Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GHI CHÉP VỀ DƯƠNG THU HƯƠNG (1985-1986)

Vương Trí Nhàn
Chủ nhật ngày 4 tháng 6 năm 2017 7:06 PM




VƯƠNG TRÍ NHÀN

Nhà văn Dương Thu Hương - Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhà văn Dương Thu Hương – Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Các đoạn ghi chép này đã được đưa lên blog này ngày 13-3 -2012 và 16-1-2016. Nay xin đưa lại để bổ sung cho việc tìm hiểu tác phẩm Dương Thu Hương như một hiện tượng của văn học hậu chiến. “Biết đâu có bạn muốn hiểu DTH mà chưa đọc”. “Biết đâu có bạn đọc rồi vẫn muốn đọc lại lần nữa”. Bởi nghĩ vậy nên tôi đưa vào đây.

20/2
Họp ở nhà xuất bản Giáo dục, bàn về biên tập cuốn 20 truyện ngắn chọn lọc 1945-85. Cái điều làm mọi người buồn bã nhất, ấy là hiếm có truyện hay. Ông Đỗ Quang Lưu chê truyện còn thiếu action (hành động), truyện nói nhiều quá, truyện không hoàn chỉnh.

– Thời kỳ ta có nhiều truyện hay, vẫn là thời 55-64.
– Có nhiều tác giả đã thành danh như Tô Hoài, Bùi Hiển không có cái hay; cả Nguyễn Quang Sáng, cả Anh Đức (Tô Hoài chỉ ăn ở chi tiết)
– Có những người như Vũ Thị Thường lạc chất của mình (đáng lẽ là chất đời thường lại sang xã hội chính trị)
– Cấu trúc các truyện thường yếu, không mấy khi có sự gặp gỡ giữa nhân vật + cốt truyện v.v…
Riêng tôi đọc lại, còn thấy loại như Đỗ Chu, Dương Thu Hương có nhiều cảm quan lạc hậu. Đỗ Chu trì trệ trong cảm giác bằng lòng, hoà hợp, biết ơn. DươngThu Hương mới trong đại cương, nhưng trong chi tiết, vẫn là hôm nay. Ghét những người chỉ biết đến mình. Đề cao hy sinh, vì người khác. Sợ tiện nghi. Có những nét tạm gọi là ác.
Đúng là có một thời, cả một dân tộc kinh sợ hạnh phúc, vì cho rằng hạnh phúc khiến mình không còn chiến đấu được nữa. Những tiêu chuẩn thông thường ở con người dường như mất quyền tồn tại.
Trên cái nền chung này, Hương căm giận mấy cũng là vô ích.

21/2
Một chuyện nghe được về ông Thi do Hương kể cho Huy Phương, Huy Phương kể lại cho Nguyễn Thành Long.
Ông Nguyễn Đình Thi lên Quảng Bá sáng tác.
Quen như với một số người khác, mang cái mình mới viết sang đọc cho Hương nghe, giọng lên bổng, xuống trầm, ra điều cảm động lắm. Vừa đọc được vài câu, bị Hương dội gáo nước lạnh.
– Thôi đủ rồi, chán cái giọng lên bổng xuống trầm tán gái của anh lắm rồi.
– Ồ, nhà văn gì côn đồ thế này.
– Ừ, côn đồ đấy, nhưng cầm đồ ra khỏi phòng này ngay đi.
Khi kể lại, Hương nói thêm: Tôi ăn lương ở Điện ảnh chứ đâu phải bên Hội nhà văn, tôi cần gì.

14/4
Những lần đối diện với Dương Thu Hương. Thoáng cảm thấy một nét gì sớm cũ càng, ở cái con người có vẻ đang chống phá lung tung đó. Cái miệng gồm hai hàm răng thật đều xít vào nhau toát lên một thoáng khiêu khích. Còn làm duyên làm dáng gì với nhau nữa. Không có thần tượng, không ai cứu được ai trong cuộc đời này. Tuy vậy, khi tôi nói thẳng những nhận xét tàn nhẫn ấy, thì Hương gật đầu.
– Đúng, tôi nhận là tôi phong kiến, cay nghiệt…. Viết xong là biết nó thuộc về ngày hôm qua rồi, hôm nay mình phải khác.
Tôi hay bảo Hương như kẻ dẫu sao cũng muốn hét lên một tiếng giữa mọi người; muốn ra sao thì ra, nhưng phải hét, thì mới chịu được.

