Bài viết của ông Tạ Hữu Đỉnh trên trang trannhuong.com xuất hiện mấy ngày rồi bị gỡ bỏ, mà không rõ lý do ( Tôi xin được hỏi bác TrầnHamvui sau). Ngay sau khi đọc xong, tôi cũng đã nảy ra “đôi điều” băn khoăn, và giờ đây, để có thể trao đổi với tác giả bài viết này, tôi phải cầy cục nhờ vả một người đàn anh có lưu trữ nó làm tư liệu riêng.
Ông Tạ Hữu Đỉnh (THĐ) đã tập trung vào hai vấn đề khi có “Đôi điều” với nhà văn Hoàng Quốc Hải (HQH). Tôi cũng xin bám vào hai vấn đề này khi trao đổi cùng ông.
Thứ nhất, là chuyện Ngoạ Vân am ở đâu?
Trong tay tôi đang có cuốn “Cõi thiêng Yên Tử”, do hai tác giả Hà Văn Tấn- Thi Sảnh (Tức Nguyễn Thanh Sĩ), do Sở Văn hoá thông tin Quảng Ninh xuất bản (in 2000 cuốn, Không đề năm xuát bản). Sách đã được in đi in lại nhiều lần để bán & biếu khách hành hương chắc là không dưới hai chục năm, (tôi xin lỗi phải nói mò, bởi cuốn sách đã không có đủ lai lịch cần thiết của nó!), và hiện vẫn đang có giá trị lưu hành. Nhưng, uy tín của hai cái tên tác giả ( một vị là nhà sử học tên tuổi- một trong “tứ trụ” ngành sử học nước nhà, một vị là giám đốc Sở văn hoá kiêm chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Ninh) chắc sẽ làm người đọc (và là người được hướng dẫn du lịch) thấy yên tâm, và thể tất cho cái khiếm khuyết kia! Nhưng uy tín của các tác giả đã khiến nhiều người( trong đó có tôi, hơn chục năm trước khi tới Yên Tử) càng thấy ngạc nhiên vì trong một cuốn sách nhỏ chỉ 40 trang mà có tới ba bốn chỗ cãi lại nhau, phủ nhận nhau kịch liệt. Ngay đầu sách là “Sơ đồ khu di tích Yên Tử”, không hề có địa danh am Ngoạ Vân, thế nhưng ở trang 33 lại viết rành rành, như tác giả Thi Sảnh đã nhìn thấy và miêu tả say sưa: “Men theo con đường phía trái chùa Hoa Yên, một bên là sườn núi, một bên là vực thẳm, dưới đáy vực là rừng dáo tre vút lên thẳng tắp, ta sẽ đến am Ngoạ Vân” –“Am Ngoạ vân đứng dưới tàn cây tùng lớn, trông theo dòng thác Tử chảy trên sườn núi, uốn lượn trắng xoá”- “Thuở Trần Nhân Tông tu hành, am Ngoạ Vân là nơi nhà vua nghỉ ngơi ngắm cảnh và đọc sách sau những lúc cầu kinh thuyết pháp. Am Một Mái nằm sâu trong vách núi phía sau am Ngoạ Vân, là nơi tàng trữ thư cảo của Trần Nhân Tông. Quanh am Ngoạ vân còn có am Thung ( am giã thuốc), am Dược (am chế thuốc)”- “Từ am Ngoạ Vân tiếp tục hành hương đến bia Phật, con đường vắt qua vách núi...” Thế nhưng, ở trước đó chưa đầy chục trang, ở trang 24, các tác giả đã dẫn sách (mà không đề rõ là sách nào), mà sau này chính ông THĐ đã phải làm hộ một cách chính xác như sau: “Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 570 chép” Mùa Đông tháng 11, ngày mồng 3 Thượng hoàng Trần Nhân Tông băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử”. Sách Tam Tổ Thực Lục chép: “Ngày 18 ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn núi Kỳ Đặc. Ngài thấy nhức đầu. Ngài gọi hai vị tì kheo là Tử Danh và Hoàng Trung đến bảo ta muốn lên núi Ngoạ Vân mà chân không thể đi được thì làm thế nào? Hai vị tì kheo bạch rằng hai đệ tử chúng tôi có thể đỡ đại đức lên được, khi lên đến núi ngài cảm ơn hai vị tì kheo và bảo các ngươi xuống núi tu hành đừng lấy sự sinh tử làm nhàm sự. Ngày 19 ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử giục Bảo Sát đến núi Ngoạ Vân.” Ngày 21, Bảo Sát mới đến Ngoạ Vân, “ngài thấy Bảo Sát đến mỉm cười nói rằng ta sắp đi đây, sao ngươi đến muộn thế?”. Rồi ông THĐ khẳng định: “Như vậy là lịch sử đã ghi chép rõ ràng, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch ở am Ngoạ Vân, và am Ngoạ Vân ở núi Ngoạ Vân (Núi này còn gọi là “Bảo Đài Sơn”, hay núi “Vây Rồng”), chứ am Ngoạ Vân không ở núi Yên Tử.” Đúng vậy, nếu Ngoạ Vân nằm ở ngay Yên Tử, thì Pháp Không và Bảo Sát đã không phải đi gọi nhau mất mấy ngày như thế, và chỉ cần một tiếng gọi của Đức Điều Ngự, Bảo Sát chưa đầy nửa canh giờ đã có mặt bên thầy mình.
