giữ gìn mãi mãi như con ngươi mắt mình giữa hòn đá, con cóc đá chặn giấy kia.
Tôi nhỏm dậy và tới bên kệ.
Tôi cầm viên ngọc đặt lại vào giữa con cóc của ba tôi. Đặt hai mảnh đá lại khít bên nhau như chưa từng vỡ. Tôi sẽ gắn nó lại với thứ keo đặc biệt hàn đá không dấu vết.
Vâng. Ngày mai, nếu tôi theo ba tôi về nơi vĩnh hằng, tôi sẽ mạnh dạn trao cho con trai tôi giữ gìn viên đá chặn giấy này. Thờ phượng Chúa hay thờ phụng ông bà, cha mẹ sao có thể trái ngược nhau, nếu như mọi sự tin theo, đều hướng về mục tiêu cuối cùng của tất cả các tôn giáo: Thiện!
Viên đá xù xì và có cái lưng nhẵn thín, bao lần ba tôi xoa bàn tay ấm áp của ông lên...Nó giữ kín, bảo vệ đời đời một viên ngọc sinh ra từ đất. Mà có bao nhiêu muối trong đất! Thứ cần phải bảo vệ, gìn giữ?(1).,.
Ngọc Hà, tháng 5-2018.

Chú thích: Kinh thánh có câu: “Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chơn.”

Không có văn bản thay thế tự động nào.