Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VẪN CÒN ĐÓ THẾ HỆ THANH NIÊN “CÒI”

Tô Hoàng
Chủ nhật ngày 4 tháng 7 năm 2010 8:54 PM
 
Mấy hôm nay trên các nẻo đường Sài gòn ( chắc Hà nội cũng thế)dễ nhận ra những đám “ sĩ tử” từ các tỉnh xa, các vùng quê heo hút, hẻo lánh kéo lên dự thi tuyển vào đại học. Nói là rất dễ nhận, bởi rất dễ phân biệt các cháu với đám thí sinh của thành phố.Các cháu vận trên người những bộ quần áo xuềnh xòang( người phố phường thường gọi là “hàng thùng”), cho dù đoan chắc một điều, đó là những bộ đồ đẹp nhất, tinh tươm nhất mà ba má đã giúp các cháu lựa lọc ra để dành cho mấy ngày thi. Con trai áo sơ mi trắng màu cháo lòng, vạt áo không bỏ vào thùng ( tiếng Nam). Dù thời tiết nắng nóng, con gái cô nào cô nấy vẫn khóac ngòai tấm áo dệt có mũ che đầu đính liền phía sau lưng.Con trai hay con gái hệt giống nhau ở chỗ, ánh mắt đều ngơ ngác, dáo dác ngắm nhìn phố phường ken đặc người và xe cộ..Và sợ hãi nữa, bởi chắc đã được ba má dặn dò, nơi thị thành là chốn ô hợp nhất, có dăm ba trăm lặn túi phải canh chừng kẻo người nơi văn hóa, văn minh móc túi, xẻo bao..
 Các cậu tú, cô tú kia 17 hay 18 tuổi đây? Các cháu đang ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” phải không? Sao nom thân hình các cháu gầy guộc, nhỏ thó đến thế ? Mà vì lẽ gì các cháu đăm đăm, chiêu chiêu, khắc khổ, già nua quá vậy? Đại văn hào nước Pháp Victor Huygo, khi miêu tả đám trẻ du thủ du thực ở thủ đô Paris vào thế kỷ 18 đã viết rằng chúng chưa bước qua tuổi niên thiếu đã trở thành các ông lão, bà lão. Các cháu sinh sống, lớn lên ở nước Việt nam đã bước vào thời kỳ Đổi Mới một phần tư thế kỷ, sao nom các cháu vẫn chưa thóat khỏi thế hệ thanh niên “còi” của chú bác, ba má các cháu những năm gian nan, đói khổ -thời kỳ hậu chiến. Hóa ra những chàng, những nàng cao 1,7 mét  hay 1,8 mét, tươi tỉnh, phổng phao diễu qua diễu lại nhiều lần trong các cuộc thi Hoa hậu, Thời trang, Ca nhạc truyền hình chỉ là “đội tuyển”, “ hàng mẫu” để phô phang sự no ấm , phồn thịnh của xứ sở thôi à? Thóc gạo đạt kỷ lục xuất khẩu nhất nhì thế giới không đủ nuôi các cháu hay sao mà để các cháu còm nhom, bé nhỏ thế ? Cá mú, quả trái thừa mứa- nếu không kịp xuất khẩu thối nhũn đành đổ xuống sông xuống biển, không đủ truyền chất bổ cho các cháu hay sao khiến gương mặt các cháu võ vàng, tái xanh tái sám và căn bệnh thiếu đạm, thiếu máu đã nhiễm vào các cháu ngay từ tuổi thanh xuân? Sao báo chí, truyền hình thông báo rằng chiều cao, cân nặng của người Việt mình những năm trở lại đây đã đạt tới những thông số đáng tự hào, đáng vui mừng?   