Rõ ràng là, tác giả viết lịch sử “Cõi thiêng Yên Tử” trong phần “Từ Giải oan đến bia Phật” đã tự ý bịa đặt ra một am Ngoạ Vân ngay tại Yên Tử dưới hình thức tiểu thuyết hoá. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều điều không thể ngay một lúc dẫn tới chân lý cuối cùng, cần tra cứu, bàn bạc, khảo nghiệm, song ở đây, tác giả cứ xưng xưng là ta đã biết rõ mười mươi, rồi cứ thế nhập nhèm bằng hoa lá văn vẻ để lấp liếm sự thiếu hiểu biết của mình- nếu không muốn nói là cố tình đánh lừa độc giả - khách hành hương! Cái cách ông THĐ bênh vực các vị giáo sư sử học, thú thực là tôi thấy buồn cười: “sự nhầm lẫn của hai vị giáo sư kia, có thể vì các vị ấy học sử, đọc sử đã lâu, bây giờ tuổi cao, trí nhớ giảm. Mà khi người ta đã quên, thì cũng nên thông cảm, chứ bảo các vị ấy “vô trách nhiệm”, tôi nghĩ là hơi quá lời. Vả chăng, nước ta có rất nhiều chùa chiền, các vị ấy có quên đi một ngôi, dù đó là nơi viên tịch của một vị hoàng đế, thì “cái kho kiến thức” đã giúp các vị ấy trở thành giáo sư cũng chẳng vơi bớt đi là bao, Và ngược lại, nếu các vị ấy vẫn nhớ ngôi chùa ấy ở đâu, thì “cái kho kiến thức” của các vị ấy cũng chẳng đầy lên được bao nhiêu. Cho nên trước sau, họ vẫn nguyên vẹn là các vị giáo sư đáng kính.” Rõ là cách nói lấy được, để lấy lòng các vị GS đáng kính, song thực ra lại là một sự xúc phạm đối với các vị ấy, thưa ông. Bởi họ đâu có cần cái sự chiêu tuyết, thông cảm kiểu đó của ông. Tôi tin là các vị GS đáng kính đó, nếu biết rõ điều gì thì họ sẽ viết thành văn bản, rồi bảo vệ bằng những luận chứng có sức thuyết phục. Còn nếu chưa biết, hoặc biết còn lơ mơ, thì họ dè dặt, nói miệng, hoặc đưa ra công luận như một giả thuyết để cùng tranh luận... Trong cuốn “Cõi thiêng Yên Tử”, GS Hà Văn Tấn chỉ viết có phần khảo luận đầu tiên: “Nghĩ về Thiền và thiền phái Trúc lâm”, còn tất cả những trang sau là do ông Thi Sảnh múa bút ( lại còn chịu trách nhiệm xuất bản nữa!). GS Hà Văn Tấn chỉ có lỗi là ông đã quá tin tưởng ở người đồng nghiệp trẻ, sai sót “chết người” kia chẳng qua là một tai nạn nghề nghiệp không phải là hiếm hoi trong thời buổi háo danh này!
