Dự Đại hội Nhà văn ở Hà Nội về, ai gặp cũng hỏi Đại hội Nhà văn ra sao? Thành công chứ sao! Đại hội nào mà chẳng thành công! Còn thành công ra sao thì chao ôi khó nói quá!
Năm năm mới một lần, mà là Đại hội toàn thể. Người đến dự Đại hội nườm nượp, cũ mới trẻ già mỗi người mỗi vẻ. Nhà văn tỉnh lẻ những mong đến Đại hội để được học hỏi những nhà văn tỉnh chẵn (tỉnh lớn). Thấy đội ngũ các nhà văn tỉnh chẵn hùng dũng quá, huyên náo quá, lắm tuyên ngôn tuyên bố quá. Nghĩ mà ghê ghê. Nên các nhà văn tỉnh lẻ chỉ biết nhìn nhau... và cười.
Đại hội được tổ chức ở địa điểm lý tưởng về sức chứa số đông, nhưng nghiêm cẩn quá, khép kín quá, hình như không hợp lắm với tính phóng khoáng của các văn sĩ. Dù chả ai làm gì ai, nhưng cảm giác gò bó là có.
Kẻ mọn này cũng ti toe định lên diễn đàn tham luận, thực ra cũng là phòng nếu chủ tịch đoàn cho nói. Một bản tham luận chắc đọc chỉ mất 2 phút, nhưng rồi ngại, chả dám! Nguyên văn bản tham luận như sau: ( xin lỗi vì đáng lẽ phải đọc ở Đại hội, nhưng vì bài còn nằm trên bản thảo, nên xin phép được đưa nguyên văn).
BA ĐIỀU SUY NGHĨ THÊM (viết theo kiểu chương hồi).
Chương một: Về văn hoá thảo luận, đã quá nhiều ý kiến rất tuyệt vời trước khi vào Đại hội, ở đủ các loại báo. Thế là mừng. Vì đấy là dân chủ. Nhiều ý kiến đầy trí tuệ, tâm huyết. Nhưng cũng có ý kiến, đọc mà thấy chờn chợn. Người thì khinh mạn. Người thì kể xấu nhau dù chưa đến nỗi xấu quá. Người ta, nào cò đất, nào trùm mafia, nào ông nọ bà kia ngậm miệng ăn tiền, kẻ đầu cơ chính trị, kẻ tham nhũng thừa xấu xa , mà người ta còn chả bới nhau. Mình đã khối cái khổ, còn hay đùa nhau. Thật tội nghiệp. Chỉ mong văn sĩ là văn sĩ, bớt chất khẩu sĩ và võ sĩ, vốn không phải sở trường của người viết văn, (hết chương 1).
Chương hai: Các Đại hội thường lấn bấn nhất về nhân sự. Theo tôi: ai ngay ngắn tử tế, có tấm lòng Bồ Tát với Hội, với Hội viên, nhiệt thành, không có năng khiếu vụ lợi, thì nên ứng cử vào BCH, ứng cử Chủ tịch Hội, bất kể trẻ già, cũ mới. Thế mới là Hội tự nguyện. Còn thấy ngượng khi ham vào BCH mà để nhiều tiếng eo sèo, không thiện chí, thì nên rút trước là thưọng sách. Còn nhà văn vẫn phải trông vào tác phẩm, phải là văn chương, chứ trông vào BCH thì kể cũng còn quá lãng mạn. Nhà văn viết là chính. Không viết được nữa thì chơi. Thế mới sướng. Còn các nhà lãnh đạo văn nghệ thì rất nên thông thái, tránh bập bập vì trót nói những điều không chuẩn, ( hết chương 2).
Chương ba: Việc kết nạp Hội viên mới, BCH nên cử ra một nhóm Nhà văn chân tài, theo dõi các sáng tác của những người có đơn xin gia nhập Hội. Hàng năm thông báo cho những người đó nộp tác phẩm mới, khi xét có căn cứ hơn. Cũng không mất công lắm. Chỉ cần đọc một nửa hay một phần ba cuốn sách là biết ngay khả năng đi với văn chương của tác giả đó như thế nào. Chứ nói có từ 2 cuốn sách trở lên đủ tiêu chuẩn vào Hội kể ra cũng chưa chuẩn. Vì có người in hàng chục cuốn sách mà đọc chả thấy gì. Có người vào Hội xong gần như triệt sản sáng tác luôn. Cho nên, vào Hội có thời gian dự bị cũng là một thử thách. Làm thế đủ công tâm để tránh vị thân và những thứ vị... tế nhị khác. Cảm ơn. (Hết 3 chương).
Từ ba điều định nói mà không có điều kiện nói trên đây, ngẫm lại mới thấy, văn hoá thảo luận trong Đại hội Nhà văn rất có vấn đề! Đến 90% diễn giả bị vỗ tay mời xuống. Thật là con số kỷ lục, chưa thấy ở Đại hội nào. Chung quy là: lạc đề, quá thời gian quy định, không đồng chính kiến... và cả sự lẩm cẩm nữa! Nhà văn, được tiếng là hay chữ mà không diễn tả được điều cần nói, kể cũng lạ! Nhà văn không cần đếm xỉa đến đối tượng nghe, cứ thao thao bất tuyệt giao giảng dăn dạy thiên hạ về sáng tác ra sao, kể cũng lạ!...
Điều thứ hai, đúng là điều mình lo rất thừa. Đại hội đã bầu ra được BCH mười phân... vẹn nhiều phân. Bằng lòng đi em.... Chỉ có điều loay hoay quá nhiều về nhân sự, khiến cho mệt mỏi, oải, tốn nhiều thời gian nhất. Việc chính của Đại hội phải bàn tới là chất lượng sáng tác, in ấn và công chúng bạn đọc, các giải pháp đưa nền văn học đáp ứng thời đại, thì chỉ thoảng qua. Thế cũng là lạ! Chỉ 15 vị trúng trong BCH là vô tư và sung sướng. Bởi vì cả Đại hội đã tổn bao công sức vì họ.
Còn việc tổ chức và kết nạp Hội viên làm sao cho đúng địa chỉ thì hãy chờ hạ hồi xem sao. Thành viên BCH chắc là sẽ sáng suốt!
Nói vậy nhưng cũng có nét buồn. Đại hội về, có người đã phủ đầu luôn: gớm Đại hội Nhà văn các bác kinh bỏ mẹ, sự cố mi cơ rô, báng bổ nhau trên diễn đàn, vận động cử tri, và nhà văn còn ăn tát... Tôi chỉ biết nói chung chung theo kiểu lý thuyết che đỡ, rằng thế mới là xã hội, thế mới là dân chủ, tự do. Nhà văn cũng là con người. Riêng chuyện nhà văn tát nhà văn thì không phải, mà là nhà văn bị tát thì có, bởi chuyện ấy ngoài văn chương, người tát không phải nhà văn!
Tuy nhiên, mọi sự đều đã qua. Cũng phải nhìn về tương lai mà sống và làm việc sao cho thanh thản chứ?!
Ngọc Bái 8/8/ 2010