TNc: Mao Tôn Úc quay ngoắt lên Hoành Sơn sống cùng người Thượng. Quả là không lường bước chân của nhà phẩm bình văn chương. Mời các bạn đọc chương 19 khắc rõ...
Mao Tôn Úc sống cùng người Thượng
Kim Thánh Phán được nghé lẫn trâu
Lại nói về Mao Tôn Úc. Sau khi cứ theo dòng sông Mã, sông La vào tận Châu Hoan, Châu Ái, Mao tiên sinh lên núi cùng người Thượng, người Bana, Ede. Paco. Không biết vì sao tiên sinh không trở về cố quốc mà lên đây sống cùng với dân bản địa.
Ngài học phong tục tập quán rất nhanh, ngài cũng đóng khố, ăn ngóe ăn cóc. Sau mấy tháng nắng mưa trên cao nguyên, tiên sinh từ người trắng trẻo thư sinh thành người đen sẫm chẳng khác nào thổ dân. Tiên sinh làm dãy, đi săn thú rừng, đi xuống suối bắt con cá, con ngóe.
Chỉ có điều khác lạ là tiên sinh Mao Tôn Úc rất hay tha thẩn một mình vào rừng, lên dãy. Ngài vốc từng vụm đất trên tay nhìn ngắm rất kĩ. Cái thứ đất cao nguyên đỏ lừ hình như làm tiên sinh để ý. Ngài ghi chép như một nhà địa chất tìm khoáng vật. Đó là vết tích dòng dung nham núi lửa tuôn chảy, lúc đầu nó tự do trườn đi trên mặt đất, nó hình thành bề mặt trái đất ở khu vực đó với những đường “vân thớ” rất tự nhiên. Trong dòng nham thạch đó có rất nhiều khoáng chất đã làm Mao Tôn Úc chú ý. Nhiều lần Mao tiên sinh vốc ít đất đỏ từ nhiều đồi núi khác nhau rồi mang về ngâm trong mấy cái nồi để lắng cặn lại đem phơi khô…Lạ thay khi nắm đất tan trong nước nó thành bùn đỏ sền sệt sánh nhựa
Có khi ngài vào rừng nguyên sinh tìm cây cỏ, hái nắm lá này nhấm thử, đào loại củ kia cắt ra xem xét. Ngài phát hiện có một loại cây lá giống lá sâm xứ Cao Ly, củ cũng hình người. Khi cho vào miệng ngậm thì có vị ngọt, ngậm một khắc thì người thấy khoan khoái, ngậm hai khắc thì thấy khỏe như đương trai và ham muốn tình dục. Mãi sau này nghe già làng giải thích mới biết thứ củ này mọc trên núi Ngọc Linh, dân địa phương gọi là sâm Ngọc Linh tốt hơn cả sâm Cao Ly.
Thi thoảng vào những lúc tinh mơ Mao Tôn Úc nhớ đến Đàm Linh. Mao không thể quên được những phút ân ái tuyệt vời với nàng, đúng là ngài đã khai sơn phá thạch đời người con gái ngây thơ, trong trắng của Đàm Linh. Bằng sự từng trải, Mao Tôn Úc linh cảm lần giao hoan bên bờ sông mà Đàm Linh dâng hiến rất khác lạ. Sự đón nhận của Đàm Linh như một sự hòa nhập của âm dương. Da thịt nàng bỗng nóng giãy lên và các cơ bụng, cơ đùi của nàng giật từng hồi, nàng dướn người lên như nâng Mao tiên sinh vào cõi mênh mông. Sau một canh giờ, Đàm Linh thỏa thuê nàng nhũn ra như đám đất ải gặp cơn mưa. Mao Tôn Úc đồ rằng Trời Phật đã cho một sinh linh nảy nở. Nếu điều đó là sự thật thì Mao Tôn Úc đã để lại giọt máu ở đất An Nam này. Từ cái hôm đó đến nay đã hơn một năm rồi một nam thanh hay một nữ tú chắc đã bi bô bên nàng Đàm Linh…Mao Tôn Úc cười nửa miệng nghĩ thầm rồi đây sẽ có một con người dòng dõi Trung Nguyên hiện diện ở xứ này…Mao Tôn Úc bỗng cười lớn. Tiếng cười lan vào vách đá cứ âm vang nghe rờn rợn tưởng như không tắt…
Mao Tôn Úc nhớ Đàm Linh da diết nhưng biết làm sao công việc là công việc, người quân tử không thể để giai nhân làm hỏng đại sự. Và bây giờ Mao Tôn Úc đã ở lại cao nguyên, Mao tiên sinh sẽ lấy vợ người Thượng rồi sinh ra một đàn con mang dòng máu Đại Hán . Mao tiên sinh mong mỏi sẽ có một làng bản mang văn hóa Trung Nguyên ngay trên Hoành Sơn này.