Nhưng buồn cười nhất là cái việc ông THĐ bênh vực tác giả Thi Sảnh: “Vậy, nếu ông Thanh Sĩ làm giám đốc Sở Văn hoá tỉnh Quảng Ninh vào thời gian đó, thì chuyện ông không biết am Ngoạ Vân ở đâu, tuy cũng là điều đáng trách, nhưng cái sự không biết đó lại chứng tỏ ông là người không mê tín dị đoan. (Sau vụ phá chùa chiền- trước khi ông Thanh Sĩ làm giám đốc phải tới hàng chục năm!- người viết bài này chú thích). Tuy vậy, cảm thấy lời bênh vực kia có gì hơi lố, lại giấy trắng mực đen lồ lộ, nên ông THĐ cực chẳng đã buộc phải phán một cách vừa đấm vừa xoa rằng: “ Có lẽ điều đáng chê nhất là ông đã không có đủ can đảm để nhận mình không biết am Ngoạ Vân ở đâu, nhưng lại cả gan viết lời hướng dẫn đường đi đến am Ngoạ Vân ở núi Yên Tử! “ Vâng, nếu ông THĐ có lòng công bằng chính trực, không thiên vị mà tôi tin là thế, khi ông biết rõ cuộc hành trình gian truân của nhà văn HQH và nhà sử học Đinh Công Vĩ hơn 15 năm trước “Đi tìm một Ngoạ Vân” (1), được đọc bài viết do chính nhà văn kể lại ngọn ngành cuộc hành trình( Chứ không chỉ qua một bài viết phê bình sách) , chắc ông sẽ không có những lời lẽ gần như hằn học, miệt thị như sau: “Như vậy thì đâu phải là nhà văn Hoàng Quốc Hải tìm thấy am Ngoạ Vân?”- “ Cho nên chuyến đi tìm am Ngoạ Vân của nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ có ích cho riêng ông ấy.” Sự thật là, cũng đúng như ông THĐ nói, “Vì Phòng Văn hoá huyện Đông Triều đã cử người dẫn nhà văn đến am Ngoạ Vân, thì đương nhiên là Phòng Văn hoá và người dẫn đường đã biết am Ngoạ Vân ở đâu rồi. Cũng như tất cả người dân ở thôn Tây Sơn, ở xã Bình Khê, ở huyện Đông Triều, và tất cả tín đồ phật giáo ở khắp nơi, những ai đã đền Ngoạ Vân lễ Phật, thì đều biết am Ngoạ Vân ở núi Ngoạ Vân, huyện Đông Triều”; nhưng điều quan trọng hơn cả thì ông THĐ lại không biết, hay có biết mà không dám nói, còn nhà văn HQH lại nói rõ ra một cách đau xót: “ Không hiểu do hoàn cảnh nào mà các nhà khoa học lịch sử và quản lý văn hoá, lại bỏ sót một Ngoạ Vân vẫn đang tồn tại ra khỏi quần thể di tích Yên Tử? Điều kỳ lạ là, bất cứ một cán bộ nào, người dân nào của huyện Đông Triều cũng biết một am Ngoạ Vân đang hiện hữu, ngoại trừ các đời giám đốc Sở văn hoá Quảng Ninh, và các nhà khoa học lịch sử chuyên khảo về Yên Tử là không biết.” (2) Chỉ sau khi có bài viết trên, những cấp có trách nhiệm mới vội vàng tới Ngoạ Vân để khảo sát, tu bổ và đề nghị xếp hạng và trả di tích này về quần thể Yên Tử, đúng như nhà văn Đặng Văn Sinh khẳng định trong bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc”: “Như vậy, từ đây, Ngoạ Vân đã được định vị chính xác trên bản đồ quần thể di tích Yên Tử, tạo điều kiện cho các thiện nam, tín nữ cũng như khách du lịch thập phương đến viếng thăm. Công lao ấy có một phần không nhỏ của nhà văn Hoàng Quốc Hải”. Điều đó là chính xác, công bằng, đâu có gì là sai trái và quá đáng khiến ông THĐ phải hậm hực?
