Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỄN THI SĨ HOÀNG CẦM ÔNG LẠI VỀ BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

Tân Linh
Thứ ba ngày 11 tháng 5 năm 2010 5:15 AM

Tiễn Thi sĩ Hoàng Cầm
 
Chiến bào một thủa rách mấy bận
Quan trường áo mão hóa đau lòng
Văn chương thơ phú đeo duyên nghiệp
Đào hoa, đời mấy kẻ như anh

Thi bệnh phong tình nhân gian khó chữa
May không tìm được Lá diêu bông
Mưa Thuận Thành nhớ Bên kia sông Đuống
Anh giờ về “Về Kinh Bắc”, “Gọi đôi không?
 

Tiễn biệt thi sĩ Hoàng Cầm:
Ông lại về Bên kia sông Đuống


Sáng ngày sáu tháng Năm Canh Dần, ông thôi kiếp phù du về kiếp khác. Chiều 11 tháng Năm này, gia quyến bạn hữu, người yêu thơ sẽ đến tiến ông tại Nhà tang lễ bộ Quốc phòng, tiễn hồn thi sĩ về Kinh Bắc
  Mười bảy năm trước lần đầu tôi đến thăm ông. Căn nhà ấy cũ kỹ và buồn rạc như chủ nhân của nó. Ông ngồi đó nhìn xa xăm như đương hoài nhớ miền Kinh Bắc, nơi đã lưu lại hồn thơ ông những kỷ niệm đẹp để cho thi ca Việt những áng thơ tuyệt bút. Cái miền Kinh Bắc ấy ông đã ra đi và bây giờ thì ông đã trở về.
Sáng ngày 8/5 Nhà báo Thế Khoa gọi cho tôi bảo cái câu Cúi lạy mẹ con lại về Kinh Bắc đã được ông sửa lại một lần. Nguyên văn câu thơ ấy là Con xin mẹ con trở về Kinh Bắc. Vâng! Từ rất lâu, nghĩa lúc bình sinh Người đã mong được về cố quận. Nơi ấy người đã ra đi, đã trải bao thành bại sau 89 mùa Xuân đằng đẵng cuộc đời….
  Bảy năm trước lúc tôi đến, ông có vẻ yếu hơn và câu chuyện của ông có chiều sau chót, khi Người thơ Kinh Bắc có ý trao gửi những câu chuyện đời mình - đời người trai Kinh Bắc. Đó là cuộc đời của một chàng trai lãng mạn yêu đương mang tâm hồn thi sĩ bước vào cách mạng, được trui rèn trong trường chiến trận và sự nghiệt ngã của thời cuộc.
  Bùi Tằng Việt là cái tên được ghép từ những địa danh của làng xa nơi ông sinh ra Phúc Tằng - Việt Yên trên Bắc Giang. Cái năm Nhâm Tuất 1922 ấy có một tài năng thơ ca ra đời trong một gia đình nhà nho nghèo. Cậu bé Bùi Tằng Việt lớn lên giữa cái nôi Kinh Bắc, đắm mình trong hội hè đình đám, giữa những liền anh liền chị Quan họ và chàng thiếu niên ấy từng mê đắm vẻ đẹp của di sản quê hương qua những đêm Quan họ, qua dải yếm sồi, váy chùng Đình Bảng… Lớn lên được ra Hà Nội ăn học trưởng thành rồi theo nghiệp bút nghiên đất Kinh kỳ. 
Người thi sĩ ấy như bao thanh niên khác đã nhập vào hàng ngũ cách mạng kháng chiến. Năm 1944, lúc mới ngoài hai mươi ông đã lập đội kịch Đông Phương diễn kịch phục vụ suốt vùng Đông Bắc. Sau cách mạng tháng Tám ông tham gia hoạt động  văn hóa và năm 1947 thì vào Vệ quốc đoàn thuộc chiến khu 12. Tại đây đội văn công đầu tiên của quân đội ra đời đi phục vụ chiến dịch. Năm 1952 ông là Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị tham gia phục vụ chiến đấu khắp các chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc. Cuộc chiến tranh ấy đã cho ông vị trí cao vời của người nghệ sĩ: Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị. Cũng mũ lưới, áo trấn thủ bao nhiêu năm cùng chiến sĩ ngoài mặt trận, từng được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quý mến, ủng hộ khi anh đem quan họ ra chiến trường…. Nhưng cuộc chiến tranh ấy đã đánh mất hai người đàn bà của đời ông. Người vợ đầu “Cô hàng xén răng đen” sinh đứa con thứ 2 trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc men ăn uống đã bỏ ra đi khi ông đương ngoài mặt trận. Ngày nghe tin vợ mất, ông lần tìm về Kinh Bắc thì cỏ đã xanh trên mộ. Rồi Tuyết Khanh, người đẹp đất Hải Phòng từng theo ông diễn kịch thơ Kiều Loan khắp xứ, từ chiến khu nghe tin mẹ ốm đã bồng theo đứa con gái Kiều Loan băng rừng về đất cảng rồi theo người lính Pháp di