Nguyễn Kiên:
–Dương Thu Hương là gì? Nó là sự phản ứng lại một thời. Một thời mọi thứ xuôi theo một kiểu. Bây giờ người ta không chịu thế. Người ta tập nói ngược lại. Loại trừ bọn phá hoại, bọn bành trướng, thì nó còn là tâm lý mọi người bình thường. Vì thế, mới có nó. Nó cứ nói tuốt luốt ra cả.
Đỗ Chu thì lông bông quá, nên không được.

12/6
Hương hay bảo tôi là dân mặt trắng nhợt ra, vì chả đi đâu, chỉ đọc sách, giữa cuộc đời chỉ là dân típ hôi.
Nhàn:
— Bây giờ bà Hương này, có tài rồi, nổi tiếng rồi, có nhà riêng rồi, bây giờ chỉ cần một gia đình yên ấm.
Nguyễn Kiên cũng ngồi đấy, cười khẽ:
– Ông này âm lịch quá. Thời này còn nghĩ chuyện gia đình yên ấm. Cứ nổi tiếng là được rồi chứ cần gì.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.

Nói chuyện với Hương. Có cả Hách, Ân. Hương ngồi kể về hoàn cảnh của mình. Lấy chồng trong sự thúc ép, đang cô độc vì một kỷ luật vớ vẩn của lớp học. Lão Bằng này hay mò đến. Lão ta còn doạ không lấy lão sẽ băm chết. Cảm thấy bị lão ám quá, làm ào đi: “Anh về anh bảo mẹ anh tới đây”. Nhưng về với nhau được vài hôm là đánh vợ, mặc dù bây giờ vẫn yêu Hương, yêu ghê gớm.
Hương:
— Tôi ly thân với chồng 6 năm, ở riêng đã hai năm. Nhiều đứa đến nhòm ngó chứ. Nhưng tôi không như Xuân Quỳnh. Tôi không việc gì phải toáy cả lên, sống thiếu đàn ông một hai tháng là không chịu nổi. Việc gì cũng phải trả giá của nó cả.
… Con gái chúng nó dở hơi lắm. Nhớ có lần đi hội, đêm ngủ với mấy con nhà thơ. Một đứa đọc thơ về anh hói, một đứa về anh rậm râu, đến tận 3 giờ mới thôi. Tôi bảo chúng nó, tao thì tao yêu lão bán phở còn hơn là hai lão già ấy. Thôi im đi cho tao ngủ. Thế mà hôm sau, về, còn thấy kể chuyện con Nhàn nó thẽ thọt nịnh chồng, thổi cơm nếp cho chồng ăn nữa.
Ở Hương thường là một thái độ lạnh lùng ghê rợn, khi nhìn vào đời tư của mọi người.
– Tôi có mấy đứa đàn em ở Sân khấu nó kể chuyện, khổ lắm, như ông Vũ, khao khát tình yêu, vẫn bị bọn con gái các nhà hát nó lừa cho đấy, những con loại đĩ giòi ra rồi, nhưng nó ỏn thót, nó xin vai. Mấy đứa đàn em tôi bảo khổ ông Vũ, có biết gì đâu? Còn như con mẹ Quỳnh, từng này tuổi còn cắt tóc ngắn, diện quần bò áo phông – chỉ loại con gái chưa có lớp mỡ ở bụng mới dám diện như vậy — rồi đến ngồi cạnh chồng, lắc lắc cái đầu, như mười tám đôi mươi, chung quanh nó thấy chướng lắm. Nên bọn trẻ nó lại càng muốn trêu ngươi, để chứng tỏ cái quyền lực của nó. Là quyền trẻ, quyền đẹp chứ còn gì nữa. Tôi như con Quỳnh, tôi cứ sống đúng là tôi. Nhưng nó thì không dám, không chịu được. Mà già rồi còn gì.
Hách nói thêm, lắm lúc nhìn vào mắt Quỳnh, lòng đen nó cứ bạc xám ra, thấy già đi rõ quá. Chồng đi vắng là bần thần. Rồi kêu chán đời. Chồng về, lại kể những chuyện xót xa, tuy vẫn là đùa vui nhưng xót xa. Chẳng hạn như kể là hôm nọ, có con bé nào nó lại đến rủ Vũ đi xem. Quỳnh phải gầm lên: “Hôm qua, anh xuống ăn cơm nguội chỗ mẹ, anh thắt lưng bằng cái dây chuối [thực tế bằng dây thừng] thì có ai đến thăm anh không?”
Rồi bọn em chồng ở nhà, nó phải nói thêm vào nữa, mới thôi.
– Được cái Quỳnh nó còn trẻ, đi với nhau còn hợp.
– Trẻ gì mà! Vũ nó phải khó chịu chứ.

