Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DẠO CHƠI VƯỜN TRIẾT HỌC NGHĨ ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN CHƯƠNG

Lê Hoài Nam
Thứ hai ngày 14 tháng 6 năm 2010 8:50 PM
       
Cuối thu, đầu đông năm ngoái đến nay, may mắn có mấy tháng nhàn tản, không còn phải lo chuyện cơ quan, dở sách Kinh Dịch, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Tinh hoa đạo học phương Đông, Chủ nghĩa duy vật biện chứng...ra đọc. Thấy cái đường dây xâu chuỗi cùng mệnh đề giữa tác phẩm nọ với tác phẩm kia thì trích dẫn những chỗ tâm đắc hầu bạn đọc. Nếu người viết bài này có phát biểu một vài câu chủ kiến thì cũng chỉ có ý làm sáng rõ hơn ý của tiền nhân mà thôi.
Trong kho tàng triết học cổ đại Trung Hoa có nhiều triết thuyết, nhưng những triết thuyết có tính biện chứng liên quan đến đường đi nước bước của x• hội loài người thì người ta thường chú ý tới triết học Kinh Dịch và triết học Đạo gia.
Kinh dịch nói về học thuyết nổi tiếng Âm - dương ngũ hành. Thoạt kỳ thuỷ, Kinh Dịch chỉ là một sách bói, nhưng thời gian càng trôi xa, người ta càng thấy giá trị lớn lao của nó mà nó nghiễm nhiên thành sách triết. Kinh Dịch, cùng với Kinh Thi và Kinh Thư là ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa. Nhưng nếu nói nguồn gốc bát quái của Kinh dịch thì còn sớm hơn hai bộ trên, vào khoảng cuối đời Ân, 1200 năm trước Công nguyên. Kinh Dịch không do một người viết mà nhiều người góp sức nhúng bút, quá trình này kéo dài hàng ngàn năm, từ Nhà Chu cho đến đầu đời Tây Hán nó mới có nội hàm gần như ngày nay. Từ Tây Hán cho đến nay, trên 2000 năm nữa, người ta tiếp tục hoàn thiện nó, mỗi nhà triết học mang theo hơi thở của thời đại mình thổi vào một vài ý mà nhân loại có bộ Kinh Dịch trác việt như ngày nay.
Triết học Đạo gia chủ yếu được thể hiện ở hai tác phẩm Đạo đức kinh của Lão Tử (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) và Nam Hoa kinh của Trang Tử (vào khoảng năm 369-286 trước Công nguyên).
Ba bộ sách trên, mỗi tác phẩm đều có những quan điểm triết học riêng, nhưng cái hạt nhân cơ bản thì lại gặp nhau thể hiện chỉ trong hai chữ: Hư Vô. Chính vì nó cùng có một hạt nhân cơ bản là Hư Vô nên có khi người ta gọi gộp ba tác phẩm là thuyết Tam Huyền. Hư Vô chính là cái tinh hoa nhất của học thuyết Tam Huyền. Nhờ giá trị bất hủ của nó mà người ta thường coi nó là thuyết chung nhất của triết học phương Đông.
Nguyên lý rường cột, xuyên suốt của triết học Kinh Dịch là sự vận động của hai cực âm - dương theo sơ đồ Bát quái. Âm-dương (theo cách gọi của Trung Hoa là Khí) là động lực cơ bản thống soái hai mặt đối lập của muôn vật, có thuộc tính trái ngược nhau, nhưng lại có thể chuyển hoá lẫn nhau trong vũ trụ, dựa vào nhau mà tồn tại, thúc đẩy nhau mà phát triển. Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm cực sinh dương. Dương cực sinh âm. Sự vận động của âm - dương diễn biến dưới hình thức cái này yếu đi thì cái kia mạnh lên, nó luôn luôn ở trạng thái Cân bằng động, như thế mới duy trì được sự phát triển, biến hoá bình thường của sự vật.
Nhưng Dịch không chỉ Động, chỉ Biến mà còn có sự Tĩnh, sự Bất Biến. Chính cái sự Tĩnh, sự Bất Biến tạo nên thế Quân Bình cho thế động, thế biến. Cái khoảng-không-tĩnh-lặng-bất-biến ấy chính là Hư Vô. Người ta còn gọi hiện tượng này là Hư Vô (đạo) của nhất nguyên lưỡng cực động.
