Trang chủ » Truyện

THỎA HIỆP VỚI CHUỘT

Phạm Việt Long
Thứ sáu ngày 24 tháng 1 năm 2020 7:23 PM



Truyện ngắn Kết quả hình ảnh cho Chuột

Chưa bao giờ nhà ông An bà Nhân gặp phải con chuột quái đản như con chuột này. Phải nói, đó là con chuột đã thành tinh.
Thử hỏi nơi nào trên trái đất không có chuột? Nhưng, chuột ngày càng đông đúc như ở thành phố này, là điều không thể chịu nổi. Chuột lớn, chuột bé. Chuột lông vàng vàng. Chuột lông đen đen. Chuột săn chắc, giảo hoạt, nhanh thoăn thoắt. Chuột béo ục à ục ịch, lờ đà lờ đờ. Đủ mọi loại chuột, nhưng đều chung một đặc tính là chui vào nhà đục khoét, phá quấy.
Trong con ngõ nhỏ chỉ vài chục căn nhà liền kề này, lũ chuột hoành hành dữ dội. Trên khoảng tầng hai của hai dãy nhà dọc con ngõ, có những sợi dây điện bắc qua bắc lại, người ta đã làm lá chắn ở giữa để ngăn chuột, vậy mà chúng cũng leo lên, vượt qua, chui vào ban công, lần mò qua các khe cửa hoặc lỗ thoát khí, chui vào nhà.
Cảnh giác với lũ chuột, ông An bà Nhân bịt tất cả các khe hở, lỗ thông khí, không cho chúng đường vào. Cửa ra vào, cửa sổ cũng luôn luôn đóng kín. Riêng cửa ra vào có hai lớp, một lớp gỗ, một lớp kính, ban ngày ông bà vẫn mở ra cho thoáng, chỉ khi tối đến mới đóng lại. Cần cảnh giác nhất là vào lúc trời nhập nhoạng. Đó là khi lũ chuột rời hang ổ, lùng sục kiếm ăn. Ngày nào cũng vậy, cứ thấy trời nhá nhem tối là ông bà lại đóng kín tấm cửa kính lại. Nhưng, cũng có hôm quên, chưa đóng kịp. Và thế là trong nhà có chuột.
Sáng hôm ấy, bà Nhân hốt hoảng kêu: “Chuột vào nhà mình rồi!” Minh chứng cho nhận định của mình, bà Nhân chỉ tay vào đĩa hoa quả để trên bàn: “Chúng khoét cả chuối, lôi cả quả ổi xuống đất!”
Ông An trấn an vợ: “Yên tâm, tối nay thể nào cũng tóm được con chuột này!”.
Chả là, trong căn bếp nhà ông An có một cái kho nhỏ nằm dưới cầu thang, rất kín. Thường thường, lũ chuột, sau khi quậy phá vào ban đêm, tới gần sáng sẽ chui vào đó trú ngụ. Thế là, chỉ việc chui vào kho, đóng kín cửa và bắt chuột thôi. Kho nhỏ, không lối thoát, nhiều chú chuột đã bỏ mạng vì cái bẫy tình cờ này.
Gần sáng, ông An khua động một lúc để xua chuột vào nơi ẩn nấp, rồi đóng ập cửa kho lại. Ông chắc mẩm là chú chuột đã bị nhốt trong đó.
Như mọi lần, sau khi ăn sáng, ông An mở nhanh cửa kho, chui vào, bật đèn. Không có gì hết. Khua động, đập thùng kêu ầm ĩ, cũng chả thấy động tĩnh gì. Không biết con chuột này trốn ở đâu? Dọn sạch kho ra cho chắc ăn, cũng trống trơn, không một dấu vết chuột.
