Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẢ BOM THỜI HẬU CHIẾN - KÌ V: 17 CUỘC HỌP VÀ Ý ĐỊNH RẠCH BỤNG

Bùi Hoàng Tám
Thứ ba ngày 6 tháng 7 năm 2010 5:43 AM
Đối với Minh Chuyên, mọi chuyện anh đều có thể vượt qua nhưng có một chuyện khiến anh hết sức lo lắng. Đó là những tin đồn. Ở cái tỉnh đồng bằng nhỏ như một bàn tay, này tin đồn lan nhanh hơn gió thổi. Nó đã khiến cho gia đình anh luôn phấp phỏng không yên. Nào là tin Minh Chuyên bị tước quyền cầm bút, rồi bị khai trừ khỏi Đảng, đình chỉ công tác. Lại đến tin Minh Chuyên bị bắt, bị bỏ tù. Có cả tin đồn Minh Chuyên sợ quá hoá liều, đã nhảy xuống sông Bo tự tử…
- Dạo đó ở Thái Bình xôn xao chuyện bác định rạch bụng ở một cuộc họp. Chắc là ông định dọa thôi chứ gì? Chúng tôi tiếp tục câu chuyện.
           - Dọa thế nào. Mình định làm thật đấy. Nhưng khoan để tôi kể tiếp cho nó tuần tự nhé. Trong những ngày này, không khí tại gia đình chúng tôi vô cùng căng thẳng. Tôi và ông Vọng (bố Định) được gọi lên Hà Nội để kiểm tra hồ sơ và tài liệu gốc. Ngày đó, tàu xe vô cùng vất vả. Chỉ có hơn 100 cây số đoạn đường từ Thắi Bình lên Hà Nội nhưng phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng mua vé. Cực nhất là từ Hà Nội về. Bến xe Kim Liên bẩn thỉu và trộm cắp như rươi, sơ xểnh là mất ngay. Có hôm xe đến bến phà Tân Đệ, nhỡ chuyến phải chờ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Vất vả thé nhưng vừa chân ướt chân ráo về đến nhà, lại nhận được giấy báo phải xuống huyện Vũ Thư để trả lời chất vấn của một cơ quan chức năng. Có lần một ông nọ đã mặt sát tôi gay gắt, cho rằng viết bài kích động, bôi xấu để họ phải mất công xác minh tốn kém… Tôi cố ghìm nén, nhẫn nhục chịu đựng rồi nhỏ nhẹ nói: “Nếu sai sót, tôi sẽ chịu kỉ luật trước cơ quan, trước Tỉnh uỷ Thái Bình là nơi quản lý tôi, anh không nên mạt sát tôi như thế”. Hình như để thị uy, anh ta vẫn không ngừng nạt nộ, xỉ vả tôi trước mặt đông đảo nhân viên dưới quyền mình. Đau đớn và uất ức nhưng tôi vẫn cố kìm nén và lặng lẽ rút lui. Tiếp đó, các ông Phó bí thư, Trưởng Ban kiểm tra Tỉnh uỷ cũng gọi tôi sang để hỏi chuyện cũng như kiểm tra các chứng cứ bài viết.
Thế nhưng đối với Minh Chuyên, mọi chuyện anh đều có thể vượt qua nhưng có một chuyện khiến anh hết sức lo lắng. Đó là những tin đồn. Ở cái tỉnh đồng bằng nhỏ như một bàn tay, này tin đồn lan nhanh hơn gió thổi. Nó đã khiến cho gia đình anh luôn phấp phỏng không yên. Nào là tin đồn Minh Chuyên bị tước quyền cầm bút, rồi tin đồn bị khai trừ khỏi Đảng, đình chỉ công tác. Lại đến tin Minh Chuyên bị bắt, bị bỏ tù. Có cả tin Minh Chuyên sợ quá hoá liều, đã nhảy xuống sông Bo tự tử… Khổ nhất là ông cụ thân sinh ra Minh Chuyên. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cứ mỗi lần nghe tin con bị bắt lại lóc cóc đi bộ hơn 10 cây số xuống nghe ngóng tình hình. Có hôm nửa đêm mưa rét, ông cụ gọi cửa, thấy Minh Chuyên còn ở nhà, cụ thở phào: “Thế mà họ đồn về làng anh bị bắt chiều nay rồi”. Bà mẹ Minh Chuyên lo nghĩ nhiều quá, thần kinh căng thẳng ốm yếu liên miên. Các chú bác anh em đêm đêm ngồi suy tính, phán đoán và cả thở than. Căn nhà của Minh Chuyên trên thị xã tối tối cũng nờm nợp người đến thăm hỏi. Mấy bố thương binh còn cử người thay nhau trực để “giải cứu con tin”. Bạn bè, đồng đội, độc giả trong Nam ngoài Bắc nghe tin Minh Chuyên “bị nan” liên tục viết thư thăm hỏi và cả… “chia buồn”.
