Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (8)

Kim Chuong
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:41 PM





VỀ ĐẢO

I

Vào tháng Bảy năm 1987. Ở Việt Nam, những bữa rày, đang Ngâu. Cái tháng mưa sập sùi, tối mắt. Một buổi, ngồi nhìn trời, ngước trông “thế sự.” Đắc bỗng chút chạnh lòng, ngẫm ngợi. Phương, cô bạn gái cùng bé gái đi rồi. Thảo đã về đoàn tụ. Một mình Đắc gánh vác gia đình với trăm nỗi khó khăn. Đắc phải xin thêm Welfare (khoản trợ cấp xã hội).

Điều an tâm là, các con Đắc được theo học các lớp xếp theo tuổi trưởng thành. Thảo, vợ Đắc rất muốn đi làm. Nhưng khi học xong khoá tiếng Anh, Thảo lại mang thai, đành chịu.

“Thử tìm đường cứu mình phen nữa.” Đắc lóe lên ý định và xin phép cơ sở làm việc, nghỉ đi chơi. “Hãy khảo sát Vacouver một chuyến !”

Đắc quyết định mua vé, đưa Thảo đi Vancouver. Đắc biết, vùng đất này ấm áp. Một vùng biển có dòng hải lưu của biển Thái bình dương. Là dân biển, Đắc tin, “Nơi nào có đất, có nước, anh sẽ sống.”

Vancouver Island, cách nơi Đắc đang ở khoảng ba nghìn ki-lô-mét. Nơi ấy, lạ nước, lạ cái, nhưng Đắc biết, mấy anh em cùng quê hương Thủy Nguyên hiện đang sống ở đó. Với lại, “vạn sự khởi đầu nan”, hạnh phúc nào cũng không thể dễ dàng, đã quyết rồi, Đắc và Thảo vững bước ra đi.

*

Sớm ấy, sau chặng dài hành trình, Vancouver Island đã hiện ra trước mặt. “Đúng là, thiên lý tha hương ngộ cố tri.” Đắc gặp nhiều anh em đồng hương thân thiết. Ai nấy vui, tay bắt, mặt mừng. Cuộc tiếp đón liên miên diễn ra thật nồng hậu, ấp áp. Tuy những người anh em cùng quê hương đến Canađa lập nghiệp chưa lâu, còn nghèo nhưng tấm lòng thật chân thành, rộng mở. Mấy ngày liền, anh em tập trung hỏi han, bàn luận kế lập nghiệp, sinh nhai. Những câu hỏi. Những lời khuyên. “Bây giờ Đắc cần gì. Vợ chồng Đắc nên về Vancouver Island cùng mọi người quần tụ cho vui. Rồi, điều chủ yếu là công ăn, việc làm. Đời sống lâu dài trong lao động, trong gây dựng được cơ sở kinh tế, vật chất…”

Đắc cảm ơn mọi người. Đắc yêu cầu bạn bè dẫn anh tới thăm bến cảng, thăm những chỗ làm ăn công cộng. Sau mấy ngày quan sát và tính toán, Đắc quyết định : “Anh sẽ đem cả gia đình về đây đóng “đại bản doanh.” Ba nghề chính ở đất này là Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Du lic̣h, thủ công nghiệp và một số công việc phục vụ khác. Vậy là sống. Vậy là đã “mục sở thị,” không còn phải nghi ngại, lo lắng gì. Trước niềm tin vào nghị lực và bàn tay lao động, Đắc sẽ tạo được cuộc sống mới tốt đẹp hơn.”

Ở Vancouver Island một tuần, Thảo ở lại. Một mình Đắc bay về Manitoba đón các con, thực hiện cuộc “hành quân di chuyển.”

Bây giờ, trước mắt Đắc là chặng đường dài ba nghìn ki-lô-mét (3000km). Cuộc hành trình khá dài và vất vả. Đắc trải bản đồ quan sát rồi hỏi thăm một số người đã từng đi. Qua lời kể, thật đáng sợ. Nhiều người đe. Đây là con đường dài, tốc độ cao. Nhiều đoạn vòng vèo, khúc khuỷu và nguy hiểm. Có đoạ̣n chỉ cho phép bò từ 15 đến 20 ki-lô-mét một giờ. Những nghe, ai yếu bóng vía, có lẽ sẽ chùn bước.

Đắc nghĩ. Đời anh đã từng sống trên đại dương mênh mông, bao nhiêu ngày chịu dập vùi, bão táp…đâu biết sợ. Vậy mà, đây là đất liền. Tuy tay lái mới. Xe chỉ có bốn máy, chạy đường dài dễ nóng. Nhưng, không lo. Đắc “Sẽ trải mình một phen cùng thực tại.”

Có tới hằng tuần Đắc cùng các con nghiên cứu bản đồ, đặt ra những tình huống và kế hoạch cho xe chuyển bánh.

Một sớm, Đắc chào bè bạn, đốc thúc các con dậy sớm. “Đúng giờ G,” Đắc đưa xe rời khỏi thành phố Winnipeg. Xe Đắc lao đi. Chân trời mới cứ dần dần mở ra trước mặt. “Chào nhé. Thành phố thân yêu. Chào nhé, những ngày qua, mảnh đất đã cùng Đắc đầm đìa những vui buồn, kỷ niệm. Đắc sẽ đi. Còn tiếp tục băng theo tiếng gọi từ trái tim mình…”

Trời tang tảng sáng. Một con vật bỗng băng ngang qua đại lộ. Đắc vội lách vô-lăng một chút về phía tay trái. “Ôi. Một con nai băng qua đụng vào bóng gương làm xe Đắc loạng choạng. Thật nguy hiểm. Đắc đang “bay” với tốc độ 110 ki-lô-mét một giờ. Đắc mỉm cười. Anh chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư, nghe thơ mộng, gợi nhớ về một mùa thu xa cũ. “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng rơi…”Rồi, câu thơ của Phạm Tiến Duật viết cho người lái xe, cũng tự nhiên ùa đến, sao mà nghe hay thế. “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất đất, nhìn trời, nhìn thẳng/ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim…”

Xe bắt vào cung đường thoáng vắng, Đắc xoay người, định thần, chạy với tốc độ cao. Trời sáng dần, một khoảng không mở ra tuyệt diệu. Đắc giữ tốc độ cho phép xe “bay” từ 90 ki-lô-mét đến 100 ki-lô-mét một giờ. Anh im lặng phóng hết tầm mắt, ngắm nhìn vùng đồng bằng phẳng lỳ, trải mênh mông, thẳng tắp. Mắt Đắc nhìn hết cỡ vẫn không thấy bến bờ. Trước mặt chỉ là một vùng trời bao la vô tận.

Đã qua đi bốn tiếng đồng hồ. Tới Brandan, một thị trấn lớn. Đắc dừng lại. Mọi người nghỉ ngơi, kiếm nhà hàng ăn sáng. Đắc tranh thủ trải bản đồ xem xét, định hướng rồi tiếp tục cuộc hành trình. Dọc đường, cứ hai, ba giờ, Đắc lại cho xe dừng lại bên đường, thực hiện mười phút việc kiểm tra xăng dầu và máy móc. Đắc khá yên tâm. Toàn bộ hệ thống giao thông ở đây rất tốt. Đắc lưu ý các biển báo, các ngả rẽ đi các hướng. Đường quốc lộ số Một chạy xuyên từ Đông sang Tây, khá đẹp. Khi chạy qua Thành phố, Thị trấn, xe phải giảm tốc độ 50 ki-lô-mét một giờ. Trên đường có nhiều trạm nghỉ cho lái xe đường dài đi vệ sinh, vất rác hay những sinh hoạt khác. Những đoạn vắng không có dân cư, ban an toàn giao thông có xe trực sẵn, kịp thời giải quyết các sự cố xay ra.

Khoảng mười giờ khuya, xe tới thành phố Calgary, Đắc tìm vào khách sạn, kiếm chỗ nghỉ qua đêm. Còn một nửa đường nữa. Đắc và các con nghỉ tắm giặt, ăn tối, chuẩn bị sức cho cuộc hành trình tiếp ngày mai. Thế là, qua một ngày an toàn, bớt đi bao lo toan, căng thẳng. Chặng cuối, còn 1500 ki-lô-mét, bây giờ Đắc thở phào, coi như đã cầm chắc phần thắng.

Sáng hôm sau, Đắc dậy sớm, qua tiệm nhấp một ly café cho tỉnh táo. Anh tiếp tục cho xe lao về phía Tây, hút xa, dài dặc. Xe lao đi êm ru. Tốc độ vẫn 90 – 100 ki-lô-mét/ giờ. Đắc lặng im nhìn những vạt nắng và tiếng gió bay vi vút bên tai. Các con Đắc đang lăn lóc trôi vào giấc ngủ bồng bềnh.

Một ngày trôi đi khá nhanh. Thoáng chốc, xe Đắc đã vượt qua 15-16 tiếng đồng hồ. Đã sáu giờ tối, xe tới Horse Bay và xuống phà chuyến 7 giờ, đi một tiếng 45 phút, đến Vancouver Island, quẩn quanh ba tiếng, đến 10 giờ, Đắc mới tới địa điểm tập kết. Khi chiếc xe dừng lại. Cửa mở. Các con Đắc ùa xuống. Thảo, vợ Đắc đã chờ sẵn. Mọi người gặp gỡ, vai choàng vai, vui sướng, reo lên.

