Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI – CẢM NGHIỆM ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI TRONG HỨNG KHỞI BAY

Dương Kiều Minh
Thứ bẩy ngày 24 tháng 7 năm 2010 7:23 PM

(Đọc tập thơ “ Cởi gió” của Nguyễn Phan Quế Mai NXB Hội nhà văn 2010)
 
Tôi cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn trong sự bền bỉ thuyết phục tôi về thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Trong việc cập nhật các tác giả thơ trẻ, nhà thơ Mai Văn Phấn vô cùng nhiệt tình. Nếu nói không ngoa, có lẽ anh chưa từng bỏ quên ai trong giới sáng tác thơ trẻ. Cách đây vài tuần tôi được một bạn thơ chuyển đến tập thơ “Cởi gió”, một tập thơ mới xuất bản của nữ thi sĩ Nguyễn Phan Quế Mai.
Dường như cái ấn định sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già là ở ước vọng. Và dường như ước vọng chỉ sinh ra ở những cơ thể còn sung mãn về sức sống đem lại nguồn năng lượng dồi dào của cảm xúc.
Đổ tung toé vào tôi cơn mưa rào mùa hạ
những giọt mưa thanh tân hoà ca
(…)
và mưa và mưa quanh tôi những phận người
ngắn ngủi
chênh vênh
một lần trắng giọt
(…)
được hạnh phúc một lần oà vỡ
từ đâu đó trong thẳm sâu của đất
bay lên
những
ước vọng
Mây…
             (Ước vọng mây)
Đó có lẽ là cơn mưa rào đầu hạ trắng trời của Nguyễn Phan Quế Mai, đó là cơn mưa thanh tân của cảm xúc căng đầy nhựa sống và khát vọng bên sự mong manh của những phận người ngắn ngủi, chênh vênh. Dường như ta nhận thấy một lớp vỏ vô hình nào đó cứ bao kín và thắt chặt những năng lượng hằng đòi được giải toả, được hiển lộ. Và ước ao xuất hiện, ước vọng cập đến, rồi khát vọng bừng khởi trong sự chờ đợi mong mỏi đến nghẹt thở “được hạnh phúc một lần òa vỡ”. Ôi, cái mong muốn của thanh xuân chỉ ước ao mong được như cơn mưa rào mùa hạ đổ tung toé và oà vỡ, thế rồi nó phải dìm nén, ẩn đi trong thẳm sâu của đất, để rồi “bay lên/ những/ ước vọng” như những đám mây xốp bồng bềnh tự do trôi vô định trong khoảng trời đất.
Đọc đoạn thơ này tôi chợt nhớ ra có lẽ tác giả “Tương lai của một ảo giác” đã nói rất có lý, rằng thời trẻ thường có những rung động mới mẻ, mạnh mẽ có tính mục đích trực tiếp, và trong những trường hợp bất lợi, chúng nảy sinh dưới hình thức cảm giác. Và ước vọng được hình thành từ đây.
Một ngày gió nâng tôi lên cao
Gió trao tôi đôi cánh
Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ
                                                                     (Cởi gió)
Trong những thôi thúc để trở thành thi sĩ không thể bỏ qua yếu tính ước vọng. Dù ở mỗi cá thể nhà thơ cái yếu tính ước vọng mang những sắc thái riêng biệt. Tôi nhận thấy thơ Nguyễn Phan Quế Mai trùng với ước vọng. Có thể không thái quá, nếu nói rằng thơ Nguyễn Phan Quế Mai chính là ước vọng. Đó là cảm giác muốn bay lên, khi thì như mây trôi, lúc này lại là gió nâng tôi lên cao, rồi gió trao tôi đôi cánh, lại tiếp và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ. Sự bay này được thăng hoa và tăng tiến một cách thật kỳ diệu.
Theo tôi biết, qua sự nghiên cứu khảo cứu của một số ngành khoa học thì năng lực tiến hoá cao nhất của một cơ thể sống là bay. Cơ thể con người đương nhiên không nằm trong sự tiến hoá này. Việc bay của con người được thực hiện trên cơ sở xuất phát từ ý nghĩ, ý tưởng, tưởng tượng và những tạo tác kỳ vĩ mà con người đã tạo ra giúp cho mình có thể bay được trên không trung. Đó cũng có thể là “Điều ước bay lên giản dị” nơi “chạm tóc ban mai/ trên môi mình tiếng sơn ca buổi sáng” (Chạm tóc ban mai) mà Nguyễn Phan Quế Mai đã biểu đạt.
Cái ước vọng bay của Nguyễn Phan Quế Mai được ký thác trong niềm tưởng niệm về người em đã khuất. Không rõ người em có ước ao bay lên như ước vọng của nữ thi sĩ không, nhưng ở đây ta được tận hưởng cái cảm xúc này thật mạnh mẽ và thiêng liêng
Những ngôi sao trên trời không cánh rụng rơi
Nước mắt của đêm
Linh hồn em bay lên. Bầu trời khóc xuống
(…)
Ơi dòng sông hãy đưa em về bình minh
Nơi hạt cát linh hồn con người sải cánh
Bay lên bay lên ước nguyện một đời người
Lành lặn những tả tơi
Chắp vá lại hy vọng
 