Phía nhà Trần Quyết Định, không khí cũng rất hoang mang, lo lắng. Ông Vọng (bố Định) nhờ ông Ngoạn (cậu Định) vào tận Sài Gòn, tìm đến bệnh viện nơi Định điều trị 10 năm trước xin sao lại hồ sơ, bệnh án để bổ sung vào tài liệu minh oan cho con mình. Khổ nỗi ông Ngoạn bị ốm dọc đường, lại phải vào viện điều trị mất hơn một tháng. Chuyến đi gần hai tháng trời tốn kém hàng trăm ngàn đồng. Ở thời điểm ấy, vài trăm ngàn là cả một gia tài, chắt chiu hàng năm trời mới có.
Đối với Minh Chuyên là bắt đầu của những ngày “lên đồn, xuống phủ” với 15 cuộc họp chính thức và 2 cuộc họp nửa mang tính gặp gỡ, trò chuyện, nửa mang tính thăm dò, tìm hiểu. Ngày 17/6/1988, cuộc họp đầu tiên do Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thắi Bình họp với 15 thành viên để bàn bạc, thảo luận về bài ký gồm Ban Kiểm tra Đảng, Ban Tuyên giáo, Viện Kiểm sát, Sở Thương binh xã hội, gia đình anh Định, đại diện của Trung ương… Cuộc họp hết sức căng thẳng, kéo dài gần 8 tiếng đồng hồ. Các bên đưa ra chứng lý của mình thuyết phục những người tham gia và quy kết cho bên kia. Không ít những bài phát biểu gay gắt và quyết liệt. Tổng biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh khi đó đã kiên quyết bày tỏ thái độ: Nếu kỉ luật, người bị kỉ luật là tôi chứ không phải anh Minh Chuyên vì Ban biên tập đã chỉ đạo đồng chí Minh Chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Sau này, có lần Minh Chuyên nói với tôi rằng anh thật may mắn có một tổng biên tập dũng cảm, trung thực và có bản lĩnh như ông Hinh. Chỉ đến khi một số nhân vật trong bút ký và gia đình Trần Quyết Định phát biểu, không khí mới dịu đi đôi chút và vấn đề của bài ký dần sáng sủa. Do vẫn còn nhiều bất đồng nên phần kết luận có đoạn: “Sáu cơ quan và gia đình anh Định có sự thiếu trách nhiệm, quan liêu, phiền hà, đùn đẩy nhau dẫn đến tình trạng anh Định kéo dài chưa được giải quyết…”
Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn tiếp tục các chuyến vào Nam ra Bắc để xác minh sự việc. Ba tháng sau, nhiều công văn tiếp theo về Trần Quyết Định và vấn đề bài ký nêu được gửi đi các nơi. “Đời sống gia đình chúng tôi ngày càng căng thẳng. Nhất là đối với gia đình tôi còn thêm nỗi dằn vặt vì nỗi tưởng giúp được người lại gây tai hoạ cho người ta. Thế nhưng bù lại, rất nhiều anh em, bè bạn và nhiều cơ quan đoàn thể hết sức quan tâm. Ngoài hàng trăm bức thư gửi về cho tác giả, hơn 20 đoàn bạn đọc đã về nhà Định tìm hiểu sự việc, thăm hỏi và động viên gia đình. Mười hai đoàn sau đó đã viết thư cho tác giả, Trần Quyết Định và tòa báo. Cũng thời điểm đó, ban biên tập báo Văn nghệ, báo Thái Bình và Ban Nội chính tỉnh ủy cũng hết sức tận tình, mỗi khi có phản ứng lại điều người đi tìm hiểu, xác minh. Đặc biệt là bức thư của Nhà thơ Bế Kiến Quốc có đoạn: “Điều quan trọng nhất là chúng ta đã phản ánh đúng một sự thật về một hiện tượng rất đáng nói trong xã hội ta hiện nay. Bênh vực quyền lợi chính đáng cho môt con người, hơn nữa đó lại là một chiến sỹ là điều mà chúng ta không phải ân hận, hối tiếc chút nào dù có bị làm sao chăng nữa”.
