(Nhân đọc bài Đôi điều cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải của ông Tạ Hữu Đỉnh đăng trên trannhuong.com)
Đặng Văn Sinh
Với tư cách là người viết phê bình cuốn tản văn "Kẻ sĩ trước thời cuộc"của nhà văn Hoàng Quốc Hải, chúng tôi thấy cần phải trao đổi với tác giả Tạ Hữu Đỉnh về bài "Đôi điều cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải" vừa đăng trên trang trannhuong.com ngày 10 tháng 5 năm 2017, vì trong tạp bút này, đã hơn một lần ông nhắc đến tên chúng tôi với hàm ý chê bai.
Thực tình, sau khi đọc, chúng tôi đã có ý không muốn trả lời vì nội dung bài viết quá khiên cưỡng, nhận thức vấn đề hết sức ấu trĩ, thậm chí đọc không vỡ chữ nhưng lại biểu thị thói ngạo mạn, coi thiên hạ chẳng ai bằng mình. Thế nhưng phần lớn bạn bè lại có ý khác. Họ bảo, trannhuong.com là một trang mạng uy tín, mỗi ngày có cả ngàn người truy cập, nếu mình im lặng, vô tình sẽ tạo ra sự ngộ nhận của công chúng về một tác phẩm bị phê phán bởi cái nhìn lệch lạc của một người đọc thiếu công tâm, hoặc cố tình bôi nhọ bởi những lý do nào đó ngoài văn chương. Vì thế, chúng tôi quyết định "hầu chuyện" Tạ tiên sinh.
Bài viết của Tạ tiên sinh khá dài, khá lan man và thỉnh thoảng lại chen vào những lời phê phán nặng nề đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhưng tựu trung, có thể quy về mấy điểm dưới đây.
1 - Nhà văn Hoàng Quốc Hải không phải là người tìm thấy am Ngọa Vân, và việc các giáo sư sử học xác định sai di tích Phật hoàng viên tịch cần phải được thông cảm vì tuổi già, trí nhớ giảm sút, dễ nhầm lẫn.
2 - Nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được triều đình phong kiến minh oan, truy phong là "Quốc mẫu", vì thế Hoàng Quốc Hải viết bài "Trắng án Nguyễn Thị Lộ" là không hiểu gì về lịch sử.
3 - Phê phán sử gia Ngô Sĩ Liên là hỗn láo, cần phải dưa nhà văn Hoàng Quốc Hải ra Tòa theo Khoản I, Điều 20, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, 2013.
Để cho ngắn gọn, đỡ mất thời gian của bạn đọc, chúng tôi lần lượt trả lời từng mục như sau:
1 - Về di tích Ngọa Vân
Trong bài tạp bút của mình, ông Tạ Hữu Đỉnh phải thừa nhận, các nhà nghiên cứu lịch sử như GS. Hà Văn Tấn và GS. Lê Văn Lan hầu như không biết cụ thể Ngọa Vân am ở đâu nên mỗi ông tùy hứng chỉ một nơi xung quanh khu vực chùa Hoa Yên. Còn ông Thi Sảnh, tức Nguyễn Thanh Sỹ, Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Ninh, tuy là người sở tại, nhưng khi viết "Cõi thiêng Yên Tử" cũng chỉ ra một Ngọa Vân vô cùng sai lạc so với vị trí đích thực của nó. "Cõi thiêng Yên Tử" là cuốn sách được xem là nghiêm túc về một di tích lịch sử Phật giáo Đại Việt, mắc phải sai lầm nghiêm trọng như vậy mà tác giả họ Tạ lại ra sức biện hộ bằng những lời khiến bất cứ ai đọc cũng phải tức cười vì sự ngô nghê của kẻ điếc không sợ súng: "Vậy, nếu ông Thanh Sĩ làm Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Ninh vào thời gian đó, thì chuyện ông không biết am Ngọa Vân ở đâu, tuy cũng là điều đáng trách, nhưng cái sự không biết đó lại chứng tỏ ông là người không mê tín dị đoan...". Hay thật! Như vậy, theo khẩu khí tác giả bài tạp bút, toàn thể nhân dân xã Bình Khê và cán bộ, nhân viên Phòng Văn hóa huyện Đông Triều cùng với nhóm điền dã của nhà văn Hoàng Quốc Hải, đều được xếp vào đối tượng mê tín dị đoan chỉ vì đã chót biết...Ngọa Vân am(!?).