Ông THĐ là người Quảng Ninh, ông tự ái thay cho các đời giám đốc Sở Văn hoá QN và một vài nhà nghiên cứu lịch sử gắn bó với QN mà ông kính trọng là điều dễ hiểu, song ông là người đã lên giọng dạy các “kẻ sĩ” nên phải làm gì trong hoàn cảnh hiện nay, thì cũng nên bảo vệ sự thật lịch sử và đặt chúng cao hơn những tình cảm cá nhân...
Nhân nói về lai lịch và thân phận am Ngoạ Vân, tôi thấy cần phải kể thêm một “sự tích bất hủ” khác cũng do ông giám đốc Sở Văn hóa Thanh Sĩ nọ đã tự “sáng tác” ra, bất chấp sự thực lịch sử, và ghi trên giấy trắng mực đen của cuốn “Cõi thiêng Yên Tử”. Sau đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khảo cứu thư tịch, về tận địa phương tìm hiểu, rồi có bài viết “Giải oan hay hàm oan” khá chi tiết, giàu sức thuyết phục về chuyện này, với lời kết luận:
“Nói tóm lại chuyện 100 cung nữ trầm mình, chuyện lập chùa thờ cúng, chuyện “làng Nương”, “làng Mụ” đều là chuyện hư ảo cả.
Cho nên chuyện “Suối Giải Oan” cho các cung nữ chết ảo, lại hóa ra chuyện hàm oan cho Trần Nhân Tông - một vị vua Phật sáng giá nhất trong các vị vua của Việt Nam và cả nhân loại.
Bởi vậy dư luận đòi hỏi:
1/ Tác giả “Cõi thiêng Yên Tử” (ông Thi Sảnh tức Thanh Sỹ) phải cải chính việc chỉ dẫn sai lầm về nơi chốn am Ngọa Vân.
2/ Nếu không giải trình nổi các vấn đề mà tôi bác lại các điều vô lý mà sách “Cõi thiêng Yên Tử” đã nói về Suối Giải Oan và Đức Phật hoàng Trần Nhân tông, thì phải có lời sám hối bằng văn bản, xin lỗi độc giả và khách hành hương về Yên Tử gần hai chục năm qua.
Sau rốt, tôi thật sự không hiểu nổi, tại sao ngành giáo dục và ngành văn hóa nước ta, lại đào tạo được những cán bộ quản lý khó hiểu như thế này cho đất nước. Đương nhiên, họ không thuộc số ít.” (http://trannhuong.net/tin-tuc-40674/giai-oan-hay-ham-oan.vhtm.)
Thứ hai, là về vụ án Lệ Chi Viên.
Ông THĐ viết như sau: “Còn vụ án oan ở Vườn Vải, cho đến nay đã tốn quá nhiều công sức và giấy mực rồi, mà mọi sự cũng quá rõ ràng, minh bạch rồi, người bị oan đã được minh oan rồi. Tưởng chẳng còn gì để bàn nữa, nhưng trong bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc”, tác giả Đặng Văn Sinh lại viết: “Công bằng mà nói, khi Lê Thánh Tông chấp chính Nguyễn Trãi đã được minh oan, nhưng thật ra, ông vua hay chữ này mới chỉ dám giải oan một nửa cho Ức Trai, còn Nguyễn Thị Lộ thì không…” Thiết nghĩ khẳng định như vậy là không đúng với sự thật lịch sử. “
Để chứng minh điều này, ông THĐ dẫn ra bài: “Bút ký về Nguyễn Thị Lộ”: “Tờ chiếu minh oan gồm hai phần. Phần đầu viết lời minh oan cho Nguyễn Trãi, cuối phần đầu có một câu kết luận Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Đến phần thứ hai ghi minh oan cho Nguyễn Thị Lộ, câu kết có tám chữ: “Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội” (Nữ sĩ triều trước [là Nguyễn Thị Lộ] không liên quan gì đến tội [giết vua]. “Đến triều vua Lê Dụ Tông, năm 1710, Đại nguyên soái An Đô Vương Trịnh Cương đến thăm đền công thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương có ra lệnh cấp cho đền thờ ông bà tại xứ Cáo Thượng 1 mẫu 5 sào để giao cho Giáp 5, Giáp 6 cày cấy, lo việc giỗ chạp ông bà Nguyễn Trãi.”