Em chấm nhỏ giữa cuộc đời
Đã thầm lặng là một nốt xanh
Để khi mất đi một rừng cây trút lá
      (Dòng sông em)
Cái ước vọng bay này có sức mạnh của một cơn lốc xoáy và tiếng âm vang của rừng cây trút lá vào thu. Dù chỉ là hạt cát linh hồn con người vẫn sải cánh, với tất cả nội lực và nỗ lực để bay lên bay lên ước nguyện một đời người. Rồi trút lại một hiện thực nơi trần gian với đời sống thế tục của con người, với lành lặn những tả tơi, chắp vá lại hi vọng, để khi mất đi một rừng cây trút lá. Người em ấy đã mất, em chấm nhỏ giữa cuộc đời, đã thầm lặng là một nốt xanh. Cái tâm tưởng và cái tâm tượng về “chấm nhỏ”, “nốt xanh” như chỉ dụ về cái hình bóng, dấu vết của con người để lại trên thế gian cho ta cái cảm giác như ở giữa đại dương rợn ngợp không bao giờ thấy bờ bên kia, chỉ thấy đường viền nơi chân mây. Ta chỉ thấy nhói lên trong ý niệm về sự tồn tại và biến mất theo vòng đời của một con người trong cõi hư vô, ở đó ngự trị cái vĩnh hằng.
Trên đỉnh Himalaya chót vót nhà thơ rộn lên cái cảm thức đầy tính tâm tượng trong “cảm giác thiên hà”.
4.000 mét
Ta định nghĩa mình bằng một chấm xanh
Tiếng chim
Neo ta
(…)
Ta vô danh mà rừng thì ngàn tuổi
Ta khô cằn mà rừng ăm ắp suối
 
Chảy ta về đâu hỡi trập trùng sóng núi
    (Himalaya)
Những câu thơ gợi đến sự mong manh của cảm xúc mang cảm giác thiên hà của nhà thơ, trong việc nhận ra cái cá thể của mỗi sinh linh thật nhỏ bé trong vũ trụ vô cùng vô tận. Theo sự xô chảy của những luồng âm thanh, ta từ từ nhắm mắt lại và để thâm tâm tự thả trôi vô định trong sự cuốn đi không gì cưỡng được đem theo câu hỏi lớn “chảy ta về đâu hỡi trập trùng sóng núi”. Có chăng chỉ có tiếng chim là neo giữ ta lại giữa khoảng bao la trời đất này.
Giờ tôi chợt nhớ tới những suy nghĩ đầy hứng khởi của tác giả “Thế giới nơi tôi thấy”, khi ông suy tưởng về sự kỳ diệu của mỗi cá thể người, ông nhận ra rằng chỉ có cá nhân mới cảm nhận được tính hư vô trong những ước vọng và mục đích của con người, cảm nhận được tính hùng vĩ và trật tự trong thiên nhiên cũng như trong thế giới suy tưởng. Ông khẳng định, rằng cảm xúc và khát vọng là động cơ của tất cả những nỗ lực và tạo tác của con người. Ông đã biểu đạt rất sâu sắc cái cảm giác về tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta, mỗi chúng ta đến đây chỉ như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi, ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó.
 
