(Đọc thơ của Trần Chính)
Nhà thơ Trần Chính sinh năm 1942 tại làng Cậy – Long Xuyên – Bình Giang – Hải Dương, hiện trú tại phường Quang Trung – thành phố Thái Bình, Hội viên Hội VHNT Thái Bình, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 7 tập thơ: Giọt sương - Nxb Lao động (1995), Vầng trăng muộn - Nxb Thanh niên (1997), Nhành mai trước cửa - Hội VHNT Thái Bình (1990), Quả không mùa - Nxb Hội nhà văn (2001), Lời mùa thu - Nxb Hội nhà văn (2005), Gió đổi chiều - Nxb Hội nhà văn (2013), Trăng trên mái nhà - Nxb Hội nhà văn (2016). Giải thưởng: Giải Văn học Lê Quí Đôn - Giải thơ tứ tuyệt Tài hoa trẻ - Giải thơ về đề tài Thương binh, Liệt sĩ - Giải thơ về đề tài lực lượng vũ trang, mùa xuân, Ngươi cao tuổi - Bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình cho tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Cách đây hơn 60 năm, Trần Chính cùng cha mẹ, gia đình từ Làng Cậy – Long Xuyên - Bình Giang – Hải Dương, chạy giặc Pháp, về định cư ở Thị xã Thái Bình từ ấy đến nay. Một cậu bé tám tuổi, áo nâu, quần vá, chân đất, thân hình bé quắt nhưng có đôi mắt tinh nhanh, trán cao, lanh lợi …ngày nào cũng từ sớm tinh mơ đến sương đêm ướt áo đi khắp các nẻo phố, xóm ngõ… rao bán bánh mì, bán kem, bán báo…góp phần sinh hoạt cho gia đình nơi đất khách quê người, thời loạn lạc! Ngày lễ, tết cậu còn đi xếp hàng để nhận quà phát chẩn bố thí cuả người giàu cho người nghèo. Đó là buổi bình minh vào đời của nhà thơ Trần Chính hôm nay. Từ buổi bình minh gian chuân ấy, Trần Chính có chí, tự thân vận động để trở thành một trí thức vừa hồng vừa chuyên. Có lẽ trời sinh ra ông để học tập và làm việc. Học, học nữa, học mãi. Làm việc nhà, việc dân, việc nước, việc thơ… bạc đầu say mỏi. Trước tấm thẻ Nhà văn tâm thức là tấm thẻ Đảng Cộng sản chân chính, rồi các tấm bằng chuyên môn: Từ kĩ sư nông nghiệp đến cử nhân Chính trị Nguyễn Ái Quốc, Kinh tế quốc dân, Hành chính Quốc gia. Ông đã từng giảng dạy ở Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Thái Bình, Bí thư Đảng bộ phường Quang Trung, Chánh Văn phòng UBND thành phố Thái Bình, Giám đốc công ty Đô thị thành phố Thái Bình, Giám đốc Đài Phát thanh thành phố Thái Bình đến ngày nghỉ hưu.
Sự va chạm từng trải từ buổi bình minh gian chuân đến những tri thức ông tiếp thu được ở học đường và những hiện thực đờì sống kinh tế, văn hóa xã hội từng kinh qua…tất cả làm nên vốn sống để ông thổi hồn vào những trang thơ. Có thể nói: Thơ Trần Chính là tiếng thơ của người trong cuộc. Trong cuộc ở sự từng trải vốn sống nhân quần, trong cuộc ở thế thái nhân tình, trong cuộc ở thế sự, chính sự đương đại…: “Lang thang đi mỏi chân rồi/ Ngẫm ra mới thấy kiếp người mòn đau/ Ẩn trong đáy mắt đêm thâu/ Chập chờn đổ xuống ngàn câu rối bời” (Nợ đời) – “Ngàn câu rối bời” là ngàn câu thơ tâm huyết Trần Chính nuôi dưỡng, nâng niu.