Người làm khoa học, nhất là khoa học lịch sử phải nghiêm túc, cẩn trọng và chính xác. Lịch sử không chấp nhận sự hàm hồ. Bởi sự hàm hồ dẫn đến ngộ nhận, làm biến dạng nhận thức của các thế hệ tương lai, hậu quả sẽ khôn lường. Chẳng hiểu Tạ Hữu Đỉnh có nhận thức được vấn đề này hay không khi mà ông lấy lý do tuổi tác để bênh vực các nhà sử học: "Còn sự nhầm lẫn của hai vị giáo sư kia, có thể vì các vị ấy học sử đã lâu, bây giờ tuổi cao, trí nhớ giảm. Mà khi người ta đã quên, thì cũng nên thông cảm, chứ bảo các vị ấy 'vô trách nhiệm', tôi nghĩ hơi quá lời. Vả chăng, nước ta có rất nhiều chùa chiền, các vị ấy có quên đi một ngôi, dù đó là nơi viên tịch của một vị hoàng đế, thì 'cái kho kiến thức' đã giúp các vị ấy trở thành giáo sư cũng chẳng vơi bớt đi là bao". Đúng là tác giả có "cái kho lý sự cùn". Bởi theo chúng tôi được biết, thời điểm "định vị" Ngọa Vân, chậm nhất là năm 2000, xuân thu hai nhà sử học mới ở xấp xỉ lục tuần. Lục tuần mà đã "tuổi cao, trí nhớ giảm" thì "thôi rồi, Lượm ơi!".
Vào thời điểm trước khi nhà văn Hoàng Quốc Hải công bố bài tản văn "Đi tìm một Ngọa Vân", có thể nói các nhà lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh cũng như Ban Quản lý di tích Yên Tử đều không biết chính xác Ngọa Vân ở đâu, trái lại, bất người dân nào ở xã Bình Khê, thậm chí cả huyện Đông Triều, đều có thể làm hướng dẫn viên đưa du khách đến tận "am trong mây", vốn là nơi Điều Ngự Giác Hoàng sống những ngày cuối cùng rồi về cõi Niết Bàn. Thì ra ngọn núi thiêng này nằm ở phía tây quần thể Yên Tử chứ không phải ở phía đông như người ta vẫn nghĩ, mặc dù các nhà sử học đáng kính từng đọc rất kỹ sự kiện Phật Hoàng viên tịch trong "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Trúc Lâm tam tổ". Ngọa Vân vẫn còn đó, không ai "bứng" đi được hay "phát minh" ra bởi đó là một thực thể tồn tại khách quan. Chỉ có điều, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã có một nghĩa cử sau 25 năm trăn trở, là làm sáng tỏ một tồn nghi mà bấy lâu nay người ta vẫn nhận thức mơ hồ. Chính vì thế, trong bài "Kẻ sĩ trước thời cuộc và bản lĩnh người cầm bút", chúng tôi mới dám viết: "Như vậy, từ đây, Ngọa Vân am đã được định vị chính xác trên bản đồ quần thể di tích Yên Tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thiện nam tín nữ cũng như khách thập phương đến viếng thăm. Công lao ấy, có một phần không nhỏ của nhà văn Hoàng Quốc Hải".
Suy diễn như Tạ Hữu Đỉnh thật ấu trĩ. Cách lập luận của ông có cái gì đó lởm khởm, vừa thiếu cơ sở khoa học, vừa mâu thuẫn với logic văn cảnh của bài viết.