Mao Tôn Úc nhớ lại chuyện xưa khi vua Mã Lai lấy công chúa Trung Nguyên làm vợ để cầu hòa giữa Mã Lai và Đại Hán. Trong những điều
khoản công chúa ra hẹn vua Mã Lai có một việc phải cho 600 người Trung Nguyên theo hầu mà không phải bọn tiện nữ, đó là 600 trai tơ lực lưỡng. Qủa nhiên vài chục năm sau nhưng lính hầu công chúa đã lấy vợ Mã Lai, sinh con đẻ cái như lũ gà vịt. Công chúa yêu cầu nhà vua cắt đất dựng làng cho đám lính này ngay tại kinh đô. Tất cả phong tục tập quán đến chữ viết đều theo Trung Nguyên. Cách xuất khẩu nòi giống, văn hóa Trung Hoa thật hiệu quả, sau này hậu duệ đi đến đâu cũng lập China Town. Mao tiên sinh thầm nghĩ rồi trên Hoành Sơn này biết đâu rồi đây chả có phố Tầu….
Hàng ngày Mao Tiên sinh vào rừng thu hái sâm Ngọc Linh. Ngài phơi khô gói kỹ tích trữ từng bó từng bó. Có lẽ ngài lo liệu cho việc lâu dài, những bó sâm này sẽ kiếm được tiền tiêu. Mao Tôn Úc kì khu ngồi vẽ đồ bản từng khu rừng có đất đỏ, từng con suối, từng bản làng người thượng. Sẵn có văn chương hội họa nên Mao làm những việc đó rất thuần thục. Có điều kì lạ không biết để làm gì, ấy là Mao nặn đất thành những hình tròn to như miệng chén, viết lên đó chữ Trung Nguyên rồi đem nung trong bếp lửa. Khi số lượng được nhiều Mao mang đi đào sâm moi đất lên lấy sâm xong bỏ một miếng đất nung ấy rồi lấp đất lại.
Mao tiên sinh lâu lắm sao nhãng văn chương, hôm nay ngài tức cảnh sinh tình ngẫu hứng mấy vần tiêu giao:
Cao nguyên phong vũ sơn lâm tại
Bắc phương lưu luyến dạ hoài tư
Tiểu khê hội tụ thành giang đại
Kim nhật nhất tự hóa thiên thư…
(Tạm dịch: Trên cao nguyên mưa gió trong rừng cây/ Lòng ta nhớ hoài về phương Bắc/ dòng suối nhỏ tụ lại thành sông lớn/ Một ngày một chữ thành sách Trời…)
Lại nói về Đàm Linh, bấy giờ cậu con trai của nàng tròn tuổi tôi thì là lúc Kim Thánh Phán quyết định chọn Đàm Linh làm vợ. Đàm Linh chờ đợi ngày này đã lâu, trong lòng vừa yêu vừa trọng Kim Thánh Phán. Một trang mới hạnh phúc của hai người, họ bù đắp cho nhau, chăm sóc nhau. Kim Thánh Phán sửa vài mâm cơm rượu mời những văn hữu thân gần nhất đến chung vui. Gọi là ngày đầy tôi cậu con trai hay ngày cưới hai người cũng đều đúng cả. Ngôi nhà hũ nút của Kim Thánh Phán ăm ắp tiếng cười. Ngoài ngõ mấy gã trương tuần tay côn đi đi lại lại nghe ngóng. Nhương Tác Nghiệp hứng chí đọc thơ:
Quý tử nhất niên
Phu phụ nhất nhật
Thánh Phán chi tiên
Đàm Linh chi Phật..
(Tạm dịch: Con quý đầy tôi/ Vợ chồng vừa một ngày/ Thánh Phán như tiên/ Đàm Linh tựa Phật)
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Phục Bạch Đầu cự lại:
- Tiên với Phật sao lại động phòng hoa chúc ?
Nhương Tác Nghiệp bác lại:
- Như tiên như Phật chứ có là tiên là Phật chính hiệu đâu. Tiên Phật thật thì thanh tao biết đâu thú vui phàm tục…
Ngày tháng trôi đi như nước chảy qua cầu. Kim Thánh Phán sống bên Đàm Linh thật hạnh phúc tưởng như tuần tuần trăng mật. Kim tiên sinh thong dong thư thái lúc đùa vui với cậu con trai, lúc bên thư phòng bút nghiên ngẫm ngợi…
Công việc viết thuê cho Chu Lin cũng đã sắp hoàn tất. Cậu con trai suốt ngày bên Kim Thánh Phán, ông coi nó là đứa con mà ông đã sinh ra. Nhiều bạn hữu văn nhân thường vui đùa bảo Kim tiên sinh là người có lộc nhiều nhất vừa được trâu vừa được nghé.
Còn Nhương Tác Nghiệp thì không sao tả hết những ngày vui sướng bên cô thôn nữ vừa qua tuổi trăng tròn. Từ ngày quán văn chuyển ra ven đô và Trưởng Thượng bị tai biến thì mọi việc theo dõi, xét nét cũng thưa hẳn, đỡ gây sự phiền hà.
Quán văn lại nhộn nhịp tao nhân mặc khách, thơ phú cầm ca rộn rã cả vùng ngoại thị. Nhà chức trách sở tại không quá lộ liễu ngăn trở nhưng vẫn phái trương tuần giả dân làng vào quán văn làm cử tọa. Các văn nhân đã biết giữ mồm hơn nên chỉ ngâm vịnh thù tạc thi ca đậm màu chim hoa cá gái…
NXB Hội Nhà văn 2015, in lại 2016