Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI CUỘC PHỤC CHẾ

Nguyễn Quân
Thứ bẩy ngày 14 tháng 8 năm 2010 9:27 AM

 
Ở Huế mới có thêm một điểm đến thú vị: Cung An Định mới xây đầu thế kỷ 20 thôi nhưng đã xuống cấp nặng nề và bị bỏ hoang phế mấy chục năm. Công việc phục chế kỳ khu, vất vả và rất chuyên nghiệp trong cả chục năm qua là của một chuyên gia Đức cùng ê-kíp của bà. Đó là một phụ nữ mảnh dẻ, ân cần và khiêm nhường như chính những phẩm chất mà nghề nghiệp này đòi hỏi.
Chúng ta sẽ không nhớ tên bà ấy đâu, ai lại nhớ tên một nhà phục chế bao giờ, họ đâu phải các thiên tài sáng tạo! Cung An Định cũng chỉ là một tòa kiến trúc Tây có pha vài chi tiết bản địa chả phải kỳ quan thế giới. Sáu bức tranh tường vẽ theo kỹ thuật fresco rất hiếm ở Việt Nam cũng không phải kiệt tác. Sáu căn phòng phục chế xong với bốn bề tường và trần có các đồ án hoa văn trang trí tinh xảo, màu sắc khá rực rỡ. Tột đỉnh vàng son của đế vương xưa có thế này thôi ư?
Song song với việc cẩn trọng và khoa học trên từng cm2 màu, từng nét bút, các chuyên gia Đức cũng đã đào tạo được hơn mười thợ phục chế người Việt, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố đầy ắp di sản đang ‘sống bằng phục chế’ này. Đời một tiến sĩ phục chế quá lắm làm được hai ba công trình như thế này. Xa hàng vạn dặm, bỏ 1/3 đời nghề làm một việc âm thầm như thế chẳng quá hy sinh, dũng cảm, đáng kính phục sao.
Cung An Định là một thành tựu giao tích nghệ thuật Đông Tây độc đáo nhất bên cạnh Lăng Khải Định. Nhưng Lăng là cho người chết, còn đây là không gian sống. Phía trước là một cổng vào ghép gốm đặc Huế và một vườn nhỏ với một lầu nghênh phong duyên dáng. Phía sau là một vườn cảnh lớn. Nếu vườn này được phục chế xong thì cả cung này sẽ là một không gian văn hoá  tuyệt đẹp. Các nhìn nhận, đánh giá di sản và trao cho nó một ý nghĩa văn hóa mới là điều ta phải học họ rất nhiều bà chị ạ. So với cuộc phục chế này thì việc phục dựng tùy, vô sở cứ, phản khoa học chỉ hào nhoáng câu khách của ta quả là quá ấu trĩ và thực dụng. Buồn cười nhất là nhiều quan chức và khách tham quan tỏ ra kinh ngạc và thất vọng vì “Phục chế gì mà chả thấy mới hơn, đẹp hơn tý nào!”. Mới hơn đẹp hơn thì còn gì là phục chế nữa; là giết chết di sản, là xóa bỏ lịch sử. Ấy đấy, nhưng quan niệm ‘phản phục chế’ này có vẻ như đang là quan niệm chính thống của các bên có quyền có tiền. Đúng là ta đang thẳng tay bắn  vào quá cô nhỉ. Nguy quá ta!
Bên văn chương của em cũng có một cuộc phục chế quy mô và thành công như Cung An Định. Chả có chuyên gia hay tài trợ nước ngoài nào. Một mình bác Lại Nguyên Ân làm tất, cũng hơn cả chục năm chưa xong. Đó là ‘phục chế’ Phan Khôi!
Phan Khôi là một cậu tú cuối cùng và một trí thức Tây học đầu tiên. Em nhớ láng máng mấy câu cảm thán hình như của cụ lúc về già : “Về già càng bệnh hoạn / Kháng chiến thấy thừa ta / Mối sầu như tóc bạc / Cứ cắt lại dài ra”.  Vài cuốn sách mỏng và những nghi vấn về quan điểm gì đó làm ta chỉ lờ mờ về một Phan Khôi ‘hay cãi’. Phần lớn nhất trong sự nghiệp của danh nhân này là các ‘tác phẩm đăng báo’ những năm 1920-30 đồng thời với các nhân vật như Phan Chu Trinh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh…
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân quá chuyên nghiệp và dầy công khi truy tìm mạch tư liệu vô cùng đồ sộ  tản mác khắp nơi. Ông  đưa ra một mẫu mực xử lý văn bản như một nhà phục chế xuất sắc và có trách nhiệm. Hơn bẩy nghìn trang sách được xử lý đến từng từ, từng dấu chấm phảy, cái ngoặc đơn ngoặc kép, những chỗ trống bị kiểm duyệt hay những chữ bị đục đi, bị rách nát… đều được ghi chú cẩn thận. Các từ khó hiểu được soạn giả chú giải qua các từ điển hoặc đề xuất cách đọc cho đúng Phan Khôi.
Nhà em có bảy tập “Tác phẩm đăng báo”, cứ tưởng khô khan nhưng ngược lại rất hấp dẫn, có thể đọc từng đoạn, mê như đọc Tam quốc! Phan Khôi viết mỗi năm khoảng 1000 trang, đều đặn mỗi ngày 3 trang! đều quá sắc sảo, quá dí dỏm, quá hùng biện và quá riêng biệt. Cái thú là các câu chuyện ông kể ra, các đề tài ông tranh luận, các ý kiến ông đề xuất… rất giống thời buổi mà ta đang sống bây giờ. Từ triết học tới chuyện dùng tiếng Việt, từ chiến lược phát triển xã hội theo mô hình Duy Tân, Đông Á, Pháp Việt đề huề hay khởi nghĩa vũ trang tới việc phải bỏ kiểu sống tam đại đồng đường, phải tự do cá nhân, yêu đương, bình đẳng nam nữ… Em chưa thấy bộ trường thiên tiểu thuyết nào trình bày toàn cảnh xã hội An Nam xác thực, phong phú và lôi cuốn như vậy.
Đúng là Lại Nguyên Ân đã phục chế chuyên nghiệp cả một lâu đài trí tuệ bị bỏ hoang phế. Dưới bàn tay Lại Nguyên Ân lâu đài Phan Khôi không ‘mới hơn, đẹp hơn’ mà chỉ được trả về nguyên dạng. Không phải giải oan cho một nhân vật hay vẽ ra một chân dung chủ quan mà bác Ân đã mở lại một mỏ tài nguyên tri thức để ta khai thác.
Rất cảm ơn hai nhà phục chế chuyên nghiệp!
Nguyễn Quân
Đã đăng mục “Lao xao” báo “Lao động cuối tuần”,  thứ sáu 9/7/2010