2 - Về bài "Trắng án Nguyễn Thị Lộ", ông Tạ Hữu Đỉnh lập luận: "Còn vụ án oan ở Vườn Vải, cho đến nay dã tốn quá nhiều công sức và giấy mực rồi, mà mọi sự cũng quá rõ ràng, minh bạch rồi, người bị oan đã được minh oan rồi. Tưởng chẳng còn gì để bàn nữa, nhưng trong bài 'Kẻ sĩ trước thời cuộc...', tác giả Đặng Văn Sinh lại viết: '...Công bằng mà nói, khi Lê Thánh Tông chấp chính, Nguyễn Trãi đã được minh oan, nhưng thật ra ông mới chỉ dám giải oan một nửa cho Ức Trai, còn Nguyễn Thị Lộ thì không...'. Thiết nghĩ, khẳng định như vậy là không đúng với sự thật lịch sử". Tiếp đó tác giả dẫn ra bài "Bút ký về Nguyễn Thị Lộ", được đăng ở phần phụ lục của PGS. Trần Bá Chí ở Đại học Quốc gia Hà Nội trong cuốn kỷ yếu "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên", với tư liệu rất vu vơ, hoàn toàn không được kiểm chứng, thiếu vắng cơ sở khoa học như sau: "Tờ chiếu minh oan gồm hai phần. Phần đầu viết lời minh oan cho Nguyễn Trãi, cuối phần đầu có một câu kết luận 'Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo'. Đến phần thứ hai ghi minh oan cho Nguyễn Thị Lộ, câu kết có tám chữ: 'Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội' (Nữ sĩ triều trước là Nguyễn Thị Lộ không liên quan đến tội giết vua). Đến triều vua Lê Dụ Tông, năm 1710, Đại Nguyên soái An Đô Vương Trịnh Cương đến thăm đền công thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương có ra lệnh cấp cho đền thờ ông bà tại xứ Cáo Thượng 1 mẫu 5 sào để giao cho Giáp 5, Giáp 6 cày cấy, lo việc giỗ chạp ông bà Nguyễn Trãi.
Đền thờ riêng bà Nguyễn Thị Lộ ở Phe 4 xã Khuyến Lương (xưa thuộc hương Cổ Mai, huyện Thanh Đàm, sau đổi thành huyện Tranh Trì), dân địa phương thường gọi là Đền Mẫu. Bài vị thờ bà Nguyễn Thị Lộ viết: 'Lê triều Lễ nghi học sĩ Ức Trai tiên sinh chi phu nhân, phục thăng Quốc Mẫu, Nguyễn Thi húy Lộ chi thần vị".
Từ bài bút ký, nằm trong thể loại "sáng tác" của Trần Bá Chí, Tạ Hữu Đỉnh kết luận: "Nhưng bà đã được minh oan và 'phục thăng Quốc Mẫu'. Nếu so với các bậc quân vương, nữ tướng anh hùng như Hai Bà Trưng, Lê Trân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân đã có công đánh giặc giữ nước, cũng chưa vị nào được tôn vinh như vậy. Bà Nguyễn Thị Lộ được phong Quốc Mẫu là ngang hàng với Quốc Mẫu Âu Cơ rồi. Chẳng lẽ đó chưa phải là minh oan hay sao?".
Đọc đến phần này, chúng tôi chợt sững người. Chẳng lẽ các nhà văn hóa nổi tiếng, các nhà sử học hàng đầu Việt Nam, từ trước đến nay đều có cặp mắt "gà mờ" hay sao mà bỏ qua một tư liệu vô cùng quan trọng về nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ? Sự việc hiển nhiên như thế, vậy thì hà cớ gì, người ta phải tốn bao công sức và tiền bạc, tổ chức cuộc hội thảo khoa học vào năm 2004 chỉ để minh oan và tôn vinh người phụ nữ tài hoa bị bức tử trong vụ thảm án năm Nhâm Tuất?
Trả lời câu hỏi trên không khó. Trước hết, bút ký là thể loại "sáng tác văn học". Trong trường hợp này, người viết có thể tìm ra một số tư liệu dân gian trong quá trình đi điền dã. Có không ít tư liệu, thậm chí còn được ghi chép trong gia phả, bia đá, bài vị thờ cúng ở một địa phương về một nhân vật lịch sử nào đó, nhưng không phải là tư liệu chính thống. Vì thế, cái gọi là "tờ chiếu minh oan" được tác giả Trần Bá Chí nêu ra trong "Bút ký về Nguyễn Thị Lộ" mà ông Tạ Hữu Đỉnh dẫn lại để phản biện nhận định của chúng tôi chỉ nên xem như một tư liệu tham khảo ít giá trị khoa học. Hơn nữa, không thể căn cứ vào một văn bản sao lục hoàn toàn mang tính chất dã sử hay huyền tích để kết luận một vụ án bất công cách đây già nửa thiên niên kỷ đã được triều đình phong kiến thân oan. Việc minh oan cho Nguyễn Thị Lộ thuộc tầm cỡ quốc gia. Chỉ nhà vua mới có quyền xuống chiếu, đồng thời, sự kiện quan trọng đó phải được ghi trong quốc sử. Rất mong ông Trần Bá Chí và ông Tạ Hữu Đỉnh hãy đưa ra những bằng chứng thuyết phục để bạn đọc mở rộng tầm mắt. Huống chi, "Quốc Mẫu" là một danh hiệu cao quý, từ thượng cổ đến nay chỉ được dùng để suy tôn những người phụ nữ kiệt xuất, phần lớn là trong huyền thoại như Âu Cơ, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, hay Mẫu Thoải. Hoàng hậu của các triều đại phong kiến, tuy gọi "mẫu nghi thiên hạ" nhưng thực chất cũng chỉ ở cấp độ "đệ nhất phu nhân". Duy chỉ đời Trần, nhà vua sắc phong "Linh Từ Quốc mẫu" cho bà Trần Thị Dung. Đây là trường hợp đặc biệt, sau này không có người thứ hai. Nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ đúng là một tài nữ, là nạn nhân của một vụ án chính trị, nhưng bảo rằng bà được "phục thăng Quốc Mẫu" e rằng hơi quá lời.
