Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI ĐIỀU CÙNG NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ ba ngày 30 tháng 5 năm 2017 5:50 PM

TNc: Chúng tôi tôn trọng những ý kiến trao đổi về văn chương để tìm ra vẻ đẹp của nó. Bài viết của Tạ Hữu Đỉnh là một trong nhiều bài khác.
Tạp bút
Đọc bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc - bản lĩnh người cầm bút”, của Đặng Văn Sinh, đăng trên trang mạng Trần Nhương, tôi được biết thêm về bề dầy văn nghiệp của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Do đó rất mừng cho nền văn học nước nhà có thêm một cây bút tài hoa, có tầm có cỡ như vậy. Song, lại tiếc cho bản thân là chưa được đọc nhiều tác phẩm của nhà văn này, ngoài mấy bài bút ký – phóng sự như: “Trải nghiệm Formosa – Hà Tĩnh” và “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”.
Bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc”, của Đặng Văn Sinh, tôi nghĩ đây là loại chân dung văn học. Vâng, về bài chân dung này, là một người đọc, tôi xin được lạm bàn một vài ý kiến như sau:
Việc nhà văn Hoàng Quốc Hải đi tìm am Ngoạ Vân, ông có ý phàn nàn về các vị giáo sư sử học như GS Lê Văn Lan rằng: “Người thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, giải đáp những thắc mắc về lịch sử cho công chúng, thì khẳng định một cách rất chi là vô tư: “Ngoạ Vân chính là Tháp Tổ”. Còn vị giáo sư đáng kính khác, ngài Hà Văn Tấn, lại có quan điểm “thoáng hơn” các đồng nghiệp bằng cách “xếp” “Ngoạ Vân ở gần am Dược”.
Rồi cả ông Thanh Sĩ giám đốc Sở Văn hoá tỉnh Quảng Ninh, và ông Trần Trương, trưởng ban quản lí di tích Yên Tử cũng không biết am Ngoạ Vân ở đâu. Người đoán ở chỗ này, người lại khẳng định ở nơi kia! Thật không may cho nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông đã hỏi phải toàn những người đáng lẽ nên biết và cần phải biết, nhưng họ lại chẳng biết cái am ấy ở đâu!
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 570 chép” Mùa Đông tháng 11, ngày mồng 3 Thượng hoàng Trần Nhân Tông băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử”.
Sách Tam Tổ Thực Lục chép: “Ngày 18 ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn núi Kỳ Đặc. Ngài thấy nhức đầu. Ngài gọi hai vị tì kheo là Tử Danh và Hoàng Trung đến bảo ta muốn lên núi Ngoạ Vân mà chân không thể đi được thì làm thế nào? Hai vị tì kheo bạch rằng hai đệ tử chúng tôi có thể đỡ đại đức lên được, khi lên đến núi ngài cảm ơn hai vị tì kheo và bảo các ngươi xuống núi tu hành đừng lấy sự sinh tử làm nhàm sự. Ngày 19 ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử giục Bảo Sát đến núi Ngoạ Vân, ngài thấy Bảo Sát đến mỉm cười nói rằng ta sắp đi đây, sao ngươi đến muộn thế?”.
Như vậy là lịch sử đã ghi chép rõ ràng, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch ở am Ngoạ Vân, và am Ngoạ Vân ở núi Ngoạ Vân (Núi này còn gọi là “Bảo Đài Sơn”, hay núi “Vây Rồng”), chứ am Ngoạ Vân không ỏ núi Yên Tử.
Còn sự nhầm lẫn của hai vị giáo sư kia, có thể vì các vị ấy học sử, đọc sử đã lâu, bây giờ tuổi cao, trí nhớ giảm. Mà khi người ta đã quên, thì cũng nên thông cảm, chứ bảo các vị ấy “Vô trách nhiệm”, tôi nghĩ là hơi quá lời. Vả chăng, nước ta có rất nhiều chùa chiền, các vị ấy có quên đi một ngôi, dù đó là nơi viên tịch của một vị hoàng đế, thì “cái kho kiến thức” đã giúp các vị ấy trở thành giáo sư cũng chẳng vơi bớt đi là bao, Và ngược lại, nếu các vị ấy vẫn nhớ ngôi chùa ấy ở đâu, thì “cái kho kiến thức” của các vị ấy cũng chẳng đầy lên được bao nhiêu. Cho nên trước sau, họ vẫn nguyên vẹn là các vị giáo sư đáng kính.
