Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI BUỔI BAN ĐẦU...THĂM MỸ ẤY

Xuân Ba
Thứ hai ngày 29 tháng 5 năm 2017 2:29 PM




Sau thời điểm bình thường hóa quan hệ cách đây 22 năm, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước là những dấu ấn mốc son nổi bật của chiều dài quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.

Ở nhánh hành pháp, khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2008), và sắp tới đây là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ từ 29-31/5.

Từ ngày 19- 25 tháng 6 năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh.

Những nét bút trong sổ biên việc của chuyến thăm đầu tiên ấy dường như hẵng còn tươi mực. Những câu chuyện sau được rút tỉa từ cuốn sổ ấy cùng hồi ức của người ghi sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết thú vị tưởng như bên lề của việc khởi đầu nan.

Thủ tướng thăm Mỹ, Tổng bí thư thăm Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Xuân Phúc

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hoá


Sự thật về chuyện tốp nhà báo

Việt gặp nạn

6 giờ 45 phút ngày 19 tháng 6 năm 2005, chuyên cơ cất cánh tại sân bay Nội Bài.

Trên khoang đầu là 34 thành viên Đoàn thăm chính thức.

Phan Văn Khải Thủ tướng Chính phủ. Vũ Khoan, Phó Thủ tướng. Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng tài chính. Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cao Đức Phát, Bộ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguyễn Tâm Chiến Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Lê Văn Bàng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao. Nguyễn Huy Hiệu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an. Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư. Lương Văn Tự, thứ trưởng Bộ Thương Mại. Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ tài chính. Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ bưu chính viễn thông. Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộu Giáo dục đào tạo. Trần Doãn Thọ, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải. Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Việt nam. Trần Xuân Giá, trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Kiều Đình Thụ, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ. Lê Thanh Hải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Dương Anh Điền, Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Huế. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội. Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Trần Đông A, Giáo sư, bác sĩ, Phó giám đốc bệnh viện nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Phạm Chánh Trực, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ. Mục sư Lê Văn Thiện, Tổng thư ký Ban trị sự Tổng Liên hội Tin lành Việt Nam.

Trong số 34 thành viên đoàn thăm chính thức, bây giờ nhiều vị đã nghỉ hưu hoặc đảm nhận chức vụ, công tác khác, trong đó có Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc nay là Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn tuỳ tùng, hình như có lẽ là đông nhất trong các cuộc thăm, 66 vị.

Nhóm báo chí tháp tùng được nhà nước đài thọ kinh phí lẫn tự túc tròn 20 người. 12 năm đã qua, nay nhiều người đã hưu như Phạm Khắc Lãm, Xuân Thùy, Hoài Thu… Đã mất như Võ Như Lanh, Thế Thuần. Hoặc thành quan báo lẫn đi làm việc khác trong đó có Hồ Quang Lợi, Đăng Học, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quang Thông…

Tôi được Ban tổ chức xếp cùng phòng cho suốt cả chuyến đi là nhà báo Phạm Khắc Lãm. Anh em trong nhóm báo chí tháp tùng chúng tôi gọi người đồng nghiệp cao niên ấy là cụ! Ây là một kiểu gọi cho vui đó thôi... Chứ cụ gì mà tổng cộng chuyến đi 24 lần cái chuyên cơ thoắt thay đổi độ cao để hạ để lên và băng qua chặng lộ vân đi lẫn về 36.000 cột số đường trời với 44 giờ đồng hồ lơ lửng trên độ cao mười, mười một ngàn mét mà cấm thấy nhà báo Phạm Khắc Lãm tuổi khi ấy là bảy mươi lăm nhăn nhó hay kêu kiếc gì! Đã thế cứ chiểu theo chương trình ghi trong cuốn lịch công tác phát cho từng phóng viên, cụ cũng chạy gằn chạy gấp cũng sải bước mau bước khoan như chúng tôi để bắt kịp công việc! Liền tù tì nửa tháng như thế, trải từ Mỹ đến Canada, cấm thấy cụ bỏ bữa làm nào. Cũng như chúng tôi tối mắt với việc, cụ ngủ ít lắm. Thường chỉ hai ba tiếng mỗi đêm nhưng kỳ thực là ngày bên mình do lệch cái múi giờ! Nhưng giấc của cụ rất say, rất sâu. Không ngáy. Tư thế nằm rất hiền. Nhỏ thó, gọn gàng, như một đứa trẻ. Vóc lẫn dáng cụ không có bụng. Mảnh khảnh dây dây. Không biết cụ có tập tành thiền thiếc chi không nhưng giữ co ngưòi đến cái tuổi này mà còn được cái vóc hạc ấy là hiếm. Lắm đêm, đang mải gõ bài, chợt giật nẩy cả mình khi nghe thấy chất giọng lào phào bên cạnh chả thấy cậu ăn gì cả... Thì ra cụ lặng lẽ dậy từ khi nào và đang lui cui hãm cho mình một bát mỳ!

