Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỖ HÀN VÀ NỖI THƯƠNG CẢM THÂN PHẬN THIẾU PHỤ

Đạt Ma
Thứ sáu ngày 11 tháng 6 năm 2010 5:53 AM
 
 
LÁNG GIỀNG
 
Láng giềng là láng giềng ơi
Sao người mang thóc ra phơi cuối chiều?
 
Hạt vàng chín chắt, mười chiu
Sao người lại rải theo chiều gió rong?

Sớm ngày trời nổi cơn giông
Sợ thóc nảy mầm nên phải hong phơi
 
Cuối chiều, nắng rớt, nắng rơi…
Cầm bằng như được mặt trời đương trưa…
 
Đỗ Hàn
 
 
LỜI BÌNH CỦA LÃNG TỬ ĐẠT MA
 
Bài thơ 4 không: Không có cấu trúc đặc biệt, không có dị từ, không có phương ngữ mê mị, không có hình ảnh tân kỳ. Nhịp thơ eo ót, tần ngần, lơ đãng, bất biến.
Thế nhưng ở đây, sự giản dị đã lên ngôi với bậc thềm diễn biến 4 có: Có lao động, có tình yêu, có lo lắng và có mong muốn.
 
- Có lao động: Láng giềng là láng giềng ơi/ Sao người mang thóc ra phơi cuối chiều?
Trong Nam Phong Giải Trào, Trần Danh Án còn có những lời bi thiết, nói lên niềm cô đơn của người thiếu phụ: “Lạnh lùng thay láng giềng ơi/ Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều”. Ở đây, tác giả đã đưa vào hình ảnh: Sao người mang thóc ra phơi cuối chiều? Vì niềm khao khát yêu thường hằng nên cuối chiều đem phơi? Hay vì mối tâm sự thầm kín nào đó cần được chia sẻ của người thiếu phụ?
 
- Có tình yêu: Hạt vàng chín chắt, mười chiu/ Sao người lại rải theo chiều gió rong?
Tình yêu thời nào cũng vậy, dù luôn dặn mình phải tỉnh táo nhưng đôi khi lại cô đơn, yếu đuối và khát khao một hơi ấm, một sự bao bọc, chở che trước sóng gió cuộc đời... chợt nghe tiếng lòng thiếu phụ âm âm trong gió, trong chiều.
 
- Có lo lắng: Sớm ngày trời nổi cơn giông/ Sợ thóc nảy mầm nên phải hong phơi
"Cơn giông" hình ảnh thực chính là sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng còn có thể phòng tránh. Nhưng cơn bão cuộc đời, cơn bão thời gian thật ái ngại, bức tranh vân cẩu khiến cho sự tiếc nhớ, lo lắng tăng lên gấp bội phần. Sợ thóc nảy mầm nên phải hong phơi, việc gieo vần lưng ở tiếng thứ tư của câu bát là chủ ý của tác giả, khiến câu thơ cổ hơn, biểu cảm hơn, "thóc nảy" hơn.  Xuân Thì có hạn, ca dao xưa đã nói: Một mình lo bảy lo ba/ Lo cau trỗ muộn - lo già hết duyên, nỗi run sợ thời gian luôn hiển thị đối với phụ nữ, là kênh sóng thử thách đáng sợ đối với nhan sắc.
 
- Có mong muốn: Cuối chiều, nắng rớt, nắng rơi…/ Cầm bằng như được mặt trời đương trưa...
Từ “cầm bằng” thật đắc địa. Hiểu theo cách thông dụng thì "cầm bằng" là “tổ hợp dùng để nêu một giả thiết, coi đó là khả năng hoặc trường hợp xấu nhất đành phải chấp nhận; cứ kể như, cứ coi như là”. "Mặt trời đương trưa" là mặt trời sung mãn lắm, gan lì lắm; và với chút nắng rớt, nắng rơi được thế cũng coi như là thoả nguyện.
 
Cầm bằng như được mặt trời đương trưa, câu kết bài thơ đột ngột rơi xuống, thắt lại chủ đề bài thơ thoảng hương thiếu phụ xa xót. Hạt tình màu gì? Sân ga thời gian màu gì? Cây nuối tiếc tận tình phủ bóng hay nỗi niềm thiếu phụ khát khao ái ân đang giác ngộ và châm bén vào chiều?
 
Bài thơ hay như đầu sóng, giao tiếp đã khó, huống hồ đòi giải mã. Láng giềng của nhà thơ Đỗ Hàn là bài thơ như vậy, đành phải thả nó về với giời, với biển. Chẳng phải thi sỹ Bùi Giáng đã từng mách “Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm” đó sao.
 
Hà Nội. Đụng nắng 2010
 
LÃNG TỬ ĐẠT MA
(Lucbat.com)