Lão Tử nói: “Cái khoảng không trong trời đất giống như lòng ống bễ của thợ rèn, càng động hơi càng ra mạnh”, cho nên: “Tạo được cho mình một trung tâm động lực thu hút phi thường có thể chứa đựng tất cả thiên hạ vào trong, bất kể thiện - ác, thị phi, vinh nhục”. Lão Tử còn nói: “Đạo thì trống không, rót mãi mà không bao giờ đầy. Tâm có hư (hư vô) mới giầu có vô lượng, cho m•i mà không bao giờ cạn (Đạo xung nhi dụng chi, hoặc bất danh). Lão Tử nói tiếp:  “Bậc thánh nhân không thu giữ, càng vì người càng thêm có; càng cho người mình càng thêm nhiều (Thánh nhân bất tích, ký dĩ vi nhân kỷ dũ hữu; kỷ dĩ dữ nhân kỷ dũ đa).
Trong Kinh Dịch, quẻ Hàm, lời Tượng có câu: “Sơn Tượng hữu trạch; Hàm quân tử dĩ Hư thụ nhân”, tức là Trên núi lại có chầm nước. Trên núi có chầm nước là nhờ có cái Lòng-trống-không (Hư Vô) mới chứa được nước Người quân tử xem Tượng ấy mà ngộ ra rằng, lòng có hư không, nghĩa là không chứa chấp thành kiến (như thuyết Nhị nguyên phân chia thị phi, thiện ác, vinh nhục...) thì mới thu phục được thiên hạ.
Lão Tử nói: “Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hoà”. Nghĩa là vạn vật trong trời đất không vật nào là không cõng âm và bồng dương. Nhờ cái khí của Hư Vô mà âm - dương hoà nhau. Bởi vậy Hư Vô cũng còn được gọi là Thái Hoà.
Đ• là Thái Hoà thì không được thiên vị quá bên âm hay bên dương (thiện hay ác, thực hay hư, phúc hay hoạ, thuỷ hay hoả, kim hay mộc...). Nhưng nếu âm thịnh dương suy hoặc dương thịnh âm suy thì cái Hư Vô (Thái Hoà) phải có phận sự điều chỉnh để lập lại thế quân bình, nghĩa là phải làm cái việc của Thiên Đạo (Tiên chi đạo: tổn hữu dư, bổ bất túc)
Có được cái nhìn đó, Trang Tử gọi là người có Vương Đức. Vương Đức là Đức của Chân nhân. Có Đức của Chân nhân thì sẽ “nghe rõ được trong chốn vô thinh, thấy rõ được trong chốn mờ mờ. Trong chốn mờ mờ của vô sắc,  thấy rõ cái ánh sáng của Đạo; trong chốn im lìm của vô thinh, thấy rõ cái nhạc điệu Thái Hoà của tất cả mọi cuộc xung đột và mâu thuẫn trên đời”.
Bởi thế, Hư Vô là tĩnh, nhưng lại nắm bắt tất cả mọi mâu thuẫn, trong cái động của Thái Hoà chứ không phải trong tranh chấp và thủ tiêu lẫn nhau. Phải hiểu được cái Hư Vô thì mới hiểu được vì sao sinh nằm trong tử, tử nằm trong sinh; cái chân nằm trong cái giả, cái giả nằm trong cái chân; cái hư nằm trong cái thực, cái thực nằm trong cái hư; phúc nằm trong hoạ, hoạ nằm trong phúc; cái loạn nằm trong cái trị, cái trị nằm trong cái loạn...
Trong Kinh Dịch, thay vì dùng hai chữ Hư Vô, Dịch gọi là Trung Chính. Vậy cho nên có khi người ta định nghĩa Dịch là gì? Trả lời: Dịch là Trung Chính. Nhờ Trung Chính (Hư Vô) mà những gì bất trung trở về chỗ của Trung, bất chính trở về chỗ của Chính. Trung Chính mà đứng vững thì vạn biến mới được hanh thông.
