Chúng tôi lên Yên Bái vào tháng cuối năm. Theo hẹn hò của bạn bè trong hội Văn nghệ Yên Bái. Một vài anh em chúng tôi chưa có dịp lên vùng Tấy bắc xa xôi này, chưa hình dung rõ nét núi đồi trung du và rừng núi trập trùng nơi biên ải, có người trong chúng tôi coi chuyến đi có phần bụi bụi bởi đường xá xa xôi và hầu như tự túc này là lên Miền Tây. “Lên Miền Tây”, nghe đúng có vẻ xa xôi vời vợi và heo hút hơn.
Miền Bắc vừa qua một đợt rét. Hà Nội cũng vậy. Cái lạnh không có gì là đột ngột với người Hà Nội. Nhưng năm nay như có khác, người Hà Nội phải chờ rét. Chờ mãi rồi cũng đến. Đợt lạnh vừa qua có lẽ là đợt lạnh đầu tiên, dù mùa đông về đã lâu. Về đêm, nhiệt độ cũng mới chỉ quanh quẩn 14 đến 15 độ. Chắc cái lạnh đó cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng ở mạn Bắc, nơi biên cương đầu sóng, đầu gió, cái lạnh thấm sâu hơn và khắc nghiệt hơn. Truyền hình đưa tin Sa Pa có băng. Băng đóng tạo nên những cây hoa đá trắng trên xứ sương mù vốn cũng đã nhiều hoa. Sắc thái đó của thời tiết lại trở nên quyến rũ, mơ màng và lôi kéo người Hà Nội.
Chúng tôi đi vào ngày đông tràn nắng. Những giải nắng vàng nhẹ như mây và mỏng như lụa rải khắp mặt đất. Nắng mỏng manh và dìu dịu. Cái khô hanh, se buốt chỉ còn rơi rớt đâu đó. Vượt qua cầu Trung Hà, thấy làng quê phóng khoáng và thoáng đãng khiến lòng con người cũng muốn trải rộng, cởi mở hơn. Hơi thở của đất gặp được nắng ấm như đã toát mạnh lên sau đợt gió mùa buốt giá. Vẫn là đấy quốc lộ 32. Con đường có bắt nguồn từ cái đường 32 của Thủ đô mà đôi khi tôi vẫn thấy có người gọi? Cũng đôi khi, tôi tự hỏi, sao giữa chốn phố xá ồn ào đông đúc lại có con đường mang cái số lạ lùng đó, nhưng rồi cái guồng xoáy cuộc đời cứ cuốn đi, cũng chỉ còn quên quên nhớ nhớ về một câu hỏi có phần nhẹ tếch, có phần bâng quơ, ngớ ngẩn của mình.
Lại là con đường như đã quen quen. Cảnh quen, đời cũng quen. Cứ ra khỏi nơi ồn ào đua chen của thị thành là lại bắt gặp cái cảnh quen quen đó. Cái vốn mộc mạc và chân chất trong con người trở lại. Ta lại được tắm mình trong hơi thở quê, nhịp điệu quê, nét đời quê. Ta như được về với cội nguồn, điểm xuất phát của cuộc đời mỗi con người. Những ý nghĩ đó gieo vào lòng ta một chút bâng khuâng, một chút xao xuyến và có cả một chút gì luyến tiếc nữa.
Vẫn là con sông Đà, vẫn là đấy sông Thao. Vi vút lau bên bờ sông đang mùa cạn nước. Lờ lững dòng nước trong veo khi chảy qua các bãi cát mênh mông. Cánh đồng làng quê đang thời ngơi nghỉ. Trơ đấy là những gốc rạ sau mùa gặt, những cây ngô sau kỳ bẻ bắp đang khô theo từng con gió lạnh từ phương Bắc. Mùa đông như đã thấm sâu vào đất, vào nước, vào cả cái không gian vắng lặng với những cây xoan gầy guộc mọc rải rác và nhiều nhất trên đường đi, lá như đã bắt đầu rụng, những chùm quả lúc lỉu không còn nữa mà là những quả xoan nhăn nhúm cuối mùa còn mắc lại thưa thớt trên cành cao, vẫn đung đưa chống chọi gió mưa và tiết trời buốt giá.