Hương kể về T. Ngày nào T. + Hương rất thân nhau. Hương hay cùng T. đến Thu Bồn. Gớm, một tình yêu tha thiết. Thấy Thu Bồn nó ra mà cả người nàng cứ run lên. Lần ấy, T. cho rằng Hương phải bám T. để đăng bài. Tôi mới đến tôi bảo lão Bổng. Tôi ỉa vào đăng bài ở chỗ này, chừng nào mà con T. nó còn làm biên tập ở đây. Không đăng thì đã chết ai?
Nhưng những lời Hương kể ghê gớm nhất là về Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài.

Đúng là có chuyện mắng mỏ Thi, cái lần ở Quảng Bá (tôi đã ghi ở phần trên). Sau đó, Thi vẫn phải làm lành. Tô Hoài cũng vậy. Năm ngoái họ đi trại Đại Lải với nhau, Hương đã công kích Tô Hoài vuốt mặt không kịp. Nhân nói về một cô biên tập viên nào đó bên Kim Đồng, Tô Hoài chê trông như con voi già. Dương Thu Hương mới đả luôn, nhưng nó còn đỡ hơn cái con mẹ mà anh đã húp cả cặn. Thế là Tô Hoài lại cười hí hí. Lão toàn ngồi kể chuyện đi chơi cô đầu quỵt, rồi sợ tắc ống khói ra sao v.v. Trong đám ngồi đấy, chỉ có Nguyễn Minh Châu là nghếch sừng lên nghe. Thấy Hương nói đồng nghiệp nhiều khi tàn tệ, Nguyễn Kiên ngồi ngoài cũng phát cáu cơ mà. Nhưng hôm vừa rồi, nhân TV nó quay về các nhà văn, Tô Hoài lại đến làm lành với Thu Hương. Thế là Thu Hương lại đốp luôn: “ Từ giờ trở đi, bọn trẻ nó làm lãnh đạo chắc nó cũng không quá đáng đến nước húp hết cả phần anh em”. Nói thế là Tô Hoài chạnh lòng, lão đánh bài chuồn.


Nhìn vào tác phẩm, dễ thấy ở H. là cả một sự hỗn tạp, một cái gì rất cũ có mặt bên một cái gì rất mới. Những ngày ở Quảng Bình, sao không mang vào đây? Hình như, thấm những ngày đó quá, nên mới có phản ứng như bây giờ.

Đọc văn thấy có một sự công phẫn, kêu giời lên vì những cái xấu xa chung quanh. Nói tướng lên, chửi, vì đau quá (gợi nhớ tới trường hợp Vũ Trọng Phụng). Không tìm thấy một sự bình thản (vì kém văn hoá nền chăng?)

Thấy tởm đời sống nhưng nhìn chưa ra lối thóat.

Có một mối hoài vọng ghê gớm về một quá khứ đã bị đánh mất (hình như có liên quan đến hoàn cảnh riêng).

Trong truyện, quá khứ của nhân vật thường thơ mộng. Những con người nghị lực, quyết tâm, nhưng vướng víu đủ thứ. Tại cái thời kỳ lạ này chăng?

Ban mai yên ả kết luận bỏ lửng, chả giải quyết gì. Truyện có cái phía công thức của nó “anh là người lính”, nhưng thực ra vấn đề rộng hơn thế. Vấn đề của một xã hội đang rữa ra. Và con người hoàn toàn đơn độc. Chnh tác giả cũng buồn vì không chỉ ra một lối thoát tốt đẹp.

Trong tập Ban mai yên ả:
Những cánh buồm trong thành phố – bỏ lửng
Chuyện một diễn viên – bỏ lửng
Ban mai yên ả – bỏ lửng
Cuộc đời chưa cung cấp phương án giải quyết cho các tình huống trong các tác phẩm này??

