Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ chính thức (29-31/5/2017). Đã có nhiều người bình luận và phỏng đoán về sự kiện này. Có lẽ đây là một dịp tốt để nhìn lại quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh thế giới mới đầy biến động bất thường và bất định. Muốn hiểu hiện tại và biết về tương lai, chúng ta không được quên quá khứ.
Trở về tương lai
Mỗi khi đề cập đến quan hệ Việt-Mỹ, người ta thường nhớ lại quá khứ đau buồn khi Chiến tranh Việt Nam đã biến hai quốc gia này thành kẻ thù. Nhưng nhiều người quên mất lịch sử trước đó khi hai quốc này gia suýt nữa trở thành đồng minh. Ngày 16/7/1945, OSS đã cử nhóm “Con Nai” (Deer Team) đến Tân Trào để giúp Việt Minh, sau khi cụ Hồ thỏa thuận với Archimedes Patti (chỉ huy OSS tại Kunming). Hơn bốn thập kỷ sau Chiến tranh Việt Nam, nay hai quốc gia lại đang cố gắng để trở thành đồng minh, như “trở về tương lai” (back to the future). Vậy số mệnh trong tử vi của hai quốc này là kẻ thù hay đồng minh? Các sử gia cần làm rõ và xác định xem vì sao đoàn tàu Việt-Mỹ đã bị bẻ ghi đi chệch sang hướng khác, với những “hệ quả không định trước”, và làm thế nào để đưa đoàn tàu này “trở về tương lai”.
Nếu đặt quan hệ Việt-Mỹ vào bức tranh lịch sử đầy nghịch lý và trớ trêu đó, chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này (cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trước đây) chỉ là những điểm dừng chân của đoàn tàu Việt-Mỹ tại các nhà ga (cả ga chính và “ga xép”). Thế giới hiện nay còn nhiều nghịch lý và điên rồ hơn trước, vì ngày càng nhiều kẻ khùng đang cướp lái và bẻ ghi các đoàn tàu quốc gia. Trong khi có những người tin rằng thế giới đang tiến gần đến “ngày tận số”, thì nhiều người khác mất hết lòng tin vào cả hiện tại và tương lai, vì họ đã quên hoặc hiểu nhầm quá khứ. Ảo tưởng và nhầm lẫn trong lịch sử đã phải trả giá rất đắt, nên nếu lặp lại sai lầm một lần nữa thì thật là ngu xuẩn và điên rồ.
Có thể nói đoàn tàu Viêt-Mỹ đã vượt qua một quãng đường dài, có lúc chạy nhanh, có lúc chạy chậm, có lúc thậm chí dừng lại một chỗ vì lúng túng không biết chạy hướng nào trước ngã ba đường. Vấn đề không phải là đường ray hay biển chỉ đường bị sai mà là do đầu óc của những người lái tàu bị hồ đồ nhầm lẫn nên lầm đường lạc lối. Đoàn tàu đã rời ga “Đối tác Toàn diện” gần bốn năm, nay đang hướng tới ga mới là “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Nhưng không hiểu sao đoàn tàu Việt-Mỹ chạy mãi mà vẫn chưa tới được cái ga đó (cứ như một nhà ga ảo). Có lẽ chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ tới được một cái “ga xép” dọc đường, chứ chưa tới được cái ga chính, vì chủ nhân của Nhà Trắng đã thay đổi. Một năm trước đây khi ông Obama còn làm chủ Nhà Trắng, chỉ cần Hà Nội dấn thêm một bước nữa là đoàn tàu Việt-Mỹ có thể tới được cái ga đó rồi (nhưng nay cơ hội đó đã trôi qua).
Những rào cản lớn
Chặng đường trước mắt của đoàn tàu Việt-Mỹ còn nhiều trắc trở, với những rào cản hữu hình và vô hình (mà người ta sợ “nhạy cảm” nên không nói ra). Rào cản lớn nhất có tên là Bắc Kinh. Cứ mỗi khi đoàn tàu Việt-Mỹ định tăng tốc thì nó lại xuất hiện, làm cho đoàn tàu lắc lư phải chạy chậm lại, hoặc dừng hẳn. Ví dụ, khi đoàn tàu Việt-Mỹ đang chạy tới ga “Normalization” (hay “WTO” và “BTA”) thì lại có biển báo dừng lại, không phải biển cấm vì tàu đi vào đường một chiều, mà là biển báo hiệu nguy hiểm vì “diễn biến hòa bình”. Điều trớ trêu là Bắc Kinh ngăn cản Hà Nội kết bạn với Washington, trong khi họ làm tình với nhau.
