Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI BUỒN LÂU QUA

Tô Hoàng
Thứ bẩy ngày 12 tháng 6 năm 2010 8:53 PM
        
Tôi xin gửi chùm tản văn này để bàn thêm với bài viết” Cần xóa bỏ những kiểu suy tôn không khiêm tốn”của anh Đình Quân. ( trannhuong.com ngày 12/6/2010). Hầu như tất cả những đồng đội Hà Nội của tôi đã bỏ mình trên các chiến trường (mà tôi nhớ đến họ khi viết những đọan tản văn này) đều là những dảng viên cộng sản.Anh em ngã xuống với cái  bụng võng vãnh nước suối và rau rừng; với đôi mắt quầng thâm, cái đầu trụi tóc sau những cơn sốt rét dai dẳng; với đôi mắt mở trừng trừng đau nỗi đau không bao giờ còn duợc gặp lại người mẹ, người yêu…Nhưng chắc chắn anh em được an ủi vì họ không hề đớn hèn lẩn tránh nơi hòn tên mũi đạn; họ đã không chạy sang hàng ngũ địch để hưởng một đời sống no đủ, yên hàn. Và chắc chắn anh em còn vui lòng hơn thế, vì họ đã được đóng góp một phần xương máu để non nước về một mối, đất nước có tên trên bản đồ hôm nay- điều mà các nhà chí sỹ, ái quốc xa xưa chỉ dám mơ tưởng tới.
Hàng vạn đồng đội của họ- những đảng viên cộng sản- được sống sót sau đạn bom, nay thành những cựu chiến binh tóc đã bạc, chân đã run, vẫn sống giản dị, trong sạch,  vẫn khuyên nhủ con cháu sống theo lối sống ấy. Anh em còn giữ nguyên cả lòng yêu ghét phân minh và nhiệt huyết của những người lính năm nào. Cũng như anh Đình Quân, họ ngượng ngùng, xấu hổ vì mọi thói huênh hoang, khoa trương, những trò khua chiêng gõ trống để khỏa lấp những vấn đề gay gắt liên quan đến  sự tồn vong của đất nước này. Họ hiểu rằng càng lãng quên đi sự cơ cực bần hàn của những vùng quê, những bản làng biên giới; càng nhắm mắt làm ngơ trước những thủ đọan bóc lột kiểu mới , bần cùng hóa kiểu mới đối với bà con cô bác nông dân ở nông thôn và người nghèo ở thành thị- những thành quả độc lập, tự do phải đổi bằng xương máu mới dành được sẽ mất trắng có ngày.
Mong anh Đình Quân hiểu cho điều này: Anh em chúng tôi không cùng hàng ngũ với bọn quan lại hống hách, áp chế nhân dân, lẻo mồm che đậy mọi thủ đọan vơ vét, bòn mót tiền bạc, của cải của đất nước này để gửi qua các nhà băng nước ngòai…  
 
 
KHÚC HÁT
 
Nghe những giai điệu nồng nàn, da diết trong bài “Hà Nội và Tôi” của nhạc sỹ Lê Vinh  người cựu binh già là tôi tự dưng cứ nghĩ ngợi lan man đủ điểu. Thuở ấy chúng tôi rời Hà nội cùng một ngày để rồi phiêu dạt thằng về đồng bằng Cực nam Trung bộ, đứa lên Trường sơn, thằng xuống tận mũi Năm căn, Cà mâu. Những lúc cồn cào thương nhớ Hà nội chắc hẳn mỗi đứa trong chúng tôi cũng muốn hát những câu ca của các bạn trẻ bây giờ: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió , tiếng sông Hồng thở than…”Nhớ lại ngày ra đi thằng mười tám, đứa đôi mươi, cũng vừa rời ghế nhà trường phổ thông cả. Thế thì anh em chúng tôi cũng có quyền được nghêu ngao:” Tuổi thơ đã đi qua không trở lại, cháy hết mình cánh phương nhẹ nhàng rơi..”
Có điều kể từ ngày đó nhiều thằng bạn tôi không bao giờ trở về Hà Nội một lần nữa. Thành thử nếu được hát bài ca Hà Nội của nhạc sỹ Lê Vinh, thể nào những đứa bạn bất hạnh đó cũng xin phép nhạc sỹ đổi lời đọan cuối như thế này: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”. Và đáng lý hát tiếp: “Trong giấc mơ..” Nhất định chúng sẽ hát: “Dưới đất sâu, tôi vẫn thầm mơ…”
 
