Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÈO BÒNG - MỘT Ý NGHĨA TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Vũ Văn Hùng
Thứ ba ngày 15 tháng 6 năm 2010 6:25 AM

 Báo Công an nhân dân số 1403 ra ngày 30/05/2009, trên đó có đăng bài “Sót thay chút nghĩa bèo bồng” của tác giả Nguyễn Khắc Bảo. Vậy tôi có đôi dòng về bài viết này :
Trong từ điển truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh ở câu 1509 trang 126 viết :
“ Đôi ta chút nghĩa đèo bồng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”
“Đèo” là mang theo, “bồng” là bồng bế. Nghĩa bóng là dan díu, vướng vít. Ta tách riêng “đèo bồng”. Đây là một cụm động từ mang nghĩa cưu mang. Còn “bèo bồng” là một danh từ kép của “bèo” và cỏ “bồng”. Vậy “đèo bồng” và “bèo bồng” khác hẳn nhau về cả ngữ và nghĩa. Nếu xét về mặt tính từ để bổ nghĩa cho cái “tình” giữa Thúc Sinh và Kiều thì “bèo bồng” là cái tình cảm hời hợt bèo bọt.
Đọc kỹ câu thơ trên : “Đôi ta chút nghĩa bèo bồng” ta rất có thể dễ dàng nghĩ : Kiều là một người đàn bà sa đoạ, cũng có địa vị, cũng giàu có mà đang chê chồng ốm yếu, bất tài muốn lấy một người đàn ông giàu có “Gallant” “trăm nghìn đổ một trận cười như không” như Thúc Sinh. Hoặc cũng muốn có một khoảng trời riêng trong mát để lăng nhăng dan díu ...
Câu thơ này thực tế không nói lên được độ chênh lệch về thân phận quá lớn giữa Thúc Sinh và Kiều nó làm giảm hình ảnh của Kiều, nó đánh bằng Kiều với những phụ nữ hư hỏng khác.
Hiểu câu thơ trên theo nghĩa “bèo bồng” thì mới nghe có vẻ sâu sắc nhung ý thơ sẽ nhẹ, thiểu trọng lượng, không nói lên được cái cuộc đời đầy máu và nước mắt của Kiều. Ta phải nên nhớ rằng : Kiều là một thiếu nữ tài sắc tuyệt vời, con nhà khuê các, chưa một lần kết hôn, bị vùi dập ngay từ khi còn trinh trắng.
Kiều là người thông minh sẽ không bao giờ chấp nhận một tình cảm hời hợt như thế trong cuộc đời.
Còn nếu ta hiểu câu thơ trên theo nghĩa cũ như các nhà biên khảo truyện Kiều trước đây và của cả cụ Đào Duy Anh.
“Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”
thì nghĩa sẽ khác hẳn.
Đây là câu nói của Kiều, Kiều là con nhà gia giáo luôn ý thức được thân phận, luôn biết mình là ai, không bao giờ dám so bằng với “quan Lại Bộ tên là Hoạn Thư” ... Nên Kiều đã thốt ra những câu đầy nước mắt :
“Dù khi sóng gió bất bình
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi”
Kiều có một mong muốn chân chính là lấy được tấm chồng dù chỉ làm làm lẽ- nếu hiểu theo nghĩa “đèo bòng” thì tức là tự tận nơi sâu thẳm của lòng mình Kiều rất muốn lấy Thúc Sinh để làm lại cuộc đời ... cho dù biết rằng cái tình cảm ấy sẽ khoác lên cỏ chàng những thị phi tai tiếng, những gánh nặng khó lường.
“Hơn điều dấu ngược dấu xuôi
Lại mang những tiếng tày trời về sau”
“Đèo bòng” - sự nặng nề về tình cảm, thứu tình cảm mạnh mẽ, đầy quyết tâm muốn lấy Kiều của Thúc Sinh (cho dù rất sợ Hoạn Thư) nói lên được cái sứuc mạnh của tình yêu giữa hai người. Sự ghê gớm của sắc đẹp Thuý Kiều mà chính nó đã đẩy được hình bóng của Hoạn Thư ra khỏi Thúc Sinh. Làm cho Thúc Sinh “nhạt tình tao khang” với vợ cả bỏ đi đến hàng năm trời.
“Mà ta suốt một năm ròng
..............................................
Đành lòng sinh mới quyết lòng hồi trang”
Lại nữa : Trong bào bảo tác giả Nguyễn Khắc Bảo viết : “Điều bất cập này xảy ra vì các nhà biên khảo truyện Kiều đã phiên âm theo các bản truyện Kiều Nôm sai lạc ra đời sau thế kỷ XX. Chúng tôi đã tìm đọc các bản truyện Kiều chữ Nôm được khắc in trong đời Tự Đức cuối thế ký XIX thì thấy câu thơ trên phiên âm đúng phải là ...”
Phiên âm  là cách nói có âm tiết, ngữ điệu (intonation) của một từ từ  A sang B. Mà vẫn giữ nguyên đúng nghĩa của nó. Nếu đúng như thế thì tác giả phải viết “... đã in trong đời Tự Đức ... thì thấy câu thơ trên dịch đúng nghĩa phải là ...” mới đúng chứ ?
Tốt nhất là tác giả cứ  nên chụp đoạn “cảo thơm” có câu thơ này từ thời Tự Đức (mà có công chứng) lên mặt báo để cho các độc giả xa gần biết để chiêm ngưỡng thì hay hơn. Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có ba chỗ nhắc đến cái nặng nề về thứ  tình cảm cưu mang muôn thuở này :
 
Câu 1509     “Đôi ta chút nghĩa đèo bồng
    Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”.
Câu 1785    “Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng,
   Nước non để chữ tương phùng kiếp sau”
Câu 2803   “Quá thương chút nghĩa đèo bồng
    “Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao ?”
Làm sao mà có thể bỏ được cái tình cảm ghê gớm của tình yêu lứa đôi cháy bỏng ... của “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề (một ngày không trông thấy mặt nhau thì dài như ba mùa thu) ... mà sau khi đã lấy được nhau rồi thì lại còn muốn chung sống với nhau trong ba kiếp nữa ...” “Nguyện ước ba sinh”.
“Đèo bòng” đôi khi mang ý nghĩa thêm thắt nhưng đầy tính trách nhiệm của Thúc Sinh nói riêng và của đàn ông nói chung. Chính sự tham lam thê thiếp này mà tác giả Nguyễn Khắc Bảo cũng phải công nhận : “Nam nhi ái hậu phụ”
Trên thế giới này, có những nhà nước, những đạo lớn như đạo hồi cho phép lấy đến bốn bà vợ, sự đa thê chưa hẳn đã là xấu, nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và sự nhận thức của từng người.
Nếu không chụp được bản gốc của thời tự đức để cho đọc giả hiểu đúng thì tốt hơn hết là cứ để câu thơ như cũ của các nhà biên khảo truyện Kiều trước đây cho ta hiểu được cái đau của cuộc đời, cái hay của cuộc sống là khi tìm được mảnh kia của mình thì đã hơi muộn, đã lỡ làng ... và cũng để nói lên được cái tình cảm bất biến theo thời gian của Thúc Sinh nói riêng, của đàn ông nói chung là muốn “Đèo bòng” mà nó mãi mãi đã có.
Tự ngàn xưa cho đến ngàn sau.
Vũ Văn Hùng
454 Ngô Gia Tự Hải Phòng
Cell phone : 0936609747
Email :
vuhungmo@gmail.com