“Thế là, an toàn. Thế là, gia đình Đắc đã ra đi, làm một cuộc cách mạng “thay cũ, đổi mới. Thế là, lại bắt đầu những ngày gắn bó với một miền biển đảo. Những ngày mới mẻ, gian nan, Đắc ví như hạt mầm vừa gieo vào lòng đất. Sẽ trỗi dậy, đâm chồi nảy lộc và ra hoa kết trái thế nào ? Mỗi người, hãy nhìn vào bàn tay, khối óc của mình để có được câu trả lời đẹp nhất…”

Vợ chồng Đắc đã thuê được nhà ở Vancouver Island. Mọi sinh hoạt nhanh chóng đi vào ổn định. Công việc đặt ra trước mắt, một mình Đắc phải xoay trần định liệu. Lúc này, Thảo, vợ Đắc đang mang bầu. Người mệt mỏi, hay nôn nao, ói mửa. Các con Đắc, khỏi lo. Bởi, đến tháng chín, mới khai giảng năm học mới. Nhà nước Canada đã có chế độ an sinh xã hội. Học trò từ lớp Một đến lớp 12, không phải đóng học phí. Khi học sinh đủ năng lực vào Đại Học, Chính phủ sẽ cho vay tiền tới lúc có công ăn việc làm, người lao động sẽ được trừ dần tuỳ theo mức lương có được. Nói chung, mọi thành viên trong gia đình Đắc đều có khoản phụ trợ, đủ sinh hoạt. Gia đình Đắc có bảy người. Năm đứa con. Lớn mười sáu. Nhỏ bảy tuổi.

Bảy con người trong gia đình được coi như bảy quân cờ trong thế cờ đặt ra. Đắc là “tướng” phải nghĩ suy, toan tính. Vấn đề là, làm thế nào vượt lên, có được cuộc sống mới, giàu có, bằng mồ hôi, trí tuệ của mình ?...

II

Về với Vancouver Island, Đắc cảm thấy hai cuống phổi lớn đang được mở trong mình. Vancouver Island là hòn đảo có chiều dài khoảng 700 ki-lô-mét, rộng từ 40 tới 60 ki-lô-mét. Không khí thoáng, ấm áp. Bởi, đây là vùng ôn đới, dòng hải lưu Thái Bình dương bao bọc xung quanh. Dân số Vancouver Island chừng 800 nghìn người.

Đi trong quãng thời gian lặng, trầm. Tháng 10 năm 1987, Thảo, vợ Đắc sinh con trai. Bé được đặt tên là Martin Đinh, kỷ niệm với một cậu bồi bàn hồi Đắc còn làm ở cửa hàng người Ý.

Vợ ngồi một chỗ ôm con. Các bé khác tuổi còn nhỏ. Mình Đắc kiếm thêm công ăn việc làm, cũng không khó, nhưng để có mức lương cao cho một gia đình thì không dễ mơ được. Đắc đành nhận tiền trợ cấp, chờ các con lớn khôn, tách ra, mới có thể lo toan việc lớn.

Những ngày này, Đắc bằng lòng phơi mình trên bãi biển đi bắt sò, đào hà, đào cua cáy để bán và có thêm tiền mặt.

*

Mồng một Tết Kỷ Tỵ. Mùa xuân năm 1989, một người tên Quang, gần như mới biết nhau, đến gõ cửa, rủ Đắc.

- Tôi muốn cùng anh đi làm cây, được không ?

- Làm cây là thế nào ? - Đắc không hiểu, hỏi lại.

- Làm cây, có nghĩa là chúng mình sẽ đi bẻ lá - Quang giải thích - Đại để là, kiếm tiền. Ta thử cùng nhau làm cuộc đổi đời nhỏ, xem có nổi ? Nhưng, buôn có bạn, bán có phường. Tôi muốn cùng anh làm việc này cho vui và may ra sẽ thắng.

- Nhưng. Sao anh lại muốn kết hợp với tôi ?

- Đơn giản mà. “Trông mặt mà đặt thành dong” chứ. Thấy anh, rất đáng tin. Người thông minh, giàu nghị lực. Với lại, là cái duyên sao ấy. Gặp anh, tôi thấy thích, vậy thôi.

- Ồ. Cảm ơn. Vậy cụ thể công việc thế nào ?

Đắc hỏi. Quang nói kỹ.

- Chúng mình phải làm cuộc “mở rừng.” Phải lên rừng tìm lá. Đây là loại lá cung cấp cho công việc cài, tết những bó hoa, lẵng hoa. Sản phẩm này, nhiều thị trường cần đấy. Chớ coi thường. Công việc bẻ lá có thể làm giầu, kiếm chác được, anh ạ …

Nghe người bạn mồi chài, Đắc gật gù tán thưởng. Anh do dự tính toán một lát rồi bắt tay người bạn. Hai người hứa hẹn cùng nhau chuẩn bị cho một ngày lên đường để vào “cuộc chiến” mới.

Đắc và Quang “ra quân” nhằm đúng dịp đầu xuân. Từ nơi ở tới cửa rừng đi về phương Bắc, quãng đường dài hơn một trăm ki-lô-mét. Ngày xuất phát, không may, thời tiết xấu. Xe vào tới cửa rừng, gặp tuyết giăng mù mịt. Đắc và Quang đành nán lại, đợi tới ngày hôm sau, lại dong duổi đi hết khu rừng này tới khu rừng khác. Trời mùa xuân. Đâu đâu cũng trắng xóa một màu tuyết phủ. Nhưng ở khu rừng này, tuyết ít hơn. Đắc đưa xe tạt vào một bìa rừng. Hai người xuống xe ngắm nghía. Phải nói, Quang đã có đôi chút kiến thức về công việc lá rừng. Anh nói khá kỹ cho Đắc biết về lá Sallal và một vài loại lá khác.

Lận lội hàng tuần, len lỏi vào các nẻo đường rừng, gặp vài người cũng đi bẻ lá, biết được giá trị và cách thức khai thác, Đắc nghĩ. “Thì ra, công việc này cũng hay đấy. Có thể phát triển rộng. Có thu nhập, nếu biết tổ chức tốt. Nhưng, nhân lực thế nào ? Đầu tư ra sao ? Rồi, các đầu mối dẫn tới thị trường nữa…” Hình như, có chút men say từ công việc mới mẻ đã bắt đầu cuốn hút và nhen lên ngọn lửa, Đắc giành thời gian tìm hiểu.

Biết có một người Tầu Bắc, là Lục Xốc, một thuở, từng làm công việc bốc xếp tại bến Cảng Hải Phòng. Gia đình Lục Xốc sang Canada và sống bằng “nghề lá.” Dò hỏi, biết số điện thoại và địa chỉ nơi ở, Đắc tổ chức chuyến xe đi ròng rã ba ngày cho sáu người lên đường, thực hiện việc “tầm sư học đạo.”

Vượt qua 150 ki-lô-mét đường dài, đoàn của Đắc đã tìm đến nhà người Tầu Bắc. Ông bà Lục Xốc, tuổi ngoại năm mươi, dáng lực lưỡng, khoẻ mạnh. Ông bà khá đông con. Gồm mười bốn gái, một trai. Tất cả đều lãnh trợ cấp xã hội. Tuy không giầu, nhưng ông bà Lục Xốc rộng lòng, hiếu khách.

Gặp Đắc, phần có chung mảng đời từng sống, gắn bó với mảnh đất Hải Phòng, phần tính tình dễ gần gũi, ấm áp, ông bà Lục Xốc nhanh chóng coi Đắc như người đã thân quen từ trước. Đúng là, “gia quân tử, hiền nhân xuất nhập,” Đắc và cả đoàn được ông bà Lục Xốc chân tình mời nghỉ lại. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm, mọi người mở cuộc liên hoan, ăn uống, nằm la liệt trong căn nhà chật chội. Tối ấy, Đắc kéo mọi người đi Casino và điểm nhảy “vui đến bốc trời.” Đúng là, “được lời như cởi tấm lòng.” Gặp người, chung tình, hợp ý, ai nấy đều cảm thấy cuộc tương phùng của những người “đồng hương” thật vui, đầy ấn tượng.

Từ chỗ lạ lùng, bỗng thành bè bạn. Ngay sớm hôm sau, ông bà Lục Xốc đích thân dẫn Đắc vào tận cánh rừng, hướng dẫn tỉ mỉ cho mọi người nhận dạng rừng và những loại lá có thể khai thác.

Sau hai ngày khảo sát và tìm hiểu thực địa, Đắc nắm chắc được “ngón bài” bẻ lá, làm thế nào cho nhanh, sạch rồi một số trạm thu mua có thể liên kết.

Công việc làm ăn bước đầu trôi chảy. Tuy chưa đủ mạnh, nhưng Đắc đã thiết lập được một “cửa kiếm tiền” bằng “nguồn lá” dồi dào, phong phú.

Lẽ đời, “nước nổi thì thuyền nổi.” Có chút “máu mặt,” tên tuổi Đắc gây được tiếng vang, có nhiều người biết đến. Một buổi, Lý Bảo người Hoa, sinh tại Sài Gòn, Chợ lớn, hiện ở thành phố Courtney, cách Nanaimo 115 ki-lô-mét. Lý Bảo dò la, biết Đắc. Vốn là người có tiền và có đầu óc làm ăn, Lý Bảo tìm đến nhà xin được hợp tác cùng Đắc. Lý Bảo có chút thị trường lá ở Mỹ, trung bình mỗi tuần xuất đi một container. Lý Bảo bàn định rồi cùng Đắc ký một hợp đồng : “Hai người cùng hùn vốn. Trước tiên, mua khu đất nuôi sò, hà. Mở hãng lá Sallal, số tiền khoảng 50 ngàn “đô” Canađa. Mỗi người góp 2.5000 dollars.”

Thấy ý kiến hay, hợp lý, Đắc “Ok.’ Công việc được triển khai cụ thể : Lý Bảo chịu trách nhiệm nghiên cứu, mở rộng thị trường. Đắc tổ chức tìm người lao động, tìm rừng, hướng dẫn người lao động quy cách bẻ lá và thu mua sản phẩm. Đắc bước vào những ngày “vượng phát,” bởi, nhiều hãng bẻ lá trước kia do thiếu nhân lực đã đóng cửa. Hai dòng họ nổi tiếng là Brown và Sturgon, chủ hãng Canada Floral đã “sẹp,” hoặc chỉ đủ lá bán sang Mỹ. Thời kỳ này cả bang chỉ có hai hãng lá. Hãng của Đắc là North West Sallal và một hãng là Canada Floral.