Từ tập thơ đầu tay “Nhành mai trước cửa” (1990), nhà thơ Kim Chuông trong lời tựa có nhận xét: “Bên cạnh cái tĩnh tại, cái cụ thể là sợi dây lay động, ngân rung là khoảnh khắc chớp lóe mang tâm hồn thi sĩ/…/ Thơ Trần Chính chạy trên cự ly ngắn. Những mảng nhỏ, rời. Những phác thảo chấm phá. Những kết cấu lành, cũ. Những phát hiện quen, gần. Những vang vọng thoáng chợt.” (Tr7 – Nhành mai trước cửa). Đến tập thơ thứ tư “Quả không mùa” trở đi, đặc biệt đến tập thơ thứ 7 “Trăng trên mái nhà” thì: Thơ Trần Chính đã việt giã trên cự ly dài, những mảng đề tài lớn logic, những phác thảo bao quát đặc trưng, những kết cấu vừa truyền thống vừa cách tân, những phát hiện mới, những vang vọng dặm dài đất nước. Nhà thơ Vũ Quần Phương khi đọc “Trăng trên mái nhà” đã phải thốt lên: “Thơ Trần Chính có một bước tiến, mà với riêng tôi, tôi ngạc nhiên, trong cách quan sát, suy ngẫm về thời thế với nhân tình của thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này.” (Tr9 – Trăng trên mái nhà). Thơ Trần Chính trên văn đàn buổi đầu bạn đọc thường nhặt được những chữ thơ hay, những câu thơ hay còn bài thơ hay thì hiếm, nhưng dần từng bước đến nay ông đã có nhiều bài thơ hay, nhiều tập thơ hay. Chất hàn lâm và tính chuyên nghiệp thơ ông ngày một rõ nét: “Thang đời/ Lạnh lẽo dạt trôi/ Bước lên/ Mấy bậc đã thôi rùng mình/ Vò nhầu đời/ Bẻ gãy tình/ Cho thân xác gục/ Tan bình hoa rơi/ Lấn chân/ Giẫm đạp cõi người/ Mà xem/ Mê mẩn một thời/ Xót xa/ Cái thang/ Mọt rỗng/ Leo qua/ Gãy rồi tìm mãi/ Không ra/ mặt người” (Thang đời). Lục bát truyền thống thôi nhưng ruột thơ, hồn thơ, vắt dòng đã cách tân trời vực, không còn “lành, cũ” như xưa.
Tiếng hót họa mi bên lồng son hay dưới vòm trời rộng mở, tuy có khác nhau về giai điệu, thần thái nhưng tiếng hót ấy vẫn là cốt cách họa mi hòa vào đất trời. Khi đọc thơ Trần Chính tự nhiên tôi lại liên tưởng đến tiếng hót chim họa mi. Hành trình thơ ấy tuyến tính đi lên với tiếng thơ lảnh lót, réo rắt nơi đồng ruộng lúa nước vàng tươi, nơi rừng xanh núi thắm, nơi biển đảo mênh mông, nơi đất trời quê hương rất mực thương yêu – Tổ quốc. Bảy tập với 468 bài thơ rút ruột suốt 26 năm trời (1990-2016) của Trần Chính đã minh chứng cho hành trình thơ trữ tình, phiêu diêu, lãng mạn. Thơ ông kỳ công chau chuốt ngôn từ, chau chuốt hồn của âm thanh, chau chuốt âm điệu, có đôi lần chau chuốt đến vi diệu. Ở cùng phường với ông, trước chén trà thơm, nhiều lúc cùng “ngắm rượu” hàng giờ để ngẫm câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa của nhân loại: “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đúng là tài đến bậc như Nguyễn Du mới phát ngôn như thế (Theo ý câu nói của nhà thơ Tố Hữu) thật uyên bác và hàn lâm. : “Em ngồi như thế lặng im/ Với đôi mắt ướt/ Lim dim mà cười/ Mặc cho sóng nước nổi trôi/ Mặc cho gió thổi về nơi/ Trăng tà/ Mắt lành gợn sóng/ Chiều xa/ Đổi ngôi vướng ngọn phong ba/ Ngợp trời/ Trong veo ngấn lệ đầy vơi/ Mặc cho mặt đất rối bờì/ Mờ sương/ Mắt em lãng đãng lời thương/ Liêu xiêu bóng lá/ Đổ nghiêng/ Bóng người” (Tr28-Trăng trên mái nhà) – Một âm bản ký họa chân dung nhà thơ Trần Chính, lúc ngồi đối diện với tôi “ngắm rượu” luận sự mình, sự thơ. Ông là người giới thiệu tôi vào Hội VHNT Thái Bình đến nay đã mười lăm năm (2002-2017) – “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” (Nguyễn Du) trong đời thường, trong “Trang văn vời vợi bên đèn” chốn văn chương.