(3) Theo ông THĐ, như thế là quá đủ với bà Nguyễn Thị Lộ, và ông có vẻ hoài nghi với những gì mà sách sử viết về tài năng, nhân cách của bà: “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép, bà Nguyễn Thị Lộ là người đẹp, văn chương hay, được vua Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ để dạy bảo các cung nữ. Song cả giáo dục và văn chương cũng không thấy có “dấu tích” gì để lại, ngoài cái danh xưng “Lễ nghi học sĩ”. Nhưng bà đã được minh oan và “phục thăng Quốc Mẫu”.” Nhưng, thưa ông THĐ, ông cần tham khảo thêm một số nhà nghiên cứu sử học có uy tín nữa để thấy, lời khẳng định trên của nhà văn ĐVS là hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử! Ông Trần Huy Liệu- người anh cả của giới sử học VN đã từng thốt lên trong năm 1962: “Ngày nay chúng ta chẳng những phải làm sáng tỏ khí tiết của Nguyễn Trãi mà còn phải minh oan cho Nguyễn Thị Lộ nữa!”(4) GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN trong bài “Nguyễn Thị Lộ, một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm” đã nhận định: “Như vậy từ đời Lê đến đời Nguyễn, Nguyễn Trãi đã dần dần được minh oan, chiêu tuyết. Công lao bình Ngô, những cống hiến về tư tưởng, văn học và tài năng, nhân cách của ông ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, về Nguyễn Thị Lộ thì gần như chưa được minh oan, thậm chí bộ quốc sử đời Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục vẫn chép theo quan điểm xử tội của triều Lê năm 1442:...”(5) Bởi, cũng theo GS lê, “còn nhiều điều bí ẩn bị che đậy đằng sau vụ án oan khốc và bi thảm này mà chính Lê Thánh Tông cũng chưa dám khám phá”(6). Đây là quan điểm của GS sử học Đinh Xuân Lâm: “Khi buộc tội thì gắn chặt Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ xem như là đôi thủ phạm chính, nhưng khi xoá án thì lại chỉ nhắc tới Nguyễn Trãi. Phải chăng đó cũng là biểu hiện của tư tưởng coi thường, xem khinh nữ giới, mà không chịu tuyên bố công khai là mình đã sai lầm đối với họ?...Cũng cần có sự chiêu tuyết công khai cho bà, không thể để bà chỉ là cái bóng mờ nhạt của Nguyễn Trãi”.(7)
Liên quan tới vụ án Vườn vải, ông THĐ lại một lần nữa nói về bài viết “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” của nhà văn HQH ( Mà trước đó ông THĐ đã nhiệt thành công kích! ): “Bài viết này tôi chỉ đề cập đến hai lần sử gia Ngô Sĩ Liên bị nhà văn Hoàng Quốc Hải xúc phạm danh dự, nhân phẩm nặng nề, ở bài “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”: Lần thứ nhất, tại trang 86 (sách đã dẫn), nhà văn Hoàng Quốc Hải viết: “Không một kẻ hiếu sắc trai trẻ nào lại si mê một bà bằng tuổi mẹ mình. Do đó không thể có chuyện tình ái giũa Thái Tông và bà Lộ (Tất nhiên trong cuộc đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này ít có khả năng). Vậy mà sử quan vẫn lạnh lùng chép: “Ngày đêm hầu bên cạnh” và “thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”. Xem ra sử quan đã vượt lên trên cả sự phi lý và VÔ LUÂN…”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết tiếp: “Tư cách của sử quan và Đài ngự sử như thế, thì chúng ta có quyền tin tưởng sâu sắc rằng, những điều họ chép ghi về vụ án Vườn Lệ Chi là dối trá…Tuy nhiên có một điều đau lòng là sử gia Ngô Sĩ Liên, đã hạ một lời bình rất bất lương( Lần thứ hai, tại trang 95, 96, 97 tập sách nói trên) ông đã viết: “Trong vụ án Vườn Lệ Chi, tôi không tin một dòng, một chữ nào mà sử gia Ngô Sĩ Liên chép vào chính sử, trừ cái chết của Nguyễn Trái, Nguyễn Thị Lộ. Bởi không những ông phải chịu sức ép nhiều bề, mà ngay cả nhân cách ông cũng không tin được....” Rồi từ đó, ông THĐ hạ bút phán quyết xanh rờn như một pháp quan: “Như vậy là nhà văn Hoàng Quốc Hải đã vi phạm Khoản I, Điều 20, Hiến pháp 2013, xúc phạm danh dự và nhân phẩm Danh nhân văn hoá Ngô Sĩ Liên. Đồng thời ông cũng có lỗi với Chính quyền thành phố Hà Nội, có lỗi với nhân dân khu phố Ngô Sĩ Liên, với các thầy cô giáo và hàng nghìn học sinh ở hai trường Trung học cơ sở được vinh dự mang tên Danh nhân văn hoá Ngô Sĩ Liên.”
