Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TƯ DUY THEO KIỂU PHÀM LÀ

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 23 tháng 8 năm 2010 12:24 PM
 
Gần đây trên báo in, báo nói, báo hình, báo mạng không thấy mấy người nhắc đến hai chữ “phàm là” mà một dạo nó là từ ngữ khá quen thuộc với nhiều người. Ấy là lúc nở rộ các bài báo phê phán tư duy kiểu “phàm là” của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông và cả sau này, nếu tôi nhớ không nhầm, cả dưới thời Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình nữa.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc những năm 60 của thế kỷ trước, Giang Thanh - vợ Mao Trạch Đông, Tổ trưởng Tổ Cách mạng Văn hoá, cùng với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên (sau này Trung Quốc gọi là “Bè lũ bốn tên”) đi tới đâu cũng cầm quyển sách “Mao tuyển” bìa đỏ trong đó in những câu trích dẫn từ các bài nói, bài viết của Mao Trạch Đông để răn dạy mọi người. Câu cửa miệng của “bè lũ bốn tên” ấy, là: “Phàm là những điều Mao Trạch Đông nói đều là chân lý, chúng ta phải thực hiện…”. Sau này, khi “bè lũ bốn tên” bị đánh đổ, dưới thời Hoa Quốc Phong làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Trung Quốc, thì hai chữ “phàm là ấy” vẫn còn được những người đưa Hoa Quốc Phong lên, sử dụng: “Phàm là những gì đồng chí Hoa Quốc Phong nói đều sáng suốt…”. Đến khi Đặng Tiểu Bình sau bao lần bị Mao Trạch Đông và “bè lũ bốn tên” đầy ải, thất sủng nhiều năm rồi mới quay trở lại vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, “người khởi xướng công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc”, thì tư duy “phàm là” vẫn còn tồn tại ở đất nước hơn một tỷ dân này: “Phàm là những điều đồng chí Đặng Tiểu Bình đã nói đều là chân lý, đều phải thực hiện…”. Các nhà lý luận chính trị của Trung Quốc sau này phê phán kiểu tư duy “phàm là” ấy là kiểu tư duy giáo điều, sách vở, đi ngược với tư duy biện chứng Mác-xít, lấy thực tiễn cuộc sống chứ không phải lấy câu chữ để làm thước đo chân lý. Bởi vì ai cũng biết “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Do quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc, Việt Nam từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 của Trung Quốc mà tư duy giáo điều trong lý luận chính trị của Trung Quốc không phải là không có ảnh hưởng tới Việt Nam. Các văn kiện Đại hội của Đảng sau này đã từng phê phán kiểu tư duy chính trị giáo điều đã làm ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng vào năm 1986, nhất là sau các bài nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về đổi mới tư duy: thì tư duy giáo điều và duy ý chí trong Đảng đã được khắc phục một cách cơ bản, không còn phổ biến lối tư duy cũ nữa.
Song phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng, tuy đã khắc phục được phần lớn kiểu tư duy giáo điều “phàm là theo kiểu Trung Quốc” ấy thì tư duy giáo điều ấy vẫn còn, không chỉ ở trong Đảng mà còn cả ở trong xã hội, kể cả trong giới trí thức, những người được coi là có học nhất trong các tầng lớp dân cư. Biểu hiện của lối tư duy này là tư duy một chiều, “phàm là tôi đúng thì anh sai”. Tôi xin không nói xa xôi những chuyện to tát, chỉ xin đơn cử một vài việc cụ thể mà tôi được nghe, được thấy, nhất là trên các bài viết đăng báo in, báo mạng vẫn còn chứa đựng lối tư duy giáo điều, một chiều mà mọi người từng phê phán.