Tiến trình công việc ở hãng lá của Đắc phát triển khá đẹp. Hàng năm trời, Đắc và Lý Bảo giữ được sự ăn khớp, luôn cùng nhau đoàn kết, thống nhất. Thời kỳ này, nghề lá còn chìm lặn, nhỏ, chưa có danh mục trong Bộ Công nghệ Nhà nước quản lý.

Bởi, gia đình đông con, phần lớn đều lĩnh tiền trợ cấp, Đắc chịu để một mình Lý Bảo đăng ký, đứng tên chủ doanh nghiệp.

Bằng phương pháp tổ chức khéo léo, hữu hiệu nhất, hàng năm trời, Đắc luôn huy động được lực lượng lao động lớn. Người từ khắp nơi về tập trung bẻ lá cho Đắc ngày càng nhiều. Nhận thấy tình trạng “lá thu mua được, nhưng không tiêu thụ hết, Đắc bàn với Lý Bảo tạm thời bán bớt cho hãng Canada Floral để có điều kiện kịp thời chi trả tiền công và giữ được lượng người lao động gắn bó với mình. Lý Bảo đồng ý.

Thời gian và công việc luôn biến động và phát triển, nhìn thế lực của Đắc có vẻ “bành trướng.” Đắc thu hút, kéo được hàng trăm gia đình, hàng ngàn người về liên kết, hợp sức với mình. Lý Bảo tỏ ra nghi kỵ, sợ một mai Đắc sẽ mở công ty riêng. Lý Bảo có ý giấu giếm địa chỉ xuất hàng cho một số công ty ở Mỹ. Đoán biết tình thế, lúc này Đắc phải đối xử với Lý Bảo thật khôn khéo, tế nhị.

*

Điều hiển nhiên ai cũng nhận thấy, người tỵ nạn ở Canada cộng tác với Đắc đã nhanh chóng có được một cuộc sống tương đối khá giả. Mấy công việc kiếm tiền tốt cho người tỵ nạn là cào sò, bẻ lá ở B.C và bắt giun ở Toronto. Hai tỉnh bang này cách nhau 5000km. Tuy công việc rất vất vả nhưng có tiền, dễ trút bỏ được cuộc sống nghèo khó. Người Canada không thích làm những việc ấy, cái nghề không cần nhiều tri thức, chỉ cần sức lao động cơ bắp, khoẻ mạnh và chịu khó. Đắc vận động mọi người tỵ nạn tập trung “tấn công” vào lĩnh vực này.

Nhưng thật trớ trêu, khi nhiều gia đình tỵ nạn bỗng trở nên khá giả, người Canada có phần ganh tỵ, mâu thuẫn. Khởi sự là dòng họ Brown, người từng làm lá từ năm 1950. Họ tìm cách bày trò, bán Fermit, (thẻ lao động) cho người vào rừng bẻ lá. Mọi người không ai hiểu. Dân tỵ nạn hầu như biết rất ít tiếng Anh, đã dễ bị bắt nẹt. Khi nhiều xe vào rừng bỗng nhiên bị thu lá. Nhiều tình trạng ăn chặn vô cớ, không rõ lý do gì. Đắc và Lý Bảo lập tức vào rừng điều tra xem thực hư sự thể.

Đắc tìm nhà chức trách, nghiên cứu về luật rừng. Được biết, rừng ở đây có rất nhiều công ty. Crown land, thuộc chính phủ, ai cũng có thể được phép vào đấy, không cần phải “permit.” Với Private land, là đất riêng, mới cần có permit, nhưng cũng tuỳ theo từng khu vực. Đây là nỗi khổ của người lao động không hiểu biết. Họ cứ thấy “người Tây” là sợ, dễ để họ lấn tới. “Thì ra, đây là trò “ghen ăn”, muốn giành giật, làm hại lẫn nhau. Từ các Buyer Station, trạm thu mua, tranh cướp nhau lá, tranh cướp người bẻ, vì đồng tiền đã nhiễu nhương, gây sự.

Hiểu rõ sự thể, trong những buổi gặp gỡ, giao tiếp, nhất là mối quen thân với Cathy, vợ Lance, em gái Brown. Đắc biết, chính nội bộ gia tộc Brown đang hằm hè, mất đoàn kết với nhau về câu chuyện xung quanh “lá rừng” này. Người trong nhà Brown đã quay lại giúp Đắc. Họ hướng dẫn Đắc từ đường ngang, ngõ tắt tới những khu “màu mỡ” dễ kiếm các thứ lá. Đắc vui vẻ chi trả cho họ một số tiền. Thế là mọi chuyện êm đẹp.

Nguồn lá thu được lúc này khá nhiều, Đắc muốn bán bớt cho công ty Canada floral, nhưng Lý Bảo không đồng ý. Nằm trong thế kẹt. Là người chịu trách nhiệm. Đắc không phục tùng Lý Bảo. Đắc tự quyết, đem bán gần 100 ngàn dollars tiền lá để trang trải tạm thời. Lý Bảo rất khó chịu, nhưng không còn đường nào lựa chọn. Bây giờ, Lý Bảo đã hết khả năng để mở được thị trường. Kết cục nhanh chóng dẫn đến sự chia tay giữa Lý Bảo và Đắc.

Thế là, việc hùn vốn nuôi sò, hà và làm lá được “khép màn,” hạ hồi phân giải. Thời gian kết hợp với Lý Bảo, Đắc đã có được nguồn vốn tích lũy. Muốn giữ vững tình bạn thủy chung, không muốn bầu bạn bỗng dưng quay lưng lại với nhau. Nhưng, tình thế đã đẩy tới : “Một sớm, Đắc và Bảo, mỗi người đã ra đi theo một ngả đường tìm…”

Thanh toán xong với Lý Bảo, vừa nghỉ ngơi cho khỏe, Jim Sturgon, một chủ hãng đến gặp Đắc, khẩn thiết mời anh cùng hợp tác. Jim Sturgon mặc cả. “Bởi, rất biết tài năng tổ chức lao động của Đắc. Hãng sẽ trả cho Đắc mỗi tháng 5000 dollars. Phần Đắc, lo cho hãng có được số lượng lá đủ bán đi các thị trường đã mở.” Đắc đồng ý thỏa thuận.

Lúc này, một động thái phải làm, Đắc tách hộ, để vợ con ăn trợ cấp. Mình Đắc thuê kho tàng, điều hành người làm rồi thu mua lượng lá hái được. Hàng ngày, Đắc nai lưng ra làm việc tới 12, 13 tiếng đồng hồ. Tự cầm lái, đưa xe tới các thành phố, hay vào đến từng nhà để bốc lá đã ký kết hợp đồng, kịp thời giao lá tại kho chính.

Hãng Jim Sturgon, mở rộng được thị trường sang châu Âu, lượng lá hằng ngày cần tới 15.000 đến 20.000 bó, tương đương 20.000 dollars. (Trước kia, khi làm với Lý Bảo, mỗi tuần Đắc chỉ xuất đi Mỹ khoảng 300 tới 400 thùng). Khối lượng lá này phải trả bằng tiền mặt. Cùng sự cung ứng kịp thời của Jim Sturgon, chủ hãng, Đắc luôn đáp ứng đủ số tiền, thanh toán nhanh và sòng phẳng, tạo chữ “tín” với các cộng sự.

Thế là, từ năm 1990, khi nhận làm công cho Công ty Canađa floral, Jim sturgeon, Đắc điều hành toàn bộ người bẻ lá trên hòn đảo Vancouver Island. Tự thành lập trạm giữ lá ở các thành phố từ Bắc chí Nam. Do làm ăn đứng đắn, sau thời gian gây được niềm tin, các chủ kho đều giao chìa khoá nhà, chìa khoá kho cho Đắc tự bốc xếp. Hai bên chỉ cần thông báo, ghi sổ, kiểm tra số luợng và chất lượng mặt hàng. Vào các thứ sáu hàng tuần, Đắc thanh toán tiền mặt hoặc séc theo yêu cầu tùy thích của người bán.

Như “người hùng nhất khoảnh,” Đắc có uy trong nghề. Tên tuổi Đắc không mấy ai là không biết đến. Từ người Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, người Canada, cả một số người dân tộc khác, không hiểu tự lúc nào, ai nấy rất quen thuộc với tên gọi “Đắc lá,” hay “Đắc, chúa đảo.”

Cả vùng Vancour Island, người Việt, rồi không ít người các nước, họ thường kháo nhau. “Vương quốc lá ở đất này ư ? Trùm sỏ “là Đắc.” Đắc mạnh lắm. Cần bao nhiêu lá. Lá cần loại gì. Cần lúc nào ? Cứ gọi tới “Đắc lá. Đắc lá”… là xong! Đắc quân tử. Người luôn giữ chữ tín. Làm ăn đẹp. Chơi đẹp… ”

Đắc là người như thế. “Ích nước, lợi nhà. Mọi người đều có quyền lợi, bình đẳng trong lao động, liên kết.” Đó là phương châm, Đắc luôn nghĩ và ứng xử tốt với bằng hữu, bạn hàng.

Để không ngừng mở rộng thị trường, Đắc tham mưu cho Jim Sturgon bay đi Âu châu tiếp tục tìm kiểm thị trường tiêu thụ.

Sau một tuần Sturgeon công cán trở về, hãng Canada Floral có thêm một số Order. Từ những đơn đặt hàng có được, nhiệm vụ đặt ra cho Đắc phải hoạt động mạnh hơn.

Lúc này, như mùa màng bỗng rộ lên. Nhiều Công ty lớn từ Mỹ sang Canada mở trạm mua lá. Tình thế diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt. Có tới năm sáu công ty giành giật nhau từng người lao động. Giá lá bỗng vống lên rất cao. Có lúc tới 2.4dollars Canada. Người lao động rất vui trước giá trị sản phẩm.