Thưa ông THĐ, tôi hiểu và trân trọng tình cảm của ông đối với danh nhân Ngô Sĩ Liên, và đó cũng là tình cảm chung của mỗi con dân nước Việt. Nhưng, cụ NSL- cũng như nhiều danh nhân văn hoá lịch sử nước ta, đâu phải là Thánh nhân không tì vết! Chỉ nói riêng về cụ NSL, trong phạm vi vụ án oan động trời này, nhiều sử gia hiện đại và nhiều văn nghệ sĩ có uy tín đã có những nhận xét đánh giá khiến ai cũng phải thấy ngậm ngùi, xót xa, tiếc nuối: “Chính sử triều Lê tất nhiên chép theo quan điểm chính thống, kết tội Nguyễn Thị Lộ đã “giết vua” và Nguyễn Trãi phải liên luỵ, kèm theo Lời bàn hết sức nặng nề:...” ( Phan Huy Lê)(8). “Còn đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị có dụng ý, ngay từ đầu đã lộ rõ ý định bằng bất cứ giá nào cũng phải giết cho được người phụ nữ mà chúng buộc phải công nhận là “người đẹp văn chương hay”, khi chúng tung ra một dư luận ác độc có ý áp đặt, cả vú lấp miệng em mà thiếu một cơ sở điều tra cần thiết rằng: “mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua” (Đinh Xuân Lâm)(9) “Sử sách chép rất sơ sài, và chỉ khẳng định một cách áp đặt. ĐVSKTT chép:...” (Vũ Ngọc Khánh: Từ bản án đến con người)(10). “Nếu Ng. Trãi không xui Thị Lộ làm việc thí nghịch, thế thì tại sao Thái Tông lại chết một cách đột ngột như vậy? Để trả lời câu hỏi đó, những người viết sử-kể cả Ngô Sĩ Liên là người đồng thời- đều không ai dám đặt lại vấn đề từ đầu, vì như thế tất sẽ động chạm đến nhiều người có quyền thế trong triều đình, nên đành phải vin vào việc có mặt Ng. Thị Lộ đêm Thái Tông chết vì mắc cảm sau một đêm truy hoan cùng nàng.”( Lê Thước và Trương Chính: Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi- Tập san Văn Sử Địa số 24, tháng 1-1957.)(11) “những lời bình vô căn cứ mà người ta vô tình hay hữu ý đã gán ghép cho Ng. Thị Lộ, để lại những tiếng xấu, những hiểu biết sai lầm mập mờ có hại cho danh tiếng của bà...Những lời bàn ấy chỉ gieo tiếng xấu, xúc phạm đến nhân cách của bà chứ không phải là những lý lẽ để buộc tội.”( Hoàng Hữu Đản: Từ Bí mật vườn Lệ Chi suy ngẫm)(12) “Sử phải viết khác với toà án, với suy diễn của bọn cầm quyền quá khứ. Vậy thủ phạm là ai? Nhà sử học được gọi là sử thần của triều đại không dám động đến lông chân Nguyễn Thị Anh....Không dám tìm ra thủ phạm đích thực thì phải đổ cho người khác là thủ phạm để đỡ đòn... Đó là cách rất hay để cho một vương triều lớn từng hiển hách võ công văn trị như nhà Lê đỡ bẽ mặt.” ( Đinh Công Vĩ: Từ thảm án Lệ Chi Viên với hình ảnh Nguyễn Trái- Nguyễn Thị Lộ)(13), v.v. Còn rất nhiều nữa tiếng nói của các tri thức trung thực tỏ thái độ lên án, chê trách sử gia triều Lê đã bất chấp sự thực lịch sử và thiếu lương tâm để vô tình tiếp tay cho cái ác, “nối giáo cho giặc”, dẫn đến cái chết bi