Thế nhưng đã 4 tháng trôi qua, công văn của các ngành chuyên môn gửi về Thái Bình vẫn tiếp tục quy trách nhiệm cho nhân vật và tác giả. Nghĩa là Trần Quyết Định vẫn bị kết tội đào ngũ còn Minh Chuyên là xuyên tạc sự thật nhằm kích động quần chúng nhân dân. “ Tôi nghĩ lúc này nếu chỉ nói suông bằng lời sẽ ít thuyết phục mà phải nói bằng vật chứng, nhân chứng cụ thể. Ngày ấy, nhà tôi chắt chiu nuôi được con lợn dự định mua cái xe đạp cho các cháu đi học, tôi bàn với bà xã cho bán đi. Được hơn 100 ngàn đồng, tôi đem in chụp toàn bộ hồ sơ gốc của Trần Quyết Định thành 10 bản, tổng số gần 500 trang. Chỉ tính riêng tiền in và tiền đi đươìng 12 chuyến lên Hà Nội, mình tiêu gần hết 200 ngàn đồng, chưa kể 75 bức ảnh một người bạn ủng hộ và 12 lượt bến xe khách Thái Bình cho đi nhờ. Có lúc vợ tôi day dứt: Giá anh cứ viết ca ngợi thì đâu đến nỗi mình phải long đong, tốn kém. Nói thế nhưng vợ tôi vẫn không ngừng động viên tôi vững tâm và tin ở chân lý. Thật tình nếu khi ấy những người thân của tôi chỉ một người ngã lòng nhụt chí thì rất khổ tâm.
Chuẩn bị xong xuôi, tôi cầm toàn bộ hồ sơ lên gõ cửa Văn phòng thường trực Ban bí thư, các ban Đảng Tỉnh ủy Thái Bình và cho nhiều cơ quan chức năng khác. Ngày 13/7/1988, sau nhiều cuộc họp ở tỉnh và nhiều lần đối chất không mang lại kết quả, các cuộc họp tiếp theo phải tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc họp lần thứ nhất ở Hà Nội vào đầu tháng 7/1988 vấn đề bài ký trở nên gay gắt và phức tạp. Các cơ quan chức năng khăng khăng khẳng định Trần Quyết Định là kẻ đào ngũ, giảm sút ý chí chiến đấu và vô kỉ luật. Minh Chuyên, tất nhiên là vẫn những tội cũ nhưng có phần được “nâng cao” hơn. Ngày đó, nhà văn Nguyên Ngọc đã có một bài phát biểu hùng hồn, nội dung đại ý là nếu cách đây 10 năm, các anh quy tội người ta đào ngũ thì đã chẳng có bài ký này. Thế nhưng khi có bài ký nêu lên sự việc ra đời, các anh lại quy cho người ta tội đào ngũ phải chăng là hình thức đối phó? Và bằng kết luận này, các anh đã hai lần phạm tội ác! Bà mẹ Trần Quyết Định gặp Minh Chuyên thở dài cám cảnh: Tôi gửi con tôi cho các bác ấy, lúc các bác ấy bảo con tôi hy sinh, gửi giấy báo tử về xã. Lúc bảo nó có công, tặng huân chương, giấy khen cho nó. Lúc lại bảo nó không làm tròn nhiệm vụ, đào ngũ. Mười năm qua, gia đình tôi lo lắng, chạy vạy có ai hỏi han gì đâu. Từ hôm có bài báo của anh nói về nó, gia đình tôi hết đoàn này, đến đoàn khác về. Ông nó nhà tôi già cả, có tội tình gì mà nay gọi xuống huyện, mai gọi lên tỉnh, không biết mai đây rồi sẽ ra sao?”.
