Hồ Hoàn Kiếm như một chiếc gương soi giữa lòng Hà Nội. Đã là người Việt Nam thì ai chẳng muốn tới đó để soi mình. Cái hồ trứ danh ấy là kết quả của sự giao nhau giữa Đất và Trời. Một nét của quẻ Khôn (Đất) lần lượt chu du vào quẻ Càn (Trời). Đầu tiên còn nằm dưới tận cùng làm thành quẻ Tốn (Gió), tiếp theo, chui vào đến ruột Càn mà làm ra quẻ Ly (Lửa). Cuối cùng, leo lên tới đỉnh biến ra Đoài (Đầm). Hồ Hoàn Kiếm ứng vào quẻ Đoài theo cái qui trình biến hóa Càn Khôn như thế. Vậy là hoàn tất một công đoạn mà Càn (Trời), dẫu mạnh cũng xin mời nằm dí bên dưới, Khôn (Đất), dẫu yếu cũng nổi hẳn lên trên.
Đó là bàn theo “tượng” quẻ. Còn nói theo “khí” thì có khí Dương (tượng trưng cho quân tử), khí Âm (tượng trưng cho tiểu nhân). Khí Âm giao với khí Dương, mới đầu bị Dương đè nén thành ra quẻ Tốn. Tiếp theo, bị Dương kẹp vào giữa mà sinh ra quẻ Ly. Cuối cùng, Âm thoát lên trên biến thành quẻ Đoài. Đoài là chốn tiểu nhân đắc thế (nổi lên bề mặt), quân tử hãm thân (nằm dưới đáy sâu). Hồ Hoàn Kiếm ứng vào quẻ Đoài, chính là một nơi như thế. Liệu đó có phải là nguyên nhân mà các cung điện, lăng tẩm... của vua chúa ngày xưa không bao giờ xây sát bờ hồ?
Dùng “khí” để bàn hình như quá trừu tượng. Hãy xem cái trực quan sinh động là các Cụ Rùa ở dưới đáy hồ kia. Các Cụ chịu phép Càn Khôn, đã bao đời hãm thân dưới đó mà suy tư với cái triết lý đáy bùn của mình, mặc kệ những chỉ trỏ, bàn tán của đám hậu sinh. Phải chăng các Cụ chính là hiện thân của cái khí quân tử vừa nói ở trên? So với các Cụ, thì những con người mồm ngang mũi dọc đang ngoi ngóp, tranh cạnh nhau trên bờ kia, chẳng qua chỉ là những kẻ tiểu nhân nhỏ bé, sống cái kiếp phù hoa ngắn ngủi mà thôi. Lại còn bảo chậm như Rùa ư? Biết đâu đấy. Ở cái cõi mà mỗi hơi thở dài bằng mấy tuần trăng, mỗi ý nghĩ vượt qua cả mấy trăm năm, thậm chí ngàn năm... thì việc gì phải vội! Còn con người thì nhanh nhẹn, hoạt bát ư? Biết đâu đấy. Ở cái giống mà hơi thở chỉ dài ngang với tiếng tích tắc đồng hồ, ý nghĩ lại không vượt quá nổi một đời... thì lúc nào mà chẳng phải hối hả, ngược xuôi...
Lại dùng “Nhân” để bàn thì Đoài là thuộc về thiếu nữ. Chẳng trách mà hồ Hoàn Kiếm vừa đẹp, vừa cám dỗ không cãi vào đâu được, nghìn năm nay vẫn mãi thanh tân. Không biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách đã nối đời ca ngợi vẻ đẹp của hồ bằng đủ các thứ ngôn từ. Thiếu nữ thì ai mà chẳng muốn ngắm vuốt, nâng niu. Kẻ dữ tợn đến mấy nom thấy cũng phải mềm lòng. Hồ nằm giữa cái nơi đã từng trải qua bao cuộc chiến tranh. Vậy mà ác như chiến tranh cũng không nỡ đụng đến dung nhan “nàng” thiếu nữ ấy. Cái câu “Thăng Long phi chiến địa” vẫn đúng cho đến tận bây giờ, chính là chỉ duy nhất chỗ hồ Hoàn Kiếm đó mà thôi. Rộng ra nữa chắc sẽ không đúng đâu.
Hà nội có nhiều hồ. Đó là một trong những nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn vật. Còn gì thú vị hơn khi đang giữa phố xá đông đúc, chật chội, đột ngột hiện ra một không gian mênh mông, lặng ngắt, với những hàng cây soi bóng, sóng nước lăn tăn... Những cái hồ được sinh ra giữa lòng thành phố như để trả nợ tầm nhìn, trả nợ nỗi khát khao của ánh mắt. Nhưng không phải hồ nào cũng ứng với Đoài như hồ Hoàn Kiếm. Ấy là khi “tượng” và “lý” có lúc đã hợp lại làm một, để cứ việc nhìn vào “tượng”, là có thể diễn thành “lý” và ngược lại. Trên đời, bất cứ vật gì, ngoài cái định nghĩa bề ngoài (tượng), đều có sẵn cái nội dung bên trong (lý) của nó. Tượng có thể bất biến. Nhưng lý bao giờ cũng biến hóa tùy theo thời. Ngày lại ngày, có bao nhiêu người hoặc thả bước, thư giãn xung quanh hồ, hoặc ngồi yên tận hưởng... Song tất cả chỉ là ngắm nghía cái phần “tượng” của hồ đấy mà thôi. Mấy ai nhìn thấy cái “lý” bên trong của nó. Cái “lý” ấy, thì ra cũng sống động như có một số kiếp riêng, cũng dung nạp như thể mặt hồ kia chính là một bộ nhớ vĩ đại, luôn ghi chép vào trong lòng mọi việc trên đời. Đồng thời, cái “lý” ấy (của mặt hồ) đương nhiên cũng biến hóa theo quy luật muôn thuở của những thế sự Càn Khôn, không thể nào khác được.
