Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỢI TÓC HAI MÀU CỦA VƯƠNG TRỌNG

Vũ Bình Lục
Thứ năm ngày 10 tháng 6 năm 2010 4:59 PM
 
Sợi tóc hai màu
Quờ bàn tay vô nghĩa lên đầu
Nhổ sợi tóc nửa đen nửa bạc
Mặc câu thơ lẻ loi trang giấy nháp
Ta lặng yên nhìn sợi tác hai màu
Một nửa ánh ngày, một nửa đêm thâu
Một phía dầm mưa, một đầu hửng nắng
Không, sợi tóc nửa chiều nửa sáng
Trưa-cuộc đời ta vừa mới đi qua
Hai bàn tay căng sợi tóc ra
Mong manh thế mà sao rắn chắc
Trục thời gian tượng hình trước mặt
Ta đang ta, hay ta khác ta rồi?
Phút bàng hoàng sợi tóc hóa gương soi
Khuôn mặt mình chập chờn sáng tối
Má đã vạch đường hằn không mong đợi
Cuời làm chi cho nham nhở nụ cười!
Sợi tóc căng như một mũi tên dài
Mũi tên bay theo chiều đen- trắng
Ta đang bay khi ta ngồi yên lặng
Cái tận cùng đâu đó chẳng còn xa.
Sợi tóc căng khắc nghiệt trước mắt ta
Ba-ri-e hai màu thách thức:
-Thôi, ý nghĩ đừng vượt lên tuổi tác
Phép màu nào chống chọi nổi thời gian?
Nhìn ngoài trời mây ngũ sắc bay ngang
Và tia nắng chia màu trên dây điện
Gió chẳng hẹn gió tìm cây ghé đến
Chiếc lá vàng rơi rụng xuống đất nâu…
Chở thời gian xê dịch giữa hai màu
Sợi tóc rụng, với hai bàn tay mỏi
Trang bản thảo ta thẫn thờ nhìn lại
Câu thơ nằm dưới bóng sợi tóc rung!
 