Để làm rõ hơn việc bà Nguyễn Thị Lộ không được các triều đại phong kiến minh oan, phải ngậm hờn nơi chín suối, chúng tôi xin dẫn ra đây nhận định của các nhà sử học, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu văn học trong một số tham luận đọc tại Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tất cả mọi dẫn chứng đều được lấy trong cuốn kỷ yếu "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên", do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004.
Trong bài "Tựa" cho cuốn sách trên, PGS Phan Văn Các, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, viết: "Vụ án Lệ Chi Viên đã bị phê phán. Nhưng riêng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ dường như chưa được chiêu tuyết minh oan một cách triệt để và càng chưa được tôn vinh đúng mức" (Phan Văn Các, "Lễ nghi học sĩ với thảm án Lệ Chi viên", tr.11).
"Thực ra, vấn đề khẩn thiết số 1 đặt ra hiện nay là vấn đề nỗi oan Nguyễn Thị Lộ bị tắc nghẽn suốt 560 năm nay. Dù chế độ phong kiến chưa minh oan đầy đủ, nhưng đến nay vấn đề minh oan cho Nguyễn Trãi được ưu tiên hơn thì vấn đề Nguyễn Thị Lộ vẫn chưa thỏa đáng. Từ rất lâu nay người ta đã né tránh. Về lĩnh vực sử học, tìm thấy một ý kiến bênh vực cho Nguyễn Thị lộ như nhà sử học uyên bác Trần Huy Liệu là chưa nhiều. Ngay trên tạp chí chuyên ngành nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học mà mấy chục năm trời lại chỉ tìm thấy một bài của học giả uyên thâm Lê Thước 'Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi' (Văn sử địa 1957, số 24, tr. 63 - 73). Người ta né tránh những thủ phạm đầu sỏ, mà chỉ đổ cho khách quan, cho những kẻ tòng phạm mà thông lệ xưa nay gọi là 'người dưới thực hiện', một việc ứng xử rất 'khôn lỏi' của giới cầm quyền để dễ bề phủi tay...". (Hoàng Đạo Chúc, "Dẫn luận cho Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ", tr. 26 - 27).
Trong khi ấy, GS. Phan Huy Lê, với tham luận "Nguyễn Thị Lộ, một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm" đã phân tích khá thấu đáo nội tình vụ thảm án với tư cách nhà sử học hàng đầu Việt Nam, đồng thời cũng nhấn mạnh, Nguyễn Thị Lộ, nỗi oan vẫn còn đó: "Như vậy từ đời Lê đến đời Nguyễn, Nguyễn Trãi đã dần dần được minh oan, chiêu tuyết. Công lao bình Ngô, những cống hiến về tư tưởng, văn học và tài năng, nhân cách của ông càng ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, về Nguyễn Thị Lộ thì gần như chưa được minh oan, thậm chí bộ quốc sử đời Nguyễn 'Khâm định Việt sử thông giám cương mục' vẫn chép theo quan điểm xử tội của triều Lê năm 1442: 'Giết Thừa chỉ nhập nội hành khiển trí sĩ Lê Trãi, tru di cả họ. Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ. Người ta đều cho là oan, kèm theo lời phê của Tự Đức: Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy" (Quốc sử quán triều Nguyễn: "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", Chính biên QXVII, tr. 23b. Bản dịch, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội 1959,T.IX, tr.79).