Chao ôi nhà báo Phạm Khắc Lãm, con trai Đổng lý ngự tiền Phạm Khác Hòe. Nhiều khi thấy giận lây cả ai đó trong ban tổ chức có vài lần do công việc đã trống không với cụ như với chúng tôi vậy! Mỗi lúc như thế tôi lại đồ rằng, cái người vừa trống không với cụ kia, có lẽ không biết nhà báo Phạm Khắc Lãm, hồi anh ta chưa sinh hoặc đang mới oe oe, cụ Lãm đã là tốt nghiệp Trường báo chí Bắc Kinh, đã là Vụ trưởng một Vụ ở Ban Tuyên huấn Trung ương, đã từng thông thạo nhiều ngoại ngữ trong đó có tiếng Trung, Anh Pháp. Từng là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ và phương Tây và mãi sau mới ở chức danh Giám đốc Đài truyền hình trung ương, rồi Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Biên tập Tạp chí Việt Mỹ bây giờ. Vậy nên sự có mặt của cụ trong đoàn đi này là phải lắm. ( Nhớ hôm ở khách sạn Wardotf Astoria của New York, tôi đang mắt nhắm mở thì có hai ông bà người Mỹ ngó chừng cũng đã luống tuổi tới tìm cụ Lãm. Sau mới biết đó là một nhân vật cỡ bự của báo chí Mỹ. Cụ ông là Seymour Topping nguyên Tổng biên tập tờ New York Times kiêm Chủ tịch Giải thưởng Pulittzer. Còn bà vợ trẻ hơn, nguyên là phóng viên ảnh cũng của tờ báo ấy tên là Audrey Ronny. Cụ quen họ hồi hai vợ chồng sang Việt Nam công tác. Khách của cụ đại loại là thế. Không dân viết báo thì là học giả là nghiên cứu...

Ngó gương mặt cụ Lãm đang thanh thản chìm vào giấc ngủ sâu trong ánh đèn vàng ấm, nghĩ đến chuyện buổi trưa nay mà vừa thương cụ lẫn bực! Sau khi dự buổi họp báo chung trong Nhà Trắng của Tổng thống Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải, nhóm phóng viên Việt Nam thung thăng tản bộ ra đại lộ Pensylvania chạy qua trước mặt tiền Nhà Trắng để tới chỗ xe của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đậu. Tốp đi trước đã lên được xe, tốp đi sau gồm có cụ Lãm, Lưu Vinh ở Báo Công an nhân dân, Nguyễn Anh Tuấn Tổng Biên tập báo Việt Nam Net, Bạch Ngọc Chiến, tuỳ viên báo chí sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và tôi. Hồi sáng tới cổng Nhà Trắng, tôi đã thấy loáng thoáng khoảng hơn chục người Việt cầm cờ vàng sọc đỏ tụ tập ở công viên La Fayette mé bên đại lộ Pensylvania. Thời gian chúng tôi tác nghiệp trong Nhà Trắng thì bây giờ họ đã tụ tập thêm khá đông dễ hơn trăm người chứ không ít... Đã quá quen với cái cảnh hễ có đoàn thăm nào đó đến một vài nước có bà con Việt mình sinh sống thì lại diễn cái trò biểu tình! Luật pháp nước sở tại thường cho phép họ mần cái việc đó nhưng có quy định hẳn hoi như chỉ được đứng trong một chỗ nhất định và cấm các hành động quá khích ném đá, dùng gậy gộc để hành hung người khác... Vậy nên vừa ra khỏi Nhà Trắng thấy đám người gào thét này khác bên kia đường, chúng tôi cũng chẳng lấy làm lạ vậy nên chả ai để ý đến khoảng hơn chục gã đàn ông mặt mũi bặm trợn đã lặng lẽ tách khỏi nhúm người kia, đợi cho chúng tôi tản bộ khỏi cổng chính của Nhà Trắng một đoạn liền lao vào... Quá bất ngờ, nhưng chúng tôi, sao khi ấy lại sáng ý đột suất như thế, là chả ai bảo ai đều chạy tuốt lại phía cổng Nhà Trắng, nơi có tốp nhân viên an ninh vẫn găm mình 24/24 tại đó, trên lưng áo họ có hàng chữ FBI. Nhưng tôi có hơi bị chậm chân... Vừa tức lẫn vừa sợ bởi một cú đạp đau điếng vào người may mà chệch chỗ hiểm, nên tôi không biết khi đó Lưu Vinh cũng bị quật mấy cái vào đầu bởi một chai nước suối. Còn Nguyễn Anh Tuấn có cái va li con con đựng cụ bị hành nghề lúc nào cũng kéo theo người thì bị chúng đá văng đi nhưng may Tuấn chộp lại được. Tôi nhác thấy Tuấn khi mải chụp cái va li con thì bị mấy cái cán cờ phang vào lưng lẫn đầu!

