Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI LÀ NGƯỜI VỢ TRONG BÀI THƠ “GỬI NGƯỜI VỢ MIỀN NAM” CỦA NGUYỄN BÍNH ?

Trần Đình Thu
Chủ nhật ngày 30 tháng 5 năm 2010 1:32 PM
 
Trong số các nhà thơ tiền chiến, Nguyễn Bính là người có cuộc sống lãng mạn vào bậc nhất. Ông lưu lạc khắp từ Bắc chí Nam, đến đâu cũng để lại cho đời những thi phẩm đặc sắc và để lại cho riêng mình những mối tình nhiều trắc ẩn. Một điều đặc biệt, ông hay đưa chuyện người thật việc thật vào thơ, chính vì thế mà ngày nay ta mới có dịp khám phá ra những góc khuất trong cuộc đời thơ đầy thú vị của ông, mà trường hợp bài thơ “Gửi người vợ miền Nam” là một ví dụ.
 
Một cuộc tranh cãi về bài thơ
 
Một buổi chiều giáp tết Canh Dần vừa qua, bất ngờ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – Thư ký Tòa soạn báo Kiến Thức Gia Đình gọi điện cho tôi. Anh cho biết đang có một cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Minh Chuyên cùng một số văn thi sĩ đất Hà thành. Chủ đề khiến mọi người tranh luận sôi nổi về việc ai là đối tượng được đề cập trong bài thơ “Gửi người vợ  miền Nam” của thi sĩ Nguyễn Bính. Tôi bất đắc dĩ trở thành một người tham gia cuộc tranh luận qua điện thoại với nhóm văn nghệ sĩ này. Qua cuộc đối thoại này, cũng như trước và sau thời điểm đó, tôi cũng đã đi sưu tầm một số tài liệu liên quan đến chủ đề nêu trên.

Trước khi nói tiếp chuyện này, tôi xin nhắc lại hành trình của nhà thơ Nguyễn Bính vào giai đoạn từ 1945 cho đến cuối đời để tiện theo dõi. Theo các tài liệu, khoảng tháng 4 năm 1945, khi chiến tranh bắt đầu hiện diện trên đường phố Sài Gòn, Nguyễn Bính rời Sài Gòn về vùng sông nước miền Tây Nam bộ để tham gia kháng chiến (trong loạt bài Nguyễn Bính – thi sĩ giang hồ trích từ cuốn sách cùng tên chưa xuất bản, được đăng dài kỳ trên báo Thanh Niên tôi chưa nói đến giai đoạn này). Tại đây Nguyễn Bính đã lần lượt có quan hệ hôn nhân với hai người phụ nữ. Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra miền Bắc. Năm 1956, sống ở miền Bắc, ông sáng tác bài thơ “Gửi người vợ miền Nam” với những nỗi niềm day dứt tha thiết. Một góc độ nào đó, bài thơ này cũng tương tự bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh, là nói lên tình cảm của người miền Bắc đối với nửa đất nước miền Nam thân yêu:
 
“Thư một bức nghìn lời tâm huyết
Đêm canh dài thức viết cho em.
Bồi hồi máu ứ trong tim
Chảy theo ngòi bút hiện lên thư này.
Thư mọc cánh thư bay khắp ngả
Rộn muôn lòng, hoa lá xôn xao
Thư đi núi thẳm đèo cao
Bay qua giới tuyến đậu vào tay em”
 
Trở lại chuyện tranh cãi ở trên. Vấn đề đặt ra là, một trong hai người phụ nữ sống với Nguyễn Bính ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ trong giai đoạn 1945 – 1954 đó, ai là đối tượng được bài thơ đề cập? Hiện nay, sách vở báo chí hầu như chỉ ghi nhận bà Hồng Châu (mẹ của bà Nguyễn Bính Hồng Cầu) là đối tượng của bài thơ này. Thí dụ bài viết “Người vợ miền Nam của thi sĩ Nguyễn Bính” đăng trên báo Văn Nghệ Công An, tác giả Việt Trần viết: “Sau Cách mạng Tháng Tám, khi công tác ở Nam Bộ, thi sĩ Nguyễn Bính đã gặp và cưới một người mà ông thân thương, trìu mến gọi là “người vợ miền Nam” của ông. Bà Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà) - vợ cố thi sĩ Nguyễn Bính năm nay đã 87 tuổi, sống trong một căn nhà nhỏ êm đềm ở làng hoa Gò Vấp - Tp.HCM…”.
Trong bài “Nguyễn Bính với cố nhân” đăng trên Thanh Niên mới đây, tác giả Hà Đình Nguyên cũng ghi nhận bà Hồng Châu là “Người vợ miền Nam” khi viết: “Người vợ miền Nam” nghe tin chồng mình qua đời cũng từ báo chí Sài Gòn nhưng phải nuốt ngược nước mắt vào trong, không dám hé lộ một điều gì. Phải đến những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bà mang con vào lại chiến khu, khi ấy mới tiết lộ cho con gái biết cha mình chính là nhà thơ Nguyễn Bính… Hồng Cầu có cái “gien” thi sĩ của cha…”.
Những nhận xét như trên không chỉ bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu. Trước kia khi chưa nghiên cứu kỹ về Nguyễn Bính, tôi vẫn cứ tin như vậy. Cho đến khi tôi đọc lại bài thơ “Gửi người vợ miền Nam” của ông và phát hiện ra sự nhầm lẫn. 
 