thảm của hai con người lỗi lạc thời bấy giờ cùng ba trăm người thân thích, tạo ra một nỗi oan khốc mang tên Lệ Chi Viên: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi. Vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”( Phạm Văn Đồng). Không thể dùng một từ nào chính xác hơn, đó là một lời bàn BẤT LƯƠNG” ( chữ của nhà văn HQH) về bà Nguyễn Thị Lộ: “Nữ sắc làm hại người quá lắm thay, Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?” Nhưng ông THĐ đã bênh vực sử gia triều Lê một cách khá vụng về, theo lối thầy giáo giải thích qua loa cho học sinh phổ thông khi bí kiến thức: “Theo tôi lời bình đó nếu có sai trái, thì chỉ sai với thời bây giờ thôi, còn thời xưa thì lời bình đó hoàn toàn là sự thật. Vì nó phản ánh đúng quan niệm về đạo đức của thời đại ấy là trọng nam khinh nữ. Sắc đẹp của người phụ nữ được coi là (hay bị coi) là khuynh quốc, khuynh thành. Ở nước Tầu thời xưa, người ta cho rằng sắc đẹp của Tây Thi đã làm mất nước Ngô…” Than ôi, đây đâu phải là chuyện “trọng nam khinh nữ”, chuyện tửu sắc nơi “cửu đỉnh” như ông THĐ nói, mà là là chuyện sử gia đã bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi và thể diện của triều đình độc ác, ông đã mang nhân cách mình ra để làm bệ đỡ cho cái triều đình “Không dám tìm ra thủ phạm đích thực thì phải đổ cho người khác là thủ phạm để đỡ đòn”! Đó là điều thực vô cùng đáng tiếc đối với một sử gia tầm cỡ như Ngô Sĩ Liên, nhất là khi ông viết về sự kiện đó, thời gian đã trải qua hơn ba chục năm, Lê Nghi Dân, rồi sau đó Lê Thánh Tông đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi! Ngay cả giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất, kề bên hang hùm nọc rắn của Thị Anh và bè lũ tham quan đang run sợ trước khí phách của Nguyễn Trãi, sử gia đáng kính sao đã không có lấy một phần dũng khí của Tư Mã Thiên, của Sử Ngư, để nếu không thể giữ được mạng sống của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ thì cũng không để danh dự của hai vị bị dính vào bùn máu của một tội ác nhơ bẩn và sẽ còn đeo đẳng suốt mấy trăm năm sau? Chúng ta có thể cảm thông với sự tức giận, phẫn nộ chính đáng của nhiều trí thức hôm qua và hôm nay- trong đó có nhà văn HQH, đối với một tài năng lỗi lạc như Ngô Sĩ Liên ở vụ án Vườn Vải mà “một thái độ không khách quan, thiên vị có dụng ý, ngay từ đầu đã lộ rõ ý định bằng bất cứ giá nào cũng phải giết cho được người phụ nữ mà chúng buộc phải công nhận là “người đẹp văn chương hay”... Rõ ràng là sự miêu tả khách quan lạnh lùng và những Lời bàn khắc nghiệt của sử gia đã tạo cái nền cho pháp luật bất chấp lẽ phải, và góp phần thổi bùng lên lòng hận thù đối hai con người vốn là mối đe doạ cho quyền lực danh vọng, thậm chí cả tính mệnh của những kẻ đang chi phối triều đình!