Một số mô típ thường thấy ở Dương Thu Hương.
– Chúng ta đã bỏ mất những gì tốt đẹp.
– Chúng ta chạy theo những cái vớ vẩn
– Chúng ta biến chất và thành ra một đống hoang tàn.
Truyện rất nhiều những chữ như “cứt nát” “tởm”…

Mối quan hệ với các nhà văn khác
Với Đỗ Chu không chỉ có chuyện đồng hương. Sự căm ghét dành cho Đỗ Chu (?) ở Dương Thu Hương có cái gì đó hơn là tức vặt.
Hương cảm thấy như là Chu lừa mình. Trong sự thất bại của Chu, Hương cảm thấy có sự thất bại của riêng mình. Nghề cũng đơn giản vậy, thế mà hồi ấy, mình đâu có biết!
— Bà đau Đỗ Chu vì có lần có lúc, đã coi Đỗ Chu là thần tượng ?
— Không, chính tôi đâu có thích Đỗ Chu.
— Bà đừng lảng, phải thích thì bây giờ mới viết được như vậy. Cũng như bà hay nói là con nhà gia giáo, chỉ mới đổ đốn khi vào đời.
– Đúng, con nhà gia giáo, bây giờ đứt dây, nên hóa lung tung.

Dương Thu Hương thường có lối viết hơi rề rà. Truyện của Hương không gọn nhưng vẫn có duyên.

Nhàn (nói với Nguyễn Minh Châu)
— Các ông trước đây nói toàn loại truyện sạch sẽ thơm tho. Còn cái Hương bây giờ, nó như đứng giữa đống bùn mà nói, đứng trên bùn, day, nghịch đủ thứ, văng cả lên mặt các ông mới sướng.
Nó cảm thấy, nó phải vạch vôi các ông ra để viết cho hả giận. Sự tồn tại của con người, đôi khi chỉ còn có nghĩa là một sự căm tức. Tao biết tất cả chúng mày rồi. Đồ khốn nạn!

Ân:
Chân dung người hàng xóm, tuy dở, có vẻ minh họa quá, nhưng vẫn có chỗ này được. Nó lật tẩy. Nó cho ta thấy cái thô bỉ, đằng sau cái bề ngoài.
Nhàn: Có phải chuyện Ban mai êm ả viết về ông Xuân Hoàng?
Hương: Hồi ấy in ra, ở Huế khối người ta kêu như thế đấy.

Cái điều tôi sẽ phải viết cho được khi nói về Xuân Quỳnh và Dương Thu Hương — sự hạn chế của các tài năng hàng đầu. Họ chỉ đến thế.
Nhàn: Nên làm những tập truyện ngắn thật đều tay.
Dương Thu Hương: Tôi dạo này không thể viết ngắn được nữa. Hoá ra mọi chuyện cũng theo thói quen. Lúc đầu thì thơ, rồi truyện ngắn, sau nữa là truyện vừa.
Không ai nhớ tới sự đột ngột xuất hiện. Người ta chỉ còn nói tới một nhu cầu.

Một phác thảo cho “DTH giữa chúng tôi”
Tuổi Tuất 1946. (ngày tất niên – NTT)
Sự xuất hiện của một nhà văn thường khi có gì đó rất ngẫu nhiên. Trước khi anh ta viết, không ai mong chờ. Nhưng khi đã đọc nhà văn đó rồi, người ta cảm thấy không thể thiếu người đó được nữa. Sự ngẫu nhiên rút cục đã biến thành một nhu cầu tất yếu.
Việc tổng kết văn học ở ta thường chỉ mới được làm một cách dè dặt. Như đối với đời sống văn học 10 năm gần đây, chưa ai có sự đánh giá cho được đầy đủ, xem có những quy luật gì mới hình thành, những tác giả nào được đọc nhiều.
Nhưng trong nhiều lần thăm dò ngẫu nhiên, từ Tô Hoài, Vũ Cao, … tới Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, — khi nghe tôi hỏi có nhà văn nào được lưu ý hơn cả, nhiều người như cùng thống nhất trả lời Dương Thu Hương.
Không chỉ làm việc với sức trẻ, Dương Thu Hương còn mang vào đấy cả cái nhìn trẻ trung, cái phần nồng nhiệt trong yêu cầu, đánh giá, hồi tưởng lại ngày hôm qua, khao khát về những ngày mới.
Khác Đỗ Chu – một cách nhìn nhận mới về đời sống không dịu ngọt một chiều, mà khai thác chất ác của văn xuôi. Khác Lưu Quang Vũ – không màu mè, chiều đời.

