Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ ANĐRÂY VÔDƠNHÊXENXKI

Anh Ngọc
Thứ bẩy ngày 12 tháng 6 năm 2010 5:35 PM
 
  Như một hiện tượng ngẫu nhiên, nền thơ Xô- viết đã hơn một lần xuất hiện những "tam giác  thơ", nghĩa là những bộ ba thi sĩ có tài năng nổi bật, có mặt gần như đồng thời và cùng toả sáng trên thi đàn. Vào những năm đầu của Cách mạng Tháng Mười, "tam giác thơ" đó là A.Blốc, V. Maiacốpxki và X. Êxênhin. Họ, mỗi người một vẻ, vừa có  chỗ tương đồng, vừa có chỗ dị biệt, rất dị biệt, đến mức không chấp nhận nổi  nhau, nhưng vẫn là ba đỉnh cao, thu hút và chi phối công chúng yêu thơ của thời mình và lưu danh hậu thế.
Vào những năm cuối của thập niên thứ năm và đầu thập niên thứ sáu, lại một lần nữa nền thơ Xô-viết sản sinh ra gần như cùng lúc ba thi sĩ lớn. Đó là: R. Rôgiơđextvenxki,  E. Eptusencô và A.Vôdơnhêxenxki. Cũng như những thi sĩ đàn anh hồi đầu cách mạng, ba nhà thơ lớn này cũng mang những nét vừa giống nhau vừa rất khác nhau. Giống, là ở chỗ: Họ cùng là đại diện cho thế hệ thanh niên lớn lên sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đã qua thời niên thiếu trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, và đồng thời chịu đựng những mặt ấu trĩ, bất cập, những năm tháng nặng nề của cuộc sống còn đấy rẫy  những bất công, ngang trái, những trì trệ và bế tắc của thời kỳ hậu chiến...  Là những tâm hồn đa cảm, các thi sĩ rất nhạy cảm trước bất cứ những gì tốt và xấu. Có thể nói, họ đã linh cảm thấy rất sớm những mặt trái của cái xã hội đã bắt đầu quan liêu hoá, những biểu hiện phát triển trái quy luật cản trở cuộc sống vật chất và nhất là tinh thần của một dân tộc rất giàu sức sống và năng động, như một tấm áo chật đang có nguy cơ phải vỡ tung ra trước sức phát triển của một cơ thể cường tráng. Chính họ, bằng những dòng thờ đầy chất dự báo, đã làm một cuộc đổi mới rất sớm trong thơ. Và do đó, họ được công chúng, nhất là lớp trẻ, náo nức đón nhận và coi là người đại diện tư tưởng của thế hệ mình. Còn sự khác nhau:  Đó  là ở  tính  mức độ. R. Rôgíơđextvenxki  và E.  Eptusencô tương đối gần nhau về nhiều mặt, từ cách nhìn cuộc sống và là thái độ ứng xử vẫn còn chừng mực, biết dung hoà giữa các "cực" tư tưởng khác nhau, nhất là R. Rôgiơđextvenxki. E. Eptusencô quyết liệt  hơn, sắc sảo hơn, những vẫn chưa đi đến “cực đoan". Chính sự khéo léo “đi trên dây" về tư tưởng và một tài năng rất phong phú trong nghệ thuật thao túng ngôn từ, hình ảnh, ông trở thành nhà thơ được công nhận và đón đọc rộng rãi nhất, là hiện tượng best seller của thơ ca Xô-viết trong vài thập kỷ liền. Người thứ ba, nhà thơ mà chúng ta đề cập đến kỳ này, A.Vôdơnhêxenxki là người "cực đoan” hơn tất cả, quyết liệt hơn tất cả trong những cách tân nội dung và hình thức, và do đó, đúng như những gì số phận vẫn dành cho loại người này, thơ ông được một số người vô cùng hào hứng đón nhận, thậm chí đến mức tôn sùng, nhưng lại bị một số phản ứng tiêu cực, dè bỉu và không chấp nhận .
   Số phận của A.Vôdơnhêxenxki rõ ràng phức tạp hơn hai người đồng nghiệp đồng thời của mình.