Thế thì dùng cách bẫy chuột vậy. Do chuột quấy phá dữ quá, con người đã làm ra đủ mọi phương tiện để tiêu diệt chúng. Tấm keo dính chuột. Lồng bẫy cổ truyền. Lồng bẫy thông minh. Bập bênh gài trên thùng nước. Lại cả bả chuột, độc tính cực mạnh, nhiều người đã tìm đến cái chết bằng thứ dành cho chuột này… Muôn hình vạn dạng, với mục đích cuối cùng là loại trừ lũ chuột khỏi căn nhà của mình. Người ta bảo chuột tài tình lắm, “thiêng” lắm, cho nên có người gọi là “ông chuột”. Lại còn râm ran lời đồn rằng, trước khi đặt bẫy, không được hé răng nói ra, kẻo “ông chuột” biết, sẽ tránh. Ông An làm theo như vậy. Lẳng lặng mua một hộp keo dính chuột với 4 tấm dính về. Đây là loại keo dính siêu đẳng. Người bán tấm keo kể rằng, có nhà, dính được con chuột to đùng. Sáng dậy, thấy nó bị dính ở lườn. Nó quẫy đạp dữ dội. Nó khỏe vô cùng. Một lúc sau, “bựt” một tiếng, con chuột vùng thoát được, chỉ để lại đám lông và mảng da lườn trên tấm dính. Tin tưởng vào tấm dính thần kỳ, ông An đặt vào những nơi mà ông biết chuột hay đến. Đặc biệt, bàn ăn là nơi chuột khoái nhất, đã nhiều con tót lên đây, xơi thức ăn no nê rồi mới chạy vào căn kho nhỏ, cho nên ông An đặt tới 2 tấm dính hướng về hai phía đầu bàn. Ở giữa tấm dính là miếng cá nướng thơm phức. Ông còn dùng chai lọ dựng thành tấm chắn, tạo hành lang cho con chuột chạy vào bẫy.
Sáng, bà Nhân dạy sớm hơn thường lệ. Xuống bếp, bật đèn, bà thất vọng kêu lên: “Chuột không dính keo rồi ông ơi!” Những tấm dính vẫn còn nguyên. Bực hơn, lọ lạc rang đã đậy kín nắp dùng làm hành lang dẫn chuột vào bẫy, bị nó ủi rơi xuống đất, vỡ tan tành. Những hột lạc rang mầu nâu đậm vung vãi khắp sàn bếp. Bà Nhân ngồi lê trên sàn nhà, nhặt từng hột lạc, miệng không ngớt càu nhàu về lũ chuột ranh ma.
Cứ vậy, ông An vận dụng đủ mọi cách để loại chú chuột tinh quái này ra khỏi nhà. Từ cách bẫy truyền thống đến cách bẫy hiện đại, từ cách làm của người nông dân tới cách làm của người thành phố để diệt chuột, ông vận dụng cả, nhưng con chuột vẫn ngang nhiên phá phách nhà ông.
Hôm ấy, cơ hội diệt con chuột tưởng đã đến nơi, vậy mà lại vuột đi mất. Chẳng là, vừa mở cửa buồng tắm, bà Nhân thấy con chuột đang loay hoay trên két nước bồn cầu. Bà đóng vội cửa buồng tắm lại và gọi ông An. Ông hé cửa, chui tụt vào rồi nhanh chóng đóng kín lại. Căn phòng tắm này cũng kín, ít đồ đạc – chỉ có bồn cầu, một chiếc giỏ đựng quần áo, một cái chậu nhựa và bồn rửa mặt. Ông đặt giỏ, chậu lên nắp bồn cầu, săm soi từng góc khuất. Chả thấy gì sất. Nghe bà Hương hàng xóm bảo chuột ở nhà bà đã từng bám vào đáy két nước bồn cầu, suýt trốn thoát, ông cũng xem xét kỹ đáy két, cả những góc nhỏ của bồn cầu. Tuyệt nhiên không thấy chuột đâu! Con chuột này biết tàng hình ư? Lại chịu thua nó lần nữa.