“Lời mùa thu” là tiếng thơ của Trần Chính sắp nghỉ hưu, là gạch nối đời quan chức với đời chuyên nghiệp nghiên bút làm văn chương, là tập thơ thứ năm sau Nhành mai trước cửa; Giọt sương; Vầng trăng muộn; Quả không mùa của ông. Một quan chức làm thơ nhưng không mượn thơ làm sang chức quan (Đại ý câu nói của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi), mà ông coi thơ là cõi linh biệt để gửi hồn, gửi tình vào trong đó, là nỗi lòng, để tôn vinh vẻ đẹp bất tận của tâm hồn, là xua đi sự tuyệt vọng tận cùng của số mệnh. “Lời mùa thu” đầy ắp sự trải nghiệm, tình nhân thế, tình yêu và đăc biệt nơi bếp núc thói đời. Trên trang thơ ta gặp không ít nỗi niềm trăn trở, cô đơn, thoáng nét buồn trắc ẩn. Chẳng thế mà trong thơ ông có đến sáu cái chợ (có cả cái chợ mang tên Chợ thề): “Bán đi mấy gánh dại khờ/ Mua về một dốc nặng bờ vai ai” (Chợ chiều tất niên); “Ta còn một góc chợ thề/ Vàng thau lẫn lộn khó bề dửng dưng” (Chợ); “Muộn màng mơ cái phù vinh/ Vắng mây nghẽn lối hóa thành mong manh” (Chợ Viềng); “Chợ chiều chen đến là đông/ Mà tôi luẩn quẩn mua không được gì” (Chợ chiều); “Chợ tình mấp mé cổng trời/ Bán mua một vốn vạn lời lao xao/ Bén duyên giá thấp mời cao/ Chợ tình lạc lối rẽ vào thâm cung” (Chợ tình) và thơ chạm vào ngõ chợ thứ sáu cuộc đời: “Tết về đi chợ cầu ban/ Lang thang lạc lối đò ngang chưa về/ Chợ nghiêng vào cõi trăng thề/ Rau dưa héo úa bỏ nghề đi buôn” (Chợ cầu mong). Chấm hết! Vui cũng có nhưng buồn thì vô tận: Mua đầy bán vơi, cười nói lả lơi, lọc lừa và nhiều lần nói đến thằng Cuội - một chuyên gia nói dối mà ai cũng tin. Có lẽ mỗi cái chợ là một mốc đường đời ông đã qua chăng? Vì chợ là đời. Nỗi đau, sự cay đắng, sự trăn trở trong tâm trạng, muốn thoát mà không thoát được, đành cố gắng gượng đôi chân để vòng xoáy tham ác khỏi cuốn đi: “Mình ta uống mình ta say/ Rượu ngon một cốc đêm nay một mình/ Bão giông táp lả lơi tình/ Gió sương se lạnh cũng mình ta thôi” (Mình ta).Cô đơn trong bão giông là một tứ thơ lạ. Vượt qua cơn lửa đỏ nước lạnh, nhà thơ tự reo lên: “Ngày qua đi/ Bụi bậm trên vai giũ sạch/ Sướng/ Được là Người” (Góc khuất trên đường phố). Thơ ông từ đây đã có thêm góc nhìn mới khác: “Oằn vai gánh nặng phong ba/ Chân chồn gối mỏi sương sa bời bời/ …/ Những khi tắt lửa tối trời/ Một mình với giọt mưa rơi ướt đầm/ Cái khôn thì cứ lặng thầm/ Để cho cái dại trăm phần lênh đênh” (Với con gái lớn). Nhìn vào bếp núc ở mảng hiện thực tiêu cực nhân tình, xã hội này mà tác giả đã tái hiện cảnh, người xưa trong tác phẩm văn xuôi của Nam Cao: “Lạc đường tới phố Nam Cao/ Ai như Bá Kiến đang vào công viên/ Chí Phèo rượu vẫn say mềm/ Hớ hênh Thị Nở ngả nghiêng vườn chiều/ …/ Tiếng ai như tiếng Lý Cường/…./ Cả làng Vũ Đại trong chiều công viên” (Chiều công viên). Ta cứ tưởng người ấy , cảnh ấy, tình ấy đã vĩnh viễn mất đi sau cách mạng, mà ai ngờ giữa nơi sạch sẽ đẹp như công viên của xã hội ta thời đương đại mà vẫn còn ác bá cường hào. Ác bá cường hào mới “Ai như Bá Kiến” lại “Tiếng ai như tiếng Lý Cường” đã xuất hiện ở đó đây từ chốn thôn dã đến đô thành đương đại! Thi pháp và tư tưởng nghệ thuật của thơ Trần Chính đã canh tân để phản ánh, phê phán được tầng đáy của hiện thực, cũng là văn tải đạo vậy.
