Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG BÍ ẨN RIÊNG TƯ CỦA CHÙM THƠ VIẾT CHO NGÀY TAN VỠ

Thủy Anna (thực hiện)
Thứ ba ngày 8 tháng 6 năm 2010 12:14 PM
TNc: Chùm thơ Viết cho ngày tan vỡ của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đăng trên trannhuong.com đã tạo nên sự sôi động cho “mặt hàng thi ca” vốn triền miên ế ẩm. Chỉ một ngày đầu tiên, con số truy cập đã lên đến hơn 1.000 lượt người. Nếu so với một số thể loại khác, đây là con số chưa cao nhưng với thi ca, nó được coi là kỉ lục của trannhuong.com. Nhiều bạn đọc đã gửi thư cho tác giả và cho bản báo. Cũng từ sự kiện trên, Nhà báo Thủy Anna của báo Pháp luật & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với Nhà thơ Bùi Hoàng Tám về sự thật thuộc “bí ẩn đời tư” xung quanh chùm thơ này. Trannhuong.com xin trân trọng giới thiệu. Đầu đề do trannhuong.com đặt.
Những bí ẩn riêng tư của chùm thơ Viết cho ngày tan vỡ

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám là tác giả hai tập thơ: Dòng sông quan trạng (Hội văn nghệ Thái Bình 1993), Dưới trời xanh (NXB Hội nhà văn 1997). Nhưng đến thời gian gần đây, sau nhiều biến cố cuộc đời, chất “nghệ” trong thơ anh mới thực sự gây ấn tượng với độc giả bởi chất bi hài mang tính thân phận con người được tái hiện trong những bài thơ rút ruột mà ra…
PLXH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Bùi Hoàng Tám về những bài thơ vè cuộc tình đã qua…
Đó là khát vọng của thi ca
 

Cuộc sống của anh dường như rất đặc biệt. Điều ấy được thể hiện khá rõ trong ba bài thơ: Thơ cho em trước cửa tòa, Đi ăn cưới vợ cũ, Nhậu với chồng cũ của vợ. Những tình huống rất tiểu thuyết. Đây là câu chuyện cuộc đời anh hay một tưởng tượng về một hình mẫu lý tưởng cho một cuộc tình rổ rá cạp lại?

Một nửa là sự thật. Tôi hai lần đò. Li hôn hai năm sau, tôi lấy vợ. Khi người ta li hôn, người ta thường hay chia của, chia con... nhưng cuộc li hôn của bọn tôi không có điều đó. Tất nhiên là không thể có nụ cười nhưng tuyệt nhiên không có sự cãi cọ, tranh giành hay đổ lỗi cho nhau...

Nhưng nếu một nửa là sự thật, thì đọc thơ anh, là một người sáng tác, tôi bị chinh phục bởi cảm xúc chân thực và quá đau đớn, xót xa. Chợt nghĩ: Nếu anh còn xót vợ cũ như thế, chia tay có phải là một quyết định sai lầm?

Việc chia tay giữa chúng tôi là tất yếu. Nó chỉ xảy ra khi cả hai người đều không thể vì chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Chỉ có điều, khi điều không may đó xảy ra thì hãy hành xử với nhau thật nhân ái. Khi tôi đã xây dựng gia đình, cô ấy vẫn không lấy chồng, ở vậy. Và từ thâm tâm, tôi mong cô ấy đi bước nữa, có một gia đình yên ấm, hạnh phúc cho cuộc đời vốn đã nhiều đau khổ được nhẹ bớt phần nào. Về bài thơ đầu, đó là một nửa sự thật cộng với niềm mong mỏi.
Người vợ cũ của anh lấy chồng rất xa mà anh phải lặn lội tàu hỏa để đến thăm? Và hai đứa con anh đã chọn ai để tiếp tục hành trình cuộc sống của chúng? Dẫu biết rằng với bọn trẻ bây giờ, ở với ai cũng là một thiệt thòi

Tàu hỏa chỉ là một biểu tượng của văn chương. Đó chỉ là sự mơ mộng của một tâm hồn khát khao hướng thiện. Còn cuộc sống thực thì chúng tôi không quá xa nhau về không gian. Tất nhiên với bất cứ nhà văn nào thì tác phẩm cũng chỉ là sự mơ ước, niềm khát vọng của tác giả. Theo tôi bao giờ và ở đâu cũng vậy, văn chương chỉ là mơ ước và khát vọng hướng thiện của con người.
 
