• Người từ đâu tới?
Có một số thuyết nói về thuỷ tổ loài người, duy tâm và cả duy vật. Nhưng tôi thì chưa chắc tin hẳn vào thuyết nào, bởi tôi hoài nghi tất cả. Và bởi con người hiện đại vẫn còn đang cật vấn chính mình, còn đang không ngừng sản sinh ra những học thuyết quẩn quanh, mê sảng…
Nhưng có một điều tôi tin, rằng con người muốn tồn tại, thì phải kiếm lấy cái gì để ăn. Và gieo trồng để có cái ăn ổn định, đó là một bước tiến đến văn minh không thể khác. Nông dân có từ đấy, và còn đang gieo trồng cấy hái đến tận mai sau…
• Nông dân Việt Nam, Người là ai?
Có thể họ là những người chui ra từ trong rừng sâu núi thẳm, bất ngờ nhìn thấy trời xanh và miền đất bằng phẳng bao la, bạt ngàn cây cối tốt tươi và những dòng sông chảy mãi tới chân trời. Thế là họ rủ nhau ở lại, chặt cây dựng nhà, moi đất đắp tường. Thế là thành gia đình. Nhiều gia đình quần tụ với nhau, thế là thành làng. Họ phát cây vỡ đất gieo trồng. Họ thuần hoá thú hoang, thành gia súc gia cầm, bắt chúng kéo cày, bắt chúng đẻ con đẻ trứng mãi không thôi. Gieo vãi cấy cày để có cơm ăn, chăn nuôi gia súc gia cầm làm bạn, đồng thời phục vụ chính mình, đó chính là nông dân vậy!
• Hạt lúa, đất đai, làm nên Xã Tắc.
Xã Tắc đồng nghĩa với Tổ quốc, hay là một cách gọi khác của Tổ quốc. Vậy thì nông nghiệp chẳng phải là linh hồn của Tổ quốc đấy ư? Chẳng phải nông dân là chủ nhân, là linh hồn của đất nước đấy ư?
Con người thông minh, con người hiện đại, và cả con người thông minh một cách ngu xuẩn nữa, khởi thuỷ, cũng đều từ hạt phù sa, từ hạt gạo mà ra cả. Tộc người Lạc Việt chúng ta, ngày nay ước khoảng chín chục triệu người, ở Việt Nam, ở khắp nơi trên thế giới, thử hỏi, có mấy ai không gốc gác nhà quê, không có bà con nội ngoại là nông dân? Tôi không tin những người đứng trên nông dân, đứng ngoài luống cày, có thể huyênh hoang khoác lác dạy bảo hạt lúa, dạy bảo củ khoai, cũng như chả tin những kẻ ăn bát cơm thơm mà chẳng thương xót người một nắng hai sương gieo vãi cấy cày làm ra hạt gạo. Nhẽ đời giản đơn là vậy!
Có người chê nông dân là những người có đầu óc thiển cận, những Lý Toét, và đôi khi, cả những Chí Phèo, Thị Nở…Tiểu nông, tư hữu, hẹp hòi…Họ muôn đời không thể làm lãnh đạo, chẳng thể lãnh đạo được ai. Tôi thì không hẳn tin như thế! Những vị vua khởi nghiệp và những tướng lĩnh tài ba ở nước ta, hoặc ví như những Chu Nguyên Chương…ở bên Tàu, chẳng phải là họ cũng từ nông dân mà ra cả đấy sao?