Cụ Lãm, cụ Lãm đâu rồi? Có lẽ phải ám, phải găm trong tôi hơi bị lâu từ cái buổi trưa gặp nạn này, cái dáng của cụ Lãm ngả nghiêng lảo đảo bên tôi như một con cò đổ bão... Trời ơi, cụ có bị cái đạp cái thụi nào không? Nói thì lâu nhưng việc diễn ra thì chóng. Những vệ sĩ FBI như những ông hộ pháp súng ống dùi cui găm đầy mình thoáng thấy việc đám hô hét kia lợi dụng biểu tình để hành hung để phạm luật liền lao ra chặn đứng chúng lại, xách cái đám người hung hãn kia như xách những con nhái! Định thần, chúng tôi chợt nhận ra đã được dồn vào một cái phòng làm việc ngay sát ria đường của FBI. Nhìn ra cửa kính, tôi thấy cái nhúm người hô hét bị đám FBI xua tuốt luốt như quét rác. Còn cái đám hung hãn kia thì bị tống ngay lên xe có còi hụ rồi vút đi đâu không rõ... Thấy chúng tôi hỏi han dồn dập, cụ Lãm cười tỉnh rụi như không, nói cứ yên trí cụ không bị sao cả! Nhưng mà trông cụ hơi xanh và hơi xộc xệch... Còn Nguyễn Anh Tuấn TBT Vietnamnet lại có ngay cái cười tươi tắn thường trực. Chừng như sự cố vừa rồi chả hề hấn gì đến việc Tuấn đương tác nghiệp. Tuấn đang say sưa nói vào cái máy di động vệ tinh. Mãi sau mới biết, khi ấy Tuấn đang đọc nói đúng hơn là đang tường thuật một cách trung thực khách quan tại chỗ cuộc hành hung cho Toà soạn Vietnam Net ở đường Láng Hạ tít bên kia quả đất ghi lại !

Khá khen thay cho cái máu nghề, cái nhanh nhậy của anh bạn đồng nghiệp! Trong suốt chuyến đi, Tuấn đều có cái lối hành nghề nhanh nhậy như thế. Ở nhà ghi âm những gì Tổng biên tập nói rồi tung lên mạng. Vậy nên thông tin của chuyến đi, có lẽ trong mặt bằng báo chí chỉ có VietnamNet là đưa nhanh nhất. Và cũng đắc dụng thay cái máy điện thoại của Bộ Bưu chính viễn thông cấp cho Tổng biên tập Vietnam Net. Có lẽ Bộ sắm được con trâu là Toà soạn báo điện tử hà cớ chi mà không sắm được cái thừng cái máy điện thoại vệ tinh đa năng kia? Có lẽ lần sau các báo đi tác nghiệp trong hoàn cảnh này nên có cái kiểu nối mạng như Nguyễn Anh Tuấn ? Nhưng mà đắt. Lại tốn. Mỗi một âm tiết kia tung lên trời là đô là ơrô cả đấy! Bây giờ chỉ là sự thường nhưng khi ấy việc đó là thứ của hiếm!

Nhưng sự nhanh nhậy ấy cũng hơi bị phiền hà! Hôm đến Boston, ngó qua bản tin tiếng Việt của đài BBC trên mạng, họ không nhanh nhậy bằng Tuấn nhưng lại đã quan tâm đến sự kiện ấy theo cái cách của... BBC! Họ giật một cái tít khá chi là kêu Tổng biên tập Vietnam Net và sự cố chuyến thăm Hoa Kỳ kèm theo bài phỏng vấn Nguyễn AnhTuấn. Cũng lạ , khi xảy ra việc ấy trước cổng Nhà Trắng, tôi đâu có thấy phái viên nào của BBC đứng đó chứng kiến? Với lại Tuấn trả lời phỏng vấn vào lúc nào nhỉ? Chắc là sau đó ít ngày? Nhưng bài phỏng vấn của Tuấn đã dẹp đi những thông tin nhiễu, những lời bịa tạc, những suy diễn vớ vẩn lăng nhăng quanh việc ấy. Đến mức có ý kiến đăng trên mạng tru tréo đổ riệt rằng phái viên của đài BBC là ... Việt Cộng nằm vùng! Tôi cũng xin trích ra đây ý kiến của hai Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở Mỹ.

Hồ Ky, San Jose USA

Tôi đang ở San Jose, nơi được mệnh danh là cái nôi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chuyện biểu tình hoặc lời qua tiếng lại xảy ra như cơm bữa. Khi thì chống cộng khi thì chống tay sai, chống ca sĩ, nghệ sĩ... Nếu không có lý do chính đáng thì quay sang chụp mũ, chửi bới đe doạ kiện tụng... Cuối cùng là huề cả làng! Không có kẻ xấu nào bị trừng phạt cả. Chỉ có những thương vụ business là làm ăn phát đạt trông thấy.

… Dù thích hay không thích chế độ, nhưng người Việt ở hải ngoại cần chấp nhận một thực tế: Ông Phan Văn Khải đã giành quyền đại diện cho 80 triệu đồng bào trong nước. Nếu ông ấy đi Cuba hay Bắc Hàn thì chúng ta nên chống! Còn đi Mỹ để tìm kiếm cơ hội kinh tế cho Việt nam thì tôi nghĩ không nên. Đó là cơ hội cho kinh tế phát triển, là quyền lợi cho bà con thân nhân chúng ta ở quê nhà.