*
Bằng trí tuệ và cảm xúc, con người đã tự nâng mình lên bằng ước vọng của chính mình. Cái mạch nguồn âm thầm bền bỉ nuôi dưỡng ước vọng đó của con người từ lúc khởi đầu cho đến kỳ viên mãn, có lẽ mạch nguồn đó là thế giới của tuổi thơ, của những nẻo miền ký ức dào dạt nước nôi, gió nắng và ánh sáng ảo huyền của những vì tinh tú. Nguồn mạch dồi dào đó đã thấm đẫm trong cảm nhận của tuổi ấu thơ, theo thời gian chúng lắng đọng và kết tinh nơi thẳm sâu của tâm cảm và của tiềm thức trong đời sống tinh thần của con người.
Theo mùa đông về ngủ giữa lòng Hà Nội
Tiếng còi tàu trườn qua ta
(…)
Nghe thời gian lao về ánh sáng
Bỏ sau lưng những ga đỗ cuộc đời
 
Bỏ lại tuổi thơ lên hai
Hoa xoan rắc vai dọc con đường đốt đỏ
Vàng cỏ thổi gió Lào
(…)
Chuyến tàu chở ta lao đi trên ánh sáng
phía sau một vầng trăng mười tám
(…)
Nhặt tuổi thơ lên hai
Lẫm chẫm chạy dọc con đường đất đỏ
      (Chuyến tàu người)
Trở ngược con tàu thời gian lao về ánh sáng, ký ức hiện lên như những viên ngọc lưu ly đang nằm lại dưới đáy hồ trong vắt xa xăm. Nơi “Trắng xanh xanh trắng chở tôi về thời thơ ấu/ Đường làng be bé cong cong bàn chân/ (…)/ Chén chè xanh ngõ loanh quanh thuốc lào cay mắt/ Tiếng người trong vắt” (Nhịp gốm). Nơi tuổi thơ lên hai lẫm chẫm chạy dọc con đường đất đỏ, và một vầng trăng mười tám, hoa xoan rắc vai dọc con đường đất đỏ/Vàng cỏ thổi gió Lào. Kỷ niệm hiện về xao xác xao động “Bỏ lại tuổi thơ miền Tây nắng gió” (Quê nội), rồi “Nơi bánh xe thời gian lăn qua thời tôi thiếu nữ. Tôi cùng tôi cùng người tung tẩy” (Sài Gòn). Đấy là ký ức của thời thanh nữ dâng rực rỡ của ngày đầu hạ tháng Tư “chạm vào ngực tháng Tư/ Nhịp đập tháng Tư thở vào ngực tôi lời lang thang của gió/ (…)/ Cơn mưa hạ sải chân chạy trên cánh đồng loáng nước/ Tôi gói vào tóc ướt/ ủ giấc mơ phiêu bạt về phía trời xa/ (…)/ Tháng Tư nở hoa/ Bằng những đôi -môi-hoa-gạo-đỏ” (Tháng Tư). Dường như hoa gạo và tháng Tư đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ của thời thanh nữ. Có lẽ vì thế mà nữ thi sĩ đã tự gọi “tuổi mình là hoa gạo”.
“Những nụ hoa gạo đợi cơn mưa rào tháng ba
       xoè cái nhìn của lửa
(…)
Ai gói mùa trong áo
(…)
Ta mê mải phiêu diêu
Ngước lên
gặp
tuổi
mình
đang
rụng” (Khi tuổi mình là hoa gạo)
Một cảm xúc trào lên thật đẹp trong cái rực rỡ “xoè cái nhìn của lửa”. Với đôi mắt mơ mộng tiếc nuối ngước lên chứng kiến sự khép lại của thời thanh tân, gặp tuổi mình đang rụng. Ta như ngỡ vừa vang lên những âm thanh se xiết của bản tứ tấu tạ từ tuổi xuân “một đi không trở lại”.