Mặc dù Hà Nội biết cái biển báo đó là của Bắc Kinh, nhưng đoàn tàu vẫn phải chạy chậm hay dừng lại, không phải vì người lái tàu Hà Nội sợ sai luật giao thông mà sợ sai “quy trình”, như sợ một bóng ma vô hình. Cứ mỗi khi Hà Nội cử một lãnh đạo nào sang Washington, thì lại phải sang Trung Nam Hải trước, như một tiền lệ “bất thành văn”. Cái bóng Bắc Kinh đã ám ảnh đoàn tàu Viêt-Mỹ suốt 27 năm qua (từ 9/1990) khi những người lái Tàu Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau bí mật tại Thành Đô để “bẻ ghi” đoàn tàu Việt-Trung chạy theo hướng ngược lại. Từ “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”, Trung Quốc trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” với “16 chữ vàng”. Đó là một bước ngoặt chiến lược nguy hiểm để “trở về tương lai” của mối quan hệ “Bắc thuộc” (mà ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó đã cảnh báo).
Rào cản lớn thứ hai đối với đoàn tầu Việt-Mỹ là Nhân Quyền, mà trước đây là vấn đề MIA đã từng cản trở quan hệ Việt-Mỹ suốt thời hậu chiến. Điều trớ trêu là trong khi Washington chấp nhận chế độ cộng sản Hà Nội mà biểu tượng là Tổng thống Obama đã tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong “Phòng Bầu dục” của Nhà Trắng, thì Washington lại không thể bỏ qua hồ sơ vi phạm nhân quyền, do sức ép của Quốc Hội và dư luận báo chí. Hiện nay, mặc dù Tổng thống Donald Trump có thể bị nhiều người Mỹ lên án là vi phạm nhân quyền hay vi phạm quyền tự do báo chí, nhưng vấn đề Nhân quyền vẫn là một “cục xương mắc họng” trong quan hệ Viêt-Mỹ. Vì vậy không nên nhầm lẫn giữa hai vấn đề này. Trong khi rào cản Bắc Kinh là một thực tế khách quan mà Hà Nội không làm gì được (trừ phi “thoát Trung”), thì rào cản Nhân quyền là một vấn đề mà Hà Nội có thể tháo gỡ bằng đổi mới thể chế.
Rào cản lớn thứ ba là sự “bất cập” của năng lực lãnh đạo (trong ngoại giao cá nhân). Mặc dù ai cũng biết ông Donald Trump là một Tổng thống bất bình thường, thậm chí có nhiều tai tiếng, nhưng nguyên thủ nước nào cũng phải đến Washington gặp ông Trump, từ Thủ tướng Nhật Abe đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Đức Merkel, thủ tướng Anh May, v.v. Đơn giản vì Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới. Vì vậy, Thủ tướng Việt Nam muốn đến Nhà Trắng gặp ông Trump cũng là điều dễ hiểu, vừa vì lợi ích quốc gia (để đối phó với những vấn nạn hiện nay), vừa vì lợi ích cá nhân (để tăng cường vị thế chính trị của mình).
Tuy các cố vấn chủ chốt của ông Trump như Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster, ngoại trưởng Rex Tillerson (trong nhóm “Axis of Adults”) có thể ủng hộ quan hệ đối tác Việt-Mỹ, vì lợi ích chung của hai nước. Nhưng họ có thuyết phục được ông Trump coi Việt Nam là “đối tác quan trọng” về kinh tế và chiến lược hay không, còn phụ thuộc vào ông Phúc có chứng minh được điều đó hay không, bằng cách trực tiếp thuyết phục ông Trump khi gặp gỡ. Ông Trump vốn thích “ngoại giao cá nhân” (personal diplomacy) và hay hành động theo cảm tính, đôi khi thất thường nên rất khó đoán. Trong khi ông Trump có thể tùy hứng thay đổi kịch bản có sẵn (), thì ông Phúc (và hầu hết lãnh đạo Việt Nam) lại quen dựa vào kịch bản một cách cứng nhắc, nên dễ bị động và lúng túng. Vấn đề là ông Phúc làm thế nào để gây ấn tượng cá nhân tốt đẹp với ông Trump (như các nguyên thủ khác vẫn làm). Điểm mạnh của ông Trump lại là điểm yếu của ông Phúc (đã từng mang tiếng là “Thủ tướng CLMV”).