Nguyễn Thu, Boston

Tôi là một thuyền nhân tỵ nạn từ những năm đầu của thập kỷ tám mươi hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và dĩ nhiên tôi không ưa thích chế độ cộng sản. Nhưng hôm nay đọc bản tin BBC về việc đoàn biểu tình hành hung ông Tuấn thật sự trong lòng tôi cảm thấy thất vọng quá. Lại trách an ninh nước Mỹ để bạo lực xảy ra với khách mời của chính phủ. Chuyện này thực tế cũng xảy ra với chính khách Mỹ như cơm bữa. Tự do qúa chớn đi đôi với hiểm hoạ và nó đòi hỏi một bộ máy hành pháp phải mạnh)

Cũng cần nói thêm rằng, do nhiều nguyên nhân tích cực, hoạt động của nhóm báo chí tháp tùng các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã không xảy ra những trục trặc tương tự.



Chuyện quanh

Bức Tường Việt Nam

Theo hết cuộc gặp của Thủ tướng Phan Văn Khải với Hạ viện Hoa Kỳ thì đã trưa trật. Về khách sạn kiếm cái dằn bụng cũng dở nhưng may thay anh bạn đồng nghiệp là phóng viên thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Hoa Kỳ gợi ý dẫn cả bọn đi ăn phở! Phạm Thị Thục, Báo Sài Gòn Giải phóng, Nguyễn Trường Sinh Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đoan Trang phóng viên báo Tuổi trẻ Nguyễn Quang Thông báo Thanh niên và tôi, ngần ấy người cộng lại cũng được hai trăm tuổi rồi mà nghe vậy còn hét tướng lên khiến ông tài taxi phải ngoái lại mà cười, nếu ông mà biết tiếng Việt chắc phải nghĩ phở là thứ chi lạ lùng lắm!

Phở 75 Restaurant. Phía dưới còn chua thêm một dòng ngắn ý chừng để thực khách xứ người lĩnh hội thêm cả bằng mắt thứ súp độc đáo do người Việt chế từ thịt bò : Authetic Vietnamese Beef Noodle Soup. Dưới dòng địa địa chỉ 1721 Wilson Boulevard Arlington VA 22209 con kèm thêm thời gian mở cửa từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Tô lớn 12 USD. Tô nhỏ 9 USD. Hình như không có ai kêu tô nhỏ? Nước dùng lẫn bánh hình như có vấn đề nghĩa là nó hơi bị lờ lợ lẫn bánh cưng cứng nhưng có hề chi?

... Lúc tính tiền, chị chủ quán giọng xởi lởi… Em biết mấy anh chị vừa ở trong nước sang. Hà Nội hay Sài Gòn vậy? Mà em nói thiệt nghe, phải mấy anh chị là nhà báo đi theo đoàn Thủ tướng Khải đó không? Căn cứ vào đâu mà chị nói vậy? Không lảng được nên tôi hỏi cho có hỏi... Chèng đéc ơi. Cụ bị đồ đạc hành nghề máy ảnh máy ghi hình chất đầy bàn ra thế kia, lại còn hỏi chi nữa! Nhưng đúng như tôi đã trù liệu, chị chủ quán chỉ liền vào mấy cái lôgô phù hiệu màu xanh cười bên ni có ai đeo thứ này đâu và nêú có còn cho chị một cái làm kỷ niệm. Chao ôi lại chuyện sio suất nghiệp vụ! Tôi phải nói thác đây là dụng cụ để hành nghề mong chị thông cảm!

Bức tường Việt Nam ở WashinhtonDC rất gần Đài tưởng niệm những lính Mỹ chết trận chiến tranh Triều Tiên.

... Khi còn ở trong nước, tôi đã được đọc một bài báo của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về Bức Tường Việt Nam trên một tờ báo điện tử. Không biết Phạm Xuân Nguyên đã đến nơi này chưa. Bài báo khá bắt mắt. Đại để tôi nhớ được cái tít Chiến tranh nhìn từ bức tường Việt Nam kiêm đoạn sapô của Toà soạn

Bài viết dưới đây bắt đầu từ bức thư của một người lính Mỹ gửi một chiến sĩ Quân giải phóng Việt nam đã hy sinh bởi viên đạn của anh ta.

Richard A.Lutrell cựu binh Mỹ năm 1989 đến thăm bức tường Việt nam ở Washington D.C về đã viết một bức thư cho một người lính Việt Nam đã bị mình bắn chết trong cuộc chiến. Còn bức thư tôi xin được phép trích nguyên văn từ một tài liệu liên quan

Ngày 18 tháng 11 năm 1989

Ông quý mến!

Hai mươi năm nay tôi mang theo tấm ảnh trong ví của mình. Cái ngày chúng ta đối mặt với nhau trên lối mòn ở Chu Lai, Việt Nam, tôi chỉ mới 18 tuổi. Vì sao ông không cướp đi mạng sống của tôi, tôi không bao giờ biết được! Ông đã chĩa khẩu AK-47 vào tôi nhưng không hiểu sao ông không bóp cò?. Hãy tha thứ cho tôi đã cướp đi mạng sống của ông, tôi đã phản ứng như cái cách mà tôi đã được huấn luyện- giết một tên Việt Cộng hay một tên da vàng bởi các ông không được xem là người, chỉ là tên da vàng/ một cái bia ngắm- vậy thôi.