Cùng quan điểm với nhiều nhà khoa học trong hội thảo về nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ, GS. TSKH Phan Đăng Nhật trong bài "Nguyễn Thị Lộ, lịch sử và huyền thoại" có thái độ khá kiên quyết trong việc phản bác nhà nước phong kiến sử dụng huyền thoại "rắn báo oán" để bôi nhọ thanh danh bà: "Lê Thánh Tông đã không một lời minh oan cho bà, mặc dầu bà đã cưu mang mẹ con ông. Chúng ta không thể phụ họa với bọn Lê Thận - Nguyễn Thị Anh buộc cho bà là rắn độc, để xóa án cho thủ phạm. Như vậy là đang tay giết bà hai lần. Đề nghị từ nay đuổi hình bóng con rắn ra khỏi cuộc đời nhà thơ - Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ".
Một nhà sử học khác, giáo sư Đinh Xuân Lâm, trong bài "Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử", cũng đề xuất ý kiến, rất cần phải chiêu tuyết cho nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ, theo cách của những nhà làm sử đương đại: "Cũng cần có sự chiêu tuyết công khai cho bà, không thể để bà chỉ là một cái bóng mờ nhạt của Nguyễn Trãi. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó, thì ngày nay chúng ta phải làm việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học".
Vậy nguyên nhân gì, vua Lê Thánh Tông không xuống dám chiếu minh oan cho ân nhân đã cưu mang mỉnh? Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong bài "Ý kiến trao đổi: Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi" của hai học giả Lê Thước và Trương Chính, đăng trên "Tập san Văn Sử Địa" số 24, tháng 1 năm 1957, từ trang 63 đến trang 73: "Đối với Thánh Tông, dù sao đi nữa, Thị Anh và Bang Cơ cũng là người ân nhân. Chính tước Bình Nguyên vương là tước mà Thị Anh phong cho Tư Thành sau khi ngôi vua của con thị đã vững chắc (Thái Hòa năm thứ III), như để chuộc lỗi trước. Vì vậy, nay mẹ con thị bị hại, Thánh Tông được nối ngôi, ông liền truy phong cho thị, như không hề xảy ra việc gì giữa mẹ con Nhân Tông và mẹ con ông cả.
Do đó, Ngô Sĩ Liên không dám viết sự thật về một người đã được nhà vua truy phong như thế. Huống hồ, Ngô Sĩ Liên là người có tì vết". Cuối bài viết, hai học giả còn khẳng định: "Lời đe dọa đó không khỏi ám ảnh nhà viết sử của chúng ta, nên ông đã dè dặt là phải. Và đành để lại cho chúng ta cái nghi án từ trước đế nay chưa ai tìm cách thẩm tra lại".
Như vậy, qua nhận xét, phân tích có cơ sở khoa học và chứng lý lịch sử, các tham luận đều thống nhất một điều hiển nhiên là, gần sáu trăm năm qua, nỗi oan của Nguyễn Thị Lộ vẫn còn đó, bởi trong chính sử, không có bất cứ triều đại nào xét lại vụ kỳ án chứ chưa nói là chiêu tuyết. Thật mỉa mai, đến tận đời Nguyễn, một ông vua hay chữ như Tự Đức, được xem là người con có hiếu với Từ Dụ hoàng thái hậu, mà lại nhẫn tâm hạ bút, đồng lõa với sử gia tiền triều, xúc phạm nặng nề nhân cách của bà.
Vậy xin hỏi, triều đại nào, vị hoàng đế nào đã minh oan cho Nguyễn Thị Lộ và truy phong bà làm "Quốc Mẫu" mà tác giả Tạ hữu Đỉnh đã đoan chắc như đinh đóng cột chỉ căn cứ vào một tờ chiếu không rõ nguồn gốc trong bài bút ký của Trần Bá Chí?
3 - Vấn đề cuối cùng là, Tạ Hữu Đỉnh rất bất bình trong việc nhà văn Hoàng Quốc Hải phê phán gay gắt Ngô Sĩ Liên, qua đó, đề nghị đưa tác giả ra tòa vì dám xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm sử gia tiền triều.