Kẻ viết những dòng này một buổi tối dạo trên Bờ Hồ. Dưới gốc cây thấp thoáng bóng một cụ già đang ngồi đăm chiêu. Chợt nhìn thấy có dòng liễu rủ, lại cứ tưởng cụ già kia vừa mới thở dài. Bèn tiến tới hỏi han. Cụ già bảo: “Lão đã nửa thế kỉ ngắm hồ rồi, mà lần nào cũng cảm thấy như người vừa mới đến”. Hỏi: “Thế nghĩa là sao? Thưa cụ!” trả lời: “Nghĩa là người dẫu đã quen, mà hồ vẫn cứ lạ”. Lại hỏi: “Xin cụ cho biết lạ như thế nào?” Cụ bảo: “Mỗi lần ngắm lại một lần thấy mới. Thế là lạ”. Lại hỏi tiếp: “Cái hồ này ngày nào mà chẳng thế. Có thấy gì mới mẻ đâu?” Cụ giải thích: “Cái mới do Trời Đất tạo ra chỉ một phần. Phần chính là từ lòng người chứng được, ngộ được mà sinh ra vậy. Cũng như bạn bè, chơi với nhau mà không tìm thấy cái mới ở nhau, thì dẫu gần nhau cả đời cũng không bao giờ gọi là tri kỉ...”
Cụ già bấy giờ ngót tám mươi tuổi. Cụ bảo nhà cụ ở trong một cái ngõ nhỏ phía đông bắc, thông ra bờ hồ. Phía đông bắc thuộc về cung Cấn (thiếu nam). Cho nên mắc duyên nợ với Đoài (là thiếu nữ), khốn khổ vì Đoài là phải rồi. Thiếu nữ lúc nào mà chẳng muốn đứng ở thế thượng phong (quẻ Trạch Sơn Hàm). Đảo ngược lại (thành ra quẻ Tổn) có khi tán gia bại sản chưa biết chừng. Cụ còn bảo cả đời cụ đọc nhiều sách, nhưng chỉ có trang sách này là hay nhất mà thôi. Trang sách ấy chính là mặt hồ. Một cuốn sách chỉ có một trang, lại lúc nào cũng mở. Thế mà người biết đọc đọc không bao giờ hết, kẻ không biết đọc suốt đời chẳng nhìn thấy chữ gì. Thảo nào cụ có cái kiểu ngắm hồ chẳng giống một ai. Lại nghe nói hạng người cả nghĩ thì trước mặt lúc nào cũng như có một trang sách đang mở. Cụ có phải thuộc hạng người cả nghĩ đó chăng? Lắm lúc còn ngờ rằng hay đó là một cụ Rùa vừa mới đội bùn lên?
Những tối sau, quả nhiên vẫn thấy cụ già ra ngồi đúng chỗ đó. Vẫn cái dáng đăm đăm như thể mọi chuyển động, lập loè phồn hoa quanh bờ hồ đối với cụ chỉ là ảo ảnh. Cụ bảo cụ đã nhìn thấy những ông vua cưỡi thuyền rồng rong chơi trên mặt hồ. Lại thấy có ông vua chết đuối dưới cái cống dân gian thường đơm cá. Thấy cả đầu lâu kẻ sĩ chôn dưới chân tháp đang ra rả đọc thơ... Thế còn quẻ Đoài kia? Cụ bảo thiếu nữ nay hình như đã đi tu, chẳng bao lâu nữa sẽ hóa thành kiếp khác. Nghe cụ nói, giật mình trông lại mặt hồ bỗng thấy lạ hẳn đi. Rõ ràng mình đã tới đây nhiều lần mà chợt cảm thấy như lần đầu tiên mới đến. Thì ra, cái mới từ lòng người sinh ra là như thế đây chăng?
Cụ già ấy về sau không ra ngắm hồ nữa. Tưởng cụ tuổi hạc đã về trời. Có người bảo cụ ở nhà viết sách để lại cho con cháu. Hỏi tại sao mãi đến tận bây giờ cụ mới viết? Cụ bảo: “Ở cái chốn tiểu nhân đắc thế như thế này, thì bây giờ mới viết là may mắn lắm, còn hỏi làm gì.” Nghe cụ nói càng thấy thắc mắc, chẳng hiểu may mắn nghĩa là sao. Cụ giải thích: “Con người ta khi nào chứng được sự thật, thông suốt được lẽ đời, phân biệt rõ đúng sai rồi, thì dẫu viết một chữ cũng thành văn. Văn ấy mới tạm ra văn của cái giống người.” Lại hỏi nếu phát tiết sớm thì sao? Cụ bảo: “Nếu phát tiết sớm, biết đâu lại chẳng sinh ra cái thứ văn hoặc chỉ biết rên rỉ vô tích sự, hoặc chỉ biết mờ mịt ngợi ca, hoặc lấy đen làm trắng, lấy họa làm phúc, theo đuôi cái ác, đểu giả không biết đâu mà lường được. Văn như thế thì không chỉ lừa mình, lừa người, mà còn lừa cả tổ tông, quỷ thần... Đến khi sa vào nghiệp rồi thì thậm chí còn phải rúc ráy dưới đít, dưới trôn người ta mới mong cầu được tước lộc, kiếm được miếng ăn... Như thế chẳng phải sẽ xấu hổ, nhục nhã đến muôn đời con cháu sau này hay sao?”