Nơi khí mạch cung cấp nguồn sinh dưỡng cho cái ước vọng bay của Nguyễn Phan Quế Mai, có hai mạch chủ hướng vào huyệt đường của “cởi gió” - đó là hình ảnh người cha và người mẹ hiện lên như một sự cứu rỗi.
Phía sau tôi cánh đồng cằn khô lô xô nắng hạn
Bàn tay cha chai sạn
Rắc mùa xanh trên những cánh đồng
Dưới tấm lưng người là chuyện kể của những mùa thóc
(…)
Tôi đứng trước cánh đồng ngày xưa Cha gieo hạt
Nghe đất mùa nao nức tình Cha
                                                     (Cha tôi)
Con đếm bước chân thời gian trên tường gạch cũ
Những bước chân xô đổ phận người
Những bước chân lặng lẽ…
Chiều nay gọi mây rơi…
Mẹ con mình đi giữa lòng phố cổ
(…)
Bao cuộc hành trình nối những vòng trái đất
Nối được ngày xưa để tóc mẹ lại xanh?
     (Màu thời gian)
Hình ảnh người cha đã ở lại phía sau với cánh đồng cằn khô lô xô nắng hạn, bàn tay cha chai sạn rắc mùa xanh trên những cánh đồng. Người mẹ in hình bóng lên bước chân thời gian trên tường gạch cũ, những bước chân xô đổ phận người. Đó phải chăng là niềm thống hối như cơn gió thổi dốc về quá khứ, nơi còn lưu giữ cái thế giới thiêng liêng nhất của một đời người. Nơi đó đã hắt lên bức tường cũa không gian và thời gian, những dấu vết in đậm về thân phụ thân mẫu. Đó là câu chuyện về những kiếp sống nhọc nhằn đi qua thế gian nơi “dưới tấm lưng Người là chuyện kể của những mùa thóc”, và những bước chân của thời gian xô đổ phận người. Đó là niềm thương cảm, nó mang đến những giọt nước mát lành phất lên đời sống hiện đại khô kiệt và nóng rầy của chúng ta. Con người đừng đặt quá nhiều hy vọng vào thế gian. Mỗi cuộc đời giống như những bài thơ chỉ như chiếc lá vừa rơi xuống chạm nhẹ vào mặt đất chợt vang lên âm thanh tạ từ trong đêm, như thế là đủ rồi.
 
*
Có những số phận giống như những loài chim di cư theo mùa. Theo luồng ánh sáng chiếu rọi từ ký ức của tác giả “Cởi gió”, ta nhận thấy nhiều sắc độ của cảm xúc xao xác qua những vùng đất, của những cuộc xê dịch di dời trong tuổi ấu thơ và thời thanh nữ. Hà Nội được Nguyễn Phan Quế Mai cảm nhận theo cách rất riêng trong một cảm xúc hiện đại
Tôi không được sinh ra và lớn lên trong Hà Nội
Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi
(…)
Cây yêu thương tạc hình cột cờ Hà Nội thổi vào hồn tôi phấp phới hai từ “Tổ quốc”, rạo rực mỗi lần tôi phóng xe qua
Cây yêu thương mang hình hài phố cũ nắng ngủ quên trên mái ngói nghiêng nghiêng
 
