Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI VÀ CHẤY RẬN

Lê Bá Thự
Thứ sáu ngày 2 tháng 6 năm 2017 10:16 AM


Tôi ở bẩn.
Cho đến năm 1954, do nghèo khổ, do chiến tranh (kháng chiến chống Pháp) và do dân trí thấp, tôi ở bẩn. Không bao giờ tôi dùng xà phòng, đúng ra không bao giờ tôi có xà phòng để giặt giũ, tắm gội. Hồi đó tôi chỉ nghe người ta nói rằng gội đầu, giặt quần áo bằng xà phòng thì rất sạch. Nhưng thú thật chưa bao giờ tôi nhìn thấy xà phòng. Xà phòng là một cái gì đó hoàn toàn xa lạ. Tôi được người ta mách, dùng quả găng giặt quần áo cũng có bọt như xà phòng. Và tôi đã làm như vậy. Vì ngay tại bờ ao nhà tôi có bụi găng. Cắt đôi quả găng, tôi chà xát rồi vò quần áo. Đúng là có bọt thật, nhưng không hiệu quả, vì độ tẩy rửa chẳng ăn thua gì. Bẩn vẫn hoàn bẩn. Cái được ở đây chủ yếu là vấn đề tâm lý. Vì tôi đinh ninh trong bụng, mình đã giặt quần áo bằng “xà phòng”, có bọt hẳn hoi. Mà đã dùng xà phòng thì “phải sạch”. Đơn giản thế thôi. Tôi nghe người ta nói, cũng có thể dùng quả bồ hòn thay xà phòng giặt quần áo, nhưng hồi đó ở quê tôi không có loại cây này. Cho nên tôi đành chịu.
Năm lên chín lên mười tôi và mấy thằng bạn trong làng thường rủ nhau đi tắm sông hoặc tắm ao, toàn tắm truồng. Chả là, cạnh làng tôi có con sông đào gọi là “Nông giang”, còn ao thì có ngay ở trước nhà. Nói là tắm, nhưng thực ra chúng tôi ngụp lặn, nô đùa một hồi lâu rồi về, chứ có kỳ cọ gì đâu. Có khi tắm xong người còn bẩn hơn trước khi tắm là đằng khác. Nhất là hôm nào tắm ao. Tắm sông thì không đến nỗi nào, vì đáy sông có cát. Nhưng tắm ao thì khác. Đáy ao toàn bùn, khi tắm chúng tôi bơi lội, vùng vẫy làm sục bùn ao, bùn ao bám vào chân lông. Ngụp lặn một hồi lâu, chúng tôi lên bờ mặc quần áo ra về. Coi như đã tắm xong. Đã sạch. Một lúc sau, chân tôi ráo nước, lông chân nom trắng xoá do bị bùn ao bám vào. Như vậy là tắm xong còn bẩn hơn lúc chưa tắm chứ còn gì. Lại nữa, hồi đó tôi toàn đi chân đất. Buổi tối trước khi leo lên giường đi ngủ, được bố mẹ nhắc nhở, tôi ra cầu ao rửa chân. Nhưng cũng có lắm hôm tôi lười, không chịu rửa chân, leo lên giường luôn. Ngồi trên giường tôi thòng hai chân xuống đất, rồi đập mạnh hai bàn chân vào với nhau, cho bụi, đất rơi ra. Thế là xong, thế là sạch. Người ta vẫn gọi cách “rửa chân” này là “ba xoa một đập”. Tóm lại, tôi ở bẩn, tôi mất vệ sinh. Đó là một sự thật. Vì ở bẩn cho nên tôi nhiều chấy, tôi lắm rận, còn chuyện ghẻ lở, hắc lào, mò bám dái… chẳng xa lạ gì đối với tôi.
Bây giờ tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện chấy rận của tôi, và chỉ kể chuyện chấy rận thôi, không kể chuyện ghẻ lở, hắc lào đâu, để các bạn khỏi “bị sợ” vì cái sự ở bẩn của tôi hồi nhỏ.
Chấy.