Trong Kinh Dịch, nơi văn ngôn thích nghĩa hào từ Lục Ngũ, quẻ Khôn viết: “Quân tử Hoàng Trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi...”. Nghĩa là nếu thông suốt được cái lý của Hoàng Trung (Hư Vô) thì đứng ngay chỗ ấy mà nhìn một cách thản nhiên vạn vật lưu hành.
Trang Tử nói: “Đắc kỳ hoàn trung dĩ ứng vô cùng”, nghĩa là phải đứng ở chính giữa cái vòng tròn để giữ mức quân bình của Đạo.
Trong sách Luận Ngữ, chương Nhan Uyên, Khổng Tử có kể một câu chuyện:
Thủa xưa, vua Nghiêu gả con cho ông Thuấn; khi truyền ngôi, vua Nghiêu nói: “Hỡi người Thuấn! Số trời đã định cho người thay ta làm vua, nay đ• đến lúc. Vậy ngươi nên thành thật nắm lấy đạo Trung Chính: đừng chênh bên này, lệch bên kia. Nếu để dân trong bốn bể phải lầm than thì trời sẽ dứt lộc của ngươi”. Đến khi vua Thuấn nhường ngôi cho ông Vũ, ngài cũng đem lời đó mà phó thác.
Vậy thì Trung Chính (Hư Vô) là chỗ gặp gỡ, điều hoà của âm - dương, của những mặt đối lập, để nó thúc đẩy và phát triển tự nhiên, hài hoà.
Lão Tử nói: “Hoạ hề phúc chi sơ ỷ, phúc hề hoạ chi sở phục”. Nghĩa là việc trong thiên hạ, mầm hoạ đâu phải sinh ra trong lúc loạn ly mà thường sinh ra trong lúc thái bình thịnh trị. Bởi vậy cho nên, triết học Hư Vô cho rằng, người quân tử lúc yên ổn không quên lúc nguy, lúc còn phải nghĩ tới lúc mất; lúc trị phải lường tới lúc loạn. Biết lúc cần phải tiến thì tiến, cần phải thoái thì thoái. Biết lúc cần phải giữ thì giữ, lúc cần phải bỏ thì bỏ. Nhưng không bao giờ để mất Trung Chính. Nhờ vậy mà thân mới được yên. Non sông gấm vóc mới tiến triển hài hoà, thịnh vượng.
Triết học Hư Vô chi phối văn học nghệ thuật rất sâu. Dùng hư không trong nghệ thuật thượng thừa  của phương Đông là phép dùng nghệ thuật biểu diễn cái không lời, nghĩa là nói mà như không nói. Ngày xưa, Như Lai sau bốn mươi năm thuyết pháp đ• long trọng tuyên bố: “Chưa từng nói một lời nào”. Đó chính là phép “Thinh vô thinh” của Trang Tử, “Ngôn vô ngôn” của Lão Tử.
Văn học phương Đông thấm nhuần triết học Hư Vô đến độ quan niệm cái phần nói lên không phải là phần chính yếu; phần chính yếu nằm ở cái chỗ không nói lên lời. Những trang văn còn bỏ ngỏ, những bức tranh thuỷ mạc chỉ vài nét chấm phá mờ ảo, những bản nhạc không lời...mang giá trị nghệ thuật hơn những trang văn nói hết mọi nhẽ, hơn những bức tranh có màu sắc rành mạch, đầy đặn, hơn những ca khúc có lời. Chưa biết cách giữ im lặng trong những chỗ cần phải im lặng thì chưa thể gọi là người viết văn, làm nghệ thuật đích thực; ý tại ngôn ngoại là thế.
Sách Kinh Dịch viết: : “Dịch chi đạo dĩ bất chung vi chung. Lục thập tứ quái, bất chung vi ký tế nhi chung vị tế. Ký tế dĩ tận. Vi tế vô cùng”. Nghĩa là đạo của Dịch lấy chỗ không có chung kết làm chỗ chung kết. Sáu mươi tư quẻ không chấm dứt nơi quẻ ký tế (đã xong) mà chấm dứt nơi quẻ vị tế (chưa xong).
Thuyết Hư Vô xuất hiện ở châu Âu muộn hơn và không thể nói là nó không ảnh hưởng hư vô phương Đông. Trong cuốn “Tiếng nói hư vô của huyền học Tây phương” có câu: “Hãy để lòng mình to rộng như biển cả thu hút cả sông rạch vào trong. Sự yên lặng trầm hùng của biển cả luôn luôn bất biến. Nó cảm thấy không lưng vơi...”