Cảnh chợ, cảnh người, cảnh phố xá các thị tứ, thị trấn dọc theo quốc lộ 32 cứ na ná như nhau. Lại cảm thấy thoáng bay qua nét buồn vì cái sự pha trộn, đua đòi, học mót một điều gì đó. Thỉnh thoảng vẫn thấy những ngôi nhà khang trang với mầu sơn lòe loẹt nổi lên trong cái không gian quê vốn luôn sẵn đẫy một mầu xin xỉn, xam xám, lam lũ quen thuộc. Thấy cái sự bon chen, lai lai đang gặm nhấm nét quê. Cảm như thấy bên cạnh mình thói đua đòi trưởng giả của những người nhờ thời mà cuộc sống phất lên hơn là cái sự giàu sang của một cái đầu biết lo toan tính toán.
Những người bạn của thành phố Yên Bái hiện đại hôm nay đón tiếp chúng tôi đầy tình người và chứa chất hương núi, hương rừng từ thủa nào đó cộng thêm cái vui gặp gỡ của những người đang cùng nghề viết làm cho cuộc chơi đậm đà hơn. Những câu thơ mang cái chất, cái hồn Yên Bái của Lê Thanh Bình vang lên. Trong tiềm thức, tôi vẫn nghĩ Yên Bái là xa xôi, là “mạn ngược”, là heo hút. Ngay trong thơ của Lê Thanh Bình cũng vẫn đau đáu cái ngày xa xưa, cũng có cái hoang dại, cái sơ sài, thô ráp cơ mà: “Bạn bè gặp, vỗ vai hỏi nhau/ mày ở cây số mấy/ cây số ba…” “ Những tiếng hú gọi nhau, chỉ người miền núi mới gọi nhau bằng cách hú…” “Lửa được đốt lên…” Người Yên Bái ngay đây còn cảm thấy như vậy huống hồ là tôi và nếu cùng ăn cơm với họ thì: uống rượu bắt tay, biết ngay Yên Bái. Cái hoang sơ mộc mạc thể hiện ở ngay trong bữa ăn, nó dân dã và chân tình lắm!
Nhưng Yên Bái xa xôi đâu thấm bằng nghe những cái tên tiếp theo: Mường Lò, Nghĩa Lộ và đặc biệt hơn nữa là Mù cang chải, đích cuối cùng của chuyến đi . Chặng đường hôm nay của chúng tôi là đến những nơi đó. Chắc nhiều người trong chúng ta đã nghe thấy những địa danh này. Ngày xưa còn đi học, tôi cũng từng được nghe và đọc sách nói về những địa danh đó nhưng chưa bao giờ lại nghĩ mình lại có dịp đặt chân đến những nơi này. Địa danh Nghĩa lộ cũng luôn gắn bó với địa danh Điện Biên. Nơi được vua Thiệu Trị vào giữa thế kỷ XIX đặt tên với ý nghĩa là vùng biên cương vững chắc. Tôi ngồi trên xe và hình dung cái chênh vêng vắt vẻo của con đường. Cha ông ta ngày xưa và cả ngày nay nữa, cũng chưa lâu lắm, mới khoảng ba, năm chục năm chứ mấy, còn đổ máu giữ biên cương chống quân xâm lược. Ngày xưa là ngay từ thời các vua Hùng ấy, rồi đến thời Tam quốc, thời Pháp thuộc, nơi đây đã trải qua bao cuộc chinh chiến và bao chế độ, dẫu là một tấc đất ở nơi đèo heo hút gió này, cuộc sống mông muội hoang sơ này, ông cha ta vẫn phải giữ bằng được.