CHIẾC VỎ HỘP SỮA GUIGOZ
 
Có thể cũng là dấu hiệu của sự dồi dào, sung túc của đời sống ít năm trở lại đây chăng, khi bước vào nhà nào bây giờ cũng nhìn thấy một đống vỏ hộp, vỏ chai xếp lủng củng ở một xó bếp. Hộp bánh, hộp mứt, hộp sữa, hộp ca cao..tòan hộp sắt, trình bày trang nhã, màu sắc nhuần nhụy, hình vẽ cỏ cây, chim muông, hoa lá không chê vào đâu được. Thành thử vứt đi thì tiếc, mà giữ lại chỉ tổ chật nhà.
Nhớ thằng bạn cùng đơn vị xưa kia kể lại, bà mẹ của cậu ta, cứ nắc nỏm ao ước tìm đâu ra một chiếc hộp sắt để đựng kim chỉ khâu hay đựng thuốc cảm cúm, nhức đầu... Tìm đâu ra vài chiếc bình, chiếc chai thật đẹp để tích lạc, đựng vừng phòng ngày mưa gió, lụt lội. Vừa khô ráo, vừa tiện lợi, bày biện chỗ nào cũng sáng cả một góc nhà. Bà mẹ tơ tưởng vậy thôi, chứ đang thời bom rơi đạn nổ, mọi người chỉ sống nhờ vào mấy chiếc tem đậu phụ, tem thịt, vào những viên gạch xếp hàng giữ chỗ thay người trước một xe bán  rau,  một cửa hàng bán nước mắm..bới đâu ra chiếc hộp, chiếc chai bà ưng ý?
Ấy vậy mà hôm tiễn thằng bạn tôi vào chiến trường, không hiểu bằng cách nào, bà mẹ đã tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigôz đặt vào một bên túi cóc của cậu con trai. Nhờ cái vỏ hộp sữa ấy-chống được ẩm mốc, mưa nắng, cái ba lô lính của thằng bạn tôi thực sự trở thành một cái chạn di động. Không gặp thì chớ, hễ gặp nhau y như rằng nó sẵn sàng khỏan đãi tôi đủ thứ “ cao lương mỹ vị”: thịt nai sấy khô, mắm ruốc cá, thịt cheo sào gừng, sả…Tất cả chứa trong chiếc hợp sữa Guigoz đó !
Bạn tôi hy sinh ở Bàu Bàng cuối năm 1969. Nhận được giấy báo tử người con trai đâu đó chín tháng hay một năm, bà mẹ ngã bệnh qua đời. Mãi hơn hai mươi năm sau những đội viên Hội Chữ thập đỏ phường Mã mây mới tìm ra nơi chôn cất thằng bạn tôi. Họ kể lại di vật của người hy sinh đã ẩm mục, rã rữa hết, chỉ còn tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz. Hôm đưa hài cốt bạn tôi về với bà mẹ cậu, người ta đã đặt chiếc vỏ hộp sữa bên cạnh bó hài cốt bạn tôi trước bàn thờ bà mẹ. Đủ lệ bộ ngay ngắn, họ mới thắp hương báo với bà, con trai bà đã về…

