Ông già nhà văn này đến lạ. Tóc trắng xõa ngang đầu, áo vải phất phơ, trông hệt như một kiếm khách giang hồ hành đạo. Sống giữa đất thủ đô, từ năm 1975 đến giờ, nhà thì chả có, xe cũng không, đi đâu là nhờ cả vào mấy bác xe ôm và anh taxi.
Bao nhiêu năm nay, thấy bọn trẻ ở đâu đau ốm, hay có hoàn cảnh khốn khó là ông lại thức đêm ì ạch viết, kiếm vài chục triệu nhuận bút thế rồi lại cho bằng sạch. Có anh bạn thân nào cần in cuốn thơ, quyển truyện, ông đôn đáo chạy vạy lo tiền, xăng xái rút hầu bao, nhiều khi tiêu nhẹm đến đồng xu cuối cùng.
Con người kỳ cục này là ai thế. Xin thưa! Chính là nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ông đã làm kha khá chuyện ngược đời. Ví dụ như vụ ông làm một lúc mấy cái xin. Xin về hưu, xin ra khỏi Hội Nhà văn, và xin...
Muốn nói gì thì nói, người ta vẫn phải công nhận, sách ông viết về Hà Nội chất cao hơn đầu đủ các thể loại: tiểu thuyết, sử thi, ký, kịch bản phim, kịch bản sân khấu mà thể loại nào khối lượng cũng đồ sộ, như thể có một dòng nham thạch khổng lồ ở con người này cứ tuôn trào chảy mãi không thôi... Hiểu biết sâu sắc về Hà Nội, lao động như một con trâu cày, kiến thức uyên thâm, và uy tín đến độ kịch bản cho đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi chỉ ông chấp bút là người ta mới yên tâm, tin tưởng giao phó. Một lần, cách đây ít lâu, tôi qua nhà ông chơi, chứng kiến ông giữa bãi chiến trường với cơ man nào là toan giấy và màu nước. Ái chà! Ông nhà văn thích làm họa sĩ đây mà.
Định hỏi chuyện ông về cái nghề tay ngang này, nhưng, chưa độ 5 phút thì chuông điện thoại réo, nào Bộ Ngoại giao, tiếp đến Trung ương Đoàn, gọi hỏi ông cho ý tưởng. Ông đang nói chuyện với Trung ương Đoàn rất vui vẻ xăng xái thì chiếc điện thoại di động của ông đổ từng hồi dài, lại đến Bộ Công an... Ôi chao! Ông nhiều việc quá thế này, tha cho ông thôi, để khi khác đến quấy quả ông vậy.
Trở lại gặp ông lần này khi ông đã hoàn thành xong xuôi từ kịch bản đề cương cho đến kịch bản chi tiết chương trình Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi trình Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là ông và tôi có thể con cà con kê đủ các thứ chuyện trên trời, dưới bể.
PV: Nhìn những đầu việc ông làm mà khen ông thì hóa ra bằng thừa, nhưng vẫn phải nói: Đúng là ông Phục, phục tài ông quá!
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Ôi dào! Nói thật là chưa bao giờ tôi đi họp nhiều như từ lúc về hưu cho đến giờ. Mà cuộc họp nào cũng kính thưa, kính gửi nhiều quá, đến sốt hết cả ruột. Mình chỉ muốn bàn đến cái việc trọng tâm cho xong đi, rồi thì lại nhanh chóng mà còn làm các việc khác nữa chứ. Quỹ thời gian đâu có nhiều, nên cứ phải vắt chân lên cổ mà chạy đua với thời gian...
PV: Ông mang tâm trạng nước sôi lửa bỏng để viết kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vậy cảm xúc trong ông khi chấp bút viết nó sôi sục ra sao?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Cảm xúc lớn nhất thấy Việt Nam là một đất nước có thời gian dài dằng dặc đau khổ, nhưng đầy kiêu hãnh. Dân tộc ta lúc bình thường thì cũng còn nhiều nhược điểm, nhưng nền văn hóa lớn nhất của chúng ta là nền văn hóa Diên Hồng. Và, lúc bình thường Diên Hồng không có tác dụng mà chỉ có tác dụng khi đất nước lâm nguy thì văn hóa Diên Hồng mới bộc lộ rõ. Tất cả hục hặc, chia rẽ, quyền lợi cá nhân lúc đó mới dẹp sang một bên để nhường chỗ cho khát vọng, giành chiến thắng, giành độc lập. Bây giờ chúng ta tỉnh táo hơn, khoa học hơn vậy làm sao cho văn hóa Diên Hồng trở thành thường trực hơn, và ngày càng mạnh mẽ!...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và cố nhà văn Kim Lân.
PV: Ông là người vô cùng hào phóng khi mang hết đồng tiền nhuận bút các kịch bản ra cho trẻ nhỏ, như vụ mổ tim cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Có đáng gì đâu...
PV: Nhưng vì lòng hảo tâm của ông mà nhiều người đến hơn...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Đến với đứa trẻ đó.