Kể từ cái năm 1967 đó, tôi càng ngày thấy tôn trọng cuộc sống và những người khác trên thế gian.

Không biết bao lần trong từng ấy năm qua, tôi ngắm tấm hình ông chụp với con gái, tôi chắc thế. Lần nào ruột gan tôi cũng quặn thắt một nỗi đau đớn. Tôi bây giờ đã có hai con gái. Một đứa hai mươi tuổi. Đứa kia hăm hai, và trời thương tôi đã cho tôi hai đứa cháu gái lên một và lên bốn.

Hôm nay tôi đến thăm đài kỷ niệm cựu chiến binh Mỹ ở Washington D.C. Vài năm nay tôi muốn đến đây để nói lời tạm biệt với những đồng đội của mình. Chẳng hiểu sao tôi hy vọng và tin họ sẽ biết tôi đang ở đây, tôi thật sự yêu mến họ như tôi tin ông yêu mến nhiều đồng đội cũ của ông.

Hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù của nhau nữa. Tôi hiểu ông là một người lính dũng cảm chiến đấu để bảo vệ quê hương mình. Trên hết, tôi bây giờ đã biết quý trọng cuộc đời được ban cho ông. Tôi nghĩ rằng vì vậy tôi có thể đến đây hôm nay.

Khi tôi rời khỏi đây hôm nay, tôi để lại tấm ảnh của ông chụp với con gái và bức thư này. Đã đến lúc tôi phải sống tiếp cuộc đời mình và thoát khỏi nỗi phiền muộn, đau đớn. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi sẽ cố gắng sống trọn đời mình, một cơ may mà ông và nhiều người khác đã bị khước từ.

Bây giờ tôi dừng bút ở đây, thưa ông hẹn lúc khác chúng ta gặp nhau ở một thời gian và tại một chốn khác. chúc ông yên nghỉ bình an.

Kính thư.

Richard A. Luttrell

Sư đoàn không vận 101.

… Tấm ảnh và bức thư trên đã được đưa vào cuốn sách những đồ vật để lại trên Bức Tường. Năm 1996, một người bạn trông thấy cuốn sách đó và báo cho Richard A. Luttrell biết. Nhìn lại tấm ảnh và bức thư để lại trên tường bảy năm trước, Richard đau khổ bật khóc... Ký ức ùa về khiến ông biết rằng mình không thể nhắm mắt được chừng nào mình không trả lại tấm ảnh cho người con gái của người lính Việt Nam mà mình đã bắn chết. Dù Richard biết rằng trong tay không có một dòng địa chỉ cũng như một cái tên nào mà đi tìm một người ở một đất nước có hơn 80 triệu dân khác chi như mò kim đáy bể nhưng ông vẫn quyết đi tìm...

… Ông đã xin lại tấm ảnh để lại trên Bức Tường. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Việt Nam ở Washington, Luttrell đã thuyết phục được một tờ báo ở Hà Nội đăng tấm ảnh kèm theo một bài viết. May mắn làm sao bài báo đó đã đến được cái làng nhỏ bé có gia đình người lính kia đã sinh sống. Mấy ngày sau, Luttrell nhận được một bức thư ngắn đã dịch sang tiếng Anh chuyến qua đường FAX từ Việt nam tới Mỹ trong đó có một phụ nữ xưng tên là Lan viết

Ông Richard thân mến. Đứa trẻ mà ông quan tâm hoặc qua tấm ảnh, hơn 30 năm trước bây giờ đã lớn. Hồi nhỏ cô ta đã chịu nhiều mất mát đau khổ vì mất bố. Tôi mong ông sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi.

Luttrell lập tức viết thư trả lời và hỏi Lan liệu ông có đến thăm Việt nam được hay không? Lan nói được.

Thế là tháng 3 năm 2000 Richard tới Việt nam- lần đầu tiên ông trở lại đây sau ba mươi hai năm và đã trực tiếp gặp Lan tại làng cô. Phút nhìn thấy Luttrell. Lan đã bật khóc và ộm choàng lấy ông. Tôi xin lỗi, ông nói và cũng bật khóc. Lan tha thứ cho Richard và tấm ảnh chụp hai bố con cô bây giờ đặt trên chiếc bàn thờ bé nhỏ ở nhà cô tại Việt Nam.

... Khách tham quan Bức Tường Việt Nam khá đông. Nhưng bặt hẳn tiếng người lẫn dép giày lạo xạo. Tôi sững người khi thấy một người đàn ông, không một chàng trai thì đúng hơn đang nép người vào Bức Tường mà khóc! Người ấy không để ý đến chi xung quanh mà gục đầu khóc mùi mẫn... Tuổi này không thể là cựu binh được. Vậy anh là ai? Người thân của một cái tên trên tường kia hay là một khách nào đó giàu lòng trắc ẩn? Tò mò nhưng không thể hỏi... Kể cả việc ghi hình vào cái lúc như thế này có lẽ cũng chả nên?