 Nhìn đám sĩ tử các vùng quê xa lang thang trên các đường phố còn  giật mình trước bao nhiêu điều lo gần, lo xa khác. Nông dân vẫn chiếm tới 80 phần trăm dân số nước ta. Vậy số sĩ tử này cũng sẽ chiếm tới 80 phần trăm những ai tạo nên chất sám của đất nước sao? Không, các cháu sẽ rụng rơi nhiều phần trăm trong cuộc ganh đua với con nhà giàu tại cuộc sát hạch sắp tới. Các cháu sẽ rụng rơi khi ba má không đủ tiền trả học phí, tiền mua sách giáo khoa, tiền thuê nhà, tiền cơm trong 4, 5 năm các cháu theo học nơi thị thành. Các cháu sẽ rụng rơi còn bởi bao nhiêu trường đại học dân lập, đại học bán công nhan nhản mọc lên khắp nơi, truyền thụ kiến thức để các cháu hành nghề thì ít mà bòn nặn đồng tiền hai xương một nắng của ba má các cháu thì nhiều. Các cháu còn rụng rơi bởi biết bao thứ mời gọi, cám dỗ nơi phố phường trong từng ấy năm học để không biến thành những người đẹp sẵn sàng thọc dao vào lưng ông bồ già hoặc những đấng nam nhi cắt đầu người tình bỏ bao trôi sông...Và các cháu sẽ thành bao phần trăm trí thức thực thụ không hám đời sống phồn hoa đô hội để trở về xây dựng làng quê, chòm xóm trong tương lai? Mà còn điều canh cánh này nữa, cứ cho là các cháu vượt qua được từng ấy”cửa ải”, cầm trong tay được tấm bằng tốt nghiệp đại học, nhưng với thân thể nhỏ bé, gày guộc thế, làm sao các cháu sẽ đảm đương nổi những vòng máy quay, những chớp lóe sáng, những triệu con số buộc phải tính trong nháy mắt.., sẽ đủ tự tin,  bình thản để đứng ngang tầm bạn bè năm châu trong các cuộc tranh luận,  thuyết trình giữa thời buổi công nghiệp hóa, văn minh hội nhập?
Chợt nhớ thời ở Nga. Nom các chú công nhân xuất khẩu Việt Nam mồ hôi mồ kê luốt thuốt, hơi thở phì phò xúc được chừng chục sẻng than đổ vào lò, thân hình đã xiêu vẹo, xẹo xọ, những bác thợ Nga tốt bụng bảo đám thợ Việt nghỉ tay, các bác xúc dốn năm phút cũng hết veo đống than to đùng. Nhớ những ngày hè nóng nực đuợc đi nghỉ ở bãi biển Xô Chi. Lúc nắng nỏ nhất thì sinh viên Việt nam ở nhà chơi tú lơ khơ, bi-a. Đợi khi nắng tắt, chiều đã sập xuống mới lần ra biển dầm mình xuống nước. Bạn ngơ ngác không hiểu vì sao thế ? Chỉ ta hiểu ta thôi! Cởi hết, phơi ra hết vào lúc nắng nỏ, đẹp trời ấy à? Cứ như những người ở một hành tinh lạ lạc tới. Bạn của ta sẽ không phân biệt nổi đâu là thanh niên, đâu là con nít; đâu là con trai,  đâu là con gái .. 
Lại nhớ một kỷ niệm nữa. Mười lăm năm trước, mình lên Tân Biên (Tây Ninh) làm bộ phim phóng sự về chị Năm Hồng đi tìm hài cốt đồng chí đồng đội. Chị Năm kể lại rằng, hài cốt của bộ đội vào chiến trường B  những năm 63, 64 khác hẳn hài cốt bộ đội vào chiến trường những năm 73, 74. Khác sao? Chị nói rành rọt: Lính 63-64 là lính tuyển, lính chọn nên dóng xương dài, chắc; hàm răng khỏe. Chiến tranh dài lâu, hết người. Lính động viên những năm 73-74 là lính non, lính vét vòi, gom vội,  dóng xương ngắn, dễ gẫy, dễ mủn; những chiếc răng dễ rơi ra khỏi hàm...
Năm nay báo đăng có xấp xỉ gần một triệu thí sinh thi vào các trường đại học. Không thấy ai lên tiếng đó là thế hệ thí sinh của năm kỷ niệm  Thăng Long 1000 tuổi nhỉ? Bỗng ước ao, ai đó bật ra sáng kiến, ở các bến tầu, bến xe, các cổng trường đại học sẽ có những quầy, những trạm đảm đương công việc phát cho mỗi thí sinh 500 ngàn đồng để các cháu chống nắng, chống nóng thì tốt quá. Tổng cộng tất tật sẽ là bao nhiêu? Gấp bao nhiêu phần trăm khỏan tiền định chi ra cho những hòanh tráng, những lưu danh  của Hà nội-Thăng Long ngàn năm tuổi?
Chả là mấy tối nay, tối nào trong chương trình Dự bào thời tiết VTV1  cũng ra rả cảnh tỉnh những ngày nắng nóng còn kéo dài.. Nắng nóng sẽ gây nhiều khó khăn, cản trở cho các thí sinh trong những ngày thi…Mong các em ăn thế này, uống thế thế kia, giải nhiệt thế nọ…Nhanh mắt, mau miệng như Đài mà !