cư vào nam bỏ lại kháng chiến một Hoàng Cầm đau thương uất nghẹn… Ngỡ nỗi đau đớn cũng đã tột cùng như vậy, nhưng ngờ đâu ngày hoà bình về Hà Nội, sự nghiệt ngã của số phận lại ập đến với thi nhân. Ba mươi năm ông lặng lẽ về căn nhà trên phố Lý Quốc Sư, mở quán rượu nhỏ âm thầm sống cùng những câu thơ… Cái án văn chương hơn bốn mươi năm mới được cởi, và vinh quang cũng đến muộn mằn, tận đến năm 2007 vơí Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Đó là một người trai ái quốc và cũng là người chuộng ái tình. Yêu nước mình, ông vẫn làm thơ về quê hương đất nước. Dẫu bị án chữ nghĩa ba mươi năm nhưng ông không oán hận. Thi sĩ từng nghĩ đến sự ấu trĩ của những cá nhân cụ thể. Người đã sống lặng lẽ và tận hiến cho thi ca… Hãy đọc lại Hận Nam quan để hiểu lòng người trai 18 tuổi yêu nước khi xưa:  Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan…/ Cha nguyện cầu con lấy lại giang san… Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắt/ Bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?/ Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang/ Về tàn sát những người dân vô tội...
Bên kia sông Đuống, có thể nói là một trường ca mang bi kịch chiến tranh, nhưng thi sĩ đã kịp hoài niệm về đất nước với khát vọng hòa bình yên vui. Bên kia sông Đuống gơị nhớ lòng căm thù quân giặc và ý chí vệ quốc mãnh liệt: Sông đuống cuồn cuộn trôi/Để nó cuốn phăng ra bể /Bao nhiêu đồn giặc tơi bời…Bao giờ về bên kia sông Đuống/Anh lại tìm em/Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông…
  Nếu như trong kháng chiến chống Pháp ông có Bên kia sông Đuống, bài thơ đã đưa ông vào hàng các nhà thơ tên tuổi thời ấy cùng với những kịch thơ Hận Nam quan, Kiều Loan, Tiếng hát quan họ… thì mấy chục năm cuối đời ông “bùng nổ”  bằng mảng thơ trữ tình mang hơi hướng cảm xúc duy mỹ. Những tập Lá Diêu bông, Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc, 99 tình khúc đã dựng nên một tượng đài thơ trữ tình mang tên Hoàng Cầm… Nếu có một trường phái thơ duy mỹ thì ông là ngọn núi đột ngột cao vời. Thơ Hoàng Cầm mộng mị và ám ảnh tình yêu nhưng lại mang chất dân gian thấm đẫm với một giọng điệu khác thường … Nửa thế kỷ  qua ông đã làm nên điều kỳ diệu nhất mà đôi khi chính ông cũng không ngờ tới, là làm nên một chân dung thơ trữ tình duy mỹ. Cái đẹp thơ ông chính là sự tìm tòi mà vẫn không thoát ly hồn dân tộc: Bài thơ Đêm thổ là một cách tân lại vẫn mang hồn vía dân gian: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng qua sông…Bài thơ mang nét nhạc mới, nhịp điệu mới và tuỳ hứng vô cùng. Hãy đọc cái tinh thần từng câu từng chữ để hiểu thơ ông. Nó xa lạ với cái cách cổ điển nhưng lại quá gần gũi bởi cái hồn nhiên mộng mị hồn người: Lại xót mắt em mi trường khép bóng/Lưng thon cắm sào em đợi…(Theo đuổi) hay Yếm sồng nén nghẹn búp thanh xuân(Phật Tích). Thơ Hoàng Cầm nhiều mộng ảo, gợi tình xa xôi và vì thế ám ảnh người ta. Nhưng cao hơn cả ở thơ Hoàng Cầm là ông đã đem cái hồn Kinh Bắc vào thơ. Ông đã vẽ nên không gian văn hoá Kinh Bắc, ông bảo tồn di sản Kinh Bắc trong thơ mình đến khéo. Cái yếm hay môi trầu là một ám ảnh văn hoá gắn với người con gái Bắc bộ: Gái Tam Sơn đò đẫn môi trầu/Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt…Vâng! Di sản của ông là thơ tình và hồn vía Kinh Bắc.
Thế là ông đã trở về Kinh Bắc với Bên kia sông Đuống như hơn một lần thi sĩ từng mong. Cúi xin mẹ con trở về Kinh Bắc. Bây giờ thì ông vĩnh viễn trở về miền Kinh Bắc ám ảnh. Nhưng tôi tin những câu thơ của ông bất tử. Bất tử bởi nó gắn với tình yêu và hồn dân tộc. Đôi dòng xin thay nén nhang thơm tiễn đưa Thi sĩ về miền An Lạc…
 HN ngày Chủ nhật,  9/5/2010