Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LUẬT CỦA TRÒ CHƠI

Nguyễn Vĩnh
Thứ năm ngày 10 tháng 6 năm 2010 11:02 PM
 
Một ngày trước World Cup 2010 khai mạc. Trên tivi được xem lại mấy trận cầu tiêu biểu của WC 2006, thời điểm là 4 năm về trước trên đất Đức. Trong số này có trận Anh – Ecuador ở vòng knock-out để vào tứ kết.
Tuyển Anh hôm đó thắng sát nút 1-0. Chỉ nhờ tài đá phạt của David Bekham. Như chiếc chân thần, với khoảng cách phạt trực tiếp gần 30 mét mà Beck đá thẳng được vào lưới Ecuador. Bóng sút căng, nhưng đường đi lại như cánh cung, va cột bật vào lưới. Thủ môn đối phương đổ người đúng hướng mà chịu, nhìn bàn thua trong tiếc nuối. Còn khuôn mặt Bekham thì rạng ngời. Anh chạy ùa ôm lấy đồng đội, nở nụ cười với hàng vạn cổ động viên Anh. Cô vợ người mẫu Victoria ngồi trên khán đài lúc đó cũng có một niềm vui vô bờ…
Cần nhớ ở sân bóng đó là thời điểm nghẹt thở. Cổ động viên từ Anh sang ngồi chật các khán đài với những đôi mắt rất buồn và đầy âu lo. Đội Anh thì chơi gần như bí rì về đấu pháp. Nên bàn thắng là quá quý. Quý như các viên kim cương đã đưa Anh tới tứ kết năm đó.
Viết những dòng trên hơi dài dòng nhưng tôi cũng không định sa đà vào chuyện World Cup. Dù đó là một đề tài rất hay. Mà tôi chỉ muốn nói về chuyện Bekham và nghĩ ngẫm một chút quanh ngôi sao bóng đá quá tuyệt vời này.      
Một ngôi sao sáng rực đến thế mà năm 2010 này chắc là tắt lặng. Tắt thật rồi. Bekham đã không có trong đội hình tuyển Anh tại Nam Phi.
Môi trường bóng đá nghiệt ngã ghê gớm. Những đôi chân được mua mỗi mùa chuyển nhượng tiền chục, tiền trăm triệu Euro/USD mà cũng chỉ trụ được dăm mười năm là cùng. Tức đội ngũ cầu thủ cỡ thế giới này phải đua tranh khủng khiếp để có “chỗ đứng dưới mặt trời”.  
Bóng đá, một trò chơi thôi, nhưng là một trò chơi đòi hỏi năng lực phi thường của con người. Vắt kiệt sức cho sự nghiệp cầu thủ, nhiều cầu thủ bóng đá tài giỏi cỡ thế giới vẫn bị “gạt ra lề” khi phong độ đi xuống. Họ đều tự nguyện chấp nhận cái luật khắc nghiệt này.
Trong nhiều nghề nghiệp khác với bóng đá đại thể cũng theo quy luật đào thải đó. Chỉ có đào thải - tuyển lựa - đào thải - tuyển lựa một cách liên tục thì cái nghề đó mới có người giỏi làm việc và hoạt động.
Nhưng đáng suy nghĩ là cái nghề lãnh đạo quản lý ở ta nó không được như vậy. Càng ở những vị trí béo bở hiện tượng ngồi ỳ giữ ghế là phổ biến. Có thể dẫn chứng nhiều trường hợp đã được công khai trên báo chí. Người kém tài nhưng trong dây dợ, khéo luồn lọt vẫn cứ chiếm ghế. Không kể chạy chức chạy quyền. Không kể những dối trá về đào tạo, về bằng cấp để có đủ tiêu chuẩn giữ chắc ghế…
Nên trong nhiều cơ quan nhà nước mấy năm nay có hiện tượng chảy máu chất xám. Người giỏi người tài buộc phải dứt áo ra đi.
Chợt nghĩ nếu môi trường đáng lẽ cần nhất là người tài thực sự để lãnh đạo quản lý đưa đất nước tiến lên này có được cách thải loại như trong bóng đá đỉnh cao thì tốt biết mấy. Nghĩa là giỏi thì phát huy. Chững lại là bị người khác thay thế ngay.
Cái luật của trò chơi trong trường hợp này được vận dụng thì quý biết bao nhiêu.
Nguyễn Vĩnh 
-----------------------------
Nguồn: Hầu chuyện Blog -
http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?new=1&mid=1342