Tuy nhiên ông Phúc có thể dùng chiến thuật du kích làm ông Trump bất ngờ, như đề nghị mua thêm vũ khí tối tân, hoặc lập luận rằng trong số 32 tỷ USD thâm hụt thương mại mà Mỹ nhâp siêu từ Việt Nam (năm 2016), hầu hết là sản phẩm điện tử của hãng Sam Sung và Intel (như điện thoại di dộng và linh kiện máy tính) sản xuất gia công tại Việt Nam. Số hàng hóa “nhập siêu” này thực chất không phải là hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, mà là hàng Việt Nam gia công cho nước ngoài, để hưởng dịch vụ (chỉ khoảng 5-8% gía trị hàng hóa). Nói cách khác, đây là một sự nhầm lẫn “oan” cho Việt Nam, do khác nhau về cách thống kê.
Xung quanh chuyến đi
Trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Mỹ (29-31/5/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm chính thức Bắc Kinh (11/5/2017) nhân dịp dự diễn đàn quốc tế “Một Vành Đai một Con Đường” (14-15/5/2017). Ông đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình, và hai bên đã thông qua Thông cáo Chung về Biển Đông. Trong một động thái khác, ngày 22/5/2017, đại sứ Mỹ Ted Osius đã trao cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra biển (Metal Shark) trong số 18 chiếc mà Tổng thống Obama đã cam kết 4 năm trước. Tiếp đó, ngày 24/5/2017, chiến hạm USS Dewey đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Vành Khăn tại Trường Sa, mà không thông báo trước như thường lệ “đi qua vô hại” (innocent passage). Đây là chuyến tuần tra FONOP đầu tiên, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN đến Nhà Trắng gặp ông Trump, dù trước đó các lãnh đạo Châu Á khác đã gặp ông Trump như Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình. Để thu xếp cho lãnh đạo nước họ gặp ông Trump và tháo gỡ những rào cản, người Nhật và người Trung Quốc đã phải khôn khéo vận động (lobby). Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Mấy tháng qua, lãnh đạo Hà Nội đã chủ động bày tỏ mong muốn gặp ông Trump, và cử các đoàn đi Mỹ vận động Quốc Hội và các thế lực ủng hộ quan hệ với Việt Nam và duy trì tuần tra tại Biển Đông (FONOP). Theo Reuters, Viêt Nam thuê một người vận động hành lang (lobbyist) với giá 30.000 USD/tháng.
Ngày 20-21/4/2017, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã đến Mỹ để “tiền trạm”, gặp gỡ các quan chức chủ chốt của Chính quyền và Quốc hội, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Trong dịp đó, ông McMaster đã trao cho ông Minh thư của Tổng thống Donald Trup mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Mỹ. Đồng thời, ông Minh cũng chuyển lời mời chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (tháng 11/2017) và thăm Việt Nam. Ông Trump đã nhận lời và khẳng định sẽ tham dự.
Mặc dù ông Trump đã quyết định rút khỏi TPP, bỏ rơi chính sách xoay trục sang Châu Á của ông Obama, và tỏ ra không tha thiết với vấn đề Biển Đông, nhưng trước chuyến thăm của ông Phúc, Reuters (28/5/2017) nhận thấy một số dấu hiệu tích cực. Nhà Trắng gọi Việt Nam “là một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á”. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ (Katrina Adams) nói rõ, “Quan hệ đối tác Việt-Mỹ là một phần cốt yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” (the US-Vietnam partnership is a critical component of US foreign policy in the Asia-Pacific region). Theo Carl Thayer, Viêt Nam là “một con bài quan trọng trong cấu trúc an ninh đa phương trong khu vực” của Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Rodrigo Duterte “lánh xa Mỹ và xích lại với Trung Quốc”.
Theo Carl Thayer, lúc này Việt Nam gần với Mỹ còn hơn cả hai nước đồng minh có hiệp ước quân sự với Mỹ là Thái Lan và Philippines. Việt Nam cần tham gia nhóm các nước đối tác của Mỹ trong khu vực (mà Singapore là đối tác số một). Theo Diplomat (5/2016) Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng dưới thời Trump, Mỹ đã lặng lẽ rút lui khỏi khu vực, để Trung Quốc tự do hành động bá quyền, làm phương hại cho các nước như Việt nam. Sự nhân nhượng của Washington là một củ cà rốt to để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Bắc Kinh nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, một việc Trump rất cần nên sẵn sàng thỏa hiệp.
Đánh giá triển vọng
Hãy tham khảo một số đánh giá của những chuyên gia quen biết.