“Sợi tóc hai màu” của nhà thơ Vương Trọng là một bài thơ khá dài, gồm 8 khổ thơ viết theo thể truyền thống, vần điệu nhịp nhàng uyển chuyển, cấu tứ đầy đặn, khuôn phép. Rõ là giọng thơ tâm tình, tự tình của một người đang đứng ở bên kia đỉnh dốc của cuộc đời.
    Nhân vật trữ tình “Ta” đang đối diện với nàng thơ, nhưng bất chợt một sợi tóc trên đầu bứt ra từ “ bàn tay vô nghĩa”, tình cờ, hiển hiện ngay trước mặt. Sợi tóc nửa đen, nửa bạc,  khiến thi nhân phải tạm buông lửng nàng thơ mà đối diện trực tiếp, mà lặng yên nhìn “sợi tóc hai màu”, rồi cồn lên tâm trạng bộn bề xao xuyến, rưng rưng những liên tưởng trái chiều…
        Một nửa ánh ngày, một nửa đêm thâu
        Một phía dầm mưa, một ngày hửng nắng
Rồi:
        …sợi tóc nửa chiều, nửa sáng…
Tiếp đó là những thầm thĩ suy tư:
        Hai bàn tay căng sợi tóc ra
        Mong manh thế mà sao rắn chắc
        Trục thời gian tượng hình trước mặt
        Ta đang ta, hay ta khác ta rồi?
    Căng sợi tóc ra mà vân vê, mà vân vi suy nghĩ, thấy hiện lên hình hài vũ trụ, hình hài năm tháng, thấy nó như một “trục thời gian hai màu”, không lạ lắm, nhưng là một liên tưởng thú vị. Đến câu “Ta đang ta , hay ta khác ta rồi?” thì lại là một câu thơ hay. Một câu hỏi tu từ, thực đấy, mà huyễn hoặc đấy. Nó khuấy lên man mác một nỗi buồn sâu thẳm: Ta già rồi ư?!
    Thực ra, nếu như dừng lại ở khổ thơ thứ ba này, cũng đã có thể xem là một bài thơ hoàn chỉnh, lại còn có thể nói là một bài thơ hay, bởi ý thơ, tình thơ đã đủ. Những liên tưởng còn lại để dành cho độc giả, tự nó ngân lên bất tận những vang vọng xa xôi…Thế nhưng, thi nhân vẫn chưa thôi thổn thức, có lẽ bởi cung thanh cung trầm của hồn thơ đang lai láng chảy mà chẳng đặng dừng:
Phút bàng hoàng sợi tóc hóa gương soi
Khuôn mặt mình chập chờn sáng tối
Má đã vạch đường hằn không mong đợi…
Hình ảnh liên tưởng chuyển hóa theo mạch ngầm tâm trạng, từ trục thời gian, sợi tóc bỗng “hoá gương soi”, để theo đó, người thơ nhìn rõ gương mặt mình cũng “chập chờn sáng tối”, mà tự diễu mình, mà tự cuời cợt xót xa với chính mình: “Cười làm chi cho nham nhở nụ cười!”. Đã đành, đã biết, cái bản mặt mình kia đã cũ lắm rồi, đã nham nhở méo mó hầm hố rồi, cũng chẳng thể nào mông má lại cho ngon lành được, bởi quy luật kia cũng bất khả kháng, nhưng biết rồi biết thế lại càng đau !
Chưa đủ! Sợi tóc hai màu kia còn được nhìn ngắm như một “mũi tên dài”, đang bay theo chiều đen-trắng; ý nghĩ như cũng muốn vụt bay theo mũi tên kia; nguời thơ cũng ngỡ như mình đang bay theo mũi tên định mênh kia, rồi cũng sẽ đến khi nó tự rớt xuống một nơi nào đó, và cũng sẽ đến “cái tận cùng đâu đó chẳng còn xa”… Rồi sợi tóc hai màu ấy còn như một cái ba-ri-e của cuộc đời, đóng sập cửa lối vào vô hạn, không sao cưỡng lại được,  không một phép màu nào chống chọi nổi ! Rồi nhìn mây ngũ sắc bay ngang, nhìn “tia nắng chia màu trên dây điện”, rồi nghe gió đến, gió bứt đi chiếc lá vàng thu mà ném xuống vạt đất nâu …Thanh âm nhè nhẹ, tiếng của thời gian tĩnh lặng mà dào lên mênh mông cảm thức và chiêm nghiệm. Cuối cùng, cõi ảo cũng tan ra, lại trở về đối diện với thực tại, với sợi tóc hai màu mà vân vi “thẫn thờ nhìn lại/ câu thơ nằm dưới bóng sợi tóc rung”!...
Mở và khép, thực và ảo cùng với xôn xao bồng bềnh những suy tư về cái hữu hạn mỏng manh bất lực truớc biển trời số phận con người, gợi nỗi buồn trong trẻo. Biết thế, để làm chủ được mình, nói được tâm sự mình, cũng là tâm sự của nhiều người. Chợt nhớ, Vương Trọng là một thi sỹ vốn xuất thân là một Cử nhân Toán. Thế nên, có cái gì đó như là một lôgíc nội tại xuyên suốt bài thơ, căng ra như một niềm tâm tưởng, man mác như một tiếng thở dài…
Vương Trọng là một nhà thơ quân đội, thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh có một số bài thơ hay, đứng được với thời gian. Vương Trọng có điệu thơ riêng, không ồn ào to tát mà đằm thắm nhân tình, giàu chất suy tư chiêm nghiệm. “Sọi tóc hai màu” có lẽ là bài thơ tiêu biểu cho điệu thơ Vương Trọng chăng?
               
Hà Nội 20-01-2010