Hằng đêm, con chuột quậy phá, khiến cả nhà mất ngủ. Lúc thì nó nhảy lên bàn, kéo rơi mấy trái cây trên đĩa. Lúc nó gặm quả xoài chín – con này ranh lắm, xoài còn xanh hoặc chua, nó không gặm, chỉ nhè những quả chín ngọt mà xơi. Lần khác, nố leeo lên tận nóc máy điều hòa, lục cục một lúc rồi yên vị. Có lẽ nó lấy đó làm “tổng hành dinh”? Ông An lẳng lặng bắc thang, leo lên, đặt một tấm dính to, chờ. Thấy tấm dính động đậy, ông cười khẩy: “Thế chứ, mày chết đến nơi rồi!” Nhưng không phải thế. Tấm dính động đậy rồi cứ trồi dần, trồi dần ra. Chưa kịp xử lý, tấm dính đã rơi bẹt một cái xuống sàn nhà! Thật không thể tưởng tượng nổi, con chuột biết ủi cái bẫy khỏi nơi trú ngụ của nó! Ông An gầm lên một tiếng cho hả cơn giận.
Thế đã tức, nhưng tiếng động do con chuột gây ra mới tai hại vô cùng. Nó gặm kèn kẹt tấm vách gỗ. Sáng hôm sau, kéo chiếc tủ đựng dày dép ra, thì hỡi ôi, vách gỗ đã bị nó gặm nát nhừ một khoảng lớn. Chưa thỏa, nó lên tầng 2, chui vào phía sau chiếc tủ quần áo của bà Nhân, khua khoắng ầm ĩ. Bà Nhân dạy, lấy chổi đập phành phạch, nó im. Lên giường nằm một chút, nó lại loạt sà loạt soạt sau tủ. Tức mình, bà Nhân lấy cái dây thông ống nước thọc vào đó, ngoáy ngoáy. Nó im lặng chứ không chịu chạy ra. Bà lên giường, nó lại gặm gỗ kèn kẹt. Có cảm giác, hàm răng của nó là chiếc máy nghiền, liên tục nghiền không ngừng nghỉ, phát ra thứ âm thanh rợn người. Không thể nào ngủ được, bà Nhân lại dậy, thọc, ngoáy. Và nó lại im chứ không chạy ra. Thế này thì quá thể… Cuộc đấu giữa người và chuột kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Mãi khi mệt quá, lên giường ngủ thiếp đi, bà Nhân không còn biết là con chuột hoành hành kiểu gì nữa.
Sự việc cứ thế diễn ra, mỗi ngày một căng thẳng, mất ăn mất ngủ vì chuột. Rồi, một buổi tối, bà Nhân thấy con chuột chễm chệ ở bàn nước phòng khách, gặm nhắm gói kẹo - mấy đứa cháu quên không cất vào hộp. Bà đóng vội cửa bếp, không cho nó chạy vào, rồi gọi ông An xuống hợp sức tiêu diệt nó. Thấy động, con chuột dừng ăn, nghển cổ nhìn. Nhưng, nó không tỏ vẻ sợ hãi gì cả, lại cúi xuống gặm kẹo ngon lành. Tức ghê, nhưng đập nó đâu phải dễ? Không khéo lại vỡ bộ ấm chén.
Ông An lừa lừa, gạt chiếc phất trần một cái, sượt đầu con chuột. Nó nhảy dựng lên, vọt qua gầm chiếc tủ đài. Ông lấy chổi khua khua, nó lao ra, nhảy lên nơi ông An cất mấy bình hoa. Đó là một cái giá khá to, xếp đầy bình hoa, loại quý – từ pha lê tới đất nung, gốm sứ, trong đó có một bình hoa cổ, mầu đậm, cao nhất, nằm ở giữa. Con chuột đứng ở chiếc bình hoa cổ ấy, giương mắt nhìn ông An, vẻ khiêu khích. Ông bà chẳng làm gì được nó, cứ chạy quanh, hò hét. Nó không tỏ vẻ sợ hãi, bám vào thành bình, nghển cao cổ, giương đôi mắt tròn tròn, lồi lồi về phía ông bà, với vẻ giễu cợt. Có lúc, mắt nó lấp la lấp lánh vẻ ma quái. Hình như biết rằng đây là cấm địa, có thể bảo vệ mình, con chuột cố thủ ở cụm bình hoa.