19/2
Bàn chuyện với Nguyễn Minh Châu
– Dương Thu Hương vừa lại đây chơi, ngồi nói xa xả mấy tiếng đồng hồ, chửi rủa đủ loại người. Mình mới bảo loại như mày thì bố đứa nào dám lấy. Kể ra tả cái tởm của đời sống, thì không đứa nào viết bằng nó.
— Không hiểu sao con mẹ này nó lại viết muộn thế? Hay là tại đây là loại của độc, càng để càng độc?
— Nhưng nó cũng khôn lắm. Đến nhà nó, thấy nó rất đàng hoàng. Mà đối xử với loại Thụ, Hải Ninh cũng giỏi lắm.

Cô Thư (ở cơ quan Tác phẩm mới)
–Thanh niên bây giờ nhiều đứa đọc chị Hương lắm. Người ta thấy rõ Dương Thu Hương cải lương nhưng cứ thích. Vả lại, cái chính là đọc Dương Thu Hương thấy cuộc đời này chẳng ra làm sao cả, giáo sư, nhà văn… chả còn ai ra gì. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy một người đàn bà tốt. Nhưng trong Những chiếc lá chết, có một con mụ xấu còn hơn Thị Nở..
Những bất hạnh trong cuộc sống riêng tư đã xui khiến ngòi bút tác giả đi theo hướng đó chăng. Bây giờ cứ cho chị Hương có một gia đình hạnh phúc là hết viết.

Cái tên tiêu biểu của Dương Thu Hương Nắng ấm cuối trời xuân . Một cái tên rất cải lương.
Nhàn: Truyện ấy rất giả.
Dương Thu Hương: Trong những cái in mấy năm nay, tôi chỉ thích có 2 cái Thợ làm móng taySói con. Chính tôi cũng chán Chân dung người hàng xóm.

Xuân Quỳnh: Dương Thu Hương đang có vụ bê bối nào đó. Con nó đi khắp nơi kiện.
Nhàn: Hương cũng hay bị chồng đánh lắm. Bà ấy kể thế.
Quỳnh: Với bà Hương, không đánh cũng không được.

Quân kể bà Hương theo một hoạ sĩ đến chơi. Lúc về lại chào vợ mình chào chị ạ, cám ơn chị. Sốt cả ruột, Quân bình luận.

Thường tôi hơi ngại, khi theo Hương đến các quán hàng ăn. Cứ gọi người ta xơi xơi như dân Hà Nội trước 1954 gọi con ở. Nhưng có cái này thú vị mà tôi không thấy ở người khác. là bao giờ cũng muốn cho tôi với Ân được thưởng thức những món ngon nhất.
Tôi bảo, y như Gavroche trong Những người khốn khổ, cho hai thằng em cùng cha khác mẹ vào quán bánh mì, bắt chủ hàng dọn ra thứ hảo hảo hạng nhất. Hương chỉ cười

Đọc văn sợ nhất lúc Hương nói đến các danh hoạ, các nhạc sĩ, các bản nhạc. Không đâu vào đâu cả. Thiếu cơ bản lại nói liều. Sao lại có một con người tự tin như thế, vả lại hiếu thắng như thế.
Cái vẻ hấp dẫn vốn có bị cái chối, cái giả tạo làm mất đi.
Một sự căm ghét với lớp người đi trước.
Rất hay nói tới các nghệ sĩ:
Tháng ba chua chát (diễn viên)
Buổi sáng yên tĩnh (hoạ sĩ)
Ngôi nhà trên cát (nhà thơ, nhà báo)
Nhân vật nhạy cảm với cái đẹp, nhưng vẫn là dốt nát.

Trong Những bông bần ly, nhân vật Ngân hát khi đứng trước mộ Nghiêm:
Rồi mai đây khi xa vắng em hát khúc ca xưa
Anh sẽ trở về cùng hát bên em như hồi năm nào

Văn Dương Thu Hương gần như là lời than thở rền rĩ – dù không yếu đuối chút nào – nhưng cay đắng, tê tái, về một cái gì đã mất. Lớp người dưới đáy xã hội thì méo mó, ngu ngốc, y như trong Tchekhov. Những người khác có tâm hồn một chút, thì bất lực. Vả chăng, ở đây không có sự phân biệt giả tạo tốt và xấu đâu. Chỉ có hôm trước tốt và hôm sau xấu, lúc này tốt và lúc khác xấu, trong một con người.
Văn chương của cái thời người ta đã tận lực làm hết mọi việc — chiến tranh — và sau đó nhìn lại mình, thấy ngán ngẩm (Hãy nhớ bài viết về Dichkens của St Zweig)

Qua văn chương, tôi cũng có thể đoán những ngày đầu hoà bình sau (1975) để lại trong Dương Thu Hương một cảm giác choáng ngợp.
Đoạn mở đầu Loài hoa biến sắc: Lời tự thú công khai của cả một xã hội về sự hèn kém của mình.

