Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN ĐÀ – NHÀ THƠ ĐI ĐẦU CHỐNG THAM NHŨNG

Bùi Minh Quốc
Chủ nhật ngày 13 tháng 6 năm 2010 5:17 PM
 
       Hơn 80 năm trước, năm 1927, nhà thơ Tản Đà cho đăng trên An Nam tạp chí số 8/1927 một bài thơ như sau :
 
          XEM TIỂU THUYẾT “TỜ CHÚC THƯ” CẢM ĐỀ
 
                   Thật có hay là mắc tiếng oan
                   Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn !
                   Hơi đồng đã sạch mồm quan lớn
                   Mặt sắt còn bia miệng thế gian
                   Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
                   Cho nên quân nó dễ làm quan
                   Đào mà đào được nên đào mãi
                   Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An.
 
          Đất Vĩnh An mà Tản Đà nói ở đây là tỉnh Vĩnh Yên.Cái chữ “đào” mà cụ cứ đay đi đay lại ở câu 7 là vừa để tả cái động tác đục khoét lì lợm, vừa để khéo vạch mặt chỉ tên một gã quan chức họ Đào khét tiếng tham nhũng đương thời : Đào Trọng Vận, tuần phủ Vĩnh Yên.Đầu đuôi thế này : nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Đào Trọng Vận đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng.Bạn có tưởng tượng nổi hai ngàn rưởi đồng vào thời đó lớn nhỏ cỡ nào không ? Hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn “Giấc mộng con” của Tản Đà : “Một trăm đồng bạc của ông khách đưa cho tôi hôm ấy, ngày hôm sau đem trả nợ tiền hành phí đi vay cùng là chi tiêu về hai chỗ nhà thuê ở làng Sa La, tỉnh Hà Đông, tất cả hết đi 50 đồng, còn 50 đồng để tổ chức báo quán” (Nhân tiện ghi chú thêm, ông khách đó chỉ là một người bạn mới quen, do quý trọng tài đức của Tản Đà mà đã hào phóng giúp thi sĩ một cách vô tư).Qua sự Tản Đà chi tiêu một trăm đồng cho một việc lớn là trả nợ và ra báo (chính là tờ An Nam tạp chí) như vậy cũng đủ cho thấy hai ngàn rưởi đồng là số tiền to đến cỡ nào !
          Từ vụ Đào Trọng Vận ăn của đút ghê gớm như thế, Tản Đà đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết tiểu thuyết “Tờ chúc thư” nói về vụ ấy đem xuất bản, rồi lại có thơ như trên.Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta.Mà chống rất quyết liệt , rất sâu sắc.Quyết liệt vì miêu tả hành vi, diện mạo kẻ tham nhũng rất sinh động lại vạch mặt chỉ tên hắn đến nơi đến chốn, người đọc biết ngay hắn là thằng nào, là thằng Đào ấy đấy, mà cũng là cả cái bè lũ chuyên nghề đào khoét của dân.Sâu sắc vì chỉ với hai câu thơ giản dị đầy thương đầy giận Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc : ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng : Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan.Cuốn tiểu thuyết của Ngô Tiếp bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng những vần thơ của Tản Đà sau gần 80 năm đọc lại vẫn thấy nóng bỏng tính thời sự.
          Một đêm kia, một mình một chén, ngồi ngâm đi ngâm lại mấy vần của bậc tiền bối, ngó vào hiện tình xã hội mình đang sống, kẻ hậu sinh này bỗng quên cả tài hèn của mình, liều cầm cây lấy bút mọn, mạo muội có bài hoạ như sau :
                  
                   Kìa biết bao người chịu khổ, oan
                   Làng quê phố chợ đến non ngàn !
                   Mấy tên bự thế muôn trò cướp
                   Một lũ nịnh thần đủ mánh gian
                   Nín miệng chịu hèn ngu ngọng mãi ?
                   Khoanh tay sao quật đổ tham quan ?
                   Chúng đè được bấy đè luôn đấy
                   Dân có ngẩng đầu nước mới an.
 
Đà Lạt 2003