Kỳ VI: Lời cảnh báo mười năm sau
Đầu tháng 8/1988, cơ quan chính sách huyện Vũ Thư định tổ chức một cuộc họp để thông báo sự việc Trần Quyết Định đào ngũ, thu hồi di vật… Nhưng cuộc họp đó đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhân dân nên buổi sáng phát giấy mời, buổi chiều phải thu lại. Tuy nhiên, sự kiện này đã tác động to lớn đến gia đình ông Vọng. Chiều 8/10/1988, Minh Chuyên đang ở nhà thì chị Mị, vợ Trần Quyết Định hớt hải đến vừa khóc vừa nói: Anh Định nhà em bỏ nhà đi đâu mấy hôm nay rồi. Anh ấy mang cả chai thuốc trừ sâu đi. Anh ấy mà liều thì khổ mẹ con em lắm. Nếu nhà em không nhờ anh viết bài thì đâu đến nông nỗi này. Anh phải về ngay giúp em với”. Minh Chuyên bủn rủn chân tay. Sự thể không ngờ lại đến nông nỗi này. Không kịp cơm nước, Minh Chuyên tức tốc về Minh Khai. Đêm ấy chờ đến hơn 23 giờ, Định mới về. Minh Chuyên nhìn Định rồi van vỉ: “Anh lạy em, nếu em liều thì anh chỉ còn cách chết mà thôi. Khổ quá, vì anh viết bài báo mà em ra nông nỗi này…”. Định khóc, Minh Chuyên cũng khóc. Mấy đứa trẻ thức giấc thấy mọi người khóc cũng oà khóc theo. Nhiều người đến thấy thế ai cũng ái ngại.
- Tại nhà Định hôm đó, tôi đã hứa với Định rằng sẽ rạch bụng mình để chứng minh cho chân lý. Khi lên Hà Nội để họp cuộc họp cuối cùng, tôi đã thủ một con dao. Một người bạn tôi sau khi can không được đã khuyên rằng nên rạch ở trên cao, nó chỉ toé máu thôi chứ nếu rạch ở dưới, lòi ruột ra là chết.
- Anh có nghĩ đó là hành động cực đoan?
- Tôi là người lính chiến đấu 10 năm ở chiến trường và đã từng bị thương. Tôi hiểu cái giá của máu xương nhưng đến nước này, tôi phải chấp nhận sự hy sinh. Đó là cách duy nhất để người cầm bút như tôi khi ấy tự bảo vệ mình.
Thế nhưng trái với những dự định tiêu cực của Minh Chuyên, cuộc họp đã diễn ra trong không khí êm dịu và một bản kết luận làm đẹp lòng cả hai phía được thông qua. Thời gian sau, trên một số tờ báo như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Thái Bình… đều đăng nguyên văn bản kết luân do Thượng tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký. Bản kết luận có đoạn:
“Đồng chí Trần Quyết Định là con một gia đình công giáo chấp hành chính sách tốt, có ba con đi bộ đội đã chiến đấu ở biên giới Tây Nam, bị thương và được khen thưởng. Sau khi điều trị, đi tìm đơn vị không thấy bỏ về quê quán sinh sống bình thường. Việc giải quyết chính sách kéo dài 10 năm  (thực tế là ngày 1/2/1987 mới đề nghị) do không đủ thủ tục hợp lệ  (là trường hợp bỏ ngũ, không có giấy quyết định phục viên hoặc xuất ngũ). Tổng cục Chính trị quyết định: Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự Thái Bình vận dụng điều 2 Quyết định 191/ HĐBT tổ chức giám định thương tật và kiểm điểm đồng chí Trần Quyết Định.
Đối với tác phẩm Thủ tục để làm người còn sống của tác giả Minh Chuyên, mặt tích cực phát hiện đưa ra trước công luận 2 vấn đề có tác dụng thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm làm rõ sự việc, rõ sự tình và giải quyết vấn đề. Khuyết điểm: không trung thực về bản chất, có những việc không chính xác do tác giả hư cấu: Không có việc tổ chức lễ truy điệu tại nhà ông Vọng. Không có việc xã cắt tiền tuất, không có việc Trần Quyết Định đến nghĩa trang Thạnh Tây khóc trước nấm mộ ghi tên mình. Lời bình chủ quan, nặng nề”…
Đây là bản kết luận hết sức hợp tình, hợp lý. Nó trả lại quyền lợi chính trị  khi khẳng định Trần Quyết Định không phải là kẻ đào ngũ, run sợ hay sa sút ý chí. Việc tổ chức giám định thương tật cho Trần Quyết Định nhưng đồng thời cũng kiểm điểm Định là hoàn toàn chính xác. Công là công, lỗi là lỗi. Đối với tác giả và tác phẩm, tuy có nói đến những sai phạm của tác phẩm và khiếm khuyết của tác phẩm nhưng bằng việc công nhận quyền lợi của Trần Quyết Định cũng đồng nghĩa với việc công nhận tác phẩm và tác giả.  Nhưng quan trọng hơn hết, kết luận này đã trả lại quyền đang sống của một người lính từ chiến trường trở về với ước mơ đơn giản là được làm một xã viên hợp tác xã.