Đạo Phật cũng như đời người, có lúc thịnh, lúc suy. Hẳn chúng ta còn nhớ có thời nổi lên phong trào “Chống mê tín dị đoan”. Người ta đã phá đình, phá chùa lấy gỗ xây kho hợp tác, lấy câu đối, đại tự sơn son thiếp vàng làm cầu máng, lao đất đắp đê!...
Mãi đến năm 1981, có cuộc Hội thảo khoa học về Yên Tử, rồi năm 1986, đổi mới nền kinh tế, mới chấm dứt thời gian suy thoái của đạo Phật.
Vậy, nếu ông Thanh Sĩ làm giám đốc Sở Văn hoá tỉnh Quảng Ninh vào thời gian đó, thì chuyện ông không biết am Ngoạ Vân ở đâu, tuy cũng là điều đáng trách, nhưng cái sự không biết đó lại chứng tỏ ông là người không mê tín dị đoan. Có lẽ điều đáng chê nhất là ông đã không có đủ can đảm để nhận mình không biết am Ngoạ Vân ở đâu, nhưng lại cả gan viết lời hướng dẫn đường đi đến am Ngoạ Vân ở núi Yên Tử!
Còn ông Trần Trương, là cán bộ Phòng Văn hoá thị xã Uông Bí, được giao nhiệm vụ quản lý di tích Yên Tử trước năm 2003. Thời gian đó những thông tin khoa học về quần thể di tích này còn chưa sáng rõ. Mà am Ngoạ Vân lại ở núi Ngoạ Vân, thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Cho nên ông Trần Trương không biết am Ngoạ Vân ở đâu cũng là điều dễ hiểu.
Bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc” cũng cho biết, sau thất bại đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã “Tra cứu chính sử, tìm hiểu lịch sử Phật giáo Thiền tông, rồi nhờ Phòng Văn hoá huyện Đông Triều đưa ông đến am Ngoạ Vân”.
Như vậy thì đâu phải là nhà văn Hoàng Quốc Hải tìm thấy am Ngoạ Vân? Vì Phòng Văn hoá huyện Đông Triều đã cử người dẫn nhà văn đến am Ngoạ Vân, thì đương nhiên là Phòng Văn hoá và người dẫn đường đã biết am Ngoạ Vân ở đâu rồi. Cũng như tất cả người dân ở thôn Tây Sơn, ở xã Bình Khê, ở huyện Đông Triều, và tất cả tín đồ phật giáo ở khắp nơi, những ai đã đền Ngoạ Vân lễ Phật, thì đều biết am Ngoạ Vân ở núi Ngoạ Vân, huyện Đông Triều. Cho nên chuyến đi tìm am Ngoạ Vân của nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ có ích cho riêng ông ấy. Chứ không phải như tác giả bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc” đã viết: “Như vậy, từ đây, Ngoạ Vân đã được định vị chính xác trên bản đồ quần thể di tích Yên Tử, tạo điều kiện cho các thiện nam, tín nữ cũng như khách du lịch thập phương đến viếng thăm. Công lao ấy có một phần không nhỏ của nhà văn Hoàng Quốc Hải”.
*
* *
Còn vụ án oan ở Vườn Vải, cho đến nay đã tốn quá nhiều công sức và giấy mực rồi, mà mọi sự cũng quá rõ ràng, minh bạch rồi, người bị oan đã được minh oan rồi. Tưởng chẳng còn gì để bàn nữa, nhưng trong bài “Kẻ sĩ trước thời cuộc”, tác giả Đặng Văn Sinh lại viết: “…Công bằng mà nói, khi Lê Thánh Tông chấp chính Nguyễn Trãi đã được minh oan, nhưng thật ra, ông vua hay chữ này mới chỉ dám giải oan một nửa cho Ức Trai, còn Nguyễn Thị Lộ thì không…”.
Thiết nghĩ khẳng định như vậy là không đúng với sự thật lịch sử. Tôi xin dẫn ra đây bài: “Bút ký về Nguyễn Thị Lộ”, của PGS Trần Bá Chí, Đại học Quốc gia Hà Nội, in trong sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên”, NXB Văn hoá – Thông tin, năm 2009, trang 199, 200:
“Tờ chiếu minh oan gồm hai phần. Phần đầu viết lời minh oan cho Nguyễn Trãi, cuối phần đầu có một câu kết luận Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Đến phần thứ hai ghi minh oan cho Nguyễn Thị Lộ, câu kết có tám chữ: “Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội” (Nữ sĩ triều trước [là Nguyễn Thị Lộ] không liên quan gì đến tội [giết vua].