Trong tay, Đắc nắm tới bảy mươi phần trăm (70%) người Việt bẻ lá cho mình. Nhiều người tin Đắc, từ các thành phố xa xôi khác, họ đều về đảo tìm đến “Đắc lá” ký kết, làm ăn.

Đắc yêu quý, chân tình với người lao động. Anh hướng dẫn họ các lối vào rừng, những khu vực có lá khai thác rồi cách bẻ, cách đóng gói. Đắc tuyển được nhiều người cùng quê, người Trà cổ làm nòng cốt. Chính họ là “chiếc loa” tuyên truyền vận động cho Đắc có được hiệu quả ở công cuộc lao động hàng ngày.

Nước đời, “trâu buộc ghét trâu ăn,” anh em Bob Brown ngửi thấy mùi tiền kiếm được khá nhiều của Đắc. Bob Bown bắt đầu “giở quẻ.” Brob mở cuộc “liên minh ma qủy,” cấu kết với Lý Bảo tiếp tục bán permit. Bob bất chấp thủ đoạn, gây rất nhiều mâu thuẫn, cản trở, hạch sách người vào rừng bẻ lá. Bob Brown còn trắng trợn thu giữ, bắt bớ người lao động nhiều lần.

Một hôm, có người lao động bảo Đắc :

- Thưa ông. Chúng tôi điên rồi đấy. Chúng tôi không chịu đựng nổi đâu.

- Sao vậy ? - Đắc hỏi, người ấy phân bua – Chúng tôi không thể để anh em Bob Brown và Lý Bảo ngang nhiên cướp trắng, đè nén dân cu-li được.

- Vậy, anh hiểu sự thể thế nào ?

- Hiểu chứ - Người ấy phẫn uất nói – Bob và Lý Bảo phạm luật. Nhà nước nào quy định ? Tự họ lấy thịt đè người. Họ cướp lá. Họ tự bày ra việc bán permit, một nghìn tới hai nghìn ngày. Vô lý. Thật cực kỳ vô lý.

- Vậy bây giờ phải xử sự thế nào ?

- Thế nào ư ? Trước bất công, chúng tôi sẽ đứng lên, chống lại…

- Đúng. Việc làm đúng – Đắc lắng nghe rồi phán – Tôi ủng hộ. Các anh và tôi sẽ cùng nhau giành lấy quyền lao động và sự công bằng xã hội.

Ngay sau buổi người lao động gặp Đắc rồi nhiều ý kiến bỗng sôi lên như gió đang góp thành bão lớn. Một sớm, tại cửa rừng, người bẻ lá bỗng đổ xô kéo đến, họ tụ tập gào thét, gọi lên Bob, tên Lý Bảo nguyền rủa. Họ đối chất, cật vấn.

Từ vẻ ôn hòa vờ vịt được chế ngự ở đôi ba phút đầu tiên, Bob, Lý Bảo giở giọng thô tục, mạt xát. Không chịu nổi, có tới hàng chục người lao động trẻ tuổi bỗng điên lên, họ thách Bob đánh nhau. Rồi, không giữ được nỗi nhẫn nhục đã chịu đựng quá cỡ, đôi ba người đã hùng hổ vác dao chém Bob Brown vào người bảy nhát.

Bob khỏe. Đánh bài chạy, thoát chết.

Bob Brown kiện. Như bao lần khác trên đời. Lần này, Đắc lại không ngại ngần, tự nhô mặt ra, nhận lấy phần tội phạm. Đắc chờ ngày ra toà.

Phiên tòa mở ra, xử vụ tranh chấp đánh lộn. Luật sư bám vào luật và lý với các điều được quy định của nhà nước đương thời. Một kết luận : “Đây, chỉ là “luật rừng,” họ tự xử với nhau. Bẻ lá rừng, một công việc hoang dã chưa được phát triển trong bộ lao động nhà nước…”

Vụ kiện xử : “Huề !”

Với người lao động, sự yên ả được trả lại cánh rừng. Tên tuổi “Đắc lá” một lần nữa vang lên giữa chốn sơn lâm như “anh hùng nhất khoảnh.”

Nhiều người càng mến yêu và nể trọng cái tên Đinh Trọng Đắc…

Để ổn định, phát triển, phải nắm chắc các khâu trong lao động, tổ chức. Đắc hiểu nguyên tắc này. Anh chủ động bàn với Jim Sturgeon phải hợp đồng với chủ rừng để giữ được sản phẩm ổn định. Jim sung sướng tán thành.

Đắc “vác cặp” đi công cán, làm công việc hợp đồng với hai công ty lớn, có khối lượng lá nhiều. Các chủ rừng đã làm cổng, giao cho Đắc chìa khóa, toàn quyền điều hành những khu rừng đã ký kết.

Đắc bỏ ra 1.500 dollars làm bốn mươi chìa khóa khác nhau, trao cho từng nhóm lao động, tự mở cổng và tự quản.

Hàng ngày, Đắc vẫn đóng vai lái xe đi các nơi bốc lá. Dọc đường, Đắc thường ghé qua phố Tầu, mua hàng tạp hoá bán cho người ở đảo, loại hàng Á Đông, kiếm thêm chút tiền lời.

Hai năm phục vụ hết lòng cho Canada flora. Ai dè, đùng một hôm, John Sturgeon là con của Jim Sturgeon, phone cho Đắc báo một tin đột ngột. “Bố tao không cần đến mày làm nữa.”

- Vậy à ? Nhưng, tại sao. Tại lý do nào chứ.

Đắc hỏi vậy. Nhưng, máu “hỏa” bốc lên. Đắc điên tiết “Cóc cần.” Đắc trả lời “O.K.” Này. Mi ngỡ tao cần mi lắm hả ? Không có mi, dễ tao chết ngay đấy. Không đâu. Nhưng, con ông chủ Jim Sturgeon ơi. Hãy nhìn xem, hai năm qua Đắc đã đem lại những gì cho “cha con mi?” Liệu có nhìn rõ không kẻ bỗng dưng trở mặt ?

“Chuyện giữa đường đổi ngựa,” không lạ. Ngay sau đó, Đắc tìm ra nguyên nhân. Thì ra, Joln Sturgeon, chính hắn, con Jim Sturgeon đã lấy cắp tiền của bố, vấy tội cho Đắc. Đắc không có cơ hội lý giải. Nhưng đến nước này, cần chi nữa. “Rủi ư, may đấy. Đắc tự tìm đường lập cơ sở làm riêng.

Lợi thế để lại từ trước, với Đắc là thị trường anh đã từng quan hệ, thiết lập. Đắc sẽ làm lại từ đầu.

Đắc thuê kho. Tập trung gia đình làm và mua thêm, coi như

bán lẻ. Đắc biết có ngày này, nhưng không sao, chỉ sợ chính mình lười, nản chí.

Đắc ra tay, rà tìm lại từng cơ sở. Không lâu, Đắc đã mua được nhà và xe tốt để đi làm.

Cơ hội mới, một ngày, người Da đỏ tìm tới Đắc, hai bên cùng ký kết hợp tác. Công ty của người Da đỏ là Northern Evergreen LTD. Công ty của Đắc mang tên Island Evergreen LTD. Hai bên hợp lực, tranh giành hàng hóa với Công ty Canada floral mà trước kia Đắc từng làm cho họ.

Cuộc cạnh tranh thực sự là “trận đấu không hòa.” Sự bành trướng của Northern Evergreen và Đắc đẩy Canada floral vào ngõ cùng mệt mỏ. Canada floral phải tìm đến thương lượng. Đắc không chịu. Thế là, Canada floral không đủ sản phẩm, đành bán cho một người khác, tạm chấm dứt “sự nghiệp.”

Đắc và Northern Evergreen đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, bỗng “chàng da đỏ thay vợ.” Ai dè, người đàn bà quỷ quái ấy đã làm Northern Evergreen sụp đổ. Chỉ sau sáu tháng, “Con quỷ cái” quái ác, đã bòn rút, tiêu xài, làm Northern gần như cạn kiệt. Nhìn rõ nguy cơ phá sản, “dễ chết vì gái,” Đắc đã nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở. Nhưng, người đàn bà thật lợi hại. Northern Evergreen đã bị “con quỷ cái” làm cho rỗng túi. Chàng da đỏ mang nợ. Hắn mắc kẹt với Đắc gần 100 ngàn dollars Canada.

Đắc bị vạ lây. Không để mất uy tín, Đắc phải đôn đáo chạy vạy, mượn tiền để trang trải, trả đủ công cho người bẻ lá.

Trả hết nợ nần này, còn mệt. Lại một phen rơi tõm xuống vực. Nhưng, bó tay ư ? Không. Đắc hiểu, “phi thương bất phú.” Dù gia đình không ai tán thành ủng hộ những dự kiến làm ăn mới mẻ của Đắc, nhưng, tính Đắc là thế. “Đã quyết là làm.”

Không còn vốn liếng gì nữa. Một buổi, tha thẩn xem một số hãng xe, Đắc “cà visa” được 6.000 dollars, Đắc liền lease, hợp đồng, đặt cọc, mua chiếc xe tải trị gía 45.000 dollars. Đắc làm xong mọi thủ tục, rồi đánh xe về trước cửa nhà. Nhìn chiếc xe mới cứng, mọi người thấy lạ, nhưng không tin. “Ồ. Không sao. Sẽ hạ hồi phân giải. Bởi, cả cuộc đời Đắc đã nhiều phen chịu thất bại. Nhưng, thất bại là mẹ thành công. Phương châm của Đắc bây giờ là “giật gấu vá vai,” tích tiểu thành đại, tiến dần lên từng bước.

Đang trên đà làm ăn suôn sẻ, bỗng Sở thuế phát hiện, triệu tập Đắc, giải quyết về vấn đề thu nhập. Đắc nhờ luật sư và kế toán giỏi để giải trình.