Như đã kể trên, tôi chẳng bao giờ có xà phòng để tắm gội. Tóc tôi tốt lút mang tai, vì chẳng có tiền để thường xuyên cắt tóc. Cho nên đầu tóc tôi cực bẩn. Đó là môi trường tuyệt vời cho loài chấy sinh sôi nẩy nở. Có thể ví cái đầu bù xù rậm tóc và bẩn thỉu của tôi là một “cánh rừng nguyên sinh”, nơi “loài dã thú chấy” ngày đêm thả sức tung hoành, hút máu. Tóm lại, đầu tôi đầy chấy và trứng chấy. Lắm hôm ngứa như điên, tôi dùng lược bí chải đầu. Nhưng chẳng ăn thua gì, không hiệu quả. Vì lũ chấy trên đầu tôi cực khôn, cực láu cá, chúng không chịu thua tôi, cho nên đa phần bọn chúng thoát thân. Chúng chẳng coi tôi ra gì, chúng càng hút máu của tôi nhiều hơn, càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn và đầu tôi càng ngứa ngáy khó chịu hơn trước. Chỉ có mẹ tôi mới là đối thủ đáng gờm của chúng mà thôi.
Buổi sáng mùa đông, trời giá buốt. Cả nhà đã ăn hết rổ khoai lang luộc, lót dạ, mẹ tôi chưa vội đi làm, vì trời vẫn còn giá buốt, chưa thể lội xuống ruộng. Ra ngồi ở góc sân sưởi nắng, mẹ tôi gọi:
- Thự ơi, cầm chiếc ghế con ra đây mẹ bảo.
Tôi chẳng hiểu mẹ tôi định bảo gì. Nhưng tôi vâng lời mẹ. Ra đến nơi mẹ tôi nói:
- Ngồi xuống đây, mẹ bắt chấy cho.
Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống, trong lòng mẹ, trên chiếc ghế con. Và thế là “trận tìm diệt chấy” của mẹ tôi bắt đầu.
Mẹ tôi cho các ngón tay nhỏ nhắn lần vào từng món tóc bẩn thỉu của tôi, tìm chấy, và chỉ trong chốc lát đã nghe thấy tiếng mẹ tôi:
- Đây rồi, mi chết với tau rồi, - mẹ tôi hô to, khi tóm được một con chấy, hình như mẹ muốn hô to cho cả tôi cũng nghe thấy, để hai mẹ con cùng mừng.
Mẹ tôi cầm con chấy bắt được trên hai đầu ngón tay, ngón cái và ngón giữa, đưa lên mắt ngắm nghía “chiến quả” với vẻ mặt đắc thắng. Rồi mẹ tôi khẽ nhét con chấy vào giữa hai hàm răng, sau đó nghiền mạnh. Một tiếng “đốp” vang lên, tôi cũng nghe thấy, con chấy đã bị tiêu diệt. Nói đúng hơn nó đã bị đền tội, nó đã phải đền nợ máu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì máu của tôi trong bụng nó đã được mẹ tôi nuốt tươi, đòi lại. Mẹ tôi hả lòng hả dạ. Mẹ tôi sung sướng và cả tôi nữa, cũng sung sướng. Cứ thế mẹ tôi lần lượt tiêu diệt hết con chấy nọ đến con chấy kia. Phải đến sáu bảy con, không kể trứng chấy. Sau mỗi trận thắng như vậy đầu tôi bớt ngứa rất nhiều, tôi ngủ ngon giấc hơn.
Sau này, mỗi lần mường tượng lại hình ảnh hai mẹ con ngồi ở góc sân bắt chấy, trong một buổi sáng mùa đông giá lạnh, tôi thực sự xúc động trong lòng. Đây là một bức tranh đẹp mà tôi muốn đặt cho nó tiêu đề: “Cái nghèo và tình mẫu tử”.