“Đến triều vua Lê Dụ Tông, năm 1710, Đại nguyên soái An Đô Vương Trịnh Cương đến thăm đền công thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương có ra lệnh cấp cho đền thờ ông bà tại xứ Cáo Thượng 1 mẫu 5 sào để giao cho Giáp 5, Giáp 6 cày cấy, lo việc giỗ chạp ông bà Nguyễn Trãi.
“Đền thờ riêng bà Nguyễn Thi Lộ ở phe 4 xã Khuyến Lương (xưa thuộc hương Cổ Mai, huyện Thanh Đàm, sau đổi thành huyện Thanh Trì), dân địa phương thường gọi là Đền Mẫu. Bài vị thờ bà Nguyễn Thị Lộ viết: “Lê triều Lễ nghi học sĩ Ức Trai tiên sinh chi phu nhân, phục thăng Quốc Mẫu, Nguyễn Thị huý Lộ - chi thần vị”. (hết trích bút ký).
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép, bà Nguyễn Thị Lộ là người đẹp, văn chương hay, được vua Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ để dạy bảo các cung nữ. Song cả giáo dục và văn chương cũng không thấy có “dấu tích” gì để lại, ngoài cái danh xưng “Lễ nghi học sĩ”. Nhưng bà đã được minh oan và “phục thăng Quốc Mẫu”. Nếu so với các bậc quân vương, nữ tướng anh hùng như Hai Bà Trưng, Lê Trân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân đã có công đánh giặc giữ nước, cũng chưa vị nào được tôn vinh như vậy. Bà Nguyễn Thị Lộ được phong Quốc Mẫu là ngang hàng với Quốc Mẫu Âu Cơ rồi. Chẳng lẽ đó vẫn chưa phải là minh oan hay sao?...
Vả chăng, vụ án có hai nghi can, thủ phạm là Nguyễn Trãi, tòng phạm là Nguyễn Thị Lộ. Giả dụ, chiếu minh oan chỉ có tên Nguyễn Trãi, chỉ công nhận Nguyễn Trãi không có tội. Vậy, khi thủ phạm đã không có tội nữa, thì mặc nhiên, đương nhiên Nguyễn Thị Lộ cũng không còn là tòng phạm nữa. Chẳng hiểu sao tác giả Đặng Đức Sinh lại tách đôi vụ án ra mà bảo chỉ Nguyễn Trãi được minh oan, còn bà Lộ thì không?
Lại có người còn cho là chỉ minh oan nửa vời, chưa đúng mức. Vậy cái mức đúng ấy cao - thấp, nặng - nhẹ, to - nhỏ là bao nhiêu? Theo tiêu chí nào? Bà Nguyễn Thị Lộ bị vu cho cái tội giết vua. Khi minh oan bảo không phải, bà không giết vua (Nữ sĩ bất can thí tội). Thế là đầy đủ, là hết chứ còn cách nào nữa?
Tôi chưa được đọc tập sách “Kẻ sĩ trước thời cuộc” của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Nhưng bài “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” của ông in trong tập sách đó thì tôi đã được đọc ở tập “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên”. Khi đọc xong, tôi đã có bài viết bày tỏ quan điểm của mình, bây giờ không nhắc lại nữa. Bài viết này tôi chỉ đề cập đến hai lần sử gia Ngô Sĩ Liên bị nhà văn Hoàng Quốc Hải xúc phạm danh dự, nhân phẩm nặng nề, ở bài “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”:
Lần thứ nhất, tại trang 86 (sách đã dẫn), nhà văn Hoàng Quốc Hải viết: “Không một kẻ hiếu sắc trai trẻ nào lại si mê một bà bằng tuổi mẹ mình. Do đó không thể có chuyện tình ái giũa Thái Tông và bà Lộ (Tất nhiên trong cuộc đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này ít có khả năng). Vậy mà sử quan vẫn lạnh lùng chép: “Ngày đêm hầu bên cạnh” và “thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”. Xem ra sử quan đã vượt lên trên cả sự phi lý và VÔ LUÂN…”.
Lần thứ hai, tại trang 95, 96, 97 (tập sách nói trên) ông đã viết: “Trong vụ án Vườn Lệ Chi, tôi không tin một dòng, một chữ nào mà sử gia Ngô Sĩ Liên chép vào chính sử, trừ cái chết của Nguyễn Trái, Nguyễn Thị Lộ. Bởi không những ông phải chịu sức ép nhiều bề, mà ngay cả nhân cách ông cũng không tin được. Điều đó được thể hiện khi ông phục vụ dưới triều Lê Thánh Tông, bằng những vụ ăn của đút qua các việc tiến cử người cùng phe cánh hoặc bất tài, vô hạnh vào chiếm chỗ trong triều”.