Nhằm bênh vực lời bình của Ngô Sĩ Liên về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, ông Tạ Hữu Đỉnh đã viết những dòng hoàn toàn mang tính tư biện, thiếu cơ sở khoa học, phi đạo lý như sau: "Theo tôi lời bình đó nếu có sai trái, thì chỉ sai với thời bây giờ thôi, còn thời xưa thì lời bình đó hoàn toàn là sự thật. Vì nó phản ánh đúng quan niệm về đạo đức của thời đại ấy là trọng nam khinh nữ. Sắc đẹp của người phụ nữ được coi là (hay bị coi) là khuynh quốc, khuynh thành. Ở nước Tầu thời xưa, người ta cho rằng sắc đẹp của Tây Thi đã làm mất nước Ngô…".
Cũng vẫn với tâm thức trên, họ Tạ tiếp tục tán dương vị sử quan thời Lê sơ: "Như vậy thì lời bình Nữ sắc làm hại người lắm thay của Ngô Sĩ Liên cũng chỉ là điều ông thừa nhận một thực tiễn khách quan". Và, sau một hồi cà kê những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", tác giả lại xổ ra một câu rất không ăn khớp với hoàn cảnh, khiến người đọc có quyền nghi ngờ đầu óc người này hình như có vấn đề: "Ghi chép đó của sử quan Ngô Sĩ Liên hoàn toàn trái ngược với bản án của triều đình kết tội Nguyễn Thị Lộ là: 'Tiến độc cho vua, theo mưu kế của Nguyễn Trãi”. Một thứ lý luận ông chẳng bà chuộc như thế, thiết nghĩ, chẳng cần nhiều lời ngoài việc trích dẫn ra đây ý kiến đánh giá của các học giả về những người chép sử triều Lê cũng như cá nhân Ngô Sĩ Liên hầu minh chứng cho nhận xét của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
GS. Phan Huy Lê, ngay ở phần đầu bài "Nguyễn Thị Lộ, một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm", đã nhận định: "Với tình trạng tư liệu quá ít ỏi lại bị chính sử che đậy một cách có dụng ý, thì quả thật khó hy vọng tìm ra đủ chứng cứ để phá vụ án bí hiểm này". Cũng trong bài tham luận trên, ở phần sau, Phan Huy Lê viết: "Tuy nhiên qua nội dung của 'Đại Việt sử ký toàn thư' hoàn thành năm 1697, chúng ta thấy rõ tác giả phần này biên soạn trên quan điểm chính thống của vương triều về vụ án Lệ Chi Viên viết theo đúng quan điểm của những kẻ chủ mưu giết hại Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, do đó các sự thật lịch sử đều bị che đậy thậm chí xuyên tạc".
Giáo sư Đinh Xuân Lâm còn phân tích sâu hơn nữa về sử gia Ngô Sĩ Liên khi ông đưa ra nhận định: "Rõ ràng trong sự việc này, ngòi bút của sử quan (cụ thể đây là Ngô Sĩ Liên) đã không đảm bảo tính trung thực, khách quan cần có, hay nói cách khác là, trong trường hợp này, sử quan chạy theo phái chiếm thế mạnh trong triều để bóp méo, xuyên tạc lịch sử" (Đinh Xuân Lâm, "Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử").
Sau khi đọc lời bình của Ngô Sĩ Liên về Nguyễn Thị Lộ "Nữ sắc làm hại người ta thật quá lắm! Nguyễn Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông thích người ấy mà phải chết, Nguyễn Trãi lấy người ấy làm vợ mà cả họ bị giết, lại chưa đề phòng sao!", tiến sĩ Mai Hồng, Giám đốc "Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam" nhận xét, tuy có phần nhẹ nhàng nhưng phản ánh đúng tư cách của vị sử gia cơ hội triều Lê sơ: "Câu bàn này của sử gia xem chừng chả có gì sâu sắc, rất vô trách nhiệm trong tinh thần của sử bút (là thực lục) trước thân phận một con người bị chết oan và chà đạp về nhân phẩm" (TS. Mai Hồng, "Những tư liệu Hán Nôm có liên quan tới cuộc đời Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ", tr.168).