Thu Hương cũng nhiều mặc cảm, nhiều những complex.
Hương ghét những người đàn bà ở phía bên kia –Sài Gòn trước 1975 — hai ba lần như vậy rồi (Ngôi nhà trên cát, Lâu đài, Cô gái bên kia hàng rào).
Bị ám ảnh bởi nỗi thèm muốn một cái gì đó mà không bao giờ đạt tới.
Hương hay trở lại những chủ đề lật tẩy. Sự khác nhau giữa bên trong và bên ngoài. Sự đánh mất những cái tốt đẹp, phát hiện cái xấu ở một người quen.
Sự ghê tởm, phát hiện ở mình và người quanh mình những điều đáng ghét.
Về cuộc chiến tranh Việt Nam, đến nay người ta chỉ biết những người lính. Nhưng nó còn là cuộc chiến tranh của phụ nữ. Những người vợ ở hậu phương, người con gái thanh niên xung phong. Dương Thu Hương thường nói về chiến tranh như một nạn nhân.

Trong nhà văn này bản tính con người mơ mộng vẫn còn, nhưng những giấc mộng đẹp không còn, nếu không muốn nói là nhiều ác mộng. Nhiều lang chạ, nhảm nhí. Có điều chưa đến nỗi chán tất cả. Biết chuyển nỗi chán vào công việc.
Dễ không mấy người tả những trò chơi thuở trẻ giỏi giang và say mê như Dương Thu Hương. Nhưng không trò chơi nào cứu được con người. Sự thất vọng có đủ các mùi vị của nó, cay đắng, buồn phiền.
Rất giỏi tả những sinh hoạt trưởng giả, nó làm hại nhiều người. Nhưng có phải trong đó, vẫn có một thoáng như là ghen tị. Khi xấu, thì những người đàn bà ở đây, mới thật thảm hại (trừ nhân vật chính).

Sự phản bội của các nhân vật trong truyện Thu Hương thật tự nhiên, không sao giải thích nổi, và người ta chỉ có thể chết lặng đi.
Từ sự phản bội của Quý với nhân vật Thía đến của Khang với Ngân, sự phản bội của Lý Xuân. Nhân vật Lý Xuân gợi ý về những kẻ thân thể quá phát triển, mà đời sống tinh thần nghèo nàn.
Câu hỏi đặt ra:
– Tại sao lại có một Dương Thu Hương như vậy?
Trước 1975 Dương Thu Hương chưa viết nhiều; nhưng có theo dõi có yêu ghét văn chương. Đã là có quá khứ, có kinh nghiệm.
Sống với chữ nghĩa một cách gan ruột cho nên không chịu theo cái đọc được mà muốn mang lại một cái khác nó.

Đọc Hành trình ngày thơ ấu.
Phần 1. Có cái gì chắp vá lập bập nhưng cũng lạ. Trẻ con là một bọn hư đốn – Không thích ngoan, sẵn sàng phản ứng. Lũ trẻ con đáo để v.v..
Còn phần 2: rõ là một thứ chuyện lạ núi rừng, ở đó, nhà văn trổ tài quan sát. Đúng là ở phần 1, đã có nhiều chuyện người lớn.
Tác giả cho thấy trẻ con bị nhiều nỗi oan uổng ra sao.

