Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA TIỂU PHẨM CỦA ĐỖ QUỐC BẢO

Đỗ Quốc Bảo
Thứ tư ngày 12 tháng 5 năm 2010 5:47 AM
chống xuống cấp…thơ

 Đỗ Quốc Bảo
 
Nghe đài báo ì  xèo chuyện lạm phát thơ, thơ lạm phát, ông thấy chạnh lòng. Chả gì ông cũng nằm trong diện bị lôi ra mổ xẻ theo kiểu “bỏ chung một rọ”. Ông mà lại chịu thua thiên hạ về tài thơ sao? Ông bèn nghĩ ra một kế để phân biệt mình với những “nhà thơ xuống cấp”. Bắt đầu bằng việc cho in hàng loạt các-vi-dít: “Thi Gia - nhà thơ - Chỉ viết thơ hay”.
Ông cho in đậm dòng chữ “chỉ viết thơ hay”. Đúng, với ông, không thể tham gia dạng thơ phong trào, làm thơ bị tiếng oan và nhà thơ cũng mang tiếng nốt.
Ông khép mình và kỉ luật: lúc sáng tác là đóng cửa, ngồi bàn cũng tám tiếng như công chức. Không được dễ dãi làm hỏng thơ đi. Ngày tháng trôi qua, từng chồng bản thảo đè lên nhau, dày mãi thêm. Ông dự tính sẽ in dần, mỗi lần một ít, đề giá thật cao. Thậm chí, chỉ in để tặng bạn bè, nếu bạn đọc có năn nỉ mới in nối bản để bán.
“Hữu xạ tự nhiên hương”. Xa gần nghe tiếng ông. Ông được mời lên làm chân biên tập một tạp chí mà trang thơ đang báo động về cái sự thiếu vắng… thơ hay. Ông tự cười vì thấy bây giờ mình mới có đất dụng…võ (lẽ ra phải là dụng… văn mới phải). Ông đọc ngày, đọc đêm, cố gắng tìm trong núi bài vở những sáng tác tốt hầu giới thiệu với bạn đọc. Càng ngày ông càng trở nên nghiêm khắc với chính mình. Tạp chí của ông, từ chỗ vô danh, được bạn đọc cả nước biết đến, trong đó có phần công sức của ông.
Nhưng, bài vở ngày càng gửi về nhiều mà hình như chất lượng có chiều… giảm sút. Đầu tiên, ông xử lí bằng cách rút những bài mình sáng tác trước đây, đề bút danh để thế chỗ. Sau, ông đánh tiếng với bạn bè là những cây bút tiếng tăm gửi bài về. Khổ nỗi, ban đầu chẳng sao còn về sau, thơ họ hình như cũng… xuống cấp. Thiếu tên họ thì nguy cho uy tín của chí. Nhưng ông - một người hết lòng vì nghệ thật - chẳng lẽ lại chấp nhận thơ dở?
Ông đưa ra giải pháp lui xuống in hai tháng một kì tạp chí, rồi một quý một kì, sau nữa là nửa năm một số. Có vẻ như tạm ổn.
Còn cái chuyện tổ chức Chuyên san Thơ mới thật nhức đầu. Hô hào hội viên gửi bài về rồi thất vọng vì thơ… dở quá. Chẳng lẽ lại rút bài của mình làm riêng một số với ba bốn chục bút danh? Thơ ơi là thơ, chẳng lẽ người ta nói đúng là thơ đang xuống cấp? Không, thế thì bi quan quá! 
Ngồi một mình trong phòng, ông nghĩ lan man. ừ nhỉ, nào đã có ai dám từ chức hoặc xin nghỉ hưu non vì không chấp nhận thơ dở. Hay ông là người tiên phong chăng? Mà nghỉ hưu rồi có đoạn tuyệt được với thơ không?
Đang mơ mơ màng màng, ông bỗng choàng tỉnh khi cô thư kí văn phòng mở cửa gọi với vào:
- Có năm giấy mời dự hội thảo thơ ở nhà máy X, Y và tiểu khu D, K, Z. Người ta mời đích danh, anh từng bỏ lỡ!
 