 Thế là cái việc làm tiêu cực mà Minh Chuyên dự định trong cuộc họp hôm đó đã không xảy ra. Và có lẽ trong những trường hợp tươnmg tự, nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi đơn giản một điều, thành phần tham gia cuộc họp hầu hết đang là người lính hoặc đã từng là người lính. Họ đã dâng hiến máu xương và cả những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời này cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Và hôm nay, dù có những lúc tranh cãi căng thẳng và quyết liệt thì từ sâu thẳm, trái tim họ vẫn đập nhịp đập của nngười lính nhất là khi đối mặt với quyền lợi của một người đồng đội, binh nhất Trần Quyết Định.
Gần 20 năm qua, Trần Quyết Định đã trở lại đời sống của một người bình thường với đầy đủ thủ tục “của một người đang sống”. Anh đã có một gia đình đầm aám, sống hòa thuận với xóm làng và là một giáo dân kính Chúa, yêu nước. Những kỉ niệm buồn về một thời đã qua gần như không còn vương vấn trên gương mặt người cựu chiến binh phúc hậu này. Chủ tịch UBND xã Minh Khai nói với chúng tôi về Định với giọng đầy tự hào.
Chợt ngơ ngẩn nghĩ nếu ngày đó, Trần Quyết Định trong một phút bồng bột dẫn đến quyên sinh thì cái giá của sự quan liêu là quá lớn. Sự quan liêu tưởng như vô tâm nhiều khi lại có một kết quả là tội ác..
   Giờ đây, khi ngồi viết lại chuyện này mới thấy thành tựu của công cuộc Đổi mới là vô cùng to lớn. Đặc biệt là cuộc chuyển mình của báo chí. Từ khi Đổi mới, báo chí không chỉ trực tiếp đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực mà còn gánh vác sứ mệnh bênh vực, bảo vệ người dân lương thiện “thấp cổ, bé họng”. Nếu các tác phẩm như Cái đêm hôm ấy đêm gì là viên đạn bắn vào những biểu hiện tiêu cực của đời sống xã hội ở nông thôn Việt Nam thì Thủ tục để làm người còn sống là tiếng kêu thảm thiết oan khiên của những kiếp người mong manh, lương thiện. Và lại một lần nữa, không thể không nhắc tới sự cảnh báo của văn chương. Cái đêm hôm ấy hôm gì là lời cảnh báo về biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên ở nông thôn thì Thủ tục để làm người còn sống cảnh báo về tư tưởng quan liêu xa dân, rời dân, hống hách nhũng nhiễu  dân. Đây là hai  nguyên nhân sâu xa cơ bản làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng cũng như suy yếu sự lãnh đạo của Đảng như sau này Đảng đã hơn một lần đánh giá. Chợt nhớ nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương nói với tôi tại nhà riêng của ông rằng sau vụ Cái đêm hôm ấy đêm gì, ông đã cảnh báo và nếu ngày ấy lắng nghe thì có thể đã không xảy ra sự kiện Thái Bình sau này. Phải chăng Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên là một trong những hồi chuông đầu tiên dự báo một tệ nạn nghiêm trọng mà gần 10 năm sau, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chống quan liêu, nhũng nhiễu và thực hiện dân chủ cơ sở.
 
BOX:  Nhà văn thời hậu chiến
Sau “vụ” Thủ tục để làm người còn sống, Minh Chuyên dành toàn bộ tâm sức của mình để viết về đề tài hậu chiến và những nỗi đau da cam. Những tác phẩm của anh đã gây chấn động một thời như Nước mắt làng, Chiếc cũi trần gian, Tiếng chuông chùa, Đứa con màu da thú… Đặc biệt là bút ký Người lang thang không cô đơn viết về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc và tấm lòng nhân hậu, cao cả của gia đình ông bà Châu, người đã chăm sóc Thúc khi anh tâm thần, lang thang trên các vỉa hè Hà Nội. Tác phẩm đã được nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, chèo, vũ kịch, truyền hình, phim truyện nhựa… dàn dựng.
Từ năm 1986, Minh Chuyên làm việc tại Ban chuyên đề Đài truyền hình Việt Nam. Anh đã gặt hái được tổng số 30 giải thưởng báo chí, văn chương các loại. Nhiều nhà thơ, nhà văn, phê bình văn học đều có chung nhận định Minh Chuyên là một trong số các nhà văn xuất sắc thời hậu chiến.