LỜI THỀ CỦA LÍNH
 
Kontum lắm dốc, nhiều đèo, ăn đói vác nặng đã thành chuyện cơm bữa đối với cánh lính pháo chúng tôi. Nhưng quả là chưa bao giờ xẩy ra nỗi cơ cực nhớ đời như lần vượt qua đỉnh Chưmomray mùa mưa năm ấy. Dốc cao trơn nhẫy đã đành, những quả đạn pháo cứ để nguyên đai nguyên kiện trong hòm gỗ dài thuột nằm trên lưng, hệt như cây thập tự giá. Gai góc, dây nhợ ngoắc đằng trước, níu đằng sau. Đã ở trần, vận độc cái quần xà lỏn, mặc gai rạch, nhưng nào có cất bước được mau hơn. Mỗi lần vấp ngã , cái hòm đạn nặng trên năm, sáu chục ký ép chặt lưng xuống bùn đất, phải ơi ới gọi ai khác vực dậy mới đứng lên được.
Quá trưa, những hình hài lấm láp, phờ phạc kia mới lên tới đỉnh dốc. Vừa đặt hòm đạn xuống, Hào cậu pháo thủ số 3 trẻ nhất khẩu đội bỗng òa lên khóc tức tưởi. Khẩu đội trưởng Khánh- một chàng trai Hà nội tính khí nóng nẩy nhưng hết sức thông minh, luôn nhận cái khó cái khổ về mình , bỗng nhẩy sấn tới siết lấy cổ Hào thét đến lạc giọng:
-Đồ hèn, đồ rệp ! Hãy lau ngay những giọt nước mắt quần thâm của mày đi ! Nhìn anh  mày đây, một công tử Hà nội chính tông mà có rên la, sướt mướt như mày đâu?
- Anh sỉ vả , mắng mỏ em, em xin lỗi anh. Nhưng em nói thật, em hết chịu nổi rồi!- Hào nói trong tiếng thút thít- Nếu trời còn để sống, đến ngày hòa bình thống nhất, được về quê, em chỉ có mỗi nguyện vọng thôi: Em sẽ đi bộ 10 cây số trên đường bằng cho nó sướng !
 Vừa nghe đến đâý, khẩu đội trưởng Khánh bỗng ra khẩu lệnh bắt khẩu đội xếp một hàng dọc. Và quay mặt về hướng Bắc. Chưa hiểu ý định khẩu đội trưởng ra sao, bỗng đã nghe anh gào lên phẫn khích: “Đến ngày hòa bình thống nhất, không thèm gì hết, chỉ xin được đi bộ 10 cây số thôi . Xin thề ! Xin thề !”
 Chúng tôi nhẩy cẫng lên sung sướng như hóa rồ, vung tay cao khua khoắng trên đầu hưởng ứng:
-Xin thề ! Xin thề ! Xin thề !
 Bẩy đứa có mặt trong lần tuyên thệ ấy bây giờ còn sống ba . Một cậu chết trong cánh rừng ven sông Poco . Một cậu nữa chết vì cây đổ khi đi phát nương. Hào trúng đạn của thám báo Mỹ  trong  lần  vượt đèo Phượng hòang tìm đường xuống đồng bằng lấy gạo. Khẩu đội trưởng Khánh “ vấp “ mìn trước hôm Hiệp nghị Paris ký kết  đúng một ngày.
  Yên hàn, thanh bình rồi, tàu xe thuận tiện, nhưng cũng phải hai, ba năm những đứa sống sót mới tụ họp nhau một lần. Chúng tôi kéo về Hà nội, lần tới ngõ Khâm thiên, thắp hương trên bàn thờ của khẩu đội trưởng Khánh. Và cứ mỗi lần như thế , nhắc lại lời thề trên đỉnh Chưmomray năm nào, chúng tôi sượng sùng không dám nhìn mặt nhau. Hóa ra, càng sống, càng về già, càng nhiều ham muốn, thèm thuồng. Chỉ có những thằng bạn chết trẻ của chúng tôi là mãi mãi giữ trọn lời thề năm xưa…
TRÊN CAO XANH 
  Máy bay cất cánh được một lát, trời đột ngột tạnh mưa. Nắng chiều thêm một lần bừng sáng. Phía dưới cánh máy bay những bậng mây như khói thuốc ùn ùn kéo lên từ các hẽm núi. “Không phải mây đâu, khí núi đấy!” . Ông bạn đồng hành luống tuổi, quê Hà nội vào lập nghiệp ở Sài gòn, như đóan được ý nghĩ của tôi bỗng cất tiếng: “ Cậu đã bao giờ ở rừng chưa ?Vào đận trời đang mưa bỗng chuyển nắng như thế này cơn sốt rét kinh niên dễ quật lại lắm. Ngòai bãi đạn, những trái cối thường bị kích nổ vô nguyên  cớ. Những thân cây hai, ba người vòng tay ôm không xuể bỗng đổ kềnh như cái chết bất thần đến với các gã khổng lồ. Và những con suối lũ dữ dằn, thâm hiểm ào về bất chợt khiến người ta không kịp trở tay..”. Thì ra ông bạn đồng hành ngồi bên có cả chục năm sống trên tuyến đường mòn nổi tiếng . Như chìm lút vào mạch cảm xúc, ông kể cho tôi nghe những năm sau chiến tranh, ông đã từng cưỡi máy bay Concorde, ngồi xe Mercedes, đã ở khách sạn bốn, năm sao tại Paris, NewYork…Ấy thế mà trong những giấc mơ lúc đêm chuyển về sáng ông vẫn nhìn thấy rõ mồn một từng hẻm núi, từng vạt rừng săng lẻ, từng khu bải đổ hàng…Vào một đêm ở Roma-ông bạn đồng hành khẳng định với tôi như vậy-ông đã gặp lại người bạn gái cùng phố Hàng Cót năm nào. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua rồi, cô ấy chẳng thay đổi gì. Vẫn cặp mắt hay cười thay cho cái miệng , vẫn mớ tóc dày bện thành hai lọn buông thả bên bờ vai, vẫn chiếc áo quân phục bạc màu có một miếng vá bên vai phải…hệt như vào buổi chiều cô theo chị em cắm cọc tiêu  dẫn đường cho xe qua ngầm Bạc. Ông nói, sau lần đến Roma ấy ông cảm thấy sức lực trong người như bay biến đi đâu hết, ông trở nên bấy bớt, run rẩy. . Cuối năm, ông nộp đơn xin nghỉ hưu. “Tôi nói điều này, cậu đừng cười tôi lẩn thẩn. Nếu năm đó cô bạn gái của tôi không bị nước lũ trên sông Bạc cuốn trôi, chắc chắn bây giờ cố ấy cũng được làm bà nội, bà ngọai rồi. Tôi cứ khỏe mạnh , cứ ham hố công việc mãi , không phải là trái ý cô ấy sao ?”
 