Cuộc chi li nào chẳng có nước mắt

Câu chuyện tan vỡ đã được anh chia ra làm ba giai đoạn khá độc đáo và hiếm có trong cuộc sống đời thường: Thơ cho em trước cổng tòa, Đi ăn cưới vợ cũ, Nhậu với chồng cũ của vợ. Để làm được ba việc ấy với người đàn bà từng một thời đầu gối tay ấp với mình quả là không dễ chút nào. Điều ấy thể hiện rất rõ, trong ba bài thơ của anh, vẫn có sự cay đắng lẫn khuất trong từng câu chữ?

Không có cuộc chia li nào là không có nước mắt. Một người phụ nữ đã gắn bó với mình hơn 20 năm, trải qua biết bao nhiêu gian nan, vất vả của cuộc đời, nhất là ở thời điểm trước Đổi mới, kinh tế khó khăn, đã sinh cho tôi hai đứa con, sao không nặng lòng với nhau? Chính vì điều đó mà tôi càng mong muốn cho người ấy có một bến bờ mới hạnh phúc.

Làm vợ nhà thơ đã trải qua một bể dâu đời người. Người vợ hiện tại của anh có đủ sự cao thượng để sống và chia sẻ với những xúc cảm rất phức tạp, những khát khao cũng vậy của chồng?

Tôi vẫn hi vọng vậy bởi con người luôn hi vọng. Nói như Nhà văn Nam Cao, đại loại là chúng tôi đã hi vọng, đang hi vọng, đã thất vọng nhưng mãi mãi vẫn còn hi vọng.
Xin kể một chuyện vui, ngày con gái tôi lấy chồng, cháu hỏi ý kiến về chàng rể. Tôi bảo cháu: Nó có nghiện không? Không. Cháu trả lời. Nó có tiền án, tiền sự gì không? Không. Nó có làm thơ không? Cũng không ạ. Tôi bảo: Bố đồng ý. Nói thế không phải tôi coi thường hay khinh khi gì nhà thơ mà tôi rất lo cháu “dây” vào người như bố nó, mơ mộng để tâm hồn treo ngược ở cành cây rồi lại khổ một đời như mẹ nó. 
Quên quá khứ vì tôn trọng nhau

Ba bài thơ của anh mặc dù chỉ ở sự khát vọng và tưởng tượng nhưng đã khiến người đọc đồng cảm, xót xa bởi chất bi hài trong lời thơ thể hiện khá rõ. Ngoài mục đích nói lên khát vọng của mình, có khi nào anh gửi một thông điệp khác tới nhiều cặp vợ chồng giống anh ở thời điểm trước tan vỡ?

Nếu không mong ước là một thông điệp thì chẳng ai công bố nó cả. Việc phổ biến cho toàn dân được biết bản chất đã mong ước nó là một thông điệp rồi. Còn nếu không, sẽ chẳng ai công bố mà sẽ cất kín vào trong tủ. Cũng nói thêm với em, Bài thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” đọc ở Văn Miếu Ngày Thơ Việt Nam năm 2010, được vỗ tay yêu cầu đọc lại. Đây hình như là lần đầu tiên sau 8 năm Ngày Thơ mới có một bài thơ được yêu cầu đọc lại như... ca sỹ.

Anh có gặp lại vợ cũ từ sau khi hai người ra tòa? Hai đứa con của anh dù chọn bố hay mẹ đều sẽ cảm thấy hụt hẫng. Là nhà thơ, anh sẽ bao bọc và chia sẻ với con thế nào để bọn trẻ bớt chạnh lòng?

Rất may là khi chia tay, các con tôi đều lớn cả và đã học hành xong, có công ăn việc làm. Cuộc chia tay đáng lẽ xảy ra lâu rồi nhưng bọn tôi xác định vì các con nên đợi đến khi chúng trưởng thành. 

Anh có gặp lại  sau khi hai người ra tòa?

Có chứ. Chúng tôi không còn chung một tổ ấm nhưng vẫn còn đó những đứa con chung nên có biết bao nhiêu công việc cần thiết phải trao đổi. Nhưng không bao giờ chúng tôi đi quá giới hạn vì tôn trọng nhau và tôn trọng gia đình của nhau. Đặc biệt là với “người đương thời” của tôi. Cô ấy là người rất nhạy cảm và tự trọng. Cũng đã một lần tan vỡ, nếu chỉ cần một phút xao lòng, lại phá nát một tổ ấm thứ hai...

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này