Mệt mỏi, ông bà An – Nhân vào bếp, đóng cửa lại, pha nước uống. Bà Nhân bàn:
- Thôi, không diệt được nó thì đuổi nó ra khỏi nhà vậy!
- Thế thì thỏa hiệp với nó à?
- Chuyện, nó ranh ma như thế, không thỏa hiệp mà được à? Nó ra khỏi nhà là còn phúc đấy!
Hai ông bà bàn bạc một lúc, rồi tắt đèn, đóng cửa bếp, hé cửa ra vào. Lúc này trời mới tang tảng sáng.
Vậy mà thành công. Sau một hồi, con chuột nhảy khỏi bình hoa, phóng ra khỏi cửa!
***
Suốt một thời gian khá dài, nhà yên tĩnh, không bị chuột quấy phá nữa.
Đến một ngày, ông An chuẩn bị đón khách từ nước ngoài về.
Đó là một buổi sáng trời đẹp. Thời tiết dịu mát. Gió nhè nhẹ làm cho không khí thoáng đãng, con người cảm thấy thảnh thơi. Ông An mừng lắm. Hôm nay, thằng con trai học tận Mỹ quốc về, sẽ mời mấy bạn ngoại quốc của nó đến thăm ông. Bởi vậy, ông bà đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước nôi, hoa quả đàng hoàng. Chưa tới giờ, nhưng ông An đã mở toang cổng, cửa, ngóng khách.
Bỗng, ông giật mình đánh đụi một cái. Một vật nho nhỏ, đen đen băng qua chân ông, vọt vào nhà. Bà Nhân hét lên:
- Chuột! Chuột ông ơi!
Ông An vội quay lưng, chỉ kịp nhìn thấy con chuột nhảy vọt lên cầu thang. Ông lao theo. Con chuột lên hết tầng hai, vẫn không dừng. Ông chạy tiếp lên tầng ba. Nó vẫn lao lên như tên bắn, tới tầng bốn thì rẽ ngoặt vào căn buồng bên phải. Đó là phòng thờ nhà ông.
Hổn hà hổn hển, ông An lao vào phòng thờ. Kia, nơi bàn thờ, con chuột đã chễm chệ trên bát hương!
Bà Nhân cũng vừa lên tới nơi, thấy con chuột như vậy liền rít lên:
- Tao, tao thì giết mày!
Ông An đứng ngây ra. Chưa bao giờ ông thấy căm giận lũ chuột như lúc này. Mắt ông tối sầm lại. Đầu óc ông quay cuồng với đủ loại hình ảnh về chuột. Hóa ra bọn chuột này không bao giờ thỏa hiệp. Đuổi đánh thì chúng trốn tránh một cách tài tình. Bẫy, chúng không dính. Mở cửa dụ chúng ra, chúng chỉ tạm thời di trú, chờ lúc thích hợp tiếp tục đột nhập. Nhưng, chuột nhảy lên bàn thờ, đây là lần đầu tiên ông An chứng kiến. Thật không thể chịu nổi.
Ông An cứ đứng sững như vậy, mắt trân trân nhìn con chuột. Lúc này là cuối năm, nên bát hương còn đầy chân hương. Tàn nhang uốn cong cong, cuộn với nhau thành một chùm xam xám. Con chuột, hai chân sau đứng trên thành bát hương, hai chân trước ôm vào những cây hương. Nó ngó ngoáy, làm tàn nhang rụng xuống, phủ mầu xám nhạt trên thân hình đen đúa của nó. Ông An cảm thấy có lỗi với tổ tiên, để cho thứ uế tạp này quấy quả ở chốn linh thiêng nhất của gia đình. Mắt ông nhòe đi. Miệng ông lầm rầm khấn vái. Bỗng nhiên, bát hương bùng lên, lửa bốc phừng phừng, khói tỏa mù mịt…
Ngày 31 tháng 12 năm 2019