Tôi lúc tha thẩn, lúc bước cao bước thấp luớt chậm chậm dọc Bức Tường. Đá nối đá, thớ đã bào đã chuốt bóng lọng nhưng dường như không câm lặng như đang cựa quậy như đang gồ lên trong lòng tay những tên người. Tuyền tên người. Dằng dặc những tên người. Họ tên chắp cho khít chiều dài và chiều cao. Nối chắp cho đủ 58 ngàn cái họ tên như thế... Có bao nhiêu người bạn của Richard đang giăng giăng mờ ảo bằng cái tên kia? Cứ như là nhân đôi hay so sánh những ấn tượng.

Khi thi công Bức Tường, chính quyền Washington ngoài việc khắc tên trên dằng dặc đá kia đã làm thêm bên cạnh hai cái lồng kính kết cấu khá trang nhã... Để làm gì hai cái lồng kính ấy? Chỉnh chiện giữa lồng, người ta đặt hai cuốn sách khổ to dầy cộm in đủ 58 ngàn họ tên lính Mỹ bỏ mạng tại Việt Nam! Đọc trên giấy dễ dò tìm hơn trên đá? Nhưng hình như để ai đó có non non vía một chút thì dễ làm cái việc ngắm ngó và dễ tra cứu hơn thì phải? Tôi thử sục tay vào những tờ giấy nhàu ( trước có lẽ mượt và phẳng lắm bởi nhiều người đã lật đã giở) của cuốn sách dầy cộm kia chợt thấy nó âm ấm thoáng cái giật mình như đang cảm nhận một hơi ngươì nào đó qua một làn áo!

Xẩm chiều hè nước Mỹ nhưng na ná một thứ gió cữ thu bên nhà. Khí lạnh của xương cốt của cõi âm gì đâu ở cái Bức Tường viết hoa tại đất Washington D.C này nhưng quả có thoang thoáng vẻ âm u rờn rợn. Cái âm u rờn rợn như không thực cho dù đang giữa trưa nắng có chút khói hương như có một trưa tôi đứng giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn dạo nào... Hình như hiệu ứng ấy không chỉ mang lại cho riêng một ai đó mà là chủ đích của người thiết kế! Khá khen cho cô kiến trúc sư hay nhà điêu khắc trẻ gốc Hoa nào đó, trong gần ba trăm phương án xây Đài Tưởng Niệm lính Mỹ chết trận ở Việt Nam, chính quyền Washington đã chọn phương án Bức Tường của một cô gái mới hơn ba mươi tuổi này. Minh triết Phương Đông, nguyên lý hay hồn cốt âm- dương trong Kinh Dịch khôn thiêng thế nào đó mà thuyết phục được cả những ông bà người Mỹ da trắng vốn sốt sột duy lý từ cách nghĩ đến việc làm đang đảm trách những phận sự hành chính ở Washington D.C này? Cái ý nghĩ, cái mạch liên tưởng của người thiết kế truyền sang người tham quan Bức Tường là từ âm trổ lên dương. Như nguời dưới đất dưới âm đang đội mồ lên để nói cùng người sống vậy. Dường như chiều cao, độ dày của bức tường chỉ là phần nhỏ nhoi nhìn thấy được của một tảng băng chìm khổng lồ?

Hun hút chót một tầm nhìn đá lần chót về phía cuối Bức Tường, tôi chợt nhớ ra một người. Dương Tường, một cựu binh Việt Nam thời chống Pháp cũng là dịch giả Dương Tường, người đã chuyển ngữ hơn 50 tác phẩm danh tiếng của nước ngoài ra tiếng Việt Nam. Ông là nhà báo? Dịch giả? Nhà phê bình văn học? Nhà phê bình mỹ thuật? nhà phê bình âm nhạc? Nhà phê bình sân khấu? nhà thơ? Đúng cả. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn lần đó có kể tôi nghe về con người đa tài ấy về chuyến thăm nước Mỹ năm 1995 của Dương Tường như thế này

Khi Davis Thomas cựu chiến binh giáo sư hoạ sĩ trường đại học Emmanuel, người đầu tiên tổ chức triển lãm Mỹ thuật Việt Mỹ mang tên Nhìn từ hai phía sang Hà Nội. Ông đã tìm đến Dương Tường. Do cảm phục nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của Dương Tường đối với hội hoạ đã tới Hội đồng văn hoá Châu á Asian Cultural Council xin tài trợ để có thể mời Dương Tường cùng với hai hoạ sĩ Việt Nam khác nữa là Nguyễn Quân và Đoàn Xuân Hoà sang Mỹ dự triển lãm lần thứ hai do Đavis tổ chức với cái tên gọi Cách nhau một đại dương. Đó là vào năm 1995. Hộ chiếu đòi hỏi rất nhiều thủ tục. Một trong những thủ tục bắt buộc là Dương Tường phải là người của Hội nghệ sĩ tạo hình. Mà Dương Tường tài hoa lẫn tài tử thì lại chưa phải là hội viên của bất kỳ một Hội nghệ thuật nào! Thế là Dương Tường muốn đi Mỹ thì phải làm đơn xin vào Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, ngành lý luận phê bình. Nhưng Hội đồng lý luận lại không giới thiệu Dương Tuờng lên ban chấp hành mặc dù đơn của Dương Tường được Trần Lưu Hậu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật và Thái Bá Vân nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu. Mà thời hạn đi Mỹ đã cận kề. Bà Vũ Giáng Hương, khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện đã xin là người thứ ba giới thiệu anh Dương Tường... May thay người ta rồi cũng thông qua. Thế là Dương Tường được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật!