   A.Vôdơnhêxenxki sinh năm 1933 (suýt soát tuổi với hai nhà thơ kia) trong một gia đình trí thức lớn. Cha ông là một kỹ sư nổi tiếng, một chuyên gia về thuỷ điện đã từng tham gia thiết kế nhà máy thuỷ điện Bratxcaia và tái thiết nhà máy thuỷ điện bất hủ Đnhieprô. Thoạt vào đời, chàng trai A.Vôdơnhêxenxki chọn cho mình con đường kiến trúc và đã tốt nghiệp xuất sắc Học viện Kiến trúc. Ông say mê với công việc chinh phục những khoảng không gian trong kiến trúc, chuyên tâm học hỏi ở những bậc thầy như Bekhơxêep và nhất là Đâynhêch. Tuy nhiên, dần dà, một nguồn hứng thú mới đã tràn đến và xâm chiếm ông mãnh liệt và triệt để: Những cảm hứng thi ca. Và, những người "có lỗi" trong việc này chính là những nhà thơ mà tài năng của họ đầy ma lực đến không thể cưỡng nổi  - đó là Maiacôpxki, Paxternac, nhà thơ Tây Ban Nha chống  phát-xít Garxia Lorca, và còn thêm một nhà văn nữa - Gôgôn.
 Bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy ảnh hưởng của những nhà thơ này, đặc biệt là Maiacôpxki trong thơ của A.Vôdơnhêxenxki, nhất là trong giai đoạn đầu. Đó là một điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được - bởi đó trước hết là sự gần  gũi trong tâm hồn, trong cách nghĩ, cách cảm và cả trong cách biểu hiện của hai tài năng này. Cũng một sự đòi hỏi rất cao trước trách nhiệm với con người: đòi hỏi đến mức cực đoan quyền sống tối thượng của con người - một cuộc sống tự do,  bình đẳng, dân chủ, bác ái, một cuộc sống mà nhân phẩm và thế giới riêng cuả mỗi con người phải được tôn  trọng triệt để…, những khát khao có vẻ như  chẳng khó khăn gì để được tất cả ủng hộ, nhưng thực ra không dễ dàng đạt  tới một chút nào, nếu không nói nhiều lúc đã trở thành ảo vọng. Và vì quá dị ứng với những thực tế phàm tục, thô lậu, đôi lúc thơ họ tựa như những tiếng kêu thét, vừa khiêu khích châm chọc, vừa giấu đi nỗi đau xót, phẫn uất sau cái vẻ như là ngạo mạn, như là bất cần đời của bề ngoài.
   Khi chúng ta nói đến thực tế, thì không có nghĩa là chỉ ở nước Nga, hay Liên Xô cũ, hay một vùng đất nào đó - mà với những tâm thế như Maia, hay A.Vôdơnhêxenxki và những nhân cách lớn khác, thực tế - đó là cả thế giới. Những điều này quá dài dòng để trình bày ở đây, nhưng chỉ với thơ A.Vôdơnhêxenxki, những bản chất này của thi ca chân chính cũng đã gần như được phản ánh đầy đủ: Thơ ca chân chính là tiếng nói của nhân dân (lúc vui, đương nhiên, nhưng chủ yếu là trong đau khổ, tủi nhục, bị chà đạp) và của con người với những ẩn ức của thân phận, của kiếp sống, của những khát vọng không nguôi mong được đi qua cõi trần này một cách xứng đáng với con người. Bởi vậy, nhà thơ là phát ngôn viên của con người một cách trung thành,  chân thực, và muốn thế, phải rất dũng cảm – dũng cảm để đương đầu với mọi thế lực bắt con người phải sống khác với chính nó, dũng cảm để từ chối và đúng hơn, là khinh bỉ  những cám dỗ khiến mình phải chạy theo những tham vọng ích kỷ, phải phục vụ cho ý đồ muốn biến nghệ thuật thành một phương tiện trục lợi. Ngoài nhân dân mình và con người, nhà thơ không còn là công cụ phục vụ quyền lợi của bất cứ một ai  khác, kể cả chính anh ta. 
  Những khái niệm có vẻ chung chung và mơ hồ trên đây đã được cụ thể hoá một cách tài năng và tâm huyết trong thơ A.Vôdơnhêxenxki. Chỉ xin dẫn một bài để làm minh chứng: bài "Độc thoại của Marilyn Monroe", mà chúng tôi cho in kèm theo bài viết này.