Rận.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ở quê tôi chuyện ăn đã khó, nhưng chuyện mặc cũng không hề dễ dàng. Dân làng tôi sống hoàn toàn tự túc – tự cung tự cấp. Phải trồng bông, nuôi tằm thì mới có vải may quần áo. Tôi cũng chỉ có hai bộ quần áo, và bộ thứ ba vá chằng vá đụp. Hôm nào rét quá tôi mặc luôn cả ba chiếc áo nâu vào người, cho ấm. Chẳng có áo bông, áo len lại càng không, nên phải làm như vậy thôi. Quần áo của tôi toàn là quần áo nâu, vẫn gọi là “quần nông dân”, “áo nông dân”. Chỉ hai màu, màu nâu và màu đen, màu đen thường là màu váy phụ nữ. Hoàn toàn cấm mặc đồ trắng. Vì màu trắng dễ bị máy bay Pháp phát hiện. Đến khi hoà bình lặp lại, năm 1954, được mặc áo trắng đi học, đi chơi, cắm trại, hội hè, tôi và các bạn tôi thích lắm. Lúc đó, đối với chúng tôi màu trắng là màu hoà bình, màu trắng có nghĩa là máy bay Pháp không còn ném bom, oanh tạc, chúng tôi không còn phải chui xuống hầm tăng xê, không còn cảnh đi học ban đêm... Như tôi vừa nói, ít quần áo cho nên tôi ít giặt, lười giặt thì đúng hơn, cả tuần không giặt, mà có giặt thì cũng chẳng sạch, vì không có xà phòng, chỉ vò không bằng tay. Cho nên quần áo của tôi trở thành môi trường lý tưởng cho lũ rận sinh sôi nảy nở. Rận thường sống và đẻ trứng dọc theo các mép đường may mặt trái áo tôi. Những chỗ tiếp giáp của các đường may là những nơi lý tưởng cho những con rận to trú ngụ. Khi bắt rận bao giờ tôi cũng ưu tiên tìm diệt ở những chỗ như vậy. Không giống mẹ tôi, khi bắt được con chấy thì cắn con chấy rồi nuốt chửng máu trong bụng của nó. Mỗi khi bắt được con rận tôi thường thả con rận xuống nền gạch rồi dùng móng tay cái dí nát con rận, cho máu của nó bắn tung toé, phát ra tiếng kêu đánh đốp. Con rận đã bị tiêu diệt, tôi hả hê trong lòng. Sau đó tôi lại tiếp tục “cuộc tìm diệt rận”. Còn trứng rận thì nhiều vô kể. Trứng rận bám trắng xoá dọc các mép đường may mặt trái của quần và áo. Bóc từng cái trứng thì lâu, mất thì giờ. Tôi dùng răng cắn dọc theo những mép đường may này, trứng rận bị cắn vỡ, kêu đốp, đốp, nghe sướng tai. Nhờ vậy những cuộc bắt rận, hay diệt rận, của tôi thường thắng lớn. Mỗi lần bắt rận như vậy tôi diệt được 6 – 8 con. Có những con rận cực béo, cực to, chắc do máu tôi quá ngon, béo bổ đối với chúng. Diệt được những con rận to, nhiều nợ máu này, tôi cảm thấy nhẹ cả người. Đêm ngủ ngon, không còn bị rận quấy rầy nữa.
Kể từ năm 1954, khi tôi 12 tuổi, chấy rận không còn hành hạ tôi nữa. Trong điều kiện hoà bình, đời sống dân làng tôi ngày càng được cải thiện. Tôi được bố mẹ may cho những bộ quần áo mới, mùa đông tôi có áo bông, không còn bị rét mướt như ngày trước nữa. Đặc biệt tôi đã có xà phòng để dùng, xà phòng giặt để giặt quần áo, xà phòng thơm để gội đầu. Có xà phòng, quần áo tôi lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, đầu tóc tôi lúc nào cũng thơm tho, và lẽ dĩ nhiên không còn đất cho chấy rận tác oai tác quái nữa. Tôi thật sự vĩnh biệt những năm tháng chấy rận.
Rút từ cuốn “TÔI VÀ LÀNG TÔI – HỒI ỨC TUỔI THƠ”