PV: Đến với ông nữa chứ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Ồ! Đúng rồi, họ tin điều này: Trông lão lẩm cẩm đấy nhưng lão mà nói điều gì thì nhất định lão làm. Ca mổ tim đó nhiều người giúp chứ tôi giúp được hai mấy triệu ăn thua gì. Ngày 19-4 năm ngoái, kịch bản Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được trả nhuận bút 39 triệu đồng tôi cho hết trẻ em miền núi, cái làng ở Kon Tum ấy. Tôi bảo Ủy ban Dân tộc tỉnh Kon Tum làng đấy còn có hai trăm người đói khổ, khoảng năm chục đứa trẻ đang sống trong đó, mà tôi có 39 triệu thôi thì ai đó bù thêm 1 triệu thành 40 triệu để cho 50 đứa trẻ, thế là tỉnh họ cho thêm 1 triệu nữa.
PV: Ông cứ xông xênh với thiên hạ như thế thì liệu trong gia đình ông có ai phàn nàn gì không?...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Không đâu, nhà tôi hiểu rất rõ tôi mà, bao nhiêu năm nay tôi vẫn vậy chứ đâu phải chỉ bây giờ. Nhà tôi không dư giả gì đâu. Vợ tôi là hiệu trưởng về hưu, con cả của tôi làm ở báo Phụ nữ Sài Gòn, đứa thứ hai thì dạy học, đứa thứ ba cũng đi tập tọng viết như bố. Tôi vừa làm nhà cho con ở Sài Gòn vẫn đang nợ tiền, trả lãi ngân hàng nhưng tôi bảo với con tôi: Thôi con ơi việc này cho bọn trẻ con trước đã, còn mình có thời gian, sức lức mình xoay sở, mình tính sau. Con tôi nghe ngay. Tôi cứ lẩn thẩn thế nhưng mà vui...
PV: Ông giúp mọi người nhiều như thế thì có bao giờ giúp đến đồng xu cuối cùng của mình?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Nhiều chứ lị, tôi mà nóng mắt lên là cho tất, rồi sau đó tìm mọi cách cày để kiếm tiền. Kiếm tiền bằng lao động, chứ chả còn cách nào khác. Tôi không xin ai bao giờ cả... Khi nào thấy bọn trẻ con khó khăn, tôi lại loay hoay nghĩ cách, hết cách rồi thì viết báo. Thấy có những ca trẻ em trong hội chữ thập đỏ gặp khó khăn, tôi nhấc máy gọi ngay cho một tờ báo quen bảo với Tổng biên tập: Anh đang không có tiền, bây giờ cậu cho anh viết chuyện trinh thám dài kỳ nhé, in xong cậu trả nhuận anh bút thật cao lên, nhuận bút đấy anh cho hết bọn trẻ. Cậu được cái lợi là có bài báo, còn anh có cái lợi là cho được tiền trẻ con. Thế là cậu ấy đồng ý, cuối cùng cũng kiếm đâu được hai mấy triệu, nhưng như thế có nghĩa là tôi mất hơn một tuần ngồi bịa đặt đủ các thứ, trinh thám, thám tử thế nào...
PV: Có ai bĩu môi dè bỉu ông là GS Biết tuốt, lĩnh vực nào cũng nhẩy vào không, nào thì hết sử thi, lịch sử lại trinh thám dài kỳ...?!
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Có chứ lị. Có người xỏ xiên: Văn chương của ông á... chả ngửi nổi!. Tôi mới bảo: Vâng, đúng thế! Tôi xin lỗi các vị nhá. Tôi không làm văn chương, mà các vị bảo tôi viết vơ bèo vạt tép. Tôi cũng không xấu hổ đâu, các vị đừng mong tôi xấu hổ. Những chữ vơ bèo vạt tép ấy thật ra lại là những chữ rất cao cả. Nó cao cả hơn tác phẩm tôi đã từng viết, còn các ông thích nói gì cứ nói. Kể cả các ông bảo tôi ham danh tiếng, thích người khác biết đến mình cũng được. Vậy hãy thử làm như tôi đi, có làm được không hay chỉ ở đấy khoác lác?!. Tôi chưa nói đến các hội viên, tôi yêu cầu mỗi đảng viên hãy làm ngay việc gì tốt có thể cho người bên cạnh mình thì chắc chắn xã hội phải khác.
PV: Nhân tiện đây cũng xin hỏi nhà văn, một câu xưa như trái đất: Thành công nhất của một con người là gì? Và thành công nhất của một nhà văn là gì?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Thành công nhất của con người mà thành công cao nhất so với cả nhà văn nữa là sống hết năng lực của mình cho điều mình cho là quan trọng nhất. Đấy chính là hạnh phúc. Nhà văn cứ tưởng rằng quan trọng nhất là kiệt tác. Tôi chả biết với người khác thế nào chứ với tôi chưa chắc mình đã viết được kiệt tác nhưng hạnh phúc là nhà văn được sống trong đất nước nào cơ. Bản thân anh ta không có tác phẩm Nobel nhưng được sống trong một đất nước hạnh phúc, ấy mới là lý tưởng, chứ anh ta được Nobel nhưng sống trong một đất nước đau khổ thì vô ích. Một đất nước được tôn trọng, mọi người được sống yên, trẻ con không bị làm nhục, đất nước không bị xâm phạm thế là nhất rồi.
Trần Mỹ Hiền