  Chúng ta đều biết, Marilyn Monroe là siêu sao màn bạc của Hollywood, trang quốc sắc của nước Mỹ, người ngay lúc còn trẻ đã đạt được hầu như đủ mọi ước mơ mà một con người, nhất là một phụ nữ có thể có: Sắc đẹp, tài năng, danh vọng, tiền bạc và lòng mến mộ cuồng nhiệt của công chúng. Như vậy, với cách nhìn thông thường, cô hẳn phải là người hạnh phúc, ấy thế mà, chính lúc đang ở đỉnh cao danh vọng, M. Monroe đã tự sát (gần đây còn có những giả thuyết khác về cái chết của M..Monroe,  nhưng chưa được xác minh). Lại với con mắt nhìn thông thường, với tầm suy nghĩ  và cách  cảm nhận thông thường của chúng ta, làm sao chúng ta cắt nghĩa nổi hành vi "khó hiểu” ấy của con người này? Ở đây, đòi hỏi phải có một sức hiểu thấu vô cùng tinh tế về tâm lý con người, một sự nhạy cảm, xuất phát từ sự đồng cảm vô cùng sâu sắc của một trái tim lớn với số phận con người  như  chúng ta đã nói ở trên - mới có thể khám phá được tấn bi kịch ẩn kín trong tâm hồn nhân vật. Cả bài thơ của A.Vôdơnhêxenxki là một con dao mổ lạnh lùng phanh phui ra trước mắt người đọc tấn thảm kịch đã gặm nhấm và đẩy dần con người này đến một cái chết không thể tránh khỏi.  Đây là một thứ bi kịch của các siêu nhân chăng? Một nỗi đau thuộc loại cao cấp chăng?  Một thứ bi kịch và nỗi đau mà những kẻ thuộc "thập loại chúng sinh” chúng ta có muốn cũng không thể có được chăng? Cũng có thể như thế thật. Nhưng đây hoàn toàn là một nỗi đau có thật, tuyệt đối không phù phiếm hoặc giả tạo, thậm chí còn là một nỗi đau cũng trần trụi, cũng thô sơ như mọi nỗi đau đích thực nhất trên đời. Để diễn đạt một cách giản dị và sáng rõ tấn bi kịch không lối thoát trong tâm hồn của M. Monroe, A.Vôdơnhêxenxki đã xây dựng bài thơ dựa trên một tuyến chính, gồm một chuỗi những cặp mệnh đề được đóng chặt vào cái công thức: không chịu nổi . . . và  càng không chịu nổi hơn...
  Chất liệu của hai mệnh đề này luôn luôn là hai dữ kiện đối lập nhau về bản chất. Đáng lẽ ra, trong một tâm  thế bình  thường, nghĩa là khi con người còn khả  năng thoả  mãn được nhu cầu của mình để tiếp tục tồn tại, thì trong trường hợp này, ít nhất  con người sẽ chọn  một trong hai dữ kiện đối lập nhau  ấy. Mặc dù "chọn lựa  là hy sinh”, nhưng một người còn có thể chọn lựa là một người vẫn còn lối thoát. Nhưng trong bài thơ này, nhân vật của nó không có được khả năng chọn lựa đó - từng cặp cánh cửa trước mắt cô ta, mặc dù quay về hai hướng ngược nhau - đều đã đóng, đóng chặt hoàn toàn, thậm chí, cái này còn chặt hơn cái kia hoặc ngược lại. Ta hãy nghe một vài cập mệnh đề được tác giả  thiết kế theo cùng một ẩn ý ấy:
Không chịu nổi cưỡng bức
Nhưng tự nguyện càng không sao chịu nối…
Không chịu nổi sống mà không nghĩ suy
Càng không chịu nổi cứ trở trăn nghiền ngẫm…
Không chịu nổi bất tài
Nhưng tài năng lại càng không chịu nổi… 
Không chịu nổi tự sát
Nhưng sống lại càng không chịu nổi hơn...
Thêm một cặp mâu thuẫn này nữa, tuy không nằm trong công thức trên, nhưng cũng cùng một tinh thần như vậy, và được diễn giải cực kỳ xác đáng:
Tự sát là đấu tranh với cái xấu xa
Tự sát là dàn hoà với chúng...
v. v. và v.v. . .
Một cách vô tình hay hữu ý, lối cấu trúc từng cặp mệnh đề đối lập để diễn tả tình thế bế tắc hoàn toàn này của bài thơ khiến ta nhớ lại hai câu thơ bất hủ trong bài thơ tuyệt mệnh của X. Êxênhin:
Trên đời này, chết là điều chẳng mới
Nhưng sống thực tình cũng chẳng mới gì hơn
.
X. Êxênhin viết về chính mình, trong giây phút mà “con người sắp chết thì lời nói phải". Còn A.Vôdơnhêxenxki không ở trong cuộc, những rõ ràng nhờ một hồn người rộng mở và một tài thơ xuất chúng, ông đã nói hộ nhân vật của mình một cách chính xác và tinh vi biết bao. Bởi vì, nhà thơ, dù viết về ai và cái gì đi nữa, cũng không bao giờ thoát khỏi được chính mình. Bởi vì, suốt đời nhà thơ chỉ làm duy nhất có một công việc, đó là tái hiện chân dung tinh thần của mình lên mặt giấy mà thôi.
