Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VƯỜN HỌC ĐA SĨ "LÒ LUYỆN THI ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC TA"

Đỗ Quốc Bảo
Thứ năm ngày 10 tháng 6 năm 2010 5:05 PM
Đa Sĩ, thuộc xã Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), là một làng văn hiến, làng khoa bảng. Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, đây là một trong số ít làng quê có nhiều Tiến sĩ, Trạng nguyên nhất. Đa Sĩ cũng là nơi duy nhất trong cả nước có “Vườn học” để luyện thi cho các sĩ tử.
 Nguyên thuỷ, làng có tên là làng Sẽ; về sau, còn có những tên gọi khác như Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sĩ (nghiã là Bến thuốc, gắn với danh nhân quê hương là danh y Hoàng Đôn Hoà, thế kỉ XVI, người để lại 208 phương thuốc trị bệnh cứu người, được tôn thờ là thành hoàng làng). Từ khi đổi tên thành Đa Sĩ, làng mang một hàm ý mới, trọng về giáo dục.
Thời nhà Lê (1428-1527), Đa Sĩ lập một Vườn học ở giữa làng, nơi cao ráo, rộng rãi, có chỗ cho học trò đặt chõng tre ngồi học, còn thầy giáo đứng trên bục cao nhiều bậc. Đến Vườn học không phải là những người chưa biết chữ hay những người học vấn thấp mà là những người chuẩn bị bước vào các kì thi lớn. Trong số đó, có người mới chuẩn bị thi Hương, nhưng cũng có không ít người đã vượt qua kì thi đó, lại đến Vườn học để nhờ thầy chỉ bảo thêm trước khi thi Hội, thi Đình.
ở Vườn học, thí sinh được luyện văn sách, thi, phú... hình thức là vấn đáp hoặc viết bài luận. Trong thời gian học ở đó, học trò cũng được hướng dẫn để làm quen với việc thi cử bằng việc tập dượt qua một vài đợt kiểm tra của thầy dạy. Do đó, có thể nhận đinh rằng, Vườn học là loại trường luyện thi mà dưới thời phong kiến thì chỉ riêng Đa Sĩ mới có, dành cho người trong làng trau dồi văn bút, tài năng trước khi đi thi .
Dần dà, tiếng tăm của Vườn học Đa Sĩ vang ra khắp nơi, nhiều học trò gần xa đã tìm về thụ giáo các thầy ở đây trước khi đến trường thi hoặc về kinh đô ứng thí.
Hiệu quả của Vườn học Đa Sĩ dưới thời phong kiến rất cao. Tất nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là tinh thần hiếu học và tài năng của các học trò nhưng một phần quan trọng là nhờ công lao dạy dỗ của các nhà giáo tài cao, đức trọng, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Qua một thời gian tham dự Vườn học, rất nhiều người được bổ sung và nâng cao kiến thức, sau đó đi thi đã giành được học vị cao.
Người có vinh dự mở đầu truyền thống khoa bảng của làng Đa Sĩ là Trình Thanh (1419-1463). Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi chú ông nguyên họ Hoàng, người huyện ứng Thiên, nay là ứng Hoà; nhà ở huyện Thanh Oai, làng Trung Thanh Oai. Ông đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Hợi (1431), từng 2 lần đi sứ sang Trung Quốc; làm quan qua 4 triều vua Lê, từng giữ các chức Nội viên chánh chưởng Hàn lâm viện tri chế cáo, Tham tri hải tây đạo quân dân bộ tịch Kị đô uý, Môn hạ sảnh hữu tư Lang trung (chánh lục phẩm, hạng 6/9 bậc quan chế)… Ông là người đã trình vua kế sách 7 điều nhằm chấn hưng đất nước và được vua chấp thuận cho thi hành. Ông là một tên tuổi lớn trong “nho lâm kì thụ”  (cây cao bóng cả trong rừng Nho học) đương thời.
Kế tiếp và phát huy truyền thống dòng họ, cháu 2 đời của Hoàng Trình Thanh là Khắc Minh (sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi là Trần Khắc Minh, nguyên họ Hoàng) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm 22 tuổi. Ông làm quan đến Lễ bộ Thượng thư (tòng nhị phẩm, hạng 2/9 bậc quan chế), Đông các đại học sĩ, tước Lương nhân hầu.
Con trai của Hoàng Khắc Minh là Hoàng Nghĩa Phú là đã xuất sắc đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1511) và trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc lại được triều đình phong kiến phương Bắc công nhận là Trạng nguyên, trở thành một trong số ít người Việt Nam có danh vị Lưỡng quốc trạng nguyên, làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước. Hoàng Nghĩa Phú làm quan đến chức Tham tri chánh sự kiêm Ngự sử (chánh tứ phẩm, hạng 4/ 9 bậc quan chế).
Con trai Hoàng Nghĩa Phú là Hoàng Tế Mỹ cũng đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1538), làm quan đến Thừa chánh sứ (tòng tam phẩm, hạng 3/9 bậc quan chế), tước Mạc khê bá. Một nhà 3 đời liên tiếp đều đỗ đại khoa, thật là hiếm có.
Dưới thời phong kiến, qua các triều đại từ nhà Lý (1010-1125) đến nhà Nguyễn (1802-1945), cả nước có 1906 người đỗ Tiến sĩ và 56 người đỗ  Trạng nguyên thì riêng làng Đa Sĩ đã có 11 Tiến sĩ và 1 Trạng nguyên. Trong số đó, riêng dòng họ Hoàng đã có đến 11 người; chỉ có 1 Tiến sĩ là người họ khác. Đó là những con số khẳng định sức học của người Đa Sĩ là kết quả tất yếu từ nền móng giáo dục vững chắc. Trong thời hiện đại, Đa Sĩ có thêm hàng trăm người đỗ Cử nhân, nhiều người có bằng Tiến sĩ .
  Nhắc đến truyền thống “khoa danh kế thế, thi lễ truyền gia” không chỉ là nói về niềm tự hào riêng của Đa Sĩ mà còn là của nhiều làng quê trên đất nước ta. Chăm lo đến sự học không bao giờ có điểm dừng mà phải là một việc làm thường xuyên, nghiêm túc, tận tâm và khoa học thì mới mong có được thành quả tốt đẹp./.