Ở đời, một trong ít điều quan trọng nhất mà con người ta rất cần tạo được cho mình là cái Ngôi. Có được – dù lớn hay nhỏ, cao hay thấp không quan trọng lắm, quan trọng là ở chữ chính: Chính danh, chính đáng của Ngôi. Khi Ngôi được chính thì cái tư cách của Ngôi mới được cao quý, sáng đẹp. Nó mới được người đời tôn trọng.
Sách bàn tới điều này khái quát và tinh vi nhất là sách Dịch. Trong Dịch có hai quẻ là Thái và Bĩ, tôi tạm lấy để bàn về điều này.
Dịch có 64 quẻ, chia làm 32 cặp. Mỗi cặp đặt bên nhau bởi tính cấu thành thể âm – dương của nó. Qủe Thái được cấu thành từ 6 hào, 3 hào âm và 3 hào dương. Qủe đặt vị trí quái âm ở trên quái dương, gọi là Địa Thiên Thái. Nghĩa là Địa ở trên Thiên ở dưới là Thái = lớn, hanh, cát. Qủe Bĩ cũng được cấu thành bởi 3 hào âm và 3 hào dương. Khác là vị trí của dương của Bĩ đặt ở trên, âm thì ở phía dưới, gọi là Thiên Địa Bĩ. Nghĩa là Thiên ở trên Địa ở dưới là Bĩ = bế tắc, hung. Qua tượng quẻ xắp đặt vậy thoạt nhìn thấy sự khác thường, nghịch thế. Bởi, Càn vi thiên, là trời, Khôn vi địa, là đất. Vậy trời đặt ở trên đất là phải mắt, đúng vị, sao lại thành ra Bĩ, hung? Đất đặt ở trên trời, sao lại thành ra Thái, cát?
Dịch xem Tượng mà thấy đạo - lý, qua Ngôi mà thấy khí - đức. Tượng hình cho cái bao quát, tổng quan. Sự vận hành của Khí cho cái linh diệu, tế vi. Sự linh diệu, tế vi ẩn trong Tượng trong Ngôi mới chính là điểm làm nên sức dung chứa sâu xa rộng lớn vô cùng của Dịch.
Theo sách Đạo Đức kinh của Lão Tử: Vạn vật lấy âm bọc dương. Và đây cũng là nguyên lý cơ bản cấu tạo của Dịch. Đặc tính của dương là nhẹ, trong, nóng... Đặc tính của âm là nặng, đục, lạnh... Xu thế của dương là thoát lên, xu thế của âm là lắng đọng xuống. Âm nhờ động mà trưởng. Dương nhờ tĩnh mà thành. Tính chất của dương khi còn ở dạng khí rất dễ bị phát tán nên cần được âm bao bọc, nuôi nấng. Khi khí được nuôi thành tượng thì dương mới có thể xuất lộ độc lập. Ông Nguyễn Hiến Lê san định Dịch, bàn về quẻ Thái rằng, không nên xem tượng quái Càn ở Thái là trời, vì hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa... và theo ông chỉ nên xem tượng này là khí dương. Bàn vậy được ở phần lý – khí mà lại trống ở phần hành của tượng. Khí trưởng thì nên tượng, còn tượng có vận hành mới đắc dụng... Ông Ngô Tất Tố san định Dịch đã dịch trọn lời bàn của tiên nho về tượng quẻ Thái rằng, “Thiên địa giao, Thái hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tường thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân”. (Dịch nghĩa, trời đất giao nhau là Thái; ông vua coi mà sửa nên đạo trời đất, giúp tập sự lẽ phải của trời đất, để đỡ đần dân). Vậy rõ là tượng Thái không chỉ nên hiểu nghĩa về khí mà còn phải hiểu nghĩa về tượng, không chỉ nghĩa về đức mà còn nghĩa về đạo. Xem tượng Càn vi thiên, đặt ở phía dưới như ông vua (phụ tường) được dân bao bọc, vua sống ở trong dân để tỏ cảnh thấu tình của dân, vua tôi giao hòa thông hội với nhau, có vậy vua mới đỡ đần dân tốt được. Tới đây nghĩa về Ngôi và đức – khí của Ngôi đã bộc lộ.