Theo Alexander Vuving ( “What Vietnam Can Offer America”, Alexander Vuving, National interest, May 27, 2017) vấn đề sống còn của Việt Nam là làm thế nào cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Đó là bối cảnh cho chuyến thăm Mỹ của ông Phúc. Vuving cho rằng trong quan hệ với Mỹ có 3 vấn đề quan trọng nhất thiết phải đạt được. Thứ nhất là phải đạt được một hiệp định thương mại và đầu tư có triển vọng. Thứ hai là phải thỏa thuận được quan điểm về Biển Đông không chấp nhận hiện trạng. Thứ ba là phải xây dựng quan hệ đồng minh Viêt-Mỹ trên cơ sở “đối tác chiến lược toàn diện”. Tuy quan hệ đối tác phải mang tính chiến lược sâu sắc hơn, nhưng không nhất thiết phải là cam kết quốc phòng.
Theo Minxin Pei (“The TPP’s Second Act”, Minxin Pei, Project syndicate, May 24, 2017), quan điểm đồng thuận cho rằng thực tế ông Trump đã nhân nhượng và trao Đông Á cho Trung Quốc tuy có cơ sở, nhưng lại bỏ qua một thực tế địa chính trị cơ bản. Đó là nhiều nước Đông Á đã dựa dẫm ỷ lại vào vai trò đứng đầu của Mỹ nên không đầu tư cho an ninh kinh tế và quốc phòng của mình. Nay không còn dựa dẫm được vào Mỹ để duy trì hòa bình và thinh vượng, họ đang đứng trước các sự lựa chọn rất khó khăn, và phân hóa làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất chọn cách ngả theo Trung Quốc, bao gồm một số nước như Thailand, Malaysia, Cambodia, Laos. Nhóm thứ hai chọn chiến lược đề phòng rủi ro (hedging strategy), gồm các nước như Australia, South Korea, Singapore. Nhóm thứ ba chọn chiến lược tự lo cho mình (self-help strategy) gồm các nước như India, Japan, Vietnam, Indonesia.
Để lấp lỗ trống do Mỹ rút khỏi TPP, Nhật phải dẫn đầu TPP11, thuyết phục các nước Châu Á xiết chặt hàng ngũ, không khuất phục Trung Quốc. Muốn vậy, Nhật phải có chính sách sẵn sàng chấp nhận phí tổn cao hơn để giữ cho Nhật và các đối tác khác thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nếu Hàn Quốc và Indonesia tham gia TPP11, thì cán cân sẽ thay đổi.
Theo Jonathan London (“High Stakes for Vietnam Prime Minister’s Visit to Washington”, Jonathan London, CSIS CogitAsia, May 29, 2017), chuyến thăm của ông Phúc có ý nghĩa quan trọng trên 3 lĩnh vực. Thứ nhất là thương mại. Mỹ và Việt Nam có nhiều lý do để mở rộng và đa dạng hóa quan hệ thương mại. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh được tình trạng sử dụng những công nghệ rẻ tiền, gây ô nhiễm cao, có hại cho người lao động, đồng thời khuyến khích Chính phủ bỏ những dự án nhiệt điện gây ô nhiễm và thay bằng những dự án mới dựa trên công nghệ và đầu tư của Mỹ, ví dụ như khai thác nguồn khí đốt ngoài khơi.
Thứ hai là vấn đề an ninh. Làm thế nào để Mỹ và Việt Nam (cùng các nước khác) có thể đảm bảo cho môi trường an ninh hàng hải ở Đông Á, phù hợp với luật quốc tế. Trước những dấu hiệu Bắc Kinh đang theo đuổi những mục đích ngược với lợi ích của Mỹ, thì lợi ích an ninh của Việt Nam và Mỹ ngày càng song trùng, hơn với bất cứ nước nào khác. Hai nước cần tiếp tục hợp tác về an ninh, như vừa rồi Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần tra biển. Vì Trump quan tâm đến mua bán vũ khí, nên đây có thể là một lĩnh vực dễ hợp tác.
Thứ ba là một khía cạnh không đo đếm được nên dễ bị bỏ qua, liên quan đến vai trò của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, liệu ông ấy có vị thế quan trọng như thế nào trong sự phát triển kinh tế và chính trị của Việt Nam. Trong khi có vẻ thiếu khí thế và tiếng nói về vấn đề nhân quyền, ông Phúc lại là người có ý tưởng cải cách. Vừa rồi, khi Ban Tuyên giáo kêu gọi đối thoại với giới bất đồng chính kiến, một bầu không khí chống lại tư tưởng bảo thủ lại trỗi dậy. Theo các nhà quan sát, đây là một tín hiệu xấu cho tương lại cải cách ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, không biết chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng có ý nghĩa gì tốt đẹp.