CHUYỆN LÀNG LÁNG 1
 
Lâu rồi, dễ đến hai năm có lẻ, từ phương Nam tôi mới có dịp ra Hà nội, ra với làng Láng –nơi cha tôi dạy học suốt mấy chục năm, anh em chúng tôi qua hết tuổi niên thiếu và thời lớn khôn khiến không một ai trong làng còn coi chúng tôi là dân ngụ cư.
Láng bây giờ đâu còn là ngọai ô xanh mướt tre pheo của Hà nội. Cả cái tiếng “Làng” cũng trở nên xa xôi, lạ lẫm tựa như từ cổ tích, ca dao vọng về . Những dẫy nhà hai tầng, bốn năm tầng mọc lên san sát trên những mảnh vườn xưa kia trồng rau mùi, thìa là , kinh giới, tía tô..”Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần”. Mỗi mét vuông đất ở Láng vào thời điểm này nghe nói giá tới bẩy, tám chỉ vàng (1). Nếu đất nằm sát con đường nhựa , quay mặt hướng ra sông Tô Lịch, giá lên tới cả cây vàng ba số chín.
 Ngay buổi chiều tôi mới về tới ngôi nhà cũ của cha mẹ, đám bạn bè đồng niên, đồng lứa ở ngòai phố, trong làng đã kéo tới chật nhà. Vài vòng trà thuốc, vài lời thăm hỏi, cuối cùng câu chuyện xoay quanh chính về sự biến cải của làng Láng. Vâng, từ xa xưa Láng đã nổi tiếng là đất trồng rau gia vị. Chuyện kể rằng, dân các làng bên kia sông Tô Lịch dù có bứng trộm cây húng Láng về trồng trên mảnh đất của họ, chăm bẵm, tưới tắm cách mấy, cây húng chôm chỉa kia vẫn bốc mùi bạc hà  ..
-Các ông tiếc cũng đúng mà cũng sai- đám bạn sinh trưởng tại làng Láng phản bác lại- thử hỏi, nếu chúng tôi cứ trồng ngọn thơm, trái cà, hỏi đến mùng quýt chúng tôi mới gom nổi bẩy, tám chỉ vàng một mét vuông đất vườn sao? Hãy để chúng tôi mở mặt mở mày chút đã ! Khấm khá, sung túc không chừng có lúc chúng tôi lại chả nậy gạch sân lên trồng húng, trồng cà  chứ chẳng chơi !
 Giữa sự ồn ào lời qua tiếng lại của đám bạn bè như vậy, mẹ tôi ngồi lặng thinh không ủng hộ cũng không phản đối bên nào. Nhưng khi mọi người la đói bụng, như có phép màu, bà bê từ bếp lên cả một mâm đầy tú hụ đồ nhắm, thức uống chả hiểu mẹ tôi đã chuẩn bị từ bao giờ. Hai lít rượu làng Vân trong vắt, lòng lợn, tiết canh và những vốc rau thơm làng Láng chính hiệu mẹ tôi mua từ những mảnh vườn hiếm hoi còn sót lại trong làng.
 Buổi tối cuối đông rét ngọt. Bữa nhậu cực vui, cực ấm áp, cực ngon miệng. Duy có điều không một ai thuộc phe ta hay phe mình cất tiếng hỏi thử rau thơm họ đang ăn có phải là thứ húng của làng Láng không ?
 Đám bạn ra về đã lâu mẹ tôi mới dọn dẹp xong “ bãi chiến trường”. Đợi đến lúc chương trình tivi trong ngày chấm dứt, bà thủng thẳng, nhỏ nhẹ nói với tôi:
-Thôi thì không có ngọn thơm, ngọn húng xưa kia trong bữa ăn cũng chẳng chết ai. Mẹ chỉ buồn lo mỗi một điều, nhà cao lớp lớp, tầng tầng , đường xá sẻ ngang, xây dọc như thế này, đến ngày giỗ, ngày tết, thằng em con và lũ bạn làng Láng của nó làm sao lần ra đường mà tìm về nhà ...
 Trong mấy năm chiến tranh, chỉ tính riêng lối xóm nhà tôi đã có tới ngót chục chàng trai, cô gái ngã xuống trên các chiến trường cùng với thằng em tôi.
 