Tất cả những ý kiến trên của các nhà khoa bảng đề "chúng khẩu đồng từ" tuy mức độ nặng nhẹ có khác nhau về tư cách người viết sử triều Lê mà điển hình là Ngô Sĩ Liên. Như vậy há chẳng rõ hay sao? Từ đó có thể suy ra kiến thức về lịch sử của Tạ tiên sinh rất hời hợt. Nếu chịu đọc hết các tham luận chính trong kỷ yếu Hội thảo khoa học về Nguyễn Thị Lộ, chúng tôi dám chắc, ông không thể phóng bút viết những dòng phản biện thiếu cơ sở khoa học, đầy tính áp đặt về cuốn sách của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm với tác giả Tạ Hữu Đỉnh. Theo thông lệ của triều đình phong kiến, vua đương thời không được xem quốc sử. Thời Lê, chép sử là trách nhiệm của các sử quan trong Quốc sử quán dưới sự chỉ đạo của một Tổng tài. Các ghi chép sau khi Tổng tài duyệt, bản thảo được sao chép thành nhiều bản, cất vào thư khố. Chỉ sau khi công trình biên soạn thực lục hoàn tất, mới được dâng lên nhà vua ngự lãm. Như vậy, về lý, triều đình không có "Hội đồng xét duyệt quốc sử", mà người chịu trách nhiệm về bộ quốc sử chính là Tổng tài.
Theo GS. Phan Huy Lê trong bài "Nguyễn Thị Lộ, một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm", "...phần lịch sử đời Lê Thái Tông không phải do Ngô SĨ Liên viết trong 'Đại Việt sử ký toàn thư' hoàn thành năm 1479 gồm 15 quyển". Tuy nhiên, đến đời Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên được cử làm Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1464, vua Quang Thuận xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi. Lúc ấy, vụ án Lệ Chi Viên đã xảy ra hơn 20 năm, sức ép chính trị không còn căng thẳng như hồi năm Nhâm Tuất (1442), vậy mà "sử gia Ngô Sĩ Liên đã 'hạ một lời bình rất bất lương' về bà Nguyễn Thị Lộ" (chữ của HQH) như trên, thì quả thật hậu thế phải xét lại tư cách kẻ sĩ và trách nhiệm của người đứng đầu Quốc sử quán.
Hơn thế nữa, giữa lúc Ngô Sĩ Liên đang đảm trách chức vụ Đô Ngự sử đài kiêm Tổng tài Quốc sử quán vẫn bị Lê Thánh Tông mắng thậm tệ bởi những hành vi khuất tất mà trong bài viết của mình, tác giả Tạ Hữu Đỉnh đã trích nguyên văn lấy từ "Đại Việt sử ký toàn thư". Đương nhiên, trong lời chỉ trích ấy, nhà vua không nói trắng ra việc "ăn của đút", nhưng một đại thần đầy tai tiếng như sử quan họ Ngô, nắm nhiều chức vụ trọng yếu, có thời đi phò ngụy chúa (Nghi Dân), a dua với phường xu nịnh, liệu có phải là chính nhân quân tử? Chuyện tham nhũng thời Lê sơ như Lê Ngân, Lê Sát và các quyền thần thuộc phe Nguyễn Thị Anh đã được ghi trong chính sử. Tình hình nghiêm trọng đến mức, Lê Thánh Tông phải xuống chiếu khiển trách bọn Nguyễn Đức Trung (cha đẻ Trường Lạc hoàng hậu), Trần Phong, Nguyễn Đình Mỹ, mà Ngô Sĩ Liên lại có mối quan hệ rất thân thiết, liệu rằng có không "ăn của đút" khi đề cử nhân sự cho Nội các?
Vậy thì, trước khi cáo buộc nhà văn Hoàng Quốc Hải vi phạm Khoản I, Điều 20 Hiến Pháp của nước CHXHCN Việt Nam, ông Tạ Hữu Đỉnh hãy đọc kỹ tham luận của các giáo sư đầu ngành sử học như Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, tiến sĩ Đinh Công Vỹ, tiến sĩ Mai Hồng, các học giả Lê Thước, Trương Chính, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc... khi các vị đã nhất loạt bóc gỡ tấm màn dối trá che mờ vụ án Lệ Chi Viên, phê phán những người chép sử đương thời, trong đó có Ngô Sĩ Liên, bưng bít sự thật, về hùa với kẻ thủ mưu, gây nên cái chết oan khuất của Nguyễn Trài và Nguyễn Thị Lộ, trả lại sự thật vốn có của lịch sử.