Maryse Choisy nói: “Toàn thể vũ trụ chỉ là một b•i chiến trường, trong đó trồi lên một bản tình ca bất tận”. Bãi chiến trường là ám chỉ sự mâu thuẫn của âm - dương. Bản tình ca bất tận là nói về sự Thái Hoà (Hư Vô). Hai vế mâu thuẫn mà chuyển hoá mà thống nhất này khiến người ta không thể không liên tưởng đến Kinh Dịch.
Các nhà văn, nhà thơ phương Đông tiếp nhận Hư Vô một cách tự nhiên. Thơ Đường, thơ Lý Bạch, thơ Đỗ Phủ, truyện Liêu Trai chí dị, truyện ngắn Lỗ Tấn (ở Trung Hoa), thơ Tago (Ân độ), thơ Lý-Trần, Thơ Thiền, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm (ở Việt Nam) là những thí dụ. Hãy thử phân tích hai câu thơ của Nguyễn Du: “Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh luỵ phần dư” sẽ thấy giá trị cái phần vô ngôn (hư vô) của nó. Bởi vậy hai câu thơ này mỗi người dịch một khác mà vẫn không sai.
  Văn học phương Tây, các nhà văn, nhà thơ tiếp nhận Hư Vô một cách có chủ đích, duy lý. Frăng Kapka (Tiệp Khắc), Jăng Pôn Sác, Anbe Camuy (Pháp)...là những điển hình. Đọc “Lâu đài” của Kápka, “Buồn nôn” của Jăng Pôn Sác, “Ruồi” của Camuy...thấy rất rõ nhân lõi sự Hư Vô này.
 Tinh hoa của triết học Các Mác là phần Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhân lõi của duy vật biện chứng tập trung vào ba quy luật cơ bản:
- Quy luật chuyển hoá từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại.
- Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.
- Quy luật phủ định của phủ định.
Chỉ cần đọc tiêu đề của ba quy luật này đ• đủ thấy, triết học biện chứng của Các Mác phản ánh bản chất của mọi sự vật, hiện tượng luôn ở thế Động. Đặc biệt là quy luật thứ hai, với nội dung cơ bản là “ Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập, tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân nó; sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi và cái mới ra đời thay thế”.
Mặc dù ngôn từ của Các Mác có khác nhưng nội dung thì rất đồng dạng với Kinh Dịch, Lão, Trang. Nghĩa là Các Mác và Tam Huyền triết học phương Đông đều cống hiến cho nhân loại một phát kiến vĩ đại, là nhân lõi của sự tồn vong sinh tử loài người. Trong quá trình vận động và phát triển xã hội, Các Mác không hề triệt tiêu mặt đối lập như nhiều người nhầm tưởng.
Các Mác chỉ sai lầm ở chỗ (là Thánh cũng còn sai lầm, ngọc còn có vết, huống hồ Các Mác cũng là con người bằng xương bằng thịt), ông dẫn dắt nhân loại Thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập suốt 5 hình thái xã hội, nhưng cuối cùng thì ông lại nhốt toàn bộ loài người vào một cái toà lâu đài kỳ cục do ông tưởng tượng ra: Thế giới đại đồng! Cái thế giới không còn đấu tranh giữa các mặt đối lập nữa. Một thế giới hoàn toàn để hưởng thụ, nhưng rất nghèo nàn về tinh thần, không tôn giáo, tín ngưỡng. Mà không còn vận động nữa nghĩa là sự sống ngưng trệ, là nảy sinh mầm hoạ, rồi thoái hoá, rồi diệt vong!
Và, nhất là Các Mác quên không hướng dẫn cho những nguyên thủ quốc gia đi theo chủ thuyết của ông phải luôn đứng ở cái tâm điểm Hư Vô  để biết chấp nhận các mặt đối lập thì mới giữ được Quân Bình, điều hành đất nước phát triển hài hoà đúng quy luật, đi đến thành công.
    Viết tại Nghĩa Hưng, tháng 4 năm 2009.
    Sửa tại Hà Nôi, tháng 5 năm 2010.