(…)
Ba mươi sáu phố dẫn về ngực tháp Rùa
        (Hà Nội)
Trong một cái nhìn mới mẻ và hiện đại khi nhận thấy “Hà Nội tự sinh ra”, và Hà Nội cũng “tự lớn trong tôi”. Hà Nội hiện lên như những cái cây lực lưỡng vươn giữa trời cao, vừa gần gũi, vừa cổ kính “cây yêu thương tạc hình cột cờ Hà Nội”, và “cây yêu thương mang hình hài phố cũ”, “Ba mươi sáu phố dẫn về ngực tháp Rùa”. Hà Nội đã tạo nguồn hứng khởi thật phóng khoáng và lãng mạn, khiến nữ thi sĩ có cảm hứng mơ mộng và phong lưu trong tình yêu với Hà Nội với ước muốn được “chạm môi lên mùa”, rồi “chạm môi lên Thăng Long”.
Chương Dương sóng sánh vai gầy em gánh hoàng hôn lên phố
(…)
Nốt nhạc rơi từ ô cửa sổ
Ngân một nốt thu
Ta vội vàng phố chầm chậm chảy
(…)
Chạm môi lên mùa
Lá vàng sắc lộc
Mình ta xao xác
                      (Chạm môi lên Thăng Long)
Hà Nội trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai là Hà Nội của sóng sánh vai gầy, của nốt nhạc rơi từ ô cửa sổ, ta vội vàng phố chầm chậm chảy. Hà Nội chợt rung lên xao xác với tình yêu thật nồng thắm phong tình khi chạm môi lên mùa. Hà Nội còn của “bao mùa trinh nguyên”, “tặng tôi ngọn gió mát lành”.
Họ gánh vế cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa tôi sẽ quên nếu thiếu họ
(…)
Họ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê
       (Mùa trinh nguyên)
 