Ai cũng biết Bác Hồ là một tấm gương sáng mà mọi người đều hướng tới và noi theo. Song nói tới việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không khéo thì sẽ rơi vào kiểu tư duy duy ý chí, một chiều, bởi vì không phải ai cũng học được Bác Hồ và có những điều ngay chính Bác Hồ cũng nói đừng học Bác. Bác đã từng khuyên các cháu thanh niên đừng học Bác hút thuốc lá chứ có khuyên học Bác hút thuốc lá đâu? Tôi đã từng nghe một báo cáo viên khi nói chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh đã quá nhấn mạnh đến việc Bác Hồ đi dép cao su và mặc áo bạc màu, nên sau buổi nói chuyện có cháu thanh niên hỏi tôi: “Chú ơi, nói như ông báo cáo viên ấy thì chúng cháu không được đi giầy, không được mặc áo đẹp nữa à?”…
Sau khi ông Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Lê Doãn Hợp trả lời nhà báo đưa ra khái niệm báo chí thực hiện đúng luật, làm theo kiểu đi đường, đi vào lề phải thì sẽ an toàn, thế là cư dân mạng đưa ra khái niệm lề trái đối lập. Có người cho rằng “báo lề phải” là báo của Đảng và Nhà nước, không có tự do,  chỉ biết nói một chiều, theo kiểu “trên mây trên gió’, thoát ly đời sống của dân. Còn “báo lề trái” là các trang Web và Blog cá nhân là “báo của dân” được tự do phản biện, tự do nói ngược lại những điều “báo lề phải” đã đăng. Kiểu tư duy phân chia này cũng là kiểu tư duy “phàm là”, một chiều, giáo điều, duy ý chí, bởi vì đâu có phải hễ là “báo lề phải” thì đều “xa dân” và “báo lề trái” thì là nói ngược! Tôi biết nhiều nhà văn, nhà báo đã có những bài viết thẳng thắn, không hề né tránh khi viết về những tiêu cực trong xã hội, nhất là phê phán thẳng thừng tệ tham nhũng hiện nay ngay trên những tờ báo chính thống mà số phát hành hàng ngày lên tới vài trăm ngàn bản chứ  không phải chỉ có vài ngàn, thậm chí vài trăm người xem như trên một số trang blog cá nhân. Cũng như không ít nhà văn, nhà báo lập trang Web và Blog cá nhân không nghĩ và không xếp Website và Blog của mình là “báo lề trái” như có người đã “vơ đũa cả nắm” cho vào cùng một rọ. Vì thế việc phân chia, xếp loại “lề phải”, “lề trái” trong trường hợp này là không đúng và không cần thiết.
Mới đây nhất, sau khi nhận được giải thưởng toán học Fields, giải thưởng danh giá được coiấngng với các giải Noben về văn chương, y học, kinh tế, hoà bình…, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã viết trên Blog của mình bài Tâm sự và giải đáp thắc mắc, trong đó đã giải đáp 5 thắc mắc và thông tin trên báo chí về Giáo sư gần đây xung quanh chuyện Giáo sư nhận giải thưởng này, từ chuyện một hay hai Quốc tịch, chuyện ngôi biệt thự có người hứa tặng Giáo sư, đến chuyện cái bút máy cũ mà một ông Phó Thủ tướng tặng…Bài viết trên đây của Giáo sư được rất nhiều Blog cá nhân của các nhà văn, nhà báo trong nước đưa lại kèm theo rất nhiều bình luận; được cả Đầi BBC tiếng Việt của Vương quốc Anh đưa lên như một tin nóng hổi kèm với những lời bình luận rôm rả không kém. Trong 5 điểm Giáo sư Ngô Bảo Châu giải đáp thắc mắc của nhiều người có điểm thứ 5 mà Đài BBC và hầu hết các Blog cá nhân đưa lại đều chú ý bình luận. Đó là câu giải thích của Giáo sư: “ Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC (Ngô Bảo Châu) là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.
Tôi cũng như nhiều người khác rất tâm đắc câu trả lời sâu sắc, đầy trí tuệ này của Giáo sư. Đúng, “bám theo lề là việc của con cừu, không phải là việc của con người tự do”, dù cái lề đó là lề trái hay lề phải như có người đã phân chia ra như thế. Tôi đọc đi đọc lại câu trên của Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ thấy có một chữ lề, không hề thấy chữ “lề phải” ở đâu cả. Ấy thế mà thật lạ, tôi đọc trên mạng lại thấy có người bình luận về câu nói trên của Giáo sư rằng: “Tất cả những kẻ có học hoặc ít học ở đất nước Việt Nam hôm nay tung hô và đi theo lề phải cũng chỉ là…con cừu! Họ đã đánh mất cái quý giá nhất mà tạo hoá ban cho họ, đó là TỤ DO. Vì vậy, họ có là GS, TS,  viện trưởng này nọ…đều được nhìn nhận như là…con cừu; chỉ là kẻ bị người khác chăn dắt, sai khiến…”.
Đọc những dòng trên tôi lại như thấy mình bắt gặp một kiểu tư duy cũ, kiểu tư duy “phàm là”, “không ưa thì dưa cò giòi”: “phàm là” ai không đồng ý quan điểm với mình, dù là những bậc trí lự có bằng cấp hẳn hoi đều là…con cừu, đều là đồ bỏ đi cả!
Chả trách từ bỏ lối tư duy một chiều để nhìn nhận sự việc và con người một cách khách quan, tránh lối tư duy áp đặt “phàm là tôi đúng thì anh sai” đâu phải là một việc dễ dàng và đâu phải chỉ là đòi hỏi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn là đòi hỏi ở mọi người, nhất là “những người có tư duy”,
Khó lắm thay!