Đổi mới là một vấn đề lớn được đặt ra ngày một bức thiết, trong sáng tác văn học nói chung và trong tiểu thuyết nói riêng. Ngày nay, sự lên ngôi của nhiều loại hình nghệ thuật đã làm cho văn học bị “chia sẻ’ công chúng, vấn đề đặt ra là văn học phải đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Trong các nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới, nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đã bắt kịp xu hướng mới, đưa vào tiểu thuyết yếu tố kỳ ảo với số lượng tác phẩm phong phú, được dư luận chú ý và là cây bút đạt được các giải thưởng văn học. Ở thể tài tiểu thuyết cho thấy, Vũ Xuân Tửu là nhà văn có nhiều triển vọng.
Cái kỳ ảo là điều phóng túng, không tuân theo lô gích tự nhiên, được các nhà văn sử dụng khám phá thế giới bí ẩn trong hiện thực khách quan và tâm hồn con người. Đó là một khuynh hướng đổi mới văn học từ việc đổi mới cách nhìn hiện thực. Vũ Xuân Tửu là một cây bút nhạy bén trong việc làm mới văn chương. Ông sử dụng những yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm của mình, nhằm tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng. Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm của ông mang dấu ấn dân gian đậm nét, với ngòi bút hóm hỉnh mà sâu sắc. Ông gửi gắm vào tác phẩm của mình những thông điệp về chân, thiện, mỹ, về giá trị con người trong một thời đại mà mọi giá trị đều đang biến đổi.
Tiểu thuyết “Hình bóng đàn bà” nhuốm màu sắc hư ảo, cái siêu nhiên xâm lấn vào thế giới tự nhiên, mang lại cho câu chuyện sự bí ẩn, hoang đường giữa cuộc đời thực. Bằng yếu tố kỳ ảo xen giữa yếu tố thực, ta thấy cuộc sống hiện đại với những ngẫu nhiên, bất ngờ, cả những bất ổn mà con người gặp phải. Con người phải đối mặt với những cái phi lý, hoang đường một cách hiển nhiên, trong cuộc đụng độ đó, có sự trả giá cho những sai lầm, những đam mê.
Việc xây dựng những biểu tượng phong phú; ngôn ngữ đa cảm giác, giàu hình ảnh; giọng điệu đa dạng; không gian, thời gian được tổ chức linh hoạt, Vũ Xuân Tửu đã dựng nên một thế giới vừa ảo, vừa thực trong tác phẩm. Nhà văn gửi gắm thông điệp của mình trong một cuốn tiểu thuyết cực ngắn, nhưng lại mang ý nghĩa nhân sinh và nghệ thuật mới, mở ra hướng đi cho chặng đường dài.
Sử dụng cái kỳ ảo trong tác phẩm là một khuynh hướng đang được các nhà văn đề cao. Tiểu thuyết “Hình bóng đàn bà” của Vũ Xuân Tửu trở nên sống động bởi yếu tố kỳ ảo. Cái kỳ ảo trong trang viết của ông xuất phát từ hiện thực, nhưng đậm đà yếu tố dân gian. Nhờ tinh thần sáng tạo, sự suy tư tìm tòi của người cầm bút đã thể hiện sự giao thoa giữa cái tự nhiên và cái siêu nhiên, hòa trộn giữa mộng và thực, tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa gần gũi, vừa xa lạ với độc giả.
Bằng việc xây dựng những nhân vật vừa ảo, vừa thực giữa cuộc đời “Hình bóng đàn bà”, gợi lên hình bóng những của con người trong quá khứ, thế lực siêu nhiên – Vũ Xuân Tửu đưa ra quan niệm của mình về hiện thực. Mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại theo quan hệ nhân quả, có liên quan mật thiết với nhau. Giữa cuộc đời thực đôi khi có cả cái kỳ ảo, và con người trong xã hội phải phân thân để sống. Nhà văn đồng thời đưa ra những thông điệp về lối sống của con người trong xã hội kim tiền. Con người rất có thể sẽ trở thành “cái bóng” nếu không biết chọn cho mình một lối đi. Nhà văn đưa ra mệnh đề mang tính đối thoại với người đọc về lối sống. Sống hoài cổ, nhu nhược để giữ hòa khí hay sống hết mình theo bản năng? Đâu là lối sống đúng trong xã hội đang đổi thay nhiều giá trị, con người đang băn khoăn tìm lối đi.
Qua việc xây dựng những sự vật, sự kiện lạ diễn ra lẫn với những cái bình thường của cuộc sống, qua cảm quan của con người hiện đại. Khi tư duy lí trí không còn độc tôn, con người đi đến sự hoài nghi. Thể hiện những cái siêu nhiên trong thế giới tự nhiên, Vũ Xuân Tửu đưa ra cái nhìn vạn vật hữu linh, mang lại linh hồn cho mọi vật. Bên cạnh đó, nhà văn thể hiện quan niệm về sự quả báo trong cuộc đời, cảnh tỉnh con người trước cái ác, cái xấu đang ngày càng xam lấn vào cuộc sống.
Xây dựng những giấc mơ kỳ ảo giữa đời thường, Vũ Xuân Tửu cho thấy đời sống tâm linh phức tạp. Sự linh ứng của những giấc mơ trong tiểu thuyết, khiến cho câu chuyện thêm phần hư ảo, tạo chiều sâu suy tư cho người đọc. Giữa những giấc mơ kỳ ảo ấy, con người đang tìm cho mình một lối sống phù hợp, tự đưa mình ra khỏi những ảo ảnh của cuộc đời.
Việc tổ chức tác phẩm có nhiều mới mẻ, cuốn tiểu thuyết gây chú ý ngay từ hình thức của nó. Mặc dù rất ngắn gọn nhưng cuốn tiểu thuyết hàm chứa nội dung tư tưởng phong phú, do nhà văn đã xây dựng được trong tác phẩm một hệ biểu tượng cùng thế giới kỳ ảo, bằng cách tổ chức không gian, thời gian, sử dụng linh hoạt ngôn ngữ, giọng điệu.
Tình yêu và trách nhiệm của Mộc dành cho Lụa có phải là một sự cứu cánh, cứu chuộc thân phận, làm cuộc đời hai người đáng sống, cuộc sống có ý nghĩa hơn hay nó chỉ mang lại hệ lụy cho cả hai người? Trong xã hội kim tiền, tình yêu và thân phận con người trở thành một vấn nạn. Con người cần cho mình một lối sống phù hợp để không tự đánh mất mình, để vượt thoát sự tầm thường, thoát ra khỏi sự tha hóa, cám dỗ của đồng tiền. Đó là những thông điệp mà Vũ Xuân Tửu gửi gắm trong tác phẩm của mình, thể hiện trách nhiệm trước thực trạng xã hội đang xuất hiện nhiều cái phi nhân tính, không đảm bảo cho cái đẹp, cái thiện phát triển. Đó cũng là nỗi niềm sâu thẳm của một cây bút với cuộc sống con người.
(Trích nội dung phần tiểu kết và kết luận)