*
Như tôi đã trình bày, thơ Nguyễn Phan Quế Mai trong ước vọng bay. Đó là niềm hứng khởi bay lên bầu trời cao rộng. Ở đó, là thế giới của tự do, khát vọng và tình yêu. Ở đó, mọi năng lượng được giải toả trong sự cống hiến với niềm đam mê. Có một nguồn năng lượng trực tiếp và dồi dào tạo lực đẩy cho hứng khởi ước vọng bay trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai, đó là đời sống hiện đại. Đời sống hiện đại chất chứa trong nó vô vàn những áp lực, tự thân nó cũng tạo ra những sự lôi cuốn thật mạnh mẽ, thật khó khước từ. Đôi cánh của ước vọng nhiều khi phải rời rã trong sức xối xiết của những tầng thác đổ và của những cơn lốc xoáy. Đời sống hiện đại là một phần rất đáng kể của ước vọng bay trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Đó là sự cảm nghiệm, trải nghiệm và chiêm nghiệm không ngừng của nhà thơ, tựa như loài thực vật hiện thực sự trao đổi liên tục trong mối quan hệ tương hỗ giữa đất, không khí và ánh sáng. Đời sống hiện đại tác động thường trực đời sống con người, nằm ngoài ý muốn cùng sự kiềm toả và kiểm soát của họ. Mặc dù con người luôn tìm mọi cách để kiềm toả và kiểm soát đời sống hiện đại. Nhà thơ cũng vậy, chắc không ở ngoài cái đặc trưng bao trùm của đời sống hiện đại, sống trong lòng nó, góp phần tác động vào nó, và chịu sự chi phối tuyệt đối của nó.
Trong sự hình dung này ta thử đọc cái tâm thế nơi đời sống hiện đại trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
Anh đem thu đi xa
Lạnh choàng áo lên mùa
(…)
Con đường ồn ào cuộn em vào giữa
Lặng quay bốn chiều tiếng động
                                                  (Mùa đi)
Ngày cuốn em đi bằng email, điện thoại
Những con chữ chạy
Đuổi theo em theo em
(…)
Em không kịp ngước nhìn mùa thu đang duỗi vàng qua cửa
(…)
Tế bào thời gian như những sinh linh
Khắc khoải chết dần trong vòng quay thói quen
(…)
Tiếng chim gù buổi sáng vuột khỏi tay xa vời, xa mãi
         (Vòng xoáy)
Thế giới hiện đại được hiện ra như một đặc trưng lớn choáng ngợp và chế ngự đời sống của con người. Thế giới hiện đại luôn tàng chứa cái tham vọng nuốt chửng các cá thể, làm nhoà mòn cá tính, sự riêng biệt. Nơi con đường ồn ào cuộn em vào giữa lặng quay bốn chiều tiếng động, rồi ngày cuốn em đi bằng email, điện thoại và tế bào thời gian như những sinh linh khắc khoải chết dần trong vòng quay thói quen. Phải, thói quen như là một căn bệnh di truyền của loài người. Thói quen trở thành vật cản không chỉ gây trở ngại mà nó bó siết chặt tư duy của con người, trong việc mở ra những nhận thức mới cùng những chân trời mới. Đời sống hiện đại đã tự nó sản sinh ra những thói quen mới, cuốn các cá thể vào vòng xoáy của những vòi rồng khổng lồ, khiến cho con người ta “Nhắm mắt/ chưa mơ/ đêm đã nhoè nhoẹt giấc mơ của người khác” (Bầu trời trắng). Và đến độ, con người ta từ lúc nào đã mất đi những rung động, những cảm xúc thật tinh tế trong lành nguyên khởi trước thiên nhiên, trong sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên không kịp ngước nhìn mùa thu đang duỗi vàng qua cửa, và tiếng chim gù buổi sáng vuột khởi tay xa vời, xa mãi. Đời sống hiện đại mang theo “vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi như chỉ biết vươn mình về phía trước/ về phía trước/ phía trước …” (Thời gian trắng). “Con đường chảy máu xanh đến khi nhợt nhạt không còn máu nữa/ (…)/ Dày lên dày lên khói bụi/ Tiếng ồn nuốt chửng mặt trời/ Tôi vuốt mặt mình chẳng thể nhận ra tôi/ (…)/ Ung thư đáp xuống mọc lên di căn từ lòng tham loài người” (Ngôi nhà trái đất). Cái khuyết tật dễ nhận thấy nhất của đời sống hiện đại có lẽ là khói bụi và tiếng ồn. Khói bụi làm cho tôi vuốt mặt mình chẳng thể nhận ra tôi, còn tiếng ồn thì mang nặng lực siêu nhiên là nuốt chửng mặt trời.
Phải chăng nguồn gốc những căn bệnh di căn của đời sống hiện đại là mọc lên từ lòng tham loài người. Đúng là lòng tham của loài người không đợi đến đời sống hiện đại mới nảy sinh, nhưng đời sống hiện đại lại biểu hiện mình một cách quá tập trung cao độ, như là hiện thân, là biểu tượng của lòng tham. Nằm trong cái rốn vòng xoáy vòi rồng khổng lồ đó, con người làm gì, có lẽ chỉ còn “mình gọi nhau trên bản đồ số phận/ lần tìm nhau trong ma trận/ Thôi nào, dừng lại trò chơi!” (Ma trận).
Hãy pha loãng ta
Chấm phá lên ta sắc màu bình minh trùng trùng
rừng núi dòng chảy của suối tiếng chim lăn vội vào
ngực hoàng hôn loang lổ lên ta màu xanh thảo nguyên bạt ngàn
 
Để ta nhận ra mình còn thở
giữa ngày nhợt nhạt giữa ngày cạn kiệt không biết tô màu gì lên ý nghĩ
      (Chấm phá)
Đó có lẽ là cái tâm điểm của cái vòng xoáy cơn lốc vòi rồng đời sống hiện đại. Giữa ngày nhợt nhạt giữa ngày cạn kiệt, chỉ có pha loãng ta rồi chấm phá lên chính ta cái sắc màu của thiên nhiên hoang dã: rừng núi, tiếng chim, dòng suối, màu xanh thảo nguyên,… để ta nhận ra mình còn thở. Nhưng trong ý nghĩ thì đã bị cơn lốc xoáy làm vỡ vụn, biến dạng. Để ý nghĩ của ta hoàn nguyên, biết tô màu gì đây.
Tiếng khóc khổ đau vẫn nằm ngoài trang giấy
Sự bất công thản nhiên tung tẩy
 
