Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÊM THƠ NGUYỄN DUY Ở HÀ NỘI

BTV Vũ Thanh Nhàn & Ba Tỉnh
Thứ bẩy ngày 14 tháng 8 năm 2010 4:20 AM
 
Năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm làm thơ, 50 tuổi đời, Nhà thơ Nguyễn Duy đã hoàn thành bản thảo “Thơ Nguyễn Duy”, được tuyển từ những tập thơ mà Anh đã in rải rác trong suốt cuộc đời thơ của mình, nhưng vì nhiều lý do “nhạy cảm” và “tế nhị” nên các NXB đều rất ngần ngại nhận in tập thơ này. Đầu tiên, Nguyễn Duy đưa cho NXB Hội Nhà Văn, NXB đề nghị bỏ… mười bài, toàn những bài anh viết về hồn dân, tình dân, lòng dân và lời dân, như Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ, Nhìn từ xa… Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực… trong đó có bài Đá ơi: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”  khi đưa sang NXB Văn học thì họ đề nghị bỏ… bảy bài, sau đó Nguyễn Duy chuyển bản thảo đến NXB Hải Phòng… và được chấp nhận xuất bản tập thơ, mọi việc đã như “đinh đóng cột”. Vậy mà Nguyễn Duy chưa kịp uống chén rượu mừng thì choáng váng nhận được tin ấn phẩm bị đình bản, sách bị thu hồi…
Đận ấy, vào trung tuần tháng 10 năm 2004, nhà thơ Nguyễn Duy ra Hà Nội rồi vù đi Hải Phòng mất tăm mấy ngày liền. Khi trở lại thủ đô với bộ mặt tuyệt vọng, nhợt nhạt như màu tấm vé máy bay của Vietnam Airlines mà anh mệt mỏi cầm trên tay để chuẩn bị trở vào Sài Gòn như chạy trốn hơn là từ bỏ niềm hy vọng mà anh ấp ủ cả một đời thơ.
Phút chia tay, Nguyễn Duy tặng tôi bản thảo tập thơ này như là sẻ chia một nỗi buồn - một nỗi đau nhân thế và cũng là một nỗi đau không phải của riêng ai.
“Giấc mơ không đến hai lần” nên từ đấy Nguyễn Duy dường như không làm thơ nữa mà chuyên tâm vào một thú chơi mới, lại kiếm được đồng tiền nuôi con: “Lịch thơ Nguyễn Duy” như một đóa hoa Xuân mới lạ làm đẹp cho đời mỗi thi Tết đến, Xuân về.
Thoắt đã 7 năm, tập bản thảo Nguyễn Duy tặng tôi vẫn nằm im trong tủ sách như một số phận đã an bài. Nhưng, “Thiên hữu mục” – Ông trời có mắt. Số phận run rủi thế nào mà tập thơ bị “om” suốt ngần ấy năm bỗng lại được ra đời ở ngay Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng năm 2010 - Năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Tôi cầm đầm tay tập thơ rất trang nhã, rất là thơ và cũng rất Nguyễn Duy. Cũng ngần ấy con chữ đề tặng với chữ ký điệu đà của Nguyễn Duy, mà sao lần này đối với tôi nó lại tưng bừng và ngọt ngào đến thế.
NXB Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam và tác giả cho ra mắt tập thơ “Nguyễn Duy - Thơ”, đây là tập thơ dầy dặn nhất của đời thơ Nguyễn Duy từ trước đến nay, được xem như tuyển tập thơ Nguyễn Duy cũng gần như chính xác. Một hành trình thơ của hơn 40 năm vất vả, trong đó có nhiều năm thấp thỏm mong chờ đứa con tinh thần ra đời nguyên vẹn hình hài, chứa đựng tâm tình với những lời thơ chất ngất niềm đau thế sự nhân tình…