Những người dân quê cần cù, lương thiện, yêu quê hương đất nước của mình hơn ai hết. Khi có kẻ thù đến phá hoại ngôi nhà nhỏ bé của họ, phá hoại cuộc sống bình yên của làng quê họ, thì họ phải tự đứng lên, tự xông ra, với gậy tầm vông, với mã tấu dao phay, một sống một chết với kẻ thù, trước khi có ai đó tập hợp, chỉ huy hướng dẫn họ. Họ dũng mãnh tả xung hữu đột, kẻ đâm ngang, người chém ngược, bọn hè trước lũ ó sau, liều mình như chẳng có, mà “chẳng đợi ai đòi ai bắt”, chẳng đòi hỏi công trạng gì. Dẫu cho xác phàm vội bỏ, danh thơm còn mãi với cỏ cây sông núi…
Máu nông dân đổ xuống luống cày, nhuộm đỏ đất Điện Biên, nhuộm đỏ đất đai Quảng Trị và những dòng sông Nam bộ, dựng lên tầm vóc thiêng liêng một dân tộc bền gan, thông minh và bất khuất. Giặc tan rồi, những anh lính nông dân lại trở về với ruộng đồng, với ngôi nhà xưa nho nhỏ, lại gieo vãi cấy cày và suy nghĩ về hạt gạo củ khoai. Thời kỳ đổi mới, nông dân mới dần dần thoát khỏi sự ràng buộc vô lý của cơ chế cũ. Nhà nước không thể “cưu mang” được họ như mong muốn, buộc phải buông ra, và nông dân tự cứu lấy mình. Họ phải suy tư nung nấu về nồi cơm còn vơi, về đồng tiền bát gạo cho con cho cháu, nên họ phải tự lo lấy đồng lưng vốn eo hẹp, sang Thái sang Tàu mà học cách gieo trồng, học cách nuôi con gà con vịt, con cua cái ốc, sao cho được nhanh hơn, nhiều hơn. Họ cày cuốc và suy nghĩ trên luống cày của họ. Họ chắt chiu từng đồng vốn, tự cải tiến máy móc, chứ chả ai giúp họ. Thế mà họ đã làm lên một nền nông nghiệp to lớn Việt Nam. Họ thật vĩ đại!
Nông dân giỏi giang và tốt bụng. Họ ít kêu ca. Mà thực ra, họ cũng chẳng biết kêu ai, hay có cất lên tiếng kêu thảm thiết, thì cũng chả có ai chịu nghe họ. Hoặc là có người nghe thấy đấy, nhưng mà giả câm giả điếc, nào có ai quan tâm thương xót họ? Bất quá, không chịu nổi, họ đành phải rủ nhau đi khiếu kiện. Mà khiếu kiện ai? Họ khiếu kiện chính mấy ông con ông cháu của mình, đang là những người cầm cân công lý. Ai thắng, ai thua, khỏi phải luận bàn cũng rõ.
Người nông đân đổ máu vì một tấc đất cắm dùi, bao đời nay vẫn thế. Nhưng họ lại là người hào phóng bậc nhất thiên hạ, chả có ai bằng. Cần giải toả làm đường ư? Xin sẵn sàng! Làm trường học cho trẻ nhỏ ư? Xin sẵn sáng! Có người sẵn sàng hiến tặng cho việc chung hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn mét vuông đất ông bà để lại. Ai bảo họ không yêu nước? ai chê họ là dốt đặc cán mai, dại dột ngu ngơ? Họ vô tư trong sáng và vĩ đại, hơn bất cứ ai. Họ đáng kính trọng gấp vạn lần những anh “đầy tớ” hậu sinh hư hỏng…
Tổ quốc này ngàn lần yêu dấu, cha ông phải bao máu xương mới bảo vệ được. Nông dân vốn hiền lành chất phác, giàu đức hy sinh, giàu lòng vị tha nhân ái. Nhưng họ còn quá nhiều thiệt thòi, còn không ít ẩn ức chua cay. Hãy hướng về những vùng quê còn nghèo, những bản làng heo hút. Hãy biết ơn hạt lúa củ khoai mà đem đến nhiều niềm vui và sự công bằng cho người cày cấy, bởi con cháu họ đang cầm súng ngoài biên cương hải đảo, vì sự bình yên của Tổ quốc, trong đó có sự bình yên của những biệt thự hàng triệu đô la. Vạn nhất, Tổ quốc có nguy cơ bị ngoại bang đe doạ tấn công, nông dân lại sẵn sáng dẹp bỏ những điều vụn vặt, mà cầm ngay khẩu súng xông ra “mặt tiền” tức khắc. Nông dân Việt Nam thật vĩ đại!
Hà Nội 28-052010