Ngoài những trang thơ muối mặn gừng cay về thế sự, nhân tình thì chữ EM yêu cũng chiếm nhiều phần trang sách. Bài thơ tình đầu tiên Trần Chính trình làng cách nay gần ba chục năm tại nơi đất Phật “Anh đi trẩy hội chùa Hương/ Thuyền vào suối Yến trên đường gặp em/ Ngỡ ngàng tưởng lạ mà quen/ Đúng rồi em ở phố bên phường ngoài/ Thuyền đông vai sát vào vai/ Mái chèo khua nhịp cho ai xiêu lòng” (Trẩy hội cùa Hương). Tình yêu thi sĩ cứ nối dài tuyến tính thời gian mà chiêm nghiệm: “Bóng đêm/ Cho em biết mắt anh sáng lên/…/ Bóng đêm/ Biết vòng tay anh ấm áp/…/ Bóng đêm/ Để trái tim em thổn thức lời thương nhớ/…/ Bóng đêm/ Để em không vội vàng vụng nhớ thầm/…/ Bóng đêm/ Cho em cuộc đời có thật/ Vì ban ngày/ Không nói được về nhau” (Bóng đêm). Thi sĩ tình yêu lại trở về nhà thơ của đời thường: “Em đắm say/ Em trắng trong/ Bút nào hóa mực mà đong vui buồn/ Bần thần khát vọng mưa tuôn/ Để rồi/ Ướt sũng nụ hôn cuối chiều/ Cái nghèo sương đổ nắng thiêu/ Xôn xao câu nhớ liêu xiêu câu chờ” (Em trắng trong). Đến đây không còn ranh giới giữa em yêu và em thơ. Với tình yêu gia đình, ông có nhiều bài thơ hay, cảm động, đứt ruột, lối thơ tự thuật: “Khói buồn vẽ lối về mây/ Chân nhang mỏng mảnh dứt day lệ sầu/ Âm dương cách biệt xa nhau/ Tôi giờ/ Tóc đã ngả màu trắng phơi/…/ Con thì mỗi đứa một nơi/ Gặp con/ Tôi gắng gượng cười làm vui” (Viếng mộ vợ).
Trong thơ trữ tình, Trần Chính có đôi lần cài vào nét hài, cười ra nước mắt: “Đêm qua có một thằng đần/ Tự dưng/ Ra giếng cởi trần ngắm trăng/ Cuội già tức quá hung hăng/ Nhẩy xuống/ Hạ giới ngắm trăng/ Cởi trần/ Cuội ngu/ Cũng giống thằng đần/ Hai thằng tít mắt cởi trần/ Ngắm nhau” (Cuội và thằng đần). Hài mà tình, Cuội đã có cả một cung trăng và luôn có chị Hằng bên cạnh mà còn đi đánh ghen với thằng đần ở hạ giới vì nó cởi trần ra giếng ngắm trăng đêm hè. Đêm trăng đẹp quá. Cái đẹp kỳ diệu đã làm tan đi thói đời ích kỷ, hẹp hòi, tham lam. Cuối cùng thằng đần, thằng Cuội ngu ấy đều cảm thấy hạnh phúc dưới vầng trăng. Thơ Trần Chính luôn tôn vinh cái đẹp Trong cõi người ta.