Chẳng biết nhà văn Hoàng Quốc Hải đọc ở đâu, quyển sử nào mà biết Ngô Sĩ Liên ăn của đút? Chứ lời Lê Thánh Tông trách mắng sử quan Ngô Sĩ Liên, xin được chép dưới đây, thì không thấy có chuyện Ngô Sĩ Liên ăn của đút:
“Vua (Lê Thánh Tông) dụ bảo Đô ngự sử đài là Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tôn nên mới đầu xuân tế giao, ngươi lại bảo tổ tôn đặt ra tế giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang thời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu (Lê Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức ngự sử đó sao? ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự trong triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vị lợi lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư?”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết tiếp: “Tư cách của sử quan và Đài ngự sử như thế, thì chúng ta có quyền tin tưởng sâu sắc rằng, những điều họ chép ghi về vụ án Vườn Lệ Chi là dối trá…”. “…Tuy nhiên có một điều đau lòng là sử gia Ngô Sĩ Liên, đã hạ một lời bình rất BẤT LƯƠNG về bà Nguyễn Thị Lộ:
“Nữ sắc làm hại người quá lắm thay, Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?”.
Theo tôi lời bình đó nếu có sai trái, thì chỉ sai với thời bây giờ thôi, còn thời xưa thì lời bình đó hoàn toàn là sự thật. Vì nó phản ánh đúng quan niệm về đạo đức của thời đại ấy là trọng nam khinh nữ. Sắc đẹp của người phụ nữ được coi là (hay bị coi) là khuynh quốc, khuynh thành. Ở nước Tầu thời xưa, người ta cho rằng sắc đẹp của Tây Thi đã làm mất nước Ngô…
Sách ta cũng có câu: “Anh hùng nan quá mĩ nhân quan”. Mĩ nhân như cửa ải hiểm trở, mà các đấng mày râu, các bậc anh hùng đều bị khuất phục, không ai có thể vượt qua được. Cả trong kho tàng văn hoá dân gian, cũng có câu ca dao nói về nữ sắc: “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma”. Rồi cả một ông quan đại thần triều Nguyễn, nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng viết: “Ban ngày quan lớn là cha/ Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con”. Nữ sắc đã làm đảo lộn cả thần thánh thành ra ma quỷ, và từ bậc là cha lại lộn ngược xuống hàng con!
Như vậy thì lời bình: “Nữ sắc làm hại người lắm thay”. của Ngô Sĩ Liên cũng chỉ là điều ông thừa nhận một thực tiễn khách quan. Và nhan săc của bà Nguyễn Thị Lộ đã làm cho: “Vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi”, “Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi bằng”. Ghi chép đó của sử quan Ngô Sĩ Liên hoàn toàn trái ngược với bản án của triều đình kết tội Nguyễn Thị Lộ là: “Tiến độc cho vua, theo mưu kế của Nguyễn Trãi”. Và cả những lời Ngô Sĩ Liên viết về bà thái hậu Nguyễn Thị Anh, khi bà này giúp con (Lê Nhân Tông) nhiếp chính, như: “Thái hậu Nguyễn Thị Anh như gà mái gáy- mai…người giỏi như Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, thì vội giết đi, người tài như nguyễn Mộng Long thì ném vào hoạ hại, oan uổng không kêu đâu được”.
Vua thích vợ của thầy dạy mình là vô đạo, vô luân. Thái hậu nhiếp chính lại chép là gà mái gáy mai là điềm gở, điềm xấu. Nếu không phải là người dũng cảm, tận tâm, tận lực vì nhiệm vụ thì Ngô Sĩ Liên, một người lý lịch đã có tì vết (theo Lê Nghi Dân), liệu có giám hạ bút viết về các vị vua vương triều mình đang phụng sự như vậy không? Nhất là bộ quốc sử quan trọng này, Ngô Sĩ Liên lại viết ngay dưới triều Lê Thánh Tông, nếu những dòng chữ nghĩa đó, không phải là sự thật hiển nhiên, thì liệu cái đầu của sử gia có còn nguyên ở trên cổ không?
Thế mà lại bảo ông “bẻ cong ngòi bút”, là “vô luân”, là “bất lương”! Nếu cái ngòi bút cong mới viết ra những lời lẽ đó, thì chính xã hội thời ngô Sĩ Liên đã sản sinh ra chiếc ngòi bút cong đó, chứ ông không bẻ cong ngòi bút.