Vượt gần trăm cây số, chúng tôi đến Nghĩa Lộ. Cái tỉnh đặc biệt vùng Tây Bắc này đã bao lần hợp tách. Đọc trên mạng thấy đất này được hình thành từ thời các Vua Hùng. Thời Tam quốc, hết nhà Ngô đến nhà Tần, nhà Tuỳ cai trị. Thời nhà Lý thuộc tỉnh Hưng Hoá. Thời Pháp thuộc hạt Nghĩa Lộ, trực thuộc đạo quan binh thứ 4, miền Thượng du Bắc kỳ. Đến thời nay, Nghĩa Lộ cũng đã từng thuộc Khu tự trị Thái Mèo, đến khu tự trị Việt Bắc, nằm trong tỉnh Hoàng Liên Sơn, rồi ngày nay về với Yên Bái. Cũng còn có mấy huyện sáp nhập vào Sơn La, Lai Châu nữa. Với những lần tách nhập như vậy, chắc hẳn vị trí địa lý và sự phát triển kinh tế, xã hội của Nghĩa Lộ cũng có những điều đặc biệt.
Thị xã Nghĩa Lộ bao trùm cả cánh đồng Mường Lò nổi tiếng vùng Tây Bắc. Ai qua đây chẳng biết câu nói truyền miệng: nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc. Nơi đây nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, dệt thổ cẩm và du khách cũng chẳng thể quên được điệu xoè uyển chuyển mà tình tứ đong đưa của các cô gái Thái. Đây chính là trung tâm kinh tế xã hội của miền Tây Yên Bái với 12 dân tộc chung sống cùng nhau.
Đường chúng tôi đi vượt qua những đồi núi đầy thông. Phải đến hai chục cây số vòng vèo qua những núi đồi thông như vậy mới đến huyện lỵ Mù cang chải. Với độ cao trên 1000 mét, nơi đây có khí hậu ôn đới hài hoà. Nhiệt độ trung bình cả năm chỉ 22, 23 độ. Giống Đà Lạt mộng mơ thế. Cũng thông vi vút bốn mùa và hiên ngang trước trời đất, cũng đồi núi trập trùng xanh mầu huyền thoại hoang dã, và cũng các cô gái dân tộc má hồng eo thon như trăng non e ấp, dịu dàng, những đức tính riêng của phụ nữ được gia đình giáo dục và rèn dũa từ những ngày còn thơ bé.
Mù cang chải, cái tên đọc lên thấy xa lơ xa lắc là đây ư? Gần vào đến trung tâm, chúng tôi gặp hai cô bé gánh lau trắng bồng bềnh trên vai. Gánh lau sải chân lên dốc che mất dáng người. Hai cô đi lấy lau về làm chăn. Hỏi các cháu bao nhiêu tuổi. Chúng cháu mười sáu. Hỏi các cháu có chồng chưa. Chúng cháu có rồi. Nói lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn. Cười xinh quá, vẫn trong veo ngây thơ của lứa tuổi trăng tròn. Hai gánh lau lại đi. Nhớ Ngô Văn Phú với câu thơ “Mấy cô má đỏ hây hây/ đội bông như thể đội mây về làng”. Hai cô cũng đang bận gánh mây trắng về nhà để vun vén, xây tổ ấm gia đình. Người nơi đây ăn ngủ đều hoà quyện cùng với thiên nhiên, bên cạnh thiên nhiên là thế! Chẳng vậy mà lòng ta cứ ngỡ đó là hoang sơ, đó là tinh khiết. Cũng tại đây ta thấu hiểu sạch trong như nước suối nguồn là như thế nào.