Trần Chính đã từng bán hàng rong đường phố, từng ở mái tranh nghèo mưa dột…vẫn viết nên những vần thơ “Nhành mai trước cửa” tươi sáng trữ tình: “Muộn màng trước cửa nhành mai/ Lời xuân đi nói với ai điều gì/ Hoa kia nở chẳng đúng thì/ Vì hoa hay tại bởi vì gió đông” (Nhành mai trước cửa). Khi bước vào tuổi bảy lăm (75), không giàu về vật chất nhưng hạnh phúc, giàu về tinh thần, ông vẫn tiếp tục viết nên những vần thơ “Trăng trên mái nhà” đầy suy tưởng và triết luận. Thơ định đề triết luận khó viết và kén chọn bạn đọc nhưng với nhà thơ Trần Chính đã khá thành công. Bởi thơ ông đã khéo gắn kết giữa cảm xúc và suy tưởng, giữa hình tượng và lý lẽ, lúc nào ông cũng vun xới, dồn nén cho trường rung cảm, dành chớp giây phút thăng hoa: “Chiến tranh tàn khốc điêu linh/ Tình yêu ngời lên/ Trong xanh ngọc bích/ Không cần nhiều triết lý mông lung/ Giản dị thật thà như đếm/ Thương nhau/ Không gian tham/ Đút lót/ Không ton hót chức quyền/ Nhường nhau cái áo moay ô/ Cái quần đùi mỏng/ Miếng xà phòng bẹp dính bảy hai/ Con cá khô mặn ran ẩm mốc/ Quanh năm xe đạp cà tàng/ Lòng trong sáng như gương” (Viết khi tuổi bảy mươi ba). Ông tâm sự: Không đau cái đau nhân thế thì thơ còn có ích gì và làm rung động được trái tim ai. Đọc thơ ông làm lòng ta day trở, suy tư nhân tình. Thơ ông nghiêng về phía chủ đề hơn về phía đề tài lớp lang, khuôn mẫu. Thơ ông thành công, làm rung động đến trái tim người đọc vì người viết thật lòng. Thật lòng từ cách nhìn, cách suy tư minh triết và thật lòng để thành chữ thành câu viết trên trang thơ.
Trần Chính sở trường thơ lục bát, nhịp điệu vừa khoan thai vừa réo rắt có khi vắt dòng khác truyền thống để làm mạch lạc dòng suy tưởng thơ hơn. Thơ ông thường ngắn và ta gặp khá nhiều bài thơ bốn câu tài hoa: “Đào khoe sắc thắm xuân đang đến/ Nụ biếc lời xanh nở hết mình/ Kìa nắng hương nồng tươi thắm mãi/ Còn đây hơi ấm đậu trong bình” (Xuân trong bình hoa).
Hành trình thơ Trần Chính đã đi được một chặng đường dài, sáng, trong trẻo, dịu êm, tươi mới…, để lại nhiều ấn tượng, suy tư cho người đọc, nhưng còn mong được đón nhiều ánh chớp hồ quang trên đường thơ tiếp theo của ông.
Một cán bộ nghỉ hưu, lặng lẽ nơi ngôi nhà mái bằng đơn sơ, một khuôn viên cây cảnh non tươi trong khu phố nhỏ…bản thảo phòng văn cứ ngày một dày thêm: “Nhà ta cây vẫn xanh êm/ Vần thơ lạc giữa trời đêm tìm người” (Nép nhà). Đó là nhà thơ Trần Chính có “Nhành mai trước cửa”...và có cả “Trăng trên mái nhà” góp phần làm rạng rỡ cho thi đàn quê hương.
Thái Bình tháng 5/2017
ĐỖ LÂM HÀ
Sn 58//01, tổ 50, p.Quang Trung, tp.Thái Bình, đt 0987 221 404