Hiến pháp năm 2013 quy định: Khoản I, Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bát kỳ hình thức nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên, tuy là quan chức của chế độ phong kiến thời xưa, nhưng bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, do ông chủ biên để lại, Nhà nước ta vẫn sử dụng làm Quốc sử, và bản thân ông vẫn được suy tôn là Danh nhân văn hoá. Cho nên UBND thành phố Hà Nội, đã dành một đường phố tại quận Ba Đình để gắn biển mang tên ông. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn có hai Trường trung học cơ sở cũng được vinh dự mang tên Ngô Sĩ Liện.
Như vậy là nhà văn Hoàng Quốc Hải đã vi phạm Khoản I, Điều 20, Hiến pháp 2013, xúc phạm danh dự và nhân phẩm Danh nhân văn hoá Ngô Sĩ Liên. Đồng thời ông cũng có lỗi với Chính quyền thành phố Hà Nội, có lỗi với nhân dân khu phố Ngô Sĩ Liên, với các thầy cô giáo và hàng nghìn học sinh ở hai trường Trung học cơ sở được vinh dự mang tên Danh nhân văn hoá Ngô Sĩ Liện.
Khi đọc bài “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”, bỗng tôi lại nhớ đến cuộc du xuân của chị em nhà họ Vương trong Truyện Kiều. Khi thấy Kiều nhỏ lệ xót thương cho số phận Đạm Tiên, Thuý Vân đã trách chị: “Vân rẳng: “Chị cũng nực cười/ Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”.
Được biết nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa cho in tập sách: “Kẻ sĩ trước thời cuộc”. Chắc ông tự biết mình là kẻ sĩ? Mà đã là kẻ sĩ, thì hẳn là phải có nhiều chữ nghĩa, nhiều lòng trắc ẩn và nhiều nỗi thương tâm? Cho nên cũng như nàng Kiều khóc Đạm Tiên, ông thương bà nguyễn Thị Lộ, và bất bình với bọn vua quan phong kiến triều Lê, đã vu oan giá hoạ cho bà?
Tình thương và lòng quý trọng lẽ công bằng đó rất đáng quý, nhưng sao nhà văn không thiết thực hơn là dành cho những người đương thời cũng bị oan trái, mà chưa được công khai minh giải như các cán bộ, đảng viên bị xử lý trong Cải cách ruộng đất? Hay như các đồng nghiệp của ông, trong vụ Nhân văn – Giai phẩm? Vụ án này, tuy không có đầu rơi máu chẩy như vụ Lệ Chi Viên, nhưng nó có quy mô rộng lớn, và ảnh hưởng rất nặng nề đến bản thân và gia đình hầu hết các trí thức văn nghệ sĩ nước ta. Và cũng có thể nói vụ án đó đã giáng một đòn trí mạng vào nèn văn học nước nhà, suốt nhiều thập niên trong thế kỳ 20 vừa qua.
Cuối bài “Trắng àn Nguyễn Thị Lộ”, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn kiến nghị: “Toà án nhân dân tối cao ra một án quyết đặc biệt phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên…”. Thưa nhà văn, Toà phủ nhận tính hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên mới đúng chứ? Phủ nhận tính hợp pháp của án quyết, tức là cái án quyết ấy phi pháp. Nếu phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết, chẳng hoá ra lại công nhận án quyết ấy hợp pháp?
Vậy, tại sao nhà văn Hoàng Quốc Hải không kiến nghị Toà án xử lại những vụ án oan thời bây giờ? Hay như bài : “Sự im lặng của nhà văn”, mà nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã viết: “…gọi thẳng ra chúng ta im lặng bởi chúng ta sợ hãi, sợ liên luỵ, sợ mất bổng lộc…”.
Nhân cách, phẩm chất kẻ sĩ thời xưa là: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Còn thời bây giờ, một số người tự xưng là “kẻ sĩ”, nhưng lại ngoảnh mặt đi, vô cảm trước những oan trái, bất công của con người. Thậm chí có kẻ còn tố cáo, đẩy bạn bè, đồng nghiệp của mình vào vòng hiểm hoạ, để tâng công, để bày tỏ lòng trung thành, nhằm kiếm danh, kiếm lợi. Bọn người đó, hỏi có đáng mặt là kẻ sĩ không?./.
TP. Uông Bí, ngày 30 - 3 - 2017
Tạ Hữu Đỉnh