Ta quỳ dưới mưa
Xưng đột trước bầu trời trắng
                                 (Bầu trời trắng)
 
*
Trong làn hơi lạnh buổi cuối chiều cuối xuân, làn mưa bụi thoảng qua để lại những vệt ướt trên khóm trúc trước cửa và lối ngõ vắng lặng. Tôi chợi nhận ra rằng sức quyến rũ của thi ca thật mạnh mẽ nhường nào, nó cho thấy con người quả là cao lớn hơn thân phận mình, như nhà bác học nào đó đã từng nói.
Em – người đàn bà guốc một đuổi theo thơ/ Nàng thơ vút qua/ Chở theo hàng triệu điều em muốn nói/ (…)/ Con chữ thôi thúc em đập tan xiềng xích gông cùm/ (…)/ Em viết bằng sự thật đen và trắng (…)/ viết lên vạn vật” (Đen và trắng)
Đọc một tập thơ của một nữ thi sĩ trẻ thấy toả lên cái khát vọng dâng ngùn ngụt, Trong sự trải nghiệm, thể nghiệm mình giữa lòng đời sống hiện đại với sức sống thật mạnh mẽ
Hãy nhấn chìm ta ơi sóng
(…)
Ta quẫy trong chiều vàng nắng
Nghiêng mùa
                               (Mùa thu ở biển)
Tỉnh dậy sau một buổi chiều “nghe mùa sen tàn sắp bước qua ta”, nơi “những hương sen nhấn chìm ta hoàng hôn”, thoáng đến một cảm nhận mơ hồ về một “cõi sen” – một cõi thuần khiết, tinh khiết “sen toả hương từ bình đất trời tặng ta” nơi:
Ta mọc lên từ cõi ngày xơ xác
Ta mọc lên từ cõi đêm thảng thốt
                                         (Cõi sen)
Là vậy, trong cái xô đẩy chèn ép giằng giật từ áp lực nhiều chiều của đời sống càng mạnh, thì cái sức sống trỗi dậy càng vút lên mạnh mẽ hơn. Điều này ta thường trực cảm nhận được trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Cái sức sống trồi vụt quá mạnh mẽ mang đầy đủ những tố chất của đời sống hiện đại với sức vóc của CỞI GIÓ, cứ băng băng mải miết “Một chiều mây làm bạn/ Nghìn năm trắng chưa thôi/ (…)/ Tôi du ca qua những vùng sa mạc đời người khô sỏi đá/ Đợi một ngày mây trắng dừng chân” (Mây).
Mang cái ước vọng theo mây trắng qua sa mạc đời người, Nguyễn Phan Quế Mai đã quét cái nhìn toàn cảnh về đời sống hiện đại trong sự nhấn chìm, trong sự quẫy đạp, đã mang đến những cảm nghiệm, trải nghiệm và thể nghiệm mình một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Ở đó, nhà thơ đã nhận thấy “một trời xanh cứu rỗi/ Quỳ xuống và tin, ngây thơ trong trẻo còn tồn tại trên đời” (Nói cùng con)
Bằng nỗ lực và nhiệt huyết không mệt mỏi với tình yêu thơ ca trong hứng khởi ước vọng bay, được nhúng vào “lò luyện linh đan” của đời sống hiện đại, tôi tin rằng, nữ thi sĩ Nguyễn Phan Quế Mai còn tiếp tục hành trình đầy gió bụi và xoáy lốc của thơ ca trong cảm nghiệm không ngừng về đời sống hiện đại, sẽ tìm thấy cảm xúc mới mẻ và mạnh mẽ một chân trời căng đầy ước vọng bay, khởi dậy từ:
Một hạt mầm bé bỏng
Nâng mùa xuân lên
               (Nâng mùa xuân lên)
 
Hà Đông, 30. 3. 2010

DKM.