Đắc bị đẩy vào thế bí, bởi, nhà đương cục cần kiểm tra hoá đơn, chứng từ nhiều năm trước. Dĩ nhiên, Đắc có. Nhưng nếu đưa ra số giấy tờ ấy, hầu như nhiều người Việt bị “dính.” Đắc nghĩ. Ở đời, cái “dục,” nghĩa là “cái muốn,” cái ích kỷ trong mỗi ai chả có. Không ít thì nhiều. Nhưng, từ quê hương bay sang Canada làm nên “quê hương mới.” Đắc không hề cạn hẹp, trốn tránh trong cái nhìn, cái nghĩ. Ở hai phía, “ích nước, lợi nhà,” đấy là ý thức, trách nhiệm cho mỗi công dân trên đường dựng xây và phát triển xã hội. Đắc và mỗi ai đều gánh lấy nghĩa vụ này như một niềm tự hào, vinh dự. Nhưng, một thuở, với thời gian dài, công việc bẻ lá nằm trong “dạng tự phát,” chưa có danh mục trong luật quản lý lao động. Song, vấn đề đã được đặt ra. “Thì để riêng Đắc chịu !”

Sau nhiều ngày đến các cơ sở từng bán lá cho họ để nhờ sự giúp đỡ, nhưng vô vọng. Bởi, có không ít những cơ sở cũng bị phá sản trước rồi. Điển hình như hãng Northern Evergreen còn nợ Đắc tới 100,000 dollars cũng không trả nổi. Rồi, với Đắc, người chủ sự, cái ngẫu hứng, không chính quy, bài bản…giống như “đánh bùn sang ao,” nhìn vào hai bàn tay, đồng tiền cũng trôi vào cảnh “vô tăm tích.”

Làm ăn đấy, nhưng Đắc chưa có gì “gọi là cái có.” Căn nhà trị giá 500,000 dollars của Đắc. Nhưng, lại đứng tên một người con của Đắc. Theo luật, ai đứng tên, người đó mới là chủ và nắm quyền sở hữu. Chuyện Đắc chông chênh, bùng nhùng mất thời gian, cần đến cơ quan luật pháp phân giải. Đắc đồng ý ra tòa. Được các luật sư làm sáng lên các chứng lý, Tòa xử, cho trường hợp của Đắc : “Phá sản.”

*

Công việc làm lá của Đắc bây giờ lại diễn ra theo nhịp cuốn của nó. Albert, người cai quản một hãng lá ở Mỹ quen biết Đắc. Một buổi, Albert đến nhà, mang theo một két “bia 24.” Albert biết, Đắc thích và thường uống bia nhiều. Albert giới thiệu Gary, người bạn, muốn mở hãng mua lá và cần Đắc hợp tác. Đắc khẳng định, sẽ thu lượm đủ sản phẩm theo yêu cầu, từ 2 tới 5 containner mỗi tuần. Nhưng, Đắc muốn thăm dò tiềm lực và yêu cầu “một chữ Tín” trong giao kết. Albert và Gary đồng ý, ứng trước 100.000 dollars Canada cho Đắc. “O.K rồi.” Mỗi bên tiến hành thành lập một công ty. Hai bên thống nhất, vào các thứ 6 hàng tuần, phải có đủ tiền và sản phẩm để trao cho nhau.

Từ 1993, Đắc đã “phá sản.” Bởi vậy, bây giờ, Đắc chỉ đứng ngoài, “ngầm” giữ vai “tổng chỉ huy.” Có tới năm năm, Đắc chịu đóng vai tài xế đi các trạm thu mua và giao lá. Thảo, vợ Đắc đứng tên chủ hãng Island Evergreen L.T.D. Công ty của Mr Gary là BC evergreen L.T.D.

Từ tháng Bảy năm 1996, gia đình Đắc đã hoàn toàn độc lập trong các quy trình sản xuất và xuất khẩu lá. Mọi hoạt động tuân thủ theo pháp luật hiện hành.

Mùa xuân êm đềm và tốt đẹp từ “con đường lá” cứ ngày một tươi xanh dọc đường hành trình, đắp dầy cho Đắc uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp.

III

Nhấp một ngụm bia, Đắc trầm ngâm đưa mắt nhìn về khoảng mung lung trước mặt. Bình thường, bạn bè thấy Đắc uống bia nhiều. Họ bảo : “Đắc là loại “Lưu Linh túy khách,” rượu chín mười vò không bao giờ say xỉn.” Hôm nay, Đắc uống nhiều hơn. Đắc không hiểu, bỗng dưng trong anh, lại mang nhiều đọc thoại đến vậy.

“Ừ. Cuộc đời chẳng khi nào tĩnh lặng. Từ trên 2.500 năm trước kia, ông Phật đã nói : “Vô tạo giả, vô ngã, vô thường,” chứ đâu phải đến ông Mars, sinh 1818, đã viết : “Vận động là không cùng. Đứng im chỉ là tương đối.”

Ừ. Đắc không mấy khi chịu yên, chịu vùi mình vào “vùng lặng.” Đây có phải là “kiếp đời” vất vả, hay “cái chất” của Đắc vốn thế. Điều nói ra thành lời, hay nhiều khi chỉ là sự lắng im, cất dấu tận sâu thẳm cõi lòng ? Nhưng, quả tình, lúc nào Đắc cũng nhớ thương về quê nhà, mảnh đất nghèo, gian nan, mưa nắng. Nơi ấy là quê ! Nơi mẹ cha, anh chị em với họ hàng thân thích của Đắc đang ngày đêm gắn bó cuộc đời mình ở đó.

Đã hàng chục năm làm “kẻ lữ hành, biệt ly quê cha, đất Tổ, vời xa, hàng nửa vòng trái đất. Từ trải nghiệm, từ bao nhiêu cái Thấy, giữa sự so sánh sau bao nhiêu cái Gặp, Đắc tự vấn : “Tại sao trên trái đất này, cũng con người. Cũng ba dòng : Thiên-Địa-Nhân, cõi Trời, cõi Người, cõi Đất…Nhưng, đất nước, quê hương anh biết đến bao giờ mới vượt lên, thực sự có cuộc đời phong lưu, hạnh phúc ? Lịch sử đi qua, nào, nghìn năm giặc dã. Nào, lạc hậu đói nghèo ! Một hạt bụi nhỏ nho như Đắc biết làm gì để góp vào, thể hiện được khát khao, tình yêu quê hương đất nước, khát khao “Quê mình sẽ thay da đổi thịt ?”

Nhớ về Việt Nam, về quê hương, cội rễ. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình như nét khắc, chạm sâu nơi con tim của Đắc…Đắc làm sao quên được. Nhưng, đất Mẹ ơi. Đắc đã từng bỏ nó ra đi. Khoảng thời gian đã xa. Còn ai nghi kỵ, hiểu lầm “anh chàng họ Đinh này ?” Đắc ly hương chỉ một lẽ giản đơn, vì miếng cơm manh áo. Tuyệt nhiên, không mảy may đeo một chút hằn thù, hay chút nhỏ ám mờ nào thuộc về “chính trị.” Đắc từng là công nhân, là lính. Là một sĩ quan chiến đấu quả cảm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do đất nước.

Đắc sẽ quay về Việt Nam với tình yêu luôn tươi xanh như thuở ban đầu. Đắc biết, thời đại đã đổi thay. Quá khứ đã khác rồi. Mọi người cũng không còn như cũ. Năm tháng, đã có chung cái nghĩ, cái nhìn ở chân trời trước mặt. Chắc chắn, không ai, không lý do gì chối từ, ghẻ lạnh Đắc, một người con của đất mẹ yêu thương.

Đắc quyết định về quê, ghé đôi vai nhỏ gầy của mình cùng gồng gánh với quê hương, đất nước chút sẻ chia trong hạnh phúc, trong niềm vui công việc.

Ở Canada, xứ sở quê người, “vương quốc nhỏ” với “sự nghiệp bẻ lá,” bằng mồ hôi, bằng đôi tay lao động,” Đắc đã làm nên danh tiếng : “một trong những người đi trước. Người mở nguồn, khai sáng.” Với lại, “lãnh địa này, đã ổn định. Thảo, vợ Đắc đã ghé vai chịu trách nhiệm cùng với các con anh.

Bây giờ về quê. Nhưng, điều quan trọng, Đắc sẽ làm gì ? Lọc sàng qua bao nhiêu cái nghĩ, hình ảnh “Gốm sứ Việt nam” đã làm Đắc dừng lại và tâm huyết nhiều hơn.

Đắc chợt kêu lên. “Gốm sứ Việt. Ôi. Một hình ảnh quê hương. Một nghệ thuật mang dấu ấn tinh hoa “ngàn năm quê kiểng.”

Đắc tìm hiểu. Anh biết, trên thế giới, nghề gốm sứ ra đời bắt đầu từ vùng Trung Đông và Ai Cập, khoảng 4.500 – 4.000 năm trước công nguyên.

Thời Trung Cổ, ở Châu Âu, người ta đã có những trung tâm rất lớn sản xuất đồ gốm như Faenza ở Ý. Thế kỷ thứ 9, sau công nguyên, đời Đường, nghề sứ Trung Quốc đã rất phát triển. Đến thế kỷ thứ 16, đời nhà Thanh thì bước vào thời kỳ cực thịnh

Ở Châu Âu, mãi đến năm 1709, một người Đức là Johann Friedrich Bottger đã sản xuất được đồ sứ như đồ sứ Trung Quốc. Năm 1759 người Anh, Josial Wedgwood sản xuất được sành dạng đá, một loại sành có xương mịn, trắng, kết khối, chất lượng hơn hẳn sành thông thường.

Quá trình tiến triển của ngoại thương, gốm sứ Việt Nam được các thương nhân nước ngoài quan tâm từ thời cổ trung đại. Từ quá trình giao lưu buôn bán những mặt hàng này đã dẫn đến sự hình thành các con đường giao thương mang tên “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ”.

Là cửa ngõ Đông Nam Á, Việt Nam nằm trên “con đường buôn bán tơ lụa”, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao lưu thương mại quốc tế. Nước có truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời.