Còn với tư cách cá nhân, ông THĐ có thể thích hay không thích bài viết “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” của nhà văn HQH, nhưng ông không có quyền, và không có cơ sở để phủ nhận tính hợp pháp trong đề nghị của nhà văn này: “Toà án nhân dân tối cao nên ra một phán quyết đặc biệt phủ nhận tính bất hợp pháp của phán quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442) để trả lại sự trong sáng cho Bà Nguyễn Thị Lộ, đồng thời làm sáng tỏ tính nghiêm minh của lịch sử”(14). Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, sau khi đọc bài “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” đã nhiệt liệt ủng hộ, bằng lời đề nghị viết bằng văn bản: “Toà án Nhân dân Tối cao nên thụ lý vụ án Lệ Chi viên năm Nhâm tuất 1442”(15). Vị luật sư cũng không kìm nổi sự bất bình trước việc “sử quan Ngô Sĩ Liên lại giáng cho Bà (Thị Lộ) một đòn chí tử qua lời bàn:...”, và ông vạch rõ ý nghĩa của một Toà Án Lương Tâm cần thiết: “Theo tôi, trên góc độ lịch sử và cả trên bình diện luật pháp, Nhà nước nên chính thức giải toả. Bởi tới nay, chúng ta đủ căn cứ bác bỏ tính áp đặt, tính phi nhân văn của án tích Lệ Chi viên năm 1442, mà những điều minh chứng có căn cứ trong công trình của nhà văn HQH là hoàn toàn có cơ sở khoa học”. Khi nhà văn HQH viết: “Toà nên ra một phán quyết đặc biệt phủ nhận tính bất hợp pháp của phán quyết Lệ Chi Viên” là rất chính xác, cớ sao ông THĐ lại bắt bẻ: “Thưa nhà văn, Toà phủ nhận tính hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên mới đúng chứ?”. Thưa ông THĐ, phán quyết LCV đó là dựa trên những lời bàn đầy thiên kiến, áp đặt của sử gia, và dựa trên mối tư thù riêng cùng những âm mưu thâm độc bẩn thỉu, “phi nhân văn”, vì thế chúng mang tính bất hợp pháp cần phải bác bỏ! Ông THĐ bênh vực tính hợp pháp nào ở đây ạ? Và tôi thực không hiểu nổi, vì sao đang bàn chuyện thật- giả trong quá khứ lịch sử, ông THĐ lại cố lái câu chuyện về hiện tại, trách nhà văn đã không lên tiếng đòi trả công lý cho các án oan trong Cải cách ruộng đât, Nhân văn giai phẩm,v.v, để rồi cao giọng dạy dỗ: “Nhân cách, phẩm chất kẻ sĩ thời xưa là: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Còn thời bây giờ, một số người tự xưng là “kẻ sĩ”, nhưng lại ngoảnh mặt đi, vô cảm trước những oan trái, bất công của con người. Thậm chí có kẻ còn tố cáo, đẩy bạn bè, đồng nghiệp của mình vào vòng hiểm hoạ, để tâng công, để bày tỏ lòng trung thành, nhằm kiếm danh, kiếm lợi. Bọn người đó, hỏi có đáng mặt là kẻ sĩ không?” Tới đây, tôi lại một lần nữa phải phì cười, bởi ông THĐ đã lên lớp dạy đời không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng đối tượng, khi ông cảm thấy tự mình cũng khá vô duyên và đuối lý trong tranh luận, nên đành thốt ra vài câu văn đạo lý để gỡ lại chút thể diện... Phải chăng, đó cũng là một câu chuyện vui góp vào kho tàng giai thoại về “Kẻ sỹ” thời nay?
___________________
Hoàng Quốc Hải- Những dấu chân, những nẻo đường- NXB Phụ nữ, HN, 2005
Những dấu chân, những nẻo đường, Sđd, tr. 445
PGS Trần Bá Chí- Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, NXB Văn hoá – Thông tin năm 2009, tr. 199, 200
Nguyễn Trãi, một nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc VN, dẫn từ sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên”, NXB Văn hoá – Thông tin, 2004, tr. 139
5,6. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, NXB Văn hoá – Thông tin năm 2004, tr.89
7. Sđd, Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm của người viết sử- tr.109.
8. Sđd, tr.88
9. Sđd, tr.197
10. Sđd, tr.196
11. Sđd, Dẫn theo tr.397.
12. Sđd, tr.290
13. Sđd, tr.245
14. Sđd, tr. 127
15. Sđd, tr. 415
Hà Nội, 18-5-2017
Mai An Nguyễn Anh Tuấn