Và một ngày cuối tháng Chạp năm 1995, Dương Tường đã ngồi thụp xuống chân Bức Tường này và viết những dòng thơ bằng tiếng Anh, vẫn như mọi lúc, Dương Tường không có ý định công bố hay xuất bản. Thơ viết vội cho mình, đơn giản là thơ thế thôi! Tuy chỉ là ghi vội cảm xúc cho mình nhưng bài thơ để trên Bức Tường đã lọt vào mắt xanh của một chuyên san đại học Yale. Nữ nhiếp ảnh Ellen Kaplowitz đã xin phép viết bài thơ lên một tấm panô lớn đặt ngoài cửa triển lãm của chị. Còn hoạ sĩ Rodney Dickson thì in bài thơ của Dương Tường vào thiếp mời triển lãm của mình có tên là Life- Death ( Sống- Chết) vào đầu tháng 2 năm 2001 ở New York.

At the Vietnam Wal

Viết ở

bức tường Việt Nam

bởi lẽ mình với cậu

chưa hề biết nhau

nên mình đến

bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng

người hôn ước

và mình cũng từng giã biệt vợ con

nên mình đến

bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận

và có thể bắc cầu qua mọi đại dương

nên mình đến

bởi lẽ cậu không trở lại

Còn mình đã có ngày về

nên mình đến

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, nếu như những dòng này được đậu trên những thớ đá kia?

Ân tượng về một Cụ Thượng...

Boston, đêm thứ sáu ngày 24 tháng 6.

Bữa đại dạ tiệc do ông Pat McGovern, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị IDG ( tập đoàn dữ liệu Quốc tế) chiêu đãi chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Việt Nam.

Tôi trích ra đây ít dòng về công ty IDG khổng lồ này. Được thành lập năm 1964. Là công ty hàng đầu thế giới kinh doanh về số liệu, thông tin trang mạng các ấn phẩm về công nghệ thông tin. Tổ chức triển lãm hội chợ tin học và lập các quỹ đầu tư mạo hiểm với thu nhập năm 2004 là 2,46 tỷ USD và có 13.000 người làm việc cho công ty này. IDG có hơn 300 loại tạp chí và tờ báo ở 85 nước trên thế giói như Computerworld. PC World, infoword... với 85 triệu độc giả. IDG có hơn 40 trang Web ở 80 nước. Công ty cũng có 170 chi nhánh ở 35 nước chuyên lo tổ chức các hội nghị quốc tế triển lãm, hội chợ. Tại Việt Nam, IDG có văn phòng đại diện từ năm 1998.

Vịt bắc Kinh và súp Miso. Gỏi tôm trộn bắp cải ngó sen cà rốt ăn kèm với bánh mỳ chua. Thịt bò sắt lát nướng với tỏi nhúng mật. Khoai tây nghiền và đậu Hà Lan. Bánh socola trắng và dâu tươi.

Thực đơn đâu phải sơn hào hải vị nhưng có lẽ tôi nán lại tại dạ tiệc này hơi lâu bởi nhiều nhẽ. Chốc nữa, dạ tiệc này sẽ xuất hiện một nhân vật mà những người Việt lứa chúng tôi, vào những năm đầu bảy mươi của thế kỷ trước đều biết cái tên : Thượng nghị sỹ George McGovern ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1972!

Kia rồi, cái vóc dong dỏng xương xương của cụ Thượng nghị sỹ đang thấp thoáng giữa những dãy bàn.

Một chi tiết bất ngờ trong đêm tiệc là trong diễn văn chào mừng Thủ tướng Việt Nam, người sáng lập cái Tập đoàn khổng lồ này đã trưng ra trước cả ngàn cử toạ một hiện vật cực kỳ độc đáo. Đó là tấm bích chương vốn là hoạ bản của tờ báo Việt Nam Độc Lập của chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và được xuất bản trên núi rừng của chiến khu Việt Bắc tháng 7 năm 1945. Trên đó vẽ và tô màu hai lá cờ Việt Mỹ ( khi đó ta chưa có quốc kỳ và lá cờ đỏ sao vàng được coi là lá cờ của đoàn thể Việt Minh) bắt chéo nhau. Tám bức vẽ liên hoàn hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ và giữa hai lá cờ có một câu văn vần Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh! Nhà tư bản với nét mặt trang nghiêm thốt lên câu này khi tay ông dang rộng tấm bích chương chúng ta đã từng là đồng minh của nhau trong chiến tranh chống phát xít và giờ đây tại sao chúng ta không là đồng minh trong hợp tác và xây dựng?

Thời điểm Cụ thượng nghị sĩ với bài diễn văn, biết nói như thế nào nhỉ, có lẽ tôi không có cái quyền để nhận xét bình phẩm này khác mà đành phải bóc nguyên xi ra đây cái băng ghi âm chất giọng của cụ Thượng nghị sỹ, năm nay đã quá bát tuần nhưng ơn Chúa còn vang và vượng lắm, mà xen giữa là những âm thanh của tiếng cười tán thưởng và tràng vỗ tay kéo dài của quan khách trong dạ tiệc.

Thời điểm ấy, không khí dạ tiệc của hơn hai trăm quan khách dường như mang một sắc thái mới. Uyên bác. Thấu tình đạt lý và pha chút hài hước, cụ thượng George McGovern đã làm cho cái đêm dạ tiệc ở khách sạn Charles tại Boston thành đêm McGovern- Việt Nam.

... Thưa ngài Phan Văn Khải, Thủ tướng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thưa ngài Vũ Khoan, Phó thủ tướng và các quý vị thành viên trong đoàn. Thưa ngài Patrick McGovern, vị chủ nhà danh dự của buổi tối hôm nay, người cũng có cái tên McGovern tuyệt vời như tôi. Tôi ao ước Patrick là con trai của tôi nhưng tôi cũng rất hạnh phúc rằng chúng tôi là bạn bè tốt của nhau. Tại Massachusett cũng có một dân biểu Quốc hội có cái tên Jim McGovern. Anh ấy cũng chẳng phải là con trai tôi nhưng cũng là một người bạn tốt, một dân biểu Quốc hội tuyệt vời và cũng là một người bạn của Việt Nam. Thưa ngài Thủ tướng. Khi tôi tham gia tranh cử chức Tổng thống vào năm 1972 với Ngài Tổng thống Richard Nixon, cương lĩnh của tôi là Tìm kiếm và nói sự thật .Tôi đã hứa là nếu được đắc cử, tôi sẽ ngay lập tức dừng cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Không may thay, tôi đã thua tại hầu hết các bang của toàn nước Mỹ, ngoại trừ Quận Columbia và bang Massachusett. Vì thế, thưa ngài Thủ tướng, ngài đang ở thăm tiểu bang có những người bỏ phiếu thông minh nhất tại Mỹ đấy ( cuời rộ. Vỗ tay). Buổi tối hôm nay, chúng tôi đón tiếp ngài Thủ tướng với tư cách là nhà lãnh đạo của một dân tộc thông minh, cần cù và sáng tạo. tôi rất hân hạnh rằng hai dân tộc chúng ta đã trở thành bạn bè cũng như là đối tác của nhau trong thương mại đầu tư và văn hoá. Hiện tại tôi không còn đảm nhận vị trí nào trong chính quyền ngoại trừ vị trí đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp quốc về xoá đói toàn cầu. Tuy vậy, nếu tôi có thể đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa kỳ, tôi thành tâm xin lỗi cho cuộc chiến tranh khủng khiếp mà chúng tôi đã gây ra ở Việt nam, một cuộc phiêu lưu sai lầm và sai định hướng nhất trong hai thế kỷ gần đây của lịch sử Hoa Kỳ. Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ đến 58.000 thanh niên Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh đó. Chính sự đau đớn này đã thôi thúc tôi phải thốt lên tại Thượng Viện rằng Tôi thấy chán chường và mệt mỏi khi thế hệ trẻ phải chết trong những cuộc chiến tranh mà thế hệ già mộng tưởng! ( im lặng một lúc)

Tôi đã là phi công lái máy bay ném bom trong chiến tranh thế giói lần thứ hai. Tôi tự hào với công việc đó vì chúng ta ngăn chặn những thế lực bành trướng quân sự nguy hiểm như Hitle, Mussolini. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Quân đội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là đồng minh của chúng tôi. Một số phi công Mỹ được quân đội Việt Minh giúp đỡ trở về với quân đội Mỹ khi máy bay của họ bị quân đội Nhật bắn rơi tại khu vực Đông Nam A. Vào cuối thế chiến thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy vọng rằng Việt Minh sẽ được Chính phủ Mỹ thừa nhận là chính phủ hợp pháp của Việt nam thay vì trở thành thuộc địa của Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 8 lá thư cho ngài Tổng thống Truman đề nghị chính phủ Mỹ hậu thuẫn cho nền độc lập của Việt Nam. Trong những lá thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Mỹ vào năm 1776. Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây chú ý khi đã dùng một số ý trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, do Thomas Jefferson soạn thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với bản tuyên ngôn của J. Jefferson Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói rằng Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng! Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt! ( vỗ tay kéo dài)

Những lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù được Tổng thống Truman và Dean Acheson đem ra thảo luận, đã không bao giờ được hồi âm. Và do vậy, Việt Nam đã tiến hành kháng chiến chống Pháp trong 8 năm và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ nhờ sự chỉ đạo tài tình của tướng Võ Nguyên Giáp. Thật không may, sau khi người Pháp thất bại, người Mỹ đã quyết định can thiệp và phải sau một cuộc chiến tranh nữa, kéo dài trong hai muơi năm với sự mất mát của 58.000 thanh niên Mỹ và 2 triệu người Việt Nam, Mỹ mới phải chấm dứt và rời Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm 30 năm hoà bình giữa hai dân tộc 1975-2005. Cho phép tôi được mời nâng ly để cảm ơn và chúc mừng cho 30 năm chiến tranh đã được thay thế bằng 30 năm hoà bình( vỗ tay kéo dài)