Ở quẻ Thiên Địa Bĩ: Trời ở trên, đất ở dưới, vị trí phân minh trên dưới rõ ràng, vậy sao tượng viết: “Thiên địa bất giao, Bĩ...” Như trên đã trình bày, vạn vật lấy âm bọc dương và đặc tính của khí dương là nhẹ, nóng... có xu hướng thoát lên trên. Khí dương khi chưa được nuôi nấng tạo thành tượng ( như ông vua chưa thực chính ngôi ) mà lại ở Ngôi trên, không được khí âm bao bọc, âm – dương chưa giao hòa đã phân cách thì sự tiêu tán là tất yếu. Nghĩa sâu sắc ở đây là vua quan ở Ngôi trên là đúng vị trí, dù vậy nhưng nếu đoạt Ngôi mà dứt khí, mất đức, khí - đức mất thì tượng không toàn, đạo khó còn chỗ dung chứa. Là khi ấy, Ngôi chỉ còn gắn với quyền và lợi: Bất khả vinh bằng lộc... (không thể vẻ vang bằng lộc ).
Mới hay, dù thời Thái hay Bĩ đạo cần phải được bao bọc nuôi nấng bởi đức, mà đức chỉ có thể trưởng thành khi nó được đặt vào chính Ngôi.
Cái được lớn của thời Thái là đại tượng được Ngôi. Cái được nhỏ của thời Bĩ là tiểu tượng được Ngôi. Đại tượng dù được Ngôi mà không bền, bởi không nuôi được đức: “Thành phục vu hoàng, kỳ mệnh loạn dã”. (Thành trở về rãnh thuở mệnh loạn vậy). Tiểu tượng được Ngôi, tuy nhỏ mà lại tới buổi khôi phục, bởi bậc quân tử biết: “dĩ kiệm đức tỵ nạn...” (dè sẻn đức để lánh nạn), và “chí tại quân dã” (chí bền tốt, chí ở vua vậy). Do vậy, xét kỹ ra sự tốt hay xấu, lớn mạnh hay suy vong không ngoài cái vị trí của Ngôi mà ra cả.
Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của ta ở thế kỷ 20 giành được thắng lợi trước những đối phương rất mạnh, là do đâu? Phải vì đối phương tuy mạnh nhưng không có được cái chính đính, cái đức của Ngôi. Ấy mới là có cái sức mạnh ngoại vật, không phải là sức mạnh của khí, của tâm vật. Vật mà không đắc khí, thụ tâm tất vật phải trơ khô vong bại. Còn ở phía ta, trong thời Bĩ người quân tử biết dè sẻn đức, nuôi đức bền chí; khi đắc thời Thái: Trời đất, vua tôi – chính quyền với nhân dân – giao hòa. Chính thể đã lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm Ngôi, lấy thế trận lòng dân làm khí - đức cho Ngôi, là đã tạo được sức thông hội giao hòa giữa trong với ngoài, trên với dưới, trước với sau, cao với thấp không chỗ phân chia. Ví như, Địa – mang tượng dân – ở trên mà giữa khí đức, Càn – tượng chính quyền – ở dưới, trong mà lập Ngôi. Ngôi có được khí - đức thì sẽ lâu bền, lớn mạnh. Ta bảo “Nhà nước của dân” là hợp lẽ này. Ngôi mà mất khí - đức thì tất hao khuyết, tiêu vong. Ví như vua quan chỉ chuyên chú giữ Ngôi mà để mất lòng dân vậy.
Qua hai quẻ Thái và Bĩ mà Dịch đã nêu ra lẽ lập Đức tôn Ngôi, hay hủy Đức phế Ngôi ở đời. Thật quý thay! Thật rộng lớn thay!
*****
ĐỊA CHỈ: Nhà 10, ngõ 329, tổ 11,
phường Phú Khánh, TP Thái Bình.
ĐT: 0363 845060. 01693276294