 
Siêu bảo hiểm
 
 
 Nghe đài báo quảng cáo rầm rộ về các loại hình bảo hiểm độc chiêu xưa nay chưa từng có, ông Kễnh gật gù ra vẻ đồng tình với cách tiếp thị của các hàng bảo hiểm nước nhà lắm. Thật thế, nếu như một cá nhân được bảo hiểm “tận răng ” theo cách nói bỗ bã của mấy nhân viên trong cơ quan thì khỏi phải lo tai nạn, rủi ro nào hết. Thậm chí, cả mấy con vật nuôi, các thứ đồ dùng quý hiếm cũng được bảo hiểm hết.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, vẻ hào hứng trên khuôn mặt ông biến mất, thay vào đó là sự âu lo mà cậu thư kí nhanh ý phát hiện được. Ông Kễnh khoát tay gọi cậu đến bên, bảo:
 - Cậu phôn cho tay giám đốc hãng X. đến đây ngay!     
 Chỉ chừng mươi phút, giám đốc công ty bảo hiểm Đại Đại đã có mặt. Ông Kễnh bảo:
 - Ông đã đoán được công việc tôi thuê các ông chưa?     
 Vị giám đốc lướt qua gương mặt ông Kễnh, dè dặt:  
 - Chắc ngài có tài sản quý cần bảo hiểm?   
Ông Kễnh lắc đầu.
- Hay là ngài định bảo hiểm cho quý cô quý cậu nào trong nhà ta ạ?
Ông Kễnh vẫn lắc đầu, miệng thoáng nụ cưới bí hiểm, vẻ cao ngạo.
Ông giám đốc không kiềm chế được trước sự úp mở của ông Kễnh, tung ra chiêu bài cuối cùng:
- Chắc ngài định bảo hiểm “ của quý ”?  
Ông Kễnh xua tay:
- Thôi, thôi, ông làm việc với thư kí của tôi. Cố gắng lo cho đẹp, phí đóng bảo hiểm khỏi lo, sáu con số hay chín con số không phải suy nghĩ!   
  Một giờ sau, theo thư kí của ông Kễnh tiết lộ, ông Kễnh thuê bảo hiểm hai khoản với mức phí thuộc hạng “ siêu ”: một là bảo hiểm bàn tay phải, cái cơ quan luôn phải làm việc hết công suất với chức năng kí, kí đến mỏi tay( kí ra tiền ); hai là bảo hiểm lưỡi, cái cơ quan phải hoạt động 26/30 ngày một tháng bởi những cuộc họp liên miên ( họp chồng chéo, họp tuỳ hứng…nhưng đều có…phong bì ).
Tuy nhiên, hai bên không kí được hợp đồng. Ông giám đốc hãng bảo hiểm Đại Đại sau những phút mở cờ trong bụng trước sự “ vô tư ” của khách hàng thì phát hoảng, kiếm bài… chuồn. Ông ta bảo vị thư kí của ông Kễnh:  
 - Tôi không dám nhận vì: bảo hiểm tay có khi bị còng số tám phá vỡ hợp đồng, còn bảo hiểm lưỡi, cái lưỡi vốn ngoắt ngoéo thế, biết đâu mà lường. Giả dụ, trong một tình huống nào đấy, ông ấy được lệnh phải…cấm khẩu thì biết đâu mà lần?     
 Nghe nói ông Kễnh bực mình lắm nhưng sau đó cũng chẳng dám mời tiếp đối tác bảo hiểm nào nữa.

Siêu kịch câm hiện đại
 
 
Chuyện bên Tàu: Lưu Bị ba lần mời Gia Cát Lượng xuống núi bàn kế sách thì hầu như ai cũng biết. Theo đó, trước khi nhận lời xuống núi, Gia Cát Lượng đã đặt một điều kiện là mời Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi phải đối thoại bằng… tay. Lưu Bị và Quan Công chẳng hiểu sự thể làm sao, không dám nhận lời. RiêngTrương Phi sốt sắng nhận ngay. Kết cục là sau bốn lần hai bên “chỉ trỏ”, Gia Cát Lượng và Trương Phi đã cố gắng… hiểu được nhau vì họ chỉ nghĩ đến nghiệp lớn, nghiệp chung của những anh hùng trong thời loạn.
Chuyện nay: ở xứ “văn minh” nọ, có một anh chàng muốn được kết nạp vào hội “tham” bèn tìm đến ông Trùm đặt vấn đề. Ông Trùm học tích Tàu cổ, bèn ra điều kiện đối thoại “không lời” bằng… tay để bắt bí anh kia, cũng là cách từ chối khéo, ai dè anh chàng kia nhận lời ngay. Cả bốn lần hai bên giơ ngón tay ra “nói chuyện” đều giống hệt trong sách cổ. Kết cục, ông Trùm hài lòng và đồng ý kết nạp anh ta vào hội.
Được hỏi về “câu chuyện”, ông Trùm giải thích: tôi chỉ tay lên trời để chứng tỏ chuyện đó chỉ có trên trời, anh ta chỉ xuống đất ý nói chuyện hiện thực ở đất này. Tôi giơ một ngón tay ý rằng “chó khôn chỉ có một chủ”, anh ta giơ ba ngón tay ý nói “thế ba chân kiềng: lệnh ông, cồng bà và anh ta”. Tôi vỗ tay ba lần ý rằng “ba mươi phần trăm” cho tôi, anh ta vỗ tay chín lần cho rằng “Cả chín phần đi, tôi chỉ xin một”. Tôi vẽ vòng tròn trên ngực ý rằng phải thề độc, giữ kín; anh ta chỉ vào túi cho rằng sếp đã nắm cái túi tức là nắm dạ dày, chẳng có gì phải lo.
Còn anh chàng tân binh hội “tham” thì giải thích: sếp chỉ tay lên trời ý rằng chuyện này chỉ có trời biết, tôi chỉ xuống đất rằng còn có đất biết. Sếp giơ một ngón tay gợi ý “vấn đề đầu tiên”, tôi giơ ba ngón tay ý nói “ba lần đầu tiên cũng nhất trí”. Sếp vỗ tay ba lần ý rằng “ba vụ thử thách”, tôi vỗ tay chín lần cho rằng “Cả chín  lần luôn”. Sếp vẽ vòng tròn trên ngực ý rằng vẫn phải tu tâm, tôi chỉ vào túi cho rằng chúng ta chỉ cần “tu túi” cho nhau, tức là đã có “tâm” với nhau.
Duy có điều kết thúc khác xưa một chút: sau một số năm cùng hội cùng thuyền, cả ông Trùm và tôi tớ “hội tham” cùng vào nhà đá. Thỉnh thoảng, trong  giấc mơ, họ lại giơ tay đếm, đút (tiền) trong đêm tối.
 
  Địa chỉ :   Đỗ Quốc Bảo
        ( Ngọc Mỹ - Quốc Oai - Hà Tây )
 ĐT : 034.844 003; 0913.397419