Tôi đọc bài thơ Nước mắt tháng giêng của nhà thơ Thái Thăng Long trên báo SGGP vào những ngày cuối tháng 3 năm 2010, và đến tận bây giờ vẫn bị ám ảnh “Người khóc là người còn ở lại” … Có thể coi Nước mắt tháng giêng là nén hương thơm ngậm ngùi tiễn biệt tác giả Màu tím hoa sim về cõi vĩnh hằng.
Những ngày đầu tháng 5 này, có thêm nhiều nén hương tiễn biệt ngậm ngùi như thế, trước sự ra đi của nhà thơ xứ Kinh Bắc tài hoa Hoàng Cầm.
Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần đọc, nói trước học trò về bài thơ Màu tím hoa sim, lòng vẫn thầm mong – như đã nhiều lần tuyên bố với học trò, rằng bài thơ sẽ sớm có mặt trong chương trình học của các em. Khi nghe tin nhà thơ Hữu Loan qua đời, tôi thêm một lần nữa ngậm ngùi : bài thơ ấy …
Rồi chương trình ¬- SGK mới, đưa bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm xuống phần đọc thêm (trước kia học chính thức) tôi cũng lại thấy ngậm ngùi. Không biết bao nhiêu thế hệ người đọc, người học đã để những câu thơ về xứ Kinh Bắc neo đậu đâu đó trong lòng mình : “Em ơi buồn làm chi – Anh đưa em về sông Đuống …”. Dù nói thế nào, thì khoảng trống vắng những lời giảng về Bên kia sông Đuống đối với người dạy văn vẫn chưa bù đắp được.
Số phận của một bài thơ, nói cho cùng, không phụ thuộc vào việc nó được xuất hiện ở đâu, mà là chỗ đứng của nó, sức lan tỏa của nó trong lòng người đọc. Đây là mối hạnh ngộ, đồng thời cũng là đích đến kì diệu nhất của công việc làm thơ – của công việc đọc thơ; lí giải vì sao những Màu tím hoa sim, Bên kia sông Đuống, Lá Diêu bông … vẫn đây đó được viết nắn nót trên những trang giấy trắng học trò đầu thế kỉ XXI.
Chỉ với Lá Diêu bông, Hoàng Cầm đã được định danh như một trong những thi sĩ đa tình nhất của thế kỉ mình. Tôi muốn nói thêm, chính thi sĩ, bằng thành thực lòng mình, đã đánh thức, nói hộ người đọc những khát khao cháy bỏng dồn nén, để tạo nên một cuộc hạnh ngộ bất ngờ. Lá Diêu bông và tính chất mơ hồ, huyền ảo của nó chính là cái ‘vỏ” hình thức phù hợp nhất chứa đựng một nội dung rất thực : tình yêu đích thực, một phía thật hư ảo, chập chờn, khó nắm bắt như tất cả những gì không có thật trên đời nhưng cũng lại là tình yêu mãnh liệt nhất, cháy sáng nhất. Lâu nay, người đọc thơ dường như chỉ chú ý đến “em” – hiện thân của thi sĩ đa tình, mà như đã quên mất nỗi lòng của nhân vật “chị”. Chẳng cần phải mất công tìm kiếm, cũng thấy rõ cả hai nhân vật “chị” – “em” trong bài thơ đều có những ngóng trông, khắc khoải, chỉ có điều những ngóng trông, khắc khoải ấy không cùng chiều, cùng hướng mà thôi. Tình yêu thủy chung, mãnh liệt của “em” (thể hiện trong sự lặp lại bền bỉ của hành động kiếm tìm, trong sự tiếp nối của thời gian : Hai ngày - Mùa Đông sau – Ngày cưới chị - Chị ba con - Từ thuở ấy ) được đặt trong thế đối lập với hàng loạt phủ định : Chị chau mày - Chị lắc đầu - Xòe tay phủ mặt chị không nhìn… Có một điều vừa giản đơn vừa phức tạp : thứ lá mà em tìm thấy, với chị, đâu phải là lá Diêu bông ? lá Diêu bông không tìm thấy, mà cuộc đời thiếu nữ thì đã đi qua, chỉ còn chống chếnh “Gió quê vi vút gọi” … Bài thơ đậm chất nhân văn, đưa người đọc đến với một tình yêu đi theo suốt một đời người, đưa người đọc đến với nỗi khắc khoải trống vắng cũng suốt một đời người, và đọng lại ở họ nhiều nhất ý nghĩa của sự kiếm tìm !
Một chút cùng Lá Diêu bông – xin thắp một nén hương tiễn biệt Hoàng Cầm - nhà thơ tôi yêu quý và ngưỡng mộ !
TP. HCM, ngày 7/ 5/ 2010.
HT