Từ thời Lý (1010-1225), thời Trần (1225-1400)... với nhiều sản phẩm gốm có chất lượng cao như gốm men ngọc, gốm men nâu, gốm hoa nâu, gốm men trắng, gốm vẽ lam...Những nguồn hàng này đã thu hút các lái buôn nước ngoài đến với thị trường Việt Nam, tạo nên một viễn cảnh giao lưu kinh tế, văn hóa đầy cuốn hút, thi vị.

Con đường thương mại gốm sứ trên biển được hình thành từ thế kỷ thứ IX. Mãi nửa đầu thế kỷ thứ XIV, gốm Việt Nam mới bắt đầu tham gia vào thị trường của mạng lưới thương mại quốc tế.

Đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam một giai đoạn, chủ yếu là gốm hoa lam của các lò phía Bắc với đặc trưng, thường vẽ cành hoa cúc trong lòng các loại bát, đĩa bằng men xanh Cobalt và men nâu sắt. Thế kỷ thứ XV, không gian thị trường rộng hơn. Các vương quốc trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á gồm Nhật Bản, Tây Á là Iran, Ai Cập, khẳng định, gốm Việt Nam, một thời kỳ phát triển phồn thịnh, rực rỡ nhất của dòng gốm men trắng vẽ lam và dòng gốm vẽ nhiều màu trên men.

Dưới thời Trịnh - Nguyễn, thế kỷ thứ XVII, chính sách ngoại thương của nhà nước phong kiến có phần mở cửa. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản Tây Âu. Sự ra đời các công ty hàng hải quốc tế cuối thế kỷ XVI. Thuyền buôn của các công ty này đã tiến hành những cuộc viễn du sang phương Đông nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngoại thương Việt Nam tạo nên sự sôi động, kích thích sản xuất để xuất khẩu ở các nước bản địa.

Lần dọc theo các bờ biển Việt, nhiều thương cảng hình thành. Từ Thừa Thiên- Huế, Hội An, Quảng Nam. Nước Mặn, Bình Định đến Phố Hiến, Hưng Yên... Sự ra đời và phát triển của các thương cảng từ Bắc vào Nam đã thu hút các tàu buôn nước ngoài, và nhờ có giao lưu tiếp xúc, các sản phẩm thủ công của Việt Nam có cơ hội trong việc xuất khẩu. Và, tiềm năng gốm Việt Nam được đánh thức khi đặc biệt, có thị trường quốc tế.

Từ nghiên cứu, hiểu, Đắc đem lòng say mê với “gốm sứ quê Việt.” “Phải góp phần quảng bá Việt Nam tới xứ sở Canada, đất nước “cây phong đỏ.” Gốm sứ Việt phải đi xa hơn nữa trên lộ trình các vùng miền, các quốc gia trên thế giới…” Cái nghĩ thật lớn. Nhưng, thực thi sẽ thế nào ? Đắc bắt được mối với Hưng, người Việt từng quen thân, làm chuyến “mở đường về quê mẹ làm ăn.”

*

Cuối năm 1994, Đắc và Hưng tìm về Việt Nam. Đắc cảm thấy vui. Ôi. Xứ sở, quê hương đây. Nơi mảnh đất Lập Lễ, Thủy Nguyên, núm rau thuở lọt lòng cha mẹ chôn anh ngày nào còn đó. Cảnh và người. Vạn vật đã khác xưa. Nhưng, không khí quê hương đất nước vẫn mến yêu trong cái tình, nặng sâu của kẻ đi, người ở.

Thăm quê hương, nhưng bây giờ Đắc đóng vai một Việt Kiều cùng chung tay với đất nước trong sự nghiệp làm giàu. Lần nữa, thực tại, đằm vào gốm sứ đang nổi tiếng trên đất Việt, Đắc biết. Hiện tại, gốm Chu Đậu Hải Dương, xuất hiện từ thế kỷ 14, một loại đồ mà người ta gọi là “đồ trắng chàm”. Nó có nước men trắng với hoa văn mầu xanh blue, chàm. Hình dáng, hoa văn đặc biệt Việt. Men mỏng nhưng rất đều. Hàng Chu Đậu thường xuất cảng sang Phi Luật Tân, Nam Dương, Ả Rập…

Cơ sở Bát Tràng Hà Đông sản xuất rất nhiều đồ gốm các loại. Từ đồ dùng trong đời sống hàng ngày đến việc thờ Phật, Thánh, đình làng…như chén đĩa, lu, hũ, bình, ấm, bình vôi, điếu bát, chân đèn, lư hương, hình tượng, mâm, đỉnh v.v…

Đồ men lam Huế được chia làm hai loại. Đồ Nội Phủ và đồ Khánh Xuân do Trịnh Sâm đặt bên Tàu. Đồ đời Nguyễn do các vua Gia Long, Thiệu Trị, do sứ bộ Nguyễn Du, Phạm Phú Thứ … họa kiểu. Có loại đồ gốm Việt, từng được Christie of London, Sothebys bán đấu giá, tới hàng chục nghìn Mỹ kim.

Từ trong nước nhìn ra thế giới, Đắc tự nghĩ, có thể anh là kẻ vừa ngẫu hứng, đột ngột nhảy vào. Anh sẽ làm tốt hoặc chưa tốt. Nhưng trên cái lớn của tổng thể gốm sứ Việt, mỗi chúng ta không thể để ai đó lại thờ ơ với một nền tinh hoa của văn hóa Việt, đã có tự muôn đời …

Sau thời gian chọn lựa, ký kết hợp đồng, năm 1994, Đắc và Hưng đã đóng một “containner 20ft,” chở về Canada làm mẫu rao bán. Chuyến hàng được chuyển qua Mỹ. Từ Mỹ, bằng đường bộ chở về Canada. Do không có kinh nghiệm, hàng bị vỡ 1/3. Loay hoay mãi trước cái khó ban đầu, Đắc tìm thuê người Canada đi rao hàng, tặng quà các đầu mối tiệm hoa, tạp hoá và thực hiện hình thức “ký gửi.” Rất may, bước đầu, vốn thu được “bằng huề.”

Đắc tiếp tục “mày mò” đi tìm, và sau đó, Đắc có chút thị trường. Thành lập công ty mang tên “Windsong L.T.D Import và Export.” Đắc cùng Hưng hùn vốn với John Jimson, người Canada cùng buôn bán gốm sứ. Khi có đầy đủ tư cách pháp nhân theo luật hiện hành của Canada, Đắc mời Lê Kế, người cuả Bát tràng sang khảo sát thị trường, cùng chỉ đạo hai đầu công việc. Được Lê Kế cộng tác, mọi liên hệ giữa Bát tràng và công ty của Đắc phát triển khá tốt đep.

Năm 1997, không còn làm với Hưng, công ty Windsong L.T.D Import của Đắc và Export kết nạp thêm Jimdun là luật sư. Ba đại diện cùng thống nhất ký kết, vay 500.000 dollars từ ngân hàng Canada trust. Cả ba làm chuyến, tiếp tục tìm về Việt nam vì “mặt hàng gốm sứ” đang có cơ làm ăn vượng phát.

Lại một chuyến “hồi hương.” Đắc căn dặn chu đáo và bàn giao mọi công việc của hãng lá cho vợ. Đắc dẫn đoàn bay về Hà Nội. Đã thành đối tác quen, gốm sứ Bát tràng đón đoàn khá trang trọng. Đoàn ngự ở khách sạn Thăng Long. Đắc mang theo Đinh Thị Hoa, cô con gái lớn làm phiên dịch.

Đoàn bắt tay làm việc với Bát Tràng trong hai ngày thăm thú và ký kết. Nhìn chung, các công nghệ của Bát Tràng lúc này còn khá lạc hậu. Nhưng, trước yêu cầu mới, cơ sở Bát Tràng và Thanh trì đã kịp nhập một số thiết bị hiện đại từ Ý, phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu thương mại.

Tranh thủ lấp đầy khoảng trống thời gian, phần nữa muốn biểu hiện tình cảm đặc biệt của quê hương với bầu bạn nước ngoài, Đắc dẫn đoàn về thăm quê và thắp hương mộ cha với ông bà tiên tổ.

Sau chuyến đi khảo sát, thăm thú gốm Đông triều, Hải Dương và một số cơ sở nhỏ, đoàn của Đắc quay về Hà nội, làm việc với đại sứ quán Canada. Đắc gặp Mr David. Thoạt đầu, ngỡ Đắc là phiên dịch người Việt, nhưng sau khi biết anh là công dân Canada về cùng làm ăn thương mại với nhau. David thịnh tình giúp đoàn những danh sách, tài liệu một số mặt hàng xuất nhập khẩu từ Việt Nam và ngược lại về mặt hàng gốm sứ. Ông khuyên đoàn của Đắc nên mở văn phòng ở thành phố Sài Gòn.

*

Lại chuẩn bị cho chuyến bay tới, Đắc sắp xếp thời gian thư rỗi, dẫn đoàn dạo quanh Hà Nội. Chiều tối, cả đoàn ăn cơm tại nhà hàng Thuỷ Tạ cùng với một số người Úc “du lịch.” Với mười bốn người, nhà hàng phục vụ một chương trình ca nhạc dân gian thật ấn tượng và vui. Vẻ hứng khởi, đoàn dắt díu nhau dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm cho tới tận khuya.

Ngay hôm sau, Bộ Thương mại Việt Nam hẹn đoàn làm việc. Phía Đắc, đoàn có ba người. Làm việc xong, người giúp việc và phiên dịch dẫn “đoàn” đi ăn tối tại nhà hàng chả cá Lã Vọng. Nhìn chung, một cuộc gặp thật hữu ích, gợi thêm nhiều hướng mở tốt đẹp. Ngày hôm sau, Đắc dẫn đoàn bay vào Sài Gòn. Bố trí “khách” ở “khách sạn Le Le,” trên đường Phạm Ngũ Lão, Đắc vội vàng về Quận Gò Vấp, thăm anh chị và các cháu đã mười sáu năm xa.