     CHUYỆN LÀNG LÁNG 2
 
 Về tới làng Láng  buổi trưa, buổi chiều đã nghe mẹ tôi dặn: “ Anh đi đâu chơi, nhớ sáng ngày kia ở nhà tới dự đám cải táng bà Hin.. Từ dạo gia đình anh vào Sài gòn, gặp tôi ở đâu bà ấy cũng hỏi thăm vợ chồng, con cái anh”. Súyt nữa tôi buột miệng hỏi bà Hin ấy là ai ?
 Vào đầu thời kỳ máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, làng Láng hãy còn chưa có điện và không hiểu sao được coi như vùng an tòan ven đô. Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như lụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên viên,Cầu Giát…Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả . Các cô các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy!
Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ lỏang xỏang, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà :
-Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi ! Lão chồng tôi tàn ác , thâm độc như đế quốc thực dân.  Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi?
 Đàn em tôi cười ré lên khiến tôi bật cười theo. Tôi bỗng nhớ ông Hin, gương mặt lúc nào cũng sậm đỏ, ngồi đan lờ đó với bát rượu không bao giờ vơi nhắm cùng chuối xanh, ổi cóc. Tôi cũng nhớ bà Hin tần tảo với gánh rau nuôi đàn con trứng gà, trứng vịt.
 Ngay sáng hôm sau, bà Hin đã tìm tới nhà tôi. Sau vài lời thăm hỏi, bà tỏ vẻ bẽn lẽn, ngập ngừng mãi mới cất tiếng:
-Từ khi mấy đứa em chú lắp cái đài galen(2), chị nghe đài quen cũng thủng ra đôi chuyện. Chú đừng cười chị nhé, thế đài cứ nói bè lũ Giônxơn- Macnamara thì đấy là hai thằng hay một thằng?
 Tôi vừa tức cười vừa cố nén để giải thích cho bà Hin điều bà muốn biết và những gì bà hỏi thêm.
 Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm:
-Ới bà con xã viên ơi! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi . Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà !
 Từ đêm đó tới nay đã bao năm tháng trôi qua. Cả cái dáng tần tảo lẫn cung cách tự vươn lên của một người đàn bà vùng rau bây giờ cũng chỉ còn là những gì thấp thóang hiện ra dưới đáy chiếc tiểu sành. Tôi ngậm ngùi với ý nghĩ tất cả đang bị cuốn dần dần sang phía bên kia màn sương mù của thời gian...
 Lúc sắp rời nghĩa trang anh con trưởng ông bà Hin nói với tôi:
-Mấy năm trước, đưa thầy em lên đây chỉ cần ông chủ nhiệm hợp tác ký cái rọet là xong. Bây giờ thì cái gì cũng tiền, anh ạ. Năm chỉ vàng một chỗ nằm cho u em đấy(1) ! Muốn ở bên cạnh thày em thêm hai chỉ nữa. Vợ chồng em cố vay mượn để vong hồn u em được mãn nguyện. Tội nghiệp, mấy tháng u em đổ bệnh, thiếp đi thì thôi, tỉnh lại là nước mắt vắn dài van vỉ vợ chồng em gắng gỏi lo sao để u em được vĩnh viễn  ở bên cạnh thày em…
---------------
(1) thời giá năm 1993-1994
(2) radio tự làm lấy .