Sau lời dẫn của họa sỹ Lê Thiết Cương đại diện cho “Không gian sáng tạo Trung Nguyên” – Café vườn 36B Điện Biên Phủ Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Duy tâm sự: Ngày xưa không rành mạch, bây giờ càng không rành mạch! Đánh thức tiềm lực - Nguyễn Duy viết trong hai năm 1980 – 1982, chứa đựng bức xúc của mình và của người dân. Trong lòng tác giả dằn vặt cái gì thì viết ra như thế, nên có lẽ được bạn đọc cảm thông…
Không khí buổi giao lưu như bừng tỉnh khi tôi – Họa sỹ Ba Tỉnh đặt 2 câu hỏi, một về sự tích đêm thơ Nguyễn Duy ở Chợ Bến Thành vào năm 1984 và số phận của những thước phim do nhà nhiếp ảnh Minh Long quay đêm ấy bây giờ còn không? Và hai là vụ đạo diễn Quốc Trọng và nhạc sỹ Trọng Đài lấy bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy làm lời cho bài hát trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Đường Đời” nói về cuộc đời võ sư Nguyễn Hữu Khai mà 2 vị nghệ sỹ này đều “quên” tên tác giả bài thơ…Đạo diễn Quốc Trọng đã xin lỗi Nguyễn Duy và ghi nợ bằng một bữa rượu đàng hoàng…
Nguyễn Duy say sưa kể lại đêm thơ ấy, Với dàn âm thanh điện tử cực mạnh át hết tiếng xe ô tô, xe xích lô máy…và hàng trăm bom bia với cả chục con dê được quay trên giàn than hồng đỏ rực, sực nức mùi thịt nướng. Hàng ngàn người đủ mọi tầng lớp thị dân Sài thành đón nhận một sự kiện Thơ lạ lẫm, độc nhất vô nhị trước tới nay. Còn nhà nhiếp ảnh Minh Long thì hồi tưởng đến giây phút thăng hoa trong bữa tiệc thơ giữa trời, giữa đời. Anh nói: Tuy là đã mấy chục năm, nhưng chắc chắn cuốn băng ấy vẫn còn cất ở đâu đó trong kho tư liệu của tôi, tôi sẽ tìm ngay để tặng Nguyễn Duy. Hội trường vỗ tay như pháo tết ngày xưa.
Không khí hội trường như lắng đọng. Tiếp đó, nhà nhiếp ảnh Trần Định hỏi về những tháng ngày Nguyễn Duy sống và làm thơ ở Liên Xô. Nguồn cơn bài thơ Nhìn từ xa tổ quốc. Nhiều bạn trẻ đã đặt những câu hỏi xoay quanh thơ Nguyễn Duy và thể thơ lục bát…
Đêm nay, bạn bè và những người yêu thơ Nguyễn Duy được thưởng thức một bữa tiệc thơ Nguyễn Duy rất đã. Giọng nhà thơ khẽ khàng: “Thơ của tôi có biên độ rất rộng, từ dân đen, người ăn mày, đến cả ông vua… tất cả những gì cảm động, tốt đẹp mình đều cảm xúc hết. Năm 1995 tôi xuất bản hai tập thơ tình: tập Tình tang viết cho nhiều người, và tập Vợ ơi viết riêng cho vợ. Vợ chồng tôi lấy nhau nghèo lắm. Mình lính mặt trận, sống chết, phiêu dạt giang hồ quanh năm suốt tháng, ít khi có nhà, bỏ vợ con bê bối, đến lúc ngồi ngẫm lại thấy mình công ít, tội nhiều… Mỗi năm tôi có một bài thơ kính tặng vợ, có nhiều bài thật sự gan ruột, giãi bày một tình cảm rất thật của mình, không phải thơ nịnh vợ. Tôi nghĩ những bài tôi tặng vợ không phải tâm trạng riêng tư đâu…Bài “đưa ngang mày” là cách Nguyễn Duy trân trọng vợ, anh viết: “Mỗi năm tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày/Vợ cười chưa uống đã say/ Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm…”
Nguyễn Duy nổi tiếng là người thuộc thơ của mình và đọc thơ rất truyền cảm. Hôm nay, một lần nữa anh đã “Đánh thức tiềm lực” của mọi người trong buổi tối mát mẻ hy hữu giữa mụa Hạ nóng nực như rang cháy đô thành.

BTV Vũ Thanh Nhàn & Ba Tỉnh
(***) Đêm thơ Nguyễn Duy tại “Không gian sáng tạo Trung Nguyên Hà Nội”