Mười sáu năm ly biệt, cuộc gặp không báo trước. Khi thấy Đắc đột ngột xuất hiện, mọi người sung sướng reo lên. Đinh Thị Ry, chị gái Đắc. Người chị của ngày nào xa kia, đã cuốc bộ tìm em lưu lạc, mấy năm trời ở với ông ngoại bên Dốc Vọng, Quảng Yên. Rồi, anh rể, người cán bộ miền Nam từng tập kết ra Bắc. Rồi, các cháu Đắc… Tất cả đều mừng mừng, tủi tủi, ôm nhau khóc. Ai nấy, nước mắt đầm đìa. Đúng là, vật đổi sao dời, chuyện rưng rưng, tình người, nỗi đời, khó kể sao cho xiết.

Lưu lại nhà anh chị hai ngày, trở lại khách sạn LE LE, nữ nhân viên Reception nói với Đắc, “khách sạn chỉ cho Việt kiều hoặc người nước ngoài thuê, vì “giá mắc,” một đêm, 30 dollars Mỹ.” Đang trò chuyện, phân bua, bỗng một người lên giọng hỏi. “Ô. Đắc. Ồ. Có phải, Đắc không nhỉ?”

- Vâng. Tôi Đắc đây – Đắc nắm chặt tay người ấy lắc mạnh – Hello. Chào anh… Anh là Vịnh, phải không ?

- Đúng – Đắc Hải quân. Đắc “hằng hải” thưở nào chứ gì. Quên sao được – Giọng Vịnh vui rối rít – Mà sao ? Ngọn gió nào đưa ông bạn tới đây nhỉ.

- Chuyện thật dài. Sẽ kể sau. Nhưng, anh Vịnh ..?

- Ừ. Vịnh bây giờ là chủ khách sạn “Le Le,” rồi. Đắc ạ. Sông có khúc. Người có lúc phải không ?

- Ồ. Đúng vậy. Chúc mừng. Xin chúc mừng, anh Vịnh …

Cuộc gặp bất ngờ giữa Vịnh và Đắc làm cả hai rưng rưng. Họ nhìn nhau, cảm ơn thời gian, cảm ơn cuộc đời vừa thăng trầm, nổi trôi, vừa xô đẩy và nâng con người qua ghềnh thác để đến với miền chờ tươi đẹp.

Vịnh ngắm nghía Đắc, ngợi khen :

- Thực tình, từ những ngày quen biết Đắc, mình đã nghĩ. Đời sẽ tung Đắc vào giữa phong ba và Đắc sẽ chiến thắng. Tính cách này. Nghị lực này. Trí thông mình này…”Hệ quả,” nhất định là “sản phẩm” này, không khác.

- Thì ra…Vịnh là “nhà tiên tri” à ? Thôi. Không ca nữa. Bởi, loại “phú gia địch quốc” đâu đã đến mặt mình. Điều mừng là, qua chiến tranh. Hòn tên mũi đạn đã không giết được ta. Chúng ta vẫn sống, làm việc và cống hiến…

Gặp lại người tri kỷ, vợ chồng Vịnh thịnh tình muốn chiêu đãi Đắc. Đắc vui vẻ nhận lời. Sau đó, bởi xa Tổ quốc đã lâu, nay có ngày hội ngộ, Đắc đề nghị được nâng ly, ăn bữa cơm thân mật với vợ chồng Vịnh và nhân viên của anh. Mọi chi phí, tất nhiên, Đắc chịu trách nhiệm. Nhưng, khi Đắc đề xuất việc này, Vịnh gạt đi. Vịnh bảo :

- Không được. Chủ là chủ. Công nhân ư ! Loại “cu-li.” Một đẳng cấp khác. Không thể hỗn quân, hỗn quan như thế…

Đắc chợt gợn chút buồn về Vịnh. Vốn cùng trang lứa, lại bên nhau từng sống và chiến đấu suốt những ngày gian khổ, Đắc không ngần ngại, nói với Vịnh, giọng nửa đùa nửa thật :

- Ông bạn lớn ơi. Đảng, cách mạng từng dạy anh em mình thế nào. Anh khác quá rồi đấy. Đắc chưa biết “tiền của anh” cỡ nào. Đắc nói thật, anh đừng buồn. Đắc đang sống trong xã hội tư bản, đang làm chủ. Trong tay Đắc đang điều hành hàng ngàn người. Nhưng, Đắc chưa bao giờ nghĩ thế. Vậy, với anh ? Tiền. Đồng tiền sẽ làm chủ tất cả hay sao ?

- Trời. Mày vẫn còn nguyên “máu Cộng,” vậy à ? – Nghe Đắc thuyết lý, Vịnh gắt lên, gạt đi, nói lảng sang chuyện khác.

Đắc nghĩ. Vịnh có giận, “kiềng” mặt Đắc từ quan điểm khác nhau này hay không, không biết. Đắc không để ý nữa. Điều làm Đắc vấn vương bây giờ là “cô em gái Vịnh.” Biết Đắc là Việt kiều, rồi qua phong thái con người, qua “thần giao cách cảm,” cô đem lòng mê Đắc. Cô tỏ ra săn đón, chăm chút Đắc những ngày trong khách sạn. Một buổi, chắc là không dấu lòng được nữa, cô gái ngầm tặng chiếc vé, mời Đắc đi Đà Lạt, cùng chung hưởng cái “ngọn lửa cháy trên miền đất lạnh” khi Sài Gòn đang sôi lên cơn nóng.

Rời Đà Lạt, chia tay người con gái bỗng dưng gặp nhau như “người khách qua đường,” như bao lần, Đắc lại ngửa cổ nhìn lên trời cao vời vợi mà tự thán : “Hỡi, “Đấng Cao xanh,” cho đến bây giờ, còn chút nhan sắc, chút tơ vương nào giăng mắc mà Đắc vẫn chưa thoát được khỏi cái “vành ân ái” ? …”

Trở lại Sài Gòn, lao ngay vào việc lớn, Đắc dẫn đoàn đi gốm sứ Bình Dương. Lại một cuộc săn tìm mới. Qua khảo cứu, khảo sát, Đắc biết. Cùng với các làng nghề gốm sứ Bát tràng, Tràng An, Biên Hoà… Gốm sứ Bình Dương cũng nổi tiếng trong và ngoài nước.

Gốm sứ Bình Dương xuất hiện từ thế kỷ thứ XIX. Hiện có gần 200 cơ sở làm nghề, tập trung ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, huyện Tân Uyên…

Gốm sứ Bình Dương tồn tại hai thái cực ngược nhau. Một bên là hàng trăm cơ sổ gốm sứ truyền thống với các lò nung bằng củi, than đá, sản xuất theo phương pháp thủ công. Một bên, đại diện là gốm sứ Minh Long, với những ứng dụng máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.

Ảnh hưởng của sản phẩm gốm sứ Bình Dương đã hiển hiện đến từng ngôi nhà của các cư dân vùng Nam Bộ rộng lớn.

Từ khi công nghệ tiên tiến được đưa vào áp dụng, với các thiết bị hiện đại, mẫu mã đa dạng, ý tưởng độc đáo, gốm sứ Bình Dương đã vượt ra khỏi phạm vi trong nước bước ra chinh phục thị trường nước ngoài, đủ sức cạnh tranh với gốm sứ Nhật Bản, Trung Quốc. Tiêu biểu là gốm sứ Minh Long, một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao. Ở đây, những hạt nano được trộn vào nguyên vật liệu khiến bề mặt sản phẩm láng mịn, bóng loáng, có độ bền cứng, không ngã màu, không sứt mẻ hay trầy xước.

Bước chân vào show room của thương hiệu nổi tiếng, Đắc gặp một không gian trưng bày nhiều tác phẩm gốm sứ nghệ thuật lẫn gốm sứ gia dụng. Cúp Hồn Việt, Cúp Sen Vàng, Chén ngọc Văn Lang... Những tác phẩm mạ vàng nổi tiếng, được ghi trong guiness Việt Nam.

Trên dải đất Bình Dương, hiện có ba làng nghề danh tiếng. Từ Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Lái Thiêu, Thuận An đến Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một… Đắc cụ thể, lần vào từng lò nhỏ của các gia đình thâm nhập, xem xét chất lượng và giá cả. Đắc tổ chức chụp ảnh, ghi từng mã số mặt hàng, đúc kết được các chủng loại có trên các mã số.

Bước đầu coi như thắng lợi. Vui mừng, làm công việc ký kết hợp đồng với các cơ sở gốm sứ, Đắc dẫn đoàn đến liên hệ với Công ty Weixin, đơn vị chuyên đại diện xuất nhập khẩu. Giao toàn bộ giấy tờ đã kê khai mẫu giá, mẫu hàng cho Weixin, công ty nằm trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Hồ Chí Minh, đoàn của Đắc chỉ đặt cọc 1000 dollars Mỹ. Phần, số đông anh em từng quen biết Đắc. Phần, đoàn cảm thấy khá tin tưởng lẫn nhau.

Như vậy, chuyến đi này, đoàn của Đắc đã có 5 containers, 3 containers chuyển đi từ Bát Tràng, mọi việc thanh toán khi hàng tới Canada, khỏi lo.

Hành trình cùng đoàn, những ngày về Việt Nam hợp tác làm việc, thực tế đã làm hai người bạn “ngoại quốc” và Đắc thêm thân ái, hiểu nhau. Mừng thành công có được trên cả ý muốn ban đầu, Jim Johnson và Jim Dun rất vui, không tiếc lời ngợi ca Đắc, họ muốn được chiêu đãi Đắc những gì mà Sài Gòn đang có.