                                                                       
                                                                          
ĐỘC THOẠI CỦA MARILYN MONROE
 
Tôi là Marilyn, Marilyn
Tôi là người  anh hùng
Của tự sát và bạch phiến
Những bông hoa mẫu đơn này còn rực rỡ cho ai?
Điện thoại này còn với ai trò chuyện ?
Còn ai đâu để sột soạt áo da hươu?
Không chịu nổi. 
Không chịu nổi sống mà không yêu
Không chịu nổi khi thiếu xanh rừng liễu 
Không chịu nối tự sát
Nhưng sống
Lại càng không chịu nổi hơn!
Những trò bán chác. Bệnh ngoài da.
Lão sếp hí lên như ngựa thiến
(Tôi nhớ Marilyn
Những chiếc xe hơi mải miết ngắm cô
Trên màn ảnh hàng trăm mét rộng
Trên vòm trời mở như trang kinh thánh giữa muôn sao
Trên thảo nguyên giữa xinh xinh những chiếc khung quảng cáo
Marilyn thở phập phồng, thiên hạ đắm say cô
Những chiếc xe khát thèm, mệt mỏi
Không chịu nổi)
Không chịu nổi
Mùi chó bốc lên khi cúi xuống chỗ ngồi!
Không chịu nổi cưỡng bức
Nhưng tự nguyện càng không sao chiu nổi!
Không chịu nổi sống mà không nghĩ suy
Càng không chịu nổi cứ trở trăn nghiền ngẫm
Bao dự định đâu rồi. Ngỡ chúng thổi ta bay,
Tôn tại là tư sát.
Tự sát là đấu tranh với cái xấu xa
Tự sát là dàn hoà với chúng,
Không chịu nỗi bất tài
Nhưng tài năng lại càng không chịu nổi.
Chúng ta tự giết mình bằng danh vọng bạc tiền
Bằng bọn gái màu da rám nắng,
Lũ đào kép chúng ta đâu sống với mai sau,
Còn đạo diễn là một bầy cặn bã.
Ta bóp nghẹt người thân trong vòng tay ôm riết,
Những mặt gối còn in dấu vết
Trên gương mặt trẻ trung như vết lốp xe hằn,
Không chịu nổi.
Các bà mẹ ơi, các bà sinh con ra để làm gì
Khi mẹ biết con sẽ bị đời giày xéo?
Ôi, cái kiếp lạnh lùng những ngôi sao màn bạc
Chúng ta không có nổi đến cả chút riêng tư
Trong xe điện ngầm  
Trên xe  buýt,
Hay trong cửa hàng
 Lũ ngốc trố mắt nhìn: “Cô đấy à, chào nhé!"   
Không chịu nổi cứ thế trần truồng 
Trên mặt báo, trên mọi tờ áp- phích,
Mà quên mất có trái tim đang đập
Và người ta đem gói cá mòi,
Mắt mũi nát nhàu, mặt mày rách toạc
(Chợt rùng mình khi nhớ lại trên tờ “Người quan sát Pháp"
Tấm hình mình với cái mõm tự đắc vênh lên
Mà phía sau là cái xác Marilyn!)
Lão bầu gào to, miệng nhồm nhoàm bánh ngọt:
“Cô mới tuyệt làm sao, trán lấp lánh chuỗi cườm!"
Mà chuỗi cườm  mùi gì, ngài có biết chăng?  
Mùi tự sát!
Những kẻ tự sát là những kẻ phóng mô-tô,
Những kẻ tự sát vội vàng hưởng thụ,
Những bộ trưởng tái xanh dưới ánh chớp đèn pha
Những kẻ tự sát,
Những kẻ tự sát,
Đang dẫn tới một Hyrôsima toàn thế giới,
Không chịu nổi. 
Không chịu nổi cứ  đợi chờ hoài phút giây bùng nổ
Mà cái chính là ở chỗ
Điều không thể hiểu đến không sao chịu nổi
Lại giản đơn như tay sặc mùi dầu, 
Không chịu nổi
Cháy lên tự màu xanh
Những trái cam ly biệt...
Tôi sức gái yếu hèn. Hỏi làm gì được ?
Tốt hơn là - xin hãy nhanh lên!
   1963
 Anđrây Vôdơnhêxenxki
 (Anh Ngọc dịch)