Điều quan trọng là Hương có một cuộc sống trong chiến tranh, ngược lại không có quá khứ viết trong chiến tranh, khi sáng tác của các nhà văn bị khuôn theo một ít mơ ước ảo tưởng và những người sắc sảo nhất cũng thành lành hiền.
Cái tính cách mà Gorki hay nói: chất men bất phục tùng. Nhìn ra đời sống gian dối của những người lớn quanh mình.
Ngay trong phần 2, cũng có những nhân vật ác độc (người mợ của Dũng còm, lão già đến nhờ mua cao, chị Múi v..v.
Lối làm việc băm bổ viết nhiều loại cộng với một lối hành văn dềnh dàng, hay tả, kể v.v..
Có thể bảo chủ đề chính của truyện Dương Thu Hương là con người sau chiến tranh và những ao ước của họ về hạnh phúc. Những con người ấy vết thương đầy trên mình. Cái đó cắt nghĩa nỗi thèm muốn của họ.
Xoay về phía nào cũng thấy họ rất bất hạnh. Tìm mãi hạnh phúc không thấy, rút cục, vấn đề không phải như Nam Cao ngày nào “hạnh phúc là cái chăn hẹp” mà là nhiều câu hỏi lớn hơn.
– khả năng làm người.
– ý thức về đời sống.
– những quan niệm về bất hạnh cũng như hạnh phúc.
Bộ mặt của hạnh phúc mới đa dạng làm sao! Có những bất hạnh có ở mọi thời, lại có những bất hạnh mà chỉ thời này mới có! Những bất hạnh có thể nói là chói lên bảy sắc cầu vồng và tự nhiên, như người ta tự nghĩ ra vậy
Một câu của Nguyễn Thi Thuỵ Vũ (SG) : Hạnh phúc có nhiều bộ mặt và tôi tự hỏi với tôi, hạnh phúc có bộ mặt gì?
Trong những thứ sặc sỡ, thì sặc sỡ nhất là mối quan hệ người người.
Con người thường khó khăn trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Mà đây lại là những cái người ta không thể vay mượn hay xin xỏ. Ao ước cháy bỏng về hạnh phúc. Mơ ước theo đuổi từ tuổi thơ.

Dương Thu Hương hay nhớ lại những ngày hoà bình trước 1964, như Đỗ Chu,– hay nhớ về kháng chiến. Nhưng không đúng, không có gì đúng. Sai chi tiết, sai ngôn ngữ trước 1964.
Trong Ban mai êm ả có nói tới táo Thiện Phiến. Thứ táo này không thể có trước 1970.

Nhớ lại quá khứ. Một thứ hạnh phúc bị đánh mất.
Có một thế giới của Dương Thu Hương. Thế giới đó có cả màu sắc rực rỡ lẫn những mùi vị khai lợm, tanh tưởi, những hình ảnh mồ hôi lưu cữu, nhơ nhớp, mặt xanh như đít nhái…Cần dùng phân tâm để lý giải.
Một loại nhân vật của Dương Thu Hương — những con người có quá khứ đẹp, nay khốn khố. Bởi tất cả quá khứ đó đã mất đi nên nó mới đẹp đến thế. Cái vẻ đẹp ấy may lắm còn lại trong thiên nhiên, cây cỏ (Một bờ cây đỏ thắm)
Hình như Dương Thu Hương đã nói khá rõ nỗi hoài niệm khôn nguôi về một cái gì đã mất đó. Băt nguồn từ dòng văn nông thôn, nhưng lại nhanh chóng tìm thấy mình ở dòng văn đô thị. Niềm say mê đô thị tràn ngập Những cánh buồm trong thành phố.

Con người của thơ, nay từ bỏ chuyển sang cái nhìn kiểu văn xuôi.Từ cả tin sang hoài nghi. Một sự dang dở, quá độ, người của thời chiến, thời bình, người của đất nước những năm này và trên thế giới.

Chưa thể đạt tới sự bình tĩnh, như Tchekhov như Trifonov.

Một tiếng kêu về nỗi bất hạnh. Sống chung với chung quanh thật khó. Đôi lúc con người thật lạc lõng. Ai cũng có một gia đình nhưng đâu chúng ta đã biết sống trong gia đình!

Một câu hỏi — nữ tính là gì?
– Tuy không nói ra, nhưng có phải với người đàn bà quan trọng nhất là gia đình. Từng người đàn bà chỉ là phản chiếu của những người đàn ông. Đau đớn, vì bị phản bội. Không tìm thấy mục đích sống.

Nhận xét sắc sảo, nhưng vẫn đau nhức một cảm giác người thua cuộc là mình. Không đưa cái bất hạnh lên thành siêu hình, chỉ thấy nó cấu véo mình hành hạ mình.

Nhà văn không được mang ý nghĩ mình cao hơn mọi người. Không tách ra mà phải cùng chuyến xe với mọi người mọi đau khổ.

(Nguồn: Blog Vương Trí Nhàn)