Và, một tối, tại International Club Phú Nhuận, anh em Weixin và Đắc đã bồng bềnh, trôi vào “cõi Thiên thai” trên đất Sài Gòn, thành phố một thời được gọi là “Viên ngọc Viễn Đông…”

Rời cõi “Thiên thai,” Jim Johnson và Jim Dun tiếp tục đi Hồng Kông, Trung quốc, tìm hiểu thêm thị trường. Đắc quay lại từ biệt chị gái, chuẩn bị ra phi trường bay về Canada.

Đắc thật vui với chuyến đi. Bởi, trong thời gian chưa dài, anh đã làm được công việc thật hữu ích cho anh, cho đất nước với “sự nghiệp tinh hoa gốm sứ Việt” mà anh hằng mơ ước.

Niềm vui nữa, ở nhà, trên đất Canada, vợ con Đắc đang làm tốt công việc xuất khẩu lá. Nhịp độ đều trong tuần, bảo đảm từ 3 tới 5 containers lượng lá chuyển tới Hà Lan.

Trên hai mặt trận đang nhịp nhàng phát triển, trở về Canada, với tư cách là tổng gíam đốc, Đắc lại lao ngay xuống phía Nam, vượt 185 kilômét và vượt lên phía Bắc 115 kilômét, tổ chức các trạm mua lá.

Trước tình trạng, mặt hàng lá đang diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt về giá. Nhiều công ty Mỹ tràn sang thu mua. Với Đắc, trường hợp duy nhất gần như không đáng ngại. Bởi, từ thế mạnh với uy tín kiểu “anh hùng riêng cõi biên thùy,” lúc nào, Đắc cũng có lượng lao động dồi dào từ người Việt, người Miên và không ít người các nước khác luôn bên anh quần tụ.

IV

Vắt tay lên trán, Đắc mắt nhắm lại, “nhìn mình !” “Ừ. Đắc nhìn Đắc, chứ không phải nhìn mây, ngắm gió như những ngày trẻ trung khi trước. Hình như, vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh,” Đắc cũng giống ai chăng ? Mỗi lần mở mắt nhìn đời là ngẫm suy, chiêm nghiệm. Trực giác bỗng ít đi. Cái ngó nghiêng, mê đắm bên ngoài dần cạn, khô đi trong cái nghĩ miên man.

Ở tuổi này, Đắc dừng lại nghĩ nhiều. Đắc nghĩ về Láng Cáp, cái làng biển vùng Lập Lễ, Thủy Nguyên. Nơi thuở xa, Đắc, một cậu bé nhỏ gầy gánh gồng bao gian nan, vất vả. Rồi lớn lên, qua lính trận, qua cái vòng lao lý cay đắng. Rồi, vượt biên. Rồi, bây giờ trở thành nhà doanh nghiệp trên xứ sở Vancouver Island, đất nước Canada, xa lắc.

Trở thành nhà “Doanh nghiệp lá,” “Doanh nghiệp gốm sứ,” với hai tên công ty : “Island Evergreen” và “Windsong Import L.T.D,” là niềm vui, niềm tự hào với gia đình Đắc trong sự nghiệp lao động và dựng xây, góp phần làm giàu cho đất nước, con người và cho chính tổ ấm gia đình của Đắc.

Là quốc gia đa văn hoá. Canada đã hóa thành nơi quê hương thứ hai, Đắc gắn bó đời mình.

Yêu đất nước. Yêu tháng năm cuộc đời mình có mặt trên cõi thế. Yêu những giọt mồ hôi nhọc nhằn mà thơm thảo từ bàn tay lao động, từ trí tuệ vắt ra. Hơn mười năm có mặt trên xứ sở “cây phong đỏ,” gia đình Đắc đã dành được số tiền tích lũy. Đắc lại tiếp tục tìm, và anh muốn : “đổi nghề.”

Lại không thể ngồi im. Đắc quyết định. “Doanh nghiệp lá cứ tiếp tục giữ vững sự ổn định, phát triển.” “Doanh nghiệp gốm sứ,” Đắc có phải, từng là một trong những người Việt đầu tiên làm nên vai trò, “người khai sáng, mở đường ? Người tạo dựng những thành công ban đầu mà Đắc gọi là “cánh buồm dẫn lối.”

Không hiểu sao, dù ở đâu, làm việc gì ? Chưa bao giờ, dẫu một phút, Đắc nguôi quên trong một góc lòng cái “duyên nợ về biển.” Có phải, Đắc sinh ra từ một vùng biển mặn. Có phải, trong da thịt, trong hơi thở, trong mỗi giấc ngủ của quá nửa thế kỷ - đời người, biển lúc nào cũng nhiễm sâu trong Đắc cái mặn mòi, gió nắng với con sóng chao đưa ?

Nghĩ chín. Đắc quyết tâm đầu tư, mua thêm một con tầu đánh bắt.

Cuộc đời lại bắt đầu những ngày du dương, mộng mơ trước bạt ngàn biển sóng.

Nhớ buổi, tìm đến Prinrupert, vùng biển phía Bắc, cách nơi Đắc đang ở tới bảy ngày chạy tầu. Đắc tìm mối, mua tầu xong, buổi “mã hồi” trở lại vùng biển phía Nam, cũng là “buổi ra quân.” Dọc hành trình, Đắc vừa đi, vừa đánh bắt tôm và tìm hiểu ngư trường. Sau hai mươi ngày, tầu về tới Nanaimo, xứ sở Đắc đang sống.

Con tầu của Đắc sơn màu trắng đẹp. Tầu neo trên bến cảng. Một phía biển. Một phía, bạt ngàn những cánh rừng, những vùng vịnh, phố phường sầm uất.

Có tới gần chục năm, Đắc gắn bó với con tàu, gắn bó với những mùa đi biển. Mùa làm ăn sôi động, ngày nào, vợ chồng Đắc cũng dẫn đoàn quân ra biển thả lưới. Từ năm giờ sáng tới bẩy giờ tối. Mỗi ngày, con tầu thường đánh bắt, thu về chừng hai tấn hải sản. Mỗi năm với ba tháng được phép hành nghề, khối “bạc biển” được mò lên, mang về, Đắc có thêm nguồn thu nhập từ gần 200 tấn thủy hải sản đánh bắt.

Có thêm việc làm mới. Cuốn hút thêm nhiều lao động mới. Có kinh tế qua sản xuất, kinh doanh ở đồng tiền thu nhập. Nhưng, một điều rất lớn đối với Đắc trong tâm huyết muôn đời. Đấy là, với biển. Với không gian cuộc sống thật rộng dài, phóng khoáng, Đắc và gia đình có được những ngày đằm mình trong niềm tung hoành, say mê cùng đại dương, trong khát khao, trong hành trình, khám phá…

Vào năm sát kề tuổi “hưu trí,” các con Đắc không muốn bố, phải đứng giữa sóng gió giãi dầu. Đắc quyết định, dừng đi biển. Đắc bán licence, giấy phép đánh bắt, hơn bẩy trăm ngàn dollars. Và, con tàu, tất nhiên cũng được : bán mua, chuyển nhượng …

Giã từ “đại dương.” Giã từ “gốm sứ Việt” trong hai cửa làm ăn. Đắc còn một “công ty lá” Island Evergreen L.T.D. Vốn liếng dành dụm từ “gốm sứ” với “con tầu đánh bắt,” Đắc nhanh chóng chuyển vào cuộc kinh doanh mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tại.

Đắc và gia đình người Hoa Kiều, hợp lực mở chung một cửa hàng, kinh doanh ẩm thực, một nghề khá mới mẻ, nhưng thật vui với Đắc ở văn hóa và nghệ thuật có được của nó.

Một thời gian chung đụng. Bây giờ, toàn bộ cơ ngơi, tài sản là của riêng Đắc, cửa hàng trị giá khoảng triệu rưỡi dollars.

Trên khuôn viên tuyệt đẹp, tại Comox, một thành phố, nguy nga, hiện đại không kém Nanaimo. Một biển hiệu hoành tráng trưng lên đập vào mắt nét choáng ngợp, cuốn hút : “Nhà hàng Tre Việt Nam – Banbou Restorant.” Cửa hàng có mặt tiền dài tới vài chục mét. Sân đỗ xe nom mênh mông, thoáng mát. Phòng ăn rộng hàng trăm mét vuông. Sớm chiều, khách tấp nập ra vào. Một thế giới đi qua góc nhìn khá hấp dẫn với các du khách Á, Âu, Hoa, Việt, Mỹ…

Đắc thuê “đầu bếp trưởng,” một ông già người Hoa có thâm niên và tay nghề tinh xảo. Nhân viên phục vụ gần hai chục người. Có đủ các dân tộc Á, Âu, Phi, Mỹ…hợp đồng làm việc. Kể cả những nhân viên thường xuyên tới thực tập, học nghề trong cơ sở của Đắc…

Có cửa hàng. Đắc tham gia giải quyết công ăn việc làm cho không ít lao động. Người làm nghề, mức lương trung bình, khoảng 1.800 dollars mỗi tháng. Lương đầu bếp, mỗi tháng tới 3.500 dollars.

Với trải nghiệm khá giàu có ở đời, qua nhiều bận thăng trầm, biến cố. Giữ vai trò “Ông chủ.” Vai trò “giám đốc. Tổng chỉ huy.” Cái khó nữa là, phải thật sự làm “Người Lớn,” luôn đứng ở tầm cao ở cái Tâm, cái Đức đối với anh em bầu bạn, với người cộng sự quanh mình…Đắc luôn coi đó là “kim chỉ Nam,” là kỷ cương, phép tắc để răn mình, để chính anh phải giải quyết thật thỏa đáng và đẹp đẽ tất cả các mối quan hệ đang có.

Đắc đã và đang làm được việc đó.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh đang bước đi, trong tháng năm, trong nhịp nhàng, trong guồng máy vận hành tốt đẹp. Mọi người vui. Đoàn kết, yêu thương.

Đắc mong ước, giữ vững được cái nền, cái móng của “một lãnh địa,” một “bầu trời” riêng rẽ của mình, sẽ mãi mãi “khang cường và mát lành” như thế.”