“Xét nghiệm” bài thơ
 
Khi về sống ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ, đầu tiên Nguyễn Bính sống với bà Hồng Châu, tên thật là Nguyễn Lục Hà. Theo tài liệu của báo Văn Nghệ Công An, trước khi gặp Nguyễn Bính, bà Hồng Châu đã có chồng và có một đứa con gái. Khi Nguyễn Bính rời Sài Gòn về vùng kháng chiến, bà Hồng Châu được tổ chức “mai mối”  cho Nguyễn Bính (theo một số tài liệu, tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ cho bà phải lấy Nguyễn Bính để giữ chân ông, vì lúc đó máy bay của chính phủ thân Pháp thường xuyên bay trên trời, phát loa và thả truyền đơn kêu gọi Nguyễn Bính về thành). Theo tài liệu của tuần báo Văn Nghệ Quân Đội, lấy nhau được một thời gian ngắn, Nguyễn Bính bỏ đi, sau đó làm thủ tục ly hôn với bà Hồng Châu. Tờ ly hôn do Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Cà Mau đóng dấu ngày 03 tháng 08 năm 1952, ghi rõ việc giải quyết ly hôn cho hai người. Sau đó Nguyễn Bính cưới bà Mai Thị Mới, quê ở Bến Tre. Đầu năm 1954, bà Mới sinh con gái, đặt tên là Hương Mai.  
Trong bài thơ “Gửi người vợ miền Nam”, Nguyễn Bính viết:
 
“Trải chín tháng mười ngày mong mỏi
Sớm đầu xuân ấy buổi khai hoa
Hương Mai tên xóm quê nhà
Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai”
“Anh tập kích hạ đồn Ngã Bảy
Em vần công phát rẫy Kinh Ba
Hương Mai quấn quýt bên bà
Mẹ cưng cháu nhỏ tuổi già thêm vui”
 
Như đã nói, Nguyễn Bính là người luôn đưa người thật việc thật vào thơ, nên chi tiết này chứng minh rõ ràng rằng bài “Gửi người vợ miền Nam” là viết cho bà Mai Thị Mới. Mặt khác, trước đó ông đã ly hôn với bà Hồng Châu, nên không thể nào có chuyện thương nhớ bà Hồng Châu khi ra sống ở miền Bắc mấy năm sau đó. Một điều kỳ lạ mà tôi chưa hiểu, là tại sao bài thơ viết rõ như thế, nhưng nhiều người vẫn lý giải sai về nó?
Theo tài liệu báo Văn Nghệ Quân Đội, năm 1957, bà Mới và Hương Mai về lại quê hương ở xã Phong Nẫm, huyện Mỏ Cày - Bến Tre. Thời kỳ này bà phải giấu biệt tông tích vợ cán bộ kháng chiến và phải thay tên đổi họ cho Hương Mai. Ở xã có một bé gái con của người bà con trạc tuổi Hương Mai bị bệnh chết. Người dượng là một cán bộ cách mạng đã nhận làm cha Hương Mai, hợp thức hóa giấy khai sinh mang tên Trần Thị Hường để đi học. Hương Mai giống Nguyễn Bính như đúc. Chị học rất giỏi, về sau từng làm Phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Bến Tre và hiện nay là Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre.
 
Cần ghi nhận đúng thực tế bài thơ
 
Anh Hà Đình Nguyên là chỗ quen thân với tôi, nên khi tôi điện thoại hỏi sao anh lại viết như thế, anh cười bảo, thì mình có biết đâu, người ta nói sao mình viết vậy. Rồi như để “chữa cháy”, anh nói “Có thể Nguyễn Bính viết bài thơ này cho cả hai người, nửa đầu viết cho người này, nửa sau viết cho người kia”. Tôi nói nếu thế thì anh sửa lại cái tựa bài thơ là “Gửi hai người vợ miền Nam” giùm cho nhà thơ Nguyễn Bính.
Đấy là chuyện nói đùa. Nhưng về mặt văn học sử, chúng ta cần nghiêm túc đối với các tác phẩm của nhà văn lớn, nhà thơ lớn. Bởi những giải thích không nghiêm túc sẽ tạo ra những nguồn tư liệu sai lạc, gây tác hại cho việc nghiên cứu văn học sử về sau này. Tôi đề nghị các nhà văn nhà báo nhà nghiên cứu không nên đơn giản hóa vấn đề như trên.
 
*Nguồn: Bài in trang 10, Báo Đời Sống & Pháp Luật Cuối Tuần số 9 (từ ngày 30-5 đến ngày 5-6-2010)