Cũng trong bài tham luận "Trắng án Nguyễn Thị Lộ", nhà văn Hoàng Quốc Hải có nêu 3 kiến nghị, mà kiến nghị thứ ba là: "Tóa án Nhân dân tối cao nên ra một phán quyết đặc biệt, phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442), để trả lại sự trong sáng cho bà Nguyễn Thị Lộ, đồng thời làm sáng tỏ tính nghiêm minh của lịch sử". Không ngờ, đề xuất tưởng như vô lý ấy lại được công chúng bạn đọc hưởng ứng, trong số đó có luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, một chuyên gia hàng đầu của ngành Luật Hà Nội. Trong bài"Tòa án Nhân dân tối cao nên thụ lý vụ án Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442)",vị luật sư trọng tuổi viết: "Bài viết lập luận chặt chẽ, có lý, có tình khiến bị cuốn hút". Tiếp sau, cụ tỏ ý tán thành quan điểm của tác giả: "Đúng như nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong bài viết có ý trách các nhà viết sử và nghiên cứu lịch sử gần 600 năm qua, không một ai đả động gì đến thân phận oan trái của một người phụ nữ như Học sĩ Nguyễn Thị Lộ", và, "Phải nói TRẮNG ÁN NGUYỄN THỊ LỘ" là một công trình nghiên cứu tổng hợp, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính pháp luật hết sức nghiêm túc".
Để khẳng định đề xuất của nhà văn Hoàng Quốc Hải là có tính khả thi, cụ Vĩnh còn dẫn ra mấy vụ án bất công nổi tiếng thế giới thời Trung cổ do Tòa án Giáo hội La Mã xử, trong đó có vụ án nhà khoa học Giordano Bruno (1548 - 1600) mà sau này Tòa thánh Vatican Công Đồng II, phải công khai nhận lỗi xử cho G.Bruno trắng án.
Đọc bài của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh mới thấy tác giả Tạ hữu Đỉnh hồ đồ, không hiểu gì về nội hàm bài "Trắng án Nguyễn Thị Lộ" mà chỉ nhìn thấy câu chữ ở bề mặt rồi quy chụp theo kiểu các nhà "kiểm dịch". Nếu còn lấn cấn điều gì, mong ông hãy đọc tiếp đoạn dưới đây rồi hay vung gươm đánh nhau với cối xay gió: "Nhưng vấn đề nhà văn đặt ra ở đây là vấn đề của lương tri. Theo tôi, trên góc độ lịch sử và cả trên bình diện luât pháp, Nhà nước nên chính thức giải tỏa. Bởi tới nay, chúng ta đủ căn cứ bác bỏ tính áp đặt, tính phi pháp, phi nhân văn của án tích Lệ Chi Viên năm 1442, mà những điều minh chứng trong công trình của nhà văn Hoàng Quốc Hải là hoàn toàn có cơ sở khoa học" (LS. Nguyễn Thành Vĩnh, "Tòa án Nhân dân tối cao nên thụ lý vụ án Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442)", tr. 417 - 418).
Cuối cùng là vấn đề câu chữ. Hình như trình độ ngữ pháp của Tạ tiên sinh không "chuẩn" cho lắm nên ông mới "phán" một câu làm người đọc ngỡ ngàng: "Cuối bài 'Trắng án Nguyễn Thị Lộ', nhà văn Hoàng Quốc Hải còn kiến nghị 'Tòa án Nhân dân tối cao nên ra một phán quyết đặc biệt, phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên...'. Thưa nhà văn, Tòa phủ nhận tính hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên mới đúng chứ? Phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết, tức là cái án quyết ấy phi pháp. Nếu phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết, chẳng hóa ra lại công nhận án quyết ấy hợp pháp?".
Than ôi! Văn cảnh rõ ràng như thế, hai vế của mệnh đề nhà văn đặt ra đăng đối và logic như thế mà tiên sinh còn bắt bẻ thì quả thật hết thuốc chữa. Chuyện này dễ thôi, ông hãy tạm gác thói kiêu ngạo sang một bên, "hạ cố" hỏi bất cứ nhà giáo giảng dạy văn học nào, chỉ cần ở cấp trung học cơ sở thôi, người ta sẽ giảng giải cho ông về mối quan hệ giữa các vế của một câu văn mở rộng thành phần.
Để khép lại bài viết, chúng tôi tạm mượn lời tiến sĩ Hà Văn Thịnh, giảng dạy môn Lịch sử ở Đại học Huế, khuyên tác giả Tạ Hữu Đỉnh, hãy đọc hết các văn bản và suy nghĩ kỹ trước khi hạ bút. Nếu không, "phản biện như thế, hãy đi chỗ khác chơi!".
Chí Linh, 24.5.2017
Đ.V.S.