Nói đến Nghĩa Lộ, Mù cang chải hay Mường Lò ta không thể quên những nắm xôi, bát cơm nấu từ những hạt gạo sản sinh ra từ những mảnh ruộng nơi đây. Cánh đồng Mường Lò mênh mông chỉ trơ những gốc rạ. Những thửa ruộng bậc thang đã được tôn vinh là những điểm du lịch đặc biệt cũng trơ gốc rạ. Nhìn toàn cảnh các ruộng bậc thang mới thấy sự hoành tráng, mới thấy công sức con người của biết bao thế hệ đã đổ ra. Đất đai đang thời kỳ được hồi sức, nghỉ ngơi sau cuộc sinh nở. Vẫn đây đó có những vạt ngô xanh xanh đang chờ ngày bẻ bắp và ngay tại thị trấn, chúng tôi cũng bắt gặp những bông ban đỏ trái mùa. Tất cả những trái vụ, trái mùa đó chỉ nhắc nhở cho chúng tôi một vùng đất có những đặc sản khó quên, từ lâu đã đi vào tiềm thức con người. Đã đến là người ta nhớ ngay. Hoa ban đẹp một nét riêng trên xứ sở của nó. Trên đường Bắc Sơn ở Thủ đô, hoa ban có màu trắng tim tím. Hoa ban nơi đây mầu đỏ. Có phải đất nơi đây đã thấm nhiều máu cha ông ta từ những ngày xưa giữ nước để có được mầu hoa đó
Đối với mọi chuyến đi, ấn tượng về thiên nhiên của địa phương là một trong những điều luôn được ghi nhớ sâu đậm. Vượt dốc đèo, ngắm thắng cảnh trên đường đến huyện miền Tây Yên Bái Mù cang chải là một kỳ thú. Cảm giác say say hư thực. Nhìn lên trên cao: thấy chênh vênh bởi đường mở toàn trên triền núi với mờ mờ mây và sương. Nhìn xuống phía dưới: đoạn đường xe vừa qua đâu có xa, chỉ cách ta vài chục mét, cùng lắm là vài trăm mét mà mất cả nửa tiếng đồng hồ lượn lèo. Con đường nhựa trải thảm đen sì như một con trăn rừng khổng lồ, vắt vẻo qua triền núi này sang triền núi khác, lúc ẩn lúc hiện như trẻ chơi trò ú tim, khi lộ ra dưới ánh nắng lúc mờ đi lẫn vào đám cây cối mờ sương. Trong xe đôi lúc mọi người lặng đi trước cảnh thiên nhiên hùng ví, hiểm trở và với người thành phố, vùng đất này vẫn đẹp một cách nguyên thuỷ sơ khai như thủa con người mới khai thiên lập địa.
Chè Suối Giàng nổi tiếng mọc trên độ cao 1000 mét cũng là một đặc sản khó quên. Truyền thuyết nói rằng đây là đặc sản của trời, quà của trời ban. Nghiên cứu của các nhà khoa học nói rằng đây là nguồn gốc thuỷ tổ của các loại chè hiện nay trên thế giới. Thôi thì chúng ta là người trần mắt thịt, hãy hưởng hương vị khó quên của trời đất nơi đây, từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời cỡ trăm năm, già hơn, nghe nói đến ba trăm năm. Chúng tôi ôm những gốc chè có hình thụ kỳ dị, ghi lại hình ảnh những phút giây được lơ lửng giữa đất trời, bởi nơi đây cứ thoắt cái là mây che phủ, cảm giác bồng bềnh chốn bồng lai. Thú vị và vui lắm chứ! Một chút xuân tươi trở lại với những con người đều đã cỡ ngoài “tri thiên mệnh”.
Và cứ bồng bềnh như thế, say say như thế, chúng tôi rời độ cao trên 1000 mét. Con đường về lại ngoằn ngoèo bên những núi, những vực. Lại muốn được hỏi quá khứ chưa xa: Đường kéo pháo của cha anh ta ngày xưa như thế nào nhỉ?
* Thơ của Lê Thanh Bình trong trí nhớ tác giả