Vì vậy, hy vọng Nhà Trắng, Quốc hội, và các lãnh đạo khác trong chính quyền có tiếng nói rõ ràng và tha thiết để biểu lộ cam kết thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam. Xét cho cùng, chỉ có người Việt Nam mới tự quyết định được tương lai của mình. Nếu nhìn xa hơn, bỏ qua chuyện chính trị trước mắt, thì Việt Nam và Mỹ có nhiều lợi ích lâu dài để xây dựng một quan hệ vững mạnh, đặc biệt là về lĩnh vực thương mại và quốc phòng.
Theo David Brown (“Vietnam’s Premier Phuc Enters the US Cobra Den”, David Brown, Asia Sentinel, May 29, 2017), TPP là công cụ để Hà Nội tháo gỡ sự ách tắc về ý thức hệ. Còn đối với quan hệ Viêt-Mỹ, TPP là chất keo kinh tế để gắn kết một quan hệ đối tác chiến lược bền vững. Tuy ông Trump đã rút khỏi TPP, nhưng Hà Nội vẫn hy vọng đạt được một hiệp định thương mại song phương với Mỹ tương tự như TPP (ưu tiên cao nhất của ông Phúc). Biết đâu một ngày nào đó, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để đưa Mỹ trở lại sân chơi TPP.
David Brown cho rằng bản thân cuộc gặp ông Trump 30 phút tại Phòng Bầu dục là một sự kiện quan trọng, vì 3 ý nghĩa. Thứ nhất, Ngoại trưởng Phạm Bình minh và Đại sứ Phạm Quang Vinh đã thu xếp để ông Phúc trở thành thủ tướng đầu tiên của ASEAN được ông Trump tiếp đón tại Nhà Trắng. Thứ hai, Hà nội có lý do để hy vọng đàm phán thương mại song phương như TPP sẽ có kết quả. Thứ ba, món quà của Hà Nội mà ông Phúc đem đến cho ông Trump có thể là đề nghị mua một số vũ khí tối tân của Mỹ. Đây sẽ là cái chốt của cuộc gặp. Trong khi ông Phúc có thể bám vào kịch bản có sẵn, thì ông Trump lại hay nói nhiều và tùy hứng, nên không loại trừ tình huống bất ngờ, có thể lái quan hệ Viêt-Mỹ theo một hướng khác.
Thay lời kết
Tuy các nhà quan sát có thể phân tích nhưng rất khó dự đoán kết quả của sự kiện ngoại giao này, liệu có xảy ra trục trặc hay sai sót nào không. Đây vừa là một cơ hội vừa là thách thức và rủi ro đối với ông Phúc, vì Donald Trump là một bài toán đố khó tìm lời giải. Là một lái buôn (dealer) đầy cá tính, Donald Trump không phải là Bill Clinton hay Barack Obama. Ông ấy muốn phủ nhận mọi di sản của chính quyền trước. Đối với một tổng thống khác, kết quả gặp gỡ tùy thuộc nhiều hơn vào sự chuẩn bị (homework) và làm việc nhóm (teamwork). Nhưng đối với ông Trump, nó tùy thuộc nhiều hơn vào ngoại giao cá nhân và tương tác cá nhân (là một điểm yếu của ông Phúc). Cuộc gặp gỡ này có thể là một màn trình diễn của hai nhân vật có cá tính, như trong một chương trình “truyền hình thực tế” (reality television show).
Hiện nay, lo ngại lớn nhất của Việt Nam là liệu Mỹ và Trung Quốc có trở nên quá gần gũi và do đó không đếm xỉa đến lợi ích của Việt Nam hay không. Đối với Việt Nam lúc này, lựa chọn đối sách khả thi là rất khó, nên phải chơi cờ thế (gambit) bằng đề phòng rủi ro (hedging). Vì vậy, Việt Nam đang tăng cường hợp tác chặt chẽ với Nhật (chơi “lá bài Nhật”) và chuyển sang “phương án B” về TPP (còn gọi là TPP11). Vì Mỹ đã rút khỏi TPP nên Nhật trở thành động lực chính đối với TPP11, cũng như đối với Việt Nam trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, sự kiện ngoại giao song phương Việt